Làm Vợ Hai

Chương 11-12



Đoạn 11
Thời gian trôi qua rất nhanh, chỉ nửa tháng sau thì Viện kiểm sát đã hoàn tất xong việc truy tố, chuyển giao hồ sơ cho Tòa để chuẩn bị xét xử.
Gần đến ngày mở phiên tòa nên tôi rất bận rộn, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để thu thập thông tin, lại đến trại giam thăm anh tôi. Tôi hỏi nhiều đến mức anh cả còn cau có nói:
“Được rồi, được rồi bà cô của tôi ơi. Anh nhớ rồi. Lúc lên tòa anh sẽ khai hết, khai đúng sự thật. Em đừng lo”.
Tôi nhăn nhó đánh dấu một dòng trên trang giấy dày đặc chữ, nghiêm túc dặn dò: “Lên tòa phải tôn trọng tất cả mọi người, gặp ai cũng phải chào, lúc thẩm phán hỏi thì phải xưng hô có chủ ngữ vị ngữ đàng hoàng, nói phải dạ, anh nhớ chưa?”.
“Nhớ rồi”
“Anh mà ăn nói ngang ngược không coi ai ra gì thì anh biết tay em”.
Anh cả hừ lạnh một tiếng: “Đồ lắm mồm”.
“Này, bây giờ em là luật sư của anh đấy. Còn cãi cho anh miễn phí nữa, anh phải tử tế với em vào. Mai kia được ra trại còn phải đãi em một bữa thịt xiên nướng nữa”.
“Ừ, ừ, luật sư Cơm Nắm. Anh cả em sẽ đãi em 3 bữa thịt xiên nướng, chỉ cần em đừng lắm mồm dặn dò anh nữa. Anh biết rồi”.
Tôi gật đầu, nhưng ngay sau đó thì lại tiếp tục lải nhải: “Ngày 23 tòa sẽ xử, từ giờ đến đó chỉ còn 4 ngày nữa, anh chuẩn bị cho tốt đấy”.
Anh cả bất lực nhìn tôi, ngao ngán lắc đầu, chưa hết giờ đã đứng dậy bảo công an cho anh ấy vào lại trại giam. Trước khi đi còn khẽ mắng: “Thật không thể chịu nổi nó nữa”.
Anh công an trẻ tuổi kia nhìn tôi cười, tôi cũng cười, nhưng không cười với anh ta mà là cười với anh cả tôi.
Tôi thật sự rất mong anh ấy phối hợp tốt, ngày lên tòa cũng phải tỏ ngoan ngoãn biết điều một chút, như vậy mới có hy vọng thẩm phán sẽ xử anh ấy trong khung hình phạt nhẹ nhất, mà tôi cũng có hy vọng thắng được vụ kiện trong nước đầu tiên, phục thù cho lần trước ở bên Pháp.
Mong rằng tôi sẽ không phải trốn trong một góc vừa uống rượu vừa khóc nữa, lúc ấy sẽ khó giải thích với Trần Lịch Xuyên lắm. Năm 22 tuổi tôi còn trẻ, thua cuộc là chuyện bình thường, nhưng năm nay tôi 26 rồi, còn là tiến sĩ Luật, tôi sợ thua thì anh ta sẽ cười tôi!
Trên đường lái xe về nhà, ngang qua hàng thịt xiên nướng bán rong bên lề đường, tôi nghĩ ngợi một lát mới dừng xe lại, mua vài xiên thịt đem về nhà ăn.
Mấy hôm nay người đàn ông kia đang ở miền nam, tôi nghĩ anh ta hơn tôi nhiều tuổi như thế, chắc chắn sẽ không thích trong nhà có mấy món đồ ăn vớ vẩn này, định tranh thủ ăn trong lúc anh ta vắng nhà, không ngờ vừa xách túi thịt vào đến cổng đã thấy Xuyên đang tưới hoa trong sân.
Tôi chột dạ, theo phản xạ giấu túi thịt ra sau lưng: “Anh về rồi à?”.
“Ừ”. Anh ta nhìn tôi, biết tôi làm chuyện xấu nhưng không hỏi: “Về muộn thế?”.
“Tôi đến trại giam”. Mặc dù đến trại giam chỉ có một mục đích, nhưng tôi không nhắc đến anh cả trước mặt anh ta, chỉ nói đến thế rồi lại lảng sang chuyện khác: “Hoa hồng đang nở đợt mới rồi. Mùa này nắng to nên nhiều bông, ra đến sân là ngửi thấy mùi thơm phức”.
Xuyên khẽ gật đầu: “Thơm bằng hàng xịt niên nướng ven đường không?”.
Tôi trợn mắt: “Anh cho người theo dõi tôi đấy à?”.
“Tôi đứng giữa vườn hoa hồng mà vẫn ngửi thấy mùi thịt xiên nướng từ người em, em bảo tôi có cần thuê người theo dõi em không?”. Anh ta liếc túi giấy lấp ló đằng sau lưng tôi, chậm rãi lạnh nhạt nói từng chữ: “Bên trong bọc giấy xé ra từ vở, bên ngoài là túi ni lon trắng, không thương hiệu. Không cần đoán cũng biết tiến sĩ Luật mua từ hàng rong ven đường”.
Đúng là người có nhãn quan sắc bén, mà không, không cần thông minh như Xuyên thì cũng đủ đoán ra được, chẳng qua là số tôi đen, tự nhiên lại thèm thịt xiên nướng đúng lúc cái tên gia trưởng này ở nhà mà thôi.
Mặt tôi nóng ran, ngượng quá nên lấy túi giấy ra, gượng gạo cười bảo: “Lúc nãy đi ngang qua thấy thơm quá nên tôi dừng lại mua. Hàng này ngon lắm, sạch nữa, anh có muốn thử ăn không?”.
Trần Lịch Xuyên không cảm xúc trả lời: “Vết thương chưa lành, không được ăn mấy đồ nhiều dầu mỡ”.
Tôi lập tức phản đối: “Tay tôi lành rồi, khỏi hẳn rồi. Giờ còn không nhìn thấy sẹo. Ăn đồ dầu mỡ được rồi”.
Anh ta đi đến phía tôi, lạnh lùng nói: “Đưa đây”.
Tất nhiên là tôi không đưa. Tôi giữ rịt lấy túi thịt, cố sống cố c.hế.t vùng vẫy: “Đây là thịt của tôi”.
“Đưa đây”. Anh ta nhắc lại.
“Tôi không đưa”.
“Không đưa thì ngày mai tịch thu xe của em, không được ra ngoài nữa”.
Tôi không nhịn được hét to: “Trần – Lịch – Xuyên”.
Mặt mày anh ta tỉnh bơ như không, chẳng nói tiếng nào đã giật lấy túi thịt của tôi rồi thẳng tay ném vào thùng rác. Nhìn mấy xiên thịt nóng hổi bị vứt đi không thương tiếc, lòng tôi đau như cắt, vừa ấm ức lại vừa tiếc của, không có cách gì trút ra nên hậm hực đá sợi dây tưới nước dưới đất. Ban nãy Xuyên chưa tắt nước, giờ tôi đá lên thì nước vừa vặn bắn lên người anh ta.
Anh ta quay đầu lại nhìn tôi, khẽ nhíu mày: “Em chống đối đấy à?”.
Tôi vênh mặt, miệng lẩm nhẩm mắng anh ta là đồ gia trưởng, cứ nghĩ ở khoảng cách xa như vậy thì anh ta không nghe thấy, nhưng Xuyên lại hỏi: “Ai gia trưởng?”.
“Anh gia trưởng”.
“Cho em nói lại”.
“Anh gia trưởng, anh gia trưởng, anh gia trưởng. Đồ ông chú già cổ hủ gia trưởng”.
Mặt mày anh ta u ám: “Giỏi lắm”.
Tôi hừ lạnh một tiếng, không thèm nói nữa rồi đi thẳng vào trong nhà. Lúc đến bậc thềm thì đột nhiên thấy lưng mát lạnh, bên chân cũng lộp độp tiếng nước rơi xuống sàn, quay đầu lại mới thấy Trần Lịch Xuyên cầm vòi nước chĩa vào người tôi.
Tôi trợn mắt, lại nghe giọng anh ta thản nhiên đáp: “Tưới cây, ai bảo em không tránh”.
“Anh trả thù tôi đấy à?”.
Anh ta gật đầu, ngữ điệu nhẹ tênh: “Ừ”.
Tôi có cảm giác cơn giận của mình xông lên đến tận đỉnh đầu, lúc ấy cũng quên béng anh ta là ai, tôi là ai, chỉ vì mấy xiên thịt nướng bị vứt mà tôi nổi điê.n lao lại, giằng lấy vòi nước trên tay anh ta.
Vòi bằng cao su, rất mềm, có thể bẻ được tứ phía. Tôi bẻ ngược vòi về phía Xuyên, hùng hùng hổ hổ mắng: “Tôi cũng tưới cây, anh tránh thử xem. Đồ gia trưởng kia anh tránh thử xem”.
“Tôi gia trưởng cái gì?”. Anh ta không tránh nước, cả người phút chốc ướt như chuột lột.
“Không cho tôi ra ngoài”.
“Tôi có cho em ra ngoài”.
“Anh không cho tôi ăn thịt xiên”.
“Thịt xiên là đồ dầu mỡ”.
“Nhưng ngon”.
Anh ta bẻ ngược vòi lại về phía tôi, nước lạnh lập tức dội từ đầu tôi xuống: “Ngon cũng không được ăn”.
Mặt mũi tôi đầy nước, gào thét ỏm tỏi: “Thấy không, anh là đồ gia trưởng”.
“Em cũng là đồ cứng đầu”.
“Anh là đồ gia trưởng”.
“Nói em không được”.
“Còn hơn đồ gia trưởng như anh, á…”.
Tôi hùng hổ hơn, vừa mắng mỏ vừa ép về phía anh ta, Xuyên chẳng còn cách nào, anh ta không quen cãi cọ với phụ nữ nên cứ lùi dần về phía sau, đến khi gót chân vấp phải đầu kia của sợi dây thì ngã, tôi cũng ngã đè lên người anh ta.
Người chúng tôi ướt như chuột lột, lại nằm chồng lên nhau nên quần áo như dán vào nhau luôn vậy. Độ ấm từ da thịt anh ta truyền sang da thịt tôi, tôi cảm nhận được cơ bắp rắn rỏi trên người anh ta, còn Xuyên, có lẽ anh ta cũng có thể cảm nhận được rất rõ ràng hai vòng tròn trước ngực của tôi.
Chỉ trong một nháy mắt, vẻ hùng hổ vừa nãy của tôi lập tức tắt ngấm, tôi hoàn toàn quên mất mình đang bực tức cái gì, từ mặt đến mắt đều nóng ran lên.
Tôi cuống quít muốn đứng dậy, nhưng lúc này lại nghe tiếng người đàn ông kia nói: “Đau không?”.
“Không…”. Giọng nói tôi bất giác luống cuống: “Không đau. Anh thì sao?”.
Trần Lịch Xuyên không đáp, lại nói một câu chẳng liên quan: “Thì ra nằm ở bãi cỏ nhìn thấy trời đẹp thế này. Chẳng trách lúc nhỏ em cứ nằm lì ở đó mãi”.
Động tác của tôi hơi khựng lại, tay tôi chống trước ngực anh ta, khoảng cách lúc này rất rất gần, tôi có thể thấy được bầu trời sáng rực in trong mắt của Trần Lịch Xuyên: “Tôi nằm đó xem anh làm việc”.
“Vẫn nhớ à?”.
“Nhớ. Anh bổ củi, gánh nước, vác mấy bao gạo. Anh còn bắt dế, buộc chỉ vào cổ nó cho tôi chơi”.
Nụ cười trên môi anh ta lại càng sâu hơn: “Tưởng em quên rồi”.
“Không quên”. Lòng tôi phút chốc đau nhói, cảm giác đời này nếu cứ yên bình như khi trước thì thật tốt. Chúng tôi sẽ cùng nhau lớn lên, cùng nhau trưởng thành, năm năm tháng tháng tĩnh lặng trôi đi, sẽ chẳng ai hận thù ai rồi đi đến ngày hôm nay cả.
Tôi không ngồi dậy nữa, chỉ nhìn Trần Lịch Xuyên: “Tôi hy vọng sẽ tìm được một con đường khác để gia đình tôi và anh không còn hận thù nhau nữa”.
“Em có tìm được không?”. Anh ta vuốt tóc tôi, khẽ nói.
“Chưa, nhưng sẽ có”.
“Thế thì tôi sẽ chờ em”. Ngừng một lát, anh ta mới nói thêm một câu: “Nhưng cũng đừng lâu quá. Bởi vì những việc tôi đang làm thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm, không vì em mà có ngoại lệ, cũng không vì em mà nương tay với gia đình em”.
“Ừ”. Tôi cũng cảm thấy vậy, tốt nhất là anh ta đừng nương tay với gia đình tôi, cứ làm những gì anh ta cho rằng có thể an ủi linh hồn của cha mẹ đã c.hế.t của anh ta. Còn tôi, tôi sẽ tìm cách chống đỡ. Cả hai bên đều bung hết sức thì mới có hy vọng ngày nào đó buông bỏ hận thù được.
Hy vọng đừng lâu quá, cũng hy vọng sẽ tìm được cách trước khi tôi cũng phải hận anh ta…
Tôi ngồi thẳng dậy, sau đó chìa tay ra: “Vào trong nhà thôi, tổng giám đốc Vạn Thịnh, nhìn chú thê thảm quá”.
Trần Lịch Xuyên nhìn tay tôi vài giây rồi cũng nắm lấy tay tôi, đứng dậy, cả người anh ta ướt như chuột lột, cơ ngực rắn rỏi dán chặt vào trong áo: “Em cũng có kém gì đâu”.
“Quân địch bị thương một nghìn thì quân ta cũng tổn thất tám trăm”. Tôi bật cười: “Tôi hai lớp áo, vẫn hơn anh”.
Vẻ mặt ai đó hơi cứng lại: “Vào nhà thôi”.
***
Thấm thoắt cũng đến ngày xét xử vụ án của anh trai tôi. Hôm ấy tôi dậy từ rất sớm, mặc trang phục lịch sự và trang điểm kỹ càng, sau đó mới cùng Trần Lịch Xuyên ra khỏi nhà.
Lúc tới nơi thì vừa vặn gặp bố mẹ tôi đến, mẹ tôi không thèm nhìn anh ta, chỉ có bố tôi dù ghét nhưng vẫn phải cầu cạnh: “Xuyên đến đấy à?”.
Anh ta liếc bố tôi, vẫn lịch sự gật đầu một cái nhưng không trả lời. Bố tôi vẫn không từ bỏ, lại đến chỗ anh ta nói: “Thằng Vũ nhà tôi đến công ty cậu làm loạn, nó sai, tôi thay mặt nó xin lỗi cậu. Xin cậu nể tình con gái tôi là vợ cậu, thằng Vũ là anh trai của vợ cậu, tha cho nó một đường để làm lại. Nhà tôi nợ ơn cậu”.
Trần Lịch Xuyên lạnh lùng đáp: “Trên tòa, tôi không có quyền tha hay không tha, mọi việc thẩm phán quyết định. Ông có xin tôi cũng không có tác dụng gì”.
“Cậu biết mà, cậu nói đỡ cho nó vài câu trên tòa thì mọi chuyện sẽ khác”. Bố tôi khúm na khúm núm trước anh ta: “Ngày trước là nhà tôi có lỗi với cậu, bây giờ nhà tôi đã chịu quả báo rồi. Công ty tôi giờ cũng coi như gần c.hế.t hẳn, nhà cửa cũng đã phải bán hết rồi, tôi chỉ có một đứa con trai này thôi, nó ngồi tù lâu thì tôi sợ không sống nổi để chờ nó được. Cậu Xuyên, xin cậu…”.
Trông thấy bố phải xin xỏ ‘chồng mình’ thế này tôi rất đau lòng, tôi cũng hiểu rõ Xuyên sẽ không vì ai mà giơ cao đánh khẽ, cho nên mới chạy lại phía bố, nói với ông: “Bố, không sao đâu. Lát nữa lên tòa còn có thể xin thẩm phán giảm nhẹ tội cho anh ấy mà”.
Bố tôi quay đầu nhìn tôi, dạo này ông còn gầy hơn trước, tóc bạc nửa mái đầu: “Cơm Nắm”.
Khóe mắt tôi cay xè: “Bố, con gái bố là luật sư mà. Bố cứ yên tâm giao cho con, con sẽ cố hết sức để anh cả sớm về với bố”.
“Ừ, ừ”. Bố tôi ngước lên định nói thêm mấy câu xin xỏ với Trần Lịch Xuyên, nhưng lúc này anh ta đã lạnh lùng đi vào hội trường, bên cạnh còn có mấy người trợ lý đang vây lấy.
Bố tôi nói: “Con phải cố lên, thằng Xuyên sẽ không dễ dàng tha cho thằng Vũ đâu”.
“Vâng, con biết rồi. Bố mẹ vào ngồi đi, vào trước chọn chỗ ở trên, hàng ghế trên mới nhìn thấy anh cả rõ nhất”.
“Ừ”.
Tôi đưa bố mẹ vào xong, vừa quay ra thì gặp Nhung đi đến. Năm, sáu năm rồi mới gặp lại nó, mà còn là đụng mặt trên tòa thế này, đứa nào cũng cảm thấy rất kỳ quái.
Nhưng tôi vẫn tươi cười chào hỏi trước: “Luật sư Nhung, lên tòa nhớ đừng nương tay với luật sư bên bị cáo đấy”.
Không khí gượng gạo ngay lập tức biến mất, Nhung cũng nở nụ cười: “Cảm ơn, luật sư Khuê cũng đừng nương tay với tao đấy”.
“Tất nhiên, bào chữa cho anh trai thì không nương tay với bạn. Đạo lý này tao nắm rõ lắm”.
Nhung nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt: “Trông mày càng ngày càng đẹp ra đấy nhỉ? Người gì mà trắng như trứng gà bóc thế, ngực còn to, đến tao là con gái còn thèm”. Nó nửa đùa nửa thật bảo: “Chả chịu post ảnh lên facebook cho người khác ngắm rồi chảy nước dãi gì cả”.
“Xùy, tao sợ lại thành hot girl trên mạng, mấy anh kia lại tìm đến tận nhà theo đuổi thì mệt lắm”.
“Mệt quái gì, lúc đó lại tha hồ có lựa chọn ấy chứ”. Nói tới đây nó lại nhớ ra chuyện gì nên liếc vào bên trong: “À đấy, cái anh sếp hôm trước tao kể với mày đấy. Hôm nay cũng có mặt ở đây đây này. Thấy không, cái ông ngồi giữa hàng thứ hai đấy. Đẹp trai không? Nhìn ngon chứ hả?”.
“Mày bảo tao khen người kiện anh trai tao thì mày cũng hơi ác đấy”. Tôi cười bảo: “Chuẩn bị kỹ càng chưa? Lát nữa chiến hết mình chứ hả?”.
“Còn phải nói. Lúc lên tòa tao với mày không phải là bạn, mà là luật sư của hai bên. Nếu có gì không phải thì không được trách tao đâu đấy”.
“Mày cũng thế nhé?”.
Nhung gật đầu: “Thẩm phán sắp vào rồi. Vào thôi”.
Bước vào phòng xử án thì đúng là chúng tôi không còn là bạn nữa, tôi ngồi ở vị trí luật sư bên bị cáo, Nhung ở bên bị hại, chúng tôi đều tranh thủ lúc chưa chính thức xét xử thì giở tài liệu ra đọc lại một lần nữa. Nhung thỉnh thoảng quay xuống nói gì đó với mấy người bên dưới, chỉ có tôi từ đầu đến cuối vẫn chuyên tâm, không hề hay biết có một ánh mắt luôn nhìn tôi.
Hơn ba mươi phút sau rút cuộc anh tôi cũng được đưa vào phòng xử án, bố mẹ tôi vừa thấy con trai thì quýnh quáng lên, nhất là mẹ tôi, bà lại sụt sùi khóc, dù bị công an nhắc nhở mấy lần nhưng vẫn nhào lên hỏi thăm anh cả, hỏi anh ấy có khỏe không, có ăn được không. Bố tôi thì không nói gì nhưng hai mắt ông đỏ hoe, thỉnh thoảng vẫn nhắc anh cả cứ bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó.
Tôi ngồi ở vị trí luật sư, nhìn thấy cảnh này thì trong lòng không nhịn được, cảm thấy chưa bao giờ nhà mình sa sút đến vậy. Sa sút đến độ có một ngày lên tòa phải khóc lóc cầu xin kẻ khác, mà người được cầu xin lại là người đã từng làm thuê cho gia đình tôi.
Ngẫm lại, cũng cảm thấy thật buồn cười. Thời thế thế thời, thay đổi không ai biết trước được!
Ngồi đợi thêm một lúc nữa thì thẩm phán cũng đi vào, tất cả mọi người trong hội trường đều đứng dậy, tôi liếc qua anh cả, thấy anh ấy cũng ngoan ngoãn đứng dậy chào thẩm phán mới yên tâm, lén lút thở phào một tiếng.
Thủ tục của phiên tòa xét xử ở Việt Nam cũng có một vài điểm khác với phiên tòa ở Pháp. Mở đầu, hội đồng xét xử tuyên bố khai mạc phiên tòa, đọc quyết định công bố đưa vụ án ra xét xử, đọc lại nội dung vụ án, sau đó mới phần xét hỏi và tranh luận.
Lúc đầu, anh trai tôi rất phối hợp nghe lời, thẩm phán hỏi gì đáp nấy, kể lại toàn bộ diễn biến về vụ việc ngày hôm đó. Đến khi kiểm tra viên trình bày lời buộc tội, đề nghị buộc tội anh trai tôi tội ‘cố ý g.iế.t người’, mới đến lượt tôi có ý kiến.
Tôi chỉnh trang quần áo đứng dậy: “Kính thưa hội đồng xét xử, trong toàn bộ quá trình tham gia tố tụng, tôi cho rằng quá trình điều tra cũng như việc ban hành cáo trạng thân chủ tôi có dấu hiệu quy buộc. Quan điểm của tôi là thân chủ của tôi không có hành vi phạm tội cố ý g.iế.t người. Hôm xảy ra vụ việc, thân chủ tôi có mang hung k.hí đến trụ sở công ty Vạn Thịnh nhưng không có mục đích g.iế.t người, thân chủ của tôi chỉ nóng nảy muốn đến đó gặp tổng giám đốc công ty Vạn Thịnh hỏi một số chuyện”.
Nhung lập tức đứng lên: “Phản đối. Nếu ngày hôm đó anh Đoàn Ngọc Vũ không có ý định g.iế.t người, tại sao lại mang hung k.hí nguy hiểm đến công ty Vạn Thịnh. Mục đích của bị cáo là muốn g.iế.t người”.
“Vậy xin hỏi luật sư của bên bị hại, muốn g.iế.t một người có rất nhiều cách. Ở công ty Vạn Thịnh không những có rất nhiều người và còn có bảo vệ, nếu thân chủ của tôi muốn g.iế.t người vào ngày hôm đó thì có chọn mạo hiểm như thế không?”. Tôi nhìn thẩm phán, dõng dạc khẳng định: “Sự thật là thân chủ của tôi chưa qua cửa đã bị bảo vệ giữ lại, sau đó mới xảy ra xô xát và vô ý gây thương tích cho người bảo vệ đó”.
“Trong tài liệu chứng minh thân chủ của cô ngày hôm đó có sử dụng chất kích thích, cụ thể trong máu có nồng độ cồn rất cao. Việc anh ta biết tìm đến Vạn Thịnh sẽ rất khó g.iế.t người nhưng vẫn đến, có thể là do uống rượu vào kích thích hành vi”.
“Vậy tôi có thể hiểu là khi đó thân chủ của tôi lúc đó không tỉnh táo, trạng thái tinh thần không ổn định?”.
Vẻ mặt Nhung dường như đã hiểu gì chuyện gì đó, cô ấy hơi ngây ra, sau đó mới gật đầu, nói: “Phải”.
Tôi mỉm cười, sau đó đưa một số tài liệu ra, trong đó có cả hồ sơ bệnh án của người bảo vệ kia lúc nằm trong bệnh viện. Tôi nói: “Lúc đầu thân chủ tôi chỉ định đến nói chuyện với ông Trần Lịch Xuyên, tổng giám đốc công ty Vạn Thịnh. Sở dĩ thân chủ tôi có mang hung kh.í đến là vì muốn có được ưu thế khi nói chuyện. Mọi người có thể thấy, khi một người có trạng thái không tỉnh táo sẽ có cảm giác hiếu thắng, thân chủ tôi chỉ đơn giản muốn có được ưu thế trong cuộc nói chuyện ấy nên mới mang hung khí để khiến đối phương sợ hãi, tạo cảm giác chiến thắng”.
Thẩm phán nói: “Cô lấy gì chứng minh khi không tỉnh táo sẽ có cảm giác hiếu thắng?”.
“Lúc còn ở Pháp, tôi có tham gia nhiều phiên tòa xét xử về việc xô xát cãi cọ ở trong quán rượu. Những thân chủ của tôi lúc khai báo đều nói nếu khi đó không say, họ đã bình tĩnh tìm cách giải quyết khác tốt hơn. Nhưng vì trong máu có nồng độ chất kích thích nên họ mới muốn chứng tỏ bản thân, cuối cùng dẫn đến những việc đáng tiếc”. Tôi ngước lên nhìn thẩm phán, hỏi ngược lại: “Cũng vì thế nên pháp luật Việt Nam mới có nhiều điều luật về sử dụng rượu bia. Hơn nữa tôi nghĩ chắc hẳn thẩm phán cũng đã từng xử không ít vụ việc bị đơn sử dụng rượu bia gây ra hậu quả từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng phải không?”.
Nhung lập tức nói: “Phản đối. Luật sư của bị cáo hỏi những vấn đề không liên quan đến vụ án”.
Thẩm phán cũng liếc tôi: “Đề nghị luật sư bị cáo tập trung vào vụ án”.
Tôi cười, lòng không dao động, tiếp tục: “Bởi vì có cảm giác hiếu thắng nên thân chủ của tôi mới mang hu.ng k.hí đến, thậm chí thân chủ của tôi còn không lựa chọn d.a.o. Nếu với mục đích g.iế.t người thì phải chọn con d.ao thật sắc, nhưng thân chủ của tôi lại chọn d.ao bài. Là loại d.ao để chặt”.
Tôi giơ ảnh của con d.ao kia lên cho mọi người cùng nhìn thấy, đồng thời đề nghị hội đồng xét xử cho mọi người cùng xem tang vật vụ án. Quả thực đó là một con d.a.o bài đã cùn trớt, trên lưỡi còn có mấy vết mẻ.
Nhung không chịu thua: “Luật sư bên bị đơn xác định bị đơn không tỉnh táo, việc lựa chọn d.a.o cũng trong trạng thái không tỉnh táo. Loại d.ao thế nào cũng đều có tác dụng làm tổn hại đến thân thể con người”.
“Đúng”. Tôi gật đầu: “Vậy còn phương hướng tác động đến thân thể con người thì sao?”.
Tôi giở hồ sơ bệnh án của người bảo vệ kia ra, mượn máy chiếu, chiếu lên màn hình: “Đây là hồ sơ bệnh án của bị hại. Trong này thể hiện vết thương của bị hại rách theo phương thẳng đứng, đường rách bờ mép nham nhở, kéo theo hướng 4h”.
“Vậy thì sao?”.
“Chiều cao của bị hại là bao nhiêu?”.
“1m65”.
“Thân chủ của tôi cao 1m86”. Tôi mỉm cười, lại hỏi người bảo vệ kia: “Lúc thân chủ tôi chém anh, anh đang đứng ở đâu?”
“Ở trước mặt. Cậu ta như ch.ó dại, vừa nói vừa vung d.a.o ché.m loạn xạ”.
“Tại sao anh thấy thân chủ tôi vung d.a.o mà không chạy?”.
“Tôi…”. Nét mặt của anh ta hơi lúng túng: “Tôi là bảo vệ, tôi phải giữ anh ta lại, nếu không thì anh ta sẽ c.hé.m tất cả mọi người”.
“Anh sai rồi. Khi vào đến công ty, câu đầu tiên thân chủ tôi nói là ‘Thằng Xuyên đâu, thằng Xuyên ngồi ở chỗ nào’, chứ không phải là ‘Tao c.hé.m hết chúng mày’. Mà theo tôi biết, ngày hôm đó tổng giám đốc công ty anh không có mặt tại công ty phải không?”.
Bộ dạng của người bảo vệ càng u ám hơn, không muốn trả lời, nhưng ở trước mặt hội đồng xét xử không thể không đáp, đành cúi đầu nói: “Phải”.
“Vậy tại sao anh không chạy?”.
Người bảo vệ không đáp nữa, chỉ cúi gằm mặt nhìn đùi mình. Tôi nhìn chằm chằm anh ta, ánh mắt vô tình bao quát cả Trần Lịch Xuyên. Chẳng rõ có phải do nhìn nhầm hay không mà đột nhiên tôi thấy khóe miệng người đàn ông đó khẽ cong lên.
Anh ta cười sao?
Tôi còn chưa kịp nhìn kỹ thì luật sư của bên bị hại đứng dậy nói: “Nhiệm vụ của bảo vệ là bảo vệ, không phải chạy”.
“Nhiệm vụ của bảo vệ là bảo vệ tài sản của công ty, bảo vệ con người là việc của công an. Với phản ứng bình thường của một con người, khi có người đến tìm tổng giám đốc của công ty để gây sự, tổng giám đốc không có ở đó thì việc cần làm là nên chạy đi và báo công an. Nhưng anh ta lại lựa chọn xông lại để ôm lấy thân chủ của tôi, trong khi thân chủ của tôi chưa vung d.a.o ché.m bất kỳ ai, là ý gì?”.
Nhung cau mày phản đối: “Lựa chọn giúp người xuất phát từ lòng tốt của mỗi con người, không thể so sánh ai với ai được. Luật sư của bên bị cáo không có quyền nghi ngờ lòng tốt của người bị hại”.
Tôi không để ý đến cô ấy, lại hỏi người bảo vệ: “Con trai anh đang điều trị ung thư phải không?”
Nét mặt anh ta xanh mét, há miệng không nói được câu gì. Nhung lại đứng lên: “Phản đối, luật sư bên bị cáo hỏi vấn đề không liên quan”.
Tôi ném thẳng tập tài liệu xuống bàn, hét to: “Con trai của anh ta đang bị ung thư giai đoạn hai, cần một khoản tiền phẫu thuật làm xạ trị. Một tháng trước anh ta vẫn chạy đôn chạy đáo đi vay tiền nhưng không được, nhưng cách đây hơn nửa tháng thì anh ta có được số tiền bồi thường của công ty Vạn Thịnh, vừa vặn đủ để vào hóa chất lần đầu tiên”. Tôi nhìn thẩm phán, kiên định nói từng chữ: “Giúp người khác lòng không tạp niệm mới gọi là lòng tốt. Còn đẩy người khác vào tù để nhân đó hưởng lợi, đó không phải là lòng tốt, đó là lợi dụng”.
Bạn tôi cũng gào lên: “Phản đối, phản đối”.
Thẩm phán không để ý đến Nhung, chỉ bảo tôi mang tập tài liệu kia lại. Đó cũng là một bản hồ sơ bệnh án của con trai người bảo vệ, lúc trước tôi đến bệnh viện có nhìn thấy đứa con trai của anh ta, thấy thân thể cậu nhóc ấy ốm nhom, cánh tay lại chi chít vết kim truyền nên tôi nghi ngờ.
Sau đó, ngày nào tôi cũng đến bệnh viện để nhìn hai cha con họ, mặt khác cũng năn nỉ để xin bệnh án. Giám đốc bệnh viện cũng có đứa con gái học Luật như tôi, thấy tôi đuổi theo dai dẳng quá, cuối cùng mới mủi lòng cung cấp cho tôi bệnh án.
Thẩm phán sau khi đọc xong tài liệu kia thì đưa cho những người trong hội đồng xét xử đọc, sau khi hội ý, họ xác nhận đây đều là tài liệu thật. Nét mặt của ai cũng nghiền ngẫm đầy suy tư.
Tôi lập tức nhân cơ hội này chốt luôn vấn đề: “Cho nên viện kiểm sát buộc tội thân chủ của tôi cố ý g.iế.t người là vô căn cứ. Thân chủ tôi ban đầu chỉ có mục đích nói chuyện với tổng giám đốc của công ty Vạn Thịnh, mang hung kh.í đến chỉ để chiếm ưu thế khi nói chuyện. Bên bị hại cố tình lao vào đúng lúc thân chủ tôi vung d.a.o lên, mục đích chỉ để chứng tỏ anh ta hoàn thành công việc xuất sắc, dám xông vào hiểm nguy để bảo vệ công ty, từ đó có được khoản tiền kếch xù để chữa bệnh cho con trai. Tôi đề nghị viện kiểm sát thay đổi tội danh truy tố, xác định thân chủ của tôi phạm tội vô ý gây thương tích”.
Đoạn 12
Thẩm phán tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ giải lao để hội đồng xét xử nghị án. Vừa rồi dốc sức chống trả một trận, thần kinh tôi cũng đã căng như dây đàn, thậm chí khát khô cả miệng cũng quên luôn uống nước, mãi đến khi hội đồng xét xử lui vào trong rồi mới có cảm giác thở phào.
Mẹ và bố tôi tranh thủ nhào lên chỗ anh trai nói chuyện, tôi hơi ngột ngạt, định ra ngoài kiếm một ít nước uống nhưng lúc đứng dậy lại thấy bên công ty Vạn Thịnh phát nước. Nói là tài trợ cho những người đến phiên tòa xét xử ngày hôm nay.
Tôi cũng được phát một chai nước mát, liếc mắt sang chỗ Trần Lịch Xuyên thấy anh ta đang cúi đầu xem gì đó trên điện thoại, vẻ mặt rất chăm chú, thỉnh thoảng đầu mày còn hơi cau lại.
Ở vị trí này, tôi có thể thấy rất rõ sống mũi của anh ta, rất cao và thẳng, sườn mặt cũng góc cạnh, yết hầu rõ ràng, vầng trán sáng sủa. Khi ngồi giữa cấp dưới, trông anh ta rất nổi bật, hoặc cũng có thể là do dáng người anh ta rất hoàn hảo nên dù có đứng ở đâu cũng sẽ trở thành điểm nhấn.
Rất đẹp, rất điềm đạm và toát ra hơi thở của một người chín chắn và lịch sự, giống như lời của Nhung nói.
Nhưng tại sao chồng tôi lại là kẻ thù của tôi chứ?
Tôi thở dài một tiếng, mở nắp uống một ngụm nước mát xong rồi quay đi, tiếp tục tranh thủ thời gian để nghiên cứu tài liệu. Lát sau khi bố mẹ tôi nói xong rồi, tôi mới đi về phía anh cả, gõ gõ tay xuống vành móng ngựa trước mặt anh ấy, khẽ nói: “Hôm nay anh biểu hiện rất tốt, em chờ thịt xiên nướng của anh”.
Anh cả nhìn tôi, mặt mày tỉnh bơ: “Chà, không biết là luật sư gia đình hôm nay lên tòa oai như vậy”.
“Lát nữa anh phối hợp tốt thì em còn có thể oai hơn đấy”. Tôi nhoẻn miệng cười: “Nhớ thành khẩn khai báo và xin thẩm phán giảm nhẹ hình phạt, biết chưa?”.
“Rồi rồi biết rồi, em lắm mồm quá”.
Tôi xùy một tiếng, vừa đứng thẳng dậy thì hội đồng xét xử cũng đi vào, mọi người nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, xong xuôi thì tiếp tục bắt đầu phiên tòa.
Giai đoạn này, thẩm phán xét hỏi việc anh trai tôi đập phá tài sản của công ty Vạn Thịnh, thống kê số tài sản thiệt hại và hỏi anh cả có mục đích gì khi mang hu.ng kh.í đến đó để tìm Trần Lịch Xuyên, đồng thời đập phá đồ đạc.
Anh cả rất ngoan ngoãn nghe lời tôi, lễ phép trả lời thẩm phán: “Tôi với anh ta có mâu thuẫn, lúc đó uống rượu say vào tôi không tự chủ được hành vi, chỉ muốn tìm anh ta dọa một trận. Tôi không có ý muốn g.iế.t anh ta”.
“Mâu thuẫn của hai người là gì?”.
Anh cả không đáp, thẩm phán nhắc lại: “Mâu thuẫn của hai người là gì?”.
Anh cả quay đầu Trần Lịch Xuyên một cái, rồi lại liếc qua tôi, tôi đã dặn anh ấy nói đến chuyện hồi nhỏ của hai người, ý muốn thẩm phán hiểu theo hướng bọn họ ghét nhau qua những chuyện nhỏ nhặt nhưng không đến mức muốn g.iế.t. Tuy nhiên, đúng lúc này chị Nhu lại từ bên ngoài bước vào, làm thay đổi toàn bộ kế hoạch của tôi.
Chị Nhu không nhìn anh cả mà đi thẳng vào hàng ghế bên bị hại, ngồi xuống. Lúc đầu anh cả vẫn hy vọng chị Nhu đến vì anh ấy, nhưng thấy chị ấy ngồi gần Xuyên thì không khống chế được, đứng bật dậy hét to: “Thằng kh.ốn Trần Lịch Xuyên”.
Hai người công an lập tức gô cổ anh ấy lại, còn tôi, tôi nghĩ là công sức của mình xong rồi!
Tôi lập tức đứng dậy: “Thưa hội đồng xét xử, thân chủ tôi và tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh, anh Trần Lịch Xuyên có mâu thuẫn từ lúc nhỏ. Hai người có một quãng thời gian lớn lên bên nhau, không tránh khỏi mâu thuẫn từ những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng không trầm trọng đến mức có thể g.iế.t nhau bằng hu.ng kh.í nguy hiểm như vậy”. Không còn con đường nào khác, tôi buộc phải quay lại nhìn Trần Lịch Xuyên: “Tôi nói có đúng không, anh Xuyên”.
Lúc nói mấy lời này, trong lòng tôi xác định chỉ có 50% hy vọng, mặc dù anh ta nói sẽ không nhúng tay vào vụ kiện này của anh trai tôi, nhưng lại cũng không nói là sẽ giúp tôi. Giờ tôi buộc Xuyên phải trả lời thế này, chưa chắc anh ta đã chịu nói những lời có lợi cho tôi.
Thế nhưng, rất may mà sau vài giây suy ngẫm, anh ta cũng gật đầu, nói: “Phải”. Trần Lịch Xuyên nhìn tôi, ánh mắt sâu thăm thẳm: “Không đến mức g.iế.t nhau bằng h.ung kh.í nguy hiểm”.
Nhưng anh ta có thể g.iế.t c.hế.t anh trai tôi bằng thủ đoạn, tôi hiểu ánh mắt anh ta muốn nói vậy.
Mà tôi cũng đã lường trước được điều này cho nên mới thêm vào năm từ: Bằng hu.ng kh.í nguy hiểm. Tôi dần dần đã học cách nắm bắt được tâm tư của Trần Lịch Xuyên, còn anh ta dần dần cũng hiểu được nhiều ý tứ của tôi và nhẫn nại với tôi hơn. Có thể nói, trong phiên tòa này chúng tôi phối hợp rất ăn ý, dè chừng vừa đủ, tấn công vừa đủ, cũng quyết liệt vừa đủ.
Thẩm phán nhìn không ra quan hệ của chúng tôi, chỉ quay sang hỏi anh cả: “Bị cáo có hối hận vì hành vi của mình không?”.
Anh tôi vẫn phừng phừng lửa giận nhìn Trần Lịch Xuyên, muốn há miệng nói Không, nhưng cùng lúc này tôi lại khẽ hắng giọng gọi: “Anh Vũ”.
Phía bên này còn có bố tôi, mẹ tôi, còn có cả tôi, tôi hy vọng anh tôi sẽ biết cân nhắc nặng nhẹ thay vì phá hủy cuộc đời mình vì tình yêu với một người không đáng, cho nên dù biết hành động này của mình rất phản cảm nhưng vẫn làm.
Thẩm phán nghiêm giọng nhắc nhở tôi: “Đề nghị luật sư của bị cáo trật tự, tôn trọng sự nghiêm minh trên tòa án”.
Tôi vội vàng xin lỗi: “Xin lỗi hội đồng xét xử, tôi sẽ chú ý ạ”.
Anh cả thấy tôi bị mắng, có lẽ vì việc thương tôi đã ăn vào máu của anh ấy nên lúc này cũng từ từ bình tĩnh lại. Anh ấy nhìn mấy người nhà tôi lủi thủi ngồi ở băng ghế dài một lượt, nhìn cả nước mắt của mẹ tôi, cuối cùng mới cúi đầu, nói một câu: “Tôi hối hận. Kính thưa thẩm phán, tôi rất hối hận. Mong thẩm phán xử nhẹ tội để tôi còn được về sớm chăm sóc cha mẹ già. Tôi chưa lấy vợ, lại là con trai duy nhất trong gia đình, tôi muốn làm lại cuộc đời, phụng dưỡng cha mẹ tôi”.
Lúc này, trái tim tôi mới được thả lỏng thật sự, cảm giác như khối đá đè nặng trong lòng rút cuộc cũng vỡ ra vậy.
Cuối cùng, thẩm phán tuyên anh trai tôi tội “Cố ý gây thương tích”, phạt tù giam 12 tháng, tuyên đền bù cho người bảo vệ kia số tiền hai trăm năm mươi triệu đồng, đền bù cho công ty Vạn Thịnh một trăm tám mươi triệu đồng. Mẹ tôi nghe xong thì òa lên khóc, bố tôi là người từng trải nên bình tĩnh hơn, cứ ôm lấy mẹ tôi nói: “Thế là tốt rồi, thế là tốt rồi. Một năm trôi qua nhanh thôi”.
Tôi nhìn anh cả, cũng muốn khóc, cũng muốn xin lỗi vì không thể cãi cho anh ấy được án treo, nhưng anh cả lại mỉm cười nói: “Cơm Nắm, em làm rất tốt rồi”.
Hai mắt tôi cay xè: “Anh cả”.
Anh tôi bị mấy người công an dẫn đi, lúc ra đến cửa còn ngoái đầu lại bảo tôi: “Cơm Nắm, chăm sóc bố mẹ cho tốt. Cơm Nắm, anh cả tự hào về em. Hôm nay em giỏi lắm”.
Tôi chạy theo anh ấy cho đến khi bị giải lên xe thùng mới thôi, sau khi chiếc xe ấy đi khuất rồi, tôi lại chui vào nhà vệ sinh, ở trong đó bịt miệng khóc, nước mắt rơi tung hoành không một tiếng động.
Ngày hôm nay tôi đã tận mắt chứng kiến thế nào là anh cả tôi một thời oai phong coi thường người khác, giờ chính thức biến thành tù nhân, đứng trước thẩm phán cũng cúi đầu nói ‘Tôi hối hận’.
Ngày hôm nay tôi đã tận mắt chứng kiến cha mẹ già của tôi ngồi co ro ở hàng ghế chờ bên bị cáo, người khóc đến sưng cả mắt, người thì bạc nửa mái đầu đau đớn nhìn con trai. Tiền không thế không, đơn độc chỉ biết dựa vào đứa con gái kém cỏi này.
Ngày hôm nay tôi đã tự đứng trên tòa tranh cãi biện luận cho anh trai tôi, mặc dù một năm đã là án phạt nhẹ nhất, nhưng giờ phút này tôi vẫn không tránh khỏi cảm thấy bất lực.
Gia đình tôi tại sao lại biến thành như ngày hôm nay chứ? Anh trai tôi đi tù, bố mẹ tôi phá sản, tôi làm vợ hai của người đã đẩy gia đình tôi đến con đường này. Tại sao chứ?
Tôi rất đau đớn, nhưng lại không hận nổi Trần Lịch Xuyên. Tôi biết so với nỗi đau của tôi thì anh ta mới là người phải gánh chịu tổn thương nhiều hơn, là gia đình tôi đối xử không tốt với anh ta trước. Nhưng nếu cứ thế này thì một ngày nào đó tôi cũng sẽ hận anh ta mất.
Lúc đó tôi cũng sẽ đỏ mắt nhìn anh ta, nói cả đời này tôi sẽ không tha thứ cho anh. Hận thù – thù hận cứ xoay vòng mãi. Cuối cùng chẳng ai thoát được khỏi vòng luẩn quẩn đó cả.
Nhưng tôi phải làm thế nào đây?
Tôi cứ trốn ở trong nhà vệ sinh khóc mãi, khóc mãi, khóc đến khi cảm thấy rơi nước mắt đủ rồi mới đứng lên, rửa mặt thật sạch rồi ra ngoài.
Tòa nhà hội trường xét xử đã không còn bóng người, chỉ có một mình tôi thất thểu đi trên hành lang. Lúc qua một ngã rẽ, đột nhiên lại thấy có một bóng lưng đứng tựa vào tường hút thuốc, đây là lần đầu tiên tôi thấy Xuyên hút thuốc. Nhưng anh ta cũng chẳng để tôi nhìn lâu, lập tức dập thuốc ném vào thùng rác gần đó.
Anh ta không hỏi tôi tại sao mắt lại đỏ, chỉ thở hắt ra một tiếng: “Về thôi”.
Tôi gật đầu, cũng không hỏi tại sao đến giờ vẫn còn đợi tôi, chỉ lững thững đi theo anh ta ra bãi đỗ xe, suốt chặng đường chẳng hé miệng thêm câu gì.
Cho đến khi xe chạy được một quãng, Trần Lịch Xuyên có nói với tôi: “Em nói lần đầu tiên thua kiện ở Pháp, em trốn vào một góc vừa khóc vừa uống rượu. Lần này lần đầu tiên tranh tụng ở Việt Nam, em thắng kiện nhưng vẫn khóc”. Anh ta dừng ở một ngã tư đèn đỏ, khẽ hỏi: “Khóc xong rồi, giờ có muốn uống rượu không?”.
Tôi nhìn anh ta, hốc mắt vừa hết đỏ giờ lại bắt đầu cảm thấy cay xè, cổ họng cũng nghẹn lại. Lúc ấy, trái tim tôi vừa cảm thấy ấm áp, cũng vừa cảm thấy bi thương, không rõ rút cuộc tình cảm của mình và Trần Lịch Xuyên cho đến cùng là cảm giác gì.
Mãi sau này tôi mới biết, đó là cảm kích, là yêu, yêu không lối thoát, yêu đến thảm thương, yêu đến giày vò, yêu đến bi kịch, yêu đến đau lòng!
Tôi quay đầu đi, lặng lẽ đáp: “Lần đầu tiên tranh tụng ở Việt Nam, tôi vẫn thua đó thôi”.
Anh ta cười, nói một câu rất giống anh cả: “Hôm nay trên tòa oai phong lắm”.
“Anh thấy thế thật à?”. Tâm trạng tôi vẫn không tốt, vẫn tiu nghỉu nhìn đường: “Lúc tranh luận, tôi vẫn run lắm. Còn quên cả mấy phần nữa”.
“Luật sư của tôi nói khung hình phạt nhẹ nhất của anh em là ba năm, em có thể khiến thẩm phán tuyên án một năm nghĩa là em rất giỏi”. Anh ta xoay bánh lái xe, giọng nói rất điềm đạm êm tai: “Trong một thời gian ngắn mà có thể thu thập được nhiều tài liệu giá trị phục vụ cho việc tranh biện như thế cũng là rất giỏi, không hổ danh tiến sĩ Luật ở Pháp. Hôm nay về sẽ thưởng cho em”.
Lần đầu tiên được khen như vậy, tôi có chút xấu hổ, lúng túng mấy giây mới hắng giọng đáp: “Thưởng gì cơ?”.
“Một chầu rượu”.
Tôi cười: “Ông chú gia trưởng không cấm vợ sa đọa nữa à?”.
“Chỉ một hôm nay thôi”.
Tôi bĩu môi: “Đúng là đồ gia trưởng”.
Trần Lịch Xuyên không đáp nữa, khóe miệng khẽ cong cong, ánh mắt chuyên chú nhìn về con đường phía trước. Lúc này đã là bốn giờ chiều, ánh nắng chói chang của mùa hè rọi lên gương mặt của anh ta, vẽ lên đó những đường nét sáng chói lóa. Đẹp như một bức tranh.
Phải rồi, từ nhỏ từng đường nét của Trần Lịch Xuyên đã rất đẹp, thậm chí mấy chị con gái cạnh nhà cũng thích anh ta, cả buổi đến chỉ nhìn Xuyên chứ không nhìn anh cả tôi, cho nên anh cả mới thường xuyên đánh anh ta để ra oai với mấy chị gái đó.
Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi nói: “Cảm ơn anh”.
“Vì chuyện gì?”.
“Vì lúc đó đã đứng về phía tôi”. Là lúc trên tòa, tôi hỏi anh ta có phải không, rất may là Trần Lịch Xuyên đã nói phải.
Nhưng anh ta không thừa nhận, chỉ bảo: “Tôi không đứng về phía em, tôi chỉ nói sự thật”.
Tôi cười: “Ừ, là sự thật”.
Không lâu sau xe dừng lại ở một quán thịt nướng nho nhỏ, bên ngoài trông hơi chật chội và cũ kỹ nhưng rất đông khách, mới gần năm giờ chiều mà người ra vào đã kín bưng cả quán.
Tôi vừa bước xuống xe đã ngửi thấy mùi thơm lừng của thịt bay đến, từ vị giác đến dạ dày đều lập tức kêu réo òng ọc. Lúc này mới nhớ ra từ sáng giờ ngoài mấy ngụm nước của Vạn Thịnh phát cho, tôi chưa có gì vào bụng, đói đến mờ cả mắt rồi.
Tôi quay đầu hỏi Trần Lịch Xuyên: “Ăn thịt nướng ở đây à?”.
“Ừ”. Anh ta đáp: “Em muốn ăn gì thì vào gọi đi. Ngồi ở vỉa hè ăn cho thoáng”.
Tôi nghĩ ngồi ở vỉa hè ăn thế này có khác gì tôi mua thịt xiên nướng ở gánh hàng rong đâu, sao lúc trước anh ta không cho ăn mà giờ lại chủ động đưa tôi đến ăn?
Trong lòng tôi thắc mắc là thế nhưng nhìn thấy số thịt nướng thơm ngon kia thì cũng ngay lập tức quên phứt đi, nghĩ được ăn là tốt rồi, hơi đâu mà thắc mắc. Tôi sung sướng gọi liền bốn năm đĩa rồi lại quay về ghế chờ, chỉ một loáng sau chủ quán đã bưng một khay đồ và vỉ than nướng đỏ au ra, cười tươi:
“Thịt đến rồi đây, thịt đến rồi đây. Thịt chỗ tôi là ngon nhất khu này đấy, còn sạch nữa, không có hàng đông lạnh đâu nhé”.
Ông chủ nào mà chẳng quảng cáo thế, tôi không tin, chỉ cầm miếng dưa dưới bàn nhai rộp rộp. Xuyên thì lại rất lịch sự, nhận xong khay thịt kia còn nói “Cảm ơn”, sau đó bảo tôi ngồi xa ra một chút.
“Cầm cả đĩa dưa sang kia ăn, than nóng, muội than bay vào mắt”. Anh ta nói.
Tôi bảo: “Tôi quên gọi rượu rồi. Anh uống rượu gì?”.
“Vodka đi, ngâm đá”.
“Được”.
Một lát sau, rượu được mang ra thì thịt cũng vừa vặn chín tới, Xuyên ngồi cắt thịt còn tôi thì rót rượu. Ly đầu tiên, tôi chúc anh ta:
“Chúc mừng chúng ta hôm nay lên tòa đều thành công. Bị hại được bồi thường, bị cáo được nhận bản án thấp nhất trong khung hình phạt”.
Trần Lịch Xuyên mỉm cười, cạn ly với tôi: “Chúc mừng luật sư của bị cáo bào chữa thành công”.
“Cảm ơn bị hại, cạn ly”.
Có những chuyện số phận sắp đặt rất buồn cười, ví dụ như bị cáo là anh trai tôi, còn bị hại là chồng tôi, ví dụ như vừa rồi còn tranh cãi nảy lửa trên tòa, bây giờ đã có thể cùng nhau ngồi uống rượu như thế này.
Tôi có rất nhiều điều muốn nói với người đàn ông kia, nhưng giữa tôi và anh ta có một hố sâu ngăn cách quá lớn, tôi không thể nào vượt qua được. Cả buổi, tôi chỉ có thể chúc Trần Lịch Xuyên hết chén này đến chén khác, ly thì chúc anh ta đã thành công, ly thì mừng anh ta có đã sự nghiệp vững vàng, ly thì lại cảm ơn vì bên Vạn Thịnh không tiếp tục làm đơn phúc thẩm.
Xuyên lặng lẽ uống hết mấy ly tôi chúc, lại gắp thịt cho tôi: “Uống nhiều rồi, ăn đi, không thì em sẽ say đấy”.
“Tôi say thì anh sẽ đưa tôi về nhỉ?”.
“Ừ”
“Thế anh say thì ai đưa anh về?”.
“Tôi gọi Taxi”.
“Lúc trước đã bao giờ anh say chưa?”.
“Rồi”.
“Lúc say hay nhớ đến ai?”.
Động tác của anh ta hơi khựng lại, Trần Lịch Xuyên ngẩng đầu nhìn tôi, rất lâu sau mới nói: “Nhớ đến người mà tôi không thể gặp lại được”.
Tôi nghĩ đó là cha mẹ anh ta, lòng phút chốc lại đau nhói: “Chắc anh buồn lắm nhỉ?”.
Anh ta không đáp, tôi lại tiếp tục lảm nhảm: “Lúc trước tôi uống rượu say hay nhớ nhà. Ở Pháp không chạy về nhà được. Bây giờ tôi say, có thể về nhà nhưng tôi lại không dám về”. Sống mũi tôi cay cay, tôi nhìn anh ta: “Người thân sống không tốt, tôi nhìn thấy sợ đau lòng không chịu được”.
Trần Lịch Xuyên rút một tờ khăn giấy, lau nước mắt cho tôi: “Em bảo tôi phải làm sao?”.
Tôi không dám nói ra câu “Đừng trả thù nữa”, vì như vậy quá không công bằng với anh ta. Trần Lịch Xuyên chịu đau đớn đủ hai mươi năm, nói anh ta vì tình thương đồng loại hay lòng nhân từ mà buông bỏ mọi thù hận, đổi lại là tôi, tôi cũng không làm được.
Sau cùng, tôi nói: “Người phải làm sao là tôi. Tôi sẽ thử tìm cách”.
“Ừ”. Anh ta đặt khăn giấy vào tay tôi: “Ăn đi”.
Tửu lượng của tôi không tốt lắm, uống hết nửa chai đã say rồi. Tôi cũng chẳng nhớ hôm đó mình nói với Trần Lịch Xuyên những gì, chỉ biết mãi đến khi trời tối mịt anh ta mới kéo tôi đứng dậy ra về, tôi nhìn đống thịt nướng, vẫn vùng vằng đẩy anh ta:
“Tôi chưa ăn xong thịt nướng”.
“Nguội hết rồi, về nhà ăn thứ khác”. Anh ta kiên nhẫn ôm lấy tôi, kéo tôi lại.
“Tôi không muốn ăn thứ khác, tôi muốn ăn thịt nướng. Hôm trước anh còn ném thịt xiên nướng của tôi. Anh phải đền cho tôi”.
Buổi tối quán vỉa hè rất đông khách, mấy người ngồi bàn bên kia thấy tôi kêu la làm loạn như vậy ai cũng nhìn. Xuyên cũng cảm thấy mất mặt, nhưng vẫn nhỏ giọng dỗ tôi: “Được rồi, về nhà rồi đền”.
“Anh đền cái gì?”.
“Đền thịt xiên nướng”
“Mấy xiên”.
“5 xiên”.
Tôi mím môi: “Không được, phải mười xiên”.
Có người nào đó nhẫn nhịn đáp: “Ừ, mười xiên”.
Tôi vỗ vỗ vai anh ta, hoàn toàn quên sạch mình là ai, vênh mặt đáp: “Mau ngồi xuống, cõng tôi”.
Hồi nhỏ thường là anh cả cõng tôi, anh ấy có rất nhiều tiền, mỗi lần tôi nói thích ăn kem sẽ cõng tôi ra phố, mua cho tôi ba cây kem đủ màu sắc, tôi để dành về nhà ăn, nhưng về đến nhà thì chỉ còn lại ba cọng gỗ, kem chảy ướt hết tay.
Tôi tiếc của nên khóc toáng lên, anh cả lại lật đật chạy đi mua kem. Mẹ tôi không dỗ được tôi, chỉ có Trần Lịch Xuyên bảo tôi trèo lên lưng, sau đó cõng tôi ra sau vườn đi bắt mấy con dế, lấy nó làm đồ chơi cho tôi.
Tôi rất thích dế, quên cả khóc, cũng quên cả mấy cái kem. Lúc anh cả cầm kem về thấy tôi đang nằm bò dưới thảm cỏ nghịch mấy con dế Trần Lịch Xuyên bắt thì bực bội dẫm c.hế.t chúng, còn mắng tôi: “Ai bảo em lại gần thằng mọi rợ đó hả? Còn chơi mấy đồ bẩn thỉu này nữa”.
Tôi nhìn mấy con dế bị dẫm thành một đống be bét, ấm ức nằm lăn ra đất ăn vạ: “Anh ấy không phải thằng mọi rợ, dế cũng không bẩn. Anh cả trả đây, trả dế cho em đây”.
Anh cả không thèm để tâm đến tôi, vứt kem, chạy lại đánh Trần Lịch Xuyên.
Kết quả là một tuần sau đó tôi không thèm nhìn anh ấy, anh cả không dỗ được tôi, cuối cùng lại bắt Trần Lịch Xuyên chạy ra sau nhà đào dế, mang ba con dế to tướng đến làm lành: “Cơm Nắm, đừng giận nữa. Anh cả bắt dế lại cho em này”.
Tôi thấy mấy con dế thì lòng đã mềm nhũn xuống rồi, nhưng vẫn giả vờ đáp: “Không cần”.
“Thôi mà đừng giận nữa, anh bỏ ba con dế này vào trong hộp cho Cơm Nắm chơi nhé. Buổi tối nó kêu cho Cơm Nắm nghe nữa”.
“Không cần”.
“Thế anh phải làm sao thì Cơm Nắm mới tha thứ?”.
Tôi quay lại nhìn anh cả, bắt anh ấy nói Trần Lịch Xuyên không phải đồ mọi rợ.
Anh cả đứng phắt dậy, nhất quyết không đồng ý, tôi vẫn lì lợm giận dỗi, cuối cùng nửa ngày sau cuối cùng anh cả phải chịu thua, không cam tâm hét to: “Thằng kh.ố.n đó không phải đồ mọi rợ, được chưa?”.
Tôi cầm hộp dế ném anh cả, sau đó cũng không thèm giận dỗi nữa…
Tôi say rượu, những ký ức mơ hồ vụt qua đại não, bỗng dưng lại có cảm giác những ngày ở quá khứ là những ngày tươi sáng nhất với tôi. Có anh cả chiều chuộng tôi, cha mẹ yêu thương tôi, Trần Lịch Xuyên cũng lặng lẽ đứng một góc nhìn tôi.
Nhưng hiện thực như bong bóng xà phòng, phút chốc đã tan vỡ, tôi nhớ đến bây giờ anh cả đang ở trong ngục tù liền khóc to: “Anh cả. Cơm Nắm không giận anh cả nữa, Cơm Nắm lấy dế. Anh cả mau mau về với em đi mà”.
Có người nào đó ôm lấy tôi, không nói gì hết, chỉ ôm thôi. Trên người anh ta có mùi nước xả vải trong lành, còn có cả mùi của rượu Vodka và sữa tắm, nhẹ nhàng êm dịu, cũng rất thơm.
Tôi vẫn lăn ra khóc, người ấy vẫn kiên trì ôm tôi. Một lúc rất lâu sau tôi mệt rồi, mới nghe giọng của anh ta nói: “Cơm Nắm, ngủ đi”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương