Đồn công an quận Y.
Thiếu tá Nguyên sững người nhìn thằng bé con mới được cậu thượng sĩ dắt đến trước mặt mình, trên gương mặt bầu bĩnh của nó vẫn còn nguyên nét sợ hãi, anh nhanh chóng thay đổi sắc mặt, khóe môi tự nhiên nâng lên thành một đường cong vừa ôn hòa vừa ấm áp mà đối đãi lại với đứa trẻ.
Đôi mắt trong veo ngấn nước của thằng nhỏ nhìn thẳng vào anh, cái miệng hồng hào mấp máy:
“Bố bế… bế Kem!”
Giọng nói trẻ con vừa trong trẻo lại ngập ngừng trong tiếng nấc khiến cả anh lẫn cậu thượng sĩ có mặt lúc ấy cùng sững cả người. Không thấy anh phản hồi, thằng bé lại làm ra vẻ mặt mếu máo nhìn Nguyên, hai cánh tay ngắn cũn nhỏ xíu của nó đã giơ ra trước mặt người đàn ông cao lớn vẻ như đang chờ đợi. Ánh nhìn non nớt, đôi mắt mở to trong veo như muốn mang khuôn mặt anh thu hết vào trong đó.
Nguyên tự hỏi không biết thằng nhóc có đang hiểu nói vừa nói gì không nhỉ? Sau phút ngỡ ngàng, nụ cười ấm áp lại thường trực trên môi anh, ánh mắt dịu dàng nhìn đứa trẻ, hẳn là thằng bé đã rất sợ hãi. Cậu thượng sĩ nói với anh là nó bị lạc, mấy đồng chí cảnh sát giao thông lúc đi tuần tra thì gặp được thằng bé đang một mình mếu máo ở bên đường, họ hỏi thế nào cũng không nói nhà ở đâu, cứ ư ứ rưng rưng nước mắt chứ không hề quấy khóc.
“Nhìn kỹ thì thằng nhóc cũng có nét giống anh đấy thủ trưởng, hay là…”
Cậu thiếu úy nhăn nhở, mắt một mí lại đảo một vòng vừa nhìn thằng nhỏ, lại liếc sang nhìn Nguyên. Nhìn kỹ thì giống nhau thật. Anh khẽ nhíu mày liếc cậu ta một cái, “Luyên thuyên” rồi cúi người gần đứa trẻ.
“Ba của em mà.”
Nguyên vừa định đưa tay bế thằng bé thì đứa con gái nhỏ đã bám lấy chân anh níu lại. Khuôn miệng nhỏ xíu chu chu ra vẻ đanh đá, nhất định không cho anh bế thằng nhóc kia lên.
Nguyên cười khổ nhìn con gái. Min bám anh lắm, luôn miệng nói ba Nguyên là của một mình con bé, không cho ai lại gần. Hôm nay Diệu Lan có ca trực không thể đón con nên anh đành đón con bé về rồi đưa tới cơ quan luôn, giờ thì gặp ngay tình cảnh khó xử như thế này đây.
Kem giương mắt trong veo nhìn Nguyên chờ đợi, hai hàng mi ướt đẫm nước khẽ chớp một cái, nhìn vào thằng bé trái tim anh tự nhiên thắt lại.
“Ba bế Kem…”
Giọng con trẻ ngập ngừng trong tiếng nấc cụt, đôi mắt trong veo đã nhòa đi của thằng bé khiến vị thiếu tá trẻ chợt nhớ đến một bóng hình. Đôi mắt màu nâu luôn mở to, thỉnh thoảng lại như có tia sáng ẩn chứa suy tư bên trong. Anh từng gọi đó là đôi mắt “biết cười…”
…
Tháng 7 năm 201x.
Khu tị nạn vùng Hamda gần biên giới Sudan. Đông Phi.
Mười một giờ trưa.
Giữa tháng bảy, nền nhiệt cao hơn so với bình thường, nền cát nóng bỏng rát. Qua một lớp giày vải vẫn có thể cảm nhận được sức nóng truyền tới gần bàn chân.
Hơi nóng bốc lên phả vào mặt, vào mắt bỏng rát. Bên ngoài lều bạt, tiếng người láo nháo, khi thì thều thào mệt mỏi, lúc lại dồn dập khẩn trương, đủ loại ngôn ngữ tạo nên sự huyên náo trong không gian.
Trong căn lều trung tâm khu tị nạn, nơi đặt các thiết bị thông tin liên lạc của tổ chức MSF (Tổ chức bác sĩ không biên giới).
Một thanh niên và một cô gái. Dường như anh ta đang đợi cô ấy, còn cô gái lại đang kiên nhẫn chờ đợi từng tiếng tút dài từ ống nghe điện thoại vệ tinh. Nửa phút sau, đầu bên kia có tín hiệu nhận máy, cô gái bất chợt giật thót bởi tiếng “alo!”
Nhìn từng biểu cảm trên khuôn mặt cô, chàng trai phần nào đoán biết được chắc chắn Ngọc Hà đang bị Hạ Vi mắng như tát nước vào mặt rồi.
“Con thần kinh kia, mày có về ngay không hả? Có biết là đọc tin tức tình hình chiến sự ở đó tim tao muốn nhảy ra ngoài luôn rồi không???”
Không ngoài dự đoán của Huy, Hạ Vi liên tục mắng xối xả, Ngọc Hà khẽ nuốt khan, tay vẫn giữ chặt ống nghe.
Giọng nói lanh lảnh phát ra từ đầu dây bên kia điện thoại khiến người bên này đã phải bỏ ống nghe ra thật xa, khuôn mặt Ngọc Hà chợt nhăn nhó, nửa mếu nửa cười, cô biết trước chuyện thế này sẽ xảy ra mà. Vì vậy nửa tháng nay dù rất muốn nhưng nhất định không gọi điện về Việt Nam, điện thoại đường dài vừa tốn kém vừa phải nghe chửi.
Thật ra thì cô cũng rất bận rộn nữa, người tị nạn ở Hamda quá đông.
“Trước khi kết thúc kỳ nghỉ hè tao sẽ trở về. Gọi để mày biết tao còn sống nhăn răng ra thôi.”
Đợi Hạ Vi ở đầu dây bên kia chửi bới xong xuôi đến khô họng, hụt hơi rồi cô mới dám lên tiếng. Nhưng kỳ thực cô bạn thân này có vẻ như đang rất dư sức và chỉ chờ Ngọc Hà lên tiếng là có thể tiếp tục xổ cho một tràng:
“Mày không phải quân nhân, cũng chẳng phải bác sĩ tự nhiên ở nhà chăn ấm đệm êm không thích, đi theo cái thằng điên kia đến đấy làm cái gì? Nó đi lấy tin thì kệ đời nó, lôi theo cái con chỉ biết cầm bút chì, cọ vẽ như mày đến đấy để tìm đất đặt quan tài à?”
“Cái gì đấy? Mày đang trù ẻo tao đấy hả?”
Khuôn mặt Hà đã méo xệch hẳn đi, lái sang chuyện khác. Hạ Vi tuy độc mồm độc miệng, nhưng cô biết, cô ấy rất lo lắng cho mình. Đây là biểu hiện của sự yêu thương quá độ nên không biết bản thân đang nói gì.
“Hết một phút rồi.”
Giọng đàn ông ở phía sau lưng truyền tới khiến Ngọc Hà giật mình ngước mắt lên nhìn chiếc đồng hồ cũ kỹ, kim hiển thị đã cong hẳn đi đang cần mẫn nhích từng giây trên tường. Cô nhanh chóng nói thêm vài câu rồi tạm biệt Hạ Vi.
“Hừm!”
Khẽ kêu lên một tiếng, Ngọc Hà cần thận đặt ống nghe xuống. Đây là chiếc điện thoại duy nhất còn có thể sử dụng được trong trại tị nạn này, nó cũng đã cũ kỹ lắm rồi. Người vừa lên tiếng nhắc nhở cô là Huy, một phóng viên của đài truyền hình Quốc gia đang tác nghiệp tại đây. Cũng chính là kẻ mà Hạ Vi vừa mắng nhiếc chung với cô trong điện thoại. Anh ta không biết là Hạ Vi đang có thành kiến với mình đến mức nào đâu. Cô ấy lúc này chắc chỉ hận không thể búng tay một cái như Tôn Ngộ Không làm phép xuất hiện ngay trước mặt hai người để chửi cho Huy một trận vì dám mang Ngọc Hà tới đây chịu khổ. Và ngay lập tức vác đứa bạn thân cứng đầu cứng cổ thích tự ngược đãi bản thân kia về nhà.
“Biết ngay là bị mắng mà, cô ấy thật sự có rất nhiều calo, tôi thấy cậu chẳng nói được câu nào.”
Huy đứng dựa lưng vào cây cột nhà dựng tạm, cảm thán, phải nói là cái lều mới đúng. Ở những khu tị nạn thế này làm gì có cái gì gọi là nhà, tất cả đều là tạm bợ. Bệnh viện dã chiến của Tổ chức Bác sĩ không biên giới dựng lên rất nhiều, nhưng ở khu vực chiến sự bên kia biên giới hầu như đã không còn hoạt động được. Phần lớn là bỏ hoang hoặc bị quân đội và phiến quân trưng dụng làm căn cứ quân sự.
Chiến sự tại nước láng giềng bắt đầu từ tháng tư, người dân tị nạn tràn sang Hamda rất đông. Theo ước tính đến nay đã hơn năm mươi nghìn người. Trại tị nạn được tổ chức nhân đạo quốc tế thành lập ra để giúp đỡ những người dân từ Tigra trốn chạy sang.
Nửa tháng trước, Ngọc Hà thế nào lại nghe lời Huy gạ gẫm mà theo cậu ta tới đây. Cô đi theo Liên hiệp hội từ thiện quốc tế, còn cậu ta được cử đi lấy tin. Huy làm phóng viên chiến trường cũng ngót nghét hơn ba năm, từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường anh ta đã nung nấu ước mơ theo đuổi mảng đề tài chưa từng cạn kiệt này.
Họ đang ở cùng lực lượng Bác sĩ không biên giới. Hàng ngày Huy theo những người thuộc Tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế đến biên giới, họ đi cứu người con anh đi lấy tin về tình hình nội chiến của nước láng giềng. Còn Ngọc Hà ở lại bệnh viện dã chiến cùng các tình nguyện viên khác hỗ trợ bác sĩ sơ cứu người bị thương.
Ở bên kia biên giới liền kề với Hamda, quân chính phủ và phiến quân Tigar đang giao tranh giành quyền kiểm soát. Tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng và chưa có hồi kết thúc, nhưng con số thương vong đã lên đến hàng nghìn người bao gồm cả binh sĩ lẫn dân thường.
Nhà cửa bị đốt cháy, xác chết la liệt, nằm rải rác trên những cánh đồng khô cằn, những vùng đất nông nghiệp rậm rạp và lòng sông cạn đáy.
Từ khi chính phủ nước này cấm phóng viên nước ngoài đưa tin về tình hình nội chiến trong nước thì nhiệm vụ của cậu ta càng ít. Tin tức lấy được cũng chỉ toàn qua lời kể của những người dân tị nạn, hình ảnh thu được từ flycam cũng mờ nhạt vô cùng. Tuần trước mới bị phiến quân phát hiện và đã triệt hạ mất một chiếc khiến Huy xót xa vô cùng.
“Lại có thêm hai phụ nữ nữa được đưa tới trung tâm y tế vì bị bạ.o lực tình d.ục.”
Giọng Huy chùng xuống. Sau lời nói là tiếng thở dài khe khẽ, tay anh ta vân vê nút điều chỉnh trên máy ảnh chuyên dụng, mắt nhìn chằm chằm vào nó.
“Lại nữa sao?”
Ngọc Hà sửng sốt nhìn Huy, từ lúc đến đây cô đã chứng kiến được thực trạng đang diễn ra. Dân thường bị thương, ch.ết đói, phụ nữ bị lạm dụng tìn.h dụ.c, con số ngày càng gia tăng. Những đứa trẻ tị nạn đáng thương, mất đi gia đình, người thân, một phần cơ thể.
Thật sự chiến tranh quá tàn khốc. Nếu cứ mãi ở trong nước, cả đời này cô cũng không thể biết được hiện thực cuộc sống của người dân ở các nước xa xôi hẻo lánh, họ đang phải chịu đựng những gì. Xốc lại tinh thần, Ngọc Hà khẽ cười gượng nhìn Huy:
“Tớ muốn tới đó xem có giúp được gì không.”
“Đi thôi.” Huy hất hàm hướng về phía cửa lều.
Ngọc Hà theo Huy đến một căn lều dựng tạm trong khu bệnh viện dã chiến của trại tị nạn. Mới tới trước cửa đã nghe thấy tiếng phụ nữ la hét và tiếng vị bác sĩ người Anh đang ra sức trấn an cô ấy. Giọng người đàn ông trầm ổn, Ngọc Hà rất thích nghe ông ấy nói, thật sự thì tiếng Anh của ông ấy rất hay. Lần đầu gặp mặt đã khiến cô ấn tượng.
Bác sĩ John, người đàn ông da trắng, dáng người dong dỏng nhanh nhẹn, đôi mắt màu xanh xám ẩn sâu dưới hàng mày cương nghị màu vàng nhạt, tạo nên gương mặt hiền từ rất dễ gần và cho người khác thiện cảm ở lần gặp đầu tiên.
Nhưng lần này dường như bác sĩ John đã tới ngưỡng không thể kiên nhẫn được. Hai bàn tay đã siết chặt lại, gân xanh nổi đầy lên nền da trắng. Cường độ công việc cao, điều kiện khắc nghiệt cộng thêm áp lực tâm lý đều khiến họ sẽ có những lúc không giữ được bình tĩnh như vậy.
“Gọi bác sĩ Stephanie tới.”
Người đàn ông bất lực quay người nói với nhân viên y tế đang đứng ở ngay đó, bác sĩ John đưa tay vuốt mặt thật mạnh, khuôn mặt hiền hậu hằn lên sự mệt mỏi, đôi mắt xanh xám vốn hiền hòa như bầu trời những ngày mùa thu bỗng chốc đã đỏ sọng hết cả lên. Người phụ nữ mới được mang tới, trên người cô ta mang một bộ quần áo nhàu nhĩ, bẩn thỉu và dính má.u đã rách tả tơi nhìn vô cùng thảm hại.
Không chỉ nhếch nhác, tàn tạ, cô ấy còn đang trong tình trạng hoảng loạn và có vẻ như rất sợ hãi khi thấy đàn ông đến gần mình. Và không chịu để bác sĩ khám chữa, luôn miệng la hét bằng tiếng bản địa.
“Bác sĩ, để tôi nói chuyện với cô ấy được không? Trong lúc đợi bác sĩ Stephanie tới.”
Ngọc Hà tiến lại gần nói với vị bác sĩ đang vô cùng căng thẳng kia bằng vốn tiếng Anh thuộc loại khá của mình, cô khẽ nở một nụ cười như trấn an vị bác sĩ. Ông ấy nhìn cô bằng ánh mắt không mấy tin tưởng và dường như sẽ chẳng đưa ra quyết định nào với lời đề nghị của Hà. Cô lại khẩn khoản nói thêm:
“Tôi sẽ không kích động cô ấy. Anh xem, cô ấy có vẻ sợ đàn ông.”
Huy ở phía sau giật giật tay áo Ngọc Hà. Anh ta muốn cô rời khỏi, nhìn vị bác sĩ kia chẳng có vẻ gì là sẽ để cho cô tiếp cận bệnh nhân của anh ta cả. Nhân viên y tế có mặt cũng vô cùng quan ngại.
Bác sĩ John khẽ thở hắt ra một cách não nề, trái ngược với những gì Huy suy đoán, ông ấy đè thấp giọng:
“Trước khi bác sĩ Stephanie tới cô đừng làm gì kích động đến cô ấy, có thể vệ sinh và giúp thay đồ.”
Nói rồi, ông ta bước nhanh ra khỏi lều. Bác sĩ John đi rất nhanh như thể không muốn để họ phát hiện ra sự bất an trên khuôn mặt mình.
Ngọc Hà nhìn Huy, hất mặt về phía cửa lều. Hiểu ý cô, Huy cùng nhân viên y tế nhanh chóng ra khỏi lều ngay sau bác sĩ John.
Người phụ nữ đang ngồi thu lu vào góc lều, cơ thể cô ta run lên bần bật, đôi mắt trắng dã trợn tròn nhìn xuống bàn chân đen đúa cũng đang run lẩy bẩy. Ngọc Hà khẽ nuốt khan, rồi thở nhẹ. Cô làm được. Cô từng giúp mẹ trấn an một phụ nữ sắp sinh trong tình huống đặc biệt. Cô sẽ làm được thôi.
Ngọc Hà tự nhủ, “Không kích động, chỉ an ủi, hỗ trợ vệ sinh thay đồ.”
Thấy có người bước đến gần người phụ nữ giật mình, theo phản xạ đưa tay ôm lấy thân người không ngừng lùi lại phía sau dù đã vào đường cùng, liên tục lắc đầu và nói gì đó bằng tiếng bản địa mà Ngọc Hà nghe không hiểu. Hàng mày thanh tú chợt nhíu lại, cô càng cố trấn an người phụ nữ ấy. Mồ hôi túa ra đầy trán Ngọc Hà, thấm ướt khăn trùm đầu của cô.
Ngọc Hà biết rằng cô ấy đang hoảng sợ. Cô khẽ nuốt khan nhìn bàn tay đen đúa đang bấu chặt vào da thịt, nước mắt không ngừng chảy ra trên khuôn mặt đáng thương ấy. Ngọc Hà thoáng xót xa trong lòng, cô như có thể cảm nhận được sự đau đớn, sợ hãi của người phụ nữ ấy.
“Fear not, fear not, we are here to help you” (đừng sợ, đừng sợ, chúng tôi ở đây để giúp cô.)
Giọng Ngọc Hà đầy khẩn khẩn khoản, tay cố tình vén khăn che mặt xuống thấp một chút, để lộ ra cả khuôn mặt khả ái đầy thân thiện đậm nét Á Đông của mình. Một chân Ngọc Hà đã quỳ lên chiếc giường bệnh dã chiến được dựng lên bằng ván gỗ. Tấm khăn trắng phủ bên trên đã bị người phụ nữ kia làm cho xô lệch, nhăn nhúm thu lại một chỗ, hở cả ván gỗ đã cong vênh vì nhiệt độ cao. Cô như đã gần với cô ấy hơn một chút.
“…”
Người phụ nữ lại liên tục lẩm bẩm trong miệng, cơ thể run rẩy.
Cô xót xa nhìn người phụ nữ đang hoảng loạn trước mặt. Chiến tranh thật sự quá khốc liệt, mà người phải hứng chịu đều là những người trên tay không một tấc sắt, phụ nữ và trẻ em. Họ bị đánh đập dã man, xâm hại tình dục, đe dọa mạng sống bởi chính những binh lính chính phủ mà đáng ra phải là người bảo vệ họ.
Những kẻ đó nhân danh bảo vệ hòa bình đất nước tiêu diệt phiến quân nổi loạn. Nhưng thực tế thì trái ngược lại, họ đàn áp dân thường. Đốt làng, xả súng vào người dân, giết chết đàn ông và trẻ em. Cưỡn.g bức phụ nữ khiến họ không còn nơi nương tựa mà phải tìm nơi tháo chạy thoát thân. Và Hamda này chính là nơi gần nhất họ có thể chạy tới.
Nhiều người đã bị bắt và giế.t chế.t trên đường di dời tị nạn trước khi bước qua được biên giới.
Cô khẽ chạm vào bàn tay đang run rẩy kia, nhẹ giọng trấn an:
“Đừng sợ.”
Người phụ nữ giật mình rụt tay lại, Ngọc Hà lại đưa tay mình ra với cô ấy.
Người phụ nữ ngước mắt nhìn Ngọc Hà, đôi mắt đen láy đã nhòe đi vì nước mắt và hoảng sợ. Đôi môi dày nhợt nhạt vẫn run run va vào nhau. Thu vào trong đôi mắt to tròn đó là nụ cười thân thiện của một người châu Á.
Ngọc Hà khẽ nở một nụ cười thật nhẹ với cô ấy, qua ánh mắt, cô có thể cảm nhận được người phụ nữ đã dần tiếp nhận mình:
“Bác sĩ sẽ đến sớm thôi, nào, để tôi giúp cô rửa vết thương.”
Cô ra hiệu với người phụ nữ rằng bản thân sẽ giúp cô ấy xử lý những vết thương trên người.