Một Đời Không Quên

Chương 5



Công ty nhà anh to lắm, to và bề thế nữa, hôm ấy tôi cứ đứng trước thang máy rúm ró lạc lõng mãi một lúc lâu sau mới có một chị tên Phương tới đưa tôi đi nhận việc, chị ấy cười nói:
-Hôm nay anh Thành đi công tác rồi, trước khi đi anh ấy có dặn nhưng chị mãi việc nên quên mất, em thông cảm nhé.
Tôi mỉm cười đáp lời rồi theo chân chị Phương vào phòng làm việc. Tôi phụ việc ở phòng kế hoạch, công việc của tôi đúng là đơn giản thật, chỉ là nhập số liệu từ báo cáo bằng giấy vào file điện tử, hoặc dò số liệu giữa hai file xem có chỗ nào sai lệch không khớp nhau hay không thôi, thỉnh thoảng đánh máy vài văn bản không quan trọng hoặc photo ít tài liệu gì đó. Ban đầu chưa quen người quen việc thì còn lóng ngóng vụng về, làm một thời gian quen dần, hơn nữa thấy mọi người ở đây đều nhiệt tình chỉ bảo nên tôi cũng sớm hòa đồng. Văn phòng chỗ tôi làm không lớn lắm, mấy anh chị làm chung cũng còn trẻ tuổi cả nên không khí lúc nào cũng thoải mái. Chị Phương thấy tôi còn nhỏ mà ngày nào cũng còng lưng đạp xe đi làm liền thắc mắc:
-Nghe nói em còn đi học hả Nghi? Sao phải vừa học vừa làm?
Tôi không muốn kể về hoàn cảnh của mình nên chỉ nói:
-Nhà em ở quê cũng khó khăn chị ạ, em vào đây chủ yếu để vừa làm kiếm tiền vừa học.
-Ừ, cũng khổ nhỉ, nhưng thôi cố gắng lên, mai mốt học xong mà chỗ này tuyển chính thức thì ở lại mà làm luôn cho vui, thấy mày hiền tụi chị thương.
-Chị cứ đùa em, tuyển nhân viên văn phòng người ta tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, đại học chứ tuyển em làm gì?
-Ai biết được, giờ nhiều công ty họ quan trọng người có kinh nghiệm hơn, mày chà lết từ đây tới đó phải hơn mấy lần tụi mới ra trường ấy chứ.
Tôi biết chị Phương chỉ nói đùa cho tôi vui nên chỉ im lặng cười.
-Này, mà mày quen biết với sếp như thế nào vậy?
-Sếp hả chị? Anh Thành hả?
-Ừ.
-Em không quen, em có người quen với sếp thôi.
-Ra thế, tao tưởng mày quen thân, tại không nghe sếp nói tuyển part time.
Làm ở đó được mấy ngày thì chị Phương mang về một túi to toàn bánh kẹo của Nhật, vừa chia cho từng người vừa nói:
-Quà của sếp nhé, sếp nói vội quá nên mua bánh cho nhanh.
Mấy anh chị trong phòng bắt đầu lên tiếng, toàn khen sếp, nghe nói lần nào đi công tác về anh cũng nhớ mua quà cho mọi người:
-Sếp đúng chu đáo, mua đủ vị. Còn gì nữa không chị?
-Sếp lớn nhà mình đúng đẹp trai, tài giỏi lại chu đáo, mỗi tội…
-Suỵt.
Tôi im lặng ngồi gõ gõ bàn phím, khi nghe tiếng “suỵt” từ bàn bên thì không khí bỗng yên ắng hẳn, cứ tưởng mọi người trong đang cắm cúi làm việc hóa ra khi ngẩng đầu lên thì không phải, mấy chị đang chụm đầu lại với nhau thì thầm gì đó.
Chị Phương gõ mạnh một cái xuống bàn:
-Làm việc đi, xầm xì cái gì?.
Nói xong chị đi tới đặt mấy cái bánh lên bàn tôi:
-Ăn bánh đi em, quà của sếp đấy.
Bánh Senbei, hèn gì hôm qua tôi thấy ở nhà cũng có một hộp.
Mãi sau này chị Phương mới kể cho tôi nghe về người yêu của anh, là chuyện mà mọi người xầm xì hôm đó, Phương kể người yêu anh đẹp lắm, gia thế tốt, xuất thân tốt, yêu nhau những mười năm nhưng cuối cùng không biết vì sao lại chia tay – “chậc, chẳng biết có phải vì để quên sầu không mà dạo này thấy sếp toàn cắm đầu ở phòng làm việc, có hôm tao quên mang bóp, về tới nhà rồi mới quay lại lấy mà thấy sếp vẫn chưa về đó” .
Tôi đi học buổi sáng, chiều tới công ty, khi nào bận học thì xin mang việc về nhà làm, một tháng được trả lương hai lần, vài lần còn được nhận hơn số tiền mà anh hứa trả, chị Phương nói tôi làm tốt nên được trả thêm.
Tích cóp mãi cũng mua được một cái điện thoại, tôi gửi về cho mẹ vì dù sao nhà cô Lâm cũng có điện thoại, tôi có thể mượn được còn mẹ tôi mỗi lần muốn gọi cho tôi đều phải ra tít tận hợp tác xã. Có điện thoại rồi mẹ hay gọi cho tôi, lớn thêm một chút, tôi thương mẹ vô cùng, tôi nghĩ những lần tôi bị ba đánh mẹ còn đau gấp mấy lần tôi, mẹ héo mòn cũng là vì như thế. Dạo này sức khỏe mẹ không được tốt, gọi về lần nào cũng nghe tiếng mẹ ho khan. Có mấy lần tôi định hỏi thăm ba nhưng vì vẫn còn tủi hờn chuyện cũ nên lời cứ trôi ra tới miệng lại nghẹn ngào nuốt lại.
Mẹ hỏi tôi:
-Vừa đi học vừa đi làm như thế vất vả lắm không con?
-Dạ con không sao, công việc của con khỏe lắm, con còn mập hơn mấy kí hơn so với ngày ở nhà mình mẹ ạ!
-Thế tết nay con có về không?
Mẹ dừng lại, hình như nấc nghẹn một cái. Nhanh thật, nhoáng cái mà thêm một cái tết nữa sắp tới, nếu mẹ không nhắc tôi cũng quên mất là mình đã xa nhà lâu như thế, tôi nhớ mẹ, nhớ thằng Sang, nhớ Nguyên và …nhớ cả ba, dù kiên cường đến mấy thì tết xa nhà cũng không thôi khắc khoải đến nao lòng….
Mẹ ngập ngừng mấy giây rồi nói tiếp:
-Ba con dặn nhớ giữ gìn sức khỏe.
Tôi không ghét ba, thật đấy, chỉ tủi thân khi nghe lời ba nhắn, từ tận đáy lòng vẫn muốn một ngày nào đó được trở về bên ba, được ba ôm vào lòng, được là một người con đúng nghĩa, được ba mình chở che qua mọi giông bão của cuộc đời, rốt cuộc thì con người ai không muốn như thế? chỉ là tôi cũng có một gia đình dù nơi ấy không đủ ấm đề vỗ về cho tôi. Tôi bỗng chạnh lòng một chút, cũng xót xa cho mình một chút.
-Cháu đừng trách ba, dù sao đó cũng là người đã sinh thành ra cháu.
Cô Lâm hay khuyên tôi thế, cô hay nghe kinh Phật, hay đi chùa, nhà cô có bàn thờ ngài Quan Âm, và cô hay dạy cho tôi nghe về nhân quả. Mấy lần vào chùa cùng cô, khi quì trước Phật đài ngoài cầu mong sức khỏe cho những người thân yêu của tôi ra thì tôi chỉ xin duy nhất thêm một điều nữa là ba sẽ bớt ghét tôi hơn, suốt bao lâu nay đều chỉ kiên trì xin duy nhất một điều như vậy.
-Chắc kiếp trước cháu làm gì đó không tốt với ba cô nhỉ?
Cô kéo tôi vào lòng, bàn tay gân guốc đưa lên vuốt tóc tôi vỗ về:
-Kiếp trước là cái vô hình mình không nhìn thấy được, cũng như quá khứ là những cái đã qua mình không thay đổi được thế nên việc của mình là sống tốt hôm nay, việc của ngày mai ông trời sẽ an bài cháu ạ.
Tôi cũng hay theo cô Lâm vào các trại trẻ mồ côi, tháng nào cô cũng đi, tháng nào cũng lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ mang quà bành xuống cho tụi nhỏ. Mỗi lần thấy cô xuống thăm tụi nó đều chạy nhào vào lòng cô cười toe toét, cảm giác gần gũi và thân thuộc như máu thịt, cô nói đi nhiều tự nhiên mình thấy sướng hơn, đủ hơn và an yên hơn, có lẽ cô nói đúng, đi theo cô nhiều tôi thấy mình an yên hơn.
Hôm gần tết mấy anh chị trong phòng rủ nhau đi ăn tất niên, hôm đó là thứ bảy nên tôi không phải đi học nhưng tôi không muốn đi, chưa kịp từ chối thì đã nghe anh Phong nhắc tới tên mình:
-Nghi đi với mấy anh chị cho vui nhé.
Anh Phong là trưởng phòng chỗ tôi, chắc cũng độ trên dưới ba mươi.
Chị Phương biết tôi đi xe đạp, chắc sợ tôi ngại nên lên tiếng nói với mọi người:
-Tí tan ca mọi người cứ tới trước, em chở Nghi tới sau.
Rồi chị quay sang dặn tôi:
-Em về trước đi rồi chị tới chở em, nhà chị cũng gần.
Chúng tôi ăn uống ở một quán gần bờ sông, chỗ này tôi với chị Hân cũng tới mấy lần rồi, hai bên bờ sông người ta mở mấy quán ăn, quán cà phê, phải công nhận ngồi ăn ở đây vừa mát vừa đẹp. Mãi tới lúc chúng tôi ăn gần xong thì Thành mới tới, anh Phong gọi to:
-Thành, Thành ơi, ở đây.
Anh Phong dù là cấp dưới nhưng lại là bạn thân của anh Thành nên hình như giữa họ không câu nệ cách xưng hô lắm, lúc đó anh Thành đang nghe điện thoại nên dơ tay ra hiệu rồi quay đi chỗ khác, chị Phương thì thầm:
-Mọi năm tất niên phòng mình anh Thành ít khi tham gia lắm, năm thì còn ở nước ngoài, năm thì bận đi với người yêu. Mà mày đã gặp người yêu sếp lần nào chưa?
-Chưa, em cũng mới biết anh Thành đây thôi.
-Đẹp lắm, hai người đó mà sánh đôi với nhau thì đi tới đâu cứ gọi là sáng bừng chỗ đó, đợt nghe nói tết nay cưới ấy chứ, tiếc thật.
-Thế hả chị? Tiếc nhỉ, yêu lâu như thế mà không trọn vẹn.
-Nghe nói cũng tại sếp nhà mình cơ, ai cũng nói hai người yêu nhau nhưng tao cứ thấy ông ấy lạnh nhạt làm sao ấy, mấy lần toàn thấy bà kia tới tìm sếp không à.
Tôi bật cười, đang định nói chị giỏi đoán mò chuyện của người khác mà quên mất mình cũng chưa kịp yêu đương gì thì anh Phong vỗ vai tôi một cái:
-Nghi rót rượu cho sếp Thành đi em.
Tôi không uống được nên nãy giờ làm chân rót rượu cho cả bàn, nghe anh Phong nói thế mới lúng túng cầm chai rượu rót cho Thành, chén của ai tôi cũng rót đầy, không hiểu sao khi tới chén của anh tôi lại cố tình rót vơi đi một chút, lần nào cũng vậy, mấy hôm trước tôi thấy cô Lâm đưa cho anh một bịch bột nghệ mới xay, cô nói nghệ đen này quí, uống tốt cho người đau dạ dày, cũng may đang trong cuộc vui nên không ai phát hiện ra điều đó cả.
Tối hôm đó sau khi tàn tiệc thì mọi người chia tay nhau ai về nhà nấy, sắp tới tết nên hình như ai cũng vội. Khi tôi với chị Phương dắt xe ra tới cổng thì bất ngờ thấy anh Thành lái xe chầm chậm tới:
-Muộn rồi, Phương về đi, để anh chở Nghi về cho, dù sao anh cũng tiện đường hơn.
Mọi người nghe anh nói thế thấy cũng có lý thật, dù sao thì ai cũng biết tôi là người quen của anh, mà chị Phương thì không tiện đường cho lắm chỉ tại lúc nãy có ý tốt mới phải đi đường vòng để chở tôi thôi.
Anh Phong hùa theo:
-Đúng đấy, Nghi lên xe anh Thành chở về luôn đi em.
Tôi không từ chối được, dù không muốn nhưng cũng sợ làm phiền chị Phương thêm lần nữa nên lặng lẽ mở cửa xe bước lên. Làm ở công ty anh lâu như thế nhưng tôi ít gặp anh lắm, phòng làm việc của anh ở tầng trên, nói chung các sếp lớn đều ngồi ở tầng trên đó cả mà tôi thì chưa lên đó bao giờ, chỉ hay nghe mọi người trong công ty khen anh, họ nói anh là sếp, lại giỏi giang mà không kênh kiệu, lúc nào cũng hòa đồng với nhân viên. Ở công ty thì ít gặp, ở nhà thì gặp nhiều nhưng ít khi nói chuyện, anh cao quá, còn tôi thấp quá nên nói thật đi riêng với anh thế này tôi không hề thoải mái. Tôi ngồi ở ghế sau, vừa tay đưa lên chặn ngang ngực để ngăn cảm giác cồn cào trong ruột xuống thì anh hạ kính, anh không quay lại, chỉ nhàn nhạt nói:
-Chịu khó một chút, mở cửa ra thoáng thì không sao nữa cả.
Tôi nuốt khan một cái rồi rồi lặng lẽ nhắm mắt lại, lúc đó cũng quên mất không nghĩ tới việc vì sao anh lại biết mình sắp say xe nữa, quãng đường từ đó về nhà giữa hai chúng tôi hoàn toàn im lặng , chỉ là thỉnh thoảng tôi bất giác liếc vào gương chiếu hậu vẫn thấy anh chăm chú lái xe, cơ mặt hình như còn đăm chiêu một điều gì đó.
Nhoáng cái đã đến ngày hai mươi tám tết, công ty chuẩn bị mở phân xưởng mới nên bận bịu, thành ra mãi tới chiều hai mươi tám mới được nghỉ nhưng hôm đó tôi có chút việc nên không tới công ty. Buổi tối tôi với chị Hân đi lên chợ hoa xem, lượn lờ mãi chẳng mua được hoa gì nhưng cũng tới tận khuya mới về, tới cổng thì gặp đúng lúc anh đi ra, anh đưa cho tôi một bao lì xì màu đỏ, nói:
-Hôm nay anh cho mọi người bốc thăm lì xì, phần này của em, bốc ngẫu nhiên nên không biết trong đó có gì nữa.
Tôi nhận lấy bao lì xì đỏ chót từ tay anh, không hẳn vì được nhận lì xì mà cảm động đâu, mà là tôi không ngờ mình nghỉ mà cũng có phần như thế nên giây phút đó đáy lòng tự nhiên yếu mềm hệt như có vài cánh hoa hồng nhung mềm mại cọ vào một cái.
-Cảm ơn anh.
-Ừ, ăn tết vui vẻ.
-Anh cũng vậy ạ.
-Vào đi.
Nói rồi anh lái xe đi.
Bao lì xì đó, mãi tới mấy ngày sau tôi mới mở, cũng mãi mấy ngày sau tôi mới biết rằng trong đó là một số tiền rất lớn so với bản thân mình lúc đó.
Ra tết thì xưởng mới đi vào hoạt động, anh Phong nói mở thêm xưởng thì cần thêm người nhưng tạm thời công ty chưa tuyển được nên kêu tôi học việc để làm, còn trêu tôi:
– ít tháng nữa đủ tuổi ký hợp đồng rồi, khi đó phải mời mấy anh chị trong phòng một bữa ra trò đấy nhé.
Chị Phương phụ họa:
-Đấy, chị đã nói mà, trước sau gì mày chả làm cùng bọn chị luôn, mày không giỏi lắm nhưng được cái mày biết nghe, biết học hỏi, sếp thương mày cũng là vì thế.
Chị Phương nói thế vì căn bản lúc đó tôi còn chưa học xong lớp bổ túc nữa, mà kể cả có học xong rồi thì tôi cũng không xứng đáng. Tôi biết anh Thành vì thân quen với cô Lâm nên mới giúp đỡ tôi, không những giúp tôi có một công việc kiếm tiền mà còn giúp cho tôi có một công việc lâu dài mặc dù tôi chẳng có năng lực gì cả, thậm chí có một lần anh Phong kêu tôi mang tài liệu tới cho anh, cuối cùng vì gặp chuyện không may dọc đường nên cũng chẳng mang đến kịp lúc, tôi biết lần đó vì tôi mà công ty ảnh hưởng ít nhiều, vậy mà anh chẳng hề trách tôi nửa lời, còn giúp tôi những điều không tưởng, chính vì thế sự hàm ơn trong tôi cứ mỗi ngày lại lớn thêm một chút, dù có thể đối với anh mà nói đó chẳng qua cũng chỉ là chút lòng thương hại mà thôi.
Tôi hỏi chị Phương:
-Hôm nay chị có cần mang tài liệu gì lên cho sếp không? Cho em đi theo với.
-Làm gì?
-Em muốn cảm ơn.
-Ừ, thế sẵn chị đang có hồ sơ cần trình ký, mày mang lên giúp chị luôn đi.
-Chị đi đi rồi em theo chị.
-Mày lên mình được không? Chân chị hôm qua tự nhiên căng cơ giờ đi cà nhắc lên kỳ lắm, mà mày với sếp là người quen, có gì mà ngại?
Tôi đưa tay gõ cửa, cảm giác hồi hộp hệt như ngày đầu tiên tới đây.
-Vào đi.
Đó là lần đầu tiên tôi bước chân vào phòng làm việc của anh, công ty của anh to, rộng, nhưng phòng làm việc của anh thì bé và đơn giản, trong phòng cũng chẳng có gì ngoài bàn làm việc, một bộ bàn ghế to dài để tiếp khách, trên bàn có một bộ ấm trà màu lục và một tủ hồ sơ để ở cuối phòng, hình như đối lập hoàn toàn với vẻ hào nhoáng ngoài kia.
Tôi đặt tập hồ sơ trước mặt anh:
-Chị Phương kêu em đưa hồ sơ lên trình anh ký.
-Em để đó đi.
Mắt anh vẫn không rời màn hình máy tính, hai hàng lông mày nhíu lại, cũng không ngẩng mặt lên nhìn tôi. Tôi không giám làm phiền anh nên chuẩn bị rời đi thì anh gọi giật lại:
-Nghi này!
-Dạ?
-Lúc nãy bạn kia mua cà phê cho anh nhưng anh không biết uống. Em uống đi.
Anh đưa ly cà phê cho tôi rồi lại cắm cúi chăm chú vào máy tính.
Tôi cũng không thích uống cà phê, tôi thích vị nhẹ nhàng của bạc xỉu hơn, bạc xỉu đắng vừa đủ ngọt vừa đủ. Thế nhưng hôm đó tôi thấy cà phê không đắng như mình tưởng, mãi cho tới tận bây giờ vào quán nào cũng chỉ gọi đúng món cà phê đen ít đường….
Nguyên học xong cấp ba thì thi vào một trường đại học trên Sài Gòn, nó học công nghệ thông tin, nhớ lần nó báo tin đã vào miền Nam, tôi vui không tả được. Sau đó ít tuần thì nó xuống, gặp lại Nguyên, tôi vừa đau lòng vừa tủi thân đến phát khóc, nó là nhân chứng sống cho những ký ức kinh hoàng tôi đã chôn dấu trong lòng, gặp nó tự nhiên tôi nhớ lại, vì thế nên không cầm được mà òa lên khóc. Nguyên cao hơn, nhưng cũng gầy và đen hơn, duy chỉ có ánh mắt nhìn tôi là vẫn sáng và đáng tin như ngày trước.
Nhà Nguyên ở quê cũng nghèo, nghèo hơn nhà tôi, ngày trước tôi cứ nghĩ Nguyên sẽ học trường nào đó gần nhà không ngờ nó lại vào đây, Sài Gòn đúng là nhiều trường, nhiều lựa chọn, nhưng Sài Gòn cũng đắt đỏ hơn nhiều… thế mà nó lại vào đây???.
Nguyên cũng đi làm thêm suốt nhưng hầu như cuối tuần nào cũng xuống thăm tôi, những buổi rong ruổi vào cuối tuần của tôi và chị Hân giờ có thêm Nguyên. Nguyên không cho tôi xưng hô “mày-tao” như trước nữa, Nguyên nói chúng tôi lớn rồi. Ừ, Nguyên lớn rồi, tôi cũng lớn rồi, cả hai chúng tôi đều đã lớn nhưng dù có xưng hô thế nào thì cảm giác quen thuộc vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.
Cuộc sống của tôi lúc đó thực sự rất tốt, tốt đến mức đã có lúc tôi mong mình cứ mãi được sống trong quãng thời gian đó, tôi có công việc, được đi học thêm, tay nghề may cũng đã cứng cáp, bên cạnh tôi có vợ chồng cô Lâm, có chú Hùng, có Hân và có cả Nguyên, những tháng ngày đó thực sự bình yên…
Chỉ là đến cuối cùng tôi đã tự mình lạc lối sang một ngã rẽ khác, một con đường khác, phải nói sao nhỉ? Con đường tôi chọn khó đi hơn, nhiều chông gai hơn, có một chút hạnh phúc ít ỏi nhưng đớn đau thì gấp nhiều lần, nhưng mãi tới tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi chính mình rằng, nếu ngày ấy được lựa chọn lại thì liệu tôi có chọn con đường này hay không???

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương