Làm Vợ Hai

Chương 13-15



Đoạn 13
Ngày hôm sau tỉnh dậy đầu tôi vẫn đau như búa bổ, quay sang bên cạnh không có ai, cũng chẳng rõ cái ôm đêm qua là thực hay là mơ.
Quần áo trên người tôi đã được thay bằng một bộ váy ngủ sạch sẽ, kẹp tóc cũng đã được tháo ra, để gọn gàng trên góc bàn. Tôi nghĩ mãi cũng không nhớ được đêm qua về nhà thế nào, cũng không biết ai thay đồ cho mình nên cứ vò đầu bứt tóc mãi, lát sau rửa mặt xong mới rón rén đi ra, thấy thím Vân đang loay hoay trong bếp mới hỏi:
“Thím ơi, thím đang nấu gì thế?”.
Thím Vân cười bảo: “Thím nấu cháo hành hoa đấy. Giải rượu giải cảm tốt lắm. Chờ một tý, sắp xong rồi đây”.
“Vâng”.
“Hôm qua có việc gì mà cháu uống rượu nhiều thế? Thím thấy Xuyên bế cháu vào thì tưởng có chuyện gì, may mà Xuyên chỉ bảo cháu say rượu”.
“À…”. Nghĩ đến chuyện anh ta bế tôi đi từ bãi đỗ xe vào hết con ngõ, má tôi bất giác nóng ran lên: “Hôm qua bọn cháu đi ăn thịt xiên nướng, vui vui nên cháu có uống mấy chén. Tửu lượng cháu kém lắm, mấy chén đã say rồi”.
“Ừ”. Thím Vân cười: “Hôm nay dậy có mệt không?”.
“Cũng không mệt lắm ạ”. Tôi bám vào góc tường, đắn đo nhìn thím ấy một lúc mới nói thêm: “Hôm qua thím thay đồ cho cháu à?”.
“Không, hôm qua Xuyên bế cháu vào phòng rồi đóng cửa luôn, lúc ấy thím cũng đi ngủ mà”. Thím Vân nói xong dường như lại nhớ ra chuyện gì nên cười cười nhìn tôi: “Mà có gì phải xấu hổ, vợ chồng với nhau, Xuyên nó thay đồ cho cháu cũng được chứ sao?”.
“Nhưng cháu ngại”.
“Không cần ngại, ở với nhau lâu ngày là quen hết ấy mà. Vợ chồng chung chăn chung gối, sau này còn có con cái chung, những chuyện thế này là bình thường mà”.
Mặc dù nói là nói thế nhưng tôi vẫn ngại, mặt mũi đỏ bừng bừng. Tôi tưởng tượng ra anh ta cởi đồ trên người tôi, từ áo ngoài đến áo trong, quần lớn đến quần nhỏ, thứ gì cần nhìn anh ta cũng nhìn thấy hết, quan trọng nhất là hôm qua tôi còn ăn thịt nướng uống rượu, thân thể chắc sẽ không có mùi thơm tho gì.
Trời ạ! Tôi chỉ muốn độn thổ luôn xuống đất!
Tôi loay hoay một lúc, nhìn quanh nhà không thấy Xuyên đâu mới hỏi: “Thím ơi, anh Xuyên đi làm rồi à?”.
“À, nó dặn thím là hôm nay nó lại vào Nam. Bảo thím nấu cháo cho cháu. Sáng nay chỉ có thím với cháu ăn sáng thôi”. Thím Vân múc một tô cháo đầy, bỏ rất nhiều hành hoa và tía tô cho tôi: “Xong rồi đây, Khuê lại ăn sáng đi”.
Lòng tôi nhẹ nhõm như vứt được quả tạ, cảm thấy anh ta vào miền nam quá đúng lúc, liền sung sướng nói “Vâng” một tiếng.
Ăn xong tô cháo, tôi lại lái xe đến nhà bố mẹ tôi. Hôm nay nhà cửa cũng vẫn chẳng có mấy người, bố tôi cầm bình tưới mấy gốc bon sai trong sân, mẹ tôi thì lủi thủi quét lá rụng ngay gần đó.
Tôi đi vào, gọi một tiếng: “Bố ơi, mẹ ơi, con về rồi này”.
Nghe giọng tôi, cả hai người đều ngước lên nhìn, ánh mắt u ám cũng như sáng rực lên. Bố tôi cười bảo: “Cơm Nắm đến đấy à?”.
“Mẹ tôi cũng hỏi: “Sao đến sớm thế con”.
“Con đến đưa mẹ đi chợ đấy”. Tôi cười: “Hôm nay bố có được nghỉ không?”.
“Ừ, có, hôm nay không phải đến công trình, bố ở nhà thôi”.
“Vâng”.
Tôi lấy chổi quét phụ mẹ, sau đó lại cùng bà xách làn ra chợ. Ở đây vẫn có nhiều người biết đến gia đình tôi, lúc thấy tôi đi cùng mẹ, mấy bà hàng thịt vẫn xỉa xói nói: “Ôi hôm nay con gái đến đưa mẹ đi chợ cơ à? Nhà giàu phải đi siêu thị chứ, đi chợ làm gì?”.
“Ở chỗ nào quy định giàu là không được đi chợ thế cô?”. Tôi bình thản đáp trả.
Bà mụ béo kia vênh váo đáp: “Chả ai quy định, nhưng nghe nói ngày trước nhà ai đó giàu lắm, có mấy chục người giúp việc, rồi chẳng bao giờ phải động tay vào việc gì. Giờ thì phải xách làn ra chợ mua đồ cơ đấy”.
“Người ta bảo gì nhỉ, à, cái bật lửa vài nghìn cũng châm được điếu thuốc vài triệu, trên bàn ăn cao cấp cũng không thiếu được gói muối năm nghìn. Bởi vậy mới nói, có nhiều thứ so sánh thì khập khiễng lắm. Cháu thấy mua hàng ở đâu cũng được, chẳng quan trọng siêu thị hay chợ, miễn là mua được đồ ngon là được”.
“Không quan trọng hay là không có tiền?”.
“Có tiền hay không thì cũng là đồ trong túi cháu, cháu có đến xin cô đâu, cô quản làm gì?”. Tôi nhìn bàn thịt đầy ắp của bà ta, nói thêm: “Tiền thì người ngoài không kiểm được, nhưng thịt trên bàn ngon hay không ngon thì ai cũng nhìn thấy được đấy. Cô có thời gian quản cháu, sao không nhìn lại xem thịt của người khác bán được mà tại sao thịt của mình không bán được đi. Quan tâm đến việc người ta đi siêu thị hay chợ làm gì?”.
Bà mụ bán thịt kia bị tôi nói thì tức đến trợn mắt, cầm d.ao chỉ tôi, tru tréo nói: “A cái con này, ý mày là chê đồ của tao đúng không? Có tin tao x.iên cho mày một cái c.hế.t m.ẹ mày không?”.
Mẹ tôi sợ con mụ to béo phốp pháp ấy, cứ nắm tay lôi lắc lắc, bảo tôi mau chạy đi. Tôi thì chỉ bình thản mở điện thoại ra, bật chế độ quay rồi nói: “Bà nói lại lần nữa tôi xem”.
“Mày đừng tưởng quay video mà tao sợ, bà đây không biết sợ ai nhé”.
“Thì bà cứ nói lại thử xem. Kể cả hôm nay bà có x.iên tôi thật hay không thì tôi vẫn có thể kiện bà tội sỉ nhục người khác, bà dám động vào tôi thì tôi kiện thêm bà tội cố ý g.iế.t người bằng vũ kh.í nguy hiểm”. Tôi gằn giọng hét to: “Bà nói lại tôi nghe thử xem”.
Sắc mặt bà mụ bán thịt ngay lập tức tái mét!
Mẹ tôi thấy vậy cũng bắt đầu vênh mặt: “Tôi nói cho bà biết, con gái tôi là tiến sĩ Luật ở Pháp đấy. Nó lên tòa chưa cãi thua ai bao giờ đâu. Bà đụng đến nó thì không xong đâu”.
“Đừng tưởng bà đây sợ”. Mụ bán thịt nói thì nói vậy nhưng vẫn vứt d.ao xuống, cầm đống muối gạo vảy lên người tôi: “Đúng là mới mở mắt ra đã gặp hãm. Tiên s.ư c.ha mấy đứa h.ãm. Tao rắc muối đốt phong long chúng mày, cút cút cút”.
Tôi không thèm để ý đến mụ ta, kéo tay mẹ tôi đi.
Lúc sang quầy hàng khác, mẹ tôi mới cười tươi rói nói với tôi: “Đấy, mẹ tức con mụ ấy từ lâu rồi. Hôm nay cho nó bẽ mặt. Cơm Nắm giỏi lắm, trả thù cho mẹ”.
Tôi cười: “Mẹ, về sau phải mạnh mẽ lên, đừng để ai bắt nạt”.
“Ừ, mẹ biết rồi”
“Mua đủ thức ăn rồi, mình về thôi mẹ ơi”.
Về đến nhà, tôi mở tủ lạnh ra thấy chẳng có mấy đồ, lại chạy ra siêu thị mua rất lỉnh kỉnh cả đống nữa, đem nhét hết vào trong ấy.
Bố tôi bảo không cần mua nhiều tốn tiền, nhưng tôi nói: “Con có tiền mà, mấy thứ này vẫn đủ mua cho bố mẹ”.
Bố tôi trầm ngâm một lúc, đắn đo rất lâu mới hỏi tôi: “Cơm Nắm, khoản tiền hôm trước con nói đưa cho bố, bây giờ có còn không?”.
Tôi gật đầu: “Còn ạ. Lâu nay con không dùng đến, vẫn còn. Để con chuyển cho bố”.
“Không cần chuyển”. Ông vội vã xua tay, nét mặt bất đắc dĩ bảo tôi: “Thật ra bố cũng không muốn dùng đến tiền của con, nhưng hôm qua con cũng nghe tòa tuyên rồi. Bây giờ thằng Vũ phải bồi thường mấy trăm triệu cho bên kia. Bố muốn mượn tạm tiền của con để nộp khoản bồi thường ấy cho thằng Vũ. Đợi một thời gian nữa có lại thì bố trả con”.
Lúc trước mấy trăm triệu đối với nhà tôi chỉ nhỏ như con kiến, bây giờ số tiền ấy lại lớn hơn cả con voi. Nghĩ thôi cũng thấy lòng chua xót.
Tôi muốn nói “Được”, nhưng thực ra số tiền kia của tôi chỉ có hơn 100 triệu, chỉ đủ để đóng một phần bồi thường cho anh cả, mà không nộp đủ số tiền kia thì cũng không có hy vọng đến kỳ sẽ được xét giảm án cho anh tôi.
Tôi thở dài một tiếng: “Vâng, bố để con nộp cho. Mấy hôm nữa con gom đủ rồi con mang đến nộp”.
“Con lấy ở đâu mà gom?”.
“Con có cách mà. Bố quên con là luật sư à?”. Tôi cười cười, gắp cho bố tôi một miếng thịt thơm nức: “Bố ăn đi. Ăn nhiều vào cho khỏe. Chiều nay con mua thuốc nhuộm về nhuộm lại tóc đen cho bố nhé”.
Bố tôi cũng cười, đôi mắt mỏi mệt như sáng lên: “Ừ”.
Sau hôm đó, tôi bắt đầu lên mạng tìm kiếm những mẩu tin tuyển người tư vấn pháp luật, định tranh thủ làm việc online ở nhà để kiếm thêm thu nhập nhưng thời đại bây giờ cạnh tranh khốc liệt quá, người tìm việc nhiều vô kể, còn bên tìm người lại ít đến đáng thương. Tôi hỏi được một vài nơi, nhưng nơi nào cũng đòi đến phỏng vấn và làm việc trực tiếp.
Tôi nghĩ đến phỏng vấn thì được, còn làm việc trực tiếp thì Xuyên sẽ không đồng ý đâu. Anh ta gia trưởng như vậy, cho tôi ra ngoài đi thu thập tài liệu phục vụ cho vụ án lần trước đã là quá nhân nhượng với tôi rồi, làm gì có chuyện anh ta cho tôi đi làm chứ?
Thế nhưng, vì muốn kiếm tiền bồi thường mà ngày nào tôi cũng kiên trì lên mạng, lên chán rồi lại thấy nick Nhung nên vào nhắn tin:
“Con kia, từ hôm đó đến giờ mất tích thế?”.
“Mất tích quái gì, tao xong vụ đó là phải vào miền nam ngay. Ở trong đây cũng dính mấy vụ thương mại, bận sấp mặt, định nhắn tin chúc mừng mày mà bận quá cũng quên béng đi”.
Nó gửi sang một icon chắp tay: “Đúng là tiến sĩ Luật được đào tạo ở nước ngoài có khác, siêu thật, tao bái phục đấy”.
“Nói móc tao đấy à?”
“Nói thật, trông mày lúc đó hùng hổ lắm, oai phong ngút trời. Không giống như bạn Khuê nhút nhát ngồi bàn thứ tư năm nào”.
Tôi cười: “Mày cũng ngầu mà, chẳng qua là mày bận, lại mới ra miền bắc nên không thu được nhiều tài liệu giá trị thôi”.
“Xùy”. Nó lại gửi icon phẩy tay: “Hôm đó tao thấy sếp tao liếc mày 9 lần nhé. Tao nghĩ nếu mày không phải là em gái của bên bị đơn, có khi sếp tao lại nhắm mày vào làm luật sư của công ty tao ấy chứ”.
“Làm gì có vinh hạnh đó, tao đang thất nghiệp đây”.
“Tiến sĩ Luật cũng thất nghiệp á? Đùa tao à?”
“Tao nói thật mà”.
“Có cần tao giới thiệu công việc cho không?”.
Lần này đến lượt tôi gửi icon phẩy tay: “Xin đừng giới thiệu công ty mày cho tao. Tao có thâm thù đại hận với Vạn Thịnh”.
“Haha, thù thì thù chứ, công việc là công việc, bên này trả lương cao lắm. Sếp tao nhìn mày nhiều lần như thế, có khi cũng nhắm mày thật đấy”.
Tôi nói dẹp đi, sau đó tắt màn hình chat rồi tiếp tục tìm công việc. Có lẽ mải mê với mấy mẩu tin đó quá nên tôi không để ý đến trời đã chuyển về chiều từ khi nào, cũng không nghe được tiếng mở cửa phòng, lát sau có tiếng người vang lên ngay bên cạnh, tôi mới khẽ giật mình:
“Em định đi xin việc à?”.
Tôi quay ngoắt lại thấy Trần Lịch Xuyên về từ bao giờ, anh ta khoanh tay đứng sau lưng tôi, không cần đoán cũng biết đã đọc được trên màn hình máy tính tôi có gì rồi.
Tôi cũng không chối: “Tôi cũng phải kiếm tiền mà, đâu thể ăn nhờ ở đậu nhà anh mãi được”.
Anh ta cười: “Em là vợ tôi, tôi nuôi em cũng là chuyện bình thường”.
“Đây không phải vấn đề nuôi, đây còn là vấn đề tiêu xài cá nhân”. Tôi gập laptop lại, nhìn anh ta: “Tôi không thể tiêu thứ gì cũng ngửa tay xin tiền anh được, tôi muốn có tiền riêng. Tiền kiếm ra bằng chính công sức của mình ấy”.
“Cho nên mới muốn đi làm?”
“Phải”.
“Tìm được công việc ưng ý chưa?”.
“Tôi không biết anh có cho tôi ra ngoài không nên vẫn chưa dám xin làm việc trực tiếp ở chỗ nào cả”. Trời nóng, phòng không bật điều hòa nhưng vẫn rất mát mẻ, nhưng hình như Xuyên vừa đi đâu về nên trán lấm tấm mồ hôi. Tôi rút một tờ khăn giấy đưa cho anh ta, hỏi thẳng: “Anh có cho tôi ra ngoài đi làm không?”.
“Tôi có một công việc khá hay muốn giới thiệu với em”. Anh ta nhận lấy khăn giấy, không lau, chỉ bảo: “Chi nhánh Vạn Thịnh miền bắc đang thiếu luật sư, em có muốn đi làm không?”.
Thực ra, tôi không nghĩ anh ta sẽ đề nghị chuyện này, bởi vì nói gì thì nói, tôi vẫn là kẻ thù của anh ta, lại vừa đứng ở vị trí bên bị đơn để tranh cãi với nguyên đơn. Hơn nữa vị trí luật sư của một công ty là một vị trí rất quan trọng, không tìm người đáng tin tưởng, chắc chắn sẽ dễ phải gánh hậu quả.
Mà tôi thì lại là người mà Trần Lịch Xuyên không tin tưởng nhất, sao anh ta vẫn muốn tôi làm luật sư của Vạn Thịnh?
Tôi nghi hoặc hỏi lại: “Anh chắc chắn muốn tôi làm luật sư của công ty anh hả?”.
Trần Lịch Xuyên gật đầu, tôi lại hỏi tại sao, kết quả anh ta đáp: “Tôi trọng năng lực, không trọng xuất thân. Tôi xem em tranh biện trên phiên tòa thấy em là luật sư giỏi nên muốn em về làm cho công ty tôi, việc này không liên quan gì đến mối quan hệ của chúng ta cả”.
Nếu anh ta nhận tôi vào làm thì đây là chuyện rất tốt, tôi có thể ra ngoài tiếp xúc với thế giới, mà Trần Lịch Xuyên cũng có thể quản được tôi. Nhưng tôi vẫn còn một vấn đề thắc mắc nên nói: “Anh trả tôi mức lương bao nhiêu?”.
Anh ta cười: “Luật sư còn chưa vào làm đã hỏi lương à?”.
“Tại tôi cần tiền mà”. Tôi nói nửa đùa nửa thật: “Tôi là tiến sĩ Luật, có 6 năm kinh nghiệm trên tòa, anh trả lương thấp là tôi không đi làm đâu đấy”.
Khóe môi ai đó càng cong lên, gương mặt đẹp đẽ, nụ cười cũng rất đẹp đẽ: “6…”.
Tôi tưởng anh ta nói “Sáu triệu”, lòng thầm cảm thấy thất vọng, không ngờ Xuyên lại nói thêm hai chữ: “… nghìn đô”.
“Gì cơ?”.
Trần Lịch Xuyên nhắc lại: “Sáu nghìn đô, lương khởi điểm, nếu em làm tốt tôi có thể tăng lương”.
Tôi lẩm nhẩm tính, sáu nghìn đô rơi vào khoảng một trăm ba mươi tám triệu một tháng, con số ấy ở Pháp tôi chỉ coi là số tiền vừa với sức lao động của mình, nhưng ở Việt Nam thì khác, với tôi sáu nghìn đô một tháng bây giờ là số tiền rất rất lớn.
Tôi lập tức đứng phắt dậy, kéo ghế cho anh ta ngồi: “Sếp, lúc nào thì tôi bắt đầu đi làm được? Tôi sẽ đi làm cả thứ bảy chủ nhật, ngày nào cũng tăng ca, khi anh có yêu cầu thì tôi sẽ đến ngay. Tôi sẽ dốc hết sức mình để xứng đáng với mức lương công ty đã bỏ ra ạ”.
Trần Lịch Xuyên bình thản ngồi xuống ghế, chân anh ta dài, vắt lên nhau vẫn còn thừa ra một đoạn, trông chẳng phù hợp với cái ghế đôn thấp tôi hay ngồi này chút nào.
Anh ta cũng phối hợp với tôi, tỏ vẻ trầm ngâm đáp: “Rót nước”.
Tôi co giò chạy đi rót nước, lại cung kính bảo: “Mời sếp uống nước”.
“Không phải nước này, tôi uống trà”.
Tôi cười tươi rói chạy đi rót trà, đến khi mang tới thì anh ta lại đòi cafe, tôi tức đến nghiến răng nghiến lợi nhưng vẫn chạy đi pha.
Thím Vân thấy tôi chạy như con thoi mới bảo: “Làm gì mà thở hồng hộc thế? Muốn uống gì thì bảo thím, thím pha cho”.
“Không, cái này để cháu tự pha thím ạ. Ông chủ đang ngồi trong phòng”.
“Hả? Ông chủ nào cơ?”.
“Ông chủ nhà này ấy”.
Trong lúc thím Vân đang ngẩn ra thì tôi đã mang cafe vào phòng, hai tay đưa cho Trần Lịch Xuyên: “Cafe của anh đây. Tôi tự pha đấy. Công thức bí mật”.
Anh ta liếc ly cafe trên tay tôi, gật đầu, vừa mới nâng ly uống một ngụm thì tôi đã nói: “Trong nhà hết đường rồi nên tôi bỏ mì chính”.
Trần Lịch Xuyên đang uống lập tức sặc, suýt nữa thì phun ra cả ngụm cafe. Anh ta cúi đầu ho sặc sụa, ho đến mức mặt đỏ như gấc, tôi đứng bên cạnh dở cười dở khóc: “Mì chính cũng ngọt mà, thay cho đường thì có sao?”.
Anh ta thở hổn hển nhìn tôi: “Em cố ý trả thù tôi đấy à?”.
Mặt tôi tỉnh bơ đáp: “Làm gì có. Bây giờ anh là sếp tôi, tôi phải lấy lòng anh chứ?”.
Có lẽ Trần Lịch Xuyên cũng bắt đầu sợ tôi, sợ một ngày nào đó tôi pha trà lại không bỏ mì chính mà bỏ thuốc độc c.hế.t anh ta, nên cũng không hành tôi nữa. Anh ta rút khăn giấy từ tốn lau miệng, lau mãi lau mãi, lau đến khi bờ môi của anh ta vốn đã đỏ lại bị chà cho đỏ hơn, khiến lòng tôi ngứa ngáy.
Tôi hậm hực nói: “Lúc nào thì tôi bắt đầu đi làm được? Tôi háo hức muốn được cống hiến cho công ty”.
Trần Lịch Xuyên nhìn tôi bằng ánh mắt: Em háo hức muốn lấy tiền lương tháng thì có!
Tuy nhiên anh ta không nói, lau miệng xong mới bảo tôi: “Dự án xây dựng khách sạn ở Hà Giang của tôi gặp một chút vấn đề. Có mấy người dân có nhà được giải tỏa để xây dựng khách sạn nhận tiền xong vẫn không chịu đi. Một người còn thường xuyên đến công trường làm loạn. Em là luật sư, thuyết phục người khác giỏi, em đến đó một chuyến thử xem”.
Tôi chưa được đến Hà Giang bao giờ, nhưng mấy năm nay nghe nói du lịch trong nước lên đó rất phát triển, đi một chuyến vừa được ra ngoài hít thở không khí, vừa biết đây biết đó, thế nên tôi không nghĩ nhiều đã đồng ý.
Trần Lịch Xuyên liếc vẻ mặt hài lòng của tôi, nói: “Luật sư, pha nước tắm cho tôi”.
Tôi nghiến răng, thầm rủa anh ta là đồ khốn!

 

Đoạn 14
Mấy ngày sau tôi bắt đầu đi làm, nhưng không phải đến công ty Vạn Thịnh mà là theo đoàn lên tận Hà Giang.
Đường lên đó vừa khúc khuỷu vừa khó đi, một bên là vách núi một bên là vực, tôi ngồi trên xe được mấy tiếng thì người đã bắt đầu lâng lâng, muốn nôn nhưng ở trên xe không có túi ni lon, sợ mất mặt nên đành nhẫn nhịn.
Qua đỉnh một con dốc, đột nhiên Trần Lịch Xuyên lại nói dừng lại nghỉ một chút. Người tài xế ngồi phía trước có lẽ chưa từng thấy sếp dừng nghỉ giữa đường bao giờ nên tròn xoe mắt hỏi: “Dừng xe ở đây ấy hả sếp?”.
“Ừ, chọn chỗ nào rộng rãi một chút thì dừng lại, xuống nghỉ ngơi một lúc rồi đi tiếp”.
“Vâng”.
Cậu trợ lý Trung nghe thế cũng quay xuống liếc tôi, sau đó dường như hiểu ra chuyện gì nên đưa cho tôi một chai nước: “Chị Khuê, uống nước đi”.
Tôi gật đầu, cầm lấy nhưng không uống: “Cảm ơn”.
“Lần đầu chị lên Hà Giang à?”.
“Ừ, trước có đi Tam Đảo, nhưng đường ở đó vẫn kém xa đường ở đây”.
“Chỗ này là vùng cao mà, nhiều địa phương vùng sâu vùng xa còn khó đi hơn nữa. Trước tôi đi bản A Tứ phải mất ba ngày mới đến nơi đấy”.
Nhắc đến bản A Tứ, tôi mới kinh ngạc kêu lên: “Bản A Tứ trong sách Mùa Hạ Ở Vùng Cao của tác giả Hà Phương hả?”.
“Đúng rồi, chị cũng từng đọc qua sách đó à?”
“Năm kia tôi về nước có đến triển lãm sách, tiện tay mua cuốn sách đó. Lúc đọc xong cứ nhớ mãi bản A Tứ đó. Cả thầy A Sì Lử và bác sĩ Việt nữa”.
“Em thích truyện đó nhất đấy”.
Mới nói đến đó thì xe dừng lại ở một đoạn đường rộng rãi, mọi người xuống xe đi hít thở, tôi cũng vội vàng chạy xuống, nhưng không phải đi vệ sinh mà là đi nôn.
Tôi chống tay vào một gốc cây ói ra mật xanh mật vàng, ói đến mức bụng òng ọc chẳng còn thứ gì vẫn muốn ói. Lát sau, cảm thấy xuôi xuôi cổ họng rồi tôi mới thở hổn hển đứng dậy, vừa quay đầu lại đã thấy có một tập khăn giấy chìa ra trước mặt tôi.
Trần Lịch Xuyên cụp mắt nhìn tôi: “Say xe sao không nói?”.
“Bình thường không say xe”. Tôi nhận lấy khăn giấy, lau miệng: “Tại đường trên này khúc khuỷu quá, mấy lần tôi nhìn xuống thấy vực sâu nên chóng mặt, rồi mới say xe”.
“Đồ ngốc”.
Tôi bĩu môi, không thèm đáp, anh ta cũng không nói nữa, chỉ yên lặng đứng một bên hứng gió.
Tôi sợ Trần Lịch Xuyên hít phải mùi chua lòm tôi mới nôn ra nên mới kéo anh ta ra một góc khác: “Từ đây đến chỗ xây khách sạn còn xa không?”.
“Hơn hai mươi cây nữa”.
“Đường cũng thế này à?”.
Anh ta nói “Không”, sau đó lại bổ sung thêm một câu: “Đường khó đi hơn nhiều”.
Lòng tôi thầm mắng anh ta là đồ độc ác, vì sáu nghìn đô mà hành hạ tôi. Nhưng đến khi ngẩng lên nhìn đất trời rộng lớn của Hà Giang dưới ánh nắng ban trưa, đón gió lồng lộng từ những thung lũng trải dài phía trước thổi tới, đột nhiên tôi lại có cảm giác nếu bỏ quãng đường khúc khuỷu kia đi thì nơi đây thật sự quá đẹp, đẹp đến mức chỉ muốn dang tay ra hét to mấy tiếng.
Chẳng biết có phải Trần Lịch Xuyên đi guốc trong bụng tôi hay không mà đột nhiên nói: “Đường này là nét đặc trưng riêng của Hà Giang”. Anh ta kéo tay tôi lại, chỉ tôi nhìn xuống bên dưới: “Nhìn thử xem”.
Tôi sợ độ cao, mới liếc một cái xuống vực mà đã sợ đến mức choáng váng đầu óc, vội vàng nhắm mắt lại: “Không nhìn, chóng mặt lắm. Không nhìn”.
“Biết tại sao người ta lại làm đường quanh co không?”.
Núi đèo ở Hà Giang trập trùng, người ta buộc phải làm đường quanh co để giảm tốc độ khi xe xuống dốc, giảm độ ì của xe khi lên dốc. Mấy điều này tôi có thể đọc vanh vách được.
Nhưng Trần Lịch Xuyên lại nói: “Làm đường quanh co để người lên đây có thể ngắm được lâu hơn cảnh đẹp của Hà Giang”.
Hai mắt tôi đang nhắm tịt, nghe thấy câu này thì đột nhiên mở ra, quay đầy nhìn anh ta. Tóc Trần Lịch Xuyên bị gió thổi tung, gương mặt lúc này được ánh mặt trời chiếu vào nên đã bớt vẻ lạnh lùng, thậm chí, tôi còn có cảm giác ấm áp.
Anh ta nói: “Dưới thung lũng có mấy cây hoa ban đang nở, có cả ruộng bậc thang, em mở mắt nhìn thử xem”.
Tôi vẫn dè dặt không dám, Trần Lịch Xuyên ôm hai vai tôi kéo lại, xoay tôi vừa vặn đứng trước ta luy bên đường: “Đừng sợ, nhìn thử xem”.
Cuối cùng, không thể trốn tránh đi đâu được nên tôi đành cúi xuống, ban đầu vẫn thấy chân tay run lẩy bẩy, nhưng đúng như lời anh ta nói, bên dưới có hoa ban trắng nở rực rỡ dưới thung lũng, ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín vàng rộm, cách đó xa xa còn có mấy ngôi nhà đìu hiu bên sườn núi. Con người và thiên nhiên như hòa vào nhau, đẹp đến mộc mạc, đẹp đến yên bình.
Cảm giác lâng lâng vì say xe trong lòng tôi phút chốc bị gió thổi tan hết, chỉ còn lại sự khoan khoái trước sự hùng vĩ của núi non. Tôi hít vào một ngụm gió mát thật sâu, ngửi được cả hương thơm lúa chín, cảm thấy Trần Lịch Xuyên nói rất đúng, người ta làm đường quanh co để ngắm được lâu hơn cảnh đẹp của Hà Giang.
“Anh xây khách sạn trên đỉnh núi à?”. Tôi hỏi.
“Ừ”.
“Bao nhiêu tầng?”
“6 tầng”.
“Nhìn thấy khắp Hà Giang không?”.
Anh ta cười: “Không nhìn thấy, nhưng phần nào đẹp nhất thì nhìn được”.
“Đường đi khó thế này có khách du lịch không?”. Mang vật liệu xây dựng lên tít tận đỉnh núi thì chi phí xây dựng quá lớn, tôi sợ anh ta thất bại nên hỏi.
Trần Lịch Xuyên đáp: “Không có nhiều người say xe như em đâu”.
“Tôi không say xe nữa. Đi vài lần là quen”. Nói đến đây, bỗng dưng tôi quay đầu nhìn anh ta: “Anh chưa bao giờ say xe à?”.
“Có”.
“Lần nào?”
“Ngày xưa ngồi xe bò lên đây”.
“Ngày nào cơ?”.
Anh ta liếc tôi: “Năm 17 tuổi, theo mấy người phu lên Hà Giang khai thác quặng chì. Lúc đó đường khó đi hơn bây giờ, ngồi mấy tuyến xe khách mới lên được đến lưng chừng núi, phải thuê xe bò đến mỏ quặng. Đường nhỏ, bốn bánh xe bò vừa rộng bằng đường, đi trật một cái là rơi xuống núi, tôi ngồi bên vách, nhìn vực suốt nên say xe”.
Lúc trước ở Pháp, vì đi tìm bạn mà tôi phải nhắm mắt nhắm mắt lái xe địa hình leo núi một lần. Đường ở đó cũng hẹp, nhưng vực lại không sâu, tôi lái mà tay chân run lẩy bẩy. Không thể tưởng tượng được một chàng thiếu niên 17 tuổi ngồi xe bò cheo leo trên vực suốt sẽ có cảm giác như thế nào.
Trái tim tôi bỗng dưng cảm thấy chua xót không nói rõ được, hỏi anh ta: “Làm việc ở quặng chì là làm gì?”
“Em đoán xem”
“Vác chì”.
“Ừ”.
“Vác được bao nhiêu cân?”.
“Lần nặng nhất là 70 cân, một ngày vác từ sáng đến tối”.
“Lúc đó anh bao nhiêu cân”.
Trần Lịch Xuyên im lặng không nói, tôi vẫn kiên trì nhìn anh ta, cuối cùng qua một hồi lâu anh ta mới thở dài, đưa tay vuốt tóc tôi, đáp: “38 cân”.
Rút cuộc tôi đã hiểu sự chua xót kia từ đâu mà có, tôi nhắm mắt quay đi, nói: “Sếp, tôi sẽ không say xe nữa đâu”. Bởi vì say xe thật quá ngốc nghếch, Trần Lịch Xuyên khổ như thế còn chịu được, tôi mới đi thế này nhõng nhẽo đòi anh ta dừng lại nghỉ giữa đường làm gì chứ?
Người đàn ông kia cười, đưa nước cho tôi rồi bảo: “Uống đi, lát nữa lên xe đừng nhìn vực, nhìn sang ngang là được”.
Nghỉ ngơi một lúc xong, mọi người lại lên xe đi tiếp. Tôi ngồi ở hàng ghế dưới cùng với Trần Lịch Xuyên, im lặng cầm chai nước nhìn sang ngang, ngắm mãi ngắm mãi, phát hiện ra đúng là nhìn sang ngang không say xe thật, còn có thể ngắm mây, càng lên cao càng như đi máy bay vậy.
Ba tiếng sau thì cuối cùng chúng tôi cũng đến được đỉnh núi, nơi này là một thị trấn nhỏ, dân cũng tập trung đông hơn. Tôi nhìn dọc con phố thấy chẳng có mấy nhà mái bằng, chỉ thỉnh thoảng có một ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu đơn giản, bên ngoài treo tấm biển “Nhà nghỉ”, cách đó xa xa có một tòa nhà cao nhất đang xây dựng. Có lẽ là khách sạn sáu tầng của Trần Lịch Xuyên.
Cậu trợ lý tên Trung hỏi: “Sếp, ăn trưa trước hay đến công trình trước ạ?”.
“Ăn trưa trước”. Ngừng một lát, anh ta lại nói: “Chọn quán sạch sẽ một chút”.
“Vâng”.
Thực ra nói là khu du lịch nhưng nơi này quá cao và xa, các nhà hàng cũng không có nhiều. Xe đi vòng vòng qua mấy con đường cũng tìm được một nhà hàng trông có vẻ sạch sẽ, đồ ăn có sẵn chỉ là cơm, bún, cháo ấu tẩu.
Tôi bị ba chữ cháo ấu tẩu thu hút liền gọi một bát, lúc mang ra thấy giống như hoa quả xay nhuyễn, bên trên bỏ rất nhiều thịt băm. Cậu trợ lý tên Trung thấy tôi cứ nhìn mãi mà không ăn mới bảo:
“Cái này nấu từ củ ấu tẩu nên gọi là cháo ấu tẩu đấy. Vị ngon lắm, giải cảm nữa. Củ này chỉ có trên Hà Giang mới có thôi”.
“Cậu ăn thử rồi hả?”.
Mặt trung hơi ngơ ra: “Ơ… em chưa. Trước đi ngang qua hàng này, thấy biển nên em hỏi sếp. Sếp nói với em thế”.
Tôi quay đầu lại thấy Trần Lịch Xuyên đang cúi đầu ăn cơm, không để ý đến bên này, có lẽ lúc trước anh ta lên đây đi vác chì nên mới biết củ ấu tẩu, hoặc có thể mười mấy năm trước không có cơm ăn, anh ta chỉ ăn cháo ấu tẩu để vác chì cũng nên.
Tôi thu lại tầm mắt, bảo với Trung: “Để tôi thử một miếng rồi nói với cậu”.
“Vâng”.
Lúc ăn một miếng mới thấy cháo vị rất ngọt và bùi, giống như vị của khoai nhưng lại không phải khoai, ăn vào có cảm giác sượng sượng miệng, hơi khó nuốt, nhưng công nhận là rất ngon.
Trung ngồi bên cạnh thấy tôi nhâm nhi mãi thìa cháo mà không nói gì mới sốt ruột: “Sao rồi, vị thế nào hả chị Khuê?”.
“Cậu gọi một bát đi”.
“Hả?”.
“Gọi một bát đi, ngon lắm”.
Kết quả là Trung gọi một bát, cậu lái xe cũng háo hức gọi một bát, ba người chúng tôi ăn cháo ấu tẩu, chỉ có Trần Lịch Xuyên ăn hai bát cơm cùng với mấy miếng thịt kho.
Giải quyết xong bữa trưa cũng đã gần bốn giờ chiều, mọi người chỉ kịp nghỉ một lúc rồi lại đi lên khách sạn kia. Lúc đến tận nơi tôi mới phát hiện ra khách sạn này ở vị trí đắc địa nhất thị trấn này, đất đai rộng rãi, thiết kế hiện đại, phòng nào cũng có ban công và cửa sổ thật lớn để ngắm đất trời Hà Giang.
Mấy người kỹ sư giám sát xây dựng thấy Trần Lịch Xuyên đến thì vội vàng chạy đến: “Sếp ạ”.
“Tiến độ xây thế nào?”. Anh ta gật đầu, đi thẳng vào bên trong: “Vẫn tốt chứ hả?”.
“Tạm thời thì vẫn theo đúng kế hoạch, nhưng nếu ngày nào chú kia cũng sang đây ăn vạ thì em sợ phải chậm tiến độ sếp ạ”. Kỹ sư giám sát thấy có phụ nữ đi cùng mới quay đầu nhìn tôi, nhưng không hỏi: “Cứ đến giữa trưa là ông ấy trèo lên tầng thượng dọa nhảy, đòi công ty mình phải bồi thường gấp đôi tiền giải phóng nhà đất của ông ta lúc trước. Mấy người công nhân ngày nào cũng phải lôi ông ta xuống”.
“Ông ta đòi bao nhiêu?”.
“Một trăm hai mươi triệu ạ”.
Bước chân Trần Lịch Xuyên hơi chậm lại, tôi nghĩ số tiền này với anh ta rất nhỏ, có thể bỏ ra cho người kia để bớt rắc rối. Nhưng anh ta lại dứt khoát nói: “Một xu cũng không trả”.
“Vâng, em biết. Nhưng mà…”.
Trần Lịch Xuyên nhìn tôi: “Cô ấy là luật sư của công ty. Ngày mai cô ấy sẽ đến nói chuyện với ông già đó. Cậu nói ngày nào ông ta cũng đến lúc 12h phải không?”.
“Vâng ạ”. Người kỹ sư kia như vỡ lẽ, gật đầu chào với tôi, tôi cũng mỉm cười coi như chào lại: “Ông ấy đến là leo thẳng lên tầng thượng, em khóa thang máy thì ông ta leo thang bộ, không cản được”.
Nói là tòa nhà sáu tầng nhưng vì địa hình xây trên vách núi, bên dưới còn có một tầng hầm nữa, tính đúng ra là bảy tầng, cao ơi là cao. Trần Lịch Xuyên theo mấy người kỹ sư vào thang máy, lên kiểm tra từng tầng, tôi thì vẫn sợ độ cao nên chỉ lên đến tầng ba là dừng lại, bảo muốn ở đây ngắm cảnh.
Anh ta nhìn tôi rồi nói: “Đừng chạy lung tung. Đi đến những chỗ tường xây vững rồi, chỗ công nhân đang xây thì đừng vào, biết không?”.
Tôi gật đầu, vừa định đáp đã bắt gặp ánh mắt không thể tin nổi của người kỹ sư, đành xấu hổ nói: “Vâng sếp. Tôi biết rồi ạ”.
Sau đó thì vội vàng ra khỏi thang máy rồi co giò chạy biến!
Lang thang ở mấy tầng dưới gần hai tiếng thì Trần Lịch Xuyên cũng xong việc, ngày mai vẫn còn phải lên đây, mà công trình này thì toàn công nhân nam nên không thể mắc màn chiếu ngủ lại luôn như họ được, rút cuộc mấy người chúng tôi phải đến nhà nghỉ tồi tàn cách đó nửa cây số.
Đi cùng người khác, tôi ngại nên muốn ở phòng riêng, nhưng thời gian này đang vào mùa du lịch nên đông khách, mấy nhà nghỉ bé tý đã full phòng hết, chỉ còn lại một nhà nghỉ dư hai phòng do khách đặt nhưng không đến.
Trợ lý Trung biết ý nên kéo anh lái xe vào một phòng, tôi với Trần Lịch Xuyên một phòng, bình thường ở nhà vẫn ngủ chung giường, nhưng lần đầu tiên ‘đi nhà nghỉ’ ở cùng thế này tôi cứ có cảm giác quái quái làm sao ấy, đóng cửa lại xong mặt bắt đầu nóng ran lên.
Anh ta vào kiểm tra phòng tắm xong mới bảo tôi: “Không có nước nóng, đợi chút, tôi đi mượn ấm siêu tốc thử xem”.
Đang là giữa hè, dù buổi tối nhiệt độ trên núi giảm xuống hơi sâu, nhưng tôi cũng chẳng phải tiểu thư đài các gì nữa, nước lạnh vẫn tắm được. Tôi xua tay: “Không cần đâu, tôi tắm nước lạnh cũng được”.
“Buổi tối nước ở đây không giống như nước ở Hà Nội đâu”. Trần Lịch Xuyên xắn tay áo: “Sương xuống, nước buốt”.
“Vẫn tắm được mà, hồi ở Pháp tôi đi làm về muộn, lười bật nước ấm nên vẫn tắm nước lạnh giữa mùa đông ấy chứ”. Tôi cười cười, nhìn bộ dạng cẩn thận và chuyên chú kiểm tra phòng của anh ta, tự nhiên lại muốn nói đùa: “Tôi còn trẻ hơn chú nhiều, sức khỏe tuổi xuân phơi phới, tắm nước lạnh vẫn tốt”.
Anh ta dừng động tác liếc tôi, tôi thì coi như không thấy, cầm cả túi đồ vào phòng tắm đi tắm.
Nhưng đúng là nước ở đây lạnh thật, vừa xả ra một cái thì tôi suýt nữa nhảy dựng lên, rón rén một lúc mới dám nhào vào tắm, kết quả chưa được bao lâu đã hắt xì.
Tôi lau nước mũi, thầm mắng mình đúng là không biết tự lượng sức, tuổi xuân phơi phới có lẽ đã qua từ lâu rồi, thế mà tôi vẫn tưởng mình còn trẻ!
Một lát sau, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Tôi giật mình quay ra thấy có một bóng người đứng ngoài đó, giọng Xuyên vọng vào: “Nước nóng, mở cửa ra lấy đi”.
“À… dạ”.
Nói xong thì anh ta bỏ đi, tôi nhìn mấy lần không thấy bóng anh ta in lên cửa kính nữa mới dè dặt mở cửa, thấy ở ngay dưới đất có một ấm siêu tốc vẫn còn bốc khói nghi ngút, liền vội vội vàng vàng lấy vào pha nước tắm.
Lát sau đi ra thấy ga giường đã được Trần Lịch Xuyên trải thẳng lại, vỏ gối cũng được lột ra, lộn phần ố vàng mùi mồ hôi vào bên trong. Thấy tôi lau mãi mái tóc ướt rượt bằng khăn lông, anh ta mới nói: “Chịu khó ở chỗ này một đêm, ngày mai về Hà Nội”.
Tôi cười, xách ấm nước đặt vào trong bệ cắm: “Không sao đâu, tôi pha nước nóng, anh chuẩn bị vào tắm đi”.
Trần Lịch Xuyên nói không cần nước nóng, anh ta bước vào bên trong, lúc nghe tiếng xả nước tôi mới liếc qua cửa kính phòng tắm, sau đó mặt đỏ bừng lên vì xấu hổ!
Ban nãy tôi không để ý cửa phòng tắm làm bằng kính mờ, người bên ngoài vẫn có thể lờ mờ thấy dáng người của người tắm bên trong. Như tôi bây giờ có thể thấy được tấm lưng rộng lớn cùng vùng eo không một chút mỡ thừa của anh ta, còn mơ hồ thấy được cả đường cong vểnh của vòng ba nữa.
Nhưng sao anh ta không quay lại để tôi nhìn thấy phía trước nhỉ?
Nghĩ tới đây, tôi lập tức ôm đầu đầy đau khổ. Tôi nhìn thấy anh ta nghĩa là anh ta cũng nhìn thấy tôi, mà ban nãy tôi còn đứng ngược hướng vòi hoa sen, nghĩa là quay mặt lại với cửa kính mờ này. Thứ ở trước ngực, thứ ở giữa chân, có lẽ anh ta cũng đã nhìn thấy hết rồi.
Chẳng trách nãy giờ Trần Lịch Xuyên chưa từng quay đầu lại!
Mặt tôi càng lúc càng nóng, cuối cùng đành dứt khoát không nhìn nữa, đứng dậy mở cửa sổ hít gió trời bên ngoài.
Có lẽ không khí lạnh ở trên núi đủ khiến lòng tôi nguội lại, cũng tỉnh táo lại. Tôi nhìn gia đình nhỏ đang ăn thắng cố trên vỉa hè, người mẹ đút cho con trai, người cha đút cho con gái, thỉnh thoảng còn có tiếng cười đùa của người anh khi giật tóc đứa em, tự nhiên không nhịn được, lại nhớ đến gia đình hạnh phúc của tôi vào khoảng thời gian trước.
Tôi không ngừng nhắc nhở mình rằng Trần Lịch Xuyên là kẻ thù của tôi, là người khiến cuộc sống ấm êm của tôi tan vỡ, đẩy người thân của tôi vào cảnh tù tội, khổ sở và phá sản. Tôi dù là vợ anh ta cũng không thể thân thiết với anh ta, càng không thể yêu một người như Trần Lịch Xuyên.
Nhưng tại sao mỗi ngày ở bên anh ta, tôi lại cảm thấy trái tim ấm áp nhiều hơn một ít như vậy chứ?
Có người lặng lẽ đến gần tôi, cơ thể của anh ta có mùi xà phòng của nhà nghỉ, nhưng vẫn trong lành bình dị theo một cách rất riêng. Hai tay Trần Lịch Xuyên chống bên hông tôi, vây tôi lại giữa lồng ngực của anh ta:
“Nhìn cái gì thế?”.
“Nhìn đường”. Tôi cười, không trốn tránh, chỉ dời mắt khỏi gia đình kia: “Chú không lạnh à?”.
“Cũng bình thường, không đến nỗi hắt xì như ai đó”.
“Hôm nay tại say xe mất sức quá thôi. Tuổi xuân của tôi vẫn còn phơi phới”.
Anh ta cũng cười: “Lúc trước ở Pháp ngày làm việc mấy tiếng?”.
“Có ngày 12, có hôm cao điểm nhất là 17 tiếng liên tục không nghỉ”. Tôi liếm môi, cảm thấy hình như mình lại quên uống đủ nước nên đôi môi khô khốc: “Lúc đó nhận một vụ kiện án g.iế.t người. Bị hại vừa bị c.ưỡ.ng bức vừa bị g.iế.t, còn bị ch.ặt mất đ.ầu. Cô ấy là con gái duy nhất, bố mẹ lúc nhận được th.i thể thì ngất lên ngất xuống”.
“…”
“Anh biết hung thủ bao nhiêu tuổi không?”.
“18?”.
“16 tuổi. Thằng nhãi ấy đến hoocmon sinh d.ục còn chưa giải phóng hết, thế mà dám làm những chuyện kinh khủng như thế”.
Trần Lịch Xuyên nhìn tôi: “Ở Pháp không có hình phạt t.ử hì.nh nên em làm việc 17 tiếng liên tục không nghỉ là để tìm cách bắt thằng nhóc ấy phải chịu mức án cao nhất?”.
Tôi gật đầu: “Cho nên mới nói, phải có hình phạt t.ử hì.nh như Việt Nam mới có tính răn đe”.
“Tiền công bao nhiêu?”. Anh ta đột nhiên hỏi một câu không liên quan.
“Gì cơ?”.
“Tôi hỏi tiền công cho vụ kiện đó là bao nhiêu”.
Kỳ thực, nhiều năm nay khi nhắc đến vấn đề kiện tụng, những người xung quanh tôi chỉ quan tâm tôi thắng hay thua, chưa một ai hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền cho vụ kiện đó. Lần này Trần Lịch Xuyên hỏi như vậy, tôi nghĩ anh ta không quan tâm đến tiền, mà là quan tâm đến công sức của tôi.
Lòng tôi có cảm giác xúc động chưa từng có, cúi thấp đầu thật lâu mới đáp: “Tôi không lấy tiền của họ. Nhà họ mất con cái, lại không giàu có gì. Nhận tiền của họ tôi cầm không nổi”.
Nụ cười của anh ta lại càng sâu hơn, Trần Lịch Xuyên cúi đầu hôn lên tóc tôi, nói: “Luật sư vợ tôi, em giỏi lắm”.
Đoạn 15
Mấy chữ này anh ta nói rất nhẹ nhàng, nhưng chẳng biết sao mặt tôi vẫn nóng ran lên, lòng cũng nháo nhào như có nai con đang chạy loạn bên trong vậy.
Tôi khẽ hắng giọng: “Tại lúc đó tôi có tiền, không quá cần tiền. Giờ thì khác rồi, anh không được quỵt lương của tôi đâu đấy”.
“Chưa làm đã đòi lương”. Trần Lịch Xuyên nhỏ giọng mắng tôi: “Làm không tốt thì một xu cũng không trả cho em”.
Nhắc đến ‘một xu cũng không trả’, đột nhiên tôi nhớ ra chuyện người đàn ông thường đến công trường làm loạn kia nên mới hỏi: “Lúc trước xây khách sạn ở đó, công ty anh có mua đất của cái người hay đến đòi tiền kia à?”.
“Ừ. Nhà ông ta ngay bên góc trái của khách sạn, tôi muốn mở rộng khuôn viên nên thu mua luôn”.
“Lúc đó đền bù bao nhiêu?”.
“Cấp dưới làm nên không nhớ rõ”.
Tôi nghĩ cũng phải, anh ta là tổng giám đốc tập đoàn, mấy chuyện râu ria thế này lẽ ra không cần đích thân giải quyết, ngay cả chuyến lên Hà Giang này cũng vậy. Chẳng qua là anh ta muốn đi thôi.
Nghĩ đến lý do Trần Lịch Xuyên đi lên đây, trái tim tôi lại càng đập thình thịch. Tôi không rõ đó là cảm giác gì, nhưng dường như trong thâm tâm lại rất sợ điều ấy, cho nên vội vàng nói tiếp: “Nếu đền bù chưa thỏa đáng, một trăm hai mươi triệu cũng có thể chấp nhận được. Ít nhất để đỡ phiền phức”.
“Em sai rồi, tiếp tục đền bù cho ông ta mới là phiền phức”.
Tôi cãi nhau thì được, những mánh khóe trong việc kinh doanh tôi không hiểu: “Tại sao?”.
“Vì nếu tôi đền cho ông ta, những hộ dân khác trước đây đã từng được đền bù cũng sẽ học theo ông ta, đến đòi thêm. Mà đòi được một lần sẽ có lần hai, lần ba, lúc đó mới gọi là phiền phức”.
“Thì ra là vậy”.
Anh ta cười: “Nhưng có một số chuyện, vẫn có thể có ngoại lệ”.
“Là chuyện gì?”.
Trần Lịch Xuyên đứng thẳng dậy, rời khỏi cửa sổ: “Không nói cho em biết”.
Tôi đang háo hức thì bị tạt thẳng một gáo nước lạnh như vậy, không cam tâm chạy theo anh ta: “Cái gì có ngoại lệ?”.
“Muốn xuống bên dưới ăn thắng có không?”. Anh ta nói một câu không liên quan.
“Muốn. Nhưng cái gì có ngoại lệ”.
“Em muốn biết làm gì?”.
“Tại anh làm tôi tò mò nên mới hỏi”.
“Bệnh nghề nghiệp của luật sư à?”.
Tôi gật đầu, nói: “Phải”.
Trần Lịch Xuyên lấy ví tiền để trên bàn tivi, hỏi lại: “Bên cạnh quán thắng cố có một quán phở chua. Em muốn ăn gì thì chọn đi”.
Tôi lập tức quên béng việc phải hỏi, ngay lập tức chọn phở chua. Anh ta nhét ví tiền vào túi quần, cười bảo: “Đi thôi”.
Tôi vẫn thấy sai sai chuyện gì đó!
Buổi tối, vào mùa du lịch nên khách đi đường cũng khá đông. Chúng tôi ngồi ở quán thắng cố gọi thêm một bát phở chua, vừa xì xụp ăn vừa nhìn người đi đường.
Thực ra lúc trước mọi người hay nói thắng cố ngon, phở chua cũng ngon, nhưng có lẽ do tôi không hợp khẩu vị nên chỉ ăn một chút. Sau đó Trần Lịch Xuyên hỏi tôi có muốn đến chợ đêm không, tôi tròn mắt:
“Ở đây cũng có chợ đêm hả?”.
“Ừ. Mới có thôi. Dạo này khách du lịch lên đây nhiều, mà buổi tối không có chỗ để chơi nên chính quyền mới tổ chức khu chợ đêm”.
“Anh đến thử chưa?”.
“Chưa”.
Tôi vội vàng rút giấy lau miệng: “Thế thì đi thôi, đến muộn chắc không còn đồ ngon nữa”.
Người đàn ông kia mỉm cười, lững thững đi theo tôi!
Thị trấn ở đỉnh núi này không lớn lắm, khu sầm uất cũng chỉ có một dãy phố. Tôi với Trần Lịch Xuyên một bước một sau đi bộ qua hai con dốc ngắn, tới đầu con dốc thứ ba cũng thấy một khu chợ thắp điện sáng trưng, bên ngoài treo một tấm biển nhấp nháy ghi hai chữ Chợ Đêm.
Trong chợ có rất nhiều sạp hàng bày bán đặc sản của Hà Giang, có bánh tam giác mạch, xôi ngũ sắc, lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, tôi chạy quanh tìm món ô mai như của bác sĩ Việt mua cho nhà văn Hà Phương nhưng chẳng thấy, mãi tận cuối chợ mới có một bà cụ bán một mẹt mơ xanh.
Không nhiều người thích thứ quả chua này nên chỉ đi qua chứ không dừng lại, bà cụ người dân tộc lủi thủi ngồi dưới đất nhìn quanh, mời ai cũng chỉ nhận được một cái lắc đầu. Tôi thấy thương nên đi lại hỏi:
“Bà ơi, cái này bán thế nào ạ?”
Bà cụ thấy có người hỏi thì vẻ mặt lập tức trở nên tươi rói, cười móm mém bảo tôi: “3 nghìn, 3 nghìn một cân”.
“Ba nghìn một cân ấy ạ?”.
“Đúng rồi”. Bà cụ nói giọng Kinh lơ lớ, sợ tôi không hiểu, lại chìa ba ngón tay ra: “Ba nghìn một cân”.
“Tất cả chỗ này là bao nhiêu cân ạ? Cháu mua hết”.
“Mua hết ấy hả?”
“Vâng”.
Bà cụ không tin, lật đật hỏi lại lần nữa rồi mới lấy chiếc cân kiểu cũ ra, bỏ hết mơ xanh vào túi bóng rồi treo lên móc, kéo quả cân đến mức thăng bằng. Vừa làm vừa bảo tôi: “Đây là mơ trái mùa, bình thường đã hết từ lâu rồi, chỉ có cây nhà tôi mới có quả trái mùa”.
“Cái này ngâm được ô mai không ạ?”.
“Có chứ. Ngâm được ô mai đấy”.
“Ngâm thế nào hả bà?”.
“Bỏ vào bình, một lớp mơ một lớp muối, ngâm nửa tháng rồi mang ra trời nắng phơi. Quả mơ héo lại thành ô mai đấy”.
Tôi “Ồ” một tiếng, trả tiền xong thừa một ít cũng biếu luôn bà cụ. Bà cụ nhìn tôi vài giây rồi lại nhìn Trần Lịch Xuyên nãy giờ đứng bên cạnh: “Đẹp đôi quá nhỉ? Chồng à?”.
Tôi liếc anh ta, gật đầu.
“Có con chưa?”.
“Chưa ạ”.
Bà cụ lại lần trong mấy lớp túi thổ cẩm, lôi ra hai cái vòng chỉ đỏ rồi đưa cho tôi: “Vòng vía của người dân tộc tôi đấy. Đeo vào may mắn, nhanh đẻ được con trai, vợ chồng con đàn cháu đống”.
Tôi cười, thực ra trong thâm tâm cũng hơi e ngại vòng vía của người dân tộc, sợ bị bỏ bùa gì đó, nhưng Trần Lịch Xuyên lại nói với tôi: “Không phải ai cũng xin được vòng vía này đâu, em nhận đi”.
Ánh mắt anh ta rất bình thản, lại mang dáng vẻ vững vàng kiên định, tôi nghĩ một người đã lăn lộn đủ gió mưa như anh ta có thể biết được chuyện gì nên làm, chuyện gì không, cho nên lòng không do dự lập tức tin.
Bà cụ kia cũng nói: “Chồng cháu có mắt nhìn đấy”.
Tôi đưa tay ra: “Anh ấy từng ở trên này mấy năm, đi vác chì đấy bà ạ”.
“Thế à?”. Bà cụ tròn mắt nhìn anh ta: “Vác chì ở Tùng Bá hay Lũng Om?”.
“Ở Lũng Om ạ”. Trần Lịch Xuyên đáp.
“Vùng đó mấy năm trước rừng thiêng nước độc lắm, đi vác chì mà vẫn về được, còn cao lớn khỏe mạnh như thế này là giỏi đấy”.
Anh ta cười, không nói nữa. Bà cụ đeo vòng vía cho tôi xong lại bảo Trần Lịch Xuyên chìa tay ra, muốn đeo vòng vía cho anh ta.
Tôi nghĩ ông chú cổ hủ như anh ta sẽ không đồng ý, nhưng Trần Lịch Xuyên lại rất bình thản chìa tay ra để bà cụ đeo vòng. Một sợi chỉ đỏ thắt ở cổ tay tôi, sợi còn lại thắt ở cổ tay anh ta, khi xong xuôi, bà cụ mới cầm tay tôi đặt vào tay Trần Lịch Xuyên, nói:
“Vợ chồng tâm đầu ý hợp, sống bên nhau hạnh phúc dài lâu, sớm sinh quý tử, bình an mạnh khỏe”.
Anh ta nhìn bà cụ: “Xin thêm một điều nữa được không ạ?”.
“Được. Cậu muốn gì thì cứ nói đi”. Bà cụ ngẩng lên bảo tôi: “Cháu gái kia nữa, muốn gì thì cứ nói đi. Vòng mới làm vía xin là tốt nhất”.
Tôi gật đầu, trong lòng vẫn không tin nhưng thấy Trần Lịch Xuyên cụp mắt nhìn chiếc vòng ấy thật lâu, tôi cũng lẩm nhẩm nhắm mắt ước. Điều ước của tôi năm ấy chính là chúng tôi sẽ chẳng ai hận thù ai nữa, cả tôi và Trần Lịch Xuyên đều được sống quãng đời về sau bình an vui vẻ, không phải mãi chịu giày vò đau khổ trong vòng luẩn quẩn kia.
Lúc vừa ước xong, mở mắt ra thì anh ta đã đứng trước mặt tôi, Trần Lịch Xuyên cầm túi mơ xanh tôi vừa mua, nói: “Đi thôi”.
Chúng tôi đi một vòng chợ đêm, mua được ba túi thịt trâu gác bếp và một túi trà Shan tuyết cổ thụ. Trần Lịch Xuyên nói thịt trâu thì ăn được, nhưng trà Shan tuyết đó không phải là đồ thật đâu.
Tôi cười bảo: “Biết đâu tôi trúng độc đắc, mua được trà shan tuyết cổ thụ thì sao?”.
“Như thế thì ngày mai ai cũng trúng vé số hết”.
Tôi bĩu môi, biết anh ta nói đúng nhưng vẫn không cam tâm đáp: “Đằng nào cũng vẫn phải mua làm quà mang về mà. Nói tặng quà trà shan tuyết chắc bố tôi sẽ thích”.
Trần Lịch Xuyên có lẽ không muốn động đến gia đình tôi nên không đáp nữa, tôi cũng cảm thấy mình vô ý, tự nhiên lại nhắc đến bố trước mặt anh ta. Tôi lảng sang chủ đề khác: “Sao anh biết không phải ai cũng xin được vòng vía kia?”.
“Người dân tộc chỉ làm vòng vía cho người trong dân tộc mình. Người lạ thường họ sẽ không cho”.
“Vậy sao bà cụ ấy lại cho tôi nhỉ?”.
“Vì bà ấy có cảm tình với em”.
Tôi cười, giơ cổ tay đeo vòng chỉ đỏ lên: “Cái này có thiêng thật không?”.
“Trải nghiệm mới biết”. Trần Lịch Xuyên nắm tay tôi đi lên con dốc: “Nhưng người dân tộc nào cũng đeo thì nó có giá trị tâm linh. Em cứ tin đi”.
“Ừ”. Lòng bàn tay có vết chai của anh ta cọ vào tay tôi, lại khiến tim tôi ngứa ngáy. Tôi nhớ ra chuyện ban nãy nên hỏi: “Ban nãy anh ước gì thế?”.
“Không nói cho em biết”.
“Nói ra mất thiêng à?”.
“Không phải”.
Tôi nghĩ điều ước của anh ta có liên quan đến công ty, đến vợ cả, cũng có thể liên quan đến con trai của anh ta, nên cũng không hỏi sâu nữa. Nhưng lát sau, đi qua con dốc, Trần Lịch Xuyên lại hỏi tôi: “Em ước gì?”.
“Tôi ước chúng ta sau này mỗi người đi một đường, bình an vui vẻ, không ai phải hận ai nữa”.
Bước chân anh ta hơi sững lại, lòng bàn tay đang nắm tay tôi cũng đột ngột tăng thêm lực, làm tôi khẽ giật mình. Anh ta nghiêng đầu hỏi: “Muốn tự do?”.
“Ừ”. Lại như nhớ ra gì đó, tôi vội vàng lắc đầu: “Tôi muốn chúng ta cùng được sống vui vẻ. Luẩn quẩn trong một mối quan hệ ngõ cụt rất mệt mỏi”.
Trần Lịch Xuyên không nói nữa, chỉ lặng lẽ buông tay tôi ra rồi đi về phía trước. Tôi cũng lững thững đi theo anh ta, không lên tiếng, một trước một sau quay về nhà nghỉ.
Lúc đi ngủ, chúng tôi vẫn mỗi người một nửa giường, im lặng ngửi mùi mồ hôi và ẩm mốc từ chăn gối cũ kỹ, có lẽ lạ nhà nên tôi nằm mãi cũng không thiếp đi được. Khi tôi vừa trở mình, đột nhiên lại nghe Trần Lịch Xuyên nói:
“Tôi ước khác em”.
Tôi mở mắt, nhưng không quay sang nhìn anh ta: “Anh ước gì?”.
“Ước tôi có đường khác để đi”.
“Rồi một ngày chúng ta sẽ có con đường khác”. Tôi mân mê sợi chỉ đỏ trên tay mình, phát hiện ra điều ước của chúng tôi khá giống nhau. Cả tôi và Trần Lịch Xuyên đều muốn thoát ra khỏi ngõ cụt đó. Tôi nhỏ giọng nói: “Giống như điều ước của tôi vậy”.
“Ngủ đi”.
***
Ngày hôm sau tôi ngủ nướng, mấy lần mở mắt dậy thấy người đàn ông kia vẫn nằm bên giường, tôi đoán anh ta vẫn ngủ nên tranh thủ chợp mắt thêm một chút, ai ngờ lúc tỉnh hẳn đã là 9h trưa rồi.
Trần Lịch Xuyên xoay lưng lại với tôi, nghển cổ lên ngó mới thấy anh ta đang xem báo cáo trên điện thoại. Lần đầu tiên ngủ muộn như vậy nên tôi ngại, giả vờ nói: “Ôi, mấy giờ rồi?”.
Anh ta quay đầu, nhìn bộ dạng đầu bù tóc rối của tôi: “9h20”.
“Thôi c.hế.t, tôi ngủ quên. Sao anh không gọi tôi dậy?”.
“12h mới đến giờ em phải làm việc, không cần dậy sớm”.
“À…”. Tôi lấy tay cào lại mái tóc, nhìn đi nơi khác: “Đi ăn sáng rồi đến khách sạn đi, sáng nay tôi mời anh ăn xôi ngũ sắc”.
“Ừ”.
Dưới đường có mấy sạp hàng rong bán xôi ngũ sắc, tôi với Xuyên ngồi ở một quán cafe, tôi ăn xôi, anh ta thì uống trà, xong xuôi lại đi bộ đến công trình khách sạn đang xây dở.
Trung đã đến đó từ khi nào, đang kiểm tra dầm móng, vừa thấy hai người bọn tôi đến đã chạy ra: “Sếp, chị Khuê, hai người đến rồi à?”.
“Sáng nay nhân viên kiểm tra thang máy đến chưa?”.
“Chưa ạ, họ bảo ở dưới mưa to, đường lở, xe không đi qua được. Chắc phải chờ mở đường lại rồi mới lên”. Trung chỉ vào thang máy: “Nhưng từ hôm bữa đến giờ vẫn vận hành bình thường, không có vấn đề gì sếp ạ”.
“Ừ”.
Sau đó, Trần Lịch Xuyên đi cùng mấy người trợ lý và kỹ sư đến những phòng đang xây trong khách sạn, nói gì đó mà hướng này cần lắp cái gì, hướng kia cần sơn màu gì, làm cửa sổ chất liệu thế nào. Tôi thì lang thang bên dưới nhìn mấy người công nhân đang trộn vữa vác gạch, hỏi mấy câu chuyện linh tinh, lát sau bỗng nhiên thấy có một người đàn ông già nua xồng xộc chạy vào.
Chưa ai kịp nói gì thì ông ta đã lao vào thang máy, ấn loạn xạ số trên đó rồi đi lên tầng. Mấy người công nhân hình như đã quen với cảnh này nên chỉ ngao ngán bảo tôi: “Đấy, cái ông già ngày nào cũng đến đòi dọa t.ự t.ử đấy”.
“Để tôi lên xem”.
Chờ thang máy hơi lâu nên tôi đi bộ lên, chật vật mãi mới lên được tầng thượng. Tòa nhà đang xây dở nên tầng thượng chưa làm lan can, vật liệu xây dựng vứt khắp nơi, người đàn ông đó chạy ra tít ngoài rìa sân thượng, la to: “Hôm nay mà không đền bù cho tao là tao nhảy xuống, tao làm ma ám cái khách sạn này, để xem sau này có khách nào thèm đến ở khách sạn của mày không?”.
Lúc này, Trần Lịch Xuyên và mấy người trợ lý cũng đã ở trên sân thượng. Anh ta không nói gì, chỉ có Trung nói: “Cái ông này, ông được đền bù rồi còn đòi cái gì? Ngày nào ông cũng đến công trình của người ta phá đám, ông có tin công ty tôi kiện ông tội xâm nhập bất hợp pháp không?”.
“Chúng mày đi mà kiện, tao nhảy xuống c.hế.t rồi thì chúng mày có mà kiện củ khoai”. Ông ta lùi ra sau một bước: “Tao còn muốn chúng mày kiện thật nhiều vào, để được lên báo, sau đó ai cũng biết công ty Vạn Thịnh chúng mày đền bù không thỏa đáng, lấy mất nhà cửa của người khác, làm tao tay trắng nên tao mới phải t.ự tử”.
“Đền gì mà không thỏa đáng, ông đ.iê.n rồi à?”.
Trung đang định nói nữa, nhưng Trần Lịch Xuyên khoát tay, ra hiệu cho anh ta im lặng rồi nhìn về phía tôi.
Tôi vuốt lại mái tóc, khẽ hắng giọng rồi tiến ra sân thượng. Trong lòng sợ như đ.iê.n nhưng ngoài mặt vẫn phải tỏ ra bình thản như không: “Theo ông phải đền bù thế nào mới thỏa đáng? Ông cứ nói ra một con số đi, chúng tôi sẽ xem xét”.
Trần Lịch Xuyên khẽ nhíu mày. Tôi không bận tâm đến anh ta, chỉ nhìn người đàn ông hung dữ kia.
Ông ta hỏi ngược lại tôi: “Mày là ai? Mày là gì mà có quyền xem xét?”.
“Tôi là luật sư của công ty Vạn Thịnh, tôi phụ trách giải quyết các vấn đề tranh chấp và bồi thường”.
“À, tranh chấp và bồi thường đúng không? Cái công ty nát của chúng mày lấy đất của ông, phá nhà của ông, xong chỉ đền cho ông hơn 100 triệu. Bây giờ 100 triệu làm sao mua được đất, xây được nhà. Chúng nó ép ông phải bán nhà rồi giờ tay trắng. Công ty chúng mày làm thế mà được à?”.
Tôi gật đầu: “Đúng đúng, 100 triệu làm sao mà mua được đất, xây được nhà, ông đòi bồi thường thêm là đúng”.
Người đàn ông kia thấy tôi hùa theo thì bắt đầu buông lỏng phòng bị, nói: “Bây giờ tao đòi bồi thường thêm 120 triệu, công ty mày có bồi thường không?”.
“Có, tất nhiên là có chứ. Nhưng trước tiên tôi muốn hỏi ông một vài việc”
“Việc gì?”
“Ông có biết ngày nào ông cũng xông vào công trình này, những người công nhân đang làm phải bỏ dở việc để đến đây khuyên nhủ ông, chậm tiến độ công trình thì thiệt hại bao nhiêu không?”.
Vẻ mặt ông ta hơi cứng lại: “Ông cần gì biết bao nhiêu, ông chỉ đòi đủ tiền của ông là được”.
“Vậy sao chúng tôi cần phải biết 100 triệu có đủ tiền mua đất xây nhà mới cho ông hay không, chúng tôi đền đủ số tiền đó là được”.
Người đàn ông đó hét to: “Mày nói thế mà được à?”.
“Vậy sao ông nói thế thì được?”. Tôi nhìn ông ta, cứng rắn dõng dạc nói từng chữ: “Ông chạy vào trong này, không những làm ảnh hưởng đến công nhân làm việc, còn làm chậm tiến độ công trình, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Mà cụ thể là người đàn ông đang đứng ở đây”.
Tôi chỉ về phía Trần Lịch Xuyên, nói: “Anh ấy là tổng giám đốc công ty Vạn Thịnh, việc nhiều vô số kể, một ngày có thể kiếm ra số tiền gấp mấy lần số ông đòi bồi thường. Nhưng anh ấy bỏ công việc lên đây tận hai ngày chỉ để xem xét trường hợp của ông, ông định đền tiền thiệt hại cho người ta như thế nào?”.
Người đàn ông kia liếc Trần Lịch Xuyên, muốn mắng một tiếng, nhưng tôi đã nhanh chóng cướp lời trước: “Tôi phải nói trước với ông, nếu ông còn mắng người thì tôi sẽ kiện ông tội xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác”.
“Mày dám? Mày có tin ông đây nhảy xuống không?”.
“Thế thì ông cứ nhảy đi”. Tôi bình thản khoanh tay trước ngực, nhìn ông ta: “Nhảy xuống cùng lắm là chúng tôi đền bù cho người nhà ông chút tiền, bỏ ra thêm một ít tiền nữa để dẹp yên phóng viên nhà báo. Ông nói xem, ở trên này thì có bao nhiêu phóng viên nhà báo? Ai thèm quan tâm đến việc ông nhảy từ tầng 6 xuống t.ự t.ử? Hơn nữa còn là vào trộm công trình của người khác để nhảy?”.
“…”
“Tôi nói cho ông biết, lúc ông c.hế.t rồi không đối chứng được, tôi không ngại vu cho ông tội vào công trình của người khác ăn cắp vật liệu, bị phát hiện, xấu hổ quá nên mới t.ự t.ử đâu”.
Mặt ông ta đỏ bừng, tức giận chỉ tôi: “Con ranh này mày dám à?”.
“Có gì mà không dám? Thà để ông nhảy phứt đi cho xong, còn hơn để ông ngày nào cũng vào đây làm phiền công nhân, chậm tiến độ của công ty tôi. Số tiền ông làm thiệt hại còn nhiều hơn cả tiền đền mạng cho ông rồi”.
Người đàn ông kia không tin tôi sẽ làm thật, tiếp tục lùi về phía sau, mấy người trợ lý và kỹ sư đứng bên cạnh Trần Lịch Xuyên thấy vậy thì hét toáng lên, định khuyên nhủ ông ta, nhưng Trần Lịch Xuyên nói: “Cứ mặc kệ ông ấy”.
“Nhưng sếp…”
“Để ông ta nhảy, chúng ta chuẩn bị tiền bồi thường cho gia đình ông ấy”.
Mấy người trợ lý không nói nữa, gã đàn ông kia thấy không ai ngăn cản thì thực sự không dám nhảy, cứ trừng mắt nhìn chằm chằm chúng tôi. Đến khi gót chân ông ta chạm đến mép sân thượng, tôi mới nói: “Nhảy nhanh lên…”.
“Mày…”.
“Một là nhảy xuống, chúng tôi đền tiền. Hai là đi vào đây, tiền ông làm thiệt hại tiến độ công trình chúng tôi không tính toán nữa, tiền bồi thường cũng đừng hòng đòi một xu”.
“Chúng mày đền 100 triệu ông thà c.hế.t còn hơn”.
Tôi nhíu mày: “Hôm qua tôi có đi tham khảo, đất chỗ này giá trung bình khoảng 20 triệu một suất, quăng một d.a.o dọc đất, thích ở bao nhiêu thì ở. Còn nhà…”. Tôi hơi ngừng lại một chút, liếc qua trợ lý Trung: “Nhà ông ta trước đây như thế nào hả Trung?”.
Cậu ta hơi ngây ra, sau đó lập tức nói: “Nhà tranh vách đất, sắp đổ sụp đến nơi. Lúc giải phóng mặt bằng, lấy gậy đập một cái là đổ”.
Tôi trừng mắt quát lớn: “Số dư 80 triệu đủ để ông làm cái nhà tử tế hơn nhà cũ gấp nghìn lần, còn dám đến đây đòi tiền thêm hả? 100 triệu không còn không vừa lòng, cái loại không biết đủ như ông thà c.hế.t đi còn hơn”.
Người đàn ông kia tức đ.iê.n, rút cuộc không nhảy nữa, đi thẳng vào bên trong: “Ông nhổ vào cái lũ c.h.ó chúng mày. Còn lâu ông mới c.hế.t vì lũ hút máu dân như chúng mày, mạng của ông còn lâu mới c.hế.t. Chúng mày nhớ mặt ông đấy, ông rủa cái khách sạn chúng mày làm ăn ế ẩm, quanh năm không có khách, công nhân làm người nào ngã lầu c.hế.t người ấy”.
Mấy người kỹ sư nghe thế thì nóng máu, định túm ông ta lại cho một trận, tôi lập tức ngăn cản. Tôi bảo: “Cảm ơn nhé, lời từ miệng ông rủa thiêng lắm, mà thiêng ngược lại ấy. Chờ ngày nào đó khách sạn này trở thành khách sạn to nhất thị trấn này, đông khách nhất thị trấn này, tôi sẽ treo ảnh ông ngay sảnh lớn để cảm ơn”.
“M.ẹ nhà cái con này…”.
Ông ta tức nhưng không làm gì được tôi, lại lao thang máy đi xuống, mấy người kỹ sư thì cười ngặt cười nghẽo, bảo chưa bao giờ thấy lão già huênh hoang ấy bị bẽ mặt như vậy.
Ngay cả Trung cũng bảo: “Chị Khuê, mồm miệng ác thật, tiến sĩ Luật được đào tạo ở nước ngoài có khác”.
Tôi phẩy tay: “Cãi nhau chợ búa thôi”.
Trần Lịch Xuyên quay đầu đi nơi khác, khẽ cười!
Trên sân thượng không còn việc gì nữa, mọi người lục tục đi xuống, nhưng thang máy mới hoạt động nên không thể đi quá đông, cho nên hội kỹ sư và Trung đi trước, tôi và Trần Lịch Xuyên đi chuyến sau.
Trong lúc chờ thang máy, anh ta mới nói: “Hôm nay tiến sĩ muốn tôi thưởng thế nào?”.
Tôi nghĩ nghĩ một lát rồi bảo: “Ở lại Hà Giang thêm một ngày được không? Tôi còn chưa được đi ngắm hết cảnh đẹp, còn đi săn mây gì gì đó nữa”.
“Ban nãy em nói một ngày tôi kiếm được bao nhiêu tiền ấy nhỉ?”.
Tôi phùng mang trợn mắt nhìn anh ta: “Mấy trăm triệu”. Lại thêm một câu: “Nhưng ngày mai là chủ nhật, đằng nào anh cũng được nghỉ. Tôi không làm thiệt hại một ngày lương của anh”.
Trần Lịch Xuyên cười: “Thưởng cho em một ngày lương của tôi đấy”.
Tôi xùy một tiếng, rõ ràng trong lòng thích đ.iên lên được, thích được đi ngắm cảnh đẹp, thích được đi săn mây, thích được hưởng một ngày lương của anh ta, nhưng lại không dám nói.
Lúc này, thang máy cũng quay lại tầng thượng, tôi với Trần Lịch Xuyên bước vào bên trong. Anh ta đột nhiên hỏi: “Không thích à?”.
“Không thích gì cơ?”.
“Một ngày lương của tôi”.
Tôi bĩu môi: “Cũng bình thường”.
Nụ cười của anh ta càng thêm sâu hơn, đứng trước gương thang máy, tôi nhìn thấy một người đàn ông cao hơn tôi hẳn một cái đầu đang bình thản đút hai tay vào túi quần, ánh mắt ấm áp và rực sáng.
Tôi nghĩ gương phản chiếu nhầm nên quay đầu nhìn anh ta, nhưng cùng lúc này đột nhiên đèn trong thang máy vụt tắt, mọi thứ xung quanh bắt đầu rung lắc. Trần Lịch Xuyên lập tức tóm lấy tôi, gầm to: “Đứng vào giữa thang”.
“AAAAA”. Tôi sợ hãi hét lên một tiếng, lại thấy như buồng thang máy đang trôi tuột xuống, bên trên vang lên những tiếng kèn kẹt rầm rầm, thân thể tôi cũng va phải lồng ngực của một người.
Vài giây, bỗng dưng thang máy như được thứ gì đó níu lại, buồng thang theo quán tính khựng lại rồi giật ngược lên, trước mắt tôi không gian trở nên nghiêng ngả, gót chân như bị thứ gì đó dội vào, không trụ vững liền ngã ngửa ra sau, lưng một tiếng đập vào vách thang máy.
Đèn trong thang vẫn chưa sáng lại, Trần Lịch Xuyên kéo tôi lại, lần mò sờ mặt tôi: “Có bị thương chỗ nào không? Có đau không?”.
Tôi run rẩy đáp: “Không. Anh có sao không?”.
“Không”. Giọng anh ta khàn khàn: “Kẹt thang máy rồi, không biết đây là ở tầng mấy”.
Không gian trong thang máy rất hẹp, còn tối, cảm giác bị kẹt trong đó thật sự khiến người ta rất hoảng loạn. Lúc ấy tôi rất sợ, nhưng lại nghĩ may mà tôi không đi một mình, trong này còn có Trần Lịch Xuyên.
Anh ta nói: “Đừng sợ”.
“Ừ”. Vừa mới dứt câu thì thang lại trôi tuột xuống, hai ba giây sau lại đột nhiên dừng lại. Trần Lịch Xuyên vẫn ôm tôi trong lòng, tay kia vươn ra, đập rầm một tiếng vào chuông cảnh báo, lập tức có tiếng còi hú vang lên.
Xong xuôi, anh ta mới quay sang nói với tôi: “Cáp đứt, có lẽ vẫn sẽ còn rơi tiếp”.
“Vậy phải làm sao?”. Tôi cuống lên, không dám rời anh ta: “Đây là tầng mấy rồi”.
Trần Lịch Xuyên không đáp, chỉ cúi người xuống rồi bế ngang tôi lên. Tôi sợ, quýnh quáng hỏi anh ta: “Anh làm gì thế? Đứng còn không vững, tự nhiên bế tôi làm gì?”.
“Em nằm yên”. Giọng anh ta rất kiên định, tay cứng như gọng kìm ôm tôi.
Tất nhiên, tôi không chịu được bị ôm như vậy trong không gian hẹp mới hét:
“Anh bỏ tôi ra”
“…”
“Này…”
“Trần Lịch…”.
Chữ Xuyên còn chưa nói ra khỏi miệng thì sợi dây cáp còn lại cuối cùng cũng đứt phựt, buồng thang máy không còn gì níu giữ lao thẳng một đường xuống dưới, mọi thứ trước mắt ngả nghiêng, đứng trong không gian kín cũng vẫn cảm nhận được gió từ bên ngoài kêu vi vút.
Tôi ôm lấy cổ Trần Lịch Xuyên hét: “AAAAAA”.
“Ôm chặt lấy tôi”. Anh ta cũng gầm to, giọng nói như lẫn vào tiếng gió. Lúc này mọi thứ trước mặt tôi đảo lộn, nhưng lồng ngực ấy vẫn vững chãi như núi, chân anh ta vẫn ghì chặt xuống sàn thang, tay ôm lấy tôi.
Giữa lúc cận kề sinh tử ấy, có lẽ tôi đã hiểu rồi. Tôi hiểu được Trần Lịch Xuyên tự nhiên bế ngang tôi lên làm gì rồi!
Nước mắt tôi bật ra, như mưa rơi xuống, tôi ôm chặt lấy anh ta, hét to ba chữ: “Đồ thần kinh”.
Đoạn 16
Vừa nói xong thì đột nhiên bên tai vang lên một âm thanh “Ầm… ầm…” như sấm nổ, xung lực từ phía dưới dội lên khiến cả người tôi bắn lên cao, Trần Lịch Xuyên không giữ nổi tôi, hai tay anh ta vừa buông ra thì cả người tôi cũng đập xuống dưới. Ngay lúc này trần thang bên trên cũng bị nứt toác ra, cả đống đất đá cùng dây cáp đổ thẳng xuống buồng thang.
Tôi không kịp thở, vội vàng nhào đến định ôm lấy người đàn ông đang quỳ dưới đất, ban nãy anh ta bế tôi, một mình gánh chấn rung của cả hai người chắc chắn là đã bị thương rồi. Nhưng khi đất đá đổ xuống, Trần Lịch Xuyên vẫn dồn hết sức mình để nằm rạp lên người tôi.
Tôi không nhanh được bằng anh ta, cuối cùng vẫn bị Trần Lịch Xuyên đè xuống, từng khối gạch đá nặng trĩu ầm ầm rơi xuống lưng anh ta, rơi cả lên tay tôi.
Không rõ lúc ấy vì đau hay vì thương xót thứ gì mà tôi òa lên khóc, tôi vùng vẫy mắng Trần Lịch Xuyên: “Buông tôi ra. Anh là đồ k.hốn”.
“…”
“Đồ khốn, ai bảo anh đỡ cho tôi hả?”.
Người đàn ông kia không đáp, lồng ngực ấm nóng che phủ trước mắt tôi, tôi cứ nghĩ Trần Lịch Xuyên c.hế.t rồi, muốn đưa tay thử kiểm tra mạch đập trên cổ anh ta nhưng không nhúc nhích được, chỉ có thể gào to: “Này… anh có nghe không? Này, Xuyên, anh có nghe không? Đứng dậy, đứng dậy”.
“Anh đừng có c.hế.t, anh chưa trả thù tôi xong thì đừng có c.hế.t”. Anh ta không trả lời, càng làm tôi cuống lên: “Đừng có c.hế.t”.
Ít nhất cũng đừng vì bảo vệ cho kẻ thù của mình mà c.hế.t, tôi không chấp nhận được việc Trần Lịch Xuyên bỏ mạng vì tôi. Lúc trước gia đình tôi nợ anh ta hai mạng người rồi, bây giờ tốt nhất anh ta cũng đừng vì tôi mà c.hế.t.
Xin anh đấy, đừng vì tôi mà c.hế.t!
Tôi há miệng, muốn hét lên, nhưng cùng lúc này có tiếng cửa thang máy bị đập rầm rầm, tiếng Trung quýnh quáng ở bên ngoài: “Anh Xuyên, chị Khuê, hai người có sao không? Anh Xuyên, chị Khuê”.
Tôi kêu to: “Cứu…”.
Không bao lâu sau cửa thang được mở ra, mấy người đàn ông phủi đất đá và lôi dây cáp, kéo Trần Lịch Xuyên ra ngoài trước, sau đó một người mới đỡ tôi dậy.
Tôi còn chưa kịp phủi bụi trên mặt đã lao lại sờ lên mạch đập trên cổ Trần Lịch Xuyên, lúc này đầu anh ta có máu, lưng cũng có máu, sắc mặt tái nhợt nhưng tạ ơn trời phật là mạch đập vẫn còn. Mọi người còn đang lúng túng thì tôi đã hét lên: “Đưa anh ấy đi bệnh viện, có xe không? Đưa anh ấy đi bệnh viện”.
Trung gật đầu, vác Trần Lịch Xuyên lên vai rồi chạy thẳng ra bên ngoài, tôi cũng chạy theo. Lúc nhìn thấy mặt đất mới biết chúng tôi đã bị rơi thang máy từ tầng bảy xuống tầng hầm, ban nãy Trần Lịch Xuyên biết rơi cao như vậy sẽ có phản lực từ dưới dội lên, chân cũng phải chịu trọng lượng lớn gấp 10 lần cơ thể dồn xuống. Nếu anh ta nằm xuống sàn thang thì sẽ có cơ hội không bị thương, nhưng anh ta chọn đứng thẳng và bế tôi, một mình gánh đỡ mọi thương tổn cho tôi.
Tại sao lại vì một đứa con gái của kẻ thù mà làm việc ngu ngốc ấy chứ. Trần Lịch Xuyên là đồ ngu ngốc!
Trong thị trấn không có bệnh viện, chỉ có một trạm xá cũ kỹ. Trung lái xe cuống đến mức suýt húc đổ cả tường cổng trạm xá của người ta, may mà phanh kịp lúc.
Vừa mới xuống xe anh ta đã vác Xuyên xuống, gào to: “Bác sĩ, có bác sĩ ở đây không, có người bị thương. Có người bị thương, cứu với”.
Hai người mặc áo blouse trắng vội vàng chạy ra, thấy Trần Lịch Xuyên cả người đầy máu thì hốt hoảng chạy lại đỡ, sau đó đưa anh ta vào bên trong kiểm tra. Tôi thì muốn đưa Trần Lịch Xuyên đi bệnh viện, nhưng đường ở đây quá khó đi, muốn xuống đến bệnh viện tuyến huyện cũng mất hơn nửa ngày, sợ anh ta không chịu được.
Rất may bác sĩ ở trạm xá khám cho anh ta xong mới nói: “Bị thương phần mềm thôi, trên đầu và lưng rách mấy chỗ, cần khâu lại”.
Tôi không tin tưởng lắm, lại hỏi: “Chân anh ấy thì sao ạ? Nội tạng nữa?”.
Bác sĩ kia nắn nắn người Xuyên: “Không gãy, cũng không thấy nội tạng có vấn đề gì?”.
“Nhìn bằng mắt thường cũng thấy được ạ?”. Lòng tôi nóng như lửa đốt, hỏi thẳng như vậy, bác sĩ nghe xong thì phật lòng mắng: “Nếu không thì cô vào đây khám cho tôi này. Tôi làm bác sĩ bao nhiêu năm, trên này không có máy móc gì, toàn nắn bằng tay rồi nhìn bằng mắt thường mà chưa thấy chẩn đoán sai ai cả đâu. Ai bị gãy xương tôi nói là gãy xương, ai không bị gãy xương đi xuống bệnh viện tuyến huyện chụp cũng không ra nổi cái xương bị rạn”.
Tôi bị chửi như tát nước vào mặt thì xấu hổ cúi đầu, lí nhí nói: “Bọn tôi vừa bị rơi thang máy, tôi sợ anh ấy bị thương”.
“Rơi thang máy?”. Bác sĩ tròn mắt: “Ở đây chỗ nào có thang máy?”.
“Khách sạn đang xây dựng dở ạ”.
Lúc này bác sĩ mới nhìn kỹ lại Trần Lịch Xuyên, trên người vẫn mặc vest, gương mặt bị phủ đầy bụi xi măng nhưng vẫn toát ra vẻ phong độ hơn người. Bác sĩ giật mình, vội vàng sờ sờ nắn nắn lại thân thể anh ta, lát sau quay lại, khẳng định chắc nịch với tôi:
“Không sao, không có cái xương nào bị gãy cả. Muốn an toàn thì cứ khâu cầm máu lại trước, sau đó đưa đến bệnh viện huyện kiểm tra lại sau”.
“Vâng, được ạ”.
Cả trạm xá chỉ có hai người, một bác sĩ một y tá, bọn họ nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ khâu, tôi với Trung bị đuổi ra bên ngoài ngồi đợi.
Trung lúc này mới bình tĩnh lại, hỏi tôi: “Chị có sao không?”.
“Không sao”. Tôi phủi bụi trên mặt, đáp: “Bình thường thang máy không việc gì, tự nhiên đúng lúc bọn tôi đi thì bị đứt. Trước đó các cậu vừa xuống cũng có vấn đề gì đâu”.
“Vâng, thang máy mới chỉ lắp được nửa tháng thôi, bên trung tâm kiểm định còn chưa kịp kiểm tra. Nhưng bọn em vẫn liều đi lại”. Cậu ta mở chai nước đưa tôi, mặt mày vẫn chưa hồi phục lại được, vẫn xanh mét: “Mong là anh Xuyên không sao, chứ nếu anh ấy có sao thì…”.
“Có cần gọi thông báo cho vợ cả của anh ấy một tiếng không?”
“Gì ạ?”.
“Vợ chính thức của anh ấy”.
Trung hơi ngẩn ra, sau đó lại bối rối cụp mắt xuống: “Không như chị nghĩ đâu”.
“Cái gì không như tôi nghĩ?”
“À… không cần thông báo cho chị Vy đâu ạ. Thông báo thì chị ấy lại thêm lo, mà giờ lo cũng chẳng sao cả”.
Tôi gật đầu, nghĩ nghĩ thế nào lại hỏi: “Cậu đi theo anh Xuyên bao nhiêu năm rồi?”.
“Hơn năm năm ạ. Ngày trước bố em là phu vác chì cùng anh ấy. Sau này bố em bị nhiễm độc kim loại sắp mất thì anh ấy lên thăm, rồi bố em mới gửi gắm em cho anh ấy”.
Tự nhiên trong đầu tôi lại nhớ đến lời bà cụ bán mơ xanh ở chợ đêm vào ngày hôm qua, nói vác chì ở Lũng Om mà vẫn về được, còn cao lớn khỏe mạnh thế này là giỏi đấy. Chẳng lẽ những người phu vác chì đều nhiễm độc kim loại như bố của Trung ư?
Sống lưng tôi bất chợt lạnh toát: “Trước đây anh ấy vác chì cùng bố cậu mấy năm?”.
“Ba bốn năm thì phải. Nghe nói hồi đó anh Xuyên mới 16, 17 tuổi. Ốm nhom nhưng chăm chỉ nhất hội phu đó. Ngày nào anh ấy cũng vác mấy chục bao chì từ mỏ về khu tập kết, sau đó chủ khu mỏ thương với cả cũng thấy anh ấy nhanh nhẹn nữa nên cho anh ấy đi theo các công trình xây dựng. Bố em bảo hồi đó nhìn đã biết anh ấy sau này kiểu gì cũng làm nên sự nghiệp rồi, không ngờ mười mấy năm sau gặp lại đã là tổng giám đốc một tập đoàn lớn rồi”.
Tôi gật đầu: “Anh ấy chịu đựng rất giỏi, nỗ lực cũng rất giỏi”.
“Vâng, em hy vọng anh ấy không bất hạnh như bố em. Hội phu vác chì ngày đó đến giờ cũng mất cả rồi, chỉ còn mỗi anh ấy và một chú nữa ở tận Lai Châu thôi”.
Vừa nói đến đó thì y tá mang hộp đồ đi ra, bảo có thể vào thăm được rồi. Tôi lật đật chạy vào thấy đầu Xuyên đã được quấn băng lại, áo cũng đã được cởi ra, trước ngực có một đường băng trắng dài vắt chéo qua.
Bác sĩ nói anh ta vẫn chưa tỉnh, nhưng chắc là sẽ sớm thôi, còn dặn tôi tạm thời đừng di chuyển hay đánh thức Xuyên, để anh ta nghỉ ngơi.
Tôi nghĩ công trường vẫn còn loạn như vậy nên bảo Trung về xử lý nốt công việc, một mình ở đó ngồi chờ đợi người đàn ông kia tỉnh dậy. Mặt anh ta vẫn còn dính rất nhiều đất cát và bụi xi măng, lòng bàn tay cũng vậy, tôi ngồi không có việc gì làm nên mượn một chiếc khăn sạch, nhẹ nhàng tỉ mỉ lau hết những vết bẩn trên người anh ta. Lau xong, bỗng dưng lại nhớ đến cách đây một thời gian, có lẽ Trần Lịch Xuyên cũng đã từng ngồi bên giường nhìn tôi như thế.
Kẻ thù của gia đình tôi đưa tôi đến bệnh viện, nắm tay tôi cả một đêm, vì dỗ tôi ăn cháo mà đồng ý cho tôi về nhà. Ngày hôm nay lại đặt bản thân mình vào nguy hiểm để đổi lại sự an toàn ít ỏi cho tôi.
Rút cuộc là Trần Lịch Xuyên hận gia đình tôi, hay là mắc nợ gì với tôi vậy? Tại sao lại đối xử với tôi tốt như thế?
Nghĩ đến việc anh ta tốt với mình, lòng tôi rất ấm áp, cũng rất khó chịu, một mặt vừa muốn mãi mãi được hưởng sự chăm sóc đó, một mặt lại muốn anh ta đừng tốt với tôi như vậy nữa, bởi vì tôi sợ một ngày nào đó người tốt lại đ.âm tôi một d.ao, hoặc ngược lại, là tôi đ.âm anh ta một d.a.o.
Hận thù – thù hận là chuyện rất mệt mỏi!
Tôi cứ ngồi bên giường chờ đến quá trưa thì anh ta cũng tỉnh lại, Trần Lịch Xuyên vừa mở mắt, tôi liền vội vã nhào dậy: “Anh tỉnh rồi à?”.
Anh ta khẽ nhíu mày, lại muốn ngồi dậy hỏi tôi: “Em có sao không?”.
Sống mũi tôi cay xè, đè tay anh ta lại, lắc đầu: “Tôi không sao. Anh mới bị thương, anh nằm xuống đi”.
“Tôi bị thương gì?”
“Bác sĩ bảo anh bị rách mấy miếng ở đầu, lưng, đất đá rơi vào người làm chấn thương phần mềm”. Tôi ngừng lại một lát mới nói thêm: “Cũng may là không có mấy đất đá to, ở trên trần thang máy toàn vụn đá nhỏ nên mới không bị thương nặng”.
Anh ta cười: “Thế thì em khóc cái gì?”.
“Tôi khóc đâu?”. Tôi chột dạ đưa tay lên quệt quệt khóe mắt, không có nước, chợt nhớ ra mình đã ngừng khóc từ cách đây mấy tiếng rồi: “Tôi còn đang mong anh bị thương chẳng được, ai mà thèm khóc”.
Nụ cười trên môi anh ta càng sâu hơn, hờ hững đáp một tiếng: “Ừ”.
“Chân anh thế nào rồi? Anh thử cử động chân tôi xem”.
“Không có cảm giác gì”.
“Không có cảm giác gì là sao?”. Tôi lo lắng đứng dậy sờ đầu gối anh ta, rồi lại nắn ống chân của anh ta. Chân Trần Lịch Xuyên dài, ống xương cứng, tôi sờ vào thấy anh ta không động tĩnh gì lại sốt ruột hỏi: “Anh không cử động được à? Có thấy đau không? Tôi sờ vào có cảm giác không?”.
Anh ta nhìn tôi, hàng mi dài khẽ động: “Sao bảo em mong tôi bị thương?”.
Mặt tôi bất giác nóng bừng lên: “Tôi mong anh bị thương nên mới hỏi”.
“Ừ”.
“Ừ là thế nào?”
“Là không sao cả. Em phải thất vọng rồi”.
Tôi vẫn không tin, ngửa mu bàn tay ra gõ gõ thử vào chân anh ta. Trần Lịch Xuyên không kêu đau, chỉ nhìn tôi như một kẻ hâm dở vậy. Tôi nằng nặc bắt anh ta co duỗi chân, Trần Lịch Xuyên làm xong rồi tôi còn thử véo một cái, thấy anh ta không kêu đau mới bảo:
“Này, có đau không?”.
Anh ta cũng phối hợp, kêu đau cho tôi vui. Tôi bĩu môi nói: “Nghe giả dối quá”.
Trần Lịch Xuyên mỉm cười: “Tại em bắt tôi kêu đấy chứ”.
“Sao thang rơi xuống, anh bế tôi mà không việc gì? Ban nãy tôi tra google rồi, rơi thang máy mà đứng thẳng, còn bế người như thế thì trọng lượng đè xuống chân anh phải gấp mấy chục lần, xung lực dội lên sẽ làm gãy hết xương chân và vỡ nội tạng”.
“Làm gì đến nỗi đó”. Anh ta trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc rồi đáp: “Chắc do số tôi còn may. Cáp một đứt thì buồng thang tụt từ tầng bảy xuống tầng năm, cáp hai đứt thì lại tuột xuống tầng 2, 3 gì đó, hoặc có thể thấp hơn. Lúc đứt cáp thứ 3 thì độ cao đã giảm nhiều rồi, rơi xuống không c.hế.t được”.
“Nhưng vẫn có thể bị thương”. Nhất là bị thương khi bế tôi và đỡ gạch đá cho tôi, nhưng tôi không thốt ra lời ấy ngoài miệng, chỉ có thể nói đến thế.
Trần Lịch Xuyên xoa đầu tôi: “Em quên tôi từng vác 70kg chì một lần à? Chân tôi cứng lắm, không gãy được đâu”.
“Ừ”. Tôi gật đầu, lại nghĩ đến chuyện bố của Trung bị nhiễm độc chì mà c.hế.t, đột nhiên lòng lại nặng trĩu.
Người đàn ông kia không phát hiện ra tâm trạng thay đổi của tôi, anh ta đột nhiên nói: “Chắc là phải thưởng cho em mấy ngày lương của tôi rồi. Tôi bị thương thế này tạm thời không về Hà Nội ngay được”.
“Tôi không đi săn mây nữa. Chiều nay về Hà Nội luôn đi. Ở trên này không có máy móc gì, không kiểm tra cẩn thận được. Về Hà Nội khám lại một chuyến xem”.
“Không cần”. Trần Lịch Xuyên lắc đầu: “Tôi chỉ bị thương nhẹ thôi, tranh thủ ở trên này an dưỡng ít hôm”.
“Sao anh biết bị thương nhẹ được? Phải khám ở bệnh viện lớn mới biết”.
“Không phải em mong tôi bị thương à?”.
“Nhưng không mong anh vì tôi mà bị thương. Sợ nợ không trả được”.
Anh ta nắm tay tôi, khẽ nói: “Đồ ngốc. Ai thèm c.hế.t? Tôi bị thương nhẹ thôi, không tính nợ cho em”.
Cuối cùng tôi phải nghe lời Trần Lịch Xuyên, ở Hà Giang an dưỡng cùng anh ta mấy ngày.
Chúng tôi vẫn ở nhà nghỉ tồi tàn đó, hàng ngày đến trạm xá thị trấn để thay băng và rửa vết thương. Trần Lịch Xuyên ban đầu cứ luôn miệng nói không sao, nhưng chân anh ta rõ ràng bị tác động của xung lực trong vụ rơi thang máy nên tạm thời vẫn không đi lại được. Tôi luôn miệng nói anh ta xuống bệnh viện, Trần Lịch Xuyên lại khăng khăng nói rằng mình không sao.
Cuối cùng không biết Trung kiếm ở đâu một chiếc xe lăn về, bảo tôi thỉnh thoảng đẩy anh ta ra ngoài hít thở không khí, bên dưới tầng một nhà nghỉ cũng có một phòng mới vừa được trả, chúng tôi cũng dọn đồ chuyển xuống đó cho tiện đi lại.
Tôi đẩy anh ta ra quán cafe ở đối diện với nhà nghỉ, gọi một cốc sữa nóng và một ly café đen đá. Lúc phục vụ mang ra, tôi đẩy sữa nóng cho anh ta, còn mình thì cướp cốc café.
Trần Lịch Xuyên tròn mắt nhìn tôi: “Gì thế?”.
“Anh đang bị thương, không dùng các chất kích thích. Uống sữa đi”. Tôi trả thù anh ta vụ lần trước vứt thịt xiên nướng của tôi.
Trần Lịch Xuyên cũng nhận ra điều này nên khẽ cau mày: “Em đang trả thù tôi đấy à?”.
“Ừ”. Tôi cười hì hì, cầm cốc café đá lên uống một ngụm, còn hài lòng “Khà” một tiếng trêu ngươi anh ta: “Café ngon quá. Sếp uống sữa nóng đi, người bệnh phải uống sữa nóng, ăn đồ ăn thanh đạm mới được”.
“Có tin tôi lấy café của em không?”
“Không tin”. Tôi đứng phắt dậy, chạy ra xa khỏi anh ta vài bước: “Anh có giỏi thì bước đến đây mà cướp. Tôi đứng ở đây đợi đây này”.
Trần Lịch Xuyên muốn đứng dậy bước nhưng chân chưa bước được, thử mấy lần suýt ngã, cuối cùng giương mắt đầy bực bội nhìn tôi: “Giỏi lắm. Em chờ đấy”.
“Tôi chờ đấy sếp. Tôi chờ anh ở đây này”. Tôi đi lùi về phía sau, lè lưỡi trêu anh ta: “Anh có giỏi thì qua đây mà bắt”.
Đường ở đây rộng, bên vách núi có ta luy ngăn nên không sợ rơi xuống, tôi vừa bước lùi vừa phùng mang trợn mắt trêu ngươi Trần Lịch Xuyên, anh ta im lặng ngồi ở xe lăn nhìn tôi. Cứ thế cho đến khi lưng tôi và trúng một người.
Tôi giật mình, cuống quít quay đầu lại xin lỗi, nhưng lại nghe giọng mềm mại quen thuộc: “Khuê, em ở đây à?”.
“Ơ, chị Nhu”. Chị Nhu khoác một ba lô du lịch, trên người cũng mặc một bộ đồ bụi bặm, đi giày thể thao. Tôi nhìn một lượt mới hỏi: “Sao chị lại lên đây”.
“Đang được nghỉ 30/4 nên chị đi du lịch, tình cờ thế, lại gặp em trên này”.
Nói mới nhớ, lâu rồi tôi không được ra ngoài nên quên cả ngày tháng, cứ ngỡ đòi một ngày lương của Trần Lịch Xuyên là rơi vào chủ nhật, không ngờ lại trúng vào dịp nghỉ lễ nên anh ta mới ở lại trên này thêm mấy ngày.
Đúng là tư bản, không bỏ sót ngày lương nào của công ty đây mà.
Tôi cười cười: “Vâng, em theo sếp lên trên này giải quyết ít việc công ty”.
“Sếp?”. Giọng chị ấy có chút ngạc nhiên: “Anh Xuyên ấy hả?”.
“Vâng, anh ấy ngồi ở kia”. Tôi chỉ về phía Trần Lịch Xuyên đang ngồi trên xe lăn, lúc này anh ta đang bất mãn uống ly sữa ban nãy, vẻ mặt vừa buồn bực vừa nhăn nhó, giống hệt như một đứa trẻ bị mẹ ép uống sữa vậy.
Chị Nhu thấy vậy mới than nhẹ một tiếng “Ôi”, sau đó lại hỏi tôi: “Sao sếp lại phải ngồi xe lăn thế?”.
“Bị ngã ấy mà”.
“Chị lại hỏi thăm anh ấy một chút”.
Tôi gật đầu, nhìn chị Nhu rảo bước đi lại tiệm cafe kia, trong lòng cảm thấy chị ấy càng lúc càng kỳ lạ.
Có lẽ từ lần lên tòa khi trước, chị ấy cố ý ngồi ở khu của nguyên đơn khiến anh tôi không giữ nổi bình tĩnh, suýt nữa thì nổi đ.iên lên ở Tòa khiến cho tôi có ác cảm.
Tôi cứ có cảm giác chị ấy muốn lấy lòng Trần Lịch Xuyên…
Chị Nhu đi đến bên cạnh anh ta rồi cúi đầu nói gì đó, Xuyên cũng đáp lại, tôi đứng ở xa không nghe rõ, chỉ thấy bọn họ nói chuyện rất lâu. Sau đó thì chị Nhu đẩy anh ta ra một chỗ khác rộng rãi để hứng nắng.
Tôi đứng từ xa thấy cảnh này, bỗng dưng lòng lại có cảm giác mất mát không nói rõ được. Nhưng ngẫm lại, tôi buộc phải nhắc nhở mình rất nhiều lần rằng Trần Lịch Xuyên là kẻ thù của tôi, là người mà tôi không nên có bất cứ tình cảm gì mới phải.
Anh trai tôi vẫn còn ngồi tù vì anh ta, bố mẹ tôi đã phải bán cả nhà cửa, xe cộ vì anh ta, làm sao tôi có thể quan tâm đến việc Trần Lịch Xuyên ở bên người phụ nữ nào được chứ?
Tôi thở dài, cầm cốc cafe đứng bên ta luy đường, nhìn xuống những dãy núi chập chùng bên dưới. Có lẽ do đã quen, cũng có thể sau lần rơi thang máy kia tôi đã vượt qua được chứng sợ độ cao của mình, nên lúc nhìn xuống dưới đó không thấy chóng mặt nữa.
Lát sau, điện thoại tôi đột nhiên rung lên. Cúi đầu mở ra xem mới thấy Trần Lịch Xuyên gửi tin nhắn đến: “Còn đứng đó làm gì? Tôi uống hết sữa rồi”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương