Người Không Nên Yêu

Chương 3



Tôi không ngủ được nên cứ bứt rứt mãi. Không dám cử động quá mạnh vì sợ ảnh hưởng đến chị Tú. Nhưng nào ngờ bà ấy vẫn chưa ngủ.
– Không ngủ đi?
Tôi thở một hơi ra:
– Chị cũng chưa ngủ ạ?
– Mày cứ lật qua lật lại, ngủ thế quái nào được.
– Em xin lỗi.
– Lại nghĩ linh tinh đó à?
Sợ chị lo nên tôi chối đây đẩy:
– Dạ không. Chắc em lạ chỗ nên ngủ không được.
Chị Tú phì cười:
– Thế là mày thích ngủ trong tù hả?
– Em cũng chẳng biết nữa. Nhưng mà ngủ miết cũng quen.
Tôi nhớ lại không gian nhỏ bé và trật hẹp kia. Nực cười, tự nhiên thấy trong đó rất bình yên. Chí ít cơm có người nấu, chỗ ngủ cũng không bị mất tiền. Là một cuộc sống không vướng bộn bề.
Hai chị em tôi im lặng, không ai ngủ nhưng cũng chẳng ai nói với nhau lời nào. Mãi lâu sau, chị Tú mới hỏi:
– Mày có ý định trả thù không?
Tôi nhìn lên trần nhà, dưới ánh đèn ngủ lờ mờ, hai cái bóng của chị em tôi trông thật chông chênh:
– Làm được gì hả chị? Bọn họ có quyền có thế. Em một thân một mình. Giờ ngay cả kiếm ăn còn khó khăn thì sao mà trả thù.
Chị Tú đồng tình, chị bảo tôi:
– Ừ! Cứ bình thường mà sống em ạ. Mày còn trẻ, tương lai phía trước còn rộng mở, tội gì vướng vào thù hằn.
Tương lai, một đứa tù tội, lại không có bằng cấp gì như tôi thì lấy tương lai ở đâu.
– Chị nghĩ em có tương lai không?
Ngay cả chị Tú cũng không trả lời được câu hỏi này của tôi. Chị ấy có vẻ đang muốn lảng tránh:
– Thôi ngủ đi. Chuyện tương lai, tương lai tính.
Tôi hiểu rõ cuộc đời chúng tôi đã quá bết bát, muốn làm lại dường như rất khó. Ngay cả bản thân chị cũng phải chấp nhận nhúng thân vào chàm thì lấy đâu ra tự tin để khẳng định cuộc đời tôi sẽ tươi sáng.
– Vâng, chị em mình ngủ thôi.
Nói thì nói vậy nhưng đến cùng cả hai đều chẳng đứa nào chịu ngủ. Sáng hôm sau, chúng tôi vừa ăn vừa ngắm khuôn mặt gấu trúc của đối phương, nhịn không được cười khan cả buổi.
Ăn sáng xong, chị Tú dẫn tôi lên ngôi chùa mẹ tôi được gửi vào. Nó nằm cách thành phố tầm 20 cây số. Chúng tôi đi xe buýt rồi leo hết 1 quả núi mới có thể đến nơi.
Chùa ở đây khá nhỏ nhưng lại rất đông người đến viếng. Từ trong ra ngoài tấp nập người ra kẻ vào. Bởi vậy các sư cô cũng không thể giúp chúng tôi tìm mẹ. Chỉ có thể đưa cả hai đến nơi đặt tro cốt trong chùa.
Ở đây số lượng tro cốt rất nhiều, hai chị em tôi mất cả buổi mới có thể tìm thấy mẹ. Cũng may là người gửi đã ghi tên bà trên hộp, bằng không chuyến này chúng tôi đi đúng là vô vọng.
Tôi chẳng nhớ mình đã nói gì với mẹ. Cũng không rõ bản thân đã khóc bao lâu, chỉ biết đến lúc mắt sưng tới mức không còn chỗ cho nước mắt trào ra thì tôi mới chịu nín. Chị Tú không nói gì, chỉ im lặng đứng bên cạnh mẹ con tôi.
Nắng nhạt nhòa rọi vào căn phòng tĩnh lặng, có chút ấm áp lưu luyến chạm vào da tay khiến bản thân cứ ngỡ mẹ đang nắm lấy tay mình. Chỉ là cảm giác ấy quá nhạt nhòa, phút chốc đã tan theo làn gió.
Chúng tôi ở đó một ngày, buổi tối chị Tú còn phải đi làm nên cả hai đành về. Lúc đi qua phòng trụ trì để cảm ơn thì gặp một người đàn ông cũng từ đó bước ra. Người kia rất cao, cả thân hình dường như có thể che hết tầm nhìn của tôi. Thân hình thì cho người khác cảm giác che chở là thế nhưng khuôn mặt lại khác biệt hoàn toàn. Cứ như kiểu tôi có thù hằn 8 kiếp với anh ta vậy.
Để giữ phép lịch sự tôi vẫn cúi người chào kẻ kia một cái. Còn cái tên trời đánh ấy lại lướt qua như thể tôi là không khí. Xém nữa làm chính tôi nghi ngờ sự tồn tại của bản thân. Cũng may là có tiếng trụ trì gọi:
– Hai cô có chuyện gì à?
Tôi dọn dẹp hết hình ảnh bất lịch sự của một người, quay vào trong nói chuyện với trụ trì. Chúng tôi mới nói chuyện được vài câu, tôi quay ra đã thấy bóng lưng kia đâu mất hút. Trong lòng tự nhiên cảm thấy tên kia rất giống ma quỷ. Đi nhanh đến mức phi thường.
Vài hôm sau đó, tôi vẫn bền bỉ đi xin việc. Nhưng sự thể không mấy khả quan. Như lời chị Tú nói trước đó, chúng tôi có tiền án tiền sự, ai thấy cũng muốn né.
Cuối cùng, tôi chỉ có thể xin rửa bát cho một cô bán bún đầu ngỏ. Chỉ là quán cô nhỏ, công việc không có nhiều, bình thường cô sẽ tự làm hết. Hôm nào đông khách mới gọi tôi đến phụ thôi.
Nói trắng ra, tôi vẫn là đứa thất nghiệp.
Sau một ngày lê lết khắp nơi, tôi về phòng , người mỏi đến rã rời nhưng không tài nào ngủ được.
3 giờ sáng chị Tú về. Mua cho tôi bát bún bò. Nếu không phải bị mùi thịt bò kích thích chắc tôi sẽ quên béng luôn việc cả ngày nay, mình không có chút gì trong bụng.
Tôi gắp bún lên ăn lấy ăn để. Còn chị Tú thì ngồi bên cạnh chê bai:
– Xem mày kìa, tao mà không mua cho, chắc mày chết đói rồi đấy.
– Cả ngày nay em đi đủ chỗ, quên mất là chưa ăn luôn.
– Thôi, không kiếm được việc thì cứ ở nhà, xem như mày là vú em của tao. Ở nhà cơm nước nhà cửa là được.
Tôi lắc đầu:
– Đâu có được. Em có tay có chân mà. Phải đi kiếm tiền chứ.
– Kiếm tiền kiểu gì? Ai thuê mày?
Lời chị Tú nói tuy có hơi thẳng thừng nhưng lại đúng. Thật, mấy hôm nay tôi đi xin không biết bao nhiêu chỗ. Nhìn lý lịch tù tội của tôi là họ đã tránh xa 800 dặm rồi. Chỉ có cô bán bún đầu ngỏ nhìn mặt tôi hiền lành nên mới nhận tôi làm thời vụ. Nhưng nếu để cô biết tôi từng đi tù thì công việc kia cũng chẳng đến lượt tôi.
– Chị nói xem, giờ em phải làm sao?
– Cứ ở nhà một thời gian đi. Để tao kiếm đủ tiền, tao với mày mở cái quán nho nhỏ, kinh doanh bậy bạ vài mặt hàng. Chẳng phải phụ thuộc vào ai.
Nghe chị nói mà tôi thương chị quá. Giờ tôi không làm được gì, lại trở thành gánh nặng của chị:
– Chị Tú, em xin lỗi.
– Lỗi phải gì. Tao xem mày như em út trong nhà.
Tôi ứa nước mắt:
– Vậy đứa em này báo hại chị quá rồi.
– Yên tâm, tao có mắt nhìn người. Tao tin sau này, mày sẽ là cây hái ra tiền. Lúc đó đừng bảo tao bào mày đó.
Tôi lắc đầu:
– Không đâu. Em mà có tiền thì sẽ cho chị tất.
– Nói được làm được.
Tôi đưa tay ra muốn móc ngoéo. Chị Tú thấy vậy thì hất tay tôi rồi phì cười:
– Tao tin mày.
Từ ngày hôm đó, ngoài ở nhà đi chợ nấu cơm với lâu lâu chạy ra chỗ bà chủ bán bún phụ mỗi khi cô ấy cần ra thì tôi liền trở thành đứa thừa thãi. Lắm lúc muốn ôm đồ đi khỏi đây để không trở thành gánh nặng cho chị Tú. Nhưng rồi mỗi lần bà ấy bị khách chuốc say đến mức suýt ngất đến nơi. Tôi lại không đành lòng mà tiếp tục ở lại. Lỡ đêm hôm chị có chuyện gì, chắc tôi cả đời sống trong dằn vặt mất.
Cứ thế, tôi an phận làm một con mọt gạo lúc nào chẳng hay. Tất nhiên con mọt lâu lâu cũng chui ra khỏi thùng, đi lanh quanh tìm việc, nhưng quanh quẩn rồi cũng phải chui về chỗ ở cũ.
Một hôm chị Tú về rất muộn, bình thường nếu chỉ làm ở quán karaoke thì tầm 12 giờ bà ấy đã về rồi. Nếu có đi khách ở ngoài thì cũng sẽ gọi điện bảo tôi. Nhưng hôm nay, tôi chờ mãi mà không nhận được bất kì một cuộc nào từ chị . Gọi cho bà ấy thì cũng thuê bao. Trong lòng cứ bất an mãi không yên. 2 giờ sáng, tôi nhịn không được mà đi ra ngoài.
Cách trọ tầm 500 mét, tôi thấy một người đang nằm co ro giữa đường. Tôi tới gần, dưới ánh đèn flash của điện thoại, khuôn mặt chị Tú đã rõ ràng, quần áo trên người bị xé nát tươm, tóc cũng bị cắt mất một góc. Nhìn rất giống bị đánh ghen.
Tôi chạy đến đỡ chị, cố gắng gọi:
– Chị Tú! Chị có làm sao không? Sao lại ra nông nỗi này?
Chị yếu ớt mở mắt, xong lại nhắm. Tôi lúc này mới phát hiện tay mình có chút ươn ướt, mùi tanh nồng cũng xộc lên cánh mũi. Cả người tôi đơ cứng ra, biết đó là gì nhưng vẫn không dám tin.
Tôi run run cầm điện thoại, mãi mới gọi được cho 115 . Đến lúc xe cấp cứu rọi vào mặt, bản thân dần dần tỉnh táo hơn,nước mắt cũng vô tức trào ra:
– Làm ơn cứu chị tôi với, làm ơn.
Nhân viên y tế mang băng ca đến rồi động viên tôi:
– Chị cứ bình tĩnh, đó là công việc của chúng tôi, chúng tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức.
Dù gật đầu nhưng lòng tôi vẫn rất ngổn ngang. Trên xe, tôi luôn nắm chặt tay chị Tú, mắt không dám rời đi dù chỉ một giây, tôi sợ chỉ cần bản thân lơ là thì chị sẽ không còn bên cạnh tôi nữa. Tôi đã mất mẹ rồi, tôi không thể mất thêm người chị này nữa.
Rất nhanh, chị Tú đã được đưa vào phòng cấp cứu, có trời mới biết, 7 tiếng đó là 7 tiếng dài nhất của cuộc đời tôi.
Đến khi ánh đèn phòng cấp cứu được bật xanh, tôi vẫn chưa biết bản thân nên vui hay nên buồn.
Bác sĩ tháo khẩu trang xuống, nhìn tôi từ tốn nói:
– Tạm thời tính mạng bệnh nhân đã được bảo toàn. Nhưng vết thương trên đầu ảnh hưởng quá lớn đến não bộ, có thể tỉnh lại được hay không là do ý chí sinh tồn của cô ấy.
Nghe xong lời này tôi như một đứa bị ném xuống từ 9 tầng mây. Nói như vậy thì chẳng khác nào chị tôi có thể sẽ trở thành người thực vật. Sống như vậy thì sống khác nào chết.
– Bác sĩ, khả năng chị tôi có thể tỉnh lại là bao nhiêu?
Bác ấy lắc đầu:
– Không cao lắm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng.
Hy vọng! Vậy là gần như không thể rồi còn gì. Mới chiều nay chị còn bảo mai đi chợ mua cá về nấu canh chua. Tôi còn chưa kịp nấu. Giờ muốn nấu cho chị ăn cũng là chuyện khó khăn. Đột nhiên tôi nhớ giọng nói của chị, nhớ mấy câu chửi thề của chị. Nhưng mà liệu còn có thể không

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương