Người Không Nên Yêu

Chương 4



Bác sĩ nói với tôi, lúc đưa đến đây, tổn thương của chị Tú đã rất nghiêm trọng, cứ nghĩ là không giữ được mạng sống, vượt qua được như vậy thì ý chí của chị quả nhiên không nhỏ. Có thể chính cái ý chí này sẽ giúp chị tỉnh lại. Còn dặn tôi thường xuyên nói chuyện với chị, đọc sách cho chị nghe, những điều này tuy nhỏ nhưng lại rất có ích cho việc khôi phục ý thức bệnh nhân.
Tôi nghe theo lời bác, không dám lơ là, vì nếu chỉ có thể hy vọng thì phải sử dụng niềm tin này một cách triệt để. Quyết không thể tuột mất một tia hiếm hoi nào.
Chị Tú nằm viện được một tuần thì tôi đã không còn một xu dính túi. Tiền phẫu thuật, tiền điều trị từ bữa đến giờ tất cả đều chưa thanh toán. Tôi cũng chẳng biết có thể duy trì được điều này đến bao giờ. Bệnh viện đã nhắc nộp tiền mấy lần rồi, cũng may bác sĩ với y tá ở đây thấy tôi đáng thương nên đứng ra bảo lãnh giúp, còn phụ tôi một ít để lo cho chị nữa. Nhưng như vậy cũng không phải cách hay. Chị tôi nằm đây, xác định là lâu dài. Cứ như vậy hoài thì có bồ tát sống dậy cũng không thể nào giúp được chúng tôi.
Đang lúc bế tắc thì chủ quán karaoke gọi vào máy của chị Tú. Dù là công việc gì thì chị tôi cũng từng làm nhân viên của người nọ. Tất nhiên, tôi cũng phải thông báo lý do tại sao chị không thể đi làm. Sau lần đó, chúng tôi có nói chuyện với nhau vài lần.
– Alo! Em nghe.
” À, em là em gái của Tú à?”
– Dạ chị, chị có chuyện gì sao?
” Chúng ta có thể gặp nhau một chút không? Chị có vài thứ muốn đưa lại cho Tú.”
– Vâng, vậy em có thể gặp chị ở đâu vậy ạ?
” Ở gần bệnh viện có quán cà phê nào không? Để chị ghé qua cho.”
– Đối diện có một quán. Nếu được chị đến đó nhé.
” Được rồi. Bao giờ em rảnh?”
– Bây giờ cũng được ạ.
” Ừ! Vậy tầm 15 phút nữa chị ghé .”
Tôi không biết người phụ nữ kia muốn gửi đồ gì cho chị Tú. Chị ấy chỉ đến đó làm việc, hết giờ thì về. Công việc cũng chẳng cần dụng cụ hay giấy tờ gì. Càng nghĩ lại càng cảm thấy có chút vô lý. Nhưng vì tôi đã hứa gặp người ta rồi, giờ không thể nuốt lời được. Thôi thì cứ đi một chuyến vậy, dù sao cũng là một nơi đông người, có chuyện gì tôi chỉ cần hô lên một tiếng là xong.
Tôi ra quán cà phê thì chủ quán karaoke đã đợi sẵn ở đó. Lúc chị Tú mới nằm viện, người này có đến một lần nên chúng tôi đã biết qua khuôn mặt của đối phương . Gọi là chị vậy thôi nhưng chắc phải hơn tôi 2 con giáp.
– Em đến rồi à?
– Vâng, chị ngồi lâu chưa?
– Cũng mới thôi, tại chị có chút việc gần đây nên ghé qua sớm một chút.
– À ! Vâng ạ.
– Em uống gì?
– Không cần đâu chị, em ra một chút rồi lại vào ngay.
Thấy tôi từ nãy đến giờ vẫn đứng nên có người nhắc:
– Làm cái gì mà vội thế. Ngồi đi, không thể uống với chị một cốc nước sao?
Chị ta đã nói đến đây, xem ra tôi từ chối cũng chẳng phải phép:
– Vâng, thế chị gọi cho em một chai nước suối là được rồi.
– Uống nước suối làm sao có chất. Để chị gọi cho em cốc nước cam, uống cho khỏe người nhé.
– Vâng, thế cũng được.
Một lúc sau, phục vụ đã mang nước cam lên cho tôi. Nhưng tôi không dám uống. Dẫu sao người phụ nữ này cũng đâu đơn giản, đề phòng vẫn hơn.
– Em sợ?
– Sợ gì hả chị?
– Sợ chị thuê người bỏ thuốc vào nước của em.
Tôi không nghĩ là người kia có thể nhìn thấy suy nghĩ của tôi như vậy. Thoáng chốc có chút mất tự nhiên:
– Làm gì có ạ.
Vừa nghe tôi dứt câu, người này đã dùng muỗng của mình múc lên một ít nước từ trong cốc của tôi:
– Em yên tâm, chị không làm mấy trò đồi bại đó đâu.
Tôi cười gượng, đành hút chút nước cam:
– Không phải đâu chị. Tại em chưa khát thôi.
Một người không vạch trần tôi, chỉ dùng ngữ điệu như biết tỏng mà đáp:
– Ừ!
Nói xong, chị ta lấy trong ví ra 1 xấp tiền.Có lẽ đây là thứ mà chị Tú bỏ quên như lời bà chủ quán karaoke nói chăng?
– Đây! Em cầm lấy.
Tôi thụt tay lại. Không phải vì lòng tự trọng cao hay gì cả. Thật sự đến giờ phút này, lòng tự trọng không thể nào giúp chị Tú nên tôi sớm đã dẹp nó qua một bên rồi. Chỉ là bản thân hiểu rõ, với loại người như thế này, làm gì có chuyện đem tiền đi cho người khác:
– Thôi chị ạ, em không dám cầm đâu.
– Nghe nói tiền viện phí của con Tú mắc lắm à? Cứ cầm lấy đi em, cầm mà lo cho chị.
Tôi không dám giở tiền ra xem nhưng đoán độ dày này thì cũng phải vài chục triệu.
– Số tiền này lớn quá, em không dám nhận.
– Cầm lấy, cái này chị cho con Tú, là tiền của nó nên em không cần ngại.
– Chị cho thật ạ?
– Chứ em nghĩ chị tính ra điều kiện với em à?
Thú thật giờ tôi rất cần tiền, với còn số này có lẽ sẽ giúp ít cho khoản viện phí tôi đang nợ bệnh viện. Đắn đo mãi, cuối cùng bản thân cũng không nhất quyết trả lại nữa. Thôi thì nhắm mắt làm liều vậy. Dù sao chị ta cũng chẳng ép tôi phải làm gì cả.
– Em là em gái ruột của Tú à? Sao từ trước đến giờ chị không gặp em nhỉ?
– Dạ không, em là bạn bè với chị ấy thôi.
– Bạn bè mà thân thiết như thế thì chắc tình cảm phải rất đặc biệt. Không phải em là bạn tù với nó đấy chứ.
Người phụ nữ nọ nói câu nào là chắc câu đó. Y như thể trước khi đến đây đã điều tra rất kỹ về tôi vậy. Chị ta đoán ra rồi thì tôi cũng không giấu diếm nữa:
– Vâng, em đúng là bạn tù với chị ấy.
– Ừ! Thế em đã xin được việc chưa? Chị nghe bảo đi tù rồi, về khó xin việc lắm.
Không muốn bị bà chủ quán karaoke tiếp tục nắm thóp nên tôi mạnh miệng nói dối:
– Dạ, em xin được việc rồi.
– Ui thế thì tiếc nhỉ. Chỗ chị đang tuyển nhân viên. Cỡ nhan sắc của em thì chỉ cần tiếp vài khách, chị tự tin em sẽ kiếm được gấp mấy lần số tiền hôm nay chị đưa. Mà em có việc rồi thì chị cũng mừng, giờ thuốc mem đắt đỏ, con Tú lại phải ở phòng chăm sóc đặc biệt. Không có việc ổn định thì vất vả lắm em ạ.
– Vâng.
– Thế thôi chị đi trước đây. Có gì em cứ gọi vào số của chị nhé. Giúp được gì chị sẽ giúp. Thú thật tuy chỉ mới gặp em vài lần nhưng chị quý em lắm đó.
– Em cảm ơn chị.
– Ừ , không có gì. À mà chết, nói chuyện bữa giờ chưa biết em tên gì. Chị tên Xuyến.
Tôi cũng lịch sự đáp lại:
– Vâng, em tên Diệp Anh.
– Tên đẹp. Nếu sau em làm cho chị thì không cần phải đổi tên nữa.
con người này ăn nói rất khéo léo nhưng ý tứ lại vô cùng rõ ràng. Chị ta là muốn tôi làm việc cho chị ta. Nhưng công việc đó, tôi thực sự không muốn làm. Tôi còn phải lập gia đình. Lý lịch bản thân đã không được trong sạch rồi, thế nên tôi nhất định phải giữ mình trọn vẹn cho bạn đời sau này.
Nghĩ là nghĩ vậy nhưng vài hôm sau đó bản thân lại bắt đầu mâu thuẫn. Mụ Xuyến nói đúng, nếu tôi không có việc làm thì các khoản chi phí nằm viện của chị Tú quả là một điều bế tắc. Thật sự bản thân nào muốn lâm vào tình thế này. Mấy hôm nay tôi có thử đến thêm vài chỗ nhưng vẫn vì cái lý lịch tù tội mà tôi lại tiếp tục bị từ chối. Dù bản thân có nói gì, thậm chí cầu xin họ cho tôi một công việc. Vậy mà chẳng ai chịu nhận tôi cả. Tôi không dám trách họ, giờ dân thất nghiệp đầy ra đó, lựa chọn kỹ một chút cũng là lẽ thường tình.
Công việc trong sạch, mức lương ổn định, với tôi giờ đã trở thành chuyện không tưởng. Nhìn con số viện phí của chị Tú ngày một tăng. Tôi biết mình chẳng thể đứng yên chờ vận may tới nữa.
Ngày thứ 10 sau lần gặp kia, tôi đành buông xuôi trước số phận mà gọi cho bà chủ quán karaoke kia. Rất nhanh một người đã nhận máy của tôi:
” Alo, Xuyến nghe đây.”
Tôi ậm ờ mãi mới nói thành lời:
– Chị Xuyến là em.
” Diệp Anh đó à? Sao vậy em? Có chuyện gì mà điện chị thế?”
– Em… Em…
Vẫn như những lần trước, chỉ cần bản thân mở lời là có một người đã dễ dàng đoán được suy nghĩ của tôi:
” Nghĩ thông rồi à. Chỗ chị luôn chào đón em đến làm đấy. Nếu em cần thì ngày mai có thể ghé.”
– Vậy mai em ghé chị nhé.
” Ừ! Mai ghé chị, chị sẽ hướng dẫn công việc cho em.”
Cứ như thế, tôi chính thức bước vào cái nghề không trong sạch đó. Vậy là 21 tuổi, thứ tôi có trong tay là một bản lý lịch toàn tích đen. Đi tù, làm gái. Bao nhiêu thứ nhơ nhớp tôi đã và sẽ thực hiện. Tôi không biết, sau này làm sao để ngẩng mặt lên nhìn đời. Nhưng hiện tại bản thân không còn sự lựa chọn khác. Làm gái thì đã sao, chỉ cần có thể đền đáp cho người bản thân mang ơn thì tôi nghĩ như vậy cũng xứng đáng. Huống hồ tôi cũng từng ăn, từng uống, từng dùng những đồng tiền không trong sạch đó. Giờ xem ra cũng chẳng khác gì, có khác thì chỉ là nó được kiếm từ chính thân thể của tôi mà thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương