Nợ Tình

Chương 24



Tôi tròn xoe mắt đọc đi đọc lại dòng tin nhắn. Dạ vâng, một ông bố đã một vợ một con nhưng nhận định “ Tình yêu không khác gì nồi cám lợn”, tôi thật sự không thể tin nổi. Tôi nhắn lại:
– Khiếp, tình yêu thiêng liêng thế mà anh nhận định kiểu gì vậy. Anh cứ làm như chưa bao giờ yêu ai vậy đấy.
– Ừ thì chưa bao giờ yêu ai mà.
Tôi đang định nhắn “ Còn vợ anh”, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại vợ chồng hai người họ đang trục trặc, hơn nữa mới đầu năm mới cũng không nên khuấy đảo vết thương của người ta. Trong lúc còn đang nghĩ ngợi xem trả lời thế nào thì Dũng lại gửi tin nhắn đến tiếp:
– Cho đến khi gặp được cô!
6 từ “cho đến khi gặp được cô” tưởng chừng đơn giản nhưng nếu ghép với câu trên thì lại không hề đơn giản chút nào. Tự dưng trái tim tôi đập nhanh thình thịch, tôi không biết diễn tả cảm xúc lúc này của mình sao cho đúng nữa, có chút vui vui, có chút nôn nao, có chút lâng lâng như đang say rượu. Nhưng sau tất cả…tôi lại muốn trốn tránh, hy vọng vừa bén lên liền bị lí trí gạt ngay tức thì.
Tôi hỏi lại một câu chẳng liên quan:
– Cu Tin ngủ rồi hả anh? Hay còn thức đón giao thừa?
– Thằng bé ngủ rồi.
Sau đó anh liền gửi cho tôi một bức hình trong phòng làm việc của anh, trên bàn laptop vẫn mở những tài liệu về công ty, chẳng lẽ ngay cả cái giờ khắc này mà anh cũng phải làm việc sao? Tự nhiên nghĩ vậy tôi lại thấy thương thương. Bình thường tôi rất ngưỡng mộ những người giàu có, thậm chí có những lúc khổ quá tôi còn tự hỏi “tại sao cũng là kiếp người mà người ta giàu vậy, mình thì nghèo mãi”. Ngày hôm nay tôi mới hiểu rõ, hoá ra cái gì cũng có cái giá của nó, để có được thành công như hôm nay thì người như anh phải cố gắng nỗ lực rất nhiều, thậm chí là gấp trăm lần người bình thường như tôi.
Tôi nhắn lại:
– Anh sếp lớn vất vả thật ấy. Nhưng mà cả năm mới có mấy ngày tết, vẫn nên dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi sếp ạ.
– Ừ. Chúc cô năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm việc thật tốt, gặp nhiều may mắn.
– Cảm ơn anh nhé.
Sau đó Dũng cũng không trả lời lại nữa. Tôi cũng tắt điện thoại để sang một bên, đôi mắt lặng lẽ nhìn ra bên ngoài cửa sổ, lặng lẽ nhìn lên bầu trời cao, loa phát thanh vẫn đang vang lên bài hát chúc mừng năm mới. Chỉ ước giá như bây giờ có con nằm trong vòng tay mình thì Tết năm nay trọn vẹn biết mấy.
Giao thừa vui vẻ nhé con trai ơi…Củ Gừng của mẹ ơi…cu Tin ơi…!!! Hẹn con ở một cái tết khác ta xum vầy!!!
*******
Mấy ngày tết tôi cũng không đi đâu nhiều cả, quanh đi quẩn lại sang chúc tết họ hàng rồi lại về nhà. Tầm tuổi tôi ở quê các bạn đa số lấy chồng hết rồi, năm nay đi chúc Tết họ hàng ai cũng hỏi:
– Cái Quỳnh có người yêu chưa cháu? Tầm tuổi này lấy chồng thôi cháu à, đừng mải mê kiếm tiền quá mà quên mất chuyện quan trọng cả đời.
Tôi cười gượng gạo, trêu đùa bảo:
– Các bác các chú cứ chuẩn bị sẵn tinh thần dần đi. Chứ đùng cái cháu cưới chuẩn bị không kịp đâu đấy.
– Rồi, mọi người chờ câu nói này lắm rồi.
Sáng mồng 3 tết tôi chở mẹ về quê ngoại cách nhà tôi 6km. Lúc đến nơi, thấy mấy đứa em đang chơi trò bịt mắt bắt dê ở cổng, tôi đi đến phát lì xì cho từng đứa một rồi mới vào trong nhà. Khi bước vào cửa, tôi thấy cậu mợ và dì chú đằng ngoại nhà tôi đủ cả. Vẫn câu hỏi muôn thuở, ai cũng hỏi tôi năm nay vẫn chưa dẫn người yêu về à? Xong lại tới lượt mẹ tôi nói. Mà ở trong cái tình thế này chỉ có bài chuồn là nhanh nhất, đỡ phải áp lực chuyện lấy chồng. Thế là tôi nhìn về hướng mấy đứa nhỏ, vui vẻ cười bảo:
– Cho chị chơi cùng mới.
Mẹ tôi lắc đầu ngao ngán bảo:
– Đấy mọi người xem, lớn đầu nhưng vẫn trẻ con lắm, vẫn chơi mấy trò kia thì bao giờ mới lấy chồng được.
– Chị phải nói con bé nhiều vào, chứ năm nay 27 tuổi rồi đúng không?
Tôi mặc kệ lời nói của mọi người, mới đầu năm ra chẳng ai chúc kiếm nhiều tiền hay thế nào, mà cứ áp đặt phải lấy chồng là thế nào? Tôi và tụi nhỏ túm tay nhau chạy đông chạy tây, cười đùa ầm ỹ. Tôi vừa cười vừa hùa theo, nhưng chắc già rồi nên chân cẳng chẳng nhanh như mấy đứa trẻ trâu này nên cuối cùng trở thành kẻ bị bắt, sau đó phải bịt mắt lại rồi đi đuổi mọi người. Kể ra chơi cái trò này cũng vui, ngày nhỏ chơi nhiều rồi nên lúc chơi là cả một ký ức của tuổi thơ ùa về. Sau một hồi đuổi bắt bọn nhỏ không được, đến khi chân cẳng mỏi nhừ thì tôi cứ khua tay tóm bừa một người, cuối cùng cũng va phải một người, tôi vội vàng kéo người ấy lại. Đang cười vui sướng vì thoát kiếp bịt mắt thì một giọng nói quen thuộc vang lên:
– Cô có vẻ thích ngã vào lòng tôi quá nhỉ?
Câu nói này nghe quen quen, cả giọng nói này nữa, cả người tôi chợt sững lại, thấy có gì đó sai sai, rõ ràng chơi cùng tụi nhỏ mà giờ bắt được hẳn một người có thân hình cao lớn thế này, cao hơn tôi cả một cái đầu. Tôi chột dạ kéo bịt mắt ra, biết rõ trong đầu đó là anh nhưng khoảng khắc nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt đứng trước mặt mình tôi vẫn không sao tin nổi vì lẽ ra giờ này anh phải trên Hà Nội mới đúng. Tôi còn chưa kịp lên tiếng thì Dũng đã gõ nhẹ vào trán tôi một cái, anh bảo:
– Đồ trẻ con!
Tôi khẽ nhăn mặt, đưa tay xoa nhẹ trán mình, tôi đáp:
– Này nhá, đầu năm anh mà đánh tôi thì cả năm tôi bị giông đó.
– Đầu năm tôi đánh cô thì cả năm cô bị tôi đánh. Nhưng mà…
– Nhưng mà cái gì?
– Tôi đánh bằng cái khác.
“Đánh bằng cái khác” thề chứ tôi đã cố gắng nghĩ trong sáng rồi nhưng mà vẫn không tài nào nghĩ trong sáng nổi. Tự nhiên hai má đỏ lựng lên như quả cà chua chín cây. Sợ Dũng phát hiện ra, tôi quay mặt đi chỗ khác vài giây rồi hỏi:
– Sao anh lại ở đây?
– Nhà bạn tôi ở đây, tôi về chơi nhà bạn mình. Không được à?
– Được chứ, ai bảo gì anh đâu. Thế anh vào nhà bạn chơi đi, tôi cũng vào trong nhà trước đây.
– Mà này.
– Sao nữa?
Dũng nhìn tôi vài giây rồi móc trong túi ra một chiếc lì xì màu đỏ, giơ ra trước mặt tôi:
– Năm mới hay ăn chóng lớn.
Tôi tròn xoe mắt nhìn anh, sống mũi bất giác cay cay, đã lâu lắm rồi tôi mới được nhận lì xì, hơn nữa lại là lì xì của một vị sếp lạnh lùng. Tôi tủm tỉm cười bảo:
– Anh chuẩn bị lì xì cho tôi đó à?
– Đâu, vừa lì xì cho lũ trẻ, còn thừa 1 cái thì cho cô nốt.
Vừa xúc động chưa được bao lâu thì ai ngờ đã bị anh dội cho gáo nước lạnh. Nhưng thôi không sao, năm mới được lì xì đỏ là vui rồi, anh giàu vậy chắc vía cũng tốt, chỉ cần xin ít vía nho nhỏ của anh là cả năm cũng khấm khá.
– Dù sao cũng cảm ơn anh nhé.
– Ở đây gần biển đúng không?
– Đúng rồi.
– Đi bộ tí cho thoáng đi.
Quê tôi ở Nam Định nên có biển, từ nhà ngoại đi ra biển chắc chỉ tầm 10 phút là tới. Mà lâu rồi tôi cũng chưa đi ra biển, giờ vào trong nhà thì mọi người cũng chỉ nói đến chuyện chồng con, ngẫm nghĩ một lát tôi gật đầu:
– Vâng, cũng được thôi.
Trời hôm nay lạnh nhưng có nắng nhẹ, người ta đi chúc tết hết rồi nên biển vắng lắm, những tia nắng mặt trời chiếu xuống như phủ một lớp áo mới, lung linh đẹp đẽ đến lạ. Tôi và anh lặng lẽ đi dọc bờ biển, thỉnh thoảng những con sóng vỗ xô bờ như đùa nghịch dưới chân chúng tôi vậy. Người Dũng có một mùi nước hoa rất thơm, tôi không biết nhãn hiệu gì nhưng hương này nhẹ nhưng không nhạt, thơm nhưng không nồng, kiểu như lúc nào cũng hờ hững nhưng mang đầy vẻ quyến rũ giống con người anh.
Tôi và anh im lặng một lúc, thấy không khí cô đặc quá cuối cùng tôi quay sang hỏi:
– Anh đi thế này thì cu Tin ở nhà với ai?
– Nay mẹ nó đón.
Nghe vậy bỗng dưng tôi thấy lòng mình hụt hẫng lắm, cảm giác tủi thân nữa. Thế nhưng tôi không dám thể hiện, chỉ biết lén mọi cảm xúc vào sâu đáy lòng.
– Vậy à? Mà sao hôm nay tôi thấy anh không được khỏe lắm à?
– Mấy ngày tết uống nhiều rượu nát hết cả người.
– Uống rượu phải ăn được cơm mới đỡ.
– Ừ.
– Ơ mà bạn anh là ai vậy? Thử nói xem tôi biết không?
– Cô biết đấy.
– Ai thế?
– Trưởng phòng của cô đấy.
– Anh Duy á?
– Ừ.
– Ơ mà tôi tưởng anh ấy ở Hà Nội?
– Gốc Nam Định, sinh sống trên Hà Nội.
– À, thì ra là vậy.
Đi dạo thêm một lúc nữa thì Dũng bảo phải quay về vì lúc nữa phải trở về Hà Nội. Lúc về đang bước trên đường làng thì bất ngờ gặp anh Duy. Anh ngạc nhiên nhìn hai người chúng tôi, hỏi:
– Ủa Quỳnh, sao em cũng đi cùng Dũng vậy?
– À quê em ở đây anh ạ. Em cũng tình cờ gặp sếp thôi.
Anh Duy quay sang nhìn Dũng, nhíu mày nghi hoặc, miệng thì tủm tỉm cười:
– Bảo sao Tết năm anh rồng lại đến nhà tôm chơi. Hoá ra, lý do là vì đây!!!
Tôi ngơ ngác nhìn hai người, chẳng hiểu cái gì cả. Dũng thì cứ như bị anh Duy nói trúng tim đen, tự nhiên cáu nhặng lên quát:
– Không nói linh tinh nữa.
– Linh tinh? Hay nói trúng tiếng lòng cậu?
– Về thôi, tôi còn về Hà Nội.
Nói xong Dũng đẩy vai anh Duy để đi về phía trước. Trước khi về, anh Duy còn nói:
– Lúc nào rảnh anh qua nhà em chơi nhá Quỳnh.
– Dạ vâng ạ.
******
Sau tết, tôi bắt đầu quay trở về với guồng quay của cuộc sống thường ngày. Ban ngày tất bật đi làm ở công ty, buổi tối về nhà lại thiết kế thêm bán thời gian. Cũng chỉ có sự bận rộn mới khiến tôi nguôi đi nỗi nhớ con. Lắm lúc nhớ lắm nhưng mà mỗi khi bấm số gọi cho Dũng lại ngại. Cuối cùng sau gần một tháng không được gặp con, tôi đã lấy hết can đảm gọi cho anh. Thế nhưng anh vừa nghe máy đã bảo tôi:
– Tôi đang đưa cu Tin vào viện, thằng bé sốt cao quá mà không chịu ăn uống gì. Có gì tôi gọi lại cho cô sau nhé.
Tôi nghe xong toàn thân bủn rủn hết cả ra, lo lắng tới run run, tôi hỏi:
– Thằng bé sốt bao nhiêu độ, mà anh đưa con vào viện nào?
– 39 độ 5. Tôi đưa vào bệnh viện Vinmec. Thế nhé!
Nói xong chưa để tôi trả lời thì Dũng đã tắt máy. Tôi từ trên giường phi xuống đất, còn chẳng sửa soạn gì mà mặc mỗi cái áo khoác ngoài, đi đôi dép tổ ong lỗ, dắt con xe cà tàng chạy băng băng trên đường giữa thời tiết mưa phùn giá rét. Từng hạt mưa táp vào mặt tôi như những nhát dao khứa vào trái tim người mẹ. Mùa này trẻ con rất dễ bệnh đường hô hấp, đặc biệt là với một đứa trẻ sinh ra đã bị tim bẩm sinh thì sức khỏe lại càng kém hơn so với các bạn cùng tuổi. Vừa đi vừa nghĩ đến con mà tôi lại thương xót cả ruột. Khi chiếc xe dừng lại trước cổng bệnh viện, tôi chẳng nghĩ ngợi gì mà lao như điên vào bên trong. Lúc đến sảnh, tôi thấy Dũng đang đứng cùng bác sĩ, vừa định tiến tới chỗ anh thì bất ngờ tôi thấy chị Tâm từ một phòng bước ra nữa. Bàn chân đang bước của tôi chợt khựng lại. Phải rồi…tôi bây giờ lấy cái tư cách gì mà đến bên con lúc này???
Tôi thấy vợ chồng hai người đứng nói gì với bác sĩ rất lâu. Khi tôi còn tha thẩn đứng nhìn thì chợt thấy bóng dáng bố mẹ Dũng cũng đang từ xa đi tới. Tôi giật mình lùi lại nép vào một bức tường gần đó. Hai ông bà dường như lo lắng cho cháu quá đỗi nên cũng không để ý đến xung quanh. Khoảnh khắc ông bà bước qua tôi, thậm chí tôi không dám thở mạnh chỉ đứng yên như vậy.
Giọng ông bà vang lên:
– Sao rồi? thằng bé sao rồi?
Chị Tâm dịu dàng trả lời:
– Bác sĩ vừa tiêm thuốc hạ sốt rồi mẹ ạ. Bây giờ chờ đợi kết quả siêu âm nữa.
– Thế bác sĩ có chuẩn đoán thằng bé bị bệnh gì chưa?
– Dạ ban đầu chuẩn đoán bị viêm phổi mẹ ạ.
– Khổ thật, sao nhà gìn giữ như vậy mà vẫn bị viêm phổi là thế nào?
– Mùa này trẻ em bị nhiều lắm mẹ, khó tránh khỏi. Bố mẹ cũng đừng lo lắng quá.
– Ừ.
Tôi đứng đó đợi cho mấy người đi khuất hẳn rồi mới bước ra ngoài. Trời tuy đã sang mùa xuân nhưng năm nay rét đến muộn nên đi cũng muộn, ban nãy đi vội tôi chỉ mặc mỗi cái áo khoác, chân còn chẳng đi tất, cũng chẳng bao tay mũ nón gì cả, lúc này mới thấm được nước mưa hoà cùng cơn gió buốt lạnh. Dưới ánh đèn điện tôi cũng thấy tay mình đang tím tái, hàm răng cũng đánh vào nhau cầm cập. Tôi khẽ thở dài, vừa thương con vừa tủi thân cho chính mình. Tôi ngồi phệt xuống chiếc ghế trong một góc khuất của bệnh viện, ngước mắt nhìn lên bầu trời đen sâu thẳm, tôi tự hỏi bao giờ ông trời mới ngừng thử thách mẹ con tôi nữa đây? Không biết giờ này thằng bé đã hạ sốt chưa, đã chịu ăn uống gì chưa? Đêm nay ngủ có ngon không? Giá mà giây phút này được ôm con vào lòng, được chăm sóc cho con thì tốt biết mấy. Khổ sở nhất của một người mẹ có lẽ là đến ngay cả khi con cần mình cũng không được phép bên cạnh, có trách thì cũng chỉ trách bản thân mình vô dụng mà thôi.
Còn đang tha thẩn suy nghĩ thì bỗng nhiên một giọng nói trầm ấm vang lên:
– Cô Quỳnh? Sao giờ này lại ngồi ở đây?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương