Ép hôn lấy chồng tàn tật

Chương 26



Chương 26: Giả nhân giả nghĩa

– Vân Anh này, con xem xem đây là vàng thật đúng không?

Bước chân của Ngọc dừng lại nơi bậc thềm. Cô có thể tưởng tượng được đôi mắt híp lại tham lam của mợ Hạnh khi nhìn chằm chằm vào các món đồ dùng trong phòng khách, và nhớ lại được tiếng nói sang sảng của bà mỗi lúc cô và mẹ về chơi.

– Ôi bác hôm nay mang gì về cho nhà cháu thế ạ?

– Nhân sâm hả? Ôi cái này ở trên thành phố nhiều lắm này. Bác cho thì cho chúng em xin nhé.

Chính con người này đã xúi giục cậu mặc kệ người chị đang bệnh nặng và những đứa cháu vừa mất mẹ để tránh những “phiền phức không đáng có”. Nếu như dì Xuân với cô là mối quan hệ dì ghẻ con chồng, thì mợ Hạnh với cô cũng được coi như người nhà. Cho nên Ngọc càng chán ghét con người này.

Ngọc ra hiệu cho Nguyên im lặng để xem hai người bên trong nói gì. Chỉ thấy mợ Hạnh ôm lấy bức tượng “Tỳ Hưu” yêu thích của bà Diệp, đồng thời cắn cắn vào nó để xem đây là vàng thật hay vàng giả. Vân Anh đang ngồi ở bên cạnh, cúi đầu gằn nhẹ giọng:

– Mẹ ơi, đây là đồ của nhà ta. Người nhà có thể vào bất cứ lúc nào, mẹ đừng làm như thế mà.

– Gớm, làm gì mà phải sợ, sờ vào có mòn được đâu. Nhà họ Võ giàu có bề thế như thế, một hai bức tượng vàng chẳng để vào mắt đâu. Mà con xem, tháng sau là anh trai con lấy vợ rồi đấy. Con góp đủ tiền chưa đưa cho mẹ ba mươi triệu để đi mua nhẫn với thuê váy cưới cho chị dâu.

Vân Anh đang ngồi im trên ghế giật thót:

– Con vừa mới lên đại học, lấy đâu ra nhiều tiền như thế? Anh trai con năm nay hai sáu hai bảy rồi, phải biết tự kiếm tiền chứ. Từ trước đến nay mẹ dồn hết tiền cho anh trai, cơm ăn áo mặc của con một phần do bác cho, một phần nhờ học bổng của con. Giờ anh lấy vợ mẹ cũng đòi tiền của con, con lấy đâu ra được chứ.

Mợ Hạnh nghe vậy thì đập bàn nói lớn:

– Hỏng! Hỏng! Một hột cơm mày ăn tao cũng phải nai lưng ra làm, anh mày có món gì ngon cũng phải nhường mày. Tao thì tạo cơ hội hết mức cho được lên thành phố, được ở nhà giàu. Mày nhìn nhà cao cửa rộng ở đây đi, nếu không phải dì Xuân giúp đỡ thì mày có bước nổi vào đây không?

– Con không cần ở nhà cao cửa rộng! Con nói có thể kiếm tiền nuôi mẹ, nhưng không bao giờ đồng ý để mẹ bán con lấy tiền tiêu.

– Con ranh này mày chết chắc rồi.

Một cái tát giáng xuống mặt Vân Anh, bà Hạnh còn định cho con gái thêm một cái tát nữa. Ngọc không nhịn nổi, xông vào giữ tay bà ta lại.

– Mợ, giờ mợ có tiền đồ phết nhỉ, còn dám động tay động chân đánh người ở nhà cháu rể.

Mợ Hạnh bối rối thu tay lại:

– Con… con về rồi à. Mợ, mợ chỉ đang dạy dỗ Vân Anh thôi mà. Cái con bé này đã bất hiếu còn hay cãi láo. Mợ dặn nó phải biết ơn anh chị, mà nó cãi.

– Thật không? – Ngọc treo nụ cười nửa miệng lên môi, trong mắt cô toàn là sự trào phúng. – Ban nãy con nghe mợ đòi em Vân Anh ba mươi triệu để cưới anh trai.

Lời nói dối bị vạch trần, mợ Hạnh chỉ đành chống chế:

– Thì… thì… thì nó là con của mợ mà.

– Nhưng em lấy đâu ra có tiền. Dì Xuân bảo với cháu rằng cậu đi làm ở nước ngoài bị thua lỗ, em bỡ ngỡ chân ướt chân ráo lên Hà Nội, còn chưa kiếm được việc. Mới có mấy ngày, con bé lấy đâu ra tận từng đó tiền đưa dì.

Bà Hạnh há hốc miệng mà vẫn không thốt nên nổi câu nào, lời dì Xuân vừa mới nói đầu tháng thôi, chẳng có thuốc hối hận nào để nuốt lại những lời đó cả. Bà ta nhăn mặt lại, oán thán hôm nay ra ngoài không nhìn lịch để một con ranh lên mặt.

– Ừ mợ cũng ngắn nghĩ quá. Mợ lên đây định đón nó về quê để chuẩn bị cho đám cưới của anh trai. Còn hai đứa nữa, hôm nào rảnh thì về quê chơi, mợ sẽ nghỉ cả ngày để tiếp đón luôn.

Ngọc phất tay từ chối luôn:

– Đón Vân Anh thì thôi luôn đi ạ, trường đại học không phải cái chợ, muốn nghỉ là nghỉ. Hơn nữa Vân Anh ở nhà con, con có sắp xếp một số việc cho em rồi. Giờ mà nghỉ thì con không tìm ai thay thế được. Cũng chỉ là một cái đám cưới mà thôi, hồi con cưới cũng đâu có ai lo toan hộ đâu, con mợ không què cũng chẳng sứt, chắc vẫn tự lo được.

– Này… này… làm sao có thể so sánh được. Cháu là gả đi, còn đây là cưới vợ. – Bà Hạnh tức đến nỗi lắp bắp.

– Sao lại không so sánh được ạ? Mợ đang muốn nói con dâu của nhà họ Võ không xứng đáng để…

– Không. Không có đâu. Mợ nói thế bao giờ.

– Vậy chuyện cứ quyết định như vậy đi ạ.

Ngọc nói như đinh đóng cột, một bên tỏ ra uy nghiêm, một bên len lén nhìn Nguyên. Anh đang ngồi tựa lưng vào xe lăn, cười rất vui vẻ.

Mợ Hạnh còn đang tức lộn ruột, chẳng có hơi sức đâu mà để ý đến hành động nhỏ nhặt đó của hai người. Sau đó Nguyên nói khéo léo thêm vài câu nữa, mợ Hạnh cũng biết xấu hổ mà về nhà, không quên dặn dò Vân Anh trước hôm cưới năm ngày thì về.

Ngọc vứt túi xách xuống ghế, căm ghét chửi một trận sau lưng:

– Trên đời này sao lại có người mẹ như thế cơ chứ.

Cô ngước lên nhìn Vân Anh, bắt gặp một đôi mắt sũng nước mắt, bèn căn dặn:

– Lần sau cứ nói với người làm từ chối là được. Họ sẽ biết cách không cho mẹ em vào.

Đáp lại lời của Ngọc, Vân Anh cười cay đắng:

– Có phải chị rất vừa lòng khi thấy dáng vẻ này của tôi đúng không? Chị ngứa mắt tôi quá mà.

– Vân Anh! – Ngọc nghiến răng, nói nhỏ chỉ để hai người nghe thấy. – Chị không phải kẻ thù của em. Chúng ta không đáng trở thành kẻ thù. Dù có chuyện gì xảy ra cũng không được phép bán đứng tự tôn của chính em, nghe rõ hay chưa?

Vân Anh nghe vậy thì mở to mắt, nhìn trân trối vào khoảng không trống rỗng trước mặt. Ngọc đi lướt qua vai cô ta, chỉ để lại một làn gió mang mùi hương thoang thoảng. Khi cô ta quay lại, Ngọc và Nguyên đã vào trong phòng đóng cửa lại.

Chuông điện thoại của cô ta reo vang, kèm đó là một tin nhắn đến từ mẹ mình. Vân Anh uể oải tắt máy, rồi nhớ ra điều gì, chợt mở một video lên.

“Mặc dù tôi không mạnh mẽ bằng anh ấy nhưng vẫn đủ sức bảo vệ cậu, cứ nói hết mọi chuyện ra đi, tôi có thể xin bác cho cậu ly hôn.”

Vân Anh không ngừng nhấn nút phát lại video, câu nói đó cũng không ngừng lặp lại. Cô ta ngồi xổm xuống dưới đất, gục đầu vào giữa hai lòng bàn tay của mình. Tiếng nức nở xuyên qua các kẽ tay nối tiếp tiếng của Thế Anh: “Chị là đồ giả nhân giả nghĩa. Ai cần chị đối tốt với tôi chứ!”

Cùng lúc, Ngọc và Nguyên đã trở về phòng mà không hay những chuyện xảy ra ngoài kia. Nguyên bảo cô để chân lên đùi mình, rồi giúp vợ cởi giày ra.

– Nãy anh còn tưởng là em sẽ đuổi cả hai mẹ con họ ra ngoài.

– Em đâu có làm việc xốc nổi như ngày xưa nữa. Còn không phải do anh dạy hay sao? Thế nào, em hành xử có ổn không?

– Ổn chứ. – Nguyên phì cười. – Mặc dù hơi vòng vo một tí. Thật ra với hạng người này cứ quét thẳng là được rồi, ai cũng tiếp lời thế này thì mệt chết mất.

Ngọc tựa đầu vào vai Nguyên, hỏi nhỏ:

– Anh nói đi, rốt cuộc tại sao anh mang Vân Anh về đây thế? Đừng nói là vì anh thấy thương cho con bé nha.

– Thế tại sao em lại bảo vệ cho Vân Anh? – Nguyên hỏi ngược lại cô.

– Cô bé này chưa hỏng hoàn toàn, còn có thể chữa được. Ngày xưa mỗi lúc cuối tuần, mẹ đều đưa em về quê. Hai đứa chúng em tựa đầu lên đùi mẹ nghe chuyện cổ tích. Em trộm nghĩ, những đứa trẻ lớn lên nhờ vào câu chuyện mẹ em kể không thể xấu được. Nên em đặt cược vào con bé.

Nguyên nhìn cô trìu mến:

– Nếu cược thua thì sao?

– Đã hết sức mình, không còn hối hận nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương