Mưu Đoạt Hạnh Phúc

Chương 1



Thời tiết tháng sáu rất oi bức, những tia nắng chói chang từ trên cao không ngừng rọi xuống khiến cho mặt đất hanh khô nóng dần lên. Bầu trời trong vắt không có lấy một gợn mây, cái nắng hầm hầm như lò bát quát ấy lan tới tận đây, tôi từ sau cánh cửa trại giáo dưỡng bước ra, hai gò má bị hun đỏ.

– Làm lại cuộc đời cho tốt, đừng vào đây nữa.

– Vâng.

Đồ đạc của tôi không có gì nhiều ngoài hai bộ quần áo và vài vật kỉ niệm, tất cả gói gọn trong chiếc túi xách sờn màu. Tôi ngước nhìn lên trời nhưng vì chói quá nên mới vài giây đã híp mắt lại, từng ao ước ở tuổi 20 mình sẽ sống một cuộc đời rực rỡ nhưng những năm tháng ấy tôi đã trải qua mọi thứ trong trại giáo dưỡng. Bốn năm đã lấy đi của tôi rất nhiều thứ nhưng cũng dạy cho tôi trưởng thành hơn, tất nhiên tôi không bao giờ muốn quay lại đây lần thứ hai. Cái nắng gay gắt trên đỉnh đầu khiến tôi hơi choáng, đi bộ một đoạn đường xa như thế mồ hôi ướt đẫm sau lưng áo, trên đường có vài người nhìn tôi với ánh mắt hiếu kì nhưng không ai cho đi nhờ. Mà cũng phải, nếu họ biết tôi từng g.i.ết người, sợ rằng sẽ kì thị tôi hơn.

Sau gần một giờ đồng hồ tìm kiếm, mọi thứ thay đổi rất nhiều nên cửa tiệm tạp hóa của cô Quyên không còn ở đây nữa, bây giờ chỗ đó là một quán phở gà, tôi hỏi thăm ông chủ mới biết cô Quyên chuyển sang ở với con gái. Đứng trước căn nhà cấp bốn vừa mới xây lại, tôi nhìn vào trong rồi cất tiếng gọi.

– Cô Quyên ơi.

Không ai đáp lại nhưng vài phút sau trong nhà có một cô gái mái tóc màu nâu hạt dẻ chạy ra. Khi nhìn thấy tôi, Ánh sững sờ không thốt nên lời, nó rưng rưng nước mắt vội mở cửa.

– Ngọc, đúng là mày rồi, mẹ ơi, Ngọc nó về rồi này.

Ánh ôm chầm lấy tôi hét lớn, nó bật khóc làm tôi cũng khóc theo, ngần ấy năm chỉ có mẹ con cô Quyên là còn nhớ đến tôi.

– Mày ra khi nào, không phải nói tháng 11 sao?

– Tao được ra trước hạn.

– Mừng quá rồi Ngọc à, tao và mẹ tính tháng sau sẽ vào thăm mày, dạo này tao tìm việc nên bận quá. Mày vào nhà đi, mẹ tao hình như đang nấu cơm nên không nghe tiếng mày.

– Cô Quyên còn đau đầu gối không?

– Đi khám bác sĩ kê toa uống được một tuần thì đỡ rồi.

Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng rất ấm cúng, chính giữa phòng khách kê bộ bàn ghế cũ, tôi nhớ bộ bàn ghế này có trước khi tôi đi tù. Một người phụ nữ tóc búi gọn gàng, gương mặt phúc hậu từ sau bếp đi lên, nhìn thấy tôi liền sững lại, biểu cảm bất ngờ hệt như Ánh sau đó mừng rỡ thốt lên.

– Ngọc, con về lúc nào?

– Con mới được về sáng nay ạ.

– Con bé này, sao không gọi cô hay con Ánh tới đón.

– Con không muốn làm phiền mọi người.

– Thôi về là mừng rồi, tạm thời con ở lại đây với cô và Ánh đi, mẹ con…

– Cô biết mẹ con chuyển đi đâu không ạ?

– Cô Quyên thở dài.

– Cô chỉ nghe người ta nói lại thôi chứ cũng không rõ, năm thứ hai con vào đó thì bà ấy dẫn theo con Hiền đi cưới chồng, nghe đâu cưới ông nào giàu lắm.

Bốn năm nay số lần cô Quyên và Ánh đến thăm tôi còn nhiều hơn cả mẹ và Hiền. Tôi đã mất liên lạc với họ từ mấy năm trước, mẹ đi thêm bước nữa mà không nói với tôi lời nào, tôi cũng không biết mẹ và em gái đã chuyển đi đâu.

– Con đừng vội, có thể vì lý do gì đó bà ấy và con Hiền chưa tìm đến con, chúng ta từ từ hỏi thăm xem, biết đâu sẽ gặp lại nhanh thôi.

– Dạ.

– Phòng tao rộng lắm, nhường cho mày một nửa đấy, đồ đạc của mày tao vẫn còn giữ, vào xem đi.

Ánh hí hửng kéo tay tôi vào phòng, lôi thùng trong tủ ra một thùng giấy cũ kĩ, có mấy món đồ tôi nhờ nó cất giùm, mới đó đã nhuốm màu thời gian hết rồi. Một tấm ảnh gia đình ố vàng kẹp trong quyển tập, tôi nhẹ nhàng sờ vào gương mặt người đàn ông đang bế mình, không giấu được xúc động cầm lên xem. Gia đình tôi từng rất hoà thuận và hạnh phúc, nhớ lại khoảng thời gian ấy tôi lại có thêm động lực để vượt qua những ngày tháng tăm tối trong tù. Nhưng sau khi bố mất, mọi thứ trở nên đáng sợ, mẹ không còn quan tâm đến chị em tôi như trước nữa, và điều không ai muốn đã xảy ra.

– Mày nhớ tấm huy chương này không?

– Nhớ chứ, tao từng chạy bạt mạng để có được nó, lúc ấy trong đầu chỉ nghĩ đến huy chương vàng, không ngờ nằm mơ lại thành hiện thực.

– Giờ chắc mày chạy không nổi nỗi đâu nhỉ?

– Ừ, lâu rồi không chạy, tao cũng chẳng muốn chạy nữa.

Cuối năm cấp ba tôi tham gia đội tuyển của trường và giành huy chương vàng môn chạy điền kinh còn Ánh thì huy chương bạc. Hai đứa thân nhau từ đó đến giờ, cô Quyên cũng coi tôi như con cháu trong nhà, mấy năm qua hai người họ là chỗ dựa tinh thần cho tôi, kì thực tôi cũng chẳng biết dựa vào ai nữa.

Cô Quyên một hai bắt tôi phải ở lại đây, đợi tìm được mẹ và em gái rồi tôi muốn đi hay ở thì tuỳ. Ánh mới tốt nghiệp xong, hiện tại đang làm kế toán tại một công ty xây dựng còn cô Quyên thì làm nhân viên dọn vệ sinh. Cô không bán tạp hoá nữa vì nhà đó trước kia của anh trai cô, họ lấy lại nên mẹ con cô Quyên phải dọn đi.

– Con ăn nhiều vô Ngọc, gầy quá rồi. Ở với cô một tháng đảm bảo sẽ thay đổi liền.

– Cơm cô Quyên nấu vẫn ngon nhất.

– Con khen y hệt cậu Tùng, mỗi lần cậu ấy ăn đều gật gù tấm tắt làm cô nở mũi.

– Cậu Tùng là ai vậy ạ?

– À, là ông chủ của cô, cách ba bữa cô sẽ đến căn hộ của cậu ấy dọn vệ sinh một lần.

Đã ngoài năm mươi nhưng cô Quyên vẫn rất cần mẫn, nghe cô kể trước đó đã thử làm qua rất nhiều việc nhưng công việc này là làm lâu nhất. Cậu Tùng gì kia tuy khó tính nhưng bù lại trả lương rất cao nên cô Quyên cố gắng bám lấy công việc này. Ăn cơm xong tôi vào phòng Ánh nghỉ ngơi, buổi chiều nó phải đi làm nên dặn tôi cứ ngủ một giấc thoải mái, tối hai đứa đi dạo phố.

Căn phòng này không rộng lắm, kê mỗi giường với tủ quần áo đã chiếm hết không gian, tôi khoanh tay làm gối nằm nghiêng một bên, trong đầu nghĩ đến những lời hứa hẹn của mẹ và Hiền. Mẹ có lý do nào khó nói hay mẹ muốn bỏ rơi đứa con gái tù tội này.

– Ối.

Tôi nghe tiếng cô Quyên kêu rồi âm thanh leng keng của đồ vật bị rơi đổ nên vội chạy ra. Cô Quyên ngồi dưới đất, mảnh sành sứ vung vãi xung quanh.

– Cô có sao không ạ?

– Đầu gối cô bị đập xuống nền nhà đau quá, con đỡ cô qua kia đi Ngọc.

– Dạ.

Cô Quyên định lấy hoa trên tủ xuống nhưng cao quá nên bắt ghế, chưa lấy được thì đã xảy chân té ngã.

– Có cần đến bệnh viện không cô?

– Xức dầu là khỏi ấy mà, đến bệnh viện làm gì cho tốn kém. Con không ngủ được hả?

– Con không có thói quen ngủ trưa.

Cô Quyên định nói gì đó thì có người gọi, cô nhìn vào màn hình điện thoại với vẻ mặt rất vui. Tôi ngồi kế bên nghe giọng nói của một người đàn ông, không biết người nọ nói gì mà sắc mặt cô Quyên dần khó xử.

– Chiều nay hả cậu? Vâng, tôi sẽ đến.

– Kết thúc cuộc gọi, nghe cô Quyên thở dài, tôi hỏi.

– Ai gọi vậy cô?

– Là cậu Tùng, cậu ấy bảo cô chiều nay đến vệ sinh phòng.

– Chân cô thế này sao đi được.

– Cố thôi con à, sẵn chiều nay cậu ấy gửi lương tháng này, cô tưởng mai cậu Tùng mới về.

– Dọn vệ sinh thôi hay có làm gì khác không ạ?

– Dọn xong nấu cơm tối, để sẵn cho cậu ấy về ăn.

– Cô hỏi anh ta xem, để con làm thay cô hôm nay được không?

Nghe tôi nói thế mặt cô Quyên sáng lên như tìm ra cách giải quyết lấy điện thoại gọi cho cậu Tùng. Cô nói thật tình trạng của mình, chân đau nên để cháu gái đến làm thay, anh ta hỏi han mấy câu rồi đồng ý. Cô Quyên dặn tôi.

– Con dọn kĩ kĩ vào nhé, dụng cụ cô để ngoài ban công, nhớ thay chai tinh dầu trong nhà tắm, gương cũng lau sạch tí.

– Còn ăn uống anh ta có yêu cầu gì không cô?

– Để cô ghi ra giấy, gần đó có siêu thị, con mua vừa đủ hai người ăn, nấu theo công thức của cô là được.

– Dạ.

– Cậu Tùng không muốn người khác tò mò chuyện cá nhân của mình nên… nếu con nhìn thấy gì cứ coi như không thấy nhé.

– Con hiểu rồi.

Dọn phòng rồi nấu bữa tối rất mất thời gian nên 2 giờ cô Quyên bảo tôi tranh thủ đến đó. Tôi chờ xe buýt, đợi hơn 10 phút mới thấy số tuyến cô Quyên nói, tìm cho mình một chỗ ngồi rồi ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Mọi thứ thay đổi nhiều quá, những toà nhà cao tầng mọc lên như nấm, xe cộ đông đúc chen chúc nhau chờ đèn đỏ, cảnh vật thay đổi không biết lòng người có thay đổi theo hay không. Theo địa chỉ mà cô Quyên ghi trong giấy, tôi mua nguyên liệu cho bữa tối xong đi vào chung cư, bảo vệ toà nhà thấy tôi lạ mặt nên chặn lại hỏi, tôi lấy trong túi thẻ của cô Quyên đưa cho họ rồi mới được lên tầng bốn.

Tôi chưa từng đến những nơi sang trọng như thế này, bước chân vào căn hộ hiện đại, tôi choáng ngợp với tất cả mọi thứ nhưng nhớ lời cô Quyên dặn nhanh chóng thu ánh mắt hiếu kì của mình lại. Người đàn ông kia không có ở nhà, chiều muộn anh ta mới về nên tôi tranh thủ xắn tay áo lên dọn dẹp.

Máy hút bụi để ở đâu? Cách sử dụng như thế nào cô Quyên đều cẩn thận ghi ra giấy, tôi không có điện thoại nên cần gì không gọi hỏi được, ghi nhớ lời cô Quyên trong đầu rồi làm theo. Căn hộ có hai phòng ngủ, phòng khách và bếp, tôi bắt đầu dọn từ phòng ngủ trước. Trên ghế có một chiếc áo vest màu đen vứt tuỳ ý, tôi gom lại bỏ vào giỏ rồi để một bên. Chủ nhân của căn hộ này tên Tùng, nghe cô Quyên nói mới ba mươi mấy đã làm giám đốc. Tôi đang lau dọn thì thấy có một chiếc vòng tay chỉ đỏ rơi trong kẽ hở giữa giường và tủ nên nhặt lên, xong xuôi phòng ngủ rồi chuyển sang dọn phòng khách. Hì hục cả buổi cuối cùng cũng xong, một phần cũng nhờ anh ta sống ngăn nắp nên tôi mới dọn nhanh như thế.

Trong bếp toàn sử dụng những thiết bị hiện đại, tôi lau tay thật khô rồi hồi hộp mở bếp từ. Nhà tôi từng được mọi người khinh chê là nghèo nhất xóm nên có những thứ ở đây tôi mới nhìn thấy lần đầu. Nồi nước canh bắt đầu sôi, tôi nêm nếm vừa ăn rồi nấu món khác nhưng mò mẫm một hồi không biết cách sử dụng lò vi sóng, món khoai tây nướng ăn kèm thịt xông khói gì kia không biết phải làm thế nào.

– Anh vừa tan làm, khi nào em về?

Giọng nói của một người đàn ông bất chợt vang lên, tôi giật mình nên làm rơi chiếc thìa xuống sàn, nhặt lên thì thấy chủ nhân của giọng nói vừa rồi đang nhíu mày nhìn tôi.

– Cô là…

– Chào anh, tôi là cháu cô Quyên, hôm nay chân cô ấy đau nên…

– Không sao, cô nấu tiếp đi.

– Vâng.

Anh ta đang nói chuyện điện thoại, tôi để ý cổ tay người đàn ông này đeo sợi dây chỉ đỏ giống hệt với sợi tôi tìm được trong phòng ngủ. Đang lúng túng với lò vi sóng, tôi lưỡng lự một hồi rồi quyết định thử hỏi anh ta xem cách sử dụng như thế nào nên ra phòng khách.

– Chào anh.

– Có vấn đề gì sao?

– À tôi không biết lò vi sóng sử dụng thế nào.

– Cô định nấu món gì?

– Khoai tây nướng ạ.

Anh ta gật đầu rồi đứng lên, người đàn ông này rất tuấn tú, làn da còn trắng hơn tôi, giọng nói êm ái nhẹ nhàng, ngay cả bước đi cũng rất khoan thai, đem đến cho người khác một sự thiện cảm kì lạ. Anh ta hướng dẫn tôi cách sử dụng lò vi sóng rồi hỏi tôi cần giúp gì nữa hay không.

– Cô bao nhiêu tuổi rồi?

– Tôi 22.

– Mới tốt nghiệp nhỉ?

– Tôi không học đại học.

– Cô nấu ăn cũng ngon đấy chứ, trước giờ Tùng chỉ khen món cô Quyên nấu, để xem hôm nay cậu ấy có thay đổi suy nghĩ không.

Tôi ngớ ra nhìn người đàn ông đang đứng trước tủ lạnh, nãy giờ tôi tưởng anh ta là Tùng nhưng hoá ra không phải.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương