Một Đời Không Quên

Chương 4



Cô là thợ may có tiếng ở Biên Hòa, cô may khéo, cẩn thận lại nổi tiếng hiểu khách nên thành ra cứ ai tới may một lần thì nhất định quay lại, lâu dần thành khách ruột, họ nói may chỗ khác mặc không vừa ý. Tôi về ở nhà cô, ban đầu chỉ phụ cô gom vải thừa, ghi số đo cho khách là chính, về sau cô kêu tôi học thử, biết đâu có cái nghề lận lưng, nghĩ mình học hành dang dở, có cái nghề mai này đỡ cực nên tôi xin cô cho theo học, mấy tuần sau thạo việc rồi thì cô cho tôi nhận ráp đồ tính tiền sòng phẳng, cô nói dù sao một mình cô làm cũng không xuể, thuê tôi hay thuê ai thì cũng là thuê. Chồng cô là bộ đội, đơn vị ở gần nhà thôi nhưng cũng cuối tuần mới được về, cô không có con, một mình vò võ trong căn nhà rộng thênh thang, hôm lần đầu tiên tôi xuống, nghe chú kể về hoàn cảnh của tôi, cô khóc mãi, chú nạt :
-Bà này rách việc, bà cho nó ở tạm thời gian, ổn định xong thì tính tiếp, được không?
-Ừ, cứ để con bé ở đây, có người ở cùng cho vui cửa vui nhà.
Chú quay sang dặn tôi:
-Mày ở đây, bả hay cằn nhằn nhưng mà thương người lắm, thương đến dại.
Chú nói xong rồi đứng dậy đi thẳng. Cô gọi với theo:
-Mày không ở lại ăn cơm đã?
Chưa nói hết câu thì chú đã leo lên xe nổ máy, cô quay sang tôi lầm bầm:
-Cái thằng này tính nết vậy đó, thây kệ nó, nó hay chửi cô vì mấy lần cô giúp nhầm bọn lừa đảo, mất tiền oan, nó chửi vậy thôi chứ thương cô lắm, cha mẹ mất sớm, có hai chị em nương tựa à, ngặt cái nó cứ đi suốt từ Bắc chí Nam mà chẳng chịu lấy vợ, cô thì trời không thương – giọng cô chùng xuống.
Đúng là cô hiền thật, lại thương người, nhiều khi tôi nghĩ ơn này của gia đình cô chú cả đời tôi không trả nổi, cô coi tôi như con cháu, ở với cô cuộc sống của tôi thoải mái hơn nhiều. Hôm nghe cô nói tôi sẽ ở lại nhà một thời gian chồng cô vui lắm, chú nói có tôi chú ở đơn vị cũng yên tâm phần nào, tội nghiệp cô chú, người tốt mà không được một mụn con, nghe nói cô có thai ba lần đều không giữ được, mấy lần cô muốn buông tay để chú đi tìm quyền được làm cha mà chú đáng được hưởng nhưng chú không chịu, chú nói chú “thương” cô, cái tiếng “thương” nhẹ bẫng, ấy thế mà mà mênh mông hơn trời biển.
Dạo này tôi liên lạc với thằng Sang thường xuyên, dăm bữa nửa tháng lại viết một lá gửi cho chú Hùng, tới bên xe thì thằng Sang xuống lấy, từ trường nó xuống bến xe không xa lắm. Lần nào đưa thư chú cũng lầm bầm chửi, nghe riết thành quen, lần nào gặp chú mà không nghe chú văng tục tôi lại thấy chú lạ lạ.
Sang kể sau khi tôi đi, mấy ngày đầu ba uống say về hung tợn đập phá đồ đạc bắt mẹ khai tung tích của tôi nhưng sau rồi thì thôi, ba không hỏi nữa, chỉ thỉnh thoảng thở dài khi ngồi vào mâm cơm. Tôi không thể dối lòng rằng tôi không có cảm xúc gì khi Sang nói thế, đành rằng tôi chạy trốn ba, nhưng lòng tôi chợt buồn man mác, chẳng thà ba vẫn tìm tôi, vẫn nổi cơn điên lên để tìm tôi chắc tôi sẽ thấy vui hơn, hóa ra ngay từ đầu tôi đã nghĩ đúng, trong lòng ba vốn chẳng hề có tôi, tôi đi khuất rồi ba sẽ bớt gai mắt hơn. Không có tôi ba vẫn say, nhưng uống xong rồi ngủ chứ không đập phá chửi bới như trước, nhà tôi yên ắng hẳn. Có lần mẹ gửi cho tôi mấy trăm kẹp trong tờ giấy viết vội mấy chữ, tôi đọc thư mẹ rồi khóc ngon lành, cảm giác tủi thân đến nghẹt thở, nếu không đủ mạnh mẽ chắc tôi đã lao về bên mẹ từ lâu, tôi không giám kể cho mẹ nghe mình đã trải qua những gì, chỉ nói sơ mình đã rời nhà dì Tuyết để theo bạn xuống Biên Hòa học may.
Tôi với thằng Sang cứ gửi thư qua lại như vậy được mấy bận thì nó nhắc tới Nguyên, nó viết: “ chị, anh Nguyên học cấp ba Minh Khai, trường ngày trước anh chị đăng ký đó, giờ anh cao hơn ngày trước, nhưng cũng gầy và đen hơn chị ạ, đi học không có chị anh cứ buồn buồn làm sao ấy”.
Khóe mắt tôi cay cay, vài giọt nước mắt chực rơi ra, mới mấy tháng thôi mà nó làm như tôi xa quê đã mấy năm. Ngày đó cả hai đứa tôi đều chọn đăng ký trường cấp ba Minh Khai, Nguyên còn nói nghỉ hè nhất định sẽ làm thêm kiếm tiền để cho tôi mượn sang năm nay áo dài, nó nhìn tôi một lượt rồi bỉu môi:
-Người mày mặc áo dài chắc mắc cười, người đâu mà gầy như cái cây.
Đêm đó tôi nằm mơ thấy mình mặc áo dài tung tăng đạp xe với nó, dưới con đường hai bên trồng toàn hoa phượng, đúng là con đường đó, tôi thiếp đi, sáng mai dậy hình như mắt tôi còn hơi ướt, hình như trong mơ tôi đã khóc…
Tôi dặn thằng Sang đừng nói gì với Nguyên, vậy mà đùng một cái tôi nhận được thư Nguyên, chú Hùng mở bao thuốc ra châm, hít một hơi rồi nói:
-Này, có thư của thằng nào gửi cho mày, tao để trong ba lô, mở ra mà lấy.
-Dạ thì thằng Sang chứ thằng nào ạ.
-Không, thằng khác, chậc, nó đứng đợi cả buổi ở bến xe, nay xe hư dọc đường nên ra trễ.
Tim tôi dừng một nhịp, tôi nhận ra nét chữ quen thuộc của Nguyên, chẳng một lời trách cứ, cũng chẳng hỏi tôi vì sao lại bỏ nhà đi, nó chỉ dặn tôi giữ gìn sức khỏe, mãi tới cuối thư mới hờ hững một câu : “Đợi tao.Học xong cấp ba tao vào.”
Chỉ thế thôi mà tôi ngồi sụp xuống bậc thang khóc ngon lành, tôi biết ngày ấy đi soi ếch ở gần nghĩa địa nó có lẽ cũng sợ như tôi, nhưng nó vẫn đi, chỉ để ánh đèn của nó giúp cho con đường tôi về bớt đìu hiu hơn một chút.
-Nó hỏi thăm nhiều lắm, thiếu điều muốn leo lên xe vào gặp mày nữa thôi, mà này, tính ra mày cũng khổ dữ nhỉ?
Tôi không biết Nguyên đã kể gì với chú, vội về phòng viết mấy dòng để kịp gửi chú, tôi không muốn Nguyên phải đợi tin tôi lâu, đời này tôi không muốn mất đi một người bạn trân quý như Nguyên thêm lần nào nữa.
Tết đó tôi ở lại ăn tết ở nhà cô Lâm, vì cứ ở mãi nên đâm ra quen thuộc và cũng không nhớ nhà kinh khủng như trước nữa. Có lần thằng Sang kêu tôi về, hình như ba hết giận rồi, tôi muốn lắm chứ, tết ai chẳng muốn được về nhà, đôi khi vô thức nghĩ về nồi bánh chưng bên bếp của mẹ làm tim tôi như nứt ra từng mảnh, rấm rứt đến nao lòng. Thế nhưng dù sao thì tôi cũng bỏ học rồi, về cũng đi làm mà ở đây cũng đi làm, huống hồ còn được học may miễn phí nữa nên tôi nói với nó tôi chưa về được, về tết tốn kém nên tôi để giành sang hè mới về. Tôi ra chợ mua hai món vải rồi loay hoay tự cắt tự may áo cho nó, tôi cứ vừa làm vừa hình dung nó cao bao nhiêu, mập ốm thế nào, thế mà hôm nhận được áo nó ướm thử rồi cười toe toét nhắn với chú Hùng nhớ khen tôi, nó nói tôi giỏi ơi là giỏi.
Qua hè thì tôi đăng ký học thêm một lớp bổ túc văn hóa, xin trường cấp ba ở đây cũng khó, trường công thì xa, mà trường tư thì học phí cao nên đành chịu. Thế là từ đó cứ một buổi đi học, một buổi về nhà may, tối thì đi học thêm vi tính. Tối nọ vì hư xe dọc đường nên về trễ, đường lúc này đã vắng hoe chỉ còn vài chiếc xe chạy qua, tôi sợ quá nên co giò lên đạp thật nhanh, lòng chỉ khấn trời cho mình về được tới nhà. Khi đi ngang một bãi đất trống thì tôi bị mấy thằng nhuộm tóc xanh đỏ đang ngồi hút thuốc ở gẩn đó nhìn thấy, tụi nó lao ra chặn đường tôi rồi buông lời chọc ghẹo:
-Cô em đẹp gái, đi đâu vào giờ này thế. Lại còn đạp xe, nhìn tướng em đạp xe ngon tụi mày nhỉ.
Tụi nó vừa nói vừa hô hố, mắt đảo điên quét một lượt từ trên xuống dưới người tôi. Lúc này tôi sợ lắm, sợ đến nổi run lên bần bật muốn xỉu ngang nhưng phải cố gắng run rẩy nói:
-Tránh ra, không tao hét lên bây giờ.
-Haha, hét đi cô em, hét thoải mái, em càng hét thì bọn này cảng khoái.
Sau đó một tên trong số đó dơ tay định tóm lấy tôi, tôi hoảng quá nên xô ngã xe đè lên người nó rồi co giò bỏ chạy, nhưng dù sao tôi cũng là con gái nên khoảng cách giữa tôi và chúng ngày càng bị thu hẹp lại, may sao vừa lúc đó thì thấy có một chiếc xe màu trắng đậu ở bên đường, người trên xe vừa mở cửa bước xuống cũng là lúc tôi chạy tới. Tôi lao vào níu lấy anh ta, giọng run rẩy:
-Anh … anh ơi, cứu… cứu em với, mấy cái thằng kia… hớ…nó… hớ…đuổi em.
Tôi vừa nói vừa thở hồng hộc, anh ta chỉ đưa mắt nhìn tôi một cái rồi nhíu mày lại, không rõ có định nói gì với tôi không nữa. Bọn chúng đuổi tới, nhìn thấy anh ta lại càng hung hăng:
-Này, anh kia, tránh ra để tụi này giải quyết việc gia đình.
Người đàn ông kia vẫn đứng im, lúc này tôi mới để ý mình đang đứng núp sau lưng, tay bấu chặt vào hai sườn áo của anh ta, lưng anh ta to lớn đủ để che hết cả cái thân hình nhỏ thó của tôi, thế nhưng hình như anh ta không có ý định giúp tôi thì phải.
-Tôi bảo anh tránh ra, đừng can thiệp vào chuyện của người khác. Con kia, ra đây.
Hắn thò tay định kéo tôi ra, tôi thấy thế lại càng nắm chặt lấy áo anh, định mở miệng kêu cứu tiếp nhưng thấy mặt anh ta vẫn lạnh tanh, mà anh ta cao quá nên nếu không nhìn xuống thì tôi cũng không cách nào mà nhìn vào mắt anh ta được nên không đoán được lúc đó anh ta đang nghĩ gì. Khi tôi bị tên kia kéo tay định lôi đi thì anh cất tiếng, giọng từ tốn, bình tĩnh:
-Bỏ ra.
-Chó. Đã bảo không phải việc của mình thì đừng chĩa mỏ vào, nó là vợ tao, đêm hôm đi với trai bị tao bắt gặp còn già mồm, xách mày về tới nhà thì mày chết với tao.
-Điên à? Tao là vợ chồng gì với mày ? Anh ơi, em không quen nó, em còn đi học.
Người đàn ông trước mặt chỉ liếc tôi một cái rồi đưa tay kéo tôi lại, lúc đó vì bị kéo mạnh bất ngờ nên tôi mất thăng bằng, suýt chút nữa thì lủi vào người anh ta, may mà đứng vững lại được nên thành ra chỉ vừa mới chạm vào ngực anh ta thì tôi lùi lại được.
-Vợ nào ?
-Nó. Khôn hồn thì tránh ra không tao báo công an mày tằng tịu vói vợ tao.
Tên nhận vợ chồng với tôi vừa nói vừa lao vào định đánh, tôi hoảng quá, dù cho người đàn ông này có tốt bụng định cứu tôi thì tôi nghĩ một mình anh ta cũng không đánh lại mấy tên hung hăng này. Nghĩ thế tôi co giò lên định chạy tiếp để khỏi phiền phức cho anh ta thì đã thấy tên kia bị nhấc bổng lên một cái, hai chân nó chới với giữa không trung. Tôi trợn mắt nhìn lên, anh ta cao thật sự, không chỉ cao hơn tôi mà còn cao hơn cả tụi nó một cái đầu, nhìn trắng trẻo thư sinh nhưng không ngờ lại khỏe thế, anh ta giữ như thế tầm mấy giây rồi ném mạnh một cái, tên kia ngã lăn ra bãi cỏ. Trong lúc tôi còn đang ngẩn ra thì mấy tên còn lại xông lên định đánh hội đồng, anh xoay người túm lấy một thằng khác sau đó bẻ quặt tay nó ra sau lưng vặn mạnh, tên kia đau quá la hét om sòm. Tên lúc nãy bị anh ném ra bãi cỏ lồm cồm bò dậy, mắt nhìn anh ta cảnh giác rồi ra hiệu gì cho mấy tên còn lại, hình như bọn chúng không dám hung hăng như lúc đầu nữa, một lát sau thì rủ nhau chuồn thẳng.
Tôi lúc này mới dám thở mạnh ra một cái, liếc thấy hai sườn áo của anh nhăn nhúm lại, chắc hồi nãy tôi nắm chặt quá, tự nhiên đâm ra áy náy nên chỉ lí nhí :
-Cảm ơn anh.
Anh ta không trả lời, chỉ quay lại nhìn tôi một cái rồi mở cửa xe định bước lên, tôi đánh liều níu lấy anh ta lần nữa, giọng mếu máo:
-Anh ơi, lúc nãy em quăng xe ở đằng kia, đằng kia kìa, mà giờ không dám quay lại lấy, hức…mà… hức…chắc cũng mất tiêu rồi.
-Ở đâu?
-Đằng kia í ạ, đẳng bãi đất trống ấy, lúc nãy tụi nó chặn em ở đó.
-Đi.
-Dạ?
-Lại lấy.
Tôi lẽo đẽo đi theo anh ta lại lấy xe, anh ta đút hai tay vào túi quần, bước đi chậm rãi khoan thai, thế mà tôi cố hết sức vẫn không theo kịp.
Thấy tôi tìm được xe rồi nhưng vẫn quẩn quanh nhìn ngó gì đó thì anh ta cáu kỉnh:
-Không phải xe này hả?
-Dạ phải, nhưng anh chờ em một lát nhé, em tìm chiếc dép, lúc nãy em nhớ là nó rơi ở đâu đây, ở đâu, ở đâu nhỉ?
Người đàn ông kia nhìn tôi một lượt, có lẽ lúc này mới thấy một bên nách tôi vẫn kẹp chiếc dép còn lại nên cơ mặt hình như có dãn ra một chút, kiểu như cười nhẹ ấy, mà cũng không biết có phải cười không nữa vì lúc đó tôi đang ngược hướng với ánh đèn nên nhìn không rõ.
-Đây rồi ạ. Mà anh ơi.. em…em..
-Gì?
-Không ấy em nhờ anh thêm một đoạn được không, nhà em cũng gần tới rồi nhưng em sợ tụi nó chặn em nữa, anh đưa em qua khúc này với, qua khúc này thôi, tới kia là đường lớn rồi ạ.
Anh ta không nói gì, chỉ hất cằm ra hiệu một cái, tôi lật đật leo lên xe, tôi đạp đằng trước, anh ta chầm chậm lái xe phía sau. Ra tới đường lớn tôi ngoái đầu lại định vẫy tay chào thì anh ta đã tăng tốc lao vọt một cái, vừa ngẩng đầu lên đã không còn thấy bóng dáng chiếc xe đâu nữa.
Lếch thếch về được tới nhà thì thấy vợ chồng cô Lâm đang đứng ngóng ra ở cổng, thấy tôi cô lật đật mở cửa rồi hỏi:
-Sao hôm nay về muộn thế cháu?
Tôi không muốn cô lo lắng, cô giống hệt mẹ tôi, chỉ cần có chuyện gì là lại bồn chồn không yên nên đành nói dối:
-Nay lớp con học bù thêm một tiết cô ạ.
Nghe tôi nói thế cô mới thở phào một cái.
-Ừ, thế thôi vào nhà đi. Mà Nghi này, hay cháu xem có lớp nào học buổi ngày không? Chứ con gái mà cứ đi đêm đi hôm thế này cô lo quá.
-Không sao đâu cô ạ, cháu tan học còn chưa tới chín giờ nữa.
-Nhưng mà phải đi qua khúc đường kia vắng quá.
Cũng đúng thật, đoạn đường kia dù đi ngang mấy công ty nhưng giờ đó chưa tan ca nên ngày nào tôi về cũng thấy vắng vẻ, hôm nay may mà có người đàn ông đó giúp, hình như ông trời còn thương tôi thật.
Chỉ là không ngờ cuối cùng tôi lại gặp lại anh….
Sau đó ít hôm, đi học về thì tôi thấy một chiếc xe màu trắng đậu ở trong sân, tôi cứ đứng một lúc, cảm giác chiếc xe này quen quen nhưng nghĩ mãi cũng không biết quen chỗ nào. Vào tới nhà thì thấy một người thanh niên đang ngồi nói chuyện với cô Lâm, tôi cứ ngờ ngợ một lúc lâu sau mới nhận ra người hôm đó đã giúp mình.
Thì ra anh là khách quen của cô, anh mới từ nước ngoài về cách đây mấy ngày. Tôi cất tiếng chào, anh ta chỉ ngẩng lên rồi ừ một tiếng nhỏ, chắc anh không nhận ra tôi, hôm đó trời tối mà khúc đó đèn đường cũng không sáng rõ lắm. Mà thật ra tôi cũng mong anh ta đừng có nhận ra mình, nghĩ lại lúc đó mình cắp một chiếc dép bên nách rồi dắt chiếc xe đạp cà tàng ngó nghiêng tìm chiếc còn lại tôi đâm ra ngại kinh khủng.
Cô mời anh ở lại ăn cơm, anh cũng không suy nghĩ nhiều mà gật đầu đồng ý, còn nói đi lâu như thế mà vẫn luôn thèm món canh hến của cô, tôi phụ cô nấu ăn, ngạc nhiên khi cô chỉ chuẩn bị toàn những món hàng ngày mà chúng tôi vẫn ăn, tôi nghĩ thế vì ở nhà tôi thường thì những lúc có khách mẹ sẽ chuẩn bị tươm tất hơn một chút, tôi hỏi cô:
-Mình nấu thế này thôi hả cô?
-Ừ, thằng Thành nó cũng thích có mỗi thế thôi, rau muống luộc, cà pháo, thịt xào hành, mà món nó thích nhất là canh hến nấu hẹ đấy.
Tôi cười cười:
-Vâng, tại cháu thấy anh ấy có vẻ là người giàu có nên cứ nghĩ anh ấy chẳng ăn những món này đâu.
-Thì nghe đâu nhà nó cũng giàu. Mà cô thấy quí nhau đâu phải ở bữa ăn, cô thích thế, cứ có gì ăn nấy, nấu đơn giản gọn nhẹ thôi, giành thời gian ngồi ăn chuyện trò với nhau lâu lâu, chứ cứ hì hục nấu nấu nướng nướng cả buổi rồi ngồi vào mâm ăn vèo cái xong bữa thì nó lại không quí. Thôi cháu ra kia lấy điện thoại gọi cho chú bảo có anh Thành tới, hỏi chú có về được không?
Ở với cô lâu ngày tôi cực kỳ ngưỡng mộ cách sống đơn giản mà ấm áp của cô, cô không cầu kỳ, không khoa trương, cuộc sống của cô tối giản nhất đến mức có thể, cô nói càng đơn giản thì con người ta mới càng dễ gần nhau, có lẽ vì thế mà cô có được những tình cảm trân quí chân thành như thế.
Chú Tùng không về được nên bữa ăn có mỗi ba người chúng tôi, thành ra ngại kinh khủng. Cô Lâm nhiệt tình:
-Ăn đi cháu, đây là cái Nghi cháu cô, nó mới ở ngoài quê vào, ngồi xuống đi cháu.
Tôi lén đưa mắt nhìn anh ta thấy anh ta vẫn thản nhiên như thường, hôm đó khi một mình đánh nhau với đám oắt con kia tôi chỉ thấy anh cao to, giờ mới biết ngoài cao ra thì từng đường nét trên khuôn mặt anh ta cũng cực kỳ nam tính.
Thấy tôi cứ ngồi ăn cơm trắng mãi cô Lâm gắp cho tôi mấy miếng thịt bỏ vào chén, giục:
-Ăn đi cháu. Thế tối nay cháu có đi học thêm không?
Tôi giật mình, nhắc tới chuyện học thêm tôi lại sợ anh ta nhận ra mình nên chỉ lí nhí:
-Dạ có ạ.
-Ừ thế cháu ăn nhanh rồi lên nhà chuẩn bị đi đi.
Tôi cắm cúi ăn nốt mấy miếng cơm. Hình như Thành thường ăn cơm ở nhà cô thật, anh ta tự nhiên và thoải mái như người nhà, vừa ăn vừa nói chuyện với cô Lâm.
-Thế lần này cháu về luôn hay đi nữa?
-Cháu về luôn cô ạ, bố cháu dạo này sức khỏe không được tốt lắm.
-Ừ, đúng đấy cháu ạ, về giúp đỡ cho bố mẹ vẫn hơn chứ.
-Dạ. Mà đợt này chú ít về cô nhỉ?
-Đơn vị chú dạo này đang tập huấn nên có khi cả tháng mới về, cũng may có cái Nghi ở cùng cô đỡ lủi thủi.
Thì ra nhà anh kinh doanh, khởi nghiệp từ thời của ba anh, anh mới từ nước ngoài về để tiếp quản công ty của gia đình, còn trẻ thế mà đã điều hành được cả công ty thì chắc phải bản lĩnh lắm, hèn gì hôm đó bị cả đám kia xông tới mà anh vẫn bình tĩnh chẳng hề có chút hoảng sợ, tôi thầm cảm thán trong lòng.
Sau hôm đó tôi thấy Thành thường xuyên ghé nhà cô, khi thì may đồ, lấy đồ, có khi không làm gì cả, chỉ tiện đường biếu cô hộp bánh, cũng có khi chỉ tạt vào nói với cô dăm ba câu chuyện. Mỗi lúc anh tới tôi thường chỉ cắm cúi ngồi may, ngoài rót nước mời anh uống ra thì chẳng có thêm chuyện gì để nói nữa cả. Lạ nhỉ, nhà anh giàu thế, anh thành đạt thế, tôi cứ nghĩ những người như anh phải mặc đồ của mấy thương hiệu lớn trên thế giới chứ, nghe tôi hỏi cô Lâm chỉ cười: “nó bảo mặc đồ cô may quen rồi, mấy lần còn kêu cô may đồng phục cho công ty nữa cơ”.
Khi tôi đang lui cui gọt khoai để làm bánh thì nghe tiếng chị Hân trên phòng khách, chị Hân nhà ở hẻm bên, đang học Đại học y ở trên Sài Gòn, hôm hai chị em đi dạo buổi tối vô tình gặp nhau, nói chuyện thấy hợp nên làm quen đến bây giờ. Tính Hân bổ bả, ăn to nói lớn lại thẳng như ruột ngựa nên đâm ra cô chú cũng quí, lần nào cũng dặn cuối tuần về nhớ phải ghé chơi.
Hân biết tôi đang ở dưới bếp thì lao nhanh xuống, vừa đi vừa nói to, đúng là chưa thấy người đã thấy tiếng:
-Nghi. Nghi, mày làm gì vây?
Tôi ngẩng lên cười, mặt mũi dính bột lem luốc:
-Chị về lúc nào thế? Đợt này chị đi lâu ơi là lâu.
-Ừ, tao bận ôn thi. Làm bánh à?
-Vâng, nãy em mua mấy củ khoai về làm thử, nay mưa mát trời ăn chắc ngon.
-Trời ạ, làm gì phải phức tạp thế, bằng này tiền mày ra chợ mua được cả rổ.
-Không, ngoài chợ không có món bánh như ở quê em đâu, toàn loại bánh chiên cả miếng khoai to ăn không giòn.
-Điên, tại mày không biết chỗ thôi, ra lấy siêu xe của mày chở tao đi, tao chỉ chỗ cho.
Tôi lấy xe đạp chở Hân một vòng cũng không có loại bánh như tôi tả, vừa mệt vừa mất công nên tôi lẩm bẩm:
-Nãy giờ mà ở nhà em chiên được hai rổ rồi, tự nhiên bị ngây đi theo chị, mệt chết đi được.
-Ùi, tao đền, về nhà tao xắt khoai cho là được chứ gì?
Đó là lần đầu tiên tôi tập cho Hân ăn món bánh khoai chấm nước mắm ớt của quê mình, Hân ăn mấy lần cũng đâm ra nghiện luôn nên cứ mỗi lần về lại rủ rê tôi làm, mà căn bản một phần vì nó rẻ, hợp với khả năng của hai chúng tôi lúc đó. Khi đang lui cui chiên thì chị sực nhớ ra gì đó, vội hỏi tôi:
-Này, nãy tao nghe nói mày làm cái gì gì mà, cái nhập liệu gì đó cho ông nào hả?
-Sao chị biết?
-Nãy tao nghe cô Lâm nói, mà mày đã học hành gì đâu mà người ta cho mày làm việc đó?
-Thì em cũng nghĩ thế, nhưng anh Thành nói không sao cả, chỉ cần chịu khó thì sẽ làm được, mai em mới tới công ty anh ấy.
-Thành nào?
-Người quen của cô Lâm ấy.
Hân ghé tai tôi nói nhỏ:
-Quen thì quen, mày coi chừng người ta lừa đó, chứ mày cứ ngơ ngơ ra thế.
Hân nói cũng có lý thật, tôi còn đi học, cũng mới học thêm vi tính và anh văn được mấy tháng thế mà mấy hôm trước cô Lâm đi chợ về vội vàng ngoắt tôi vào cười nói:
-Này, thằng Thành nó mới nói với cô, công ty nhà nó đang cần người kiểm tra sổ sách giấy tờ gì đó, hay cháu xin làm thử đi.
Tôi tròn mắt nhìn cô:
-Cháu đang đi học thì ai người ta cho làm ạ?
-Không, nó nói công việc cũng đơn giản nên nó đang định thuê mấy bạn sinh viên làm part time gì đó, làm nửa ngày thôi.
Thấy tôi nghệt mặt ra, cô hối:
-Con may với cô thì cũng được, nhưng nếu mà xin đi làm được chỗ nó thì có thêm đồng ra đồng vào, hơn nữa mai mốt may ra còn xin được việc gì đó nhàn nhàn mà làm chứ cái nghề may coi thế mà cũng cực lắm.
Tôi thích lắm chứ, được người giúp đỡ tìm cho một công việc đơn giản nhưng lại có vẻ oách oách thì ai lại không thích, hơn nữa còn có thể kiếm thêm tiền nữa, nhưng tôi biết dù chỉ là việc làm thêm thì người ta cũng phải tuyển người phù hợp, ai lại đi tuyển đứa đang đi học như tôi. Tôi sợ nếu cô Lâm mở lời thì anh sẽ vì cả nể mà phải đồng ý, vì vậy tôi ngại ngùng lắc đầu từ chối:
-Dạ thôi cô ạ, cháu không có bằng cấp, lại cũng chưa đủ tuổi mà.
-Nó nói làm thêm như thế không cần đủ tuổi đâu.
Sau đó mấy hôm trong bữa ăn cô Lâm nhắc lại thêm lần nữa:
-Thằng Thành nó nói công việc mà nó đang tuyển chỉ đơn giản thôi, nó chỉ cần người đó cẩn thận tỉ mỉ một chút là được.
Chú Tùng đang ăn cũng dừng đũa:
-Mai chú được nghỉ, để chú đưa đi. Coi như đi làm thêm tích lũy kinh nghiệm, sau này có tay nghề may, lại có cả kinh nghiệm làm giấy tờ rồi thì có xin vào mấy công ty cũng dễ tìm được công việc nhàn hạ hơn một chút.
Tôi vội vàng lắc đầu:
-Dạ thôi chú ạ, để cháu tự đi được rồi, cháu chỉ sợ mình làm không được lại ảnh hưởng tới cô chú thôi.
Tôi vừa nói xong đã thấy cô Lâm đưa cho một mảnh giấy:
-Mai cháu đi theo địa chỉ này nhé gần cái siêu thị điện máy hôm nọ cô cháu mình đi ấy cháu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương