Tình Trong Tim

Chương 1.2



Khẽ cười với người phụ nữ, Ngọc Hà cẩn trọng lấy nước và khăn sạch, giúp cô ấy rửa vết thương ngoài da. Trên mặt và tay có khá nhiều vết thương, hầu hết máu đã khô, có lẽ cô ấy đã bị thương trên đường tị nạn. Trên váy người phụ nữ dính rất nhiều máu, có vết đã khô thì thâm sì lại. Không biết trên người cô ấy còn những vết thương nào nữa, nhưng có lẽ nên để bác sĩ đến kiểm tra thì tốt hơn. Cô chỉ có thể xử lý những vết thương ngoài da và trấn an cô ấy trong khi chờ đợi bác sĩ Stephanie.
Cô rất cẩn thận. Mỗi lần người phụ nữ run lên tim Ngọc Hà như thắt lại, không biết có phải cô rửa quá mạnh tay hay do thuốc sát trùng làm vết thương bị xót.

Nửa tháng qua, cô đã học cách chăm sóc vết thương ngoài da cho những người tị nạn. Nhân viên y tế không đủ, họ cần đội tình nguyện hỗ trợ. Lúc đầu thật sự rất khó khăn, nhưng hằng ngày quá nhiều người bị thương được đưa đến.

Cô không có sự lựa chọn, chỉ có thể vừa học vừa thực hành. Bàn tay cầm bút chì, cọ vẽ nào giờ đã lấm lem vết máu và toàn mùi thuốc sát trùng. Da tay vốn mềm mại bởi thể cũng trở nên khô nứt. Dù không thể ngay lập tức thành thạo, nhưng sơ cứu cơ bản Ngọc Hà có thể làm được.

Khi bác sĩ Stephanie đến thì Ngọc Hà cũng sơ cứu xong những vết thương trên người người phụ nữ và tìm cho cô ấy một bộ đồ tử tế để có thể thay. Khẽ liếc nhìn bộ đồ màu xám tro trên đầu giường, bác sĩ Stephanie gật gật đầu với Hà ý như muốn nói để cô ấy tiếp nhận bệnh nhân.

Ngọc Hà đứng ở bên cạnh, nhìn chằm chằm vào những vết thương trên người người phụ nữ đang được bác sĩ sơ cứu không nhịn được khẽ thốt lên, “Đáng sợ quá!”

Bác sĩ Stephanie khẽ liếc nhìn cô, ánh nhìn phức tạp, “Chỉ là một phần của chiến tranh thôi, chắc em đã rất sợ hãi?”

Ngọc Hà khẽ gật gật đầu.

Bên tai lúc nào cũng nghe thấy tiếng súng đạn, bom nổ bảo làm sao không lo sợ? Dù là ở rất xa nhưng diễn biến quá phức tạp, chưa biết lúc nào pháo bay đạn lạc. Một người bình thường, lại sống trong một đất nước hòa bình như cô nói không sợ hãi là bốc phét.

“Khốn nạn.”

Bác sĩ Stephanie khẽ rít lên chửi thề, đôi mắt xanh đã ánh lên tia căm phẫn.

Ngọc Hà xáp lại gần cô ấy, người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh chợt nhăn mặt, chắc hẳn cô ấy rất sợ hãi và đau đớn. Ngọc Hà vỗ nhẹ lên vai cô ấy tựa như muốn trấn an, lại quay sang nhìn bác sĩ. Khuôn mặt bác sĩ Stephanie rất không ổn.

“Chúng rạch â.m hộ của cô ấy.”

Giọng bác sĩ đầy phẫn nộ, cô ấy ngồi thừ trên ghế sau khi kéo váy lại cho người phụ nữ kia.

Người phụ nữ nhìn biểu biểu của họ, dường như hiểu những lời bác sĩ nói thì đưa tay lên bưng mặt, tiếng khóc rấm rứt khiến lòng người quặn thắt. Ngọc Hà khẽ cắn chặt môi để ngăn dòng nước mắt, nhưng không kịp nữa, cô vội quay mặt đi rồi đưa tay gạt vội nước mắt đã rịn ra, hai hốc mắt cứ thế cay xè.

Hàng ngày đều có người bị thương, nhưng chuyện xảy ra với người này thật sự ngoài sức tưởng tượng của cô.

“Chúng không chỉ cưỡ.ng bứ.c mà còn hành hung họ một cách tàn bạo, vài tuần trước đã có người bị bạo hành, khi đó em chưa tới đây… chúng nhét đá dăm vào â.m đạo… khi được đưa tới cô ấy đã tắt thở.”

Giọng nói của bác sĩ chợt nghẹn lại. Đôi mắt xanh ngân ngấn nước.

Stephanie rời khỏi ghế, dường như đang cố xốc lại tinh thần, tiếp tục kiểm tra cho người phụ nữ. Cô ấy là một bác sĩ, người phụ nữ kia cần được thăm khám. Không chỉ có mình cô ấy, ở ngoài kia còn rất nhiều người đang đợi được cứu giúp.

Không có nhiều thời gian cho họ bày tỏ sự thương xót của mình, nước mắt cũng chỉ có thể nuốt ngược vào trong. Nhiệm vụ của họ là cứu chữa, giúp giữ lại mạng sống cho những con người khốn khổ ấy.

Một sự căm phẫn dâng lên trong lòng Ngọc Hà, những kẻ đó phải trả giá, quá tàn bạo. Cô đã không thể tưởng tượng ra được trên thế giới vẫn còn những hành động dã man như vậy diễn ra, vẫn còn những con người đang ngày đêm phải hứng chịu chúng mà không ai giúp đỡ họ.

Sau khi xử lý vết thương vùng kín, họ giúp cô ấy thay đồ, bác sĩ Stephanie tiêm thuốc an thần, vì cô ấy đã ngủ nên hai người rời đi.

“Bác sĩ, bên này cần chị.”

Giọng của một nhân viên y tế cắt ngang câu chuyện của hai người, cô ấy đang cần sự giúp đỡ của bác sĩ.

“Không đi cùng em nữa, chị qua bên đó một chút.”

Nói rồi, bác sĩ Stephanie tạm biệt Ngọc Hà, rẽ sang một hướng khác khi hai người đang trên đường rời khỏi căn lều mà người phụ nữ vừa được chữa trị đang nằm.

Đứng giữa khu cứu chữa của tổ chức MSF, người bị thương nằm co quắp trên lán trại. Tai Ngọc Hà như ù đi vì tiếng rên la đau đớn của họ, trước mắt cô là một phần thảm cảnh hậu quả của cuộc nội chiến ở đất nước láng giềng, không biết ở những nơi khác trên thế giới cũng có những cuộc xung đột vũ trang thì người dân thường sẽ thế nào? Thật sự là quá đáng sợ rồi, cô không dám nghĩ tiếp nữa.

*Bạn đang đọc truyện được viết bởi Bodhi, chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Đêm đến, nền nhiệt có phần giảm bớt, chỉ là bớt đi một chút ánh nắng mặt trời gay gắt. Ngọc Hà cẩn thận cởi bỏ khăn trùm đầu, cô cần dùng nó để tránh nắng, tất cả mọi người ở đây đều dùng thứ đó. Ban ngày rất nóng, so với nhiệt độ những ngày nóng nhất ở Việt Nam cũng không thể bằng một phần của châu lục này. Giữa trưa, nhiệt độ có thể lên tới hơn năm mươi độ C, nước trong thùng dự trữ nóng đến độ có thể luộc chín trứng gà. Lúc mới sang đây, Ngọc Hà thật sự đã bị sốc nhiệt đến suýt ngất đi mấy lần. Thật may Huy đã cảnh báo cô trước, vì vậy mà Hà đã mang theo quần áo dày và dài để chống nóng.

Nhắc mới nhớ, từ sau khi chia tay nhau ở chỗ người phụ nữ kia lúc chiều cô đã không thấy mặt anh ta, có lẽ đã đi săn tin rồi.

Ở nơi này, tình nguyện viên người châu Á chỉ có mình Ngọc Hà. Cô cẩn thận nhón chân đi thật khẽ để không đánh thức những người khác, họ đã đi ngủ từ rất sớm, sau bữa ăn tối ở lán tập trung họ gần như đã thấm mệt vì một ngày toàn má.u me và tiếng kêu la thảm thiết cũng điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nơi này.
Chỉ có mình cô không đành lòng nên cứ nấn ná ở gần khu khám chữa tập trung hỗ trợ nhân viên y tế.

Trút bỏ bộ quần áo vừa dày vừa nóng xuống, Ngọc Hà tắm táp qua loa rồi mặc bộ đồ mát mẻ hơn, ban đêm trời không có nắng nên không cần mặc quần áo quá dài. Nơi này nước ngọt cũng khan hiếm vì vậy mọi người chỉ có thể gọi là “đi qua hàng nước” chứ không được tắm táp thoải mái. Nước ngọt ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt ăn uống cũng như cứu chữa người bị thương.

“Ôi trời, hết rồi.”

Ngọc Hà khẽ kêu lên, vỏ lọ kem dưỡng ẩm bị vứt trên mặt bàn đầy ghẻ lạnh, những giọt kem cuối cùng đã hết. Cô xót xa nhìn vào từng lớp da bị cháy nắng đến tróc ra cả mảng mà đau hết cả lòng.

Bao công gìn giữ vậy mà… nếu cô dám mở miệng kêu than chắc chắn sẽ bị Hạ Vi chửi ba ngày ba đêm không thương tiếc và nếu bà Linh mẹ cô biết chuyện cô bỏ nơi hòa bình yên ấm đến nơi bom rơi đạn lạc này chắc chắn mẹ sẽ đột quỵ mất thôi.

Qua ánh sáng le lói từ ngọn đèn dầu, từng trang giấy được lật mở, những nét phác họa vội hình ảnh bi thương của nơi này hiện lên trên từng trang giấy trắng, mỗi ngày Ngọc Hà đều mang theo cuốn sổ ký họa bên người trong chiếc túi canvas đeo chéo cũ kỹ của mình.

Cả những hình ảnh trên chiếc điện thoại xịn nhưng ở nơi này ngoài công dụng để chụp ảnh và nghe nhạc ra thì chẳng còn tác dụng gì cả, không thể gọi điện, cũng chẳng thể sử dụng internet. Ở nơi này điện và hệ thống mạng wifi bị hạn chế, nơi duy nhất có thể sử dụng là khu trung tâm lúc trưa cô đến để gọi điện về nước.

Cô muốn lưu giữ lại tất cả, hi vọng một ngày nào đó qua những bức họa của mình có thể cho thế giới thấy được mặt trái của chiến tranh, kêu gọi một sự bình đẳng, quyền con người cho những người dân tộc thiểu số như ở Tigar và các đất nước khác đang bị xâm phạm và tước đoạt trên thế giới.

Điện thoại chợt phụt tắt, hết pin. Ngọc Hà đành quẳng nó vào balo, ở đây không có điện, có lẽ phải đợi đến mai mới có thể tới khu trung tâm để sạc nhờ, nếu rảnh.

Thường thì ở nơi này cô chưa rảnh một chút nào, người bị thương được mang đến nườm nượp, nửa tháng mới có một lúc tranh thủ buổi trưa để gọi điện về nước, có lẽ giờ cô phải đi ngủ sớm, mai e rằng sẽ là một ngày dài nhưng…

Những ngón tay thon dài giờ đã chai sần, khô khốc vì cồn, thuốc sát trùng chợt dừng lại trên một trang giấy, hình ảnh đứa bé bị mất đi đôi bàn tay đang còn quấn băng trắng giơ lên nhận lấy chai nước lọc từ nữ bác sĩ người da trắng, đôi mắt xanh hiền hòa nhìn vào đứa trẻ như chứa đựng đầy tình thương cảm dành cho đồng loại. Khuôn miệng đứa trẻ da màu nở một nụ cười thật tươi, nụ cười giữa hoàn cảnh khắc nghiệt giống như một mầm cây non mọc lên giữa sa mạc hoang vu. Như muốn xoa dịu đi sự đau đớn, bất lực đang cào xé con tim của họ, những người đang làm nhiệm vụ nhân đạo.

Hình ảnh chứa đầy tính nhân văn, mang hơi ấm tình thương giữa những con người với con người đã vượt ra khỏi biên giới, xóa bỏ ranh giới vô hình giữa người da trắng và da màu. Một hình ảnh đẹp khiến Ngọc Hà không ít lần rơi nước mắt mỗi khi lật lại. Giá như, tất cả đều có lòng trắc ẩn, dù chỉ một chút thôi có lẽ tất cả đã được sống trong hòa bình.

Ngày hôm sau, ở một nơi khác.

Năm giờ ba mươi chiều, Nam Sudan, Đông Phi. Trên cánh đồng khô cằn dù đã cuối ngày, nhưng mặt trời đỏ au vẫn rực rỡ.

Dưới ảo ảnh và sức nóng của mặt trời phủ lên mảnh đất khô rang không nhìn thấy mầm xanh của sự sống, thấp thoáng thấy bóng mũ nồi xanh và từng tốp người dân bản địa lúi húi cuốc xới đám đất cát khô cằn trắng xóa ấy.

“Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh…”

Ca từ thân thương quen thuộc với những chiến sĩ rời xa quê nhà làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, được cất lên từ chất giọng lơ lớ của người dân bản địa ở một châu lục xa xôi cách Việt Nam gần mười nghìn kilomet.

Như thường lệ, sau giờ làm việc những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam thuộc phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc lại cùng người dân bản địa vừa cuốc đất trồng rau vừa ca hát rộn ràng.

Vùng đất khô cằn ở miền đông Châu Phi quanh năm hạn hán, rau màu khó có thể sống sót, vậy mà có một loại rau được các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam mang tới lại có thể phát triển mạnh mẽ đến vậy. Rau muống.

Ở đất nước này, rau muống gần như được coi là một loại đặc sản.
Người dân nơi đây rất thích nó, cũng như có tình cảm đặc biệt với các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Họ đang cuốc đất trồng thêm các loại rau khác, đợt vừa rồi mới được gửi sang, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chia đều cho người dân khu lân cận và cả các đơn vị bạn.

Mấy hôm trước, bên phái bộ Ghana còn trực tiếp sang xin giống cây rau muống mang về gieo trồng, lý do rất đơn giản “Rau muống xào tỏi của nước bạn ngon quá!”

“Kỳ này về nước, các anh lại gửi sang thêm một ít hạt giống nữa nhé.”

Một nhân viên trong phái bộ tay quệt mồ hôi ngang trán, nheo nheo mắt nhìn người đàn ông rắn rỏi đang hì hục cuốc đất nói.

“Ừ, mà cậu có thể thông báo về nước nhờ người bên đó gửi sang luôn, sao phải mất công chờ đợi?”

Anh dừng lại, chống tay lên cán cuốc nheo nheo mắt nói với cậu ta. Mồ hôi từ trên trán chảy dọc thái dương xuống cằm rồi xuống cổ, biến mất sau cổ áo may ô vốn màu trắng nay đã ngả sang màu cháo lòng.

Nghe hai người trao đổi với nhau bằng tiếng Việt, cậu bé người bản địa mắt to tròn, tóc ngắn loăn quăn xoăn tít bện lại với nhau, làn da đen nhánh đặc trưng của người dân châu lục Đen đứng im đó ngước mắt lắng nghe, dù không hiểu gì.

Anh khẽ đưa mắt nhìn cậu bé, rồi nở một nụ cười thân thiện:

“we will return to our homeland” (chúng tôi sẽ trở về quê hương của mình)

Cậu bé nheo nheo mắt, nghiêng đầu hỏi anh:

“Will you come back?” (anh sẽ trở lại chứ?)

Nguyên liền đáp lại, “Yeah, maybe” (ừ, có thể) đôi mắt hiền từ nhìn thẳng vào đứa trẻ, khóe miệng anh đã đẩy cao nở thành nụ cười thân thiện rồi đưa bàn tay lớn với những vết chai sần khẽ xoa xoa xoa đầu đứa trẻ.

Cậu bé nhoẻn miệng cười thật tươi, khẽ gật đầu rồi chạy đi.

“Hồi mới sang em không thích nơi này lắm, Nóng chết đi được.”
Cậu thượng úy vừa đảo mắt nhìn quanh vừa nói, tay quệt ngang mồ hôi đã đầm đìa trên trán. Thật sự thì nơi này ngoài nắng với đất khô, cát trắng còn bị nắng nóng rang vàng ra thì chẳng có thứ gì khiến người ta lưu luyến. À không, còn cả cái đói nghèo, dịch bệnh.

“Rồi?”

“Rồi quen luôn, người dân rất thân thiện, ở riết thành quen ấy anh.”

Anh khẽ phì cười nhìn khuôn mặt rạng rỡ của cậu ta.

Nguyên đưa mắt nhìn xa xăm. Anh tới nơi này ngót ghét gần hai năm, đi theo lệnh điều động của Bộ quốc phòng làm đội trưởng Bộ binh bảo vệ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Thời gian không dài nhưng đủ để quen với cái nắng nóng, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất ở vùng đất khô cằn này. Mới đó đã sắp hết thời hạn điều động.

Nam Sudan là một đất nước mới thành lập, tình hình xã hội còn nhiều bất cập. Các lực lượng nổi dậy cũng như thành phần khủng bố luôn lăm le gây ra những vụ xun.g đột v.ũ trang, vì vậy Liên hợp quốc đã cử đi phái bộ gìn giữ hòa bình các nước đóng tại đây để có thể giúp đỡ và hỗ trợ bảo vệ hòa bình cũng như giúp đỡ người dân an cư lập nghiệp.

Ngoài Việt Nam, còn có các đơn vị thuộc các quốc gia khác tham gia.
Nhắc đến Việt Nam, nhắc đến bộ đội Cụ Hồ, trong mắt người dân ở đất nước này đều ánh lên một sự tôn trọng và kính nể. Những đứa trẻ thấy xe chở lực lượng gìn giữ hòa bình nếu gắn cờ đỏ sao vàng sẽ liền chạy theo vẫy tay chào đón họ.

Trong nhà ăn của đơn vị, trên bàn chỉ huy có năm người, vừa dùng bữa tối vừa nói về chuyện chiến sự bên kia biên giới. Thời tiết vẫn nóng nực vô cùng, chiếc quạt điện cần mẫn quay từng vòng trên trần nhà nhưng chẳng thấm vào đâu, mồ hôi vẫn đầm đìa trên trán, ướt lưng áo họ.

“Nghe nói tình hình chiến sự ở Tigar ngày một diễn biến phức tạp. Chính phủ đã cắt toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc với thế giới, mạng lưới internet đã bị vô hiệu hóa.”

Chỉ huy Trưởng vừa gắp đồ ăn vừa nói, cả phòng ăn tiếng đũa chạm vào nhau phát ra tiếng kêu lách cách. Ở một số bàn ăn khác, các chiến sĩ đã dùng xong bữa tối và rời đi, ngoài hành lang còn nghe văng vẳng tiếng người chuyện trò tếu táo.

Hải Triều, cấp dưới của Nguyên lên tiếng, “Nghe nói ở khu vực biên giới với Sudan người dân tị nạn đã vượt qua con số năm mươi nghìn, theo anh thì bao lâu nữa sẽ bùng nổ?”

“Bắn gi.ết vô tội vạ, cứ cái đà này thì sẽ nhanh thôi.” Chỉ huy Trưởng cảm khái lên tiếng.

“Chỉ khổ dân thường.” Nguyên khẽ cảm thán.

“Các cậu lần này về nghỉ ngơi xả hơi, sang năm lại sang tiếp chứ?”

Chỉ huy nửa đùa nửa thật hỏi, tay đã với sang gắp lấy vài cọng rau muống xào tỏi bỏ vào bát, ánh mắt nhìn hai người đầy ý cười.

“Nếu bị ghét thì dễ bị đày đi lại lắm.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương