Thông tin truyện

Làm Vợ Hai

 Tác giả:

 Thể loại:

Truyện Việt

 Tình trạng:

Đang tiến hành 10 Chương
Đánh giá: 10 /10 từ 0 lượt

Truyện Làm Vợ Hai – Phạm Kiều Trang

Tên truyện: Làm Vợ Hai.
Thể loại: Thực Tế.
Tác giả: Phạm Kiều Trang.
Trailer:
Tôi kém anh ta khoảng 8, 9 tuổi gì đó, cũng không nhớ rõ, chỉ biết khi bắt đầu có nhận thức thì đã thấy anh ta ở nhà tôi.
Bố mẹ anh ta là người làm cho gia đình tôi, không có tiền, dắt díu đứa con trai nhỏ đến ở ké trong gian chứa đồ chật hẹp, cậu bé gầy gò chui rúc ở đó cứ thế lớn lên.
Cho đến năm tôi 6 tuổi, vào một buổi sáng thức dậy đã thấy dãy nhà dưới xôn xao, tò mò chạy xuống mới thấy gian chứa đồ đang bốc khói nghi ngút, hai người mềm nhũn được khiêng ra từ trong đó, cậu nhóc gầy gò kia mặt mày dính đầy muội than, vừa khóc vừa chạy theo:
– Bố ơi, mẹ ơi. Bố mẹ đừng c.hế.t mà.
– Đừng bỏ con một mình, bố ơi, mẹ ơi.
Một chú người làm đẩy cậu nhóc đó ra, thân thể cậu ta rất gầy, không chống đỡ được liền ngã lăn ra.
Anh trai tôi đứng trên cầu thang mắng:
– Mới sáng sớm ầm ỹ gì thế, có câm mồm ngay cho ông không?
Đám người làm nhao nhao:
– Bọn họ bị ngạt khí than, yếu lắm rồi. Cậu cả, phải đưa bọn họ đi bệnh viện thôi.
– Để cho bọn chúng ch.ết hết đi, điếc tai ông ngủ. Bọn chúng ch.ết thì liên quan quái gì đến ông hả?
Đám người làm không biết làm sao, khựng lại nhìn nhau, trong sân chỉ có tiếng nức nở khe khẽ của cậu nhóc đó. Anh ta bò lại gần ba mẹ, lại ngẩng đầu nhìn về phía anh trai tôi, lẩm bẩm xin anh cả cho đưa ba mẹ mình đi bệnh viện, mười đầu ngón tay bấu chặt lấy nền sân, tứa m.á.u.
Tôi sợ máu, vội vã co rúm người lại, chạy tới chỗ anh hai trốn.
Anh cả nhìn thấy tôi thì ánh mắt lập tức thay đổi, ngồi xổm xuống, xoa đầu tôi:
– Cơm Nắm, sợ à?
Tôi nước mắt lưng tròng gật đầu, lại níu tay áo anh cả lắc lắc:
– Anh cả, cho bọn họ đi đi. Cơm Nắm sợ lắm, bọn họ khóc đau tai Cơm Nắm.
Anh cả hơn tôi 7 tuổi, ngỗ ngược, không ai dạy bảo được, không những nhổ nước bọt vào mặt người giúp việc, còn thường xuyên vô cớ đánh cậu thiếu niên gầy gò kia.
Nhưng anh cả hung ác với cả thế gian, lại trừ tôi!
Anh cả lau nước mắt cho tôi, gật đầu:
– Ừ, cho bọn họ đi. Cơm Nắm vào ngủ tiếp đi, anh cả cõng Cơm Nắm đi ngủ nhé?
– Dạ.
Ngồi trên lưng anh cả, khoé mắt tôi liếc thấy đám người làm lại tiếp tục khiêng hai cơ thể mềm nhũn kia ra khỏi nhà. Tôi cứ tưởng họ sẽ c.hết, nhưng mấy ngày sau lại thấy cậu thiếu niên kia quỳ trước sảnh lớn nhà tôi.
Tháng 11 trời mưa tầm tã, trong nhà bật điều hoà chế độ sưởi nhưng tôi vẫn cảm thấy lạnh. Bên ngoài gió rít từng cơn, hạt mưa trắng xoá đổ qua đỉnh đầu người đó, vai anh ta trĩu nặng nước mưa.
Anh cả tôi nói:
– Mặc kệ thằng ch.ó c.hế.t đó.
Bố tôi trầm ngâm hút xì gà, mắt nhìn đăm đăm ra bên ngoài:
– Bố mẹ nó sắp c.hế.t, rồi nó cũng ch.ết thôi. Cái thứ nghèo rách, còn muốn đòi tiền nằm phòng ICU
– Ngạt khí ch.ết não rồi, nằm ICU làm quái gì chứ?
Sau đó tôi nghe thím giúp việc nói do trời lạnh, bố mẹ anh ta đóng cửa sưởi than tổ ong, ngạt khí CO, đưa đến bệnh viện nghe nói đã chế.t não, con trai của bọn họ là chàng thiếu niên đó không bỏ cuộc, muốn cho ba mẹ tiếp tục được thở oxy nên mới chạy về đây quỳ dưới mưa, xin ba tôi cho ứng trước tiền làm công 20 năm.
Rút cuộc, khi cơn mưa sắp tạnh, ba tôi mới mở cửa, lạnh lùng nhìn chàng thiếu niên kia:
– Bố mẹ mày coi như ch.ết rồi, mày còn dám đến đòi ứng trước tiền làm công cho nhà tao 20 năm? Chế.t rồi thì tao đòi ma làm công cho tao hả? Đến kho chứa đồ nhà mày làm hỏng của ông, ông đây còn chưa bắt đền.
Vai chàng thiếu niên đó run rẩy, quai hàm cứng ngắc, cố gắng mãi mới có thể thốt ra được mấy từ:
– Cháu làm công 20 năm cho chú, chú giúp cháu, cho cháu ứng trước một số tiền. Đời này gia đình cháu nợ ơn chú.
– Cho mày vay tiền rồi mày cút mất, tao tìm mồ m.ả bố m.ẹ mày đòi à? Đừng hòng. Cút đi.
Ba tôi đi rồi, chàng thiếu niên ấy vẫn quỳ ở đó. Trời mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa.
Tôi nghe mấy thím người làm hay gọi anh ta chỉ một chữ Xuyên, cũng chẳng biết cái gì Xuyên.
Buổi tối, tôi rón rén mang cho anh ta một chiếc bánh Chocopie. Anh ta không nhận, chỉ ngước đôi mắt đục ngầu nhìn tôi.
Tôi cười, nhe hai cái răng cửa đã gãy ra nói:
– Anh đói bụng không? Ăn một cái này, bánh Chocopie ngon lắm. Vị socola, bên trong còn có nhân màu trắng vừa dai vừa ngọt.
Ánh mắt Xuyên sáng lên một chút, yết hầu trượt lên trượt xuống mấy lần, tôi biết anh ta muốn ăn. Nhưng cuối cùng anh ta chỉ lặng lẽ cúi đầu, tiếp tục quỳ ở đó.
Trời tiếp tục mưa, tôi không ngủ được, lại rón rén mang cho anh ta một chiếc ô. Lần này, anh ta vẫn không nhận, chỉ có tôi đứng bên cạnh Xuyên vừa che ô vừa lải nhải nói chuyện một mình.
Anh ta im lặng nghe, bình tĩnh cúi đầu, bờ vai gầy không ngừng run lên, sống lưng vẫn thẳng tắp.
6 tuổi, tôi biết chơi đàn, viết chữ, múa ba lê, biết cả chơi cờ tướng, chỉ không biết đến chữ “Nghèo”, càng không hiểu vừa nghèo vừa bất lực nhìn cha mẹ rời xa mình là cảm giác đau đớn như thế nào.
Nhưng tôi thấy nước mưa lăn xuống từ khoé mắt anh ta, rơi xuống bờ môi mỏng kia rồi mất hút. Chẳng biết đêm ấy anh ta đã ăn bao nhiêu nước mưa.
Ngày hôm sau trời tạnh mưa, tôi ngủ một giấc dậy liền vội vã thò đầu qua cửa sổ ngó xuống xem, sân nhà rộng lớn trống trơn, không còn thấy chàng thiếu niên quỳ dưới mưa đó nữa.
Trong biệt thự cũng chẳng ai nhắc đến gia đình họ, theo thời gian, dần dần tôi cũng quên anh ta.
Cho đến một ngày mẹ tôi gọi điện, giục tôi từ Pháp về Việt Nam kết hôn. Tôi cứ nghĩ gia đình đã sắp xếp được một chàng trai con nhà giàu môn đăng hộ đối nào đó, chuyện kết hôn giữa danh gia vọng tộc là chuyện quá thường tình trong giới thượng lưu, không ai có thể phản kháng, mà cũng phản kháng không nổi, hơn nữa, từ đầu đến cuối tôi cũng chưa từng có ý định chống đối.
Chỉ là tôi không thể ngờ rằng, người mà tôi kết hôn cuối cùng lại chỉ có một chữ Xuyên.
Anh ta không còn là chàng thiếu niên gầy gò hèn mọn quỳ dưới sân nhà tôi năm nào nữa, hiện tại đã là một người đàn ông trưởng thành, gương mặt góc cạnh, đôi mắt lạnh băng, toàn thân toát ra hơi thở phong trần như đã nếm đủ mọi gió mưa.
Anh ta quay lại, cưới tôi về làm vợ lẽ. Không đăng ký kết hôn, không bưng tráp rồng phượng, chỉ tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi khách, nói là cưới tôi về làm vợ hai.
Cha mẹ tôi đỏ mắt, cắn răng không dám hé miệng một tiếng, tôi có thể thấy, cả đời hai người chưa bao giờ phải chịu cảnh nhục nhã đến vậy. Ngay cả anh cả cũng đập tan cả tháp rượu, nhưng lại không thể ngăn cản được chuyện tôi phải làm vợ lẽ của “lũ rác rưởi mọi rợ” đã từng là người làm của gia đình tôi lúc xưa.
Năm tôi hai mươi sáu tuổi, anh ta ba mươi lăm tuổi, đám cưới, không kết hôn!
***
Lời tác giả: Tuần sau sẽ bắt đầu quay trở lại với mọi người, lưu ý: đây không phải chuyện cậu mợ thời xưa hay gia đấu. Chỉ đơn giản là một chuyện thực tế pha lẫn ngôn tình, sở trường của bạn Hổ. Đa tạ!