Ngày hôm sau là chủ nhật, không bị lũ trẻ vo ve đánh thức nhưng Hà Phương vẫn dậy rất sớm. Cô lững thững đi bộ ra sân mới thấy Nhã Lam đang nhặt mấy con nhộng trong tổ ong ra ngoài.
Cô hỏi: “Làm mồi câu cá à?”
“Sao cô biết?”. Cô ta hơi ngẩng lên.
“Đoán”. Hà Phương cười cười, không nhắc đến chuyện A Văn nói đi câu cá hôm qua: “Có dư cần câu không, tôi cũng muốn đi câu”.
“Không có cần câu, cô muốn thì vào rừng mà chặt tre”.
“Cây bao nhiêu thì vừa làm cần?”
“Khoảng chừng ngón chân cái”
“Cảm ơn”.
Hà Phương quay người vào bếp, xách một con d.a.o đi ra. Nhã Lam thấy cô định đi chặt tre thật mới nói: “Chặt tre không dễ đâu, với cả cô cũng không có cước và móc câu”.
“Tôi đi xin bác sĩ Việt. Kim khâu của anh ta làm lưỡi câu có vẻ được đấy”.
“Kim khâu để khâu cho bệnh nhân. Anh ấy còn lâu mới cho cô”.
“Cô từng xin rồi à?”
Nhã Lam đặt tổ ong xuống, nhìn thẳng cô: “Tôi không cợt nhả như cô, không xin những thứ như vậy”.
Hà Phương bị chọc cười, cô cầm d.a.o lững thững bỏ vào trong rừng, lúc đi ra khỏi sân mới để lại một câu: “Nói thế mà cũng tin”.
Vật lộn gần nửa tiếng, Hà Phương mới chặt được một cây tre nhỏ bằng ngón chân cái, cô chặt hết cành lá xung quanh rồi đi ra bờ suối lớn. Đúng như cô đoán, Đình Việt và Nhã Lam đang ở đây, anh đang móc mồi câu cá, còn Nhã Lam ở bên cạnh cười nói gì đó.
A Văn cũng đứng cách đó không xa, cậu ta một tay cầm cần câu, tay còn lại vẫy Hà Phương: “Chị Phương, cũng làm cần à?”
“Ừ, nhưng chưa có cước”. Cô không để ý đến hai người kia, đi thẳng qua bọn họ đến chỗ A Văn: “Cậu có không?”.
“Em chỉ có mỗi lưỡi câu thôi, cước anh Việt có đấy, chị đi xin anh ấy đi”.
Hà Phương gật đầu, đi lại gần hỏi xin cước. Nhã Lam đang líu lo nói về cây thuốc gì với anh, thấy cô đến phá đám thì vẻ mặt hiện rõ vẻ không vui.
Nhưng có Đình Việt ở đây nên cô ta không lên tiếng, chỉ nhìn cành tre xấu xí trên tay cô. Hà Phương thật sự chặt một cây tre bằng ngón chân cái, rất to, cũng nặng, loại này không thể làm cần, cầm vào tay rất nặng.
“A Văn nói anh có cước”. Hà Phương hỏi Đình Việt.
“Ừ. Cần đó của cô không câu được”.
“Tại sao?”
“Hơi to”.
Hà Phương liếc Nhã Lam một cái, cô ta làm việc xấu nên vội vã quay đi, không dám đối diện với ánh mắt của cô. Hà Phương cũng không buồn chấp người phụ nữ này, bởi vì mánh khóe của cô ta quá trẻ con, hơn nữa Nhã Lam cố tình nói sai kích thước cần câu cho cô cũng chỉ vì muốn ở riêng với Đình Việt. Đã vậy, Hà Phương cũng chẳng thèm nổi giận, chỉ âm thầm nghĩ cách chơi lại một vố.
Cô chỉ nói: “Không sao, tôi thích những thứ kích thước to, cầm vừa tay”.
Ngữ điệu của cô vô cùng mờ ám, Đình Việt nghe xong thì mặt đen như đít nồi, Nhã Lam thì khỏi phải nói, xấu hổ gắt lên: “Cô muốn lấy cước thì lấy đi”.
Hà Phương đưa cần cho Đình Việt: “Anh quấn cước cho tôi”.
“Sao tôi phải quấn cước cho cô?”
“Vì anh là đàn ông”.
“A Văn cũng là đàn ông”.
“Cậu ta không có cước”
Ánh mắt Hà Phương sắc lạnh đầy kiên quyết, Đình Việt cũng chẳng có cách nào, đành cầm lấy cần cây nặng trịch kia, đục một lỗ ở trên đầu rồi quấn cước. Lúc gần xong, anh mới hỏi: “Biết câu không?”
Nhã Lam nhếch môi, biết Đình Việt phản cảm với kiểu phụ nữ trắng trợn như Hà Phương nên bắt đầu mạnh miệng: “Cá ở suối khó câu lắm đấy, không giống như đi câu cá trong hồ đâu. Nếu cô không biết thì đừng câu, ở đây chơi là được rồi”.
Hà Phương cười khẩy: “Câu thi không?”
“Thi gì cơ?”
“Thi câu cá. Đến 12h, ai câu được nhiều cá hơn người ấy thắng”.
A Văn nghe thế mới chen miệng vào: “Thua thì thế nào hả chị Phương?”.
“Thua phải nấu cơm rửa bát một tuần. Nam nữ gì bình đẳng”.
Lâu nay việc nấu cơm rửa bát thường do mấy người phụ nữ chia nhau, Hà Phương muốn cược như thế, tất nhiên Nhã Lam không đồng ý. Cô ta biết Đình Việt sẽ không thua nhưng vẫn không thích nghĩ đến việc anh phải rửa bát, cho nên nói: “Phần thưởng vớ vẩn, không chơi”.
“Sao thế, sợ à?”. Hà Phương cười khẩy: “Ban nãy còn nói cá ở suối khó câu mà, sợ người mới đi câu lần đầu như tôi thắng cô à?”.
“Không sợ, mà là tôi không thích chơi với cô”.
“Cô nói dối, cô đang sợ”.
“Không có”. Nhã Lam bị cô nói đến nóng mặt, giận dữ nắm tay lại, muốn cãi nhau với Hà Phương nhưng bỗng dưng lại nghe Đình Việt nói:
“Chơi cũng được”. Anh đưa cần câu đã được quấn cước cho cô: “Nhưng thêm một việc nữa, thua phải cho gà ăn”
“Anh Việt”. Nhã Lam kháng nghị: “Cô ấy giở trò trẻ con”.
A Văn lâu rồi không cảm thấy việc câu cá sống động như vậy, tất nhiên đứng về phía Hà Phương, cậu ta nói: “Chị Lam, câu cá thi thế này cũng hay mà. Câu được càng nhiều thì càng có nhiều cá cho bọn nhóc ăn. Thua chỉ phải nấu cơm rửa bát một tuần thôi, em làm được”.
Nói đến đây, cậu ta lại quay đầu nhìn Hà Phương cười hì hì: “Chơi đi chị Phương”.
“Được, chơi thì chơi”. Hà Phương gật đầu, ánh mắt lướt trên gương mặt vẫn còn đỏ ửng của Nhã Lam: “Thua không làm thì làm c.h.ó”.
A Văn nghe thế thì ôm bụng cười ngặt cười nghẽo, Nhã Lam thấy cô nói năng thô tục thì tức đến nghẹn họng, nhưng không làm được gì, cuối cùng vẫn phải câu thi.
Nước suối vào mùa này vẫn đang lớn, xung quanh suối có nhiều cây cổ thụ, bóng mát phủ khắp nơi. Bốn người bọn họ chia nhau ngồi dọc theo dòng suối, cầm cần câu ngóng cá ăn, chẳng mấy chốc cũng có người giật được con cá đầu tiên.
Đình Việt thu cần lên, một con cá vảy bạc óng ánh ngậm chặt một đầu dây cước. Nhã Lam ở gần anh nhất, nhìn thấy thế mới lên tiếng khen ngợi: “Anh Việt giỏi thế, câu được con cá to”.
“Cá Pa Canh, buổi tối đem về nấu canh chua”. Anh đáp, tháo cá bỏ vào xô. Con cá được thả ra thì lập tức quẫy đạp ầm ầm trong chiếc xô nhựa.
“Vâng, cá Pa Canh nấu canh chua ngon nhất, khó câu được nữa”.
Hà Phương bĩu môi, không thèm nghe nữa mà chỉ quay đầu nhìn cần câu của mình, một lát sau bỗng dưng thấy tay trĩu nặng, dây cước căng lên, cô nhanh chóng giật lên cũng thấy một con cá Pa Canh.
A Văn phì cười: “Chị Phương cũng câu được cá Pa Canh, siêu thế?”
“Ăn may thôi”. Cô loay hoay định tháo miệng cá ra khỏi lưỡi câu, nhưng vảy cá rất trơn, Hà Phương đành dùng một chân đè chặt cá, nghiến răng nghiến lợi định rút lưỡi câu ra, nhưng làm mãi không được.
Đình Việt ban đầu không định giúp, nhưng A Văn đang mải mê giật cá, cuối cùng anh đành phải đứng dậy đi về phía cô. Anh cầm lấy con cá dưới chân Hà Phương: “Buông chân ra”.
Hà Phương tròn mắt nhìn anh đầy vẻ đề phòng. Trong lòng Đình Việt hơi buồn cười: “Cô dẫm c.hế.t nó đấy”.
“Đằng nào cũng vào nồi mà”. Hà Phương miệng thì nói vậy nhưng vẫn buông chân ra. Đình Việt nhanh thoăn thoắt gỡ con cá, chẳng biết anh biến ra từ đâu một đoạn dây leo, buộc chặt mang cá vào dây leo đó.
Xong xuôi, anh đưa nó cho cô: “Buộc vào một hòn đá rồi để dưới nước, cá sống, nấu ăn mới ngon”.
“À”. Cô gật gật đầu: “Cảm ơn”.
Nhã Lam ngồi ở bên kia không giật được cá, còn nhìn thấy Đình Việt giúp Hà Phương, ấm ức lườm cô một cái. Hà Phương không thèm để ý đến cô ta, chỉ cầm xâu cá mang đặt xuống dưới nước.
Ánh mặt trời dần dần lên cao, chiếu lên mặt nước sáng lóa ở bờ suối, đàn cá bắt đầu bị hấp dẫn bởi mồi câu, bắt đầu ăn trĩu nặng cần, cả bốn người thi nhau giật cá liên tục.
Kết quả đến giữa trưa thì Hà Phương đã có một xâu cá đầy, Đình Việt câu được ít hơn cô một chút, xô cá đã đầy một nửa. Rút cuộc, chỉ có Nhã Lam câu được ít nhất, cả buổi mà chỉ được có hai con cá bé bằng ngón tay.
Hà Phương tỉnh bơ đưa cá cho cô ta: “Xách về nấu cơm”.
Nhã Lam tức đến nỗi nghiến răng nghiến lợi, nhưng cô ta thua nên không nói được gì, hơn nữa ở đây còn có mặt Đình Việt, cuối cùng Nhã Lam đành ấm ức giật lấy xâu cá, giận đùng đùng bỏ về.
A Văn cũng câu được nửa xâu, anh ta mỏi tay, không có hứng câu tiếp nên nói: “Để em xách cá về làm với chị Lam, một mình chị ấy làm không xuể. Hai người cứ câu tiếp đi. Câu được nhiều thì bỏ ngăn đông, bỏ ngăn đông không hết thì phơi làm cá khô, cho bọn nhóc ăn dần”.
Đình Việt gật đầu: “Nhớ mổ bụng sạch sẽ”.
“Em biết rồi”. A Văn nhìn Hà Phương: “Chị Phương trưa nay muốn ăn món cá gì?”
“Trưa nay tôi muốn ăn cá sốt cà chua”.
Sau khi bọn họ đi rồi, chỉ còn lại mình Hà Phương và Đình Việt tiếp tục ngồi câu cá. Lúc này, ánh nắng đã thẳng tắp từ trên đỉnh đầu xuống, chỗ Hà Phương bị nắng nên đành lững thững đi lại gần Đình Việt.
Anh giật thêm được một con cá, sau khi bỏ vào xô xong liền ra suối rửa tay. Hà Phương để ý, lần nào anh chạm vào cá xong cũng vậy, không rõ sạch sẽ là thói quen của riêng anh hay là tác phong khó bỏ của bác sĩ, nhưng nhìn đôi tay đã bị rửa nhiều lần nên da ở đầu ngón tay hơi nhăn lại, Hà Phương có chút buồn cười.
Cô tìm chủ đề nói chuyện: “Bình thường suối này hay có cá không?”.
“Mùa nước to mới có cá, bình thường chỉ có mấy con cá nhỏ, vừa đủ cho mèo ăn”. Anh quay lại ngồi bên phiến đá, đặt cần câu xuống nước: “Hôm nay đặc biệt, nhiều cá hơn mọi khi”.
“Thấy không, cá cũng bị tôi hấp dẫn đấy”. Hà Phương nói đùa.
Anh cười như không: “Có bệnh sao không đi khám, ở đây nói xằng bậy cái gì?”
“Học theo một nhà khoa học đấy”. Cô ngẩng đầu nhìn dòng nước suối lấp lánh, mặt nước ở đây trong xanh mát rượi, tiếng nước chảy róc rách rất êm tai yên bình: “Hồi ở Mỹ, tôi có quen một nhà khoa học hơi biến thái. Anh ta nghiên cứu arbovirus, một loại vi rút lan truyền bởi động vật chân đốt, thế nên trong phòng nghiên cứu nuôi rất nhiều ruồi muỗi, ve chó, chấy rận, đủ loại”.
“Chắc tại vì anh ta nuôi quen rồi nên bọn ruồi muỗi cứ ngửi thấy mùi anh ta là lao đến, có một lần đi uống cafe với tôi mà muỗi chỉ đốt mỗi anh ta, không đốt tôi. Tôi thắc mắc thì anh ta có nói đùa là: Thấy không, muỗi cũng bị tôi hấp dẫn đấy. Lúc đó tôi cũng mắng anh ta thần kinh”.
Đình Việt im lặng lắng nghe câu chuyện của cô, cần câu trên tay anh nặng trĩu nhưng lại không giật lên: “Sau đó thế nào?”
“Sao anh biết còn sau đó?”. Cô hỏi.
“Tôi nghĩ câu chuyện của cô không nhạt nhẽo như vậy”.
Hà Phương cười cười, cảm thấy người đàn ông này đúng là thông minh, thường người ta nghe đến đó sẽ nghĩ rằng hết chuyện, chỉ có anh biết điểm chính cô còn chưa kể.
“Sau đó một thời gian, tôi nghe được tin con trai duy nhất của anh ta bị bệnh nặng rồi qua đời. Lúc tôi đến chia buồn, nghe mọi người kể mới biết do nhà khoa học đó thường xuyên ở trong phòng nghiên cứu với lũ động vật chân đốt bẩn thỉu, virus đã nhiễm vào quần áo nhưng anh ta không biết, quay về nhà chơi với con rồi làm lây nhiễm cho thằng bé. Virus này người lớn có sức đề kháng tốt thì chữa trị được, nhưng trẻ nhỏ đề kháng yếu, điều trị hơn 20 ngày cuối cùng cũng không chống chọi nổi, mất ngay trên tay anh ta”.
Đình Việt nhíu mày nhìn cô, lặng lẽ thu cần lên, con cá mắc ở lưỡi câu của anh quẫy đạp rất mạnh, bị anh tóm lấy bỏ vào xô.
“Sau này có một lần tôi gặp lại nhà khoa học đó, anh ta gầy đi nhiều, tóc cũng bạc đi, vợ cũng không chịu được một người chồng suốt ngày ở trong phòng với đám động vật bẩn thỉu nên đã li dị anh ta lấy một người khác. Tôi hỏi anh ta có hối hận vì đã làm công việc đó không, anh biết anh ta trả lời thế nào không?”
Hà Phương gật đầu: “Anh ta nói, công việc nghiên cứu của anh ta là vì nhân loại, vì muốn tìm ra thuốc chữa bệnh viêm não do các loại virus chân đốt gây ra cho con người. Dù cái giá phải đánh đổi là tính mạng con trai anh ta, dù bị cả xã hội kỳ thị, vợ ruồng bỏ, anh ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước. Nhà khoa học đó nói với tôi: nếu bị vấp ngã, chưa chắc là vì chọn sai đường, mà là đường đi của bất kỳ ai cũng không thể bằng phẳng, có đúng tất nhiên sẽ có sai, miễn sao đích đến vẫn hướng thiện thì lòng sẽ không hối hận”.
Trái tim Đình Việt như bị thứ gì đó nhẹ nhàng xuyên qua, anh không rõ có đau hay không, nhưng rõ ràng từng lời nói của Hà Phương đã khiến lòng anh chấn động. Có một thứ gì đó rất mềm mại cọ vào vết thương cũ trong tâm can anh, nhẹ nhàng vỗ về, nhẹ nhàng hàn gắn, giống như có tác dụng chữa lành vậy.
Anh trầm ngâm một lúc rồi cau mày nhìn cô: “Cô đang muốn nói gì?”.
“Tôi chỉ muốn nói làm chuyện gì đúng đắn thì hãy tiếp tục làm”. Hà Phương nhìn thẳng vào mắt anh, kiên định dõng dạc nói từng chữ: “Đừng vì một vài lần vấp ngã trên đường mà phủ nhận con đường mình đã đi là sai. Bác sĩ Việt, có lẽ anh không vĩ đại như nhà khoa học mà tôi quen, nhưng hai người vốn cùng một loại người”.
Dừng một lát, cô nhặt cần câu của mình lên, thu dây rồi đứng dậy: “Đều một lòng hướng thiện”.
Mấy ngày hôm sau, lũ nhóc trong trường được ăn rất nhiều cá, còn được dùng bút sáp màu của Hà Phương, đứa nào cũng sung sướng cười toe.
Thầy hiệu trưởng không giấu nổi niềm vui mừng trong ánh mắt, ông nói với Hà Phương: “Cháu mới lên đây không lâu mà thay đổi được nhiều thứ thật đấy, lâu rồi chú mới thấy mấy đứa nhóc chăm chỉ đến lớp như thế”.
Bọn nhỏ nhà xa, người dân ở đây lại không hiểu hết được tầm quan trọng của giáo dục nên coi nhẹ việc học hành, thường chẳng mấy lũ nhóc đến lớp đầy đủ. Tuy nhiên, từ lúc Hà Phương treo thưởng 10 điểm sẽ được tặng vài cây bút màu, mấy đứa nhóc bắt đầu chăm chỉ hẳn, dù trời mưa hay nắng cũng đều đến lớp thật sớm, tranh nhau được điểm 10 để được nhận bút màu.
Hà Phương làm một mình không xuể, đành san sẻ công việc cùng với A Văn, cô giáo Lương, thậm chí Nhã Lam cũng giúp đỡ cô, chỉ có Đình Việt thời gian này bận tối mắt tối mũi với việc chữa bệnh cứu người nên mới không động tay vào được.
Hà Phương cười cười: “Cháu chỉ giúp một chút chuyện nhỏ thôi, không đáng để nhắc đến ạ”.
“Chuyện này mà nhỏ gì chứ. Cháu lên đây đã phải chịu khổ rồi, còn giúp lũ nhóc nữa”. Hiệu trưởng nhìn cô cười: “Sách của cháu đã viết sắp xong chưa?”.
Lẩm bẩm nhớ lại thời gian lên đây đã tròn một tháng, bản thảo của sách đã gần như xong, Hà Phương gật đầu: “Cũng gần xong rồi ạ”
“Thế khi nào cháu quay về thành phố thì chúng ta sẽ liên hoan một bữa thật to, phải cảm ơn cháu thật chu đáo mới được”.
“Không cần tốn kém thế đâu ạ. Chú đừng làm thế, cháu ngại lắm”.
“Ngại gì mà ngại, lâu rồi trường tiểu học A Tứ không có dịp liên hoan gì. Nhân cơ hội này mọi người uống một bữa rượu, tâm sự với nhau cho vui”.
Hà Phương cũng chẳng biết phải từ chối thế nào, cuối cùng chỉ cười, mặc cho thầy hiệu trưởng sắp xếp.
Thật ra, cô cũng chẳng biết khi nào thì mình sẽ quay trở về thành phố, nhưng một tháng qua ở đây đã khiến thầy hiệu trưởng và mọi người tốn kém thêm một khoản. Hơn nữa, cô cũng không thể ở lì mãi ở chỗ này nên định một tuần nữa, viết xong bản thảo sẽ rời khỏi bản A Tứ.
Nhưng hai hôm sau, bỗng dưng Hà Phương lại nhận được một cuộc điện thoại. Lâu rồi cô không đụng đến nó, điện thoại thường tắt máy, hôm nay cần phải lên mạng xem tin tức nên cô mới ra sân mở mạng lên, sóng chập chờn, mãi mới load được một trang web, chưa kịp đọc gì thì đã thấy một dãy số gọi đến.
Hà Phương không định nghe, nhưng người đầu dây bên kia vẫn kiên nhẫn gọi đi gọi lại, cuối cùng, đến cuộc thứ 5 cô mới nhấc máy: “Alo”.
“Mẹ gọi cho con biết bao nhiêu lần đều không được, Phương, con đang ở đâu thế hả?”.
“Con đang ở xa”. Cô trả lời qua loa: “Mẹ gọi có việc gì không?”
Mẹ cô tức giận đến không thốt nên lời, một tháng trời ròng rã bặt vô âm tín, bà lo lắng phát đ.iên, khó khăn lắm mới gọi được cho cô, thế mà Hà Phương lại thờ ơ chẳng thèm bận tâm đến nỗi niềm trong lòng bà: “Không có việc gì thì không được gọi à?”
“Nếu không có việc gì thì con cúp máy đây”.
“Phương”. Mẹ cô hết chịu nổi, quát to, sau đó hai đầu dây bỗng dưng đều im lặng. Hà Phương không cúp máy, cũng chẳng nói gì, mẹ cô sau khi xuôi giận mới dịu giọng: “Vài ngày nữa em trai con tốt nghiệp, thằng bé muốn con về chứng kiến nó nhận bằng cử nhân. Con biết mà, em trai con luôn ngưỡng mộ con, con sắp xếp về một nhà chuyến đi”.
Nửa vế sau bà nói rất nhỏ: “Nhân tiện về thăm mẹ”.
Hà Phương cười cười, định lấy ô mai ra ăn, nhưng rồi cô lại cất đi, rút bao thuốc ra châm lửa. Mẹ cô ở đầu dây bên kia nghe tiếng đánh lửa thì đoán được cô đang làm gì, nhưng bà không cằn nhằn, chỉ im lặng đợi đến khi Hà Phương trả lời.
Mãi đến khi rít xong hơi thuốc đầu tiên, cô mới nói: “Ngày bao nhiêu Việt Anh tốt nghiệp ạ?”
“23, năm ngày nữa”.
“Con sẽ sắp xếp”.
“Ừ, cảm ơn con”.
“Con cúp máy đây”.
“Phương”. Mẹ cô ngập ngừng, hồi lâu sau mới thốt ra một câu: “Có khỏe không?”
“Vẫn tốt lắm, mẹ không cần lo”.
“Ừ, thế là được rồi”.
Cúp máy xong, Hà Phương nhàm chán không muốn tiếp tục xem tin tức nữa, cô lặng lẽ tắt nguồn điện thoại rồi chầm chậm hút thuốc. Ở trên cao, ánh trăng sáng rõ soi qua từng kẽ lá, không gian bốn bề tĩnh lặng, yên bình đến mức không muốn rời xa.
Một lát sau có tiếng bước chân đi từ con dốc xuống, Đình Việt đi khám bệnh trong thôn đến bây giờ mới về. Vừa bước vào sân đã thấy một đốm lửa lập lòe, không cần đoán cũng biết ai đang hút thuốc.
Anh lạnh mặt, không mở miệng mà chỉ lặng lẽ bước vào. Hà Phương thấy anh mới cất tiếng: “Sao về muộn thế?”
“Bây giờ mới xong”. Anh nghiêng đầu hỏi: “Hết ô mai rồi à?”
“Vẫn còn, nhưng hôm nay bỗng dưng muốn hút thuốc”.
Đình Việt không nói nữa, cả ngày trời mệt mỏi, anh chỉ muốn đi tắm rồi ngủ một giấc. Anh đi thẳng qua cô rồi vào trong phòng, Hà Phương nhìn theo bóng anh, chẳng hiểu sao lại thấy trong lòng tiếc nuối một cách kỳ lạ.
Lát sau, Đình Việt cầm quần áo ra sân giếng đi tắm, Hà Phương cũng dập thuốc, lững thững đi theo anh. Ở sân giếng không có cây cổ thụ, ánh trăng vừa vặn soi rõ khắp không gian, trong nhà tắm lộ thiên kia có một bóng người tắm rửa.
Phiên nứa hơi thấp, bình thường Hà Phương đứng thì sẽ che được đến mang tai, nhưng vì Đình Việt cao nên chỉ đến ngang vai anh, từng động tác xoay người và kỳ cọ của anh đều rơi hết vào mắt cô.
Hà Phương tựa vào giếng, im lặng nhìn anh tắm rửa, bởi vì anh quá tập trung nên không phát hiện ra có một ánh mắt nóng rực đang chăm chú nhìn mình. Lát sau, Đình Việt mở tấm phiên nứa đi ra, thấy Hà Phương liền giật mình:
Mới tắm xong, anh chỉ mặc một chiếc quần đùi mỏng, chỗ đó hơi gồ lên, không thể đoán được kích thước bên trong nhưng chắc chắn không nhỏ. Hà Phương nuốt khan một ngụm nước bọt, lại nhìn lên cơ thể nửa trần của anh, lồng ngực vẫn còn vương hơi nước, ánh trăng rọi lên lấp lánh, quyến rũ đến say lòng.
“Ngắm anh tắm”. Cô trắng trợn đáp.
Đình Việt nghiến răng, cầm áo thun trên cây sào nứa mặc vào người, nhanh chóng che đi phần gồ lên giữa quần: “Cô rảnh rỗi quá nhỉ?”
Hà Phương thấy anh xấu hổ đến mức tai đỏ bừng liền tủm tỉm cười: “Tối nay có uống rượu à?”.
“Một ít”. Anh đi ngang qua chỗ cô: “Vào phòng đi ngủ đi”.
“Vẫn không muốn làm với tôi sao?”. Cô giơ tay chạm vào cơ bụng của anh, Đình Việt khẽ giật mình, vội vã lùi về phía sau một bước:
“Hà Phương”. Anh gằn giọng quát: “Cô vừa phải thôi”.
Cô không đáp nữa, chỉ nhìn chằm chằm anh, Đình Việt không muốn đối diện với ánh mắt sắc bén như muốn lột trần trụi quần áo trên người anh xuống của cô, đành dứt khoát thẳng bước đi về phòng.
Có điều, khi anh vừa đặt chân lên bậc thềm, bỗng dưng Hà Phương lại nói: “Bác sĩ Việt, hai ngày nữa tôi sẽ đi”.