Chỉ Yêu Mình Em

Chương 22



Vậy mà một đoạn thời gian nữa đã thấm thoát trôi qua một cách hững hờ, con của Nhàn hôm nay tròn một tuổi rồi. Hôm nay, cô xin nghỉ làm ở xưởng dệt một hôm để ở nhà nấu chè xôi cùng các món ăn làm tiệc thôi nôi cho con. Nhàn cho rằng con mình vừa sinh ra đã chịu thiệt thòi, không có cha bên cạnh, mỗi ngày còn cùng mẹ đi đến xưởng dệt, phải ăn ngủ ở đó, nên cô thương con, cô cố gắng dùng tất cả những gì tốt nhất của mình để bù đắp cho con. Sinh nhật là một chuyện rất vui nên Nhàn đã mời mấy chị em rất thân thiết với cô ở xưởng dệt, sau giờ làm đến cùng làm tiệc với mẹ con cô cho bữa tiệc càng thêm vui, thêm náo nhiệt. Mấy chị, mấy em ở xưởng dệt rất quý mến Nhàn cùng con trai của cô nên khi nhận được lời mời, ai ai cũng nhận lời là sẽ đến nhà cô cùng tổ chức tiệc mừng thôi nôi cho thằng nhóc.

Con trai của Nhàn tên là Nhân, một cái tên rất đẹp và có nhiều ý nghĩa. Trong khi Nhàn đã từng mất hết một tháng mới suy nghĩ ra được cái tên đó. Bởi vì cô ít chữ, không được đọc nhiều sách, nên đã rất lúng túng trong việc chọn một cái tên để đặt cho con. Cô rất sợ mình sẽ đặt cho con một cái tên không đẹp, không hay và việc đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con sau này. Suy đi nghĩ lại rất kĩ càng suốt một tháng trời, cuối cùng Nhàn quyết định đặt tên con là Nhân, Thành Nhân. Với ý nghĩa cùng như là hi vọng của cô, con sau này sẽ khôn lớn thành người, luôn sống nhân nghĩa. Với lại, khi nhớ tới cậu ba tên Đức, con tên Nhân, Nhàn liên tưởng được rằng cái tên của hai cha con họ ghép lại sẽ ra một đức tính tốt đẹp của con người, đó là nhân đức. Cô muốn là con mình sau này cũng sẽ được như cha nó, sống nhân hậu hiền hòa, có trách nhiệm, có thể gánh vác được mọi chuyện, luôn làm tròn bổn phận của mình với gia đình và với người mình yêu thương.

Cu Nhân vừa tròn mười tháng tuổi là đã chập chững bước những bước đi đầu tiên của cuộc đời. Giây phút Nhàn nhìn thấy con tự mình đứng dậy bằng chính sức lực của mình mà không cần nhờ đến mẹ giúp, lòng cô vui sướng vỡ òa, vui vì cô được tận mắt chứng kiến thấy cảnh đó, càng vui hơn khi cô không nghĩ là con mình lại biết đi sớm như vậy. Trong khi trước đó con cô còn không chịu bò, chỉ có nằm rồi lật người úp ngửa mà thôi. Đến tháng thứ mười một, cu Nhân bập bẹ mấy tiếng “Ba… ba”, đó cũng chính là những tiếng gọi đầu tiên của cuộc đời, Nhàn lại một lần nữa vui mừng không tả xiết. Đến hôm nay, khi cu Nhân tròn một tuổi, thằng bé đã có thể nhại lại được mấy từ dễ nói sau khi đã nghe người lớn nói qua một lần như là: Cha, mẹ, ăn, mum mum… Mỗi ngày, từ lúc con cô một tháng đến thời điểm hiện tại, Nhàn đều đưa con đến xưởng dệt để làm việc cùng mình, cu Nhân khi ở đó luôn được các cô, các bác yêu thương cưng nựng làm cho thằng bé lúc nào cũng cười tít mắt, Nhàn cũng vì đó mà thấy rất vui trong lòng. Hạnh phúc của những người phụ nữ sau khi đã có con thật sự rất giản đơn, chỉ gói gọn trong hai chữ “con mình”.

Hôm nay sinh nhật mình, cu Nhân đã bốc lấy cây viết giữa rất nhiều món đồ Nhàn đã chuẩn bị sẵn cho con. Mấy cô, mấy bác thấy cu Nhân bốc cây viết, ai ai cũng tấm tắc khen ngợi thằng bé chọn hay:

-Rồi rồi, thầy giáo tương lai đây rồi. Thầy giáo tương lai của cái làng này đấy.

Nhàn cũng thật mong con mình sau này sẽ học hành đến nơi đến chốn rồi trở thành một thầy giáo. Dùng chữ của mình để giúp đỡ những người khác không phải mù chữ. Và quan trọng nhất là khi con làm thầy giáo con sẽ không phải cơ cực ngoài đồng, ngoài ruộng dang nắng dầm mưa. Nhàn nói với mọi người:

-Con em mà học tới mức có thể làm thầy giáo là em sẽ lo cho con ăn học. Em có vất vả bao nhiêu em cũng nhất định lo cho con.

Nghe Nhàn nói vậy, một chị làm chung với Nhàn tự nhiên nói:

-Ừ, chị phải công nhận là bây giờ nuôi con khó quá, không giống như trời sinh voi sinh cỏ thời ông bà mình. Trẻ nhỏ bây giờ hay đau ốm, còn phải lo đầy đủ mọi thứ cho nên có hơi vất vả. Chị với nhà chị cả hai người cùng nuôi một đứa con đã thấy cực rồi, em nuôi con một mình mà thằng bé mập mạp đáng yêu thế này chị cũng nể đấy Nhàn ạ.

Nhàn được khen nhưng cô lắc đầu phủ nhận hết tất cả:

-Không cực gì hết chị ạ. Trộm vía là em có đủ sữa nuôi con, sữa em cũng mát nên cu Nhân mới được mạnh khỏe như thế này ạ. Chứ em chưa từng phải vất vả gì vì con cả.

Tuy Nhàn không chịu nhận nhưng tất cả đều không tin cô. Bởi ai ai trong số họ cũng đều chứng kiến thấy cô đã vất vả như thế nào. Ngày còn bầu bì Nhàn vác cái bụng to của mình đến xưởng dệt làm việc cho đến khi có dấu hiệu sắp chuyển dạ cô mà mới nghỉ, sinh con vừa tròn tháng là lập tức mang con đi làm với mình chứ không đợi đến lúc cơ thể và sức khỏe hồi phục lại hoàn toàn. Bản thân thì luôn bỏ mặc không quan tâm tới, nhưng cu Nhân vừa mới có một vết xước nhỏ ở tay hay bị rụng một hai sợi tóc là cô đã lo sốt vó lên, rồi vội mang con đi đến nhà thầy thuốc. Mọi người đã từng làm chị, làm mẹ, ai cũng đều yêu thương con em mình, nhưng họ chưa từng thấy ai lại xem con mình quan trọng hơn mạng sống của mình như Nhàn. Có lẽ là vì họ chưa biết những gì Nhàn đã từng trải qua trong quá khứ nên mới thấy khó hiểu trước thái đọp và hành động của Nhàn như vậy. Chứ ai đã từng giống như Nhàn, từng trải qua cái cảm giác đau thấu trời xanh khi con mình đang ở trong bụng thì mình bất cẩn làm mất là họ sẽ hiểu được cảm giác của cô.

Một người chị khác trả lời với Nhàn:

-Cô đừng có mà chối với mấy chị nhé, tại vì mấy chị nhìn thấy rất rõ em chăm con kĩ lưỡng như thế nào… Ừm…

Ngừng một chút như có điều đắn đo rồi chị ấy nói tiếp:

-Chị thấy em thật sự rất cực, nuôi con một mình cũng rất vất vả, nên em có bao giờ có ý định sẽ đi thêm bước nữa không? Chị thấy là nếu em chịu mở lòng mình, đón nhận một người đàn ông khác, cùng họ xây dựng lên một gia đình rồi cùng họ chăm sóc con cái, như vậy sẽ tốt hơn là một mình em.

Mặc dù không ai biết được trong quá khứ của Nhàn đã từng xảy ra những chuyện gì, tại sao cô đang bụng mang dạ chửa nhưng vẫn đi đến một nơi xa lạ bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng đây là điều mà các chị làm chung trong xưởng dệt thật lòng quan tâm đến Nhàn. Họ cho rằng đàn bà dù có mạnh mẽ tự cường đến đâu cùng cũng là phái yếu, rất cần một người đàn ông làm chỗ dựa.

Nhàn nghe vậy thì mỉm cười lắc đầu:

-Dạ không ạ, em không có ý định đó, em thấy cuộc sống bây giờ của mẹ con em rất tốt. Em có thể chăm sóc tốt cho con mình và con em có thể làm chỗ dựa tinh thần cho em. Chỉ cần con em luôn bình anh và khỏe mạnh, em không cần thêm bất cứ điều gì nữa.

Từ lúc xa cậu ba đến nay, Nhàn chưa từng có suy nghĩ sẽ nương tựa vào một người đàn ông nào nữa. Dù cho có đôi lúc có những chuyện quá khó khăn với cô, cô không đủ sức để làm, cô rất cần có cậu ba bên cạnh, nhưng ngoài cậu ba ra thì Nhàn chưa từng nghĩ tới người đàn ông nào khác.

Mấy chị trong xưởng dệt thấy Nhàn vất vả, nên muốn quan tâm đến Nhàn, đưa ra cho Nhàn những lời gợi ý mà mấy chị cho là tốt nhất cho cô chứ không phải mấy chị tò mò xen vào đời tư của người khác. Nên khi nghe Nhàn nói như vậy, người chị đã khuyên Nhàn trả lời:

-Ừ, chị thấy như vậy là tốt nên mới nói với em thôi, em cứ từ từ suy nghĩ, hãy cứ làm điều bản thân cho là tốt nhất nhé.

Nhàn hiểu ý chị ấy, cô gật đầu:

-Dạ, em hiểu mà, em cảm ơn chị nhiều.

Sau đó, tất cả mọi người cùng vui vẻ nhập tiệc thôi nôi của cu Nhân. Khi bữa tiệc thôi nôi đã xong, Nhàn cùng cu Nhân bốc quà mà mấy cô, mấy bác đã chuẩn bị để tặng. Quá nhiều quà cáp để cho mẹ con cô bốc không nghỉ tay trong một lúc. Mấy cô, mấy bác làm chung đa phần cũng không phải là tặng quà cáp gì lớn lao như những món quà đó đầy ấp tình yêu thương của họ dành cho cu Nhân, mẹ con cô rất vui. Người thì tặng đồ chơi cho cu Nhân, người thì tặng cho cu Nhân tới mấy bộ quần áo để cho thằng bé mặt từ đây đến lúc ba bốn tuổi, người còn mang vải do chính tay mình dệt để tặng cu Nhân, còn dặn dò là bao giờ cu Nhân lớn hơn một chút hãy may quần áo cho thằng bé mặc. Cứ như vậy mà hai mẹ con Nhàn sống hạnh phúc trong tình yêu thương của làng xóm, láng giềng.

Sau đó, được một khoảng thời gian sau, khi Nhàn đang đi làm ở xưởng dệt như bình thường, cô nghe được mấy chị làm chung buôn chuyện với nhau trong giờ giải lao. Một chị nói:

-Thấy lạ quá ha, thời bây giờ đàn ông người ta năm thê bảy thiếp chứ ai mà chung tình mãi một người như người đàn ông này. Tìm vợ mấy năm rồi không ra vẫn cứ tìm không từ bỏ.

Một chị khác phản bác lại:

-Có gì lạ đâu, đàn ông cũng có người này người nọ chứ chị. Có người đào hoa, lăng nhăng thì cũng có người chung thủy, mãi mãi chỉ yêu có một người như thế.

Chị kia nghe vậy thì gật đầu:

-Thì chị cũng biết, nhưng mấy ông nhà giàu như thế này còn chung tình nữa thì thật là hiếm thấy khó tìm.

Nhàn thấy mấy chị làm chung bàn luận một vấn đề quá hấp dẫn nên cô lại gần, cô cũng muốn nghe chuyện. Cô hỏi mấy chị:

-Mấy chị đang nói tới chuyện gì mà em nghe có vẻ hấp dẫn vậy ạ?

Thấy Nhàn chưa biết nên một chị nhiệt tình kể đầu đuôi câu chuyện với Nhàn:

-À sáng nay chị đi chợ, nghe mọi người truyền tai nhau là có một người đàn ông ở làng Đoài đi tìm vợ mình mấy năm nay mà chưa có. Nay ông ấy họa hình vợ mình rồi cho người mang đi khắp nơi và có treo một giải thưởng lớn, chỉ với mục đích là tìm ra người vợ của ổng bây giờ đang ở đâu. Mà người đàn ông đó hình như cũng nhỏ tuổi thôi, là con nhà hội đồng làng Đoài thì phải, cách làng ta mấy ngôi làng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương