Thư vội đẩy người đàn ông đang đè trên người mình ra, rồi chỉnh lại bộ váy áo hỗn loạn. Uổng cho cô bấy lâu nay luôn nghĩ rằng anh là “chính nhân quân tử”. Nào ngờ… con ma háo sắc trong người anh chỉ chờ cô buông lỏng cảnh giác mà trỗi dậy.
Nghiêm vừa ôm mặt vừa ngã trên ghế sofa. Máu cam trên mũi anh chảy hơi nhiều. Minh Thư kêu thầm:
“Không biết mình đã tạo nghiệp gì thế này cơ chứ?”
Cô lật anh nằm cho nghiêm chỉnh, rồi để khăn dưới mũi anh. Quần áo trên người Nghiêm ướt hết. Cô cởi cái áo khoác sũng nước ra rồi bật lò sưởi. Ánh sáng tỏa ra từ chiếc đèn vàng chiếu vào Nghiêm, làm người anh “bốc khói”, trông vô cùng buồn cười.
Thư cứ nghĩ trái nghĩ phải, cảm thấy như thế này cũng không ổn. Mặc quần áo ướt đi ngủ rất dễ cảm lạnh. Cô thở dài, lại gọi vào số điện thoại của người quản lý khu nhà, nhờ ông đến xử lý giúp cho tên ma men này.
Thay quần áo xong, nấu canh giải rượu cho đút cho anh… lật đật bao nhiêu chuyện cũng đã mười hai giờ đêm. Cô nhìn đồng hồ, mệt nhoài úp người vào thành ghế. Mai cô phải đến đoàn làm phim nữa, mà đến giờ vẫn chưa được ngủ.
Cô lại đạp cho Nghiêm phát nữa, rồi lầu bầu: “Đồ ma men! Đồ háo sắc! Nếu không phải anh say thì tôi sẽ thiến anh!”
Thư đạp cái thứ ba. Lúc này người đàn ông say ngủ không nằm yên nữa. Anh kéo cô ngã sấp lên người mình, rồi trở thân ôm trọn cô vào lòng.
“Lại nữa.” Minh Thư bị ép sắp nát bấy, khổ không nói lên lời. Cô muốn thụi cho anh một cái đấm, thì nghe được câu nói thổn thức từ người đàn ông: “Ngoan, cho tôi ôm một chút. Tôi mệt quá.”
Minh Thư nằm im. Một phần là vì cô không đấu nổi anh, một phần là muốn nghe xem anh nói gì.
Vậy mà Nghiêm chẳng nói nữa. Anh chỉ im lặng ôm cô, không có hành động thân mật quá trớn, cũng không cửa động một chút nào. Thân người anh cứng nhắc, đôi mày kiếm sắc bén chau cả lại. Trông anh cực kỳ mệt mỏi và khắc khổ.
Trần nhà trên kia cao vời vợi, có những người ở trong nhà của chính mình cũng không kiếm tìm nổi cảm giác an toàn.
Thư tò mò vươn tay ra, vuốt bằng những khóe nhăn trên trán anh. Chúng giãn ra một chút, rồi tiếp tục co lại. Cô bần thần làm như vậy một lúc lâu, trong lòng tự hỏi anh đang mơ thấy điều gì? Trong giấc mơ ấy, anh có bị bắt nạt không, có ai bảo vệ anh không? Minh Thư cứ xoay vần với những ý nghĩ như thế, ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Khi Nghiêm tỉnh dậy, bên cạnh đã không có người. Anh nằm trên giường, được đắp chăn cẩn thận. Đầu giường còn vương vấn mùi canh gừng giải rượu. Nghiêm giơ tay lên xoa đầu, thì nhận ra mình đang cầm một thứ.
Anh nhìn cây trâm mạ vàng trong tay, nghi ngờ: “Đây là cái gì?”
Những hình ảnh vụn vặt xẹt qua mắt anh. Cơn mưa rét buốt, vòng tay ấm áp của Thư, bộ quần áo giao lĩnh thuở xưa… Suối tóc cô rơi trên chiếc ghế màu gụ. Anh bừng tỉnh, lật chăn ngồi dậy tìm quanh nhà. Thư thật sự đã “biến mất”.
Cô để lại một tờ giấy nói rằng mình chuẩn bị nhập đoàn làm phim để chỉ đạo việc quay phim. Cô đã mang đồ dùng cá nhân đi cả rồi, sẽ không làm phiền ở nhà anh nữa.
Cảm giác bải hoải cắn chặt Nghiêm. Anh nắm chặt chiếc trâm ở trong tay. Tất thảy mọi thứ xảy ra tối hôm qua đã trở lại, in trong lòng và các giác quan của anh.
“Dù em chạy đến tận chân trời tôi cũng bắt em về. Chạy đến đại bản doanh của tôi thì có ích gì?”
Đúng lúc ấy, điện thoại trên bàn của Nghiêm rung lên mấy tiếng. Anh lướt qua vài tin, mới biết mình đã bỏ qua rất nhiều thông tin trong cơn say xỉn hôm qua.
Anh dừng tay ở một email gần nhất: “Tôi đã tìm thấy cô gái kia. Cô ấy tên là…”
Trống ngực Nghiêm không ngừng đập. Anh nhanh chóng mở thư ra. Anh đã chờ đợi suốt gần hai mươi năm. Hai mươi năm, cuối cùng cũng tìm thấy cô bé mà anh vẫn tâm niệm.
Nghiêm chăm chú đọc. Đằng sau dấu ba chấm kia là một cái tên và bức ảnh một người mà anh vô cùng quen thuộc.
Thư không đến trường quay ngay mà trở về nhà mình. Hôm nay, cửa nhà họ Từ mở toang, bên trong ầm ĩ giống như đang có tranh cãi.
“Làm phản rồi. Làng nước ơi, tại sao lại vô phúc như thế này? Thằng Nhâm, mày trở về mà xem…”
Giọng của bà nội oang oang xen lẫn với tiếng thở hổn hển dồn dập. Thư túm tay một người làm trong nhà, hỏi: “Có chuyện gì xảy ra vậy?”
Cô bé này hàng ngày vẫn có thái độ khá hòa nhã với Thư. Cô bé túm tay cô, nhỏ giọng:
“Cô chủ cẩn thận. Bà đang giận lắm. Mẹ cô cãi lời bà.”
Thư không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng việc liên quan đến mẹ làm cô chẳng thể ngó lơ. Cô xoa đầu cô bé người làm, rồi xuyên qua hành lang để đến phòng khách.
Mẹ cô và bà nội đang đứng đối diện với nhau. Không khí giãn căng, chỉ cần động nhẹ vào là sẽ nổ tung. Hai người họ sống chung với nhau hai mươi tám năm nay, cứ chì chiết nhau như vậy. Sự tồn tại của mẹ cô khiến bà nội không thở nổi. Mẹ cô âm thầm chịu đựng giày vò, bó buộc mình, nhưng cũng bó buộc mẹ chồng. Cả hai đều bế tắc không có chỗ thoát ra.
Minh Thư định tiến lên bảo vệ mẹ mình. Nhưng rồi, cô thấy bà Nguyệt ngẩng cao đầu, bằng một tư thế kiêu hãnh chưa từng có mà nói chuyện với bà nội:
“Các người thử một lần nữa động vào con gái tôi xem! Tôi sẽ liều cái mạng già này để chôn cùng các người!”
“Con khốn! Rồi mày làm gì tao?”
“Mẹ hỏi con muốn làm gì?” Bà Nguyệt trợn mắt, túm tay Nhã Thy đang đứng ở bên cạnh lại gần. Bà là người lao động từ nhỏ, thân thể mạnh mẽ. Một người có bầu như Thy không tránh hay trốn thoát được. Cô ta còn chưa đứng vững, đã bị ăn một cái tát.
Má Nhã Thy hằn vết năm ngón tay hồng rực. Mọi người há hốc mồm kinh ngạc, còn bà Nguyệt thì sấn tới.
“Nể tình chị Loan mẹ mày ở trên trời, tao mới dạy cho mày biết. Chồng người không nên cướp, chồng em gái thì càng không! Con gái tao lương thiện nhường nhịn, mày còn càng lấn tới. Hôm nay tao sẽ dạy dỗ mày tới bến.”
Thư hoảng lên, vội xông đến ôm mẹ lại. Cô cao hơn bà, nên khi ôm với tư thế này, đầu cô để trên vai mẹ mình.
Bà Nguyệt đương cơn giận dữ chợt nghe thấy giọng của con gái. Khi hai người ôm lấy nhau, mấy giọt nước mắt của Thư rơi trên hõm cổ của mình, nóng hôi hổi. Bà bỗng nhiên cảm thấy mình đã trở về những ngày còn cô thơ bé. Khi đó cô rất đơn thuần, muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười, khi thấy bất công sẽ vùi vào lòng mẹ kêu khổ. Mỗi lúc như thế, bà thường chỉ bảo con:
“Chúng ta nhẫn nhịn một chút. Tất cả rồi sẽ qua thôi.”
Con bé ngước mắt lên nhìn bà, ánh sáng trong đôi đồng tử vụn vỡ thành từng mảnh.
Sau đó, Thư không tìm đến bà nữa. Cô bé cũng chẳng nhẫn nhục chịu đựng, mà đang tìm cách thoát khỏi ngôi nhà này. Là mẹ, làm sao mà bà không hiểu. Con bé luôn coi ngôi nhà này là xiềng xích trói buộc, rút cạn máu của nó.
Những người cay nghiệt tụ tập ở một chỗ, nhổ sạch lông cánh của Thư, vào đúng lúc con bé đang ở độ tuổi đẹp đẽ và trong sáng nhất. Nhưng người đáng trách hơn cả chính là bà. Đáng ra con bé đã có thể bay lượn trên bầu trời rộng lớn. Chính bà đã giữ nó lại, để những người “thân” trong gia đình hành hạ.
Thư tiếp tục gọi mẹ mình: “Mẹ, mẹ bình tĩnh đừng nóng giận. Con không sao cả.”
Bà Nguyệt lại đưa mắt nhìn. Nhã Thy đang được bà nội chở che. Bà ta chỉ vào hai người mắng xa xả, đồng thời cuống quyết bôi thuốc cho cháu gái lớn. Kiểu đãi ngộ đó cả đời con bé cũng không được hưởng, chỉ bởi vì một câu nói của người ngoài: “Con nghi nó không phải con trai của anh Nhâm.”
Tại sao bao nhiêu năm bà cứ u mê. Khiến cho con mình bị vứt bỏ trở thành trò cười cho thiên hạ. Khiến cho nó suýt chút nữa thì rơi vào cạm bẫy của những kẻ lòng lang dạ sói.
Bà Nguyệt thu mắt lại, vỗ vỗ tay Thư an ủi: “Con không sao là tốt rồi. Mẹ đồng ý ly hôn, cả hai mẹ con mình cùng ra khỏi ngôi nhà này.”
________
Chương 20: Ai mới là kẻ đứng sau?
Thư không tin vào tai mình. Cô mở to đôi mắt ra nhìn bà đăm đăm. Có thể nói mẹ con có đôi mắt rất giống nhau, chỉ khác là Thư nhìn tỏ mọi việc, còn bà Nguyệt đã bị thời gian che mờ đi sự tinh anh.
“Tao thách mày đấy!” Bà Vân sấn sổ tới, miệng thổi phì phì. “Tao thánh một con đ*** như mày rời xa được con tao đấy.”
Những lời độc địa làm bẩn tai Thư. Khác hẳn với mọi lần, cô vẫn thường đứng chắn trước mẹ mình. Lần này, bà Nguyệt bảo bọc cô trong vòng tay. Bà nhẫn nại bước lên trước:
“Đây là lần cuối cùng con gọi mẹ là mẹ. Thân phận con thấp kém làm mẹ bị chê cười, con thừa nhận. Nhưng trước khi gả vào nhà này, con cũng nổi tiếng một phương. Được chồng thương xót vớt con ra khỏi nơi hỗn tạp là phước phận của con, mà cũng là cái khổ chèn ép con cả đời rồi. Hai mươi tám năm nay, bưng cơm rót nước, chăm mẹ chăm chồng, con đều giữ vững đạo làm con làm vợ. Duy chỉ có điều…”
Bà nghẹn lại quay sang vuốt tóc con mình: “Phụ nữ nào chẳng muốn có con để nương tựa về già. Con trót dại sinh con bé ra, nhưng con không hối hận. Con bé là con của anh Nhâm, là cháu của bà. Hai mẹ con con chưa từng đòi hỏi bất cứ thứ gì, chứ đừng nói là tranh tài sản với Thy. Nó đã sống đời sống của riêng nó, xây dựng sự nghiệp của riêng nó. Người ta nói máu mủ ruột già, nhưng nếu… sự có mặt của con với Thư ở trong nhà này là tội lỗi, thì con xin phép mẹ, cho chúng con được rời khỏi đây.”
Hốc mắt Thư lại nóng lên, mờ hơi sương. Cô nhịn xuống, để cho mình không rơi một giọt nước mắt nào. Cô muốn hai mẹ con thật quật cường khi ra khỏi đây.
Mặc dù bà Nguyệt nói rất nhẹ nhàng, từng lời một lại như vả vào mặt mẹ chồng. Bà Vân nghiến răng ken két, không phủ nhận nổi những hành vi trong lời buộc tội của con dâu: “Cay nghiệt với con cháu, thiên vị…”
Bà giãy lên: “Được! Được! Giỏi lắm! Mày muốn đi, một đồng một cắc cũng không được mang đi. Còn cả nó nữa, mang trả lại căn nhà mà thằng Nhâm cho nó đây. Đừng tưởng bà già này không biết mày làm cái gì sau lưng tao?”
“Nhà nào?” Bà Nguyệt quay lại hỏi Thư.
Cô vỗ tay bà để trấn an, rồi nhìn thẳng vào bà nội:
“Bà nhầm rồi, bố không cho cháu bất cứ cái gì cả. Căn nhà đó là do cháu kí hợp đồng với ông ấy. Cháu chấp nhận ly hôn trong êm đẹp, để người ta không biết rằng nhà họ Từ giàu có bề thế nhưng dột từ nóc xuống.”
Bà Vân đập bàn tức điên lên, gần như không thở nổi. Người bà co giật đùng đùng lên vì chịu sự đã kích.
“Thư… bà…” Mẹ Thư sợ đến nỗi trắng bệch mặt.
Thư không nói nữa, vội vàng lại gần ấn huyệt nhân trung cho bà.
“Cút ngay! Đừng động vào người tao! Đồ mất dạy! Mày không phải cháu tao! Mày không phải là cháu tao!”
Bà Vân vừa nói vừa lên cơn. Nhã Thy đẩy Thư ra, làm cô ngã xuống đất.
“Tránh ra để mang bà đi viện! Mày muốn làm gì thế hả?”
Thư không để ý đến sự mỉa mai của chị ta.
“Nếu như muốn bà không bị làm sao thì tránh sang một bên đi.”
Cô nói xong, một bên giữ chân tay bà nội mình lại, một tay không ngừng bấm huyệt mấy chỗ huyệt. Đồng thời, cô còn sai người làm lấy dầu xoa tay xoa chân, theo dõi bà từng chút một. Khoảng mấy phút sau, bà Vâm đã bình tĩnh trở lại, sắc mặt cũng hồng hào hơn.
Mẹ con Thư đều thở phào nhẹ nhõm. Họ muốn rời khỏi nơi này, chứ không muốn bức bà Vân xảy ra chuyện. Vì dù sao đi chăng nữa, con người cay nghiệt này cũng là mẹ chồng, là bà nội…
“Nếu đã không còn việc gì nữa, con xin phép đi trước.” Minh Thư cúi đầu, trong khi bà Vân ngồi thở dốc nhìn cô.
Đã mấy năm nay, bà thừa nhận rằng mình chưa từng nhìn kỹ khuôn mặt của đứa cháu này. Những lời cười chê của họ hàng đã che đi bản tính người bà sẵn có, làm bà không muốn nhìn thấy cô.
Đây là nỗi nhục của dòng họ, bằng chứng chứng minh rằng con trai bà đã thoát khỏi sự khống chế của mẹ, để lấy một người vợ đê hèn.
Minh Thư thở dài, đứng thẳng lưng:
“Cháu vẫn phải nói một câu, dù rằng đã qua nhiều năm rồi. Năm đó chị Thy bị ngã hồ sen, cháu không đẩy chị ấy. Cháu với chị ấy đang ngồi chơi thì chị ấy bất thình lình ngã xuống. Đến khi cháu phát hiện mọi người đã đến rồi.”
Cả bà Vẫn lẫn Nhã Thy đều mở to mắt.
Cô nói tiếp: “Việc bị hiểu lầm bao nhiêu năm quá khiến cháu khổ sở. Giờ mọi người tin hay không chẳng có giá trị gì với cháu nữa. Cháu chỉ nói vậy thôi.”
Trong sự ngơ ngác của mọi người, Thư nắm tay mẹ mình ra khỏi căn nhà xa hoa tráng lệ. Bóng cô ngả dài trên mặt đường, chạm vào những hòn sỏi màu trắng đục.
Một bước… hai bước… Hai người sắp ra khỏi đây vĩnh viễn.
Sau lưng chợt có tiếng gọi. Hai người quay đầu lại. Nhã Thy xách váy chạy nhanh về phía này.
Chị ta dừng trước mặt Thư: “Rốt cuộc cô gặp chuyện gì? Tại sao cô lại nói rằng tôi hại cô chứ?”
Thư theo dõi thật kỹ sắc mặt chị mình. Trông chị ta uể oải, làn da xám xịt, giống như không được yên giấc cho lắm. Sự gai góc tàn nhẫn trên người Thy đã bị mài nhẵn từ lúc nào, chỉ còn lại sự yếu đuối bất lực ở lại.
“Trong hộp cháo bà nội đưa cho mẹ tôi có thuốc mê. Các người biết thừa có bất cứ thứ gì ngon bà cũng nhường cho tôi. Ai có thể đột nhập vào nhà họ Từ để hãm hại một người họ không quen biết, còn tình cờ đưa đến trên giường chồng cũ của chị chứ?”
“Không thể nào!” Thy bật thốt: “Tôi không động vào nó. Hôm đó tôi đi khám thai, trở về nhà thì đã thấy mẹ cô mang một hộp cháo về rồi. Hơn nữa bà còn chọn một hộp giữa bảy cái hộp khác nữa. Nếu như chỗ cháo đó có vấn đề, tất cả mọi người trong nhà đều gặp chuyện rồi. Tôi làm sao biết được mẹ cô sẽ chọn hộp nào mà mang đi chứ?”
Thư ngạc nhiên quay sang nhìn mẹ mình, thấy bà gật đầu thừa nhận.
Một suy nghĩ xẹt qua đầu, khiến cô chợt thấy lạnh cả người.