Làm Vợ Hai

Chương 2-3



Đoạn 2
Mấy ngày nói chậm thì chậm, nhưng trôi qua lại rất nhanh, chớp mắt một cái đã đến ngày tổ chức đám cưới.
Nhà tôi mang tiếng là gả con gái đi nhưng lại không được tự quyết bất cứ một vấn đề gì, nhà trai bên kia không bưng tráp đến ăn hỏi, cũng không chụp ảnh cưới, nghe nói chỉ có trợ lý của Xuyên gọi điện thoại đến để thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức tiệc đãi khách. Đến thời gian, bố mẹ tôi phải muối mặt dẫn theo tôi đến.
Y hệt như dẫn tôi đi bán vậy!
Trong lúc ngồi chờ ở phòng trang điểm, điện thoại tôi liên tục rung lên. Bố mẹ tôi sợ anh cả đến lễ cưới làm loạn nên nhốt anh ấy ở nhà, anh cả không làm gì được, chỉ có thể nhắn tin cho tôi:
“Cơm Nắm, anh cho em tiền, anh cả có tiền, em mua vé máy bay quay lại Pháp đi”.
“Anh cả lo được. Cơm Nắm, em không việc gì phải lấy thằng mọi rợ đó, mau đi đi”.
Anh cả còn nhắn rất nhiều nữa, nhưng tôi không dám đọc, sợ đọc xong rồi thì nước mắt sẽ rơi xuống, làm hỏng lớp phấn son mà thợ trang điểm đã tốn mấy tiếng tô vẽ trên mặt tôi.
Nhưng ông trời đúng là biết trêu đùa lòng người, khi tôi vừa định tắt nguồn điện thoại thì lại thấy màn hình sáng lên, người bạn mà tôi thầm thương trộm nhớ lúc còn ở Pháp gọi đến.
Tôi không định nghe, nhưng cuối cùng vẫn không kìm được, ấn vào nút nhận máy:
“Alo”
“Khuê, hôm qua anh đến công ty luật tìm em, nhưng họ nói em đã nghỉ việc rồi. Em về Việt Nam à?”
“Vâng. Về vội quá, không kịp nói với anh. Lúc nào anh về nước, có thời gian thì gặp nhau nhé?”
“Em về hẳn à?”. Giọng Quân có chút ngập ngừng: “Không quay lại Pháp nữa sao?”.
“Vâng”. Tôi cười, tự ngắm mình trong gương. Mặc dù được trang điểm kỹ càng, trên người mặc váy cưới, nhưng lại chẳng có cảm giác như mình là cô dâu: “Em về hẳn”.
“Thực ra… anh có chuyện muốn nói với em”.
Thông qua điện thoại, tôi có thể nghe được sự hồi hộp ở đầu dây bên kia, cảm nhận được anh ấy sắp nói một chuyện quan trọng gì đó. Nhưng tôi không dám nghe, không muốn ôm thêm hy vọng rồi lại chùn bước, thế nên không đợi anh ấy nói hết câu đã ngắt lời: “Hôm nay em có việc, phải đi bây giờ đây. Đợi lúc nào rỗi thì nói tiếp nhé”.
“Khuê, anh sẽ nói nhanh thôi”. Anh ấy, sợ tôi cúp máy nên nói liền một mạch: “Anh sợ không nói bây giờ thì sau này không đủ can đảm nói nữa”.
“Vậy chờ sau này gom đủ can đảm rồi nói cũng được”.
“Chuyện này không thể nói sau được”. Anh ấy bắt đầu cuống lên: “Anh nghe chuyện gia đình em rồi. Khuê, đừng cưới. Đợi anh về được không? Em đợi anh về rồi tính tiếp được không? Anh sẽ giúp em tìm cách giải quyết”.
Tôi quen Quân cách đây 7 năm, từ ngày đầu tiên mới sang Pháp. Anh ấy là chi hội trưởng của hội đồng hương Việt Nam, hát hay, chơi đàn giỏi, lại thường xuyên giúp đỡ những người mới sang, kiểu người như anh ấy được rất nhiều bạn nữ trong hội yêu quý. Tôi cũng không ngoại lệ.
Bởi vì thích Quân nên tôi mới không nói ra chuyện gia đình mình sắp phá sản, muốn giữ lại một chút tôn nghiêm cho bản thân, nhưng cuối cùng vẫn là không thể.
Nếu đã nói toạc ra như vậy, tôi cũng không giấu giếm nữa. Tôi như một con nhím xù lông lên để tự bảo vệ mình: “Anh không cần phải giúp em đâu. Chuyện của nhà em, em tự lo được”.
“Tự lo làm sao được, em đợi anh đi. Bây giờ anh ra sân bay mua vé, đợi anh”.
“Anh lấy tư cách gì để bảo em đợi anh?”
“Anh…”.
Không đợi anh ấy nói hết, tôi lại tiếp tục: “Đợi anh về thì anh sẽ làm được gì? Cho em tiền, hay là dẫn em bỏ trốn?”.
“Anh sẽ đưa em đi”
“Không cần đâu, em sẽ không đi đâu cả”.
“Khuê, anh nghe nói người đàn ông kia có vợ rồi. Em lo cho bố mẹ em, anh hiểu. Nhưng cũng không thể vì thế mà lấy một người như vậy được. Anh ta có thể lấy nhiều vợ, nhưng con gái như em thì khác. Em chỉ có một lần thôi, đừng chôn vùi hạnh phúc của mình như thế, được không?”.
“Đó là lựa chọn của em”.
Quân gần như hét lên: “Em không thể lựa chọn như thế, anh không chấp nhận. Anh sẽ thử nhờ bố giúp em, trước hết em cứ tạm dừng đám cưới trước đi, chờ anh về. Chờ anh về được không?”.
Tôi hỏi ngược lại: “Vậy sau khi em dừng đám cưới, anh chắc chắn sẽ giúp được em chứ?”.
Quả nhiên, đầu dây bên kia lại ngập ngừng!
Có lẽ anh ấy cũng không biết mình sẽ làm được gì, càng không thể ra mặt dẫn tôi đi, bởi vì bây giờ đã không một công ty nào muốn dính dáng đến Nam Tiến nữa, sợ làm mất lòng Vạn Thịnh. Một doanh nghiệp nhỏ như gia đình của anh ấy, chống cự với Vạn Thịnh để giúp tôi làm sao đây?
Cho nên con đường này, vốn dĩ đã định sẵn chỉ một mình tôi bước!
Tôi nắm chặt điện thoại trong tay, giọng nói nhẹ tênh như gió: “Quân, sau này nếu có thời gian về nước, gặp lại hy vọng chúng ta vẫn là bạn bè”.
“Anh không muốn làm bạn bè. Khuê, anh thích…”.
Tôi không dám nghe hết câu, ngay lập tức cúp máy.
Có những chuyện sớm một chút sẽ không hài hòa, muộn một chút lại thành bỏ lỡ. Lúc còn nhỏ, tôi cứ nghĩ qua tuổi 18 sẽ là trưởng thành, sẽ tự khắc hiểu được thế nào là yêu đương, thế nào là gánh vác. Nhưng đến mãi sau này tôi mới nhận ra, trưởng thành không thể đong đếm bằng thời gian được.
Nếu là tôi của năm 18 tuổi, hoặc giả như năm 25 tuổi, tôi sẽ ngay lập tức nhận lời chàng trai tôi thích. Có thể cùng anh ta bỏ trốn khỏi đám cưới, hoặc khóc lóc giằng co cho đến khi chờ đợi được người ấy trở về.
Nhưng bây giờ tôi không còn thích gì làm nấy được nữa. Trước 25 tuổi có thể tùy hứng bởi vì tôi còn gia đình để dựa dẫm, bây giờ tôi trở thành chỗ dựa cho cha mẹ, thì không thể cứ vậy làm theo ý mình như trước kia.
Cho nên tôi không nghe lời anh cả, cũng không đợi chờ Quân. Tôi sẽ ở đây, bước vào lễ đường, chính thức trở thành vợ hai của ‘kẻ làm thuê’ cho gia đình tôi năm đó, đổi lại bình yên cho cha mẹ tôi.
Cùng lúc này, bên ngoài có tiếng trợ lý gọi tôi: “Chị Khuê, đến giờ tổ chức hôn lễ rồi”.
Cuối cùng, macara vẫn lấm lem trên khóe mắt, tôi lấy khăn tay lau đi, khàn giọng đáp lời: “Tôi ra ngay”.
“Bố chị đang chờ ở sảnh A nhé”.
“Tôi biết rồi”.
Sau đó một mình tôi nhấc chiếc váy cưới nặng trĩu, liêu xiêu từng bước tiến ra lễ đường.
Bố tôi nói, hôn lễ ngày hôm nay của tôi không có bất kỳ người thân nào của gia đình tham dự, anh cả cũng không được phép đến, chỉ có ba người chúng tôi.
Nhưng vì muốn sỉ nhục chúng tôi mà khách mời của nhà trai lại nhiều đến chật kín cả hội trường. Bọn họ đều là lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhỏ ở Hà Nội, tất cả đều là người quen, khi thấy bố tôi nắm tay tôi bước vào thì đều cười mỉa mai, trong ánh mắt không có sự chúc tụng mà chỉ có vẻ thương hại và khinh bỉ đến tột cùng.
Sông có khúc, người có lúc. Lúc trên cao cảm thấy rất mát mặt, ngã ngựa mới biết thật sự đau!
Tôi nghe loáng thoáng tiếng người xôn xao, nói: “Kìa, con bé nhà ông Cường thế mà lại làm vợ hai”.
“Đúng là có tiền sai khiến cả được quỷ có khác, tương lai đang ngời ngời như thế, lại chưa chồng, thế mà lại đi làm vợ hai”.
“Ông Cường làm thế chẳng khác nào bán con”.
“Tôi đã bảo có tiền sai khiến được cả quỷ mà”.
“Tưởng làm sao, xoay sở giỏi giang thế nào, rơi vào đường cùng mà bán con đi thì cũng là hèn cả thôi”.
Những lời ấy như kim đâm qua lỗ tai tôi, ong ong rất khó chịu, nhưng có lẽ có người còn khó chịu hơn tôi gấp trăm lần.
Sắc mặt bố tôi xanh mét, đầu cúi gằm, bàn tay run lẩy bẩy nắm thật chặt tay tôi, mẹ tôi đứng ở một góc bên dưới cũng lén lút lấy tay lau nước mắt, khóc nhiều nên mắt bà đỏ hoe.
Tôi nghĩ cả đời tôi, cho đến phút giây này chưa từng thấy gia đình mình chịu nhục nhã đến vậy. Nhưng đứng dưới mái hiên, ai có thể không cúi đầu đây?
Không, từ lúc tiến vào lễ đường này thì chúng tôi đã gần như đã quỳ cả rồi. Quỳ trước mặt người đàn ông tên Xuyên kia…
MC thấy ánh đèn rọi về phía tôi thì lập tức hô to: “Kính thưa quý vị, sau một thời gian dài chờ đợi thì cuối cùng cũng được thấy cô dâu của chúng ta. Hôm nay, tại hôn trường này cô ấy là người rực rỡ nhất, xinh đẹp nhất, và có lẽ cũng là người hạnh phúc nhất, bởi vì ở ngay trên khán đài này có một người đàn ông vô cùng xuất sắc đang chờ cô ấy”.
Đèn ở khán đài cũng bật lên, một người đàn ông trầm mặc đứng ở đó cũng hiện ra trước mắt tôi, cùng với đó là tiếng MC hô to: “Vâng, chú rể của chúng ta”.
Lúc này, dưới sân khấu mới vang lên những tiếng vỗ tay rần rần, bản nhạc đám cưới cũng được tăng âm lượng, vang vọng cả hội trường. Tất cả mọi người đều xôn xao khi thấy anh ta, chỉ có cả nhà tôi là không thể cười nổi.
Giọng bố rất khẽ, như lẫn vào tiếng xôn xao xung quanh nhưng tôi vẫn nghe được: “Cơm Nắm, bố xin lỗi”.
Tôi đáp: “Bố, đừng buồn. Con sẽ không sao đâu”.
“Đợi một ngày nào đó bố vực dậy được công ty rồi, bố sẽ đến đón con”.
Tôi chẳng biết có ngày đó hay không, nhưng vẫn gật đầu: “Vâng. Con chờ bố”.
Sau đó, bố dắt tôi đến trước mặt người đàn ông kia. Lúc tới gần, nhìn rõ anh ta, tôi mới chợt nhớ lại gương mặt của chàng thiếu niên gầy gò năm đó. Vừa vặn trôi qua 20 năm, ở tuổi 35, anh ta vẫn giống như trước, nhưng lại cũng có rất nhiều điểm khác trước.
Gương mặt không in hằn dấu vết của tuổi tác và năm tháng, nhưng từng đường nét đã góc cạnh và nam tính hơn cách đây 20 năm. Thân thể yếu đuối ốm nhom kia bây giờ đã trở nên rắn rỏi và cao lớn, trên người toát ra hơi thở của một người đã ngấm đủ mọi bão táp phong ba. Có đủ nội hàm chín chắn, có đủ thành thục ổn trọng, có đủ quyết đoán và đĩnh đạc. Đặc biệt là ánh mắt, sự sắc lạnh trong đó khiến người khác không dám tới gần, nhưng lại cho tôi cảm giác thâm sâu đến mức dễ sa chân.
Tôi tự hỏi đây là chàng thiếu niên năm xưa đã dùng bàn tay đầy máu bò từng bước đến trước mặt anh tôi sao? Là người dù đói khát chui rúc ở dưới gian chứa đồ bẩn thỉu cũng không dám ăn một chiếc bánh tôi đưa sao?
Không, rõ ràng là phải mà không phải!
Trong lúc tôi còn đang ngây ra nhìn anh ta thì bố tôi đã cất giọng đầy máy móc: “Cậu Xuyên, hôm nay tôi giao con gái của tôi cho cậu”.
Hai tay anh ta vẫn để xuôi bên hông, không hề đưa lên nhận tay tôi từ bố tôi. Chỉ bình thản đáp: “Hợp đồng xây dựng tòa nhà A từ hôm nay là của ông”.
Sống lưng bố tôi run lên, ông cắn răng nói “Cảm ơn”, lại nhìn tôi thêm một lần rồi mới lẳng lặng rời khỏi lễ đường, nhường lại sân khấu cho chúng tôi.
Lúc này, rất nhiều người đang đứng ở khán đài nhưng tôi lại có cảm giác bơ vơ chưa từng có. Dù sao cũng là lần đầu tiên được làm cô dâu, đứng trước ánh đèn và hàng trăm cặp mắt, tôi không biết làm gì nên cứ đứng chôn chân mãi một chỗ, chỉ sợ sai một bước sẽ làm gia đình mình thêm bẽ mặt.
Mãi tới khi người đàn ông kia lên tiếng, tôi mới giật mình: “Lại đây”.
“…”.
Anh ta nhìn tôi nói: “Đứng bên cạnh tôi”.
Chẳng biết có phải do hiệu ứng ánh sáng sân khấu hay không mà đột nhiên tôi thấy ánh mắt kia đã giảm bớt vẻ lạnh lùng. Tôi gật đầu, nâng váy chậm rì rì tiến lại. Anh ta vẫn không đỡ tôi, chỉ nhích sang trái một bước, nhường vị trí chính giữa sân khấu cho tôi.
Lúc vừa đứng song song anh ta thì MC lại gào to: “Tôi đã từng tham dự rất nhiều hôn lễ, nhưng chưa từng thấy cô dâu chú rể nào lại đẹp cả đôi như thế này. Đứng cạnh bên nhau đúng là làm chói lóa cả hôn trường, phải không mọi người? Nào, để chúc mừng cho đôi kim đồng ngọc nữ này, chúng ta cùng nâng ly…”.
Mấy lời hoa mỹ đến buồn nôn này tôi cũng lười nghe, mà nghe cũng không nổi, tôi gắng gượng nở nụ cười cứng ngắc đứng trên sân khấu, máy móc làm theo lời MC. Có lẽ đã từng trải qua một lần nên Xuyên cũng không hứng thú với hôn lễ thứ hai này, các chương trình được anh ta lược bỏ đi gần hết, ngay cả uống rượu giao bôi hay trao nhẫn cũng bị cắt, cuối cùng chỉ còn mỗi tiết mục thề thốt mà đám cưới nào tôi tham dự cũng được nghe.
MC hỏi: “Anh Trần Lịch Xuyên, anh có đồng ý lấy chị Đoàn Nguyệt Khuê làm vợ, nguyện cả đời này yêu thương chị ấy, đối xử tốt với chị ấy, vĩnh viễn ở bên cạnh chị ấy khi sung sướng cũng như lúc hoạn nạn khó khăn không?”
Người đàn ông kia đưa mắt nhìn tôi, im lặng vài giây rồi mới đáp: “Đồng ý”.
“Chị Đoàn Nguyệt Khuê, chị có đồng ý lấy anh Trần Lịch Xuyên làm chồng, nguyện cả đời này yêu thương anh ấy, đối xử tốt với anh ấy, vĩnh viễn ở bên cạnh anh ấy khi sung sướng cũng như lúc hoạn nạn khó khăn không?”.
Tôi không nghe được câu hỏi của MC, bởi vì trong đầu chỉ văng vẳng ba chữ Trần Lịch Xuyên.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, anh cả tôi vô cùng hống hách ngỗ ngược, mấy người làm trong nhà đều dù lớn tuổi hay ít tuổi đều bị anh ấy chửi mắng, có người còn bị anh cả nhổ nước bọt vào mặt. Riêng đối với Xuyên, anh cả không chỉ mắng chửi mà còn dùng cả roi.
Tôi không thể đếm được bao lần anh cả tôi hành hạ anh ta, lần nhẹ thì hắt cả một ấm nước nóng vào người, nặng thì lấy dây lưng của bố quất anh ta đến rách tả tơi quần áo, tím bầm khắp người. Anh cả đánh Xuyên như cơm bữa, nhưng bố mẹ tôi không ngăn cản, bố mẹ anh ta lại không dám lên tiếng, bởi vì bọn họ chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu nhà tôi.
Cách đây 20 năm, thời bao cấp, nhà có tiền như cường hào ác bá, còn người làm thuê chẳng khác nào những mạng sống rẻ mạt, bất kỳ ai cũng có thể chà đạp được vậy.
Có một lần, anh cả tôi không tìm thấy mấy cuốn truyện tranh, chưa hỏi rõ đầu đuôi đã đổ tội cho Xuyên lấy, sau đó dùng gậy bóng chày đánh cho anh ta một trận. Đánh đến nỗi khóe miệng Xuyên đầm đìa máu, lưng tím đen, chân lặc liễng không bước thẳng được.
Vậy mà dù bị đánh bao lần thì anh ta chưa bao giờ phản kháng, cũng chưa từng hé miệng kêu đau. Anh cả không nghe được tiếng van xin của anh ta lại càng đánh tàn nhẫn hơn, đánh mệt rồi lại đổi sang chiếc gậy khác.
Anh cả bảo tôi đừng lại gần ‘thằng người làm rác rưởi đó’, nhưng tôi lại cứ thích lẽo đẽo đi theo sau anh ta, hỏi anh ta tên gì. Chàng thiếu niên ấy liếc tôi một cái, mím môi im lặng rất lâu mới nói ra một chữ:
“Xuyên”.
Tôi nói: “Cái gì Xuyên?”.
Anh ta đưa tay lên lau vệt máu trên khóe miệng, ánh mắt dừng trên khuôn mặt non nớt của tôi rất lâu rồi lẳng lặng dời đi. Chân anh ta lặc liễng lê từng bước, tôi vẫn lì lợm chạy theo sau, luôn miệng giới thiệu tôi tên Đoàn Nguyệt Khuê. Lúc đó tôi mới 5 tuổi, được cha mẹ dạy cho tên của mình nên phấn khích đến nỗi gặp ai cũng khoe.
Tôi nói Nguyệt là trăng, Khuê là dịu dàng. Tên em là Ánh trăng dịu dàng. Nhưng cả ngày hôm ấy vẫn không nghe được câu trả lời tên anh ta là cái gì Xuyên.
Hôm nay mới biết, hóa ra tên anh ta rất đẹp. Là Trần Lịch Xuyên!
Không gian xung quanh bỗng nhiên yên tĩnh một cách kỳ lạ, vài giây sau, tôi nghe tiếng MC hắng giọng: “Chị Đoàn Nguyệt Khuê”.
Lúc này tôi mới giật mình thoát khỏi dòng hồi ức xưa cũ, ngơ ngác ngẩng lên nhìn MC. Khóe mắt tôi thấy Xuyên đứng bên cạnh khẽ nhíu mày, nhưng anh ta cũng không nói, chỉ ra hiệu cho MC đọc lại câu hỏi vừa rồi.
MC gật đầu, dõng dạc đọc lại: “Chị Đoàn Nguyệt Khuê, chị có đồng ý lấy anh Trần Lịch Xuyên làm chồng, nguyện cả đời này yêu thương anh ấy, đối xử tốt với anh ấy, vĩnh viễn ở bên cạnh anh ấy khi sung sướng cũng như lúc hoạn nạn khó khăn không?”.
Tôi cúi thấp đầu, hít vào một hơi thật sâu rồi chậm chạp nói ra ba từ: “Tôi đồng ý”.
Thanh âm của MC bất chợt trở nên cao vút: “Như vậy chú rể và cô dâu đã đồng ý thề nguyện ở bên nhau cả đời. Chúng ta cùng chúc cho cô dâu chú rể từ nay sẽ sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, chúc cho hai người sẽ sinh con đàn cháu đống, mãi mãi gắn bó không chia lìa…”.
***
Xong xuôi mấy nghi thức sáo rỗng, bố mẹ tôi không có mặt mũi nào tham gia tiệc đãi khách nên vội vàng về luôn. “Chồng tôi” thì bị khách khứa vây quanh chúc tụng, tôi lại chẳng quen ai nên chỉ ngồi yên trong một góc, lẳng lặng chờ đến khi bữa tiệc mỏi mệt này kết thúc.
Một người phục vụ bỗng nhiên bưng tô cháo lên cho tôi: “Chị Khuê, chắc chị đói rồi phải không? Ăn một ít cháo này đi”.
“Dạ? À…”. Ngửi thấy mùi cháo mới cảm thấy đói, tôi nghĩ đó là đồ ăn nhà hàng chuẩn bị kèm trong thực đơn nên gật đầu: “Cảm ơn chị”.
“Tổ chức cưới sẽ mệt lắm, chị ăn đi cho có sức. Em để cốc nước ép táo ở đây nhé”.
“Vâng, tôi biết rồi”.
Ở bên này không có ai để ý, tôi ăn tạm một ít cháo, vừa uống được một ngụm nước ép đã thấy một bóng người quen thuộc từ cửa chính đi vào.
Chẳng biết tại sao anh cả lại ra ngoài được, vừa vào đến khán đài đã đập tan cả tháp rượu. Tiếng thủy tinh đổ ầm ầm xuống đất, điếc tai đến mức cả hội trường đang tay bắt mặt mừng liền im bặt, tất cả mọi người giương mắt đầy hứng thú nhìn về phía anh trai tôi.
Anh cả mặt mày đỏ phừng phừng, nhặt chai rượu đã vỡ lên chỉ vào mặt Xuyên: “Thằng khốn kiếp kia, hôm nay ông đây đến tính sổ với mày”.
Dây thần kinh trong đầu tôi gần như đứt phựt, lúc ấy thứ tôi suy nghĩ được không phải là anh cả sẽ làm bị thương ‘chồng tôi’, mà là sợ mọi chuyện rùm beng, cuối cùng người bị thiệt nhất lại chính là anh trai tôi.
Chúng tôi thừa hiểu, bây giờ không thể đối chọi lại được với người đàn ông ấy. Bạo lực hay phương thức nào cũng vậy!
Tôi vội vội vàng vàng đứng bật dậy, quên béng rằng mình đang mặc váy cưới mà cuống cuồng chạy lại. Nhưng chạy hai bước liền vấp váy, ngã sấp mặt xuống sàn. Tôi không kịp ngấm đau đã bò lên, tiếp tục chạy, miệng liên tục gọi:
“Anh cả, đừng làm lung tung. Anh cả, dừng lại đi”.
Váy vừa dài vừa nặng, tôi ngã lần thứ hai, rồi lần thứ ba, cuối cùng, lần thứ tư thì được một người nâng dậy.
Người đàn ông Xuyên lạnh nhạt nhìn tôi, không nói gì, nhưng ánh mắt anh ta rõ ràng không vui. Tôi sợ anh ta không vui thì anh cả sẽ càng thêm thảm, cuống quít nói:
“Anh đừng chấp anh ấy, anh mặc kệ anh ấy. Anh tôi…”
Còn chưa nói hết câu đã thấy anh cả xông lại, cầm chai rượu lởm chởm mảnh thủy tinh chĩa vào đầu Xuyên, miệng gào thét: “Cơm Nắm, đi đi. Hôm nay anh g.iế.t nó cho em, em mau đi đi”.
Tôi trợn to mắt, muốn nói “Không” nhưng có cảm giác không kịp nữa.
Tuy nhiên, lúc mảnh thủy tinh sắp xộc đến thì động tác của anh cả đột nhiên khựng lại, tôi hoảng hốt đến mức mồm miệng cứng ngắc, nhìn kỹ mới thấy cổ tay của anh ấy đã bị Xuyên nắm lấy.
Anh ta buông tôi ra, đứng dậy: “Làm loạn gì đấy?”.
“Mày…”. Anh cả tôi muốn vằng ra nhưng không được, nâng chân định đá Xuyên nhưng anh ta đã ngay lập tức chặn trước, anh cả tôi vùng vẫy thế nào cũng không thoát nổi tay anh ta.
Tôi đột nhiên nghĩ, có lẽ 20 năm trước và cả 20 năm sau thì anh tôi cũng chưa bao giờ thắng được Xuyên. Anh ta có thể bổ củi, gánh nước, vác mấy bì gạo to, còn anh tôi ngay cả cái búa tạ cũng không vác được. Trước đây anh tôi có thể bắt nạt được Xuyên chẳng qua là vì anh ta không muốn phản kháng mà thôi.
Bây giờ thì khác rồi!
“Thằng kh.ốn k.iếp. Buông tao ra”. Hai mắt anh cả đỏ ngầu như máu, hét ầm ỹ: “Tao nói cho mày biết, tao không bao giờ gả em gái tao cho một thằng mọi rợ như mày. Em tao không việc gì phải làm vợ hai của một thằng có bố mẹ là người làm công cho nhà tao như mày”.
Anh cả tôi gào to: “Mọi người nghe thấy không, Trần Lịch Xuyên là thằng bần cùng mọi rợ, thằng con của lũ làm…”.
Anh cả còn chưa nói hết câu thì cổ tay đã bị vặn ngược lại, cơ hồ tôi còn nghe tiếng xương răng rắc, cùng với đó là âm thanh thét lên của anh trai tôi.
Còn người kia, bị sỉ nhục như vậy mà anh ta vẫn hết sức bình tĩnh, vẻ mặt lạnh tanh, chỉ có ánh mắt âm u đến cực điểm: “Câm miệng lại”.
Anh cả tôi đau đến mặt mày xanh mét, nhưng vẫn mắng chửi. Tôi sợ chỉ cần nói thêm vài câu thôi, cổ tay của anh cả sẽ bị Xuyên bẻ gãy. Mà thực ra vết thương trên thân thể không đáng ngại, anh trai tôi từng đánh anh ta, giờ làm loạn thế này bị thương là đáng lắm. Nhưng còn gia đình chúng tôi thì sao? Những nhục nhã mà bố mẹ và tôi đã phải gánh để đổi lấy đường lùi cho công ty thì sao?
Không, không thể đổ sông đổ bể được.
Tôi vội vàng đứng dậy, lay anh cả: “Anh cả, đừng làm loạn nữa. Đừng nói nữa, đủ rồi”.
“Cơm Nắm, anh đã nói em mau đi đi. Em không phải sợ nó. Có anh cả ở đây, anh không cho phép nó đụng vào em”.
Tôi bực mình hét to: “Em không đi. Anh có làm gì thì em cũng không đi. Em là vợ anh ấy, em đi theo anh ấy, anh mau về nhà đi”.
Anh cả tức đến trợn mắt, há miệng nhưng không nói được gì. Sau đó có lẽ giận quá nên anh ấy dùng tay còn lại rút chai thủy tinh từ tay kia ra, dùng sức nhắm vào ngực Xuyên đ.â.m xuống.
Tôi nghĩ, nếu để anh ấy đ.âm nghĩa là gia đình chúng tôi thật sự xong rồi!
Chỉ trong một tích tắc, tôi ngay lập tức vùng lên dùng tay nắm chặt lấy chai thủy tinh. Một cảm giác đau thấu tận xương xộc thẳng vào đại não, đau như có thể c.hế.t được ngay tại đó vậy.
Anh cả thấy máu trên tay tôi thì kinh hoàng hét to: “Cơm Nắm”.
Trần Lịch Xuyên thì buột miệng mắng một tiếng, sau đó giữ chặt cổ tay tôi, gầm lên: “Buông ra”.
Tôi máy móc làm theo lời anh ta, buông vỏ chai vỡ kia ra, m.áu theo đó chảy tong tong xuống đất, nhìn đến đỏ cả mắt. Anh cả tôi hoảng hốt đến cuống hết cả lên, rõ ràng muốn rịt lại máu cho tôi nhưng run rẩy không sao làm được. May sao cùng lúc này Xuyên cũng ngay lập tức lấy một chiếc khăn sạch ở bàn tiệc gần đó, buộc bàn tay tôi.
Khách khứa trong sảnh hôn lễ thấy cảnh này, người thì thích thú đứng xem, người thì hò hét bảo mau đưa đi bệnh viện. Anh cả tôi cũng chợt giật mình, quýnh quáng bảo tôi: “Đi bệnh viện”. Nhưng vừa vươn tay ra thì Xuyên cũng lôi tôi về.
Giọng anh ta cứng rắn và lạnh lùng: “Đừng có đụng vào”.
“Mày… thằng k.hốn này”.
Trần Lịch Xuyên không để ý đến anh cả, chỉ đưa mắt ra hiệu cho mấy người bảo vệ đứng gần đó khống chế anh cả.
Ba người bảo vệ cao to chẳng mấy chốc đã gô cổ được anh tôi rồi kéo đi, lúc này, Xuyên mới nói xin lỗi mọi người, hẹn có dịp gần nhất sẽ tổ chức chiêu đãi sau.
Mọi người xem trò vui đã đủ, ai nấy đều cười cười: “Không sao, không sao. Sức khỏe của vợ cậu quan trọng nhất. Cậu mau đưa cô ấy đến bệnh viện đi”.
Anh ta gật đầu, đi thẳng ra bên ngoài, tôi muốn chạy theo hướng ba người bảo vệ nhưng sợ mọi chuyện lại thêm rắc rối, đành chọn theo anh ta.
Ngồi trên xe đến bệnh viện, tôi thấp thỏm không yên. Không phải vì đau mà vì lo cho anh cả. Tôi sợ Xuyên sẽ không tha cho anh tôi, nhẹ thì đánh một trận rồi thả cho về, nặng thì đánh xong sẽ đưa anh ấy lên đồn công an.
Gây rối trật tự công cộng, dùng vũ k.hí ngu.y hiể.m đe dọa g.iế.t người, ít nhất cũng phải ngồi tù vài năm.
Anh cả tôi đã gây ra biết bao đau đớn cho người đàn ông đó, làm sao có chuyện anh ta chọn nhẹ tay với anh tôi được đây?
Xuyên thấy cứ chốc chốc lại ngoái đầu lại, có lẽ cũng biết tôi đang nhìn gì, mới mở miệng: “Không cần nhìn nữa, qua hai con phố rồi”.
Tôi giật mình, vội vàng thu lại tầm mắt rồi lén lút liếc anh ta, ở vị trí này chỉ thấy một bên sườn mặt lạnh lùng của người đàn ông đó. Mấy đầu ngón tay của anh ta vẫn dính máu của tôi, nhưng dường như anh ta cũng không mấy để ý nên chẳng buồn lau đi.
Lòng tôi rất nặng nề, chậm rì rì nói: “Anh cả tôi… Anh ấy không biết suy nghĩ, làm ra mấy chuyện khó chấp nhận được, tôi thay mặt anh ấy xin lỗi anh”.
Tôi biết không thể xin lỗi, nhưng vẫn kiên trì nhắc lại: “Xin lỗi anh,”
Lông mày Xuyên khẽ cau lại, anh ta im lặng hồi lâu rồi đột nhiên nói một câu chẳng hề liên quan: “Lo cho vết thương trên tay em đi”. Anh ta vẫn chuyên chú lái xe, nhưng chẳng hiểu sao vẫn biết váy tôi đầy m.áu: “Tôi không thích mùi máu dây ra xe tôi”.
“À… vâng”. Tôi ngẩn ra mấy giây mới cuống quít nắm chặt bàn tay lại, nói xin lỗi xong thì ngồi im re, không dám cựa quậy nữa.
Trong khoang xe không còn tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng thở rất khẽ của tôi. Tâm trí tôi lúc này là một mảnh hỗn loạn, không thể nào xua đi được giọng nói “Cơm Nắm, mau chạy đi” của anh cả, rất lo cho anh ấy, nhưng lại chẳng thể liên lạc với bố tôi.
Cho đến khi xe dừng lại ở bệnh viện, người bên cạnh tôi bỗng dưng lên tiếng: “Chỉ có một lần này thôi”.
Tôi mở to mắt nhìn anh ta, lại nghe Xuyên chậm rãi nói thêm một câu: “Hôm nay là ngày cưới, tôi có thể bỏ qua. Nhưng sẽ không có lần sau”.

 

Đoạn 3
Tôi vào bệnh viện trong trạng thái đầu bù tóc rối, váy cưới trên người vừa dính m.áu vừa nhếch nhác, bẩn đến mức không còn màu sắc ban đầu. Mấy người trực lễ tân thấy vậy mới tốt bụng hỏi tôi:
“Này, có cần tôi báo công an giúp không?”.
“Hả?”. Tôi trợn tròn mắt, nghĩ nghĩ một hồi mới hiểu ra bọn họ tưởng tôi bỏ chạy trong ngày tổ chức kết hôn, đành xua tay: “À… không. Tôi bị ngã vào vỏ chai vỡ nên mới bị đứt tay thôi. Cho tôi lấy số ạ”.
“Có người nhà đến cùng không?”.
Tôi quay đầu nhìn thử phía sau, thấy Xuyên đỗ xe xong đang đi đến, đành nói: “Có”.
Bạn lễ tân kia vừa thấy anh ta thì thái độ thay đổi ngay lập tức, mắt dán chặt lên người anh ta: “Chồng của bạn đấy à?”
Tôi đáp: “Không, anh ấy là bố tôi”.
“Gì cơ?”
Tôi nghĩ Trần Lịch Xuyên 35 tuổi, tôi 26 tuổi, nói phét là bố thì hơi quá. Chẳng qua là tôi không thích công nhận anh ta là chú rể của mình, càng ghét việc bọn họ thấy trai đẹp là mắt sáng lên rồi quấn lấy tôi, nên mới bịa chuyện như thế.
Nhưng sự thật chứng minh là tôi càng nói thì bọn họ càng không tin, từ khi Xuyên xuất hiện, ánh mắt ai cũng sáng rực nhìn anh ta, còn tôi thì chỉ nhận được một cái liếc mắt đầy khinh bỉ.
Cuối cùng tôi đành sửa lại: “Anh ấy là chú họ tôi, không phải chú rể”.
Mấy người lễ tân gật gù, tiện tay lấy số cho tôi: “Chú họ của bạn có vợ chưa?”.
“Ba vợ, con lớn gần bằng tuổi tôi rồi”.
“Ba vợ?”. Một người kêu lên, nghĩ ngợi thế nào lại hỏi: “Có nhu cầu lấy thêm vợ nữa không?”.
Tôi nói dẹp đi, sau đó giật lấy tờ giấy ghi số thứ tự trên tay cô lễ tân đó, đi thẳng vào khu chờ làm tiểu phẫu.
Thấy không? Anh ta rõ ràng có thể lấy thêm chục người nữa làm vợ hai, vợ ba, vậy mà lại đi đường vòng chọn tôi. Hành hạ thì chưa thấy, còn bị tôi chuốc phiền vào người.
Có lẽ qua 20 năm rồi, anh ta vẫn chưa biết tôi của năm 26 tuổi ăn hại thế nào đâu nhỉ?
Tôi với Xuyên một trước một sau cùng đến khu tiểu phẫu, không ai nói chuyện, chỉ im lặng ngồi ngoài hàng ghế chờ. Đợi qua bốn, năm số, cuối cùng tôi cũng được gọi vào. Bác sĩ kiểm tra vết thương trên tay tôi xong, không tốn thời gian nhiều đã phán:
“Phải khâu 6 mũi, bảo người nhà ra đóng tiền viện phí đi rồi mang hóa đơn quay lại đây”.
“Khâu tận 6 mũi hả bác sĩ?”. Tôi không tin hỏi lại: “Cháu thấy tay cháu cũng không nặng lắm, bị cứa đứt ít da thôi. Băng lại thôi được không bác sĩ?”.
Vị bác sĩ già kia trợn mắt: “Ô hay cái cô này, cô là bác sĩ hay tôi là bác sĩ đấy? Muốn nhiễm trùng c.hế.t thì cứ việc băng lại, còn muốn lành lặn lại bình thường thì mau đi đóng tiền viện phí đi rồi về khâu”.
Cuối cùng, tôi không muốn bị nhiễm trùng c.hế.t nên đành chọn đi đóng viện phí.
Nhưng lúc cầm tờ giấy chỉ định mới nhớ ra tôi không mang tiền, điện thoại cũng chẳng biết vứt ở đâu rồi, bên ngoài không có người nhà mà chỉ có ‘chồng tôi’, tôi với anh ta lại chẳng thân thiết đến mức nhờ đi đóng tiền viện phí giúp.
Nhưng tôi vẫn ôm tâm lý may rủi đi ra, thấy anh ta vẫn ngồi ở hàng ghế chờ bên ngoài thì giả vờ gượng gạo cười bảo: “Tôi đi đóng tiền viện phí”.
Anh ta khẽ gật đầu, không hỏi cũng chẳng nói gì, chỉ lạnh nhạt liếc qua bàn tay của tôi rồi lại cúi đầu xem điện thoại.
Tôi nghĩ cũng phải, làm gì có ai đi đóng tiền viện phí giúp kẻ thù của mình bao giờ, thế nên cũng không có cảm giác thất vọng, chỉ ảo não tự xách váy đi ra khu viện phí. Tôi định sẽ mượn điện thoại của ai đó gọi cho bạn của tôi, nhưng đường thì xa mà người ở bệnh viện thì nhiều, ai thấy tôi mặc váy cưới bẩn thỉu cũng quay đầu lại nhìn, nhất là mấy bác trung niên.
Mấy bác ấy nói: “Ôi cái bạn kia tay chảy nhiều m.áu thế mà vẫn xách váy cưới à? M.áu rớt hết ra váy rồi”.
“Mượn bộ đồ bệnh nhân mà thay ra đi chứ. Nặng thế sao xách được”.
Tôi cười cười: “Không sao đâu ạ, cháu đi ra ngay kia đóng tiền viện phí thôi”.
“Người nhà đâu? Sao khổ thân thế? Ngày cưới mà bị thế này còn không có ai đi đóng tiền viện phí giúp à?”.
Tôi chẳng biết nói sao nên chỉ ậm ừ, mấy bác kia thì cứ xuýt xoa bảo tay tôi chảy nhiều m.áu mãi, có người còn định đứng dậy nâng váy giúp tôi.
Nhưng cùng lúc này, bỗng dưng có một giọng nói vang lên từ sau lưng: “Đưa tôi”.
Tôi quay đầu lại, thấy Xuyên đã đứng dậy đi lại gần tôi từ khi nào: “Gì ạ?”.
“Giấy chỉ định đóng tiền viện phí”. Anh ta chìa tay ra, vẻ mặt vẫn lạnh lùng nhưng ánh mắt lại phảng phất vẻ bất đắc dĩ. Tôi nghĩ anh ta không hề muốn giúp tôi, chỉ là tôi và những người xung quanh phiền quá mà thôi.
Nhưng miễn cưỡng giúp còn hơn không, cho nên tôi cũng giả vờ như hiểu ra, “À” một tiếng rồi đưa giấy chỉ định cho anh ta.
Trần Lịch Xuyên liếc qua nội dung bên trong rồi bảo tôi: “Vào khâu trước đi, tôi đi nộp giúp em”.
“Vâng”. Tôi khách sáo nói một câu: “Làm phiền anh quá, cảm ơn anh”.
Anh ta gật đầu, không nói thêm gì, chỉ đi thẳng qua tôi rồi nhanh chóng khuất sau ngã rẽ. Lúc này, tay tôi đã chảy rất nhiều máu, sắp rớt cả ra sàn, không dám đứng thêm nên vội vã quay vào trong phòng tiểu phẫu, kết quả lại bị bác sĩ mắng thêm một trận vì tội có mỗi đưa tờ giấy cho người nhà cũng lâu.
Mắng xong, bác sĩ kia lại nói: “Tốn thời gian quá, giờ mà chờ người nhà thanh toán thì đến lúc nào. Thôi khâu trước đi, làm nhanh tôi còn làm cho bệnh nhân khác”.
Tôi gật đầu, ngoan ngoãn để bác sĩ khâu tay. Kỳ thực, từ nhỏ đến lớn tôi rất sợ khâu vá gì gì đó, một đứa con gái nhà giàu như tôi được bao bọc cẩn thận, 26 tuổi mới bị thương nặng lần đầu tiên. Lúc này rõ ràng bàn tay tôi rất đau, nhưng không còn cha mẹ và anh trai ở bên để dựa dẫm nữa, tôi chỉ có thể cắn răng tự chịu đựng một mình.
Bác sĩ bảo tôi rất may vì các vết cứa không làm đứt cơ và gân xương, chỉ cần khâu lại chừng nửa tháng là khỏi. Còn nói đùa bảo tôi đen đủi, đúng ngày cưới của mình mà lại bị thương.
Tôi cười đáp: “Có để lại sẹo không bác sĩ?”.
“Cũng tùy cơ địa. Có người sẽ có sẹo, có người da thịt dễ lành thì không có sẹo”. Vị bác sĩ kia chậm rãi nói: “Yên tâm đi, tay nghề khâu của tôi cũng được, tôi khâu thế này là đẹp nhất rồi”.
Vừa nói đến đó thì Xuyên bước vào, trên tay là tờ giấy hồng có đóng dấu đã thu viện phí. Bác sĩ nhìn thấy anh ta mặc bộ đồ chú rể thì biết ngay là chồng tôi, chẳng thèm hỏi đã dặn dò luôn:
“À chồng đây phải không? Về nhớ chăm sóc cho vợ, hạn chế đụng nước và thay băng thường xuyên nhé. Tay phải khâu 6 mũi như này là nặng lắm đấy. Mới cưới thì phải yêu thương vợ nhiều vào”.
Xuyên khẽ nhíu mày, không nói gì. Bác sĩ tưởng anh ta đang chuyên chú lắng nghe, lại nói: “Với cả theo dân gian thì tránh sẹo thì nên kiêng đồ nếp với rau muống. Tay vợ cậu đẹp thế này mà để lại sẹo thì tiếc lắm, về nhà nhớ đừng cho vợ ăn mấy món đó, biết chưa?”.
Tôi với anh ta không phải loại quan hệ đó, sợ bác sĩ nói nhiều sẽ làm phiền Xuyên nên định lên tiếng ngắt lời. Nhưng cùng lúc đó cũng nghe thấy anh ta nói một cách rất khiêm tốn: “Tôi biết rồi, cảm ơn bác sĩ”.
Bác sĩ cắt gạc trên tay tôi: “Trông cậu có vẻ chững chạc hơn cô ấy nhiều nhỉ. Cậu ba mươi chưa?”.
Xuyên đáp: “Tôi ba mươi lăm”.
Bác sĩ “Ồ” một tiếng: “Vợ cậu hai mươi?”
Lần này đến lượt tôi đáp: “Cháu hai mươi sáu ạ”.
“Trông hai người trẻ quá”. Bác sĩ gật gù cười: “Ngày cưới đến bệnh viện để khâu tay, 9 tháng 10 ngày sau đến sinh em bé nhé. Hai người đẹp đôi lắm”.
Tôi chẳng quan tâm đến việc có đẹp đôi hay không, chỉ miễn cưỡng nặn ra một nụ cười rồi khách sáo nói cảm ơn, Xuyên thì không tỏ thái độ gì, chỉ im lặng đứng một bên lắng nghe, lát sau lại đi lấy thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn nhân viên trong phòng đánh máy rất nhanh, một loáng đã in ra một đơn thuốc dài. Tôi vẫn không có tiền nên Xuyên là người đi mua, lát sau anh ta quay lại, đưa cho tôi một túi giấy nặng trĩu.
Tôi cũng lười mở ra, chỉ ôm túi thuốc ấy rồi lẽo đẽo theo anh ta lên xe. Khi xe bắt đầu rời khỏi bệnh viện, tôi mới nói: “Cảm ơn anh, hôm nay gia đình tôi làm phiền anh nhiều rồi. Số tiền viện phí và thuốc ngày hôm nay tôi sẽ trả anh sau”.
Xuyên khẽ liếc tôi, ánh mắt vô cùng nhạt: “Tiền thì không phải trả, nhưng em nên chăm sóc bản thân cho tốt”.
Giọng anh ta tông trầm, rất dễ nghe, lúc nói mấy lời này dễ khiến người khác liên tưởng lung tung, ngay cả tôi cũng vậy.
Trong một khoảnh khắc, tôi đã nghĩ anh ta vẫn là chàng thiếu niên tốt bụng trước đây, lúc nhỏ cho tôi một xâu quả bồ quân, lớn lên thì đưa tôi đi bệnh viện, đóng viện phí giúp, còn nhắc tôi nhớ chăm sóc bản thân.
Tôi quay đầu nhìn anh ta, nói hai chữ “Cảm ơn”, nhưng giây tiếp theo đã bị tạt ngay một gáo nước lạnh: “Không cần cảm ơn, tôi ngại tốn công chăm sóc người bệnh”. Xuyên vẫn chuyên chú lái xe, ngữ điệu lại có phần xa cách: “Tôi đổi tòa nhà A lấy em không phải để phục vụ em, hiểu không?”.
Mặt tôi nóng ran, khẽ gật đầu: “Tôi biết rồi. Sau này sẽ cố gắng không để phiền anh nữa”.
“Tốt nhất là nên thế”.
Xe chầm chậm chạy đi, không ai nói chuyện nữa, tôi cũng không hỏi anh ta đi đâu, chỉ thấy những con đường phía trước đều hướng về phía Tây, chắc anh ta sẽ đưa tôi đến sân bay, hoặc khu nhà nào đó ở phía Tây thành phố.
Buổi tối, dòng người đi lại trên đường vẫn đông như mắc cửi, con phố phía trước là nơi tôi đi qua mỗi ngày, nhưng chẳng biết sao hôm nay lòng tôi có cảm giác kỳ lạ lắm, tựa như đang đi trên một giao lộ xa lạ chưa từng đặt chân đến bao giờ vậy.
Tôi không biết mình sẽ dừng lại ở nơi nào, cũng không rõ tương lai sẽ ra sao. Lúc trước vẫn nghĩ tung bay chán rồi sẽ quay về Việt Nam, yêu đương cùng một người đàn ông tốt rồi tính chuyện kết hôn, nhưng hôm nay người tôi thích bảo sẽ trở về từ Pháp vì tôi, vậy mà tôi lại không chờ được.
Tôi không chờ được anh ấy, mà cũng chẳng chờ được bản thân tôi, tôi chọn ở lại và đặt cuộc đời của mình vào tay một người mà tôi không yêu, nói chấp nhận, nhưng thực ra lại không cam lòng.
Bởi vậy tôi mới nói, đường phố hôm nay và những người mà tôi thấy khác lắm, tựa như thế giới tự do ngoài kia đã không còn thuộc về tôi nữa, thanh xuân tươi sáng đã chẳng còn dấu chân tôi, và con đường phía trước cũng chẳng phải là đường mà tôi về nhà!
Vậy còn cảm giác của Trần Lịch Xuyên thì sao? Chắc hẳn sẽ là thoải mái lắm nhỉ?
Tôi lặng lẽ nhắm mắt, hít vào mấy hơi thật sâu mới chậm rì rì nói: “Tôi hỏi anh vài câu được không?”.
Người đàn ông bên ghế lái đáp: “Em hỏi đi”.
“Anh sẽ không vì lấy tôi làm vợ hai mà buông tha cho gia đình tôi, phải không?”.
Trong khoang xe thoáng chốc chỉ còn lại tiếng “tích… tích” của đồng hồ trên Radio, không nghe được tiếng anh ta đáp. Tôi cứ nghĩ Xuyên sẽ không nói, nhưng đến khi tôi sắp từ bỏ, lại nghe một âm thanh: “Phải”.
“Vậy anh định hành hạ tôi như thế nào?”. Tôi cười: “Tôi hỏi không phải để chạy trốn, mà là để chuẩn bị tinh thần”.
Lần này anh ta không đáp nữa!
Tôi lại tiếp tục: “Nếu không thì tôi đổi qua một câu hỏi khác đi. Tôi vẫn luôn thắc mắc, có rất nhiều cách để anh trả thù gia đình tôi, lấy tôi làm vợ hai có thể khiến bố mẹ tôi không ngẩng đầu lên nhìn ai được nữa, nhưng ngược lại, anh cũng gặp nhiều phiền phức. Sao anh không dùng cách khác dễ hơn, ví dụ như bóp c.hế.t hẳn công ty của gia đình tôi?”. Tôi chậm rãi mở mắt quan sát từng biểu hiện rất nhỏ trên gương mặt của anh ta: “Công ty c.hế.t, gia đình cũng tôi chẳng ai được sống tử tế”.
Khóe miệng của người đàn ông kia cong lên, im lặng vài giây rồi hỏi ngược lại tôi: “Nghe nói ở Pháp em là luật sư?”.
Tôi chột dạ, nói: “Phải”.
Nụ cười trên môi anh ta càng sâu hơn, nhưng lại khiến người ta không thể nắm bắt được: “Tôi phải nhắc cho em nhớ, tôi không phải là đối tượng tranh tụng của em, không cần phải thăm dò tôi”.
Quả nhiên là người đã nếm trải đủ gió mưa, có đủ tỉnh táo và nhãn quan nhìn nhận sắc bén, một con nhóc 26 tuổi như tôi không đủ bản lĩnh để qua mặt được Trần Lịch Xuyên.
Ai mà biết anh ta đã phải trải qua những gì mới leo lên được vị trí tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh chứ?
Tôi ngượng đến chín mặt, hơi mất tự nhiên đáp: “Không phải tôi thăm dò, tôi chỉ thắc mắc thôi”.
“Không cần thắc mắc”. Anh ta đáp: “Chủ yếu là tôi không ngại phiền phức”.
Không ngại lấy vợ hai sẽ phiền phức, ý anh ta là như vậy!
Cuối cùng, tôi không hỏi nữa, chỉ im lặng nhìn đường phố cho đến khi xe chạy đến một khu dân cư bình thường, sau đó đi sâu vào một con đường nhỏ, đến cuối một con ngõ phủ đầy rêu xanh mới dừng lại.
Ngõ nhỏ đến mức xe không thể quay đầu được, cũng không thể đi qua cổng của căn nhà trước mặt. Tôi cứ nghĩ Xuyên đi nhầm đường, nhưng anh ta lại tháo dây an toàn, bảo tôi:
“Xuống xe đi”.
Tôi không hỏi, máy móc nói “Vâng” một tiếng rồi mở cửa đi xuống. Cuối ngõ là một căn nhà cấp 4 có vườn tược rộng rãi, mái che cổng là một giàn hoa giấy đỏ rực đang vào độ nở hoa. Xuyên đi trước, mở chiếc cổng sắt kẽo kẹt kia xong mới quay đầu nhìn tôi:
“Từ giờ về sau em sống ở đây”.
Tôi tròn xoe mắt, hỏi một câu khá ngốc nghếch: “Đây là nhà của anh à?”.
Anh ta không đáp, chỉ bảo tôi vào đi.
Thực ra tôi nghĩ anh ta đã không còn là chàng thiếu niên nghèo khó lúc xưa nữa, có nuôi vợ hai thì cũng sẽ cho tôi một ngôi nhà tử tế, không ngờ anh ta lại dắt tôi căn nhà nát này.
Nhưng ngẫm lại, anh ta mua tôi về để trả thù chứ không phải cung phụng, cho tôi ở thế này mới giống đang hành hạ. Chỉ là khi bước vào bên trong, tôi vẫn không khỏi cảm thấy rất ngạc nhiên.
Từ cổng vào trong nhà sẽ phải đi qua một khoảnh sân rộng rãi, trong sân trồng rất nhiều loại hoa, rực rỡ nhất là mấy chậu hoa hải đường đang vào mùa khoe sắc, cánh phiếm hồng chồng lên màu trắng, đẹp đến chói lòa cả một góc sân.
Bên trong nhà, tường và cửa sổ cũng đã được cải tạo lại, những đồ nội thất đều đồ của thập niên 70 80, tất cả đã được sơn mới, đèn treo kiểu cũ cũng được sửa sang, chiếu ánh sáng dìu dịu khắp hành lang, nền nhà vẫn là gạch bát đỏ nhưng được lau rất sạch sẽ, còn có cảm giác mát mẻ.
Một thím người làm nghe tiếng xe về mới chạy ra đón tôi, thấy chúng tôi cùng bước vào nhà thì cười tươi như hoa:
“Về rồi đấy à?”.
Xuyên gật đầu: “Thím đưa cô ấy vào phòng đi”.
Thím kia lúc này mới nhìn rõ chiếc váy bẩn thỉu và bàn tay bị băng trắng xóa của tôi, kinh ngạc hỏi: “Tay của cô ấy làm sao thế?”.
Tôi cười, giơ bàn tay lên: “Cháu bị đứt tay, không sao đâu ạ”.
Thím người làm liếc nhìn Xuyên một cái, thấy anh ta không nói gì mới dắt theo tôi đi vào phòng. Lúc vào đến nơi tôi còn kinh ngạc hơn nữa, bởi vì căn phòng mà tôi sắp ở là một gian phòng trông có vẻ đơn sơ, bên trong kê một chiếc tủ gỗ lớn, một chiếc giường lớn, trong góc phòng có một bàn trà nho nhỏ, bên trên đặt một bó hồng còn mới, có lẽ được cắt từ khóm hoa trong sân.
Cửa sổ lớn trong phòng hướng ra khu vườn phía sau, buổi tối mùa hè, gió lùa vào làm tấm rèm trắng khẽ đung đưa, đem theo mùi thơm của hoa cỏ lan vào từng ngõ ngách. Mộc mạc và bình dị đến nao lòng.
Tôi không thể không thừa nhận rằng, tôi đã thích nơi này ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không phải, là rất rất thích.
Dù người đàn ông tên Trần Lịch Xuyên kia không cho người vợ hai như tôi cuộc sống sang giàu hay quyền lợi gì gì đó, nhưng thực ra yêu cầu của tôi không cao, chỉ đơn giản thế này cũng đã đủ hài lòng tôi.
Thím người làm thấy tôi cứ nhìn mãi căn phòng này mới bảo: “Cậu Xuyên bảo từ giờ đây là phòng của cô”.
“À… vâng”. Tôi hơi giật mình, vội vàng thu lại tầm mắt: “Cháu biết rồi ạ”.
“Đồ đạc của cô cũng đã chuyển đến đây rồi, tôi không dám tự ý sắp xếp vì sợ không vừa ý cô. Cô xem có thiếu đồ đạc gì hay cần sắp xếp gì không, tôi làm cho”.
“Đồ của cháu ấy ạ”.
“Vâng, đã mang đến đây rồi”.
Ban nãy mải nhìn phòng nên tôi không để ý, hóa ra ở bên cạnh giường có chiếc va ly to tướng của tôi, còn có chiếc điện thoại tôi đã làm rơi trong tiệc cưới, hôm nay tôi tưởng đã làm mất, không ngờ bây giờ đã được đặt ngay ngắn ở đây.
Chẳng hiểu sao bị bán đi mà tâm trạng lúc này của tôi lại cảm thấy ít nhiều vẫn còn chút may mắn, mỉm cười đáp: “Không cần đâu ạ. Cũng có một ít đồ thôi, cháu tự sắp xếp được mà”.
“Tay cô đau mà”.
“Vẫn còn thuốc tê, với cả băng kín lại rồi nên cháu chẳng có cảm giác gì cả. Thím đừng lo”.
Thím giúp việc hơi ngập ngừng, nghĩ ngợi vài giây rồi mới nói: “Vâng, có gì thì cô cứ nói với tôi nhé. Tôi là người làm ở đây”
“Ôi cô đừng gọi cháu là cô thế”. Tôi xua tay: “Cháu tên Khuê, cháu vẫn còn ít tuổi, chắc chỉ đáng tuổi con cháu cô thôi. Cô cứ xưng hô bình thường thôi nhé, đừng gọi cháu là cô nữa, cháu ngại”.
Thím ấy ngây ra mấy giây rồi bật cười: “Như thế có được không?”.
“Được chứ ạ”. Hồi nhỏ ở nhà, người làm cũng hay gọi tôi là cô Út, nhưng tôi không thích nên dần dần mọi người chỉ gọi tôi là Cơm Nắm. Bây giờ lớn rồi, dùng cái tên này thì hơi mất mặt, nên tôi chỉ nói mình tên Khuê.
Thím người làm cũng rất tự nhiên, gật đầu: “Ừ, tôi tên Vân”
“Vâng, thím Vân ạ”.
Thím Vân khoảng gần 60 tuổi, gương mặt hiền hòa, nụ cười cho người ta cảm giác rất dễ gần. Thím ấy nhìn bộ dạng vẫn mặc váy cưới nhếch nhác trên người tôi rồi nói thêm: “Tổ chức đám cưới cả ngày chắc mệt lắm rồi phải không? Thím có nấu một ít đồ ăn nhẹ rồi, cháu tắm rửa xong thì ra ăn nhé?”.
“Vâng ạ”.
“Tay đụng nước không sao đấy chứ?”
“Không sao ạ”.
“Thế thím ra ngoài nấu ăn, cần gì cứ gọi thím nhé”.
“Vâng ạ”.
Sau khi thím Vân đi rồi, tôi ngó ra ngoài không thấy Xuyên đâu mới vội vàng đóng cửa lại, chạy lại cầm điện thoại bật nguồn lên, vừa có sóng đã thấy rất nhiều tin nhắn báo cuộc gọi nhỡ gửi đến, cả tin nhắn của Quân.
Tôi không có thời gian đọc, chỉ ấn số gọi cho anh cả. Tổng đài thông báo thuê bao không liên lạc được, tôi sốt ruột gọi lần hai, lần ba, cuối cùng mới tìm đến số của bố tôi.
Lần này, chuông đổ ba hồi bố tôi đã nhấc máy:
“Alo, Cơm Nắm. Bố đây”.
Mới có nửa ngày không gặp, giờ nghe thấy giọng bố, tôi cứ có cảm giác đã cách xa cả nửa đời người. Cổ họng tôi bất giác nghẹn lại, muốn nói mà không nói được câu gì.
Bố tôi lại sốt ruột gọi: “Cơm Nắm, con có nghe thấy bố không? Con có sao không? Cơm Nắm”.
Mất mấy giây, tôi mới thông cổ họng được, run run nói: “Bố, con không sao”.
“Con đang ở đâu? Bị thương có nặng không? Có đau không”. Ngừng một lát, bố tôi lại hỏi: “Thằng kia có làm gì con không?”
Tôi lắc đầu: “Không ạ. Con vừa về… nhà”. Chữ nhà này đối với tôi quá xa lạ, không phải nơi có người thân của tôi, nhưng lại là chỗ mà sau này tôi sẽ sinh sống, nói ra vẫn cảm thấy ngượng miệng: “Anh ấy đưa con về nhà, ở ngay bên Long Biên thôi. Phòng rộng rãi lắm, đẹp nữa, bố đừng lo”.
Bố tôi lau nước mắt: “Cơm Nắm…”
Tôi sợ tiếp theo bố sẽ nói ra mấy lời làm tôi đau lòng, sợ tôi sẽ khóc mất, thế nên vội vàng ngắt lời: “Bố ơi, con gọi cho anh cả không được. Bố có gặp anh ấy không?”.
Nhắc đến anh cả, bố tôi lại đùng đùng nổi giận: “Cái thằng hư đốn đó…”.
Ông nói với tôi anh cả phá cửa để chạy đến đám cưới của tôi, bố mẹ tôi về nhà thấy cửa phòng mở toang, biết có chuyện, lại lếch thếch chạy đến nhà hàng. Lúc tới nơi thì thấy anh cả đang gây sự với đám bảo vệ ngay ngoài đường, mặt mày bầm tím, chẳng biết bị ngã hay bị người ta đánh.
Bố tôi thở dài: “Con đừng lo, bố lôi nó về nhốt nó lại rồi. Nó không quậy phá được nữa đâu”.
“Vâng. Bố, mấy ngày nữa bố trả điện thoại cho anh ấy đi. Con muốn nói chuyện với anh ấy”.
Cả bố và tôi đều hiểu, anh cả đến lễ cưới làm loạn như vậy, thực ra cũng chỉ vì thương tôi.
Bố tôi im lặng một lúc rồi cũng gật đầu: “Bố biết rồi. Cơm Nắm, con ở bên ấy cố gắng chịu đựng một chút. Nếu lúc nào cảm thấy không chịu được thì cứ gọi bố, bố đến đón con”.
Tôi cười: “Bố, con đã là vợ của người ta rồi. Sao hơi tý là gọi bố đến đón được”. Bên ngoài có tiếng xe nổ máy nhưng tôi không nghe thấy, chỉ cảm nhận được thứ gì đó man mát lăn xuống từ mắt tôi. Tôi nói: “Bố, bố mẹ phải giữ gìn sức khỏe đấy. Con không sao đâu, lớn rồi”.
Bố tôi không đáp nữa, rất lâu, rất lâu sau, tôi mới nghe được mấy từ “Bố xin lỗi” rất khẽ từ đầu dây bên kia. Tôi cũng không dám dây dưa thêm, sợ khóc đến sưng cả mắt thì lát nữa sẽ không thể ra ngoài được, nên vội vàng kiếm lý do để cúp máy.
Tôi lau nước mắt, dọn dẹp quần áo xếp vào một chiếc tủ xa lạ. Tủ gỗ có bốn ngăn, chỉ có một ngăn đặt quần áo nam đã được xếp gọn gàng, ba ngăn còn lại trống trơn, có lẽ anh ta cố ý chừa lại cho tôi.
Tôi thở dài, làm một chuyện rất lãng xẹt, cố gắng xếp đồ của mình ở cách xa quần áo của anh ta một chút, sau đó lại cầm một bộ đi vào căn phòng tắm, nhìn mọi thứ bên trong, tôi có cảm giác như mình đang trải qua một giấc mơ.
Phải nói thật, dù thích nơi này nhưng mọi thứ vẫn rất lạ lẫm với tôi, những người ở đây cũng đều là không phải là người quen của tôi, bảo tôi thích nghi ngay thì chắc chắn là điều không thể.
Nhưng về sau, nơi này sẽ là chỗ mà tôi sẽ ở, không muốn quen cũng phải học, rồi từ từ cũng sẽ trở nên thân thuộc, phải không?
Bên trong nhà tắm có một bồn nước bằng gỗ đã được rải cánh hoa hồng, có lẽ thím Vân đã chuẩn bị nên đã thắp cả nến thơm. Tôi bước vào bồn, chợt nhớ đến bó hoa hồng đỏ đặt ở bàn trà ngoài kia, ngẫm nghĩ một hồi mới hiểu ra, hóa ra đây là phòng tân hôn.
Nghĩ đến chuyện sắp phải làm, thân thể tôi bất giác run lên, không hẳn là sợ hãi mà là không cam lòng, không biết phải tiếp nhận thế nào, thậm chí còn không hiểu rút cuộc lần đầu tiên có đau không?
Tôi hy vọng không đau, bởi vì tim đã đau rồi, thân thể đau nữa thì tôi sẽ không chịu nổi!
Một lúc sau, tôi sấy tóc đi ra thì không thấy bóng dáng Xuyên đâu, chỉ có thím Vân đang loay hoay ở bếp. Vừa thấy bóng tôi, thím ấy đã nói: “Thím đang định vào gọi cháu, sợ cháu ngủ quên”.
“Dạ, cháu xếp đồ rồi mới tắm nên hơi lâu”. Tôi cười, lảng sang chuyện khác: “Thím nấu xong rồi ạ?”.
“Ừ, nhiều đồ lắm, toàn rau cỏ cho dễ nuốt”. Thím Vân đặt đĩa xuống bàn rồi nhìn tôi, có lẽ vì mới tắm xong nên trông tôi sạch sẽ hơn hẳn lúc mới đến, thím ấy không nhịn được, tấm tắc khen một tiếng: “Chà, Khuê đúng là xinh thật đấy, trắng nữa. Nhìn thế này chắc tưởng chỉ 17, 18 thôi”.
Trong đầu tôi nghĩ: 17, 18 thì nói phét người đàn ông kia là bố tôi cũng không quá đáng lắm nhỉ?
Tôi cười cười: “Thím đừng trêu cháu, cháu lại tưởng thật, tối nay lại mất ngủ đấy”.
“Thật chứ, xinh thế này chẳng trách…”.
Thím Vân nói đến đây thì ngừng lại, chỉ cười. Tôi cũng không muốn tiếp tục nên giả vờ ngẩng đầu lên nhìn quanh nhà. Đây là nhà xây kiểu cũ nên chỉ có một phòng bếp, một phòng khách và ba phòng ngủ. Thím Vân ở phòng ngủ nhỏ ở cạnh bếp, bên cạnh phòng tôi thì có một cánh cửa khác, nhưng từ lúc đến thấy đóng im lìm, chẳng biết là phòng của ai.
Thím Vân thấy tôi cứ nhìn mãi mới nói: “Khuê ăn trước đi. Xuyên chưa về đâu, ban nãy dặn thím là không ở lại ăn tối rồi”.
“À… vâng”. Tôi không để ý đến anh ta lắm, chỉ hỏi: “Thím ơi, ở đây chỉ có mình cháu thôi ạ?”.
Vẻ mặt thím Vân hơi ngạc nhiên: “Ừ. Sao thế?”.
“Vợ cả…”. Tôi định hỏi vợ cả của anh ấy không ở đây sao, nhưng nghĩ lại mình đúng là ngu ngốc. Người như anh ta sao có thể để hai người vợ cùng sống chung một mái nhà được, hơn nữa vợ cả của anh ta khác tôi, Xuyên phải cho chị ấy ở một ngôi nhà to thật to mới đúng.
Thế nên tôi nhanh chóng sửa lại: “Không có gì ạ. Cháu thấy nhà rộng mà ít người nên hỏi thôi”.
“Nhà này mới sửa sang lại cách đây nửa tháng đấy”. Thím Vân cười: “Lúc đầu xuống cấp hết, ai cũng bảo đập đi xây lại, nhưng Xuyên nó lại thuê thợ về sửa sang. Cái gì cần thiết thì thay mới thôi, ví dụ như bếp với đồ dùng trong phòng tắm, còn lại thì giữ nguyên hết”.
Thím Vân nói: “Nhà rộng, tính Xuyên nó thích yên tĩnh nên không thuê nhiều người. Trong nhà chỉ có thím phục vụ dọn dẹp thôi. Về sau cháu cần gì, muốn ăn gì thì cứ nói với thím nhé. Miễn là món thím làm được thì thím sẽ làm”.
“Vâng ạ. Cháu dễ nuôi lắm”. Tôi cười: “Thím ngồi ăn cùng cháu đi”.
Ăn uống xong, tôi dọn dẹp phụ với thím Vân, nói dăm ba câu thím ấy đã giục vào phòng đi ngủ, nói là tân hôn phải đi nghỉ sớm mới tốt, chắc tý nữa Xuyên sẽ về ngay thôi.
Tôi thì ngược lại, hy vọng anh ta đừng về mới tốt!
Cả một ngày dài mệt mỏi, lại bị thương nên lúc đặt lưng lên giường tôi mới thấy cả người rã rời, nhưng lại không thể chợp mắt nổi.
Có thể là do lạ nhà lạ giường, cũng có thể do thần kinh của tôi rất căng thẳng, tôi sợ người đàn ông kia quay trở về nhưng chờ mãi, chờ đến tận khi mí mắt tôi trĩu xuống thì quên mất lại ngủ thiếp đi.
Có điều tôi lại ngủ không được sâu giấc, đến khi nghe tiếng mở cửa là lập tức tỉnh ngay. Nhưng tôi không chào hỏi, vẫn giả vờ nằm im ngủ say như c.hế.t, Xuyên cũng không đánh thức tôi. Tôi nghe thấy tiếng anh ta lấy đồ bước vào phòng tắm, rồi nghe tiếng nước chảy, sau đó tiếng bước chân chậm rãi kia quay lại phòng ngủ, nhưng rút cuộc vẫn chẳng đến gần tôi.
Đèn điện trong phòng đột nhiên tối lại, tôi he hé mắt ra nhìn mới thấy có một bóng người đứng trước cửa sổ. Ánh trăng bên ngoài rọi qua tấm rèm, chiếu lên gương mặt anh ta, người đàn ông kia dường như đứng lẫn trong bóng đêm, từ khuôn mặt đến bóng lưng đều mang dáng vẻ cô độc.
Tôi vẫn còn nhớ rõ sống lưng thẳng tắp của anh ta khi quỳ dưới mưa vào năm đó, đến nay, bờ vai ấy đã rộng dài và vững chãi hơn, nhưng bộ dạng lẻ loi lạnh lùng kia vẫn chẳng chút nào thay đổi.
Chẳng biết có phải hồi ức đột nhiên quay về hay không mà tôi cứ nhìn mãi, nhìn mãi. Cứ nghĩ anh ta sẽ không biết tôi giả vờ ngủ, nhưng rất lâu sau bỗng dưng Xuyên lại lên tiếng: “Không ngủ được à?”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương