Tình Trong Tim

Chương 2



Hải Triều buột miệng nói, nghe có vẻ giống đang bất bình nhưng thực chất lời cậu ta chỉ mang chủ đích đùa cho vui.

Nguyên khẽ cau mày đáp:

“Chỉ mình cậu có ông bố đẻ mà như con rơi vậy thôi, có đày thì mình cậu miễn cưỡng. Chúng tôi là tự nguyện.”

Dứt lời, anh khẽ nhún vai, trong đáy mắt đã hiện lên tia đùa cợt.

Cả phòng ăn nghe thấy thế thì phá lên cười cợt trêu đùa cậu ta. Họ không rõ chuyện mà hai người nói lắm nhưng được biết Hải Triều là con trai của một vị tướng nào đó trong quân đội, nổi tiếng là giỏi đày ải và trù dập con trai ruột hơn con rơi khiến anh ta không ngóc đầu lên được. Nếu là người khác, khi nhắc đến ông bố có chức sắc của mình thì sẽ ưỡn ngực từ hào, nhưng Hải Triều là trường hợp đặc biệt. Anh ta luôn luôn giấu nhẹm đi hoặc tránh phải nhắc tới. Con ông cháu cha thì làm sao chứ? Chỉ được cái tiếng, hơn hai chục năm nay Triều chưa từng được mở mặt ngày nào vì vị phụ huynh chiến công hiển hách này.

Sau bữa tối, tất cả đều rời khỏi phòng ăn của đơn vị chẳng mấy chốc nơi này đã vắng tanh. Qua nhà tắm tập thể, Nguyên tắm vội rồi thay đồ trở lại, nước ngọt ở vùng đất này là một loại tài nguyên hiếm có, còn quý hơn vàng. Mỗi thành viên được cấp đâu đó chưa đến tám lít nước mỗi ngày, nước tắm rồi cũng phải giữ lại để giặt đồ hoặc tưới rau. Vì vậy đừng hỏi tại sao tất cả đồ màu trắng sau một thời gian đều đổi sang một thứ màu ngà ngà bẩn bẩn.

Nguyên đi đi lại lại trước khoảng sân rộng trong khuôn viên của đội, anh khẽ ngửa đầu nhìn lên bầu trời đêm nơi từng ngôi sao sáng đang lấp lánh treo trên đó.

Bầu trời đêm thật bình yên, nhưng đâu đó trên mặt đất đang xảy ra chiến loạn, con người nơi đó đang phải từng giây, từng phút giành giật sự sống với tử thần. Nghĩ tới mà xót lòng.

“Anh làm gì ở đây thế? Định đứng đó nuôi muỗi hả?”

Giọng Hải Triều ở phía sau dội đến kéo Nguyên về thực tại, trong âm vực xem lẫn ý trêu đùa. Muỗi ở đây thật sự rất to, so với quê nhà chắc phải gấp đôi, gấp rưỡi, mà chúng đốt lúc nào chẳng hay, khi phát hiện thì đã no một bụng máu, còn nặng nề chẳng muốn bay đi.

Anh khẽ nghiêng đầu liếc nhìn cậu ta đi tới. Bóng Hải Triều ngày một tiến lại gần, hòa vào cùng bóng anh khi cậu ta đứng ngang hàng với Nguyên.
Hải Triều tự nhiên quay sang hỏi:

“Anh có đang nghĩ giống em không?”

Nguyên bật cười, ánh nhìn đầy tia giễu cợt. Thật muốn bảo Triều rằng cậu nghĩ tôi ngồi trong đầu cậu ta chắc mà biết được mình đang nghĩ gì?

Triều khẽ phì cười theo, rõ ràng không nói ra nhưng trên khuôn mặt anh đã thể hiện rõ điều đó hết cả lên rồi.

“Nếu được tới Tigar, em sẽ nã súng vào đầu bọn phiến quân, và cái cái bọn ức hiếp dân thường nữa. Ở đó giờ không khác nào một cuộc diệt chủng, chúng muốn xóa sổ hết
những người dân tộc thiểu số Tigar.”

Hải Triều căm phẫn lên tiếng, dòng máu quân nhân trong anh như đang sôi sục, ánh mắt kiên định nhìn về phía Đông nơi chiến sự đang nổ ra. Dường như bất kỳ người quân nhân nào cũng đều sẽ có cùng tâm trạng như Hải Triều lúc này. Những người mang sứ mệnh bảo vệ, chỉ cần ở đâu thấy áp bức, họ đều sẽ bật chế độ sẵn sàng.

Nhưng Ethiti không cho các tổ chức nhân đạo quốc tế can thiệp vào đất nước của họ, Liên Hợp Quốc đã nhiều lần gửi yêu cầu hợp tác nhưng đều bị người cầm quyền của đất nước này chối bỏ. Việc quân đội của bất kỳ quốc gia nào tham chiến đều có nghĩa là họ đang vi phạm luật quốc tế về chủ quyền lãnh thổ nếu như nhà nước đó không yêu cầu viện trợ quân sự.

Họ chỉ có thể cầu nguyện cho người dân nơi đây, ở một nơi xa hàng ngày lắng nghe tình hình chiến sự như hiện tại.

“Sau khi trở về nước đầu tiên anh sẽ làm gì?”

Triều khẽ vươn vai vặn mình, miệng hỏi Nguyên.

Anh thản nhiên trả lời:

“Đến tổng bộ báo cáo.”

Khẽ xì lên một tiếng, anh ta liền đứng thẳng dậy.

“Con người anh cứng nhắc, anh biết em không hỏi cái đó mà. Linh động một chút đi được không đồng chí đội trưởng?”

Hải Triều cau mày nhìn anh, đôi mắt sáng ngời đã ánh lên tia giễu cợt, lúc nào cũng phải tỏ ra nghiêm túc như vậy cho ai xem chứ, muốn đùa cũng không được thật chán ngắt.

Ý của Hải Triều, Nguyên biết rõ nhưng cứ thích vòng vo để trêu người anh ta. Nếu trở về điều đầu tiên anh làm là tới gặp Diệu Hương, bạn gái của mình, hai năm xa cách, chỉ có thể gửi gắm nhớ thương qua từng dòng thư viết vội, từng dòng tin nhắn lâu ngày mới được gửi tới khiến anh thật sự rất nhớ cô ấy quá rồi. Nhớ từng cái siết tay thật chặt, từng cái ôm ấm áp nhẹ nhàng, nhớ nụ cười quen thuộc mỗi khi gặp mặt nhau, tất cả đều như in hằn trong tâm trí anh không sao có thể xóa mờ.

*Bạn đang đọc truyện được viết bởi #Bodhi, chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Một ngày cuối tháng bảy, năm 202x
Như thường lệ, mặt trời lên rất sớm. Sáu giờ ba mươi, nắng nóng khiến người ta khó chịu, ruồi nhặng cũng theo mùi máu, mủ bâu tới. Ngọc Hà trùm khăn lên đầu rồi quấn quanh cổ, phần còn thừa vắt qua vai. Vừa che đi nửa khuôn mặt chỉ để lộ ra đôi mắt và một phần sống mũi cao, vầng trán cũng bị khăn che mất.

Từ hôm qua, nhân viên y tế đã cứu thêm được gần mười dân thường bị thương ở gần khu vực biên giới. Những người bị thương trước đó sau khi được cứu chữa đã ổn định thì được đưa về các trại tị nạn tập trung, nhường chỗ trong bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân mới.

Không khí khô nóng, người dân tị nạn vừa đói vừa khát. Nhìn họ tập trung lại một chỗ thật sự khiến người ta không cầm được lòng, ai nấy đều mang một vẻ sợ hãi âu lo, đa phần đều là phụ nữ và trẻ em.

Những đứa trẻ đen nhẻm đang chạy nhảy trước cửa bệnh viện dã chiến, bụi đất dưới chân chúng bị lùa quẩn lên trong không khí, chân tay đứa nào đứa nấy đều phủ bụi. Ở Tigar, bọn trẻ chỉ có thể trốn trong những hốc đất, những ngôi nhà bỏ hoang, không thể chạy nhảy vui đùa, bởi từ sau khi chiến sự nổ ra nơi gọi là nhà đó đã không còn an toàn với họ nữa. Bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp những tay súng hung ác, bặm trợn đi qua và thừa đạn sẵn sàng xả súng bừa bãi.

Đứa trẻ bị mất hai bàn tay đang ngồi trên một tảng đá lớn ngay mép lều của bệnh viện dã chiến, đôi mắt to tròn thèm thuồng nhìn những đứa trẻ khác đang vui đùa chạy nhảy.
Ngọc Hà tiến lại gần nó sau khi nhét vội cuốn sổ ký họa vào chiếc túi canvas cũ kỹ đã ngả màu vàng ố.

Cô khẽ nhoẻn miệng cười, nói với đứa trẻ bằng tiếng anh:

“Xin chào bạn nhỏ.”

Đứa trẻ ngước mắt nhìn Ngọc Hà, nở nụ cười bẽn lẽn, đôi mắt to tròn như biết cười nhìn thẳng vào cô gái dong dỏng có chút gầy gò trước mặt nó.

Dường như đứa bé nghe nhưng không hiểu cô muốn nói gì với nó, vẫn ngơ ngác nhìn thẳng vào cô.

Ngọc Hà nhanh trí lôi quyển sổ và bút trong túi ra, rồi vẽ lên đó những hình ảnh minh họa, nó không hiểu tiếng cô nói, chắc chắn nhìn hình sẽ hiểu.

Quả thật nhìn hình ảnh mà Ngọc Hà vẽ trên giấy đứa trẻ hiểu cô muốn nói gì.

Cô vẽ hình một ngôi nhà rồi đặt một dấu hỏi bên cạnh.

Đứa bé dùng chân vẽ hình thập tự giá rồi vẽ thêm một hình tam giác bên cạnh đó xuống nền đất, Ngọc Hà khẽ cười, rồi vẽ lại hình nhà thờ và ngôi nhà nhỏ bên cạnh. Đứa bé liền gật đầu.

“Chúng tôi ở gần nhà thờ Marya bên kia biên giới, cô nhìn thấy ngọn núi đó không?”

Giọng phụ nữ khàn khàn nói bằng tiếng anh khiến Hà và đứa trẻ cùng ngẩng đầu lên nhìn, cô nhìn theo hướng ngón tay mà cô ấy chỉ về ngọn núi ở rất xa bên kia biên giới giữa Sudan và Ethitti.

Ngôi làng của họ nằm trong một thung lũng hiểm trở được bao quanh bởi những vách đá dốc đứng màu rỉ sét.

Cô ấy đến bên đứa trẻ và ngồi xuống cạnh nó, trước mắt Hà là một người phụ nữ da màu, trong bộ họa tiết tối màu rộng thùng thình và khăn quấn đầu làm bằng vải thô màu vàng ngà. Nhìn cô ấy, cô không thể đoán ra được tuổi của người phụ nữ này.

Thực chất, những người phụ nữ tị nạn này Ngọc Hà đều không đoán được ra tuổi của họ, mệt mỏi, đau khổ, thiếu thốn vật chất đã bào mòn từng người trong bọn họ. Ai cũng đều mang khuôn mặt khắc khổ, già nua với đôi gò má cao nổi lên khiến hai hốc mắt tự nhiên trở nên sâu hoắm.

“Thằng bé đến đây cùng chúng tôi.”

Vừa xoa đầu đứa trẻ, người phụ nữ vừa nhìn về phía những người phụ nữ khác ở phía xa xa, cách chỗ họ ngồi chừng một trăm mét, hầu như trên tay mỗi người đều ôm một đứa trẻ, không có bóng dáng đàn ông.

“Chúng đã chặt đứt hai bàn tay của nó, thật may thằng bé sợ hãi quá nên ngất đi, nên chúng tưởng nó đã chết…”

Đứa trẻ không hiểu chuyện vẫn giơ hai cánh tay đang được băng kín mít mà không có một ngón tay nào lên, mắt vẫn nhìn người phụ nữ khắc khổ kia ngây ngô nở nụ cười. Nhìn họ, cơ thể Ngọc Hà chợt run rẩy, nó chỉ mới mấy tuổi, những gì phải chịu đựng thực sự đã vượt xa khỏi sự tưởng tượng của người bình thường. Mất đi đôi bàn tay, giữ được tính mạng, đây cũng được coi là một sự may mắn ư?

“Tôi rất tiếc!”

Giọng Hà nghèn nghẹn, mãi mới thốt lên lời.

“Quân lính đến nhà thờ, lúc đầu chúng tôi đã tưởng họ đến để tham dự lễ hội, họ rất bình thản, chúng tôi còn chào đón họ. Nhưng chỉ sau đó vài phút, họ bắt đầu nổ súng bắn vào một thanh niên và nói anh ta là người của phiến quân.”

Ngọc Hà đưa chai nước lọc của mình ra trước mặt và hỏi người phụ nữ có muốn uống một ngụm không, nhưng cô ấy lại lắc đầu từ chối.

“Chúng tôi đã đưa chứng minh nhân dân để xác thực mình là dân thường nhưng họ không tin, còn xả súng bắn chết chồng và em gái tôi…”

Nói đến đây, người phụ nữ không nhịn được nữa, cổ họng tự nhiên nghẹn lại, từng tiếng nấc bật ra ngay sau đó, cô ấy vén khăn che mặt lau nước mắt. Ngọc Hà vội chuyển chỗ sang đứng bên cạnh cô ấy, hai tay đặt lên vai vỗ về người phụ nữ tội nghiệp. Chắc hẳn đó là quãng thời gian kinh hoàng của cô ấy.

Lời cô có thể nói lúc này chỉ là “Tôi rất tiếc!”, đầy thương cảm và sự xót xa.

Cả một ngôi làng vốn bình yên, chỉ trong chớp mắt đã chỉ còn lại một đống đổ nát, người chết nằm la liệt trên đất, trên bờ ruộng, nhà cửa bị thiêu rụi, gia súc cũng bị giết chết. Chẳng còn gì sót lại.

Sau đó Ngọc Hà biết được sau khi chôn cất người thân trong gia đình, người phụ nữ đó mới phát hiện ra bản thân đang mang thai, hiện giờ cái thai đã được hơn một tháng. Cô tự hỏi, rồi tương lai đứa trẻ sẽ thế nào? Sẽ sống cuộc đời tị nạn, trốn tránh sự truy tìm tận diệt bởi những tay súng như mẹ nó và những người kia hay sao?

Thật sự không dám nghĩ tiếp nữa.
Qua lời kể của những người sống sót sau vụ thảm sát ở quần thể nhà thờ Marya. Họ trình bày chi tiết về một cuộc xung đột thảm khốc đã dẫn đến bạo lực sắc tộc, bao gồm các cuộc tấn công vào các nhà thờ và nhà thờ Hồi giáo. Huy đã có được một số tư liệu hữu ích mà lực lượng chính phủ ở Ethitti đang cố tình bưng bít về tội ác mà quân đội của họ gây ra, có lẽ những thông tin quan trọng này sẽ gây lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế dành cho giới chức trách cầm quyền ở đất nước này nên họ mới giấu nhẹm đi như vậy.

“Mình muốn tới đó.”

Ánh mắt Huy đầy kiên định nói với Ngọc Hà sau khi hai người đã ghi âm lại lời kể của những nhân chứng còn sống sót trong cuộc thảm sát ở nhà thờ Marya bên kia biên giới.

“Cậu bị điên rồi, không ai có thể đi qua biên giới, nơi đó có quân chính phủ và phiến quân chiếm đóng. Cậu không thấy họ đã nói bọn chúng tàn bạo thế nào hay sao?”

Ngọc Hà thảng thốt kêu lên, cô kịch liệt phản đối chuyện Huy định liều mạng đến ngôi làng mới bị quân đội thảm sát bên kia biên giới lấy tin. Chỉ cần nghe tới bên kia biên giới, chân tay cô đã rụng rời run sợ. Dù không thể tận mắt chứng kiến, nhưng qua từng lời kể và vẻ mặt của những người tị nạn mỗi lần nhắc tới, Ngọc Hà có thể phần nào tưởng tượng ra những kẻ đó man rợ thế nào.

Chúng vốn không phải con người, không có con người nào có thể tàn bạo với đồng loại của mình không gớm tay đến vậy. Ra tay giết một người như người ta cắt tiết một con gà, thật sự mất hết nhân tính. Vậy mà lại chẳng hề có một lệnh trừng phạt nào từ Quốc tế dành cho chúng.

“Chính phủ Ethiyti đã hạn chế nghiêm ngặt quyền tiếp cận của các nhà báo và ngăn hầu hết tổ chức viện trợ tiếp cận các khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Cách tốt nhất là cậu ngoan ngoãn ở im đấy cho tôi, nếu cậu đi tôi sẽ đi theo.”

Huy trợn mắt nhìn cô gái trước mặt, nửa phút trước còn run rẩy sợ hãi phiến quân, nửa phút sau đã làm ra vẻ mặt hùng hùng hổ nhổ muốn đi theo anh ta như vậy. Dù quen biết khá lâu nhưng có lẽ Huy chưa thật sự hiểu hết con người của Ngọc Hà.

Lần đầu tiên gặp mặt là ở đội từ thiện các trường đại học, quen biết nhau tầm một năm. Dù Huy hơn Hà bốn tuổi, nhưng ngay từ đầu cô đã hiểu lầm anh ta cũng là sinh viên như mình nên toàn xưng hô cậu – tớ, sau này biết thì đã gọi quen thành ra không thay đổi cách xưng hô nữa.

Một ngày đẹp trời đọc được thông tin về nội chiến ở Ethitti. Ngọc Hà đã chạy đến nói với Huy. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, anh ta tiết lộ cho cô một thông tin rằng Hiệp hội từ thiện Quốc tế đang tuyển tình nguyện viên đến đó, yêu cầu tiên quyết là người có sức khỏe và thông thạo tiếng Anh. Không chần chừ, Ngọc Hà đã đăng ký tham gia, bất ngờ là cô đã được chọn.

Khi tới đây, những thứ cô nhìn thấy và trải qua lại vượt ra ngoài sức tưởng tượng của mình, nhưng muốn quay đầu thì đã không còn cơ hội. Phải mất một tuần cô mới dần quen được việc lệch múi giờ, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn đồ ăn và nước sinh hoạt. Đặc biệt là cô chưa từng nhìn thấy một cọng rau xanh nào trong phần ăn của mình cũng như những người khác. Ở đây các nhân viên y tế phải dùng viên uống tổng hợp để thay thế chất xơ tự nhiên, cô đã từng phải dùng đến thuốc xổ vì táo bón nặng.

Những lúc như vậy chỉ biết tặc lưỡi thầm kêu than trong lòng mà không thể chia sẻ cùng ai.

Muốn tới siêu thị, họ sẽ phải đi rất xa vào thành phố, nơi này cũng không khá khẩm hơn so với khu trại tị nạn là mấy, nhà cửa lưa thưa, đổ nát.

Không nói gì bên kia biên giới, nơi này hằng ngày cũng vẫn xảy ra những vụ đụng độ vũ trang, cướp bóc cũng thường xuyên. Mặc dù trên đường lớn, nhưng rất ít người qua lại. Nếu có, họ cũng sẽ đi rất nhanh, bộ dáng vô cùng khẩn trương như đang sợ hãi, trốn tránh một thế lực nào đó.

Từ lúc đến đây, ngoài bệnh viện dã chiến và xa hơn nữa là trại tị nạn ngay kế bên thì Ngọc Hà chưa đi tới đâu cả, nghe nói các nhân viên y tế vào thành phố về mua thêm thuốc men cô liền ngỏ ý muốn đi theo, nhờ có Huy nên họ đồng ý dẫn cô đi cùng.

Lúc xe đến được thành phố, cũng đã gần trưa, gió thổi cuốn theo bụi mù mịt, xe jeep của tổ chức cứu trợ dừng trước một siêu thị nhỏ. Nói là nhỏ nhưng dường như nó là cái siêu thị duy nhất tạm gọi là đầy đủ những thứ mà họ cần. Hai nhân viên y tế nói với Huy và Hà rằng họ sẽ đi tìm quầy thuốc, hai người mua đồ rồi đứng ở đây đợi họ quay lại.

Rất nhanh, mọi người tản ra, nhân viên y tế tìm đến quầy thuốc, hi vọng có thể tìm được vài thứ mà họ cần. Ở bệnh viện dã chiến thuốc men, bông băng không đủ, nếu đợi viện trợ e rằng không cầm cự được mấy ngày.

Ngọc Hà chọn lấy vài thứ cần thiết, muốn lấy thêm vài gói băng vệ sinh, cô cần phải dự trữ, nhưng ngặt một nỗi Hà không tìm được loại cô cần. Có khi nào không có thứ đó không? Ở nơi này thật sự rất thiếu thốn. Cô lại tự hỏi vậy phụ nữ ở đây họ sẽ phải làm thế nào nếu đến ngày? Rồi tự lắc lắc đầu xua tan đi ý nghĩ tiêu cực ấy.

“Sorry, I want to…” (xin lỗi, tôi muốn…)

Cô nói với người bán hàng, anh ta là một người đàn ông da đen nhẻm, đầu trọc nhẵn bóng với đôi môi dày và mắt to.

“Over there.” (đằng kia)

Rất nhanh Ngọc Hà nheo mắt nhìn theo hướng tay người đàn ông chỉ.
Anh ta nói với cô tất cả ở trên kệ trong cùng góc bên phải, nếu không có, thì có nghĩa là không có.

Cuối cùng cô cũng có thể tìm được thứ mình cần, nhưng giá của nó khá là… Có vẻ như đây là một trong những thứ xa xỉ phẩm tại nơi này.

“Cậu xong chưa?”

Huy đặt mấy hộp dao cạo râu và một chai nước ngọt lên trên quầy thanh toán, quay sang nhìn Ngọc Hà.
Cô gật gật đầu.

Khẽ nhìn vào lon nước ngọt màu đỏ, in dòng chữ Cocacola màu trắng nổi bật trên thân màu đỏ. Ngọc Hà vừa cười vừa nói, giọng điệu có chút trào phúng:

“Coca phủ sóng xa thật nhỉ?”

“Vắng vẻ quá!” Đảo mắt một vòng nhìn quanh, Huy khẽ nhún vai. Hà cũng nhìn theo anh ta.

Cô nghe nói nội chiến đã kết thúc từ lâu, nhưng không ngờ rằng nơi này vẫn tiêu điều như vậy. Cũng đúng thôi, một đất nước oằn mình chống đỡ chiến tranh cũng chỉ mới vừa kết thúc, thủ phủ của họ còn đang mới bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển. Những thành phố vùng ven thế này khó tránh khỏi bị bỏ rơi, ghẻ lạnh.

Trong thành phố, vài cái cây lớn mọc rải rác không đủ che được cái nắng gay gắt giữa trưa hè nóng nực. Những cây cọ cao vút chìa ra vài tán lá đã cháy khô. Những cây gai lạc đà cũng lá còn lá mất, một vài chiếc túi nilon rách nát đang bị vướng trên những cành thỉnh thoảng bị gió thổi bay phần phật.

“Do you have cold water?” (anh có nước lạnh không?)

Vừa bước ra khỏi cửa, Ngọc Hà liền quay lại nói với người bán hàng, Huy vẫn đang đứng chờ thanh toán.

“No!” (không), người đàn ông nhìn cô như sinh vật lạ rồi lắc đầu khẳng định.

Có chút thất vọng, cô nhận lấy đồ đã thanh toán rồi theo Huy ra khỏi cửa hàng. Ngọc Hà chợt nhớ ra, ở nơi này, có nước là tốt lắm rồi. Lấy đâu ra nước lạnh mà cô muốn.

Ở nơi này thật sự không có sự lựa chọn nào cho cô, dù có tiền hay không có tiền cũng không có nhiều sự lựa chọn. Cô muốn ăn cơm trắng, muốn ăn gà luộc chấm muối tiêu, muốn ăn pizza… muốn uống trà sữa… Muốn… Muốn rất nhiều thứ.

Nhưng tất cả chỉ là muốn, cô mới mười chín tuổi, tại sao lại tới nơi này? Cô không biết nữa, chỉ là muốn được giúp đỡ, nhưng không biết bản thân phải làm gì để giúp được những con người khốn khổ đó. Ngọc Hà từng ước, giá như cô có siêu năng lực như những người hùng của Marvel, hoặc bảy mươi hai phép biến hóa như Tôn Ngộ Không có phải là quá tốt rồi không? Búng tay một cái hoang mạc trở thành đồi xanh, chiến tranh kết thúc, người dân được sống ấm no đủ đầy…

Trong khi cô đang suy nghĩ mông lung, thì phía sau lưng truyền đến giọng đàn ông thúc giục:

“Chúng ta phải nhanh đi thôi, sắp mưa rồi, chắc là mưa lớn đó, con đường sẽ nhanh chóng trở nên khó đi nếu gặp mưa.”

“Mưa?”

Khuôn mặt Hà đã bày ra biểu cảm đầy ngờ vực, anh ta đang nói với cô là sẽ mưa ư? Cái thời tiết nắng nóng muốn chín cả người như này mà có thể mưa được sao? Ngẩng mặt lên còn không thể thấy được vị trí của mặt trời ở đám nào vì nắng quá gắt nữa là.

“Đi thôi, anh ta nói đúng đấy, đang vào mùa mưa, con đường sẽ trở nên lầy lội, tớ không muốn phải nhảy xuống để đẩy xe đâu.”

Huy mở cửa xe cho Ngọc Hà, vừa nói vừa đi ra phía sau, sang cửa xe bên kia, rất nhanh đã chui tọt vào ngồi ghế kế bên cô. Dù không mấy tin tưởng, nhưng tự nhiên nghe họ nói vậy Ngọc Hà cũng tự giác khẩn trương, rất nhanh cô đã ngồi yên vị trong xe. Cánh cửa xe cũ kỹ, đến kính cũng có nhiều vết rạn đóng sập lại. Quả thực chẳng ai thích phải đẩy xe cả. Hồi đầu tháng mới tới đây, cô từng chứng kiến cảnh ấy một lần, thật may những người đàn ông đã làm việc đó.

Con đường đất đỏ bì bõm trong sình lầy, ngập ngang bánh xe, đẩy được qua đám này thì mắc kẹt ở đám kia, chật vật lắm mới có thể đi được. Đường trơn, bùn nhão nhiều lúc tưởng như bánh xe có thể trật khỏi mặt đường lật nhào xuống rãnh. Giá mà bê tông hóa hết đi có phải rất tốt rồi không?

Nhớ lại lần đó, Ngọc Hà khẽ thầm than.

Họ rời đi được một phần ba chặng đường quả nhiên mưa thật. Mây đen kéo đến ùn ùn trên bầu trời, trời đang nắng chang chang tự nhiên tối sầm lại. Ở phía xa xa từng vệt sét sáng lòa hiện lên rồi lẩn khuất sau những đám mây đen đã ngậm nước nặng trĩu. Dự sẽ là một cơn mưa lớn lắm đây.

Đường xấu, xe vừa đi vừa rung lắc khiến Ngọc Hà mới vừa gà gật lại giật mình tỉnh giấc. Cô phát hiện ra mưa bắt đầu một lớn hơn, hạt mưa có vẻ rất to, rơi lộp độp trên nóc xe một cách nặng nề, cảm tưởng như sắp xuyên thủng nó vậy.

Một tiếng sấm rền vang khiến cô bất giác giật mình kêu lên thành tiếng.
Ba người đàn ông thấy thế liền phá lên cười.

Nhân viên y tế ngồi bên ghế lái khẽ quay đầu nhìn về phía sau nói với Ngọc Hà:

“Sét thôi mà, ở xa lắm. So với súng đạn thì không nguy hiểm bằng.”

“Nghe như anh nói thì nơi này hay có nổ súng lắm?”

“Chuyện cơm bữa, chắc khi nãy những tay súng nghỉ trưa.”

Dứt lời anh ta phá lên cười. Đáng cười sao? Đáng sợ thì đúng hơn, họ có vẻ như quá quen với những chuyện thế này rồi thì phải.

Ngọc Hà nhìn sang Huy, anh ta khẽ nhún vai, chắc là họ may mắn nên mới không gặp phải cuộc đụng độ nào. Anh ta nói với cô, xả súng cướp bóc, giữa đường bắt gặp xe cháy, người chết là chuyện bình thường như cơm bữa.

Hai người ngồi ghế trước vẫn đang nói chuyện với nhau, họ bàn về cơn mưa.

Anh chàng người Anh nói:

“Tôi cá là sẽ mưa đến tối.”

“Mười đô la, tôi cá là chưa tới trại đã tạnh.” Người bên cạnh cao giọng nói, nghe qua thì có thể thấy anh ta rất tự tin.

“Tôi theo Ivan, thêm năm đô la.”

Huy ngứa ngáy nhoài về giữa hai ghế, đá lông nheo với Ivan, người vừa cá trời sẽ sớm tạnh mưa, cũng là người đang lái xe.

Người đàn ông ngồi bên ghế lái – Mike khẽ nhún vai, bày ra vẻ mặt cứ chờ đó mà xem.

Mưa xuống, con đường đất đỏ mấy tiếng trước còn bụi mù giờ đã nhão nhoét, xe đi qua còn in rõ vết bánh, hằn sâu xuống tạo thành những vũng nước nhỏ đục ngầu. Trên con đường họ đi qua, từng ngôi nhà lụp xụp được đắp bằng đất sét, mái lá khô quắt giờ ướt sũng nước thì chuyển hẳn sang màu nâu đậm khiến người ta có thể cảm tưởng như chỉ mưa thêm một chút nữa thôi là cả căn nhà sẽ bị hòa tan vào nước mưa mất.

Nhưng kỳ thực, điều đó sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra, những ngôi nhà nhìn thì có vẻ tạm bợ nhưng khá chắc chắn. Chúng che mưa che nắng cho họ từ đời này qua đời khác, vẫn chỉ một loại thiết kế và vật liệu đó.

Đối với những con người đã sẵn trong mình tâm lý nay đây mai đó thì nơi ở đối với họ vốn dĩ chỉ là tạm bợ.
Những túp lều dựng tạm, những chiếc màn được căng lên để ở qua đêm tránh muỗi đốt lây truyền bệnh sốt rét rất dễ gặp được khi đi qua đường ở vùng đất này.

Trận mưa kéo dài suốt một tiếng đồng hồ, khi xe đi được nửa đường thì đã gần ngớt, nhưng về gần tới bệnh viện dã chiến thì lại gặp mưa, ở đó mưa mới bắt đầu một lúc. Cũng giống như những nơi khác trên trái đất, thời gian mưa xuất hiện không đồng đều.

Ở phía sau lưng, nền trời xa xa đã lãng đãng từng vệt nắng vàng tươi.
Trong khi ba người đàn ông đang chia tiền cá cược thì Ngọc Hà lục đục ôm theo túi đồ cá nhân mới mua khi ở trong thị trấn vào lòng, rồi đẩy cửa thật mạnh.

Ngọc Hà xuống xe, cô chạy thật nhanh vào trong một căn lều, bên trong đó bác sĩ Stephanie đang kiểm tra lại tình trạng của các bệnh nhân. Ngọc Hà chỉ đứng ở cửa để tránh mưa, không làm phiền cô ấy. Thu ánh mắt lại, cô xoay người nhìn về phía màn mưa mỏng đang giăng mờ làm cản tầm nhìn phía trước.

Nước mưa còn vương trên tóc cô nhỏ xuống vai áo, ướt một khoảng nhỏ. Xung quanh lều, nhân viên y tế và tình nguyện viên đã đào những rãnh nhỏ để dẫn nước mưa, hạn chế được việc lều bị ngập nước.

Ở trại tị nạn, những thùng phi dùng để hứng nước đã được mở hết nắp, cơn mưa kéo dài không lâu, nước hứng được chỉ được một chút.

Mọi người có vẻ tiếc nuối. Mong mãi mới được một trận mưa lớn như vậy. Cơn mưa giữa ngày bình yên!

Những đứa trẻ chơi đùa bên vũng nước, chúng dùng chân té nước hất lên nhau rồi cười đùa khoái chí, Ngọc Hà đã muốn ngăn lại vì cảm thấy rất không sạch sẽ nhưng lại thôi.

Chúng đang rất vui vẻ, chẳng mấy khi thấy khuôn mặt tụi nhỏ hiện lên nét tươi vui như vậy.

Từng nụ cười ngây ngô, từng cái ôm vai bá cổ, những giọt nước mưa chảy dài trên trán, ướt đẫm trên từng lọn tóc đen tuyền xoăn xoăn của đám trẻ được phác họa qua loa trên giấy trắng. Mọi sinh hoạt đời thường, dù chỉ là một chút bình yên hiếm hoi giữa khói đạn, Ngọc Hà đều muốn lưu giữ lại. Cẩn thận hơn, cô lôi điện thoại ra chụp lại vài tấm ảnh.

Từng vạt ký ức mơ hồ về tuổi thơ như được tái hiện trước mắt Ngọc Hà, cô cũng từng là một đứa trẻ, cũng từng rất thích tắm mưa.
Mùa hè một năm nào đó, đã từ rất lâu rồi.

Cơn mưa rào mùa hạ bất chợt đổ xuống không hẹn trước, làm dịu đi cái nóng bức của mùa hè. Đám trẻ trong xóm lại kéo nhau chạy ùa ra sân nhà văn hóa. Đứa lấy gạch đá, đứa dùng giẻ lau bít hết tất cả lỗ thoát nước trên sân lại để cho nước mưa ứ đọng dâng lên, tạo thành một cái hồ nhân tạo rồi cùng nhau đùa nghịch.

Hôm nào mưa lớn kéo dài, nước trong sân bị chặn lại có khi cũng cao gần mấp mé mép sân, cao phải đến hơn hai mươi phân.

Ngọc Hà còn nhớ, cô hay dùng chân trần để hất nước lên những đứa trẻ khác. Mọi trò nghịch ngợm đều do chính cô đầu têu ra, cái trò tắm mưa cũng là do cô bày trò trước. Ban đầu đứa nào cũng sợ. Nhưng trẻ con mà, một đứa chơi vui như vậy, những đứa khác tự nhiên sẽ thèm thuồng học theo.

Sau cùng cả bọn bị lôi về, ăn đòn no vì tội nghịch nước mưa, ướt hết cả quần áo. Chỉ mình cô chưa từng bị đánh mắng bao giờ.

Sức khỏe Ngọc Hà từ nhỏ vốn không tốt, nhưng lại là đứa trẻ hoạt bát, năng động nhất xóm. Có lẽ mặc dù ốm yếu nhưng tăng động quá thành ra được rèn luyện thân thể nên lớn lên cô mới khỏe mạnh như bây giờ.

Nói không phải mê tín, từ sau năm học cấp ba cô rất hiếm khi bị ốm, rất khỏe là đường khác. Nếu có cũng chỉ hắt hơi sổ mũi bình thường, không cần dùng đến thuốc là tự khỏi. Chỉ là bà Linh mẹ cô hay lo xa. Ngọc Hà từng phải phẫu thuật tim một lần nên mẹ cô rất sợ cơ thể con gái yếu ớt nên đâm ra lo lắng. Nửa tháng nay không liên lạc được với con gái chắc hẳn bà Linh đã lo sốt vó hết cả lên. Nhưng biết thế nào được, mẹ cô bận như vậy, chỉ hi vọng thời gian này nhiều người đi đẻ một chút thì tốt quá rồi. Cả bố và mẹ Ngọc Hà đều là bác sĩ khoa sản, họ rất bận rộn, thường sẽ ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

So với những đứa trẻ kém may mắn kia, Ngọc Hà luôn thấy bản thân đầy đủ và hạnh phúc vô cùng.

Hà bất giác quay người nhìn kẻ đứng phía sau khi tiếng “tạch!” vang lên, hất hàm hỏi:

“Cậu làm gì thế?”

Huy giơ máy ảnh lên. Anh ta cười rất tươi, để lộ chiếc răng khểnh một bên duyên dáng. Tóc Huy để hơi dài ở phía trên phần mái, ngắn dần xuống dưới, thỉnh thoảng lại đưa tay hớt lên, nhìn lãng tử vô cùng.

“Cậu đứng ngẩn ngơ ở đó làm gì thế? Tớ đứng ở đây một lúc rồi mà cũng không phát giác ra.”

“Yên bình quá, không có dân chạy nạn, không có người bị thương.”

Cô khẽ kêu lên, ánh mắt đầy hi vọng nhìn ra ngoài lều bạt. Mưa chỉ còn lất phất, đủ để làm ướt những mái tóc đen nhánh quăn tít và áo may ô dài quá gối nhàu nhĩ, cũ kỹ của những đứa trẻ kia.

Lâu rồi mới có một trận mưa lớn như vậy.

Lâu rồi bệnh viện dã chiến này mới bớt người bị thương tấp nập ra vào như thế. Chỉ cầu mong, ngày mai, ngày mai nữa đừng có thêm người dân nào bị hại nào xuất hiện, chỉ cầu mong phía bên kia biên giới ra lệnh ngừng bắn. Đưa mọi thứ trở về với bình yên vốn có của nó thì thật tốt biết bao.

Khẽ chắp tay trước ngực, Ngọc Hà ngước mắt nhìn lên trời như đang khẩn cầu ông trời rủ lòng thương xót.

Bác sĩ Stephanie cầm theo quyển bệnh án dày cộm, khẽ đẩy gọng kính rồi tiến về phía hai người, nhoẻn miệng cười hỏi:

“Hai người đến lâu chưa?”

“Mới một lúc!”

Huy nhường cho bác sĩ một chỗ đứng trước cửa lều, Ngọc Hà khẽ cười đáp lại, cô vội buông hai tay đang chắp trước ngực xuống, nghiêng đầu nhìn sang Stephanie.

“Có mua được đồ em cần không?”

“Được ạ, em mua một số thôi, nếu chị cần có thể tới chỗ em lấy.”

Ngọc Hà cười thật tươi, đôi mắt nâu vốn to tròn tự nhiên híp lại, khóe miệng nhoẻn sang hai bên khiến người đối diện ngay lập tức có thiện cảm. Cô mới mười chín tuổi, vẫn là một cô bé trẻ trung tràn đầy sức sống.

Bác sĩ Stephanie nói với Ngọc Hà rằng người phụ nữ được cô chăm sóc lần trước đã khá hơn rất nhiều, tình trạng của bệnh nhân hồi phục rất tốt. Khiến Ngọc Hà rất vui, liền muốn đến thăm người phụ nữ đó.
Stephanie nhìn theo bóng lưng Ngọc Hà đã chạy vào làn mưa mỏng, lại quay sang nói với người đứng kế bên mình:

“Hana luôn tràn đầy năng lượng”

“Ừm! Hoạt bát, năng động.”

Bác sĩ Stephanie ngước mắt nhìn người đàn ông ấy, trong mắt Ngọc Hà cô ấy vốn rất cao, cũng phải tầm gần một mét bảy nhưng vẫn thấp hơn Huy một chút. Thu vào đôi mắt xanh trong veo như mặt nước biển hiền hòa là nụ cười ấm áp của người đàn ông bên cạnh. Ánh mắt anh nhìn Stephanie vô cùng trìu mến, khóe miệng tự động nhếch cao đầy tia cười vui vẻ.

Huy chậm rãi cúi đầu thì thầm với Stephanie.

“Em cũng luôn tràn đầy năng lượng, cảm ơn vì em đã luôn ở đây.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương