Một Đời Không Quên

Chương 14



Anh vẫn bận bịu như thế, vẫn vội vã như thế, ngày trước nghèo cứ ngưỡng mộ mấy người giàu, lấy một người giàu có rồi mới biết, thật ra không mấy ai tự nhiên mà giàu, tự nhiên mà thành đạt, họ đánh đổi nhiều thứ hơn tôi tưởng. Thế nhưng thỉnh thoảng anh vẫn tranh thủ về nhà với tôi, ở bên tôi nhiều hơn, buổi tối chúng tôi cùng nhau đi dạo bên bờ sông. Anh không còn nhăn mặt khi nhìn thấy tôi ăn mấy cây thịt xiên nướng dọc đường nữa, cũng không lưỡng lự định ngăn cản khi tôi vừa đi vừa nhâm nhi mấy cây kem chỗ bán hàng rong, có một lần anh còn mua cho tôi ly trà xanh đậu đỏ to tướng chỗ tôi hay uống. Tôi biết anh không uống, anh chỉ mua cho tôi thôi nhưng khi thấy anh chỉ xách có một ly cũng giả vờ lên tiếng hỏi:
-Anh mua có một ly thôi à?
-Ừ, anh không uống.
-Uống đi, ngon lắm. Anh sạch cả đời rồi, bẩn một ngày có sao đâu. Ngày nhỏ đi mót khoai tụi em còn không thèm rửa, cứ chà chà mấy cái vào ống quần rồi ăn thôi, thế mà đứa nào cũng khỏe re.
Anh nhìn tôi phì cười một cái, tôi nghĩ anh không tin mình nên kể thêm:
-Thật đấy, em không đùa đâu. Tụi em đi chăn bò trên núi, có đứa nào mang nước theo đâu, anh biết tụi em uống nước ở đâu không?
-Ở đâu?
-Ở mấy cái vũng ấy, có hôm vừa cúi mặt uống xong ngẩng đầu lên thì thấy cả một đàn bò đứng phía đầu nguồn nước.
Vành môi anh mỗi lúc một cong hơn, tôi thật thà kể tiếp:
-Bọn em cứ bạ đâu ăn đó, gặp gì ăn nấy, thế mà có đứa nào đau ốm gì đâu. Mấy cái này so ra còn sạch chán ấy chứ.
Tôi kể cho vui thế thôi chứ mấy chuyện đó làm sao anh biết được, chỉ thấy anh mỗi lúc lại cười to hơn, khi tôi vừa nói thêm:
-Thật…
Thì anh đã vội vàng cúi xuống cái ly trên tay tôi hút một hơi, trong ly có hai ống hút, vì chỗ này bán ly to nên lúc nào cũng để sẵn hai ống hút, công viên mà, mấy ai vào một mình. Thế nhưng anh đã không dùng ống hút còn lại, anh đặt miệng vào ống hút tôi vừa dùng. Tôi nghĩ anh nhầm vì bình thường anh vốn sạch sẽ, anh chẳng dùng chung đồ với ai bao giờ nhưng vẫn đợi anh uống xong để hào hứng hỏi:
-Ngon không anh?
-Cũng được.
-Cũng được là thế nào?
-Ừ, thì cũng ngon.
-Đấy em đã nói mà, tin em đi, có phải cái gì rẻ đều không ngon đâu.
Chúng tôi ngồi trên ghế đá phía cuối công viên, lúc này chưa khuya lắm nhưng gió mang hơi nước từ dưới sông thổi lên làm tôi thấy hơi lành lạnh, anh choàng tay qua kéo đầu tôi dựa vào vai anh, vai anh rộng lắm, vững chãi lắm, tôi cứ ngồi dựa vào anh như thế, kể cho anh nghe mấy chuyện linh tinh ngày nhỏ của mình, còn anh cứ im lặng ngồi nghe, lúc đó cũng chẳng biết anh có tin mình hay không nữa.
Lúc này tôi mới nhớ tới lời nói của chị Hòa hôm đó, sau hôm từ nhà chị về thì ít lâu sau tôi bị sảy thai nên thành ra chưa kịp trả lời chị, cũng không biết chị đã thuê giáo viên dạy nhạc cho bé Ngọc chưa nữa. Con tôi không còn nữa, không làm việc này thì cũng làm việc khác, tôi không muốn ở nhà, tôi không biết mình sẽ phải đối diện với mẹ chồng như thế nào cả. Thế nhưng xin ra ngoài làm việc thì tôi không học hành cũng chẳng nghề ngỗng gì, mẹ chồng sẽ không đời nào chấp nhận cho tôi làm những công việc mà bà cho là thấp kém, ảnh hưởng tới thanh danh nhà chồng. Tranh thủ lúc chồng tôi đang có một chút thời gian ít ỏi giành cho mình tôi nhờ anh xin mẹ, vì tôi biết chỉ cần anh mở lời mẹ chồng nhất định sẽ đồng ý.
Tôi ngẩng đầu dậy nhìn anh nói:
-Em muốn ra ngoài làm việc cho khuây khỏa, anh xin mẹ giúp em nhé.
Thành quay lại nhìn tôi, lúc đó tôi cứ nghĩ anh sẽ không đồng ý nhưng không ngờ anh nói:
-Ừ, để anh sắp xếp việc gì đó ở công ty cho em làm, hay em về lại phòng kế hoạch làm luôn cũng được, mọi người ở đó vẫn nhắc em suốt.
Tôi không muốn về đó, tôi chẳng có bằng cấp gì, ngày trước là nhân viên bình thường thì còn được, giờ đã là vợ anh, tôi sợ mọi người sẽ không thoải mái nên từ chối:
-Không cần đâu anh ạ, em xin được việc rồi.
Anh ngạc nhiên hỏi:
-Em xin việc gì? Bao giờ?
Tôi biết nếu tôi nói mình đi dạy đàn thì có cho thêm tiền anh cũng chẳng tin vì thế nên tôi bịa đại một việc cho có vẻ hợp lý:
-Bạn em mới mở một xưởng may nhỏ, em về làm văn phòng chỗ nó.
-Ừ, làm cũng được nhưng không cần vất vả quá.
-Không sao đâu ạ, em làm công việc đơn giản thôi, bạn em muốn em về đó làm, khi nào cần may mẫu thì em cũng có thể may được.
-Vậy cũng được, đi ra ngoài cho khuây khỏa.
Hôm đó mãi tới khuya chúng tôi mới về, tới phòng rồi tôi sợ anh quên nên nhắc lại với anh thêm lần nữa:
-Nhé, mai anh nhớ xin mẹ cho em nhé, không được quên đâu đấy.
Hình như anh đang định sang phòng làm việc, nghe tôi dặn thế quay lại bật cười:
-Thế đi làm có lương rồi có mời anh ăn món gì không?
-Hôm nào lãnh lương em bao anh ăn một bữa, em biết chỗ này bán đồ ăn ngon lắm, lại rẻ nữa. Hoặc em nấu cho anh ăn cũng được, như hồi ở nhà cô Lâm em vẫn nấu cho anh ăn ấy.
Anh ngồi xuống cạnh tôi hít một hơi rồi thở ra nhè nhẹ:
-Muốn về thăm mọi người bên ấy lắm hả?
-Vâng, nhà cô Lâm cũng giống như nhà em, cô Lâm cũng giống như mẹ em. Anh không biết đâu, nếu không có gia đình cô chú thì giờ này chắc em đã ra nước ngoài rồi.
Anh nghe tôi nói vậy thì ngạc nhiên hỏi:
-Ra nước ngoài làm gì?
-Thì ngày ấy chú Hùng nói em cứ ngơ ngơ, kiểu gì chẳng bị bọn bắt cóc nó bán sang nước ngoài.
Lúc đó anh đang ngồi nghiêng nên tôi không thấy rõ, chỉ thấy vành môi anh cong lên một cái nhẹ, anh với tay tắt đèn ngủ rồi kéo tôi nằm xuống, thường thì trước khi ngủ anh hay xem qua tài liệu một chút nhưng hôm nay thì không nên tôi thắc mắc:
-Anh ngủ luôn à? Không làm việc nữa à ?
-Ừ, sau này có em kiếm tiền nuôi rồi, không cần làm nhiều nữa.
Chẳng biết có phải vì ăn linh tinh nhiều hay không, hay vì niềm vui nhè nhẹ mà tôi thấy hình như đêm đó chiếc giường của chúng tôi chật hơn một chút.
Ăn bữa sáng xong lúc đang ngồi uống trà Thành thản nhiên nói với mẹ chồng :
-Sức khỏe của vợ con ổn rồi nên từ mai sẽ ra ngoài đi làm mẹ ạ.
Mẹ chồng tôi nghe anh nói thế liền phản đối :
-Làm cái gì ? Đừng có ra ngoài làm ba cái việc….
Tôi cũng không rõ mẹ chồng đang định nói gì tiếp theo nhưng chồng tôi đã ngăn lời :
-Nhà mình có người giúp việc, vợ con ở nhà cũng không phải làm gì nên con bảo cô ấy ra ngoài làm cho thoải mái, con người thì phải đi ra ngoài mới biết được giá trị của mình nằm ở đâu chứ.
Mẹ chồng tôi hình như còn định nói thêm gì đó nữa nhưng Thành đã đứng dậy ra xe, trước khi đi còn quay lại nói :
-Ngày mai Nghi làm văn phòng ở công ty của bạn mẹ ạ.
Mẹ chồng tôi trước giờ có vẻ chưa hề phản đối ý kiến của chồng tôi bao giờ nên khi nghe anh nói thế thì bà không gay gắt lắm nữa, chỉ lạnh mặt nhìn tôi rồi quay lưng đi xuống, khi anh đi rồi hình như bà sực nhớ ra gì đó liền quay lại dặn tôi:
-Bất cứ khi nào và ở đâu, chỉ cần cô có hành động làm ảnh hưởng tới gia đình này thì hãy nhớ, tôi sẽ không bỏ qua cho cô lần nữa đâu.
Tôi cũng chỉ cần có thế, tạm thời chỉ cần mẹ chồng cho phép tôi được ra ngoài trước đã, còn chuyện kia, kể cả mẹ chồng không dặn thì tôi cũng nhất định sẽ cố gắng không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng tới chồng mình. Tôi hình dung ra mình ngồi trước cây đàn, bàn tay lướt trên những dây đàn quen thuộc, tôi sẽ đàn những khúc nhạc day dứt đã từng vệt vằn trong ký ức của mình.
Tôi dạy đàn cho bé Ngọc một tuần ba buổi, thời gian còn lại thì tới làm thu ngân ở cửa hàng thời trang nhà chị Hoài luôn, chị Hoài nghĩ tôi lấy chồng khó khăn nên lần nào trả lương cũng cho thêm một ít, có lẽ chị cám cảnh cho tôi khi cứ một mình rong ruổi nắng mưa mà chẳng bao giờ thấy người đưa đón.
Ra ngoài rồi tôi có nhiều thời gian hơn, được hít khí trời nhiều hơn, được quay về với vài chốn thân quen xưa cũ, vài lần đi trên đường bỗng thấy mình tâm hồn mình thênh thang kỳ lạ.
Đợt này Duyên ít về nhà hơn, Duyên nói đang bận học nên khi tôi sảy thai cũng chỉ tới thăm được đúng một lần, nhưng bù lại thì Duyên hay gọi điện cho tôi, có khi tỉ tê cả một buổi trời. Hôm thứ bảy Duyên nhắn tin:
-Chị ơi, mai là kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ, em định về nhưng kẹt lịch thi nên không về được, tiếc quá.
Tôi không biết ngày kỷ niệm của bố mẹ chồng mình đã đến gần như vậy, từ trước tới giờ tôi ít khi mua quà cho ai nên không biết phải tặng món quà gì cho phù hợp, hơn nữa bố mẹ chồng tôi là người quyền quí, tôi không biết những người quyền quí thường tặng nhau những món quà gì nên hơi hoảng. Đang định đợi chồng tôi về để hỏi ý của anh nhưng nghĩ bụng đợi tới tối có khi lại không kịp mua nên chi bằng hỏi Duyên:
-Thế hả em? Chị chưa chuẩn bị được gì cả, phải làm sao đây?
Duyên nghe thấy thế thì phá lên cười:
-Trời ơi, bố mẹ không thích quà cáp gì đâu, có thiếu gì đâu mà thích nữa, mọi năm ở nhà em thấy mẹ chỉ đích thân xuống bếp nấu một bữa cơm rồi cùng sum vầy chuyện trò thôi, năm nay em không về được chị giúp em nhé, giờ mẹ cũng già rồi, có khi không còn sức mà xuống bếp ấy.
Đợt trước tôi nghe cô Khiêm nói mẹ chồng tôi không mấy khi vào bếp, giờ lại nghe Duyên nói thế, thấy có vẻ hơi mâu thuẩn nên tôi thử thăm dò từ cô Khiêm:
-Cô ơi, cô ở đây lâu như vậy rồi cố có nhớ kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ cháu là ngày nào không ạ?
Cô Khiêm ngừng tay suy nghĩ một chút rồi “à” lên một tiếng:
-Ngày cưới của ông bà chủ đâu đó gần trung thu, để xem nào, phải rồi, hình như ngày mai hay ngày mốt gì đó.
-Thế bình thường mẹ chồng cháu có xuống bếp không ạ nấu ăn không ạ ? Ý cháu là thỉnh thoảng ấy.
-Ngày trước thì có, bà chủ khéo tay, nấu ăn ngon nên thỉnh thoảng cũng tự tay nấu đồ ăn cho cả nhà, nhưng mấy năm nay bà không xuống nữa. Mà cháu hỏi làm gì thế?
Nếu thế thì Duyên nói đúng, chắc nó cũng muốn giúp tôi ghi điểm trong mắt mẹ chồng.
Tôi tranh thủ về sớm vào siêu thị mua rất nhiều đồ ăn, kể ra thì cũng không phải cao lương mĩ vị gì, tôi không có nhiều tiển để chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn như cảnh thường thấy trên ti vi nhưng lúc đó tôi nghĩ cái chính vẫn là tấm lòng của mình, còn ăn uống thì ngày nào với nhà chồng tôi chẳng là tiệc sang trọng.
Tôi xách đổ ăn về rồi lao ngay xuống bếp, hôm đó trời nắng, mà cũng do tôi lật đật nữa nên mồ hôi mồ kê nhễ nhại tuôn ra trên trán. Cô Khiêm nhìn tôi hồ nghi:
-Sao cháu mua gì nhiều thế, mấy việc này cháu cứ nói với cô được rồi.
-Cháu muốn nấu một bữa cơm mừng ngày kỷ niệm của bố mẹ cháu cô ạ, cô giúp cháu với nhé. Mà cô có biết bố mẹ cháu đi đâu không ạ?
-Ông bà chủ ra ngoài được một lát rồi, chắc cũng sắp về.
Tôi với cô Khiêm hì hục chuẩn bị đồ ăn, chiều muộn dần, tôi lật đật vì muốn bữa cơm thật sự tươm tất nhất trước khi bố mẹ chồng trở về. Cô Khiêm nhìn tôi hơi ái ngại:
-Cũng không biết ông bà chủ có về muộn không. Mà cháu ngoan ngoãn lại hiểu chuyện thế này, chỉ tại bà chủ xưa giờ vốn khó tính, cháu chịu khó một chút nhé.
-Vâng, cháu hiểu ạ, cũng tại cháu…
-Tại gì đâu, vợ chồng là cái duyên cái số, cô ở với cậu Thành từ nhỏ nên hiểu tính ý cậu Thành, nếu là cô thì cô cũng chọn cháu chứ cái cô gì người yêu cũ ấy, nhìn kiểu không hiền cho lắm.
-Ấy cô, cô đừng nói thế, lỡ ai mà nghe được lại bị trách tội, cô ấy là tiểu thư con nhà danh giá nên chắc nhìn bên ngoài cò vẻ kiểu cách thế thôi.
-Không đâu, cô nhìn mặt là cô biết, cũng may cậu Thành dứt ra được khỏi người đó.
Tôi ngạc nhiên hỏi cô:
-Dứt ra là sao hả cô ?
-Thì ai cũng biết là cậu Thành với cô Trang yêu nhau tận chín mười năm, cả thanh xuân chứ ít gì, nhưng mà hình như cậu Thành không muốn cưới, thử hỏi xem có ai yêu mà không muốn cưới đâu, chắc là có chuyện gì đó.
Một lát sau cô Khiêm lại nói tiếp :
-Đợt đó cô thấy hai người cãi nhau, rồi ngày nào cô Trang cũng tới đây, sau đó không hiểu sao một mình cô Trang lại ra nước ngoài.
Đêm đó tôi cũng nghe Trang nói mới ra nước ngoài một thời gian mà anh đã làm tôi có thai, hóa ra là thật.
-Mà cậu Thành tốt tính lắm, cô chăm cậu Thành từ nhỏ nên lúc nào cũng mong cậu ấy được hạnh phúc, cô cũng mừng khi cậu Thành tìm được người chân chất hiền lành như cháu.
Tôi vừa rửa nốt mấy con tôm vừa cười :
-Cô cứ nói thế, chị Trang ấy mới sang trọng quí phái chứ cháu cứ quê mùa mãi, làm sao hợp với anh ấy bằng chị Trang được hả cô.
-Cô nói thật đấy, cậu Thành nhìn thế thôi chứ bình dân lắm, có cái gì ăn cái nấy, bình dân mấy cũng ăn, chỉ tại bà chủ không cho phép nên trước mặt bà chủ cậu ấy mới chiều ý mẹ thế thôi, cậu ấy giống tính ông chủ.
Tôi về đây lâu rồi nhưng thấy bố chồng lúc nào cũng có vẻ nghiêm khắc khó gần, giờ lại nghe cô Khiêm nói thế nên tò mò hỏi :
-Bố chồng cháu dễ tính hả cô ?
Cô Khiêm nghe tôi hỏi liền cười xòa :
-Ông chủ dễ tính lắm, lại hòa đồng nữa, giống i như câu Thành vậy thôi.
Rồi cô Khiêm ghé tai tôi nói nhỏ :
-Ngày trước nghe nói nhà ông chủ cũng nghèo, lấy bà chủ là tiểu thư con nhà danh giá, cơ nghiệp cũng là nhờ phía bên nhà bà chủ giúp đỡ nên nhiều lúc cháu thấy vậy đấy, chứ ông chủ tốt tính lắm.
Tôi khá ngạc nhiên khi nghe cô Khiêm nói thế nên đang định hỏi thêm thì vừa hay điện thoại đổ chuông, tôi bắt máy rồi áp điện thoại lên tai để nghe, tay tiếp tục xào đồ ăn nhưng kỳ lạ là đầu dây bên kia vẫn im lặng , tôi không nghe nói gì nên định tắt máy thì một giọng nói hơi quen vang lên :
-Cháu gọi cho Nghi rồi ạ, em ấy nói lát nữa sẽ đến.
Sau đó là tiếng mẹ chồng tôi bực tức :
-Dâu con gì mà đến lễ kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ cũng không thấy mặt. Mà ông thử gọi cho thằng Thành xem nó đã đến chưa ?
-Rồi rồi, nó nói là đang trên đường tới.
À, thì ra là bố mẹ chồng tôi, chồng tôi và cả Trang nữa đang ở một nhà hàng nào đó, chẳng biết sao Trang biết số điện thoại của tôi, nhưng chuyện đó không quan trọng, quan trọng là tôi lúc nãy chị ta có nói gì với tôi đâu, tôi biết chỗ nào mà tới ? Hơn nữa hình như xuất hiện ở một nơi sang trọng như thế, trong một bữa tiệc sang trọng như thế tối thấy mình không phù hợp lắm.
Tôi cúp máy, tự cười bản thân mình một tiếng. Nhìn bàn tiệc ê hề trước mắt, thấy mình hệt như một con rối không hơn không kém.
Tôi để lại một phần vừa đủ cho cô Khiêm rồi cẩn thận cho số thức ăn còn lại vào từng hộp nhỏ rồi lấy máy gọi cho chị Hân :
-Chị rảnh không ? Đi với em không ?
Hân ngạc nhiên :
-Nay mà không phải ở nhà ăn cơm gia đình với nhà chồng mày à, lại muốn đi đâu ?
-Chị em mình đi phát cơm cho người vô gia cư đi, lâu giờ không đi, tí nữa cũng được, em đi tắm đã.
-Ừ thế lát tao tới chở nhé.
Tôi tắm rửa thay đồ rồi xách theo mấy hộp thức ăn đi ra cổng, đợi thêm một lát thì thấy Hân phóng như bay tới, chưa kịp cằn nhằn thì Hân đã nhanh miệng nói trước :
-Tao mới từ bệnh viện ra, sợ trễ hẹn với mày nên phóng với cái tốc độ mà chỉ cần té xuống đất là đi gặp ông bà luôn mới kịp tới đây đấy.
Nói rồi Hân thò tay mở mấy cái hộp của tôi ra ngó nghiêng :
-Trời, nay mày sang giữ, lần đầu tao thấy có người đi phát cơm mà toàn hải sản thịt thà thế này, đâu tao coi, èo, tôm to thế ?
Tôi thủng thẳng :
-Em nấu mừng kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ chồng đấy.
-Điên, nhà chồng mày giàu thế, ai lại đi ăn mấy con tôm bé tí thế này ?
-Rõ ràng chị vừa khen tôm to mà?
-Thì tao khen là tao khen với lập trường của tụi mình, chứ với nhà chồng mày thì mấy con tôm này có khi còn không bằng cái tăm xỉa răng ấy chứ.
-Chị cứ nói thế, xỉa răng bằng mấy con tôm này có mà gãy hết răng à?. Em làm gì có tiền mà mua tôm to.
-Thế sao lại xách đi thế này ?
-Bố mẹ chồng em đi ăn nhà hàng tây rồi ?
-Đúng rồi đấy, lễ lạt của giới nhà giàu họ đi ăn nhà hàng, ai đâu ăn cơm thân mật như mày nói.
-Thì mới năm đầu em chưa quen, năm sau em đặt hẳn một bàn to mời bố mẹ luôn.
Hân đột nhiên nhớ ra gì đó, lắp bắp:
-Thế chồng…chồng mày đâu ? Còn mày, mày là con dâu mà sao lại không đi ?
-Em có quen ăn món tây đâu, nên em không đi. Còn mấy món này em lỡ nấu rồi, nói phải tội chứ không ăn hết thì mai nhà chồng em cũng bỏ, mẹ chồng em không cho ăn lại đồ cũ đâu.
Hân ấm ứ định nói gì đó, sau cùng lại tặc lưỡi :
-Ừ, người ta không ăn thì mình ăn, đi, tao mua thêm ít bánh bao với ít sữa nữa.
Hai chúng tôi chở nhau bằng xe máy, phía trước phía sau lủng lẳng những hộp những bịch lượn một vòng quanh thành phố. Mãi tới hơn chín giờ chị Hân mới giục :
-Về thôi, về muộn quá không tốt cho mày đâu.
-Hôm nay nhà chồng em về muộn, chị cứ chở em thêm một lúc nữa đi.
-Không được, bố mẹ chồng mày về muộn không có nghĩa là mày cũng được về muộn, mày phải có mặt ở nhà trước khi nhà chồng mày về.
Khi gần về tới nhà thì Hân thắng một cái « két » :
-Hình như chồng mày ở phía trước, tao thấy cái xe quen quen.
Tôi nheo mắt nhìn theo hướng tay Hân chỉ thấy đúng là chồng mình đang ở phía bên kia đường, chiếc xe chầm chậm đang quay sang đường phía bọn tôi. Khi chiếc xe vừa trờ tới Hân nhanh nhảu :
-Chào anh Thành, lâu quá không gặp anh.
Thành mỉm cười :
-Chào Hân, anh có nghe nói Hân mới xin việc ở bệnh viện A, c.húc mừng em nhé.
-Dạ vâng anh, vẫn chưa có dịp mời anh một bữa, thôi anh chở Nghi về nhà nhé, em chào anh.
-Ừ, Hân về đi.
Hân nổ máy, trước khi đi không quên lấy ly trà xanh đậu đỏ đưa cho tôi:
-Này, uống đi, tối nay thức lòi mắt cho biết mặt, lúc nào cũng cà phê với trà xanh đậu đỏ.
Gần tới nhà rồi, một đoạn nữa là tới, tôi không lên xe chồng mình, không hỏi anh, cũng chẳng nhìn anh, chỉ vừa đi vừa nhâm nhi uống đậu đỏ, anh với tôi lúc đó thật xa lạ, xa lạ như hai người dưng gặp nhau ở một đoạn đường. Tôi đi trước, anh chầm chậm lái xe đi sau nhưng cuối cùng lại cùng về tới cổng một lúc, bố mẹ chồng tôi vẫn chưa về, tôi mệt mỏi bước lên phòng mãi một lúc lâu sau mới thấy Thành lên, anh đưa cho tôi mấy trái bắp nướng, cũng không hỏi vì sao tôi lại không tới, chỉ nói:
-Ăn đi, nãy đi ngang chỗ bán bắp thấy ngon nên anh mua hai trái.
Lúc này tôi mới nhớ là thật ra mình cũng chưa ăn, vì trong lòng cứ trống trải hệt như đang đứng giữa cánh đồng cỏ khi những cơn gió chiều thổi tới, vắng lặng, cô đơn và mênh mông, nên hình như thấy cái đói nó cũng trôi qua từ đời nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương