Hà Phương quay mặt nhìn đi chỗ khác: “Không cần”.
Đình Việt biết người phụ nữ này tuy cợt nhả nhưng trong bụng nhất định thù dai, cũng không lắm lời dỗ cô, chỉ móc ra một túi ô mai đặt lên bàn. Hà Phương thấy ô mai thì nước miếng tự động chảy ròng ròng, cuối cùng không nhịn được hỏi anh:
“Đây là cái gì?”.
“Ô mai”
“Tôi biết”. Cô nhìn bên ngoài cũng có thể nhận ra, chỉ là trông nó hơi khác với những loại ô mai mà Hà Phương đã từng biết.
Đình Việt thấy cô chịu nói chuyện thì trong lòng có hơi buồn cười: “Ô mai tự làm của người dân tộc Phù Lá, ngâm từ quả mơ xanh và muối. Không có chất hóa học”.
“Ồ”. Cô kinh ngạc kêu lên: “Cho tôi đấy à?”
Rõ ràng đã mang đến tận nơi cho cô mà còn cứng miệng không nhận, Hà Phương ban đầu vẫn còn giận, nhưng nghĩ đến Đình Việt kiếm mấy ống tre cho cô làm bút màu, còn mang cả ô mai đến, biết anh muốn làm lành nên cũng rộng lượng không để bụng chuyện cũ nữa, thò tay lấy một viên ô mai định cho vào miệng.
Nhưng còn chưa kịp cầm lấy thì anh đã nắm tay cô kéo về: “Xử lý ngón tay trước”.
“Ừ, anh làm đi”. Dứt lời, cô lập tức nhón bàn tay còn lại không bị anh nắm, nhanh chóng nhặt một viên ô mai bỏ vào miệng ăn ngon lành, tốc độ nhanh đến mức Đình Việt muốn cản cũng không được.
Nhưng mới nhai được một miếng cô đã nhăn mặt: “Chua quá”. Hai mắt cô nhắm tịt lại, cơ mặt vặn vẹo: “Mặn nữa, mặn quá”.
“Ăn từ từ thôi”. Biểu cảm của Hà Phương khiến Đình Việt không nhịn được, khẽ cong môi. Anh vừa lau ngón tay cho cô vừa nói: “Người ta làm loại ô mai này để ngậm, tác dụng chính là làm dịu đau rát họng. Cô ngậm từ từ, khi nào miệng quen với vị rồi thì nhai sau”.
“Sao anh không nói sớm?”. Cô cau có kháng nghị.
Anh hừ lạnh một tiếng: “Cô có chờ tôi nói à?”.
Hà Phương bĩu môi xì một tiếng, ấm ức nhưng vẫn làm theo lời anh, không nhai nữa mà im lặng ngậm hạt ô mai trong miệng, chốc lát sau vị chua dần dần tan đi, vị mặn thấm ở đầu lưỡi, hương vị trong miệng biến hóa rất kỳ lạ khiến cô rất thích thú.
“Anh lấy nó ở đâu vậy? Lại tham ô của nhân dân đấy à?”.
“Mua ở chợ, có trả tiền”.
“Lần đi chợ phiên trước à?”
“Ừ”.
Cô nhớ lúc xách mấy túi thịt đi ra từ chợ phiên có thấy Đình Việt nói với bà cụ gánh hàng rong gì đó, anh vừa cười vừa cầm một nắm lá không rõ hình thù, sau đó bỏ nắm lá vào trong túi quần. Lúc đó Hà Phương định hỏi, nhưng hai người cãi nhau nên cô cũng quên đi.
Bây giờ mới biết, hóa ra khi đó anh mua ô mai cho cô!
Trái tim Hà Phương phút chốc mềm xuống, vị ô mai chua trong miệng cũng đột nhiên trở nên ngọt ngào lạ thường. Cô cúi đầu nhìn Đình Việt đang chăm chú bôi thuốc vào tay mình, khẽ hỏi: “Sao anh biết tôi sẽ ăn ô mai này?”
“Tôi không biết cô thích ăn”. Anh cau mày: “Cái miệng cô toàn nói mấy lời không ra gì, ngậm ô mai này để bớt nói chuyện”.
Hà Phương phì cười: “Cứng miệng”.
Đình Việt không thèm để ý đến cô, chỉ chuyên chú làm công việc của mình, mãi rất lâu sau anh mới nói: “Nhân tiện, cai thuốc đi”.
“Hả?”
“Cô nói chuyện với lũ trẻ, gián tiếp để bọn nhỏ hít vào khói thuốc. Thêm cả, cô hút thuốc ở đây làm ô nhiễm không khí”.
Hà Phương thấy anh nói cũng phải, dù sao cô chỉ là người đến ăn nhờ ở đậu, gây ảnh hưởng cho lũ trẻ và không khí ở đây cũng chẳng hay ho chút nào. Thế nên cô không cãi, chỉ cười: “Anh mua ô mai cho tôi cai thuốc?”.
“Thế mà cứ vòng vo”. Cô bắt đầu ngả ngớn trêu anh: “Bác sĩ Việt, anh làm cho tôi nhiều việc như thế, có phải thích tôi rồi không?”
“Cảm ơn thay cho bọn nhóc”. Lần này anh không nổi giận vì bị cô trêu chọc, gương mặt rất bình tĩnh: “Bút sáp màu rất đắt, dùng lại nhanh hết. Bọn nhỏ muốn tô màu nhưng không có bút dùng. Cô tự tay làm bút màu cho bọn nhỏ, tôi làm mấy việc này cảm ơn cô”.
Thái độ này của anh làm Hà Phương hơi bất ngờ, cô trầm ngâm hồi lâu mới nói: “Ai làm bút màu cho bọn nhóc, anh cũng cảm ơn như thế này à?”
Đình Việt im lặng cất đồ đạc vào hộp dụng cụ rồi kéo Hà Phương sang một bên, tiếp theo gỡ sáp từ trong khuôn ống tre ra, những thứ cô nấu ban nãy bây giờ đã khô lại, thành những chiếc bút sáp màu thủ công trông có vẻ hơi xấu xí.
Anh không trả lời câu hỏi của cô, chỉ hỏi: “Ai dạy cô làm mấy thứ này?”.
“Trước có một lần đến xưởng sản xuất son có học được. Ở đó người ta dùng sáp ong trắng, nung chảy lên rồi trộn với màu khoáng, sau đó đổ vào khuôn, khi khô rồi gỡ ra lắp vào thỏi son. Tôi thấy son cũng không khác gì bút sáp màu nên thử làm”.
“Cái kia là thành quả thử làm?”. Anh chỉ đống sáp bị nấu hỏng, vứt chỏng chơ ở một góc nhà.
Hà Phương không muốn nhận việc mình nấu hỏng nhiều như thế nên xấu hổ chống chế: “Cái đó để ngày mai nấu tiếp”.
Sau đó, hai người không ai nói chuyện nữa, Đình Việt bận rộn nấu sáp ong trên đèn dầu thay cô, Hà Phương thì bị anh quấn urgo đầy tay, rảnh rỗi cũng chẳng biết làm gì nên trèo lên giường ngắm anh.
Bóng điện trong ký túc xá lại chớp vài cái rồi tắt hẳn, cô đã quen với việc ở đây thường xuyên mất điện nên không thấy ngạc nhiên, chỉ ngáp dài một cái: “Lại mất điện rồi”
“Chuyện bình thường”. Đình Việt trộn nước nghệ vào sáp ong, đặt vào cốc inox rồi nung trên đèn dầu. Ánh sáng của đèn soi lên hàng mi dài cong cong của anh, đẹp còn hơn mi phụ nữ.
Hà Phương đã từng gặp qua rất nhiều đàn ông, loại nào cũng có, không thiếu người đẹp trai, cũng không thiếu người mạnh mẽ, nhưng người mang vẻ đẹp cứng rắn và lạnh nhạt như Đình Việt thực sự cô chưa từng gặp được bao giờ. Con người anh tồn tại một loại cám dỗ mà cô không thể nói rõ được.
Chuyện nói muốn ngủ với anh, không đơn giản chỉ là một câu trêu chọc!
Hà Phương ngắm anh một cách đầy trắng trợn: “Đã có ai nói anh rất đẹp trai chưa?”
“Cô là người nói nhiều nhất đấy”. Anh biết cô lại chuẩn bị nói mấy lời thô tục, đành chặn miệng Hà Phương: “Khỏi cần khen, tôi sẽ không làm với cô”.
Hà Phương phì cười: “Sợ thử rồi sẽ nhớ mãi không quên?”.
“…”
“Hay là sợ không đủ sức đáp ứng tôi?”.
Đình Việt lạnh giọng: “Nếu cô không ngậm miệng, tôi không ngại lấy kim chỉ khâu miệng cô lại đâu”.
“Có giỏi thì làm đi. Tôi sẽ viết vào sách: bác sĩ trưởng trạm của trạm xá bản A Tứ hành hung người dân, dùng dụng cụ y tế của nhà nước để thực hiện hành vi bạo lực cá nhân, cố ý gây thương tích cho nhân dân lương thiện”.
Có người nào đó đã bắt đầu quen với việc bị cô đe dọa nên không bận tâm, anh chỉ cúi đầu đổ khuôn sáp vào đống ống tre dưới bàn, khóe miệng chẳng biết đã cong lên từ bao giờ mà chính anh cũng không nhận ra được.
Khi đổ hết sáp vào ống tre, anh mới nói: “Ở đây còn thiếu màu đen, có cần lấy than làm nước màu không?”
Một lát sau đó cũng không có ai trả lời, Đình Việt quay đầu lại mới thấy Hà Phương đã ngủ từ bao giờ, cô không đắp chăn, người cong như con tôm, tư thế ngủ xấu vô cùng.
Anh không nghĩ cô có thể ngủ nhanh như vậy nên nhìn nhìn một hồi, bên cạnh ngọn đèn dầu kêu lách tách, soi sáng một khoảng không gian nhỏ bé trong phòng, vừa vặn hắt lên gương mặt trắng ngần của cô.
Chẳng rõ thời gian trôi qua bao lâu, chỉ biết đến khi sáp màu dưới bàn khô hết, anh mới lặng lẽ quay lại, nhẹ nhàng gỡ màu rồi dọn dẹp đồ trong phòng.
Mấy ngày rồi Hà Phương loay hoay làm sáp màu nên phòng của cô rất bừa bộn, rau củ làm màu vứt khắp nơi, sáp ong hỏng chất đầy một góc, laptop ném trên ghế. Lúc Đình Việt định đổ gạt tàn thuốc thì vô tình đụng phải chuột laptop của cô, màn hình ngay lập tức sáng lên, hình như Hà Phương đang viết dở bản thảo sách nên trên màn hình dày đặc chữ.
Anh không cố tình nhìn trộm, nhưng ký túc xá mất điện, laptop của cô lại sáng, mấy dòng chữ trên màn hình vẫn đập vào mắt anh: “Phần lớn tiền lương của những thầy hiệu trưởng, giáo viên và cả các bác sĩ ở điểm trường bản A Tứ đều dành mua thực phẩm nấu ăn cho học sinh bán trú. Bác sĩ Việt còn dùng tiền túi của mình để mua dép cho một học sinh tên là A Pá, điều dưỡng A Văn không ngại mưa gió băng rừng cõng cậu nhóc A Pá đi học và về nhà. Tôi cảm thấy những hành động nhân văn này, không phải ở đâu cũng gặp được.
Tôi đã tiếp xúc rất nhiều người dân ở các vùng miền khác nhau, có người hễ mở miệng là mắng chửi chính quyền, có người thì tung hô đầy giả tạo, chỉ riêng ở chỗ này mỗi khi người dân nhắc đến cán bộ ở điểm trường A Tứ thì đôi mắt lại rực lên ánh lửa, trong đó là sự ngưỡng mộ, quý mến và kính trọng một cách chân thật khó ai bì được. Một thầy hiệu trưởng dành cả đời vì học sinh nghèo, một vị bác sĩ trẻ miền xuôi lên vùng cao trèo đèo lội suối cứu người, chữa bệnh miễn phí. ‘Đồ hối lộ’ bọn họ được nhận là một xâu bánh cooc mò, hai quả dừa hoặc một bữa cơm rau dưa. Tôi đã được ăn ké những ‘đồ hối lộ’ ấy vài lần, có lẽ đó là những món đồ tham ô duy nhất mà nuốt vào bụng cũng không thấy áy náy với lương tâm. Phải nói, bánh cooc mò của bác sĩ Việt ngon thật!”
Có lẽ vì chưa tìm được cảm hứng tiếp theo nên Hà Phương chỉ dừng lại tại đó, nhưng chừng ấy dòng chữ dường như cũng đã chạm đến nơi sâu nhất trong đáy lòng của Đình Việt.
Một cô gái luôn miệng mắng anh tham ô của dân nhưng khi viết về điểm trường A Tứ, ngòi bút lại sắc bén và dịu dàng đến mâu thuẫn như vậy. Ngay cả phong cách viết văn của Hà Phương cũng giống hệt như con người cô, không yếu đuối ủy mị, không lê thê dài dòng, đủ sự cứng cỏi mạnh mẽ nhưng lại không thiếu nét mềm mại dịu dàng.
Ở cô có một sự mâu thuẫn đến kỳ lạ khiến người khác tò mò, cũng có một loại hấp dẫn khiến đối phương khó cưỡng lại được, thôi thúc đàn ông muốn khám phá và có được cô. Đình Việt không phủ nhận, đã có một giây phút nào đó anh suýt nữa bị cô chinh phục, nhưng anh hiểu rõ, người phụ nữ này anh chơi không nổi.
Hà Phương nói đúng, anh sợ thử rồi sẽ nhớ mãi không quên, mà hai người vốn không thể nào chung đường, rồi cô sẽ rời khỏi đây, còn anh sẽ vĩnh viễn ở mãi nơi này, làm rồi thì sẽ ra sao chứ?
Đình Việt lặng lẽ dời mắt khỏi màn hình máy tính, nhanh chóng dọn hết đồ đạc, tắt đèn dầu rồi rời khỏi phòng. Lúc mở cửa ra, bên ngoài đã tạnh mưa, ánh trăng sáng len qua mây đen, soi xuống khoảng sân rộng lớn, chiếu vào bên giường Hà Phương.
Đình Việt nghĩ ngợi vài giây rồi quay lại, lấy chăn đắp lên người Hà Phương. Khi bị chạm vào, cô cau mày lẩm bẩm: “Đã bảo cậu đừng bỏ trốn mà. Ngoan, thơm tớ một cái đi”
Có người nào đó khẽ cau mày, nhanh chóng hạ chăn xuống rồi đi thẳng ra ngoài.
Ngủ một giấc thật ngon, ngày hôm sau Hà Phương tỉnh dậy tinh thần rất phấn chấn. Lũ trẻ đã chờ sẵn ở cửa phòng cô, vừa thấy Hà Phương đi ra đã nhao nhao chào hỏi:
“Chào cô Phương ạ”.
“Cô Phương mới ngủ dậy à?”.
Hà Phương biết bọn nhóc đến làm gì nên bảo: “Vẫn chưa biến ra bút màu đâu, buổi trưa mới có. Buổi trưa đứa nào được 10 điểm thì mang đến đây, cô chia bút màu”.
A Sùng cười ngoác cả miệng: “Cô Phương hôm nay có những màu gì thế?”.
“Màu vàng nghệ, màu đỏ, màu tím nữa”.
“Có thể làm cho con màu hồng được không ạ?”.
“A Sùng là đàn ông mà thích màu hồng à?”. Cô trêu thằng bé.
“Không phải, là em gái con thích”.
“Thế thì bảo em gái đến đây, có điểm 10 thì cô tặng màu hồng”.
“Không được ạ”. A Sùng ngước đôi mắt trong veo nhìn cô: “Em gái c.hế.t rồi. Con mang lên mộ cho em”.
Hơi thở Hà Phương thoáng chốc ngưng trệ, cô nhìn thằng bé mặt mày lấm lem đứng trước mặt, nụ cười ngây thơ của nó trong sáng đến mức làm trái tim cô âm ỉ đau, cũng chẳng biết phải nói như thế nào. Mãi sau, khi A Văn gõ trống vào lớp, Hà Phương mới mở miệng: “Thế thì hôm nay A Sùng phải được 10 điểm”.
Thằng nhóc gật đầu thật mạnh: “Vâng ạ”. Nói rồi lại co giò chạy đi.
Cả ngày hôm ấy Hà Phương muốn làm màu hồng, nhưng cô bình thường không trang điểm nên không có phấn má hồng, mà ở đây cũng chẳng có loại rau củ nào có thể làm nước màu như vậy, loay hoay mãi cũng chẳng biết làm sao.
Cô buồn bực, định cầm bao thuốc ra sân giếng hút, nhưng lúc vừa bật lửa lên thì lại nhớ đến lời Đình Việt nói tối qua, cuối cùng, cô đành lấy một viên ô mai cho vào miệng.
A Văn chẳng biết từ đâu về, cậu ta ra giếng rửa tay, thấy má Hà Phương phồng lên, tưởng cô bị sưng miệng nên hỏi: “Chị Phương bị sao thế?”
“Tôi hả?”.
“Vâng, má chị sưng kìa”.
“À”. Cô đẩy lưỡi, hạt ô mai trồi sang bên má trái: “Tôi ngậm ô mai”.
“Sao tự nhiên lại ngậm ô mai? Ăn chua lắm”. Nhắc đến ô mai, A Văn cũng có cảm giác nước miếng chảy ra.
“Đang tập cai thuốc”. Hà Phương cười: “Cậu đi đâu về thế?”.
“Em vừa vào trong thôn khám bệnh, anh Việt đi cùng nhưng chưa về được, còn mấy nhà nữa”.
“Nước suối có to không?”.
“To lắm, em lội đến ngang đùi. Nhưng nước to mấy hôm rồi, kiểu gì cũng có cá đấy. Anh Việt nói ngày mai được nghỉ sẽ đi câu cá, chị có muốn đi cùng không?”
“Được đấy, cải thiện bữa ăn cho bọn nhỏ”. Hà Phương nói đến đây, lại nhớ ra một chuyện nên hỏi: “Cậu có biết cái gì có màu hồng không?”
“Cái gì là cái gì ạ?”. A Văn ngơ ngác hỏi.
“Cái gì tạo ra được nước màu hồng ấy”.
“Em không biết. Chị định làm sáp màu hồng à?”.
“Ừ, nhưng không tìm ra được nguyên liệu gì cả”. Nghĩ đến ánh mắt mong đợi của A Sùng, Hà Phương cảm thấy rất đau đầu: “A Sùng nói nó muốn có sáp màu hồng cho em gái”.
“Em gái của A Sùng ấy ạ?”. A Văn kinh ngạc hỏi lại.
Hà Phương gật đầu: “Nghe nói đã mất rồi. Tôi muốn làm cho nó”.
Thấy thái độ của A Văn hơi khác lạ, Hà Phương đoán ra điều gì đó. Ban đầu cô không muốn hỏi, thế nhưng khi A Văn quay đi, cô lại cất tiếng: “Cậu có biết sao em gái A Sùng lại mất không? Bệnh à?”
“Không phải, con bé mất trong vụ sập cầu năm ngoái”. Nhắc đến chuyện này, cuối cùng vẻ mặt A Văn không giấu nổi buồn bã, sự day dứt trong mắt cậu ta có thể nhìn rõ được.
Hà Phương nghe thấy hai chữ ‘sập cầu’, bỗng dưng lại nhớ đến hôm trước, lúc Đình Việt cõng cô qua suối, cô có hỏi tại sao không làm một chiếc cầu gỗ, anh đã không trả lời.
Cô không vòng vo nhiều, hỏi thẳng: “Chuyện đó có liên quan gì đến Việt?”.
“Hả?”. A Văn giật mình, vội vàng ngó nghiêng xung quanh, thấy không có ai mới nói: “Sao chị lại hỏi thế?”.
“Tôi có cảm giác liên quan đến anh ấy. Cậu đừng giấu tôi, kể cho tôi nghe đi”.
“Nhưng…chị sẽ không viết vào sách chứ?”
“Các cậu không muốn tôi viết thì tôi sẽ không viết”.
Tiếng nước chảy dưới vòi róc rách, A Văn rửa xong mặt mũi tay chân, đắn đo hồi lâu, cuối cùng mới kể cho Hà Phương nghe một câu chuyện.
Trước đây Đình Việt thấy lũ trẻ phải ôm can bơi qua suối nên mới đề nghị với thầy hiệu trưởng làm một cây cầu gỗ. Chỗ này trời cao vua xa, kinh phí nhà nước cấp không đến, mọi người đành phải tự tay chặt luồng rồi đóng thành một cây cầu nho nhỏ cho học sinh đi qua.
Lũ nhóc không phải bơi qua suối nữa nên mừng ơi là mừng, mỗi ngày đều đi về trên cây cầu đó, cầu hoạt động hơn hai năm không có vấn đề gì, đến năm thứ 3 thì có một đoàn từ thiện và phóng viên lên.
Bọn họ đi thăm cây cầu đó, hàng chục người lớn bước lên chụp ảnh, cười đùa, có người còn muốn thử độ an toàn của cầu nên đứng nhún nhảy. Hồi đó Đình Việt đi họp ngoài trạm y tế huyện nên không biết, đến khi anh trở về mới nghe tin mấy đứa trẻ đi học qua đúng lúc cầu sập, em gái của A Sùng và một đứa trẻ nữa rơi xuống suối. Nước lớn, lòng suối toàn đá sỏi nhọn hoắt, hai đứa trẻ không thoát được, mấy ngày hôm sau mới tìm thấy x.á.c ở cửa sông.
Mọi việc chỉ là một tai nạn không ai mong muốn, mẹ của A Sùng cũng không trách anh, nhưng Đình Việt rất tự trách mình. Ý nghĩ làm cầu là do anh đưa ra, anh nghĩ nếu không có cây cầu đó, lũ trẻ vẫn ôm can bơi qua thì cũng sẽ không xảy ra sự việc đau lòng của ngày hôm ấy.
Nhưng có nói gì thì cũng không thể vãn hồi được chuyện cũ, em gái của A Sùng và bé trai kia vĩnh viễn cũng sẽ không thể nào sống lại, sau một thời gian dài, Đình Việt đành chấp nhận sự thật rằng mình đã sai, anh không có ý định tiếp tục làm cầu, cũng mang trong mình ác cảm với phóng viên và nhà từ thiện từ lúc đó.
Nói đến đây, A Văn mới thở dài: “Trong đoàn phóng viên ấy có một cô mua tặng trường 10 cân gạo, nhưng khi về lại viết bọn em ăn chặn quỹ trường, học sinh không có gạo ăn nên cô ta phải cho. Tất cả những chuyện này anh Việt không muốn em kể với chị, anh ấy sợ chị biết quá nhiều chuyện ở đây rồi sẽ ghi vào trong sách, chuyện đau lòng anh ấy không muốn nhớ lại. Nhưng chị Phương, em thấy chị là người tốt. Với cả em cũng muốn chị hiểu anh ấy hơn một chút, đừng giận anh ấy nữa. Anh Việt không phải là không muốn nhận đồ của chị, chẳng qua anh ấy chỉ lo mấy đứa trẻ lại bị tổn thương thôi”.
Hà Phương nghe xong câu chuyện này, trong lòng cảm thấy có rất nhiều cảm xúc hỗn tạp, không thể nếm ra được mùi vị gì. Cô gật đầu: “Tôi không giận anh ấy nữa”.
“Thế thì tốt quá”. Vẻ mặt A Văn nhẹ nhõm đi bội phần: “Bọn em hy vọng sách của chị sẽ bán được thật nhiều, để nhiều người biết đến nơi này”.
Hà Phương bật cười: “Tôi cũng mong vậy”.