Lời Hứa Của Anh

Chương 9-10



“Nếu như chuyện này lộ ra thì không tốt đối với danh tiếng nhà chúng ta. Con và Kiên chưa có gì với nhau cả, mà nó không yêu con, ở với nhau cũng khổ cả đời. Con xem, có thể dùng lý do đi du học để ly hôn với Kiên không? Bố sẽ bù đắp cho con.”
Phải khoảng một phút sau khi ông Nhâm nói những lời này, Minh Thư vẫn đang cố gắng “đọc hiểu” từng chữ của ông. Cô bần thần ngồi xuống, nhìn vào chùm đèn vàng ở trên bàn:
“Ý bố khi gọi con về đây là… Muốn con nhận lỗi về mình khi ly hôn, để bảo toàn danh dự cho chị Thy sao?”
Thực ra Nhã Thy đến tận nhà tìm sáng nay đã cho cô linh cảm này từ lâu. Sự có mặt của đứa trẻ kia không nằm ngoài sự suy đoán của cô. Mặc dù chuyện đó hết sức đau đớn, nhưng cô vẫn còn có thể chịu đựng được. Duy nhất chỉ có chuyện này.
Người thân của cô, ông ấy nói rằng muốn cô gánh toàn bộ tội lỗi cho cuộc hôn nhân hôn đổ vỡ, chỉ để cứu vớt người đã cướp chồng của cô.
Đúng là điên rồi, điên thật rồi. Minh Thư cười gượng, hỏi lại: “Bố có chắc chứ?”
“Con hiểu cho tấm lòng của bố đi. Bên nhà ngoại của Thy đang gây sức ép. Anh con đang chuẩn bị tiến vào giới chính trị. Giờ họ trở mặt đối với nhà chúng ta không tốt. Hơn nữa con cũng biết thủ đoạn của nhà họ đó. Đến lúc đó bố không thể nào bảo vệ cho cả hai mẹ con.”
“Dạ.”
“Con nói gì cơ?”
Ông Nhâm ngạc nhiên trước phản ứng của Minh Thư. Hơn ai hết, ông biết con bé rất yêu Kiên. Yêu đến nỗi suốt ba năm theo đuổi tình yêu, dù có bị người mình thích hiểu lầm cũng không muốn từ bỏ. Kiên và Thy từng là người yêu, quan hệ giữa hai người rành rành ra đấy. Minh Thư theo đuổi tình yêu, trước là bị họ hàng cười chê, sau đó, ngay cả Kiên cũng không chấp nhận nổi mối quan hệ này.
Nhưng cô vẫn kiên trì ba năm, cưới được người mình thương về.
Cho nên vốn dĩ ông Nhâm nghĩ rằng sẽ phải thuyết phục cô thật lâu, đưa ra nhiều điều kiện. Nào ngờ cô lại đồng ý nhanh thế.
Minh Thư nghiêm túc gật đầu: “Để cho mọi người bớt khó xử, con đồng ý. Như bố nói, anh Kiên vẫn ôm bóng hình chị Thy, con có cố chấp cũng chẳng được gì.”
Ông Nhâm vuốt tóc cô: “Đúng là con gái ngoan. Con chịu thiệt rồi.”
Minh Thư không đáp lời, mà rút một tờ giấy ra trước sự khó hiểu của bố:
“Nhưng con muốn bố kí với con một hợp đồng.”
Người đàn ông trung niên đứng đực trong căn phòng trống trải. Bỗng nhiên, ông cảm thấy có gì rất quan trọng vừa rời mình đi.
“Con muốn kí hợp đồng gì?”
Cô ngước lên nhìn ông với đôi mắt ráo hoảnh: “Con tình nguyện từ bỏ cuộc hôn nhân của mình với Kiên để đổi lấy cơ hội du học và thăng tiến. Là con tham lam, có lỗi với Kiên, chứ anh ấy không phụ gì con cả. Nên việc một hai tháng sau có một người khác bước vào nhà họ Hoàng thay thế cho con cũng vô cùng hợp lý.”
Cô nhấn mạnh từng từ một, ôm toàn bộ tội lỗi về mình: “Nhưng con muốn có 300 triệu tiền mặt, một căn nhà ở ngoại ô đứng tên con. Ngoài con ra, chỉ có mẹ có thể bước vào căn nhà đó. Con muốn mẹ ra ở riêng.”
“Nhà với tiền có thể. Nhưng tại sao phải bắt mẹ con ở riêng?”
“Mẹ con không đấu lại người nhà chị Thy. Nếu như không phải mẹ không muốn rời xa bố, con sẽ đưa mẹ đi.”
Ánh mắt Minh Thư trở nên sắc bén, khiến cho ông Nhâm há hốc miệng không biết nói thế nào. Ông nhìn cô viết từng điều khoản trên tờ giấy trắng, rồi lại sao một bản khác.
Từ bao giờ giữa bố với con lại phải viết hợp đồng như thế này? Ông cảm thấy cái kính trên mắt phủ đầy hơi sương, không lau sạch nổi.
Sau khi viết xong, Minh Thư đẩy tờ giấy ra:
“Bố ký di. Con bổ sung thêm một điều khoản. Con chỉ giả vờ đi du học, nửa tháng sau sẽ về.”
“Được. Bố ký. Bố cho con thêm 200 triệu.”
Minh Thư không từ chối món quà này. Cô đợi ông ký xong, kiểm tra lại cẩn thận mới cất một bản đi.
“Được rồi. Con đi đây.” Cô vươn người đứng dậy.
“Con không chào mẹ à?”
“Không cần nói cho mẹ là con đến đâu. Mẹ vừa gặp con trưa nay.”
“Ừ. Để bố tiễn con.”
“Không cần đâu ạ. Con tự đi được.”
Những câu vụn vặt tiễn chân Minh Thư ra cửa. Cô dặn bố mình ở trong phòng tránh sương rét, rồi theo đường cũ trở ra. Đến không ai đón, trở về cũng không ai hay.
Ra đến cổng, cô gặp Nhã Thy.
Hai mắt chị ta đỏ ửng, hình như vừa mới khóc. Hoặc là cô nhìn nhầm, chứ Nhã Thy còn gì nữa mà phải khóc?
Cô hà hơi vào tay cho khỏi lạnh, chợt hỏi:
“Chị đang làm gì vậy?”
“Em sắp ra nước ngoài à?” Giọng Nhã Thy hơi khàn. Lúc này, Thư có thể xác định chị ta khóc thật.
“Ừ. Cuối tuần em đi.”
Nhã Thy bỗng dưng hỏi một cậu rất khó hiểu:
“Em không nhảy dựng lên muốn giết chị sao?”
“Để làm gì? Để chị lại đi cáo trạng với bà nội đánh đòn tôi sao?”
“Đi nước ngoài cũng tốt. Sau này nếu như hai người không gặp nhau, có lẽ cả hai đều được sống tốt.” Nhã Thy đánh lạc hướng, lẩm bẩm.
“Đúng vậy, cả hai đều sống tốt.”
Minh Thư chợt nghĩ ra cái gì. Cô mở túi xách, lôi một cái vòng tay có gắn chiếc chuông nho nhỏ ra. Trên chiếc chuông có khắc hai chữ T lồng vào nhau, giờ đã mờ lắm rồi. Cô khẽ sờ nó, rồi đặt lên tay chị mình.
“Trả chị. Chắc cái còn lại chị đã vứt đi rồi. Cái này chị vứt nốt đi cũng được.”
CHƯƠNG 10: HỘI NGỘ TỪ THANH NGHIÊM
Chiếc cầu dài bắc ngang sông rực rỡ ánh đèn. Thư chậm rãi dạo trên các nhịp cầu, rồi dừng lại tựa lưng vào một bên thành. Gió từ sông Hồng thổi lên mát rượi.
Cô hơi khó chịu, cúi đầu xuống để gió thổi tan hết thảy sầu muộn.
Gió thốc vào trong tấm áo mỏng, hơi lạnh bọc lấy Thư. Cô nhún chân lên, co người lại.
“Cô điên rồi!”
Một bàn tay mạnh mẽ cứng rắn vươn ra, ôm trọn lấy Thư. Lưng cô đập vào xương trên người đàn ông, đau điếng.
Cô vùng vẫy khỏi vòng tay kia, hét lên:
“Buông tôi ra! Đồ khốn!”
“Để làm gì?” Người đàn ông xoay mạnh Thư, để cô đối mặt với mình: “Tôi thật sự hối hận khi cứu một người hèn nhát của cô!”
“Hả?”
“Cô hả cái gì?”
Thư nghiêng đầu nhìn người đàn ông, khi thấy khuôn mặt rất đỗi quen thuộc, sự cảnh giác trong mắt cô lui đi.
“Sao anh lại ở đây?”
Nghiêm cười cợt: “Cô đang trách tôi phá hỏng chuyện tốt của mình à?”
Thư giằng tay anh ra: “Anh có bệnh hả? Tôi đang hóng gió. Buông tôi ra giùm. Tôi chưa điên đến nỗi đang hạnh phúc như thế này lại đi tự tử, chỉ có anh điên thôi.”
Nghiêm nhìn cô, cảm thấy cực kỳ khó tin.
“Không phải… không phải cô định nhảy xuống?”
“Tất nhiên không phải?”
Thư kiễng chân, đặt hai tay lên hai vai người đàn ông: “Này tổng giám đốc Phùng Thanh Nghiêm, anh đừng có trông gà hóa quốc được không hả?”
Nghiêm thẹn quá hóa giận, gạt tay cô ra khỏi người mình:
“Không phải ma mà nửa đêm còn vật vờ ở đầu cầu.”
“Ô. Anh không hiểu đâu. Anh nhìn kia kìa…” Minh Thư chỉ một cặp đôi đang nắm tay nhau đi trên cầu, cười tươi rói. “Đêm thế này ở trên cầu, một củ khoai nướng ở phố cổ… Giới trẻ bây giờ thích nhất mấy cái đấy.”
“Cô làm như cô già lắm vậy.”
“Ài, gái một đời chồng rồi mà.”
“Đi!” Nghiêm chợt kéo tay Thư chạy về phía trước.
“Ê anh làm gì vậy? Xe anh để ở đây thì người khác đi như thế nào được?”
“Yên tâm trợ lý của tôi sẽ kéo xe đi.”
Cứ như thế, Thư bị lôi lôi kéo kéo hết một cây cầu. Khi đến chân cầu, cô còn đang ngơ ngác thì bị kéo vào một con ngõ nhỏ.
Cô co người lại vì lạnh. Nghiêm vẫn đang chú ý đến hành vi của cô gái nhỏ, thấy vậy bèn cởi áo khoác của mình ra phủ lên người cô.
“Con gái mà cứ mặc ít như thế này về già hối hận không kịp. Đến lúc đó đi đâu cũng phải để chồng rìu. Hai người già yếu dựa vào nhau, như con lật đật vậy…”
Nghiêm vừa chỉnh áo cho Thư vừa nói, mà càng nói càng cười ngặt nghẽo. Cô há hốc miệng, đấm nhẹ cho anh một cái:
“Anh lắm lời quá. Tôi nhờ ai cũng không nhờ anh. Anh lo làm gì?”
Nghiêm còn muốn nói gì đó, nhưng mắt Thư đã dừng lại ở một gánh hàng bán đồ ăn vặt.
Một cái bếp than rực hồng, mấy củ khoai và ngô nếp đang được lật lên lật lại. Khói trắng bốc lên nghi ngút và thơm phức.
“Cậu đừng có nói với người yêu như thế, nếu không sau này lại hối hận đấy.” Bà chủ gánh khoai cười hà hà nói với Nghiêm.
Thư lắc đầu:
“Không ạ, không phải…”
“Thôi cô cậu không phải giải thích. Ăn không?”
Thư gật đầu rất mạnh, lấy hai cái ghế nhựa ra, đưa cho Nghiêm một cái. Có vẻ như anh đang nghiên cứu xem nó có bẩn hay không, đến khi xác định không có mới bần thần ngồi xuống.
“Phiền phức.” Cô thầm than một câu, rồi lại vứt cho anh một bắp ngô nướng. “Anh đừng nên ở sạch sẽ quá, dễ chết lắm.”
“Đến lúc đấy có là ma tôi cũng kéo cô đi cùng.”
“Rất hân hạnh.”
Hai người cứ như vậy cô một câu, anh một câu, cho đến khi con phố tấp nập dần trống trải. Nghiêm cầm thêm một bắp ngô nữa, nhưng không ăn.
Thư chợt lên tiếng thăm dò anh:
“Người giàu như anh có chuyện gì không được như ý mình không?”
“Có nhiều lắm. Người giàu không phải thánh, làm sao tránh nổi chuyện phiền muộn? Nếu không thì tôi làm sao mà bị đâm?”
Thư gật gù đồng ý. Thế giới của cô rất nhỏ, chỉ có ông bà, bố mẹ, vài chuyện lông gà vỏ tỏi với Thy và Kiên, rồi trường lớp, phụ huynh. Còn Nghiêm thì tiếp xúc với một thế giới rộng lớn hơn. Mỗi quyết định của anh ảnh hưởng đến hàng ngàn người. Mà anh cũng phải đối diện với áp lực gấp bội.
“Anh nói cũng đúng. Thế điều anh nuối tiếc nhất vì chưa thực hiện được là gì?”
Nghiêm không trả lời cô, mà bỗng nhiên hỏi một câu không quá liên quan: “Cô có biết chơi đàn không, dương cầm.”
Thư khựng lại, do Nghiêm không nhìn cô, nên anh không phát hiện ra bàn tay cô đang run lên. Cô nhắm mắt lại, rồi nói: “Không biết. Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ biết đọc sách, không thích nghệ thuật lắm.”
“Ừ. Ngày trước tôi có quen một cô bé, đàn rất dở. Lúc nào tôi cũng trêu cô ấy. Sau đó, có một biến cố đã xảy ra. Cô bé ấy cứu tôi, nhưng chúng tôi lạc mất nhau.”
Thư nhíu mày rất sâu, đẩy đẩy tay anh: “Anh vẫn đi tìm cô ấy hả?”
“Khi tôi có khả năng đã bắt đầu tìm, nhưng không thấy.”
Không khí giữa hai người chùng xuống, Thư vỗ vai anh: “Thế giới này rộng thế thôi nhưng thật ra có rất nhiều mối duyên phận kỳ lạ. Tôi tin anh nhất định sẽ tìm thấy cô ấy. Tôi sang Ý cũng sẽ tìm cô ấy cho anh.”
“Sang Ý? Tại sao lại sang Ý?” Đôi mày của Nghiêm chau lại.
“Thì cô ấy học dương cầm mà phải không. Ý chẳng là kinh đô âm nhạc còn gì? Ba ngày nữa tôi sẽ sang đó du học. Còn chuyện bộ phim kia thì anh yên tâm đi, tôi đã nhờ thầy tôi giúp các anh tư vấn. Thầy còn giỏi hơn tôi nữa.”
“Không quan trọng. Quan trọng là tại sao đang yên lành cô lại muốn đi Ý?”
Mắt của Thư cụp xuống, che đi nỗi buồn ẩn giấu bên trong khóe mắt rưng rưng. Khi cô ngẩng lên, gần như đã không còn bất cứ điều gì vương vấn: “Anh nói gì vậy? Mong muốn của tôi là có thể bay cao, bay xa, hiện giờ tôi đã có được cơ hội ấy rồi. Tôi tất nhiên phải nắm thật chặt chứ.”
“Cô nói dối.” Nghiêm giữ đôi vai của người con gái lại, “Cô không biết nói dối đâu, cố vấn khoa học của tôi ạ.”
Thư chột dạ khi ánh mắt hai người chạm vào nhau. Giống như chỉ cần một cái nhìn thoáng qua như thế thôi, anh có thể đọc được những gì được giấu sâu thẳm bên trong cô.
Cô vứt cho anh một củ khoai nữa, nháy mắt: “Anh đừng diễn vai tổng tài bá đạo trong mấy cuốn tiểu thuyết ngôn tình nữa. Anh không hợp đâu.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương