Làm Vợ Hai

Chương 4-5



Chương 4
Tôi khẽ giật mình, định giả vờ đến cùng nhưng cảm thấy làm vậy hơi ngu ngốc, Trần Lịch Xuyên đã hỏi thế nghĩa là nãy giờ tôi không qua mặt được anh ta, chẳng qua là lười vạch trần tôi mà thôi.
Mặt tôi nóng ran, hơi xấu hổ nói: “Chắc lạ giường nên không ngủ được. Nhưng chắc là tôi sẽ ngủ ngay bây giờ thôi”.
Anh ta cười nhạt: “Sợ tôi?”.
Tôi suy nghĩ một lát rồi cũng thừa nhận: “Ở chung phòng với người muốn hại cả gia đình mình, nói không sợ thì là nói dối”.
“Vậy tại sao em vẫn đồng ý làm vợ tôi?”. Anh ta quay đầu lại, khoanh tay tựa vào khung cửa nhìn tôi: “Biết rõ có lấy tôi thì tôi vẫn không tha cho gia đình em, biết đi theo tôi sẽ không tốt đẹp gì, sao vẫn đồng ý?”. Ngừng lại vài giây, anh ta lại nói: “Em có rất nhiều cơ hội để chạy trốn”.
Đúng là một người rất biết đi thẳng vào vấn đề, chỉ vài câu là đã chạm đến được tim đen của tôi.
Những điều anh ta nói tôi biết hết, tôi hiểu rõ anh ta chỉ cho bố tôi dự án xây dựng tòa nhà A, không hề hứa sẽ tha cho công ty của bố tôi. Nhưng có dự án thì cũng đồng nghĩa với việc bố tôi sẽ có thêm thời gian để tìm cách xoay sở, đặc biệt là tin tôi làm vợ hai của tổng giám đốc Vạn Thịnh truyền ra, ít nhiều gì cũng sẽ có ngân hàng chịu chấp nhận cho bố tôi vay vốn.
Cho nên dù biết lấy anh ta thì chỉ có thiệt chứ không có lãi, tôi vẫn chấp nhận. Tất cả những điều tôi làm chỉ vì một mục đích: Có thêm thời gian. Tôi hy vọng bố tôi bán tất cả tài sản đi thì vẫn đủ để đền bù cho người ta, như vậy, dù có tay trắng thì ông cũng không phải ngồi tù.
Nhưng tôi lại không thể nói ra điều ấy trước mặt Xuyên, cho nên tôi chỉ đáp: “Có những chuyện, không nhất thiết cứ phải chọn con đường dễ đi nhất. Tôi cũng như anh, không ngại phiền phức chọn đường khó đi”.
“Từng hối hận không?”.
Tất nhiên là có, có rất nhiều!
Nhưng tôi lại lựa chọn không đáp!
Mà Xuyên cũng chẳng chờ đợi câu trả lời của tôi, có lẽ khi tôi thoáng chần chừ thì anh ta đã hiểu rồi, nụ cười trên môi càng nhạt hơn: “Cho nên tôi khác em, ít nhất, tôi làm việc gì cũng không hối hận”.
Tôi hiểu rằng anh ta trả thù sẽ không hối hận, lại nói: “Ngày trước là gia đình tôi đối xử không tốt với anh”.
“Ừ”. Lưng anh ta tựa vào khung cửa sổ, ngược sáng, tôi không thấy được ánh mắt của anh ta, nhưng tôi có thể cảm nhận được ánh mắt ấy rét lạnh, giống như cơn mưa vào hai mươi năm trước: “Cho nên bố và anh trai em không xứng đáng được tha thứ”.
“Còn cách nào không?”. Tôi nhìn anh ta: “Có cách nào để chuộc lại lỗi lầm của gia đình tôi không?”.
Anh ta không cần nghĩ đã lạnh lùng đáp: “Không”.
Xuyên nói: “Trên đời này có những lỗi lầm sửa được, cũng có những sai lầm không sửa được. Nếu tìm ra cách để tha thứ, có lẽ tôi đã làm từ lâu rồi”.
Thực ra chính bản thân tôi cũng hiểu rất rõ, không có cách nào hay khoản tiền bù đắp nào có thể vơi đi nỗi đau mất cha mẹ của một người. Anh ta không tha thứ cho gia đình tôi là đúng, nhưng tôi lại chẳng thể cao thượng đến mức không oán giận người làm tổn thương gia đình mình.
Mối quan hệ hận thù – thù hận này, vốn định sẵn là một vòng luẩn quẩn, có đi dài lâu đến đâu rồi cũng trở về ngõ cụt, như con ngõ mà chúng tôi đang sinh sống này mà thôi.
Cuối cùng, tôi lặng lẽ nhắm mắt, thở dài một tiếng: “Tôi hiểu rồi”.
Không gian trong phòng nhanh chóng trở về vẻ yên tĩnh như cũ, người đàn ông kia không nói nữa, chỉ im lặng đứng ở đó nhìn tôi, rất lâu sau mới nghe được tiếng bước chân anh ta đi lại giường. Vẫn chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng lại mang dáng vẻ bình đạm như nước, có cảm giác sâu không dò được.
Dù đã nói cố gắng gì gì đó, nhưng khi anh ta đến gần tôi vẫn run bắn cả lên, muốn lùi lại, nhưng người đã nằm sát mép giường, chỉ cần nhích thêm vài centi nữa thôi thì tôi sẽ rơi thẳng xuống. Lúc ấy trốn chạy không được, nghênh đón cũng không xong, tôi không có cách nào, đành nằm im re như cá c.hế.t.
Không bao lâu sau thì đệm bên cạnh tôi hơi lún xuống, một mùi xà phòng sạch sẽ lan đến cánh mũi tôi, thơm thơm dìu dịu, nhưng tôi không có tâm tình nào để ngửi, chỉ thấy lồng ngực mình như bị ai khua chiêng đánh trống, tim đập to đến mức người đàn ông kia cũng nghe được.
Tôi không biết anh ta có buồn cười hay không, nhưng vài giây sau lại nghe được giọng nói trầm trầm kia vọng đến: “Em đang bị thương, tôi sẽ không làm gì em”. Anh ta đắp chăn lên, tiện tay đắp cả cho tôi: “Ngủ đi”.
Tôi nghĩ, mình ngủ được mới lạ đấy.
Tôi rất kinh ngạc, muốn quay lại nhìn xem gương mặt anh ta đang có biểu cảm gì, là nói chơi, là cười tôi, hay là lạnh lùng. Nhưng ban đêm căn phòng quá tối, tôi biết không thể nhìn rõ được nét mặt của người ấy nên đành thôi, cứ nằm im re như vậy với tâm trạng không dám tin.
Kết quả là anh ta đã làm đúng như lời mình nói, cả đêm ấy không đụng vào tôi. Chúng tôi mỗi người một góc giường, trải qua một đêm tân hôn kỳ lạ như thế.
Sáng ngày hôm sau tôi dậy rất sớm, nhưng Xuyên còn dậy sớm hơn. Anh ta đi dạo ở vườn hoa trong sân, cầm kéo cắt tỉa mấy cành gai chìa ra, còn tôi và thím Vân thì loay hoay nấu đồ ăn ở trong bếp.
Thím Vân thỉnh thoảng cứ liếc nhìn tôi rồi tủm ta tủm tỉm: “Tối qua thế nào? Hai đứa ngủ ngon chứ hả?”.
Tôi đỏ mặt đáp: “Vâng, ngủ ngon ạ”.
“Vợ chồng son, sáng nay dậy muộn một tý cũng được. Mới hơn 6 giờ mà đứa nào cũng dậy rồi”.
“Dậy sớm tốt cho sức khỏe mà”.
“Nhanh nhanh, kiếm lấy một thằng cu mới tốt”.
Tôi lại đỏ mặt lần hai, kỳ thực, đến giờ phút này tôi vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện sinh đẻ gì, đặc biệt là sinh con cho Xuyên. Mối quan hệ của chúng tôi có lẽ chỉ là hành hạ, giày vò và trả thù, còn sinh con, tôi nghĩ anh ta cũng sẽ không muốn đâu.
Hơn nữa anh ta có vợ rồi, có khi cũng đã có cả con rồi. Thím Vân có lẽ là người mới được thuê, còn Xuyên thì lâu nay vẫn ở miền nam, thím ấy không rõ nội tình cũng là chuyện dễ hiểu.
Tôi gượng cười lảng sang chuyện khác: “A, nước sôi rồi, cháu bỏ trứng vào nhé?”
“Ấy đừng, Xuyên nó chỉ thích ăn mình canh cà chua thôi, không bỏ trứng, đợi đấy thím múc ra một tô riêng rồi đập trứng vào cho cháu”.
“Thôi, cháu ăn mình cà chua với anh ấy cũng được, thím không cần phải đập trứng vào nữa đâu”.
“Như thế cháu có ăn được không?”.
“Cháu dễ nuôi mà”.
Bữa ăn sáng, ba người chúng tôi ngồi ăn cùng trên chiếc bàn gỗ cũ, thức ăn của tôi là bánh mì nướng, thịt hun khói và sữa, thức ăn của Xuyên chỉ là một tô canh cà chua.
Tôi nhìn anh ta yên lặng ăn, nghĩ mãi, nghĩ mãi mới chợt nhớ ra một câu chuyện của nhiều năm trước. Khi đó mỗi buổi sáng, trong nhà tôi sẽ thơm nức mùi thức ăn bay lên từ bếp, trên bàn ngập đồ ăn, nhiều đến mức tôi ăn đến phát ngán.
Mẹ tôi bắt tôi ăn một tô bún, nhưng tôi lười nên chỉ cầm một chiếc bánh bao rồi nhảy xuống ghế, chạy trốn xuống dãy nhà phía dưới. Lúc đi ngang qua gian chứa đồ thấy Xuyên đang ngồi xếp bằng ở dưới đất, trước mặt anh ta là một tấm gỗ được cắt ra từ mảnh thân cây không dùng nữa, kê lại thành bàn. Trên bàn có một quyển sách cũ nát chẳng biết xin của ai, bên cạnh còn có một tô canh cà chua loãng thếch để anh ta ăn sáng.
Tôi tò mò ló đầu vào hỏi: “Anh ăn gì thế?”.
Xuyên ngước lên nhìn tôi, nghĩ ngợi vài giây rồi lại cụp mắt, không nói.
Tôi chìa chiếc bánh bao ra, trao đổi với anh ta: “Em đổi bánh bao lấy canh của anh được không?”.
Anh ta lắc đầu: “Không”
“Sao thế?”
Anh ta lại không đáp. Tôi thì cứ bám riết ở trên khung cửa gỗ, léo nha léo nhéo năn nỉ: “Nhưng em thèm”.
Cuối cùng, có lẽ vì tôi lải nhải nhiều điếc tai nên anh ta đành phải cho tôi tô canh cà chua đó, cũng không lấy bánh bao của tôi, chỉ ôm bụng đói đi làm việc. Tôi ngồi ở trong gian chứa đồ, học theo anh ta ngồi xếp bằng đọc sách, ăn canh cà chua, dù không biết chữ nhưng tôi ra vẻ nghiêm túc học như thật, thậm chí canh cà chua kia nhạt thếch không có mùi vị gì, nhưng tôi vẫn giả vờ cảm thấy ngon. Sau đó tôi còn lén lút để bánh bao dưới quyển sách. Không phải vì tôi tốt với anh ta, mà vì tôi sợ mẹ thấy bánh bao chưa ăn sẽ mắng tôi.
Mãi đến bây giờ nghĩ lại mới hiểu, bữa sáng mà tôi vứt đi còn tốt hơn đồ ăn của anh ta gấp trăm lần, vậy mà đến cả bát canh cà chua chẳng có nổi một miếng trứng đó của Xuyên tôi cũng cướp mất. Tôi đúng là có Gen của cường hào ác bá mà!
Có người thấy tôi cứ nhìn mãi tô canh cà chua kia mới lên tiếng: “Muốn ăn không?”.
Tôi giật mình, vội vàng lắc đầu: “Tôi ăn bánh mì được rồi”.
“Ăn xong nhớ uống thuốc”.
“À…”. Anh ta không nhắc thì tôi cũng quên béng mất việc phải uống thuốc, đành gật đầu, nói “Vâng” một tiếng. Xuyên cũng không nói nữa, im lặng ăn canh cà chua.
Bữa sáng đầu tiên ‘ở nhà chồng’ cũng không đến nỗi nhạt nhẽo như tôi nghĩ, may mà có thím Vân thỉnh thoảng hay hỏi han chúng tôi mấy câu linh tinh nên không khí cũng đỡ ngượng ngùng. Nhưng tôi vẫn mang tâm trạng đề phòng nên thường không nhắc nhiều về bản thân, ai nói gì cũng chỉ ậm ừ thế thôi.
Lúc Xuyên chuẩn bị đi làm mới bảo tôi: “Thím Vân không biết chuyện giữa tôi và gia đình em, em cũng không cần đề phòng thím ấy. Ở nhà cần gì thì cứ nói với thím ấy một tiếng, thím ấy sẽ làm giúp em”.
“Tôi biết rồi”. Tôi cúi đầu, nghịch mấy cánh hoa hồng trong bình rồi đột nhiên hỏi: “Có quy định gì không? Chuyện từ nay tôi sẽ phải sống ra sao ấy?”.
Xuyên đang mặc áo vest, nghe thế thì động tác mới khựng lại. Anh ta quay lại nhìn tôi: “Em hy vọng tôi có quy định gì?”.
“Từ hôm qua đến giờ tôi không thấy anh nhắc gì đến việc gì nên làm, việc gì không. Anh cưới tôi về làm vợ hai, chắc là cũng không đến nỗi để tôi muốn làm gì cũng được chứ?”.
“Vậy em định làm gì?”
“Tôi muốn ra ngoài”.
Anh ta cười hỏi: “Về nhà?”.
Tôi mím môi, định nói “Phải”, nhưng thấy vẻ lạnh lùng trong nụ cười của anh ta, rút cuộc lại không mở miệng nữa.
Xuyên nói: “Bây giờ em là vợ tôi. Có thời gian thì ở nhà chăm sóc nhà cửa, bớt về nhà bố mẹ mình thì hơn”.
Trong lòng tôi thầm rủa, đúng là người đàn ông gia trưởng, nhưng nghĩ lại, anh ta có gia trưởng thì cũng là quyền của anh ta, tôi không được phép chống đối. Nhưng tôi vẫn cố chấp hỏi: “Thế tôi chỗ khác thì sao? Có được đi không?”.
Anh ta mặc xong áo vest, nhắc lại câu vừa nãy: “Ở nhà chăm sóc nhà cửa. Tôi muốn khi về nhà thấy em ở đây”.
“Đây là giam lỏng phải không?”. Tôi cười nhạt, vò nát cánh hoa hồng trên tay: “Bất cứ khi nào cũng phải có mặt ở nhà để anh thấy? Giống như động vật anh nuôi?”
“Em nghĩ sao cũng được”. Xuyên cầm chìa khóa xe, bước ra cửa, lúc vừa chạm đến tay nắm hình như anh ta nhớ ra chuyện gì mới quay đầu bảo tôi: “Ở nhà em muốn làm gì thì tùy, tôi không quản em. Nhưng tay đang bị thương, nên bớt hoạt động lại”.
Tôi quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, không thèm để ý đến anh ta nữa, Xuyên cũng chẳng thèm chấp kẻ không biết điều như tôi, sửa soạn xong thì đi ra ngoài. Khi anh ta ra đến phòng khách, tôi có nghe loáng thoáng tiếng Xuyên dặn thím Vân để ý đến tôi, không có chuyện gì thì không cần ra khỏi nhà.
Thực ra với tường này, ngôi nhà này, tôi bỏ trốn lúc nào cũng được, nhưng có lẽ cả anh ta và tôi đều hiểu, người thì có thể chạy đấy, nhưng công ty của bố tôi còn đó, anh ta bóp c.hế.t lúc nào cũng được. Thế thì tôi còn trốn thế nào đây?
Không, cửa rộng mở nhưng tôi không trốn được, chỉ có thể bị nhốt ở đây mà thôi.
Nghĩ đến việc từ giờ không còn tự do nữa, tâm trạng của tôi rất không tốt. Tôi không ra ngoài mà chỉ ngồi lì trong phòng, bực bội ngắt hết đám hoa hồng đáng thương trong bình, khi ngắt đến cánh cuối cùng thì điện thoại rung lên, là mẹ tôi gọi điện thoại đến.
Mẹ tôi nói sáng sớm nay bố đã ra ngoài để đi xử lý hợp đồng dự án tòa nhà A, chẳng biết nhận được dự án này thì ngân hàng có giải ngân vốn cho hay không, nhưng bà mong kết quả sẽ tốt. Sau đó mẹ hỏi tôi đêm qua thế nào, tôi cũng nói vẫn tốt.
Mẹ tôi ngập ngừng hồi lâu mới nói: “Hôm qua mẹ có bỏ một vỉ thuốc vào đáy va ly con, con tìm thấy không?”
Chắc mẹ tôi giấu kỹ nên tôi không thấy, tôi lắc đầu: “Hôm qua con dọn thì không thấy, mẹ bỏ thuốc gì mà không nói trước với con thế?”.
“Thuốc… tránh thai”. Giọng bà ở đầu dây bên kia mang dáng vẻ bất đắc dĩ, khẽ thở dài: “Khuê, bây giờ ở bên đó con đừng để mang bầu, biết không?”.
Chỉ có không có thai mới đỡ rắc rối về sau, mẹ vẫn muốn tôi rời bỏ người đàn ông kia, tôi hiểu.
Tôi gật đầu: “Vâng, con biết rồi”.
“Số con tôi khổ”. Mẹ tôi lại sụt sùi: “Thằng Xuyên nó cưới con nhưng cũng chẳng đăng ký gì, có con cái rồi khai sinh thế nào? Rồi nó đối xử với gia đình mình như thế, nhận nó là con rể sao được, nhận cháu sao được? Thôi, tạm thời con cứ cố gắng ở đó, sau này thời thế thay đổi rồi thì bỏ quách nó đi, tìm người khác tử tế hơn”.
Tôi mỉm cười, chẳng biết đáp ra sao nên chỉ cười thôi, còn mẹ tôi thì khóc mãi, hết khóc rồi lại nhắc đến chuyện tôi rời khỏi Xuyên, tôi cũng lười nghe nên lát sau cũng đành tìm cách cúp máy.
Nhưng không nói chuyện với gia đình, cả ngày chỉ quanh quẩn trong căn nhà xa lạ ấy tôi rất buồn, ra vườn ngắm hoa mãi cũng chán, tôi không biết làm gì cả, giống như một con chim trong lồng, ngày ngày nhìn thấy bầu trời bên ngoài nhưng lại không thể bay đi vậy.
Thím Vân thấy tôi buồn mới khuyên nhủ tôi: “Chắc là Xuyên nó đang giận gì đó nên mới không cho cháu ra khỏi nhà thôi. Đừng buồn. Vợ đẹp mà, đàn ông phải giữ chứ”.
Tôi nghĩ thím Vân không hiểu được chuyện của bọn tôi nên không giải thích, chỉ bảo: “Hay là thím dạy cháu nấu cơm đi. Cháu không biết nấu cơm, học vài món g.iế.t thời gian cũng được”.
“Nhưng tay cháu như thế thì nấu sao được? Thôi cứ đứng trong bếp nói chuyện với thím, tiện nhìn thím làm luôn. Được không?”
Tôi gật đầu: “Được ạ”.
“À mà đúng rồi, sáng giờ cháu đã uống thuốc chưa?”.
“Cháu định ăn cơm trưa xong mới uống ạ”.
“Nhớ uống đúng giờ đấy nhé, trời nóng dễ nhiễm trùng, phải uống thuốc đầy đủ vào đấy”.
“Vâng ạ”.
Túi thuốc Xuyên mua cho tôi rất to, bên trong cũng có rất nhiều loại, tôi lười nên chỉ tìm mấy vỉ thuốc kê trong đơn rồi bóc vỏ bỏ vào miệng uống. Thím Vân thì cứ chốc chốc lại nhắc tôi nhớ uống đúng loại, đến cả nước mắm cũng không cho tôi ăn.
Tôi hỏi tại sao, thím ấy cười bảo: “Người ta bảo ăn nước mắm sẽ lồi sẹo, hôm qua Xuyên nhắc thím đừng mua rau muống với đồ nếp, tự nhiên thím mới nhớ ra phải kiêng cả nước mắm nữa”.
Tôi ỉu xìu đáp: “Vâng, thế thì để cháu chấm tương ớt vậy”.
Ở nhà nên thời gian trôi qua rất chậm, mãi mới đến được buổi tối, nhưng tôi lại không hy vọng màn đêm xuống, bởi vì thím Vân nói buổi tối Xuyên sẽ về nhà.
Đúng 7 giờ có tiếng cửa cổng mở, anh ta lững thững đi bộ vào nhà, lúc ăn cơm cũng chẳng nói mấy lời với tôi.
Đêm thứ hai trôi qua yên bình, chúng tôi vẫn nằm chung giường nhưng không ai nói câu nào, mỗi người nằm riêng một phần giường, cứ thế thiếp đi.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt như thế.
Tôi nghĩ anh ta chờ đến khi vết thương trên tay tôi lành hẳn mới bắt đầu làm mấy chuyện ‘hành hạ trên giường’ gì gì đó, cho nên sau mấy hôm thấp thỏm, không thấy Xuyên có hành động gì nên tinh thần tôi cũng dần dần thả lỏng. Đêm thứ tư ở ngôi nhà xa lạ tôi đã ngủ ngon, thậm chí còn mơ đẹp đến mức nói sảng.
Tôi ấm ức gọi: “Anh bảo anh từ Pháp về vì em, sao gặp rồi lại không ôm em?”
“…”
“Quân, ôm em một cái”.
Chờ mãi, chờ mãi vẫn không được ôm, tôi lại co người lại như con tôm rồi ấm ức ngủ thiếp đi, ngày hôm sau tỉnh dậy đã thấy mình lăn ra giữa giường, người bên cạnh thì không thấy đâu.
Trong nhà chỉ có mình thím Vân đang loay hoay bày biện đồ ăn sáng, thấy tôi bước ra mới nói: “Mau lại ăn sáng nào, thím nấu xong cả rồi”.
Tôi nhìn quanh nhà, vẫn không thấy bóng dáng của người kia. Thím Vân biết tôi tìm ai nên bảo: “Sáng sớm nay Xuyên ra khỏi nhà rồi. Nó bảo vào miền nam. Chắc mấy hôm nữa mới về”.
Tôi “À” một tiếng, cũng không hỏi, chỉ có cảm giác gánh tạ trong lòng bất giác vơi đi một nửa.
Thím Vân nói Xuyên vào miền nam để giải quyết công việc, tôi cũng biết trụ sở tập đoàn của anh ta trong Sài Gòn, và quan trọng nhất là vợ cả của anh ta đang ở trong đó, anh ta ra Bắc cưới tôi rồi ở ngoài này tận một tuần, bây giờ phải về nhà chính là đúng rồi. Tôi còn hy vọng anh ta ở hẳn trong đó rồi sinh con đàn cháu đống với vợ cả nữa kia.
Nhưng liệu có ngày nào đó tôi bị đánh ghen không nhỉ?
Chỉ vì suy nghĩ bị đánh ghen này mà tôi thơ thẩn mãi cả ngày, đến tận chiều mới chợt nhớ ra mình có một người bạn cấp ba cũng ở trong miền nam. Trước thấy nó post ảnh chụp trước trụ sở tập đoàn Vạn Vạn gì đó, không rõ có phải là Vạn Thịnh hay không.
Tôi lần mò mở Facebook ra, vào nick nó tìm lại bức ảnh đó, thấy đúng là tập đoàn Vạn Thịnh. Mà người bạn kia dường như cũng có linh tính, ngay lúc đó cũng nhắn tin cho tôi:
“Hello người đẹp Nguyệt Khuê, khỏe chứ hả?”.
“Khỏe”. Tôi chat bằng một tay, hơi khó khăn rep: “Sao tự nhiên hôm nay rồng lại nhắn tin cho tôm thế?”.
“Thấy nick mày online nên tiện nhắn tin rủ đi cafe đây. Tao vừa mới về Hà Nội, nghe nói mày cũng về rồi, gặp nhau không?”.
Tôi không thể ra khỏi nhà, kỳ thực cũng thèm đi chơi với bạn bè, nhưng không đi được nên lòng cũng buồn bực: “Tao không đi được. Sao mày không phải đi làm à mà về giữa tuần thế này?”.
“Về cưới thằng em trai tao, mai đi luôn nên tranh thủ rủ bạn bè đi chơi đấy chứ. Gặp được mày khó thế”.
“Đợi lúc nào rảnh thì hẹn hò sau, giờ hẹn hò online cũng được mà”.
Nhung gửi một icon mặt cười: “Tiên sư, dạo này yêu đương thế nào?”
“Vẫn tốt, chưa có mảnh tình vắt vai”. Tôi cũng gửi icon mặt cười: “Mày thì sao?”.
“Mặc dù đã niềng răng để bớt hô nhưng vẫn chưa có con cá ngão nào dám tán. Tao mà đẹp như mày thì tao đã lấy chồng lâu rồi, sao còn ế đến bây giờ”.
“Ở trong đó không có ai đẹp trai hả? Mắt mù hết rồi hay sao mà không nhìn ra bạn Nhung của tao là bảo vật quý thế?”.
“Xùy”. Nhung gửi icon vẫy vẫy tay: “Trai đẹp thì có, nhưng mà có vợ hết rồi, làm gì ngó ngàng đến tao”.
“Anh nào đẹp trai nhất?”.
“Tổng giám đốc công ty tao”.
“Hơ hơ. Thế nào? Đẹp trai kiểu gì?”.
“Không có ảnh đâu. Chẳng mấy khi chụp. À hình như có một tấm chụp cùng lãnh đạo các phòng ban, để tao tìm xem”.
20 năm trôi qua, những gì tôi biết về Xuyên của hiện tại rất ít, cũng không muốn tìm hiểu về anh ta, nhưng mọi chuyện cứ như được sắp đặt đưa đến trước mặt tôi vậy.
Nhung tìm một lúc mới gửi cho tôi một bức ảnh, chắc lưu từ Facebook về nên hơi nhòe. Ở đó Xuyên đứng ở giữa, cao nổi bật, cũng đẹp trai nổi bật, bên cạnh anh ta có một người phụ nữ, trông cũng rất sắc sảo và rất xinh.
Bạn tôi nói: “Đứng ở giữa, thấy không? Đẹp trai không? Mẫu hình lý tưởng của con gái bọn tao đấy”.
“Ừ, cũng tạm”.
“Mà đen cái là có vợ rồi. Vợ lão đứng cạnh lão luôn đấy”.
Tôi khen một cách thật lòng: “Có phong thái của người phụ nữ tài giỏi”.
“Ừ, bố bà ấy là giáo sư thì chẳng giỏi. Bà ấy cũng là thạc sĩ kinh tế đấy. Đúng là đẹp với giỏi cả đôi có khác. Mẹ, nhưng tao nghĩ vẫn tiếc”.
“Tiếc gì?”.
“Tiếc đời trai của ông sếp, ngon như ông ấy lẽ ra phải cưới 10 vợ mới đúng. Tao tình nguyện ứng tuyển làm vợ thứ 10”.
Tôi bật cười, thực ra không những tôi mà bất cứ người phụ nữ nào cũng hiểu rất rõ, thời đại này không ai chấp nhận được người đàn ông của mình năm thê bảy thiếp cả, hai người ở bên nhau, điều kiện tiên quyết là phải yêu thương và chung thủy. Cả hai điều này, chúng tôi đều không có.
Nhưng vợ cả của Xuyên thì khác. Một người vừa giỏi giang vừa sắc sảo như chị ấy, tại sao lại chấp nhận chuyện chồng mình có vợ hai? Là chị ấy nhẫn nhịn vì yêu đến mức không từ bỏ được, hay là vì có nguyên nhân nào khác nữa mà người ngoài như tôi không thể nào biết?
Thôi, cứ đến đâu hay đến đó đi. Lúc nào bị đánh ghen hẵng hay!

Chương 5
Tự nhiên tìm được một người bạn nên mấy ngày sau đó tôi đỡ cảm thấy trống trải hơn rất nhiều, đêm cũng ngủ ngon hơn, chỉ là rất nhớ nhà, rất muốn ra ngoài nhìn thế giới xung quanh, nhưng vì không thể rời khỏi đó nên thỉnh thoảng tôi vẫn hay tủi thân, ngồi bên cửa sổ lén lút thở dài mãi.
Anh cả tôi gọi điện thoại đến, vẫn hỏi tôi có muốn bỏ trốn hay không, tôi thì chỉ cười đáp:
“Anh cả, vừa vừa phai phải thôi, em mới lấy chồng mà anh cứ bảo em bỏ trốn là thế nào. Em còn chưa được hưởng thụ hết nữa”.
“Ở đó thì hưởng thụ cái gì, thằng c.hó c.hế.t đó cưới em về để hành hạ em thì có”.
“Về sau anh đừng gọi thế nữa, anh ấy có tên”.
“Mặc kệ”. Anh cả vẫn hậm hực vì chuyện lần trước, nghiến răng mắng: “Nó cũng chỉ là thằng mọi rợ làm thuê, chẳng qua gặp may nên mới có ngày hôm nay”.
Tôi cũng cười tranh cãi, đành lảng sang chuyện khác: “Anh khỏe hẳn chưa? Còn bị đau ở đâu không?”.
“Không, đau gì mà đau. Mấy cái này nhằm nhò gì. Tay em thế nào rồi?”.
Tôi giơ bàn tay vẫn còn băng kín mít lên nhìn nhìn, sau đó mới nói: “Sắp khỏi rồi, hôm nay tròn bảy ngày, chắc em tháo băng tay được rồi”.
Đầu dây bên kia im lặng một lúc, rất lâu sau mới nghe một tiếng thở dài nặng nề của anh tôi: “Cơm Nắm, em đúng là đồ ngốc. Về sau đừng có làm chuyện ngu ngốc như thế nữa. Bị đau thì em thiệt, hiểu không?”.
“Nếu không, anh bảo em nhìn anh g.iế.t anh ấy à?’. Tôi cười, cảm thấy tôi không ngốc, mà anh cả mới ngốc: “Xong rồi nhìn anh ngồi tù?”.
“Anh ngồi tù cũng được”. Anh cả hét to.
“Đấy, thấy không, anh mới là làm chuyện ngu ngốc. G.iế.t người làm gì có chuyện chỉ phải ngồi tù, còn có thể bị t.ử h.ình đấy. Anh mà c.hế.t thì chị Nhu phải làm sao?”.
Chị Nhu là người anh cả tôi yêu nhất, mấy năm qua anh ấy phong lưu bên ngoài với cả đống người đẹp, nhưng đến khi gặp được chị Nhu thì anh trai tôi như kiểu gặp đúng khắc tinh của đời mình, bỏ cả rừng hoa để chung thủy với chị ấy.
Mỗi lần, tôi nhắc đến chị Nhu thì anh cả sẽ cười hì hì, nhưng lần này đầu dây bên kia lại rơi vào trầm mặc, anh cả mãi không đáp, đến khi tôi định hỏi mới nghe mấy chữ: “Chẳng liên quan gì đến cô ấy”.
“Hai người chia tay rồi à?”.
“Chia tay là chuyện bình thường, có sao đâu?”
“Mấy lần trước anh vẫn nói hai người đang yêu mà, còn định cuối năm nay cưới nữa, sao tự nhiên lại chia tay”.
Anh cả thở hắt ra một tiếng: “Thôi, mặc kệ đi. Cơm Nắm, nếu thằng đó đối xử không ra gì với em thì phải gọi anh cả ngay, biết chưa?”.
Tôi nghe giọng anh cả không vui, cũng không đào sâu chuyện chia tay của anh ấy nữa, chỉ đáp: “Em biết rồi. Anh cũng giữ gìn sức khỏe đấy”.
“Ừ, cúp đây”.
Ngắt máy xong, tôi định nhắn tin nói chuyện với chị Nhu, nhưng thấy nick chị ấy không online nên cũng thôi. Rảnh rỗi cũng chẳng có việc gì làm nên tôi bắc một chiếc ghế ra ngồi gần cửa sổ, loay hoay tự tháo băng tay. Da thịt tôi độc, mười ngày trôi qua rồi mà mấy vết khâu vẫn đang tấy, hình như còn đang lên da non nên có cảm giác ngưa ngứa. Nhưng được cái là bác sĩ khâu rất đẹp nên miệng vết thương khép rất vừa vặn.
Mỗi tội, hình như hôm trước bác sĩ không nhắc đến vấn đề cắt chỉ nên tôi cũng chẳng rõ có phải quay lại bệnh viện cắt hay không. Đành lôi tờ đơn thuốc ra, lấy số điện thoại trong đó gọi cho bác sĩ.
Có lẽ ông ấy rất có ấn tượng với tôi nên vừa nghe tôi miêu tả vết thương đã bảo: “À, cái cô mặc váy cưới đến bệnh viện đó hả?”.
Tôi cười: “Vâng ạ. Cháu gọi điện thoại cho chú để hỏi tay cháu có phải cắt chỉ không. Hôm trước chú dặn mà cháu quên mất”.
“Thế hả? Chỉ khâu hôm đó là chỉ tự tiêu, không phải cắt nhé. Mà hôm đó tôi có dặn mua thuốc liền sẹo không nhỉ?”.
“Không ạ”.
“Thường thì các vết thương chỗ khác không quan trọng thuốc liền sẹo lắm, nhưng tay thì khác, nên dùng thuốc liền sẹo để sau đỡ mất thẩm mỹ. Hôm nay là ngày thứ 10 rồi, chắc lên da non rồi chứ hả?”
“Vâng ạ, cháu thấy ngứa ngứa, chắc là đang lên da non rồi”.
“Thế thì bảo chồng đi mua thuốc liền sẹo cho nhé. Mua loại tốt nhất ấy, thoa vào cho nhanh liền lại”.
“Vâng, cháu cảm ơn bác sĩ ạ”.
Vị bác sĩ già kia đang bận nên chỉ ừ ừ mấy câu rồi cúp máy, tôi nhìn bàn tay mình lem nha lem nhem, cũng muốn mua thuốc liền sẹo nhưng không được ra ngoài, nhờ thím Vân thì thím ấy mắt kém, lại chỉ biết đi xe đạp, lách cách ra tận hiệu thuốc thì cũng tội.
Tôi định thử đặt hàng online, nhưng vừa đứng dậy thì tay lại vô tình gạt đổ túi thuốc. Một đống thuốc từ túi giấy rơi vương vãi xuống đất, tôi cúi xuống nhặt mới phát hiện trong đó có ba, bốn tuýp thuốc liền sẹo, mỗi loại là của một nước sản xuất, giá đắt đến giật mình. Hình như nó được nhét dưới đáy cuối cùng nên lâu nay tôi không để ý, mãi bây giờ đổ ra mới nhìn thấy.
Tôi nghĩ, đã rơi ra từ túi giấy này thì chắc hẳn là Xuyên mua cho tôi. Nhưng rõ ràng hôm đó bác sĩ không hề nhắc anh ta phải mua thuốc liền sẹo, tại sao anh ta lại biết để mua sẵn cho tôi được như vậy?
Nghĩ đến đây, tôi mới chợt nhớ ra đã tròn một tuần Xuyên vào miền nam, tức là cũng lâu lâu rồi nhưng anh ta không hề liên lạc với tôi, mà thậm chí tôi cũng chẳng hỏi bao giờ anh ta về, giờ tự nhiên nhìn thấy đống thuốc lỉnh kỉnh này mới biết lòng mình trống trải.
Nhưng chỉ vì vài tuýp thuốc mà nhung nhớ kẻ thù đã hại gia đình mình, thậm chí còn cảm kích vì hành động kia của anh ta, lẽ ra tôi không nên có cảm giác ấy mới đúng!
Tôi thở dài một tiếng, tìm một tuýp thuốc trông có vẻ dễ nhìn nhất rồi bóp ra, xoa đều lên tay, một cảm giác man mát trong lành từ từ thấm đều vào da, khiến tôi thấy rất dễ chịu, thích quá lại bóp thêm một ít, xoa đến mức lòng bàn tay bóng nhẫy, cuối cùng lại phải lấy khăn lau đi.
Đến buổi chiều, lúc nấu cơm thím Vân mới nhìn tay tôi hỏi: “Tay Khuê tháo băng rồi à?”.
“Vâng ạ. Sắp khỏi rồi thím ạ. Mấy hôm nữa cháu nấu cơm phụ thím được rồi”.
“Ôi tay đẹp thế này thì nấu cơm làm gì cho xấu ra, cứ để thím nấu là được rồi. Nhưng vẫn phải kiêng rau muống thêm một tháng nữa mới được ăn đấy”.
Tôi gật đầu: “Bao giờ thì anh Xuyên về hả thím?”.
“Hai đứa vẫn giận nhau à?”.
Tôi cười không nói, thím Vân cũng không hỏi thêm, chỉ bảo trước Xuyên dặn đi mấy ngày, cũng chẳng biết rõ là ngày nào, thím Vân còn bảo để chiều thím ấy gọi hỏi xem.
Tôi vội vàng xua tay: “Thôi, cháu tiện nên hỏi thế ấy mà. Anh ấy đi làm, bận công việc, lúc nào giải quyết xong về thì về”.
“Ừ”. Thím Vân thoăn thoắt nhặt rau, tiện miệng bảo tôi: “Vợ chồng trẻ, lại mới cưới, đừng cãi nhau nhiều, cái gì bỏ qua được thì bỏ qua. Đời được mấy nỗi đâu, yêu thương nhau nhiều lên”.
Tôi cười: “Vâng ạ”.
Buổi chiều, tôi thấy mấy khóm hoa hồng ngoài vườn đã nở đẹp cả rồi, tiện tay cầm kéo ra cắt vào cắm. Đang loay hoay thì nghe tiếng cổng sắt kêu kèn kẹt, quay đầu lại mới thấy Xuyên lững thững đi bộ từ ngoài vào.
Thấy anh ta, tôi cũng chẳng rõ lòng mình có cảm giác nặng nề hay là bớt trống trải, nhưng vì chuyện mấy tuýp thuốc mà tôi nghĩ mình không nên tỏ ra khó chịu nữa, ít nhất thì bây giờ ngoan ngoãn nghe lời anh ta mới là chuyện nên làm.
Thế nên tôi vẫn chủ động lên tiếng chào hỏi: “Anh về rồi à?”.
Xuyên liếc bàn tay đã tháo băng của tôi, hỏi: “Tay thế nào rồi?”.
“Sắp liền thịt rồi, tôi tháo băng cho đỡ nóng”.
Anh ta gật đầu, chậm rãi đi lại phía tôi: “Mấy bông hoa đó sắp rụng rồi, chọn bông chưa nở cắm vào bình, ngày mai nở là vừa”.
Đúng là từ nãy đến giờ tôi chỉ chọn mấy bông đã nở bung nở bét, cảm thấy hoa nở rồi mới là hoa đẹp nhất, nhưng Xuyên nói đúng, mấy bông còn chúm chím đem cắm vào bình thì ngày mai mới ngắm được.
Tôi “Ừ” một tiếng, lách qua hàng khác để chọn mấy nụ hồng, cắt xong, đến khi quay lại đã thấy Xuyên cầm lấy cành gai kéo sang một bên cho tôi.
Tôi cũng chẳng khách sáo, cầm bó hồng giơ cho anh ta xem: “Mấy bông này trông được không? Chọn bông đang còn nụ, nhưng phải cắm cả hoa nở rồi nữa mới đẹp”.
“Ừ”.
“Vườn hồng này trồng bao giờ vậy?”.
“Nửa tháng trước”.
“Anh thích hồng à?”. Thực ra trông nhà có nhiều loại hoa, từ thược dược, hoa giấy, hải đường, đồng tiền, nhưng tôi thấy vườn hồng này được chăm chút tỉ mỉ nhất, cuối tuần còn có người bên công ty dịch vụ cây xanh đến cắt tỉa và phun thuốc trừ sâu.
Xuyên dùng tay còn lại cầm lấy bó hồng giúp tôi: “Không. Lúc có ý định sửa nhà, bên công ty thiết kế tư vấn trồng hoa hồng nên tôi để họ trồng”.
“Cây nào mua về cũng có hoa sẵn hết?”.
“Ừ”. Anh ta cười, hỏi ngược lại tôi: “Em thích hoa hồng?”
Tôi lắc đầu, lách qua mấy bụi hồng lắm gai rồi đi vào sân: “Tôi thích tự do”.
Nét mặt của Trần Lịch Xuyên lập tức lạnh hẳn đi một nửa!
Nhưng anh ta không mắng tôi, cũng chẳng thẳng tay ném bó hoa hồng kia xuống đất, chỉ im lặng ôm theo bó hồng đó đi vào nhà. Lúc đến bậc thềm, Xuyên mới quay đầu lại bảo tôi:
“Vào nhà thay đồ đi, tối nay đến một bữa tiệc với tôi”.
“Loại tiệc thế nào?”. Tôi phủi phủi tay, cầm kéo đi ngay sau anh ta: “Tôi hỏi để biết đường mặc đồ cho phù hợp. Mỗi loại tiệc một kiểu đồ mà”.
“Em mặc gì cũng được, đừng quá hở hang là được”.
Tôi lại thầm mắng anh ta là đồ gia trưởng.
Tôi đưa cho thím Vân cắm hoa rồi vào nhà tắm rửa, thay một bộ váy dài quá gối, vừa đủ tiêu chí lịch sự, vừa sang trọng lại không hở hang, Xuyên nhìn thấy nhưng không nói gì, nhưng tôi biết, kiểu đàn ông cổ hủ như anh ta không nói nghĩa là đồng ý.
Nhưng một lát sau, chẳng biết anh ta lại nghĩ ra cái gì mà đột nhiên bảo: “Em còn đôi giày nào thấp hơn không?”.
Tôi nghĩ anh ta lại ngứa mắt chuyện tôi đi giày cao nên dù có giày bệt vẫn nói: “Không, va ly nhỏ, hôm tôi mang đồ đến thì chỉ có đôi này thôi. Nếu anh không thích thì lát nữa ra ngoài tôi mua đôi khác. Nhưng bình thường tôi đi giày 7cm quen rồi”.
Anh ta cũng không nói nữa, khẽ liếc qua đồng hồ đeo tay rồi nói: “Em không thích thì không cần đổi. Đi thôi”.
Căn nhà tôi ở nằm cuối ngõ, xe vào được nhưng không qua cổng được, Xuyên toàn phải gửi xe ở bãi đỗ bên ngoài rồi đi bộ về, hôm nay tôi đi giày cao gót, lẽo đẽo anh ta đi hết con ngõ dài, đến bãi đỗ xe.
Trong ngõ chẳng có mấy nhà, thế nên hai bên vệ đường bê tông đóng đầy rêu xanh. Tôi với anh ta lững thững một trước một sau im lặng cứ thế đi, cho đến khi tôi đạp trúng đám rêu đó, trượt chân liền kêu “Á” một tiếng.
Lúc ấy, tôi nghĩ kiểu gì mông tôi cũng xong rồi, ngã xuống kiểu gì cũng mình đầy thương tích, còn phải mất công về nhà thay váy. Nhưng đúng lúc sắp đập cả người xuống đất thì bỗng dưng có một cánh tay vững chãi đưa đến, vừa vặn kéo người tôi lại.
Tay của Xuyên rất rắn rỏi, động tác cũng vô cùng nhanh, chỉ trong một tích tắc đã luồn dưới eo tôi, mạnh mẽ vững vàng giữ cho tôi khỏi ngã. Lúc ấy, tôi ngay lập tức ngước lên nhìn anh ta, chẳng biết có phải do tư thế đứng quá gần hay không mà tôi thấy mặt Xuyên kề sát mặt mình, hơi thở nóng hổi của anh ta phả lên chóp mũi tôi. Chỉ trong một giây thôi, tôi có cảm giác ánh mắt anh ta như rực sáng.
Tim tôi cũng bất giác đập loạn lên, cuống quít đẩy anh ta rồi nói: “Cảm ơn”.
Ánh mắt Xuyên nhanh chóng trở về vẻ lạnh lùng như cũ, anh ta giúp tôi đứng thẳng, sau đó lùi về phía sau, cách tôi vài bước, khẽ hắng giọng hỏi: “Có sao không?”.
Mặt tôi vẫn đỏ bừng: “Không sao. Ở đây nhiều rêu, trơn quá”.
“Đường không mấy người đi nên nhiều rêu. Em đi vào giữa đường”.
Tôi gật đầu, nói tôi biết rồi!
Cũng may là tôi không trẹo chân, chật vật lê mãi mới ra đến được bãi đỗ xe, gót chân đau mới thấy đi giày thấp hơn 7cm thì có lẽ sẽ không đến mức này, nhưng tôi cũng lười thừa nhận cái tên gia trưởng kia nói đúng, chỉ im lặng theo Xuyên trèo lên xe.
Hơn 10 ngày trời mới được ra đến đường lớn, lúc này, nhìn người đi lại rộn ràng ở phố phường ngoài kia mà tôi có cảm giác như mình vừa từ thế giới khác bước ra vậy. Tôi khao khát được như họ, lại cũng mong chờ được hòa vào họ, có được chút tự do ít ỏi ở ngoài kia.
Tôi hỏi Xuyên: “Tiệc có xa chỗ này không?”.
Anh ta lạnh nhạt đáp: “Không xa lắm”.
“Uống rượu, sao không gọi lái xe?”. Tôi nghĩ với địa vị của anh ta, lẽ ra đi đâu phải có kẻ đưa người rước mới đúng, nhưng từ lúc gặp gỡ đến giờ mới thấy người đàn ông này sinh hoạt khá đơn giản. Tự gửi xe ở bãi đỗ rồi đi bộ vào nhà, ăn sáng cũng chỉ có một bát canh cà chua.
Xuyên khẽ liếc tôi: “Lái xe đang ngồi bên cạnh tôi đấy thôi”.
“Anh không sợ tôi lao vào đâu đó hại c.hế.t anh à?”.
“Thế thì em cũng đâu thoát được?”.
“Tôi nhảy xuống trước”.
Nụ cười trên môi anh ta càng sâu hơn: “Thế giới thật không như trong phim đâu. Ch.ế.t rồi sẽ không sống lại được. Em có mấy cái mạng?”.
Tôi cúi đầu, nghĩ kỹ mới đúng là mình chỉ có một cái mạng. Tôi sẽ không mạo hiểm và ngu ngốc đến mức đ.âm vào thứ gì đó hại c.hế.t anh ta, cũng như hại c.hế.t bản thân tôi. Về điểm này, đúng là chỉ có người thâm sâu như anh ta mới nhìn thấu.
Tôi ngẩng lên nói: “Thế nên anh bảo tôi đi tiệc là bảo tôi làm tài xế cho anh à?”.
Xuyên nói: “Phải”.
Trái tim tôi khẽ thở phào một tiếng. Dù sao mục đích như vậy cũng chấp nhận được, cũng chỉ là làm tài xế thôi.
Nhưng khi đến buổi tiệc xa hoa thì tôi mới biết mình đã nhầm, người đàn ông kia làm gì có chuyện để tôi sống dễ dàng như thế?
Khi tôi và anh ta bước vào sảnh, mấy người đàn ông bệ vệ nhận ra anh ta nên bước đến, tay bắt mặt mừng chào hỏi. Tôi thấp thoáng thấy có một bóng người quen quen, nhìn kỹ mới thấy đó là Quân. Bên cạnh anh ấy còn có một cô gái nữa, là một bạn nữ trong hội đồng hương ở Pháp của tôi.
Bọn họ cũng đi đến trước mặt tôi, còn chưa lại gần, cô bạn kia đã nói: “Ồ, ai đây nhỉ? Con gái của công ty Nam Tiến, người mới bị bán làm vợ hai phải không?”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương