Làm Vợ Hai

Chương 1



Tên truyện: Làm Vợ Hai.
Tác giả: Phạm Kiều Trang
Tôi kém anh ta khoảng 8, 9 tuổi gì đó, cũng không nhớ rõ, chỉ biết khi bắt đầu có nhận thức thì đã thấy anh ta ở nhà tôi.
Bố mẹ anh ta là người làm cho gia đình tôi, không có tiền, dắt díu đứa con trai nhỏ đến ở ké trong gian chứa đồ chật hẹp, cậu bé gầy gò chui rúc ở đó cứ thế lớn lên.
Cho đến năm tôi 6 tuổi, vào một buổi sáng thức dậy đã thấy dãy nhà dưới xôn xao, tò mò chạy xuống mới biết gian chứa đồ đang bốc khói nghi ngút, hai người mềm nhũn được khiêng ra từ trong đó, cậu nhóc gầy gò kia mặt mày dính đầy muội than, vừa khóc vừa chạy theo:
– Bố ơi, mẹ ơi. Bố mẹ đừng c.hế.t mà.
– Đừng bỏ con một mình, bố ơi, mẹ ơi.
Một chú người làm đẩy cậu nhóc đó ra, thân thể cậu ta rất gầy, không chống đỡ được liền ngã lăn ra.
Anh trai tôi đứng trên cầu thang mắng:
– Mới sáng sớm ầm ỹ gì thế, có câm mồm ngay cho ông không?
Đám người làm nhao nhao:
– Bọn họ bị ngạt khí than, yếu lắm rồi. Cậu cả, phải đưa bọn họ đi bệnh viện thôi.
– Để cho bọn chúng ch.ết hết đi, điếc tai ông ngủ. Bọn chúng ch.ết thì liên quan quái gì đến ông hả?
Đám người làm không biết làm sao, khựng lại nhìn nhau, trong sân chỉ có tiếng nức nở khe khẽ của cậu nhóc đó. Anh ta bò lại gần ba mẹ, lại ngẩng đầu nhìn về phía anh trai tôi, lẩm bẩm xin anh cả cho đưa ba mẹ mình đi bệnh viện, mười đầu ngón tay bấu chặt lấy nền sân, tứa m.á.u.
Tôi sợ máu, vội vã co rúm người lại, chạy tới chỗ anh hai trốn.
Anh cả nhìn thấy tôi thì ánh mắt lập tức thay đổi, ngồi xổm xuống, xoa đầu tôi:
– Cơm Nắm, sợ à?
Tôi nước mắt lưng tròng gật đầu, lại níu tay áo anh cả lắc lắc:
– Anh cả, cho bọn họ đi đi. Cơm Nắm sợ lắm, bọn họ khóc đau tai Cơm Nắm.
Anh cả hơn tôi 7 tuổi, ngỗ ngược, không ai dạy bảo được, không những nhổ nước bọt vào mặt người giúp việc, còn thường xuyên vô cớ đánh cậu thiếu niên gầy gò kia.
Nhưng anh cả hung ác với cả thế gian, lại trừ tôi!
Anh cả lau nước mắt cho tôi, gật đầu:
– Ừ, cho bọn họ đi. Cơm Nắm vào ngủ tiếp đi, anh cả cõng Cơm Nắm đi ngủ nhé?
– Dạ.
Ngồi trên lưng anh cả, khoé mắt tôi liếc thấy đám người làm lại tiếp tục khiêng hai cơ thể mềm nhũn kia ra khỏi nhà. Tôi cứ tưởng họ sẽ c.hết, nhưng mấy ngày sau lại thấy cậu thiếu niên kia quỳ trước sảnh lớn nhà tôi.
Tháng 11 trời mưa tầm tã, trong nhà bật điều hoà chế độ sưởi nhưng tôi vẫn cảm thấy lạnh. Bên ngoài gió rít từng cơn, hạt mưa trắng xoá đổ qua đỉnh đầu người đó, vai anh ta trĩu nặng nước mưa.
Anh cả tôi nói:
– Mặc kệ thằng ch.ó c.hế.t đó.
Bố tôi trầm ngâm hút xì gà, mắt nhìn đăm đăm ra bên ngoài:
– Bố mẹ nó sắp c.hế.t, rồi nó cũng ch.ết thôi. Cái thứ nghèo rách, còn muốn đòi tiền nằm phòng ICU
– Ngạt khí ch.ết não rồi, nằm ICU làm quái gì chứ?
Sau đó tôi nghe thím giúp việc nói do trời lạnh, bố mẹ anh ta đóng cửa sưởi than tổ ong, ngạt khí CO, đưa đến bệnh viện nghe nói đã chế.t não, con trai của bọn họ là chàng thiếu niên đó không bỏ cuộc, muốn cho ba mẹ tiếp tục được thở oxy nên mới chạy về đây quỳ dưới mưa, xin ba tôi cho ứng trước tiền làm công 20 năm.
Rút cuộc, khi cơn mưa sắp tạnh, ba tôi mới mở cửa, lạnh lùng nhìn chàng thiếu niên kia:
– Bố mẹ mày coi như ch.ết rồi, mày còn dám đến đòi ứng trước tiền làm công cho nhà tao 20 năm? Chế.t rồi thì tao đòi ma làm công cho tao hả? Đến kho chứa đồ nhà mày làm hỏng của ông, ông đây còn chưa bắt đền.
Vai chàng thiếu niên đó run rẩy, quai hàm cứng ngắc, cố gắng mãi mới có thể thốt ra được mấy từ:
– Cháu làm công 20 năm cho chú, chú giúp cháu, cho cháu ứng trước một số tiền. Đời này gia đình cháu nợ ơn chú.
– Cho mày vay tiền rồi mày cút mất, tao tìm mồ m.ả bố m.ẹ mày đòi à? Đừng hòng. Cút đi.
Ba tôi đi rồi, chàng thiếu niên ấy vẫn quỳ ở đó. Trời mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa.
Tôi nghe mấy thím người làm hay gọi anh ta chỉ một chữ Xuyên, cũng chẳng biết cái gì Xuyên.
Buổi tối, tôi rón rén mang cho anh ta một chiếc bánh Chocopie. Anh ta không nhận, chỉ ngước đôi mắt đục ngầu nhìn tôi.
Tôi cười, nhe hai cái răng cửa đã gãy ra nói:
– Anh đói bụng không? Ăn một cái này, bánh Chocopie ngon lắm. Vị socola, bên trong còn có nhân màu trắng vừa dai vừa ngọt nữa.
Ánh mắt Xuyên sáng lên một chút, yết hầu trượt lên trượt xuống mấy lần, tôi biết anh ta muốn ăn. Nhưng cuối cùng anh ta chỉ lặng lẽ cúi đầu, tiếp tục quỳ ở đó.
Trời tiếp tục mưa, tôi không ngủ được, lại rón rén mang cho anh ta một chiếc ô. Lần này, anh ta vẫn không nhận, chỉ có tôi đứng bên cạnh Xuyên vừa che ô vừa lải nhải nói chuyện một mình.
Anh ta im lặng nghe, bình tĩnh cúi đầu, bờ vai gầy không ngừng run lên, sống lưng vẫn thẳng tắp.
6 tuổi, tôi biết chơi đàn, viết chữ, múa ba lê, biết cả chơi cờ tướng, chỉ không biết đến chữ “Nghèo”, càng không hiểu vừa nghèo vừa bất lực nhìn cha mẹ rời xa mình là cảm giác đau đớn như thế nào.
Nhưng tôi thấy nước mưa lăn xuống từ khoé mắt anh ta, rơi xuống bờ môi mỏng kia rồi mất hút. Chẳng biết đêm ấy anh ta đã ăn bao nhiêu nước mưa.
Ngày hôm sau trời tạnh mưa, tôi ngủ một giấc dậy liền vội vã thò đầu qua cửa sổ ngó xuống xem, sân nhà rộng lớn trống trơn, không còn thấy chàng thiếu niên quỳ dưới mưa đó nữa.
Trong biệt thự cũng chẳng ai nhắc đến gia đình họ, theo thời gian, dần dần tôi cũng quên anh ta.
Cho đến một ngày mẹ tôi gọi điện, giục tôi từ Pháp về Việt Nam kết hôn. Tôi cứ nghĩ gia đình đã sắp xếp được một chàng trai con nhà giàu môn đăng hộ đối nào đó, chuyện kết hôn giữa danh gia vọng tộc là chuyện quá thường tình trong giới thượng lưu, không ai có thể phản kháng, mà cũng phản kháng không nổi, hơn nữa, từ đầu đến cuối tôi cũng chưa từng có ý định chống đối.
Chỉ là tôi không thể ngờ rằng, người mà tôi kết hôn cuối cùng lại chỉ có một chữ Xuyên.
Anh ta không còn là chàng thiếu niên gầy gò hèn mọn quỳ dưới sân nhà tôi năm nào nữa, hiện tại đã là một người đàn ông trưởng thành, gương mặt góc cạnh, đôi mắt lạnh băng, toàn thân toát ra hơi thở phong trần như đã nếm đủ mọi gió mưa.
Anh ta quay lại, cưới tôi về làm vợ lẽ. Không đăng ký kết hôn, không bưng tráp rồng phượng, chỉ tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi khách, nói là cưới tôi về làm vợ hai.
Cha mẹ tôi đỏ mắt, cắn răng không dám hé miệng một tiếng, tôi có thể thấy, cả đời hai người chưa bao giờ phải chịu cảnh nhục nhã đến vậy. Ngay cả anh cả cũng đập tan cả tháp rượu, nhưng lại không thể ngăn cản được chuyện tôi phải làm vợ lẽ của “lũ rác rưởi mọi rợ” đã từng là người làm của gia đình tôi lúc xưa.
Năm tôi hai mươi sáu tuổi, anh ta ba mươi lăm tuổi, đám cưới, không kết hôn!
***
Đoạn 1
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào một chiều nắng đẹp, tôi nặng nề kéo theo chiếc va ly to tướng qua nhà ga, xuyên qua dòng người hối hả, vừa ra đến cửa đã trông thấy một bóng người quen thuộc lẫn trong đám đông.
Anh cả tôi vẫn chẳng coi ai ra gì như trước, đứng cạnh tấm biển Cấm Hút Thuốc to tướng mà mồm vẫn ngậm một điếu thuốc lá, hai tay đút túi quần, vẻ mặt đầy cáu kỉnh. Mấy người phụ nữ đứng gần đó xua tay phẩy khói thuốc mãi không được, đành bất lực dạt ra xa.
“Anh cả”. Tôi không dám lề mề hại người xung quanh thêm, vội vàng gọi một tiếng.
Anh cả nghe giọng tôi cũng lập tức ngước lên: “Cơm Nắm, ở đây”.
Tôi lớn bằng chừng này, có họ tên đàng hoàng, lại là con gái một gia đình trâm anh thế phiệt, vậy mà anh cả lúc nào cũng chỉ gọi tôi là Cơm Nắm. Lúc mới lớn cũng cảm thấy hơi mất mặt, nhưng dần dần cũng không thèm để bụng nữa, ngược lại, đặt chân về Việt Nam được nghe hai chữ này mới có cảm giác đã thực sự trở về quê hương.
Chỉ là lần này tôi không trở về như vô số lần khác, mà là quay về để kết hôn!
Tôi cười toe toét chạy lại: “Anh cả. Sao lại lên đón em?”.
“Hôm nay rỗi việc, chẳng có gì làm nên đi tiêu tốn ít xăng”. Anh cả đỡ lấy tay kéo va ly của tôi, tiện tay nhét ném điếu thuốc hút dở xuống đất, xoa đầu tôi: “Chà chà, mới có mấy tháng không gặp mà trông béo tốt thật. Tăng mấy cân rồi?”.
“Em tăng hai cân”. Tôi vuốt lại mái tóc bị anh cả vò rối, vênh mặt lên hỏi: “Anh cả nhìn xem có đẹp gái hơn lần trước về không? Thế nào? Năm nay đi thi hoa hậu được rồi chứ hả?”.
Anh cả xì một tiếng: “Hoa hậu ao làng à? Người như que củi thế này đi đăng ký dự thi người ta không loại từ vòng gửi xe là may. Ít nhất phải tăng bốn cân nữa”.
“Lúc đó em không đi bằng hai chân nữa, em lăn đấy”.
“Thế thì anh cả kiếm xe đẩy hàng đẩy em, giống như đẩy con lợn ấy”.
Tôi phì cười, ôm lấy cánh tay anh cả: “Thế thì còn lâu em mới tăng cân”.
“Lúc nãy anh thấy mẹ vào bếp, bảo là tự tay nấu đồ ăn cho con gái về ăn đấy. Có canh kim chi này, thịt kho mặn này, rau cải xanh này, còn có cả…”.
“Dừng”. Tôi vội vàng ngắt lời, suốt cả chặng đường dài trên máy bay tôi chẳng ăn bao nhiêu, giờ nghĩ đến đồ mẹ tự tay làm là bụng đã bắt đầu kêu réo òng ọc: “Thôi em lăn cũng được. Mau mau, mau chở em về nhà để ăn đồ mẹ nấu”.
Anh cả không nhịn được cười, búng mũi tôi: “Thế thì đi nhanh”.
Tôi không phải kéo va ly, hai tay thảnh thơi chắp phía sau mông đi phía trước, anh cả ôm theo cả núi đồ của tôi, một trước một sau lững thững ra bãi để xe.
Bình thường, anh cả tôi là người thích khoe khoang, quần áo phải mặc loại có thương hiệu đắt nhất, xe cũng phải là xe xịn nhất, thế nhưng hôm nay nhìn khắp cả bãi đỗ xe lại chẳng thấy xe nào nổi bật. Anh cả chỉ lái một chiếc SUV 5 chỗ bình thường lên đón tôi.
Thấy tôi nhìn chiếc xe ấy tận hai lần, anh cả mới ngại ngùng giải thích: “Hôm nay tiện có xe này ở ngoài nên lấy đi luôn. Mấy cái kia chẳng biết sao lại hỏng hết một lượt, đem đi sửa hết rồi”. Anh cả nhét va ly của tôi vào cốp sau, phủi phủi tay nói: “Chịu khó đi xe xấu một hôm. Đợi lúc nào sửa xong xe thì anh đổi”
“Xe này mà xấu gì? Ở Pháp em còn đi cái xe 4 chỗ giá bằng 1/3 cái xe này kia kìa”. Tôi bĩu môi.
“Bảo mua cái đẹp mà đi thì không chịu, ngồi cái xe đó đau mông c.hế.t”. Anh cả mở cửa ghế phụ, cúi người chỉnh chỗ để chân cho rộng hơn rồi mới bảo tôi: “Lên đi”.
“Vâng”.
Trên đường về nhà, anh cả vẫn hỏi tôi mấy câu như mọi lần trước về nước, hỏi tôi sống ở Pháp thế nào, có ‘thằng nhãi nhép’ nào tán tỉnh chưa, làm ở văn phòng luật sư có ai bắt nạt tôi không. Tôi cũng phối hợp, tỏ ra hào hứng đáp lời, nhưng thực ra chẳng ai quan tâm đến câu trả lời thế nào cả.
Chúng tôi cứ giả vờ như vậy cho đến khi tiếng Radio trong xe vang lên: “Công ty xây dựng Nam Tiến lâm vào hoàn cảnh khó khăn, sắp tuyên bố phá sản. Ngày hôm nay hàng trăm công nhân đã đến tận trụ sở công ty để biểu tình, có người quá khích còn đập phá tài sản, yêu cầu giám đốc công ty xây dựng Nam Tiến là ông Đoàn Quốc Cường trả lương đúng thời hạn…”.
Nụ cười trên môi anh cả lập tức cứng ngắc, anh cả giật mình, vội vàng ấn nút chuyển sang kênh khác. Radio chuyển sang một bài nhạc trữ tình sâu lắng, rồi lại chuyển tiếp sang một tần số khác cùng phát bản tin về công ty xây dựng Nam Tiến. Có lẽ anh cả luống cuống nên đã ấn hai lần, sau đó lại liên tục ấn mãi, đến khi quay về bản nhạc kia mới dừng tay.
Tôi không thể không thừa nhận rằng, suốt nhiều năm nay, chưa bao giờ tôi cảm thấy đường về nhà nặng nề đến vậy.
Tôi và anh cả không nói chuyện nữa, trong xe chỉ có tiếng bản nhạc không lời réo rắt kia vang lên. Mãi một lúc lâu sau, cảm thấy quá ngột ngạt, tôi mới nói:
“Anh cả, em không sao đâu”.
“Cái gì không sao?”
“Lấy chồng”.
Giống như một viên đá ném thẳng xuống mặt hồ phẳng lặng, xé toạc tất thảy sự bình yên giả dối từ lúc gặp lại đến giờ. Bàn tay anh cả run lên, quay đầu lại nhìn tôi: “Cơm Nắm…”.
Tôi sợ anh cả khuyên nhủ, sợ tôi không nhịn được khóc toáng lên, đành ngắt lời: “Cũng chỉ là lấy chồng thôi mà”.
“Em có biết em lấy ai không?”
“Em biết”
“Biết mà còn quay về?”
“Biết nên mới quay về”.
Khi không còn đường nào để đi, dù có phải đâm đầu vào một bụi gai, người ta cũng sẵn lòng xông qua nó. Tôi đã xác định sau này sẽ mình đầy thương tích nhưng vẫn quay về đây, còn anh cả, anh ấy lại không thể chấp nhận được bất cứ tổn thương nào trên người tôi.
Anh ấy bắt đầu giận dữ, âm thanh cao vút: “Phá sản thì phá sản, cùng lắm là bán hết nhà cửa đi rồi ra nước ngoài sống. Anh nói với bố rồi, em không cần cưới thằng c.hó c.hế.t đó. Cứ ở Pháp làm việc của em đi, quay về làm cái gì?”.
Tôi cười: “Bây giờ chuyện đã ầm ỹ thế này, sớm muộn rồi công an cũng phong tỏa tài sản thôi, có muốn bán hết nhà cửa ra nước ngoài cũng không được”.
Giai điệu trữ tình ở Radio đã kết thúc, chuẩn bị chuyển sang một bài hát khác, khoang xe phối hợp với chúng tôi rất ăn ý, yên tĩnh đủ để nghe rõ ràng những lời tôi: “Với cả trước giờ anh cũng biết rồi còn gì, việc cưới xin mình có quyết định được đâu, hai gia đình cảm thấy có thể cho nhau đủ lợi ích thì cưới. Không lấy anh ấy thì em cũng lấy người khác, có gì khác nhau đâu”.
Anh cả tức giận đập vô lăng, hét lên: “Nhưng thằng kh.ốn đó muốn lấy em làm vợ hai”.
Phải rồi, làm vợ hai. Là làm vợ hai của một kẻ đã từng là người làm thuê cho nhà tôi, kẻ mà gia đình tôi đã từng khịt mũi coi thường. Bây giờ tôi phải lấy anh ta, chẳng khác nào vứt lòng tự trọng để liếm lại bãi nước bọt mình đã từng nhổ.
Tôi bình tĩnh quay sang nhìn anh cả: “Em không cảm thấy sao cả. Miễn là anh ấy có thể giúp công ty nhà mình vượt qua giai đoạn khó khăn này thì có làm vợ hai cũng không sao. Anh cả, đừng lo”.
Sống lưng anh cả run lên, hai mắt đỏ quạch nhìn tôi, có lẽ tức quá nên há miệng mãi mà không thốt ra được câu nào.
Tôi vuốt lại mấy sợi tóc bị gió thổi bay qua khóe mắt, cố nặn ra một nụ cười: “Bố già rồi, không chịu được công sức cả đời mất sạch đâu. Bán nhà bỏ xứ đi là chuyện nhỏ, nhưng bị người đời khinh bỉ coi thường lại là chuyện lớn. Bố không chịu nổi, mà em cũng không chịu nổi”.
“Cái con bé ngu ngốc này”. Rất lâu sau, anh cả mới mắng tôi một tiếng. Mắng xong, lại thấy đau lòng nên nói: “Có làm sao cũng là việc của đàn ông. Anh với bố sẽ tìm cách, không cần em phải gánh vác”.
“Có cách khác không?”.
Anh cả ngập ngừng: “Có”.
“Có thì bố cũng đã thử rồi, đâu cần phải gọi em từ Pháp về?”.
Chúng tôi đều hiểu, nếu không phải rơi vào đường cùng, sẽ chẳng ai nỡ gả đứa con gái cưng của mình làm vợ hai cho người khác. Nhưng anh cả vẫn cố chấp ngăn cản tôi:
“Em có biết cưới nó sẽ thế nào không? Nó muốn hạ nhục gia đình mình nên mới ép bố phải gả em làm vợ hai cho nó. Nhà mình có đồng ý thì nó cũng sẽ không đối xử tốt với em. Nó chỉ muốn trả thù thôi. Thế nên lúc đang còn trốn được thì trốn đi. Anh cả đưa em quay lại sân bay, mua vé cho em. Em quay lại Pháp đi”.
“Em không đi”. Tôi cũng hét to: “Một mình em trốn được, nhưng ở nước ngoài có tốt đẹp đến mấy mà mọi người ở nhà sống không tử tế thì sao em vui được? Với cả kết hôn rồi còn có thể ra tòa ly hôn. Em làm vợ hai, không đăng ký gì, sau này gia đình mình làm ăn phát đạt trở lại thì em vẫn có thể bỏ anh ta, còn không bị mang tiếng gái một đời chồng”.
Lồng ngực tôi phập phồng lên xuống, từng móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay, ngược lại, giọng vẫn nhẹ tênh: “Anh cả, nghĩ ở phương diện tích cực đi. Có cơ hội vẫn tốt hơn là không còn cơ hội nào, anh ta cho công ty của bố một đường sống là được rồi. Không nắm chắc lấy thì không còn đường lùi nào đâu”
“Nó cũng chỉ là một thằng mọi rợ từng làm thuê cho nhà mình, bố mẹ nó cũng thế”. Anh cả rít qua kẽ răng: “Em quên rồi à?”
“Không quên”. Tôi cười, gió bên ngoài cửa sổ thốc vào trong xe, mang theo làn hơi nóng khiến tâm tình tôi có chút khó chịu. Tôi lặng lẽ nhắm mắt, khàn khàn nói một câu: “Anh cả, thời thế thay đổi rồi”.
***
Giờ tan tầm, đường tắc, ngồi trên xe suốt mấy tiếng mới về đến nhà. Trời chập choạng tối, căn biệt thự lớn chẳng bật bao nhiêu bóng đèn, không khí chẳng khác với tưởng tượng của tôi là mấy.
Hàng chục người làm trong nhà cũng đã bị cho nghỉ hết, chỉ còn lại một bác giúp việc và một bác chuyên phụ trách bếp. Gara trước kia đỗ rất nhiều xe sang, bây giờ đã trống trơn, tất cả ảm đạm đến tiêu điều.
Mẹ tôi gầy rạc đi, có lẽ vì suy nghĩ nhiều nên da dẻ xám xịt, quầng mắt trũng xuống. Khi thấy tôi và anh cả bước vào, ánh mắt của bà mới có chút sáng lên:
“Hai đứa về rồi đấy à?”
Tôi cười tươi rói, dang tay ra: “Con gái yêu dấu của mẹ đã về rồi đây. Mẹ mau nhào vào lòng con đi nào”.
Mẹ tôi phì cười: “Sư bố nhà cô”. Bà nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt, thấy tôi không béo không gầy, mắt cũng không sưng vì khóc, mới yên tâm hỏi: “Bay đường dài có mệt không? Đói chưa?”.
“Con đói rồi, bụng réo òng ọc đây này. Thèm cơm mẹ nấu quá”. Tôi dáo dác nhìn quanh nhà, không thấy bố tôi đâu mới hỏi: “Bố đâu hả mẹ?”
“Bố ra ngoài rồi, chắc tý nữa về ngay thôi. Lên phòng tắm rửa đi rồi xuống ăn cơm”.
“Tuân lệnh mẫu hậu”.
Trên bàn ăn hôm ấy cũng chẳng có mấy người, bố tôi bảo về nhưng mãi không thấy, chỉ có ba mẹ con ngồi bên mâm cơm đìu hiu, muốn cười mà chẳng cười nổi.
Ai cũng hiểu lần này tôi về nước không như những lần trước, chuyện phải lấy người đàn ông kia giống như một quả bo.m đã châm ngòi cháy chậm, chỉ chực nổ tung, tất cả đều sẽ bị thương nhưng chẳng ai dám nhắc đến thương tích đó.
Cố gắng mãi cũng xong một bữa cơm, đến tận khi tôi chuẩn bị đi ngủ thì vẫn không nghe được tiếng xe bố tôi về.
Mẹ tôi nói cứ mặc kệ bố tôi, chắc ông phải xã giao tiếp khách nên không về sớm được. Mẹ bảo tôi bay từ Pháp về rồi thì cứ đi ngủ sớm, nhưng khi tôi vừa leo lên giường thì bà cũng trèo lên nằm với tôi, cứ sờ tay chân tôi rồi vuốt tóc tôi mãi.
Mẹ nói con gái mẹ chân dài da trắng, học hành giỏi giang, lấy chồng sớm một chút thì tốt rồi.
Tôi thì lại nghĩ, nếu tôi lấy chồng sớm thì có lẽ bây giờ nhà tôi đã chẳng còn gì có thể trao đổi với người đàn ông tên Xuyên kia, cho nên lấy sớm không tốt mà lấy muộn mới tốt. Ít ra bây giờ tôi vẫn còn chút giá trị để anh ta chừa một đường sống cho gia đình tôi.
Cho nên tôi chỉ cười bảo: “Lấy chồng là duyên số mà”.
Mẹ tôi thở dài, lần mò sờ lên bàn tay tôi, lâu sau mới nói: “Con có giận bố mẹ không?”.
Tôi lắc đầu: “Bố mẹ nuôi con lớn bằng chừng này, con chưa báo đáp được gì, giận gì mà giận. Con chỉ sợ muốn giúp mà không giúp được thôi. Còn báo đáp được bố mẹ là tốt rồi”.
“Mẹ xin lỗi”. Giọng mẹ tôi bắt đầu lạc đi. Bà là người phụ nữ yếu đuối, trước nay chưa từng trải qua sóng gió gì. Bây giờ gặp khó khăn lớn thế này sợ hãi là điều dễ hiểu: “Bố con mấy hôm nay đi vay mượn khắp nơi, nhưng ngân hàng không cho vay, mà các công ty khác thấy tình hình công ty nhà mình như thế, cũng không cho vay”.
“…”
“Mẹ nghe nói bây giờ không trả được tiền cho nhân viên, mà còn phải đền bù hợp đồng. Nếu không thanh toán được thì sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự, còn phải ngồi tù. Mà bố con thì bệnh tật đầy người như thế, ngồi tù thì chịu sao được mấy năm”. Mẹ nắm lấy tay tôi, rơi nước mắt: “Nhưng mẹ cũng không muốn vì thế mà con phải lấy thằng kia. Nên con cứ suy nghĩ cho kỹ. Nếu cảm thấy không được thì ngày mai mua vé quay lại Pháp, ở đó làm công việc con muốn, thích ai yêu ai thì lấy người ta”.
Tôi ôm lấy mẹ: “Mẹ, con đã về nghĩa là con lựa chọn rồi”.
Tôi lựa chọn gia đình, chọn hy sinh, không chỉ muốn gia đình tôi có đường để lùi, mà còn vì muốn chuộc lại lỗi lằm năm xưa bố và anh cả tôi đã từng gây ra cho gia đình người đàn ông tên Xuyên kia.
Mẹ tôi nghe được câu trả lời này thì càng khóc to hơn, khóc đến nỗi trái tim tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Bà nói: “Thằng Xuyên nó…muốn ép c.hế.t gia đình mình. Nó quay lại để trả thù gia đình mình. Con mà lấy nó thì cả đời sẽ không được vui vẻ. Mẹ không muốn con gái mẹ khổ. Khuê, mẹ phải làm sao bây giờ”.
Câu hỏi này rất khó, bởi vì không những tôi mà chẳng có ai biết chúng tôi phải làm sao mới tốt.
Theo lời của người ta nói lại thì ‘Thằng nhóc con người làm cho gia đình tôi năm xưa’ bây giờ đã trở thành tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh. Tôi thử tìm hiểu mới biết đây là một tập đoàn khá lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trước đây tập đoàn này chủ yếu hoạt động ở nước ngoài và miền nam, mãi đến mấy năm gần đây mới mở thêm chi nhánh ở Hà Nội và lấn sân sang xây dựng.
Bởi vì có tiềm lực nên chi nhánh này phát triển rất nhanh, chỉ trong ba năm đã thâu tóm toàn bộ nguồn cung vật tư độc quyền và các hợp đồng xây dựng, quan trọng nhất là Vạn Thịnh nhắm vào công ty của bố tôi. Trong vòng ba năm ngắn ngủi đã đánh cho công ty của bố tôi tơi tả, từ một công ty xây dựng lớn trở nên tiêu điều, lâm vào bờ vực phá sản, nợ lương nhân viên, chậm thanh toán hợp đồng, phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.
Bố tôi ban đầu cứ nghĩ người đứng đằng sau tập đoàn Vạn Thịnh là một nhân vật tai to mặt lớn nào đó, muốn gặp mặt nói chuyện để xin một đường sống. Không ngờ cất công vào tận Sài Gòn mới biết, tổng giám đốc tập đoàn ấy chẳng phải ai xa lạ mà là một kẻ đã từng ăn nhờ ở đậu nhà tôi cách đây 20 năm, là người đã từng quỳ suốt một đêm mưa chỉ để xin bố tôi bố thí một số tiền để chữa bệnh cho cha mẹ đang đứng bên bờ vực cái c.hế.t
Và tôi còn nhớ rất rõ, năm đó bố tôi đã từ chối!
Cho nên, khi nhìn thấy Xuyên ngồi ở vị trí tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh thì bố tôi đã xác định rất rõ ràng, anh ta sẽ không tha cho công ty và cũng sẽ không tha cho gia đình tôi.
Nhưng bất ngờ là anh ta lại nói: “Ông muốn tiếp tục có hợp đồng xây dựng tòa nhà A cũng được thôi. Đổi lại, tôi yêu cầu một điều kiện”.
Bố tôi nghi hoặc nhìn anh ta: “Cậu có điều kiện gì thì cứ nói đi, nếu làm được tôi sẽ làm hết sức, chỉ cần…”.
Chỉ cần anh ta chừa cho bố tôi một con đường lùi, nhưng ngẫm lại, năm đó bố tôi cũng đâu cho Xuyên một đường lùi? Chính gia đình tôi đã trơ mắt nhìn anh ta dập đầu dưới mưa, trơ mắt nhìn cha mẹ anh ta c.hế.t trong nghèo khổ và đau đớn. Thế thì bố tôi lấy đâu ra tư cách để nói ra những lời đó?
Mà người đàn ông kia cũng chẳng muốn nghe hết câu bố tôi nói, chỉ cười nhạt:
“Điều kiện của tôi đơn giản lắm, ông sẽ làm được thôi”.
“Cậu nói đi”.
“Con gái của ông”.
“Gì cơ?”.
“Tôi nói tôi muốn con gái của ông”. Anh ta châm một điếu thuốc, vẻ lạnh nhạt trên khuôn mặt nhanh chóng bị làn khói trắng che phủ: “Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? 25? Hay là 26?”
“Cậu Xuyên”. Điều kiện của anh ta làm bố tôi giận run lên: “Con gái tôi đang ở Pháp, không ở Việt Nam. Nếu cậu muốn tìm người đẹp thì tôi tìm giúp cậu vài người”.
“Tôi không thiếu người đẹp, chỉ thiếu con gái của ông”.
“Cậu…”
Anh ta gõ đầu ngón tay xuống bàn, đáp rành mạch: “Nếu ông đồng ý gả con gái ông cho tôi thì hợp đồng xây dựng tòa nhà A sẽ là của ông. Nếu không đồng ý thì cũng được thôi. Mọi việc đang thế nào thì cứ thế mà làm, không cần phí phạm thêm thời gian của cả hai”.
Bố tôi im lặng hồi lâu, cố gắng quan sát gương mặt của anh ta, muốn tìm ra một tia bỡn cợt trong đó, nhưng Xuyên rất nghiêm túc, không có vẻ gì là đang đùa giỡn bố tôi.
Trước khi đến Sài Gòn, bố tôi cũng có hỏi qua vài người, thông tin của tổng giám đốc Vạn Thịnh rất ít, chỉ nghe mang máng là đã có vợ. Bố tôi nghĩ bắt được điểm này sẽ làm khó được anh ta, nên mới nói: “Tôi nghe nói cậu đã có vợ rồi. Giờ cậu nói muốn tôi gả con gái cho cậu, chắc là nói đùa phải không? Bây giờ là thời đại mới rồi, pháp luật nào cho phép năm thê bảy thiếp như ngày xưa nữa. Cậu Xuyên, cậu đang thử lòng tôi đấy à?”
Anh ta rít thêm một hơi thuốc, lạnh lùng đáp: “Tôi lấy con gái ông làm vợ hai”
“Cái gì?”. Anh ta nói thẳng thừng như vậy, chẳng khác gì tát thẳng vào lòng tự trọng của bố tôi. Ông không nhịn được đập bàn đứng dậy, muốn nói ‘cậu đừng có quá đáng’, nhưng lại bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của Xuyên, cuối cùng đành ngậm miệng.
Bây giờ không phải hai mươi năm trước, người cầu cạnh không còn là chàng thiếu niên hèn mọn kia, mà là bố tôi.
Ông nhẫn nhịn hạ giọng: “Cậu Xuyên, dù gì tôi và cậu cũng có quen biết, chuyện lúc trước là tôi có lỗi với cậu. Cậu muốn gì thì cứ trả thù tôi, nhắm vào tôi thôi. Cậu đừng lôi hai đứa con của tôi vào”.
“Ông cảm thấy sao?”. Anh ta cười lạnh: “Một mình ông đủ gánh vác chừng ấy tội lỗi à?”.
Bố tôi biết rõ là không đủ, cuối cùng đành muối mặt quay về!
Lúc đó, anh cả tôi cũng dính vào mấy vụ kiện tụng, toàn là những việc từ tận vài năm trước tự nhiên đào lên, mấy cô gái kia đồng loạt làm đơn kiện anh ấy. Trong nhà không có tiền xoay sở, rút cuộc anh cả phải bán xe đi để có tiền đền bù cho bọn họ. Mấy chiếc siêu xe kia đã từng là niềm tự hào vênh váo của anh trai tôi, giờ được một công ty thu mua hết. Lúc bố tôi đi nghe ngóng mới biết, hóa ra người mua không phải ai xa lạ, mà là tập đoàn Vạn Thịnh. Nói cách khác, chính là người đàn ông tên Xuyên kia.
Anh trai đã đến nước này, giờ còn mang tôi gả cho Xuyên làm vợ hai thì chẳng khác nào làm trò cười cho thiên hạ, không những tự bẽ mặt chính mình, mà còn khiến người đời phỉ nhổ vì đã hèn mọn đến mức bán cả con.
Nhưng dự án xây dựng tòa nhà A lại là cọng rơm cứu mạng duy nhất mà bố tôi có thể nắm lấy. Không có nó, ông cũng không đi con đường nào khác được.
Cuối cùng, sau nửa tháng trời chạy vạy khắp nơi, tứ phía vẫn bị vây kín, bố tôi đành phải đưa ra quyết định chọn tôi hay chọn công danh sự nghiệp cả đời. Nam Tiến là công sức suốt mấy chục năm nay của bố tôi, là thứ nuôi sống gia đình tôi, là sự vẻ vang và tự hào của ông. Ông có thể bỏ đi Nam Tiến, nhưng khi phải đối mặt với khoản bồi thường hợp đồng quá lớn, cùng với việc sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự và có nguy cơ phải ngồi tù, thì cán cân phía tôi có lẽ vẫn nhẹ hơn.
Mẹ tôi gọi điện sang Pháp, khóc một trận, nói rõ đầu đuôi lại câu chuyện. Tôi thức trắng bốn đêm ròng suy nghĩ, cuối cùng vẫn quyết định vứt bỏ công việc mơ ước để quay về đây, chấp nhận làm vợ hai của người đàn ông tên Xuyên kia.
Nhưng chấp nhận là một chuyện, không cam lòng lại là một chuyện. Tôi là một cô gái được học hành, có tri thức, tôi biết phân biệt trái phải nặng nhẹ, biết tôi làm gì thì tốt cho gia đình tôi, nhưng việc phải làm vợ hai hệt như một cái gai cắm sâu trong lòng, nhổ mãi không ra vậy.
Tôi lẳng lặng nhắm mắt, chậm rì rì nói: “Nếu lúc trước nhà mình đối xử tốt với anh ấy hơn một chút, thì đã chẳng có ngày hôm nay”.
Mẹ tôi giật mình, lại mắng tôi: “Con nói linh tinh gì thế? Chẳng qua là nó gặp may mắn thôi, nếu không, bây giờ có lẽ đã c.hế.t ở xó xỉnh nào rồi. Làm gì có cơ hội quay lại trả thù?”.
Tôi cười nhạt: “Mẹ nghĩ thế à?”.
“Nếu không thì sao? Ngày trước đi ra khỏi nhà mình, nó mới chỉ mười mấy tuổi, hai bàn tay trắng, tiền không có, người thân cũng không. Nghe nói sau này nó được một ông to nào đó trong Chính Phủ nhận làm con nuôi, rồi mới sống được, còn được học hành tử tế”. Giọng mẹ tôi có chút không cam lòng: “Nghe nói giờ ông bố nuôi nó về hưu rồi, nhưng danh tiếng vẫn lớn lắm. Bên nhà vợ cả nó…”
Mẹ tôi nói tới đây mới phát hiện ra mình lỡ lời, đành sửa lại: “Bên nhà vợ nó cũng có điều kiện lắm. Bố vợ nó làm giáo sư, mẹ vợ thì con nhà danh giá. Cả ông bố nuôi với nhà vợ nó hợp lại giúp đỡ thì nó mới có ngày hôm nay. Toàn là may mắn cả thôi. Cái đứa mồ côi lại nghèo rớt mùng tơi như nó, một thân một mình làm sao làm nên sự nghiệp gì được”.
Đứa nghèo rớt mùng tơi ư? Tôi không thể tưởng tượng được sau hai mươi năm, chàng thiếu niên gầy gò quỳ dưới sân nhà tôi năm ấy đã làm cách nào để trưởng thành, thậm chí tôi cũng chẳng thể nhớ nổi mặt anh ta, nhưng một kẻ mồ côi có thể trở mình một cách ngoạn mục như vậy, chắc hẳn đã phải trải qua rất nhiều phong ba, những thứ gian nan trên con đường thành công ấy, người ngoài như chúng tôi chắc chắn sẽ không thể hiểu được.
Nhưng tôi vẫn luôn thắc mắc, tôi không hiểu tại sao anh ta lại chọn cách trả thù bằng việc cưới tôi làm vợ hai? Có thể phương thức này sẽ khiến bố mẹ tôi đau khổ cả đời không ngẩng đầu lên được, nhưng ‘quân địch c.hế.t một nghìn thì quân ta cũng tổn thất tám trăm’, một người khó khăn lắm mới có được ngày hôm nay như anh ta, lẽ ra phải chọn phương thức an toàn hơn cho mình mới đúng.
Nghĩ đến đây, tự nhiên tôi lại thấy mình thật buồn cười. Chuyện đã định như vậy mà tôi còn lo thay cho anh ta, sợ anh ta làm mất lòng vợ cả. Tôi đúng là đã bị bán còn đếm tiền giúp người ta mà.
Tôi lẳng lặng hít vào một hơi thật sâu, cố gắng khiến mình tỉnh táo lại rồi mới nói: “Mẹ, đã chọn ngày chưa?”.
“Rồi”. Mẹ tôi im lặng rất lâu, có lẽ chuyện cưới xin của tôi là một điều rất khó khăn đối với bà: “Bốn ngày nữa”.
Tôi “À” một tiếng, lẩm nhẩm đếm ngày mới chợt nhớ ra bốn hôm nữa vừa vặn là ngày 18, tròn đúng 20 năm kể từ ngày anh ta quỳ dưới sân nhà tôi. Sở dĩ tôi nhớ được, là vì hôm đó tôi vừa tham dự cuộc thi múa ba lê lần đầu tiên trong đời, phần thưởng là một hộp bánh Chocopie mà tôi đã chia cho anh ta đêm đó.
Tôi mở to mắt nhìn chòm sao Orion lặng lẽ thẳng hàng trên bầu trời qua ô cửa sổ, muốn cười mà không cười nổi.
Sau cùng, tôi lặng lẽ nhắm mắt, hạ quyết tâm từ bỏ tự do của tôi: “Mẹ, lần này con về sẽ không đi nữa”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương