Diệp bắt đầu có cái nhìn thiện cảm với Duy Thành nên những tiết sau cô đi học với một tâm trạng khá thoải mái. Như thường lệ, cô vẫn duy trì việc chạy bộ để rèn luyện sức khỏe vào mỗi buổi sáng sớm và buổi chiều tối.
Chiều nay cô đi thể dục sớm hơn mọi ngày nên tính chạy thêm một đoạn nữa. Mỗi bước chạy đều dứt khoát, tác phong băng băng trên đoạn đường quen thuộc thì vừa hay Diệp nhìn thấy một bóng dáng quen quen.
Thấy Duy Thành và một chị gái đi cùng nhau, trên tay hai người họ đều cầm hai túi đồ, vừa đi vừa nói chuyện gì đó trông khá thân mật.
Chuyện không có gì đáng nói nếu họ cứ đi bình thường nhưng lúc đó chị gái kia đột nhiên bỏ hẳn túi đồ xuống mà kéo tay Duy Thành lại gần mình. Vì đứng cách chỗ đó một đoạn xa nên Diệp không nghe rõ họ nói gì mà chỉ thấy vài giây sau thì chị gái ấy lại ôm chầm lấy anh khiến Diệp có chút bất ngờ, tự nhiên cái thiện cảm trước đó cô dành cho Duy Thành lập tức giảm xuống còn không.
Diệp không đứng lại nhìn họ nữa mà cô chạy thẳng về nhà, bất giác cô nhớ lại hôm đi Trung tâm thương mại mua đồ với Hoa, chính mắt cô đã gặp vợ con của Duy Thành rồi nên khi thấy cảnh này thì không vừa mắt.
Thực ra cô chả liên quan gì đến người ta đâu nhưng vì cái tính ghét thói trăng hoa nên cô thấy không công bằng với người vợ xinh đẹp và cậu con trai đáng yêu của Thành. Người đàn ông đã có gia đình thì không nên thân thiết, gần gũi với người khác phái cho dù là bất cứ lí do gì cũng không nên thế…
Diệp vừa chạy lướt qua thì Duy Thành cũng nhìn thấy nhưng anh khi đó không để tâm nhiều mà quay qua nhắc Phương bỏ mình ra. Nhưng Phương vẫn cứ ôm chặt anh không chịu bỏ.
Duy Thành đứng trước tình huống khó khăn này thì thở dài, anh từ từ thả hai túi đồ xuống rồi bỏ tay Phương ra khỏi người mình, dù không hài lòng với cách bày tỏ này của Phương nhưng anh cũng không xử sự kiểu thái quá mà từ tốn nói:
– Sau lần gặp đầu anh đã nói rõ với em rồi, thực sự chúng ta chỉ nên giữ mỗi quan hệ anh em đồng hương mà thôi!
– Anh không cố gắng thì sao chúng ta tiến tới được chứ!
– Xin lỗi em! Anh không thể cố gắng được! Tình cảm là tự nhiên đừng nên gượng ép! Anh mong em đừng lãng phí thời gian với anh nữa!
– Anh…
– Bữa cơm hôm nay anh không thể ở lại được rồi! Em cầm đồ về đi!
Phương không chấp nhận sự thật này nên kéo chị gái của Duy Thành vào cuộc dọa anh:
– Nếu anh bỏ đi, em sẽ gọi điện cho chị Hà!
– Em muốn nói gì thì cứ gọi! Chứ không cần mang chị ấy ra dọa anh đâu!
– Anh đã đồng ý với chị ấy là cho chúng ta cơ hội tìm hiểu nhau, cớ sao anh lại nuốt lời?
– Đúng là anh đã đồng ý với chị ấy nhưng là đồng ý tìm bạn gái cho mình nhưng xin lỗi, người đó không phải là em! Thực sự chúng ta không thể tiến xa hơn ngoài mối quan hệ bạn bè đồng hương được!
– Anh quá đáng!
– …
Duy Thành trước lời trách mắng của Phương thì giữ im lặng, đúng là anh nghe lời chị gái đi gặp gỡ Phương là hại cô ấy. Nếu anh từ chối cuộc gặp mặt thì đã không khiến cô ấy hy vọng và sẽ không xảy ra tình huống vừa rồi. Duy Thành thở dài, tự trách bản thân…
Đã tính rời đi rồi nhưng cuối cùng Thành không nỡ để người ta xách mấy túi đồ về trong tình trạng này nên đành quay lại giúp đỡ:
– Để anh đưa em về!
– Em có gì không tốt chứ?
– Người không tốt là anh chứ không phải em!
Duy Thành chỉ nói vậy rồi cúi người xách mấy túi đồ đi lên chỗ xe của mình, Phương cũng chỉ đành lẽo đẽo theo sau rồi lên xe anh chở về.
***
Ngày hôm sau:
Đến giờ lên lớp, Duy Thành vẫn như mọi lần, kiểm tra bài cũ một lượt. Xem sổ thì thấy cũng gọi gần như hết số sinh viên trong lớp rồi nên anh gọi mấy bạn còn lại, thấy học trò trả bài cũ khá ổn thì Duy Thành cũng hài lòng.
Lật sổ kiểm tra tiếp xem phần sinh viên nợ bài cũ thì chỉ còn mỗi Diệp nên Duy Thành muốn cô học trò này trả bài trong buổi này luôn nên gọi tên cô:
– Diệp! Em lên làm bài còn lại đi!
– Thưa Thầy! Bài này em không biết làm ạ!
– Kiến thức hôm trước mới học xong, tại sao lại trả lời như vậy?
– Em vẫn chưa hiểu ạ!
– Hôm trước, trước khi kết thúc bài giảng tôi có hỏi cả lớp còn ai chưa hiểu sao em không nói ngay? Có thật là em không biết làm không?
– Vâng. Là em không biết làm!
Duy Thành hôm nay cũng có chút tâm trạng nên đứng trước cô học trò bướng bỉnh này cũng gần như mất hết kiên nhẫn nhưng Thành vẫn cố gắng hỏi câu cuối cùng:
– Vậy bài còn nợ lần trước em tính khi nào trả được?
– Em hứa sẽ trả sau nhưng không phải hôm nay, thưa Thầy!
– Vậy em không cần trả bài nữa! Mời em rời khỏi tiết học của tôi!
Diệp nghe Duy Thành đuổi thẳng thì mắt nhìn chăm chăm nhưng anh cũng nghiêm khắc mà nói tiếp:
– Chưa nhìn đề bài mà đã trả lời không biết làm thì chỉ có thể là em không thích tham gia vào tiết học của tôi nên từ giờ em không cần miễn cưỡng ở lại nữa!
Nhóm bạn bè phái của Ngà vốn rất ghét Diệp, giờ thấy cô bị Duy Thành đuổi ra khỏi lớp thì mừng thầm trong bụng. Còn Diệp ức chế không nói được câu gì nữa mà chạy ra khỏi lớp, Duy Thành cũng không để tâm nữa mà gõ gõ tay lên bàn giáo viên nhắc nhở:
– Các bạn tập trung nào! Dạng này ai còn không hiểu thì cứ mạnh dạn nói để tôi giảng lại?
Cả lớp nghe Duy Thành hỏi đều đồng loạt trả lời hiểu hết rồi thì khiến anh càng bực mình hơn. Như vậy, với sức học của Diệp thì không thể không làm được bài này, rõ là cô đang cố ý chống đối với anh nhưng thật lòng là anh không biết mình đã làm gì khiến cô học trò này lại ghét mình tới nỗi không muốn học, thực sự là anh không hiểu… Nhưng đó là vấn đề của cô còn ở trong tiết học của anh, anh không cho phép có một học trò ngang ngược như này được. Lúc nói lời đuổi cô ra ngoài anh còn có chút lăn tăn thế nhưng giờ này anh cảm thấy mình đã quyết định đúng khi phạt cô học trò bướng bỉnh không biết tôn trọng giáo viên này. Tốt nhất là anh không thể cứ mãi lần nữa phá vỡ quy tắc một cách vô lí được.
Bên trong có một thầy giáo vẫn chuyên tâm hoàn thành nhiệm vụ giảng bài của mình, còn ở bên ngoài góc hành lang Diệp đang dậm chân phát tiết lên bậc cầu thang bình bịch. Vừa đá, Diệp vừa trách thầm Duy Thành trong lòng, cô trách cứ anh thiên vị các bạn mà làm khó cô, lại nghĩ tới cảnh hôm qua thì cô càng ghét Duy Thành hơn. Tự nhiên Duy Thành trước đó chỉ xấu 5,6 thì giờ xấu tới 9, 10 phần rồi. Diệp tức mình thì càng lẩm bẩm mắng anh thậm tệ, cô nói anh chỉ được cái mã đẹp trai học thức chứ độ chung thủy với vợ con thì chỉ là con số 0 tròn trĩnh… Là Giáo sư giả tạo…
Cuối cùng tiết học cũng kết thúc nhưng trước khi ra khỏi lớp Duy Thành không quên nhắc nhở lớp phó học tập về sự việc vừa xảy ra:
– Cậu Trung! Cuối buổi học hôm nay kêu cô Diệp nộp bản kiểm điểm lên cho cô Thủy! Tôi cũng sẽ trừ điểm thi đua của lớp vì lớp Trưởng không gương mẫu mà còn tỏ thái độ chống đối tôi!
– Thầy! Thầy có thể nào giơ cao đánh khẽ không ạ?
– Lớp phó cũng muốn viết bản kiểm điểm đúng không?
– Dạ, không ạ!
Duy Thành thấy thái độ của Trung xìu xuống thì không nói nữa mà cầm đồ của mình đi ra khỏi lớp, nhìn thấy Diệp đứng ở chỗ cầu thang lên xuống nhưng anh không có ý dừng lại mà đi thẳng một mạch.
Diệp cố tình ngồi chờ tới giờ này là để phân bua, lí lẽ nhưng lại bị Duy Thành phớt lờ thì cô to gan nói với theo:
– Thầy có thấy mình quá đáng với học trò không?
Cơn giận còn chưa nguôi thì lại nghe câu trách cứ không vào tai này của Diệp khiến Duy Thành phải dừng bước, anh nghiêm túc nhìn thẳng cô hỏi ngược lại:
– Là tôi quá đáng hay em quá đáng?
Nhưng Diệp đúng là cứng đầu cứng cổ không chịu nép vế:
– Học trò không giải được bài tập thì Thầy có quyền đuổi ra khỏi lớp ư?
– Nói như vậy là em không làm được bài đó?
– Em không nói dối Thầy!
Duy Thành nghe câu trả lời này thì gật đầu nhưng ánh mắt thì có vẻ thất vọng nên đã nhận lỗi về mình:
– Nếu vậy thì là lỗi của tôi rồi! Tôi là Thầy nhưng lại không biết cách giảng bài cho em hiểu thì từ nay tôi không dám dạy cho em nữa!
Diệp không ngờ Duy Thành lại cho cô một đáp án như này, nhìn bóng dáng anh rời đi nhanh chóng mà Diệp càng uất ức. Cô mắc lỗi thì lần nào cũng nghiêm khắc, đè đầu ra chấn chỉnh đòi phạt, còn các bạn mắc lỗi thì cho cơ hội sửa, như vậy rõ là thiên vị, rõ là ghét cô so với các bạn nên mới đối xử không công bằng như thế…
Những tiết còn lại Diệp học mà trong lòng đầy hậm hực, mỗi khi nghĩ đến lời nói hà khắc đó của Duy Thành khiến cô khó mà chấp nhận được. Về tới nhà Diệp vẫn còn tâm trạng nên bữa trưa đó cô cũng bỏ không muốn ăn.
Thực sự lúc này Diệp muốn ngủ một giấc để quên đi chuyện xảy ra sáng nay nhưng nằm mãi thì mấy lời đó cứ văng vẳng bên tai cô khiến cô không tài nào chợp mắt được. Nghĩ đi nghĩ lại cô thấy mình cũng có chút quá đáng, việc riêng của gia đình người ta chẳng liên quan tới mình, trên lớp người ta vẫn là một người Thầy tận tụy với học trò thì mình việc gì phải bận tâm, ác cảm nhỉ? Nhưng giờ có nghĩ gì thì sự việc cũng đã rồi, Diệp tặc lưỡi mặc kệ, mai cứ đi học bình thường…
Hôm sau Diệp tới lớp thì cô bị Trung và Hoa kéo ra một góc nói chuyện, Trung thì còn nhẹ nhàng hỏi lí do chứ Hoa thẳng tính nên mắng cô không thương tiếc luôn:
– Tao không hiểu Thầy làm gì mày mà mày suốt ngày chống đối với Thầy thế hả? Mà tao thấy từ ngày nào tới giờ Thầy có làm gì mày đâu, vẫn dạy hết mình mà hôm qua mày thái độ như thế là không tôn trọng Thấy đấy, biết chưa?
– Ờ… Tao lúc đầu có chống đối là sai nhưng Thầy ấy thiên vị các bạn mà nghiêm khắc với một mình tao thì được à? Thầy ghét tao được thì tao ghét lại thôi!
Hoa nghe câu này thì tức lộn ruột nên cốc mạnh vào đầu bạn mình một cái rõ đau rồi nói lớn:
– Ai bảo càng ngày mày càng bỏ bê môn của Thầy, mày nên nhớ Thầy là bạn thân của anh Nam và chị Hạnh, hai anh chị ấy có lời nhờ vả Thầy kèm cặp mày mà càng ngày mày càng học kém đi thì Thầy ấy ăn nói với anh chị ấy ra sao? Thầy có nghiêm khắc nói mày mấy câu cũng là tốt cho mày chứ đó mà là ghét bỏ à?
– Rõ là Thầy ấy ghét tao nên mới đuổi thẳng tao ra khỏi lớp, rồi còn nói từ nay Thầy ấy không dám dạy tao nữa! Giọng điệu ấy là gì mày có hiểu không?
– Hiểu cái đầu mày ấy! Thế mày có đặt địa vị vào Thấy ấy suy nghĩ không mà ngồi đấy trách cứ?
– …!!!
Trung thấy Hoa gay gắt quá thì can ngăn lại rồi nhẹ lời phân tích với Diệp:
– Thầy đâu phải người nhỏ nhen mà bà nghĩ sai về Thầy như vậy? Mà từ lần trước bà nói đã không còn ác cảm với Thầy nữa rồi cơ mà?
– Đúng là tôi đã nói và đã thực hiện như thế nhưng khi phát hiện Thầy ta là người đàn ông giả dối thì tôi ghét lại vậy thôi!
– Là sao? Tôi không hiểu?
– Thì Thầy có vợ con rồi còn đi với người phụ nữ khác, đã vậy giữa đường, giữa chợ còn ôm ấp nhau, hai người không biết bộ mặt đấy của Thầy ta chứ tôi thì nhìn rõ đấy!
Hoa không tin người Thầy hiền lành, tận tâm này là là người trăng hoa nên phản bác lại lời của Diệp:
– Biết đâu là người quen của Thầy thì sao? Cứ cho là bà nhìn thấy cảnh họ ôm nhau nhưng bà có nghe rõ họ nói gì không?
– Không nghe rõ! Nhưng xem thái độ không giống là người trong gia đình!
– Vậy cũng không thể khép Thầy vào tội không chung thủy với gia đình được. Chưa biết rõ chuyện là như nào thì không nên phán xét người khác, kể cả hành động của họ ngay trước mắt mình đôi khi cũng chưa chắc đã là sự thật.
– …
Diệp từ nãy tới giờ là cố cãi lí tới cùng vậy thôi chứ cũng nhận ra mình là người sai trước rồi nhưng giờ Duy Thành đã tỏ thái độ ghét bỏ cô ra mặt thế thì sau này cô có cố gắng lì lợm học tiết của anh thì chưa chắc người ta đã thèm bận tâm nữa.
Vào lớp ngồi học rồi Diệp còn tự trách mình lắm chuyện, thôi thì cô cầu trời khấn phật, hai thầy trò cứ ghét nhau cũng được nhưng việc nào ra việc đó…
Có điều khi Diệp tự nhủ từ nay cô chỉ chuyên tâm học còn mặc kệ Duy Thành có ghét mình hay không thì cô cũng chẳng để tâm nữa nhưng mà cả tuần liền Duy Thành không có đến lớp mà tiết của anh được người khác dạy thay. Diệp nghĩ bụng không phải vì chuyện này mà Duy Thành chuyển trường khác đấy chứ! Nhưng tới tuần tiếp theo cũng không thấy Duy Thành đi dạy lại thì lấy cớ hỏi Hoa:
– Mấy hôm nay rảnh thế? Hai ông bà không phải ôn luyện với đội Tuyển nữa à?
– Đợt này tạm nghỉ vì Thầy có việc bận!
– À… Ra vậy!
– Sao thế? Nhớ Thầy tao rồi à? Hai tuần nay không bị mắng, bị phạt nên nhớ rồi đúng không?
– Mày bị hâm hả? Thầy mày đi tao lại chả sướng quá!
– Thế sao mấy nay mặt như kiểu mất sổ gạo thế?
– Tao có như thế hồi nào? Vớ vẩn!
Diệp cãi cố rồi đi ra khỏi lớp thì Hoa kéo tay lại nói nhỏ:
– Nếu thấy áy náy rồi thì tao có số điện thoại của Thầy đây này, gọi hay nhắn tin xin lỗi Thầy một câu thật tâm đi!
– Điên à! Biến đi!
– Tao cho cơ hội rồi đấy nhé! Đừng có hối hận đấy!
– Còn lâu!
– Đồ cứng miệng!
Hoa mắng vốn Diệp một câu rồi lại vào trong lớp ngồi, còn Diệp thì đi ra chỗ cầu thang đứng. Hóa ra hai tuần này mấy người họ vẫn liên lạc với nhau chỉ có cô là không biết gì. Thật lòng Diệp cũng muốn lấy số điện thoại để gọi nói một câu xin lỗi nhưng cuối cùng lại vì cái tôi mà không làm điều đó…
Sang tuần thứ ba. Hôm nay có tiết của Duy Thành như lịch nhưng nghĩ vẫn là thầy giáo dạy thay nên Diệp cũng không có mong chờ gì nữa, cô cúi xuống lấy sách vở ở trong ba lô ra chuẩn bị ghi chép bài thì có giọng nói quen thuộc vang lên:
– Hai tuần nay tôi không dạy, các bạn có chểnh mảng gì không đấy?