Đại Dương Đưa Đến Bên Em

Chương 13



Những ngày sau đó, Hà Anh chăm chỉ đến giảng đường, tan trường lại bận rộn soạn giáo án để đi dạy thêm, quỹ thời gian của cô sinh viên năm ba gần như luôn kín lịch. Thế nhưng Hà Anh nhất định không chịu gạt nỗi tò mò về cô người yêu xinh đẹp của thầy giáo qua một bên. Đương nhiên không thể bỏ qua được rồi, điều Hà Anh quan tâm không phải cô ấy xinh đẹp đến nhường nào, dễ thương ra sao, hoặc được thầy Phong yêu như thế nào… Hết thảy đều chẳng liên quan đến cô. Cơ mà, cô gái ấy lại là đối tượng mà Long quan tâm. Nếu như cô ta thích Long thì cũng xem như vô tình trở thành tình địch của cô rồi. Vì cô thích Long, không đúng, thứ tình cảm cô dành cho anh đã lớn lắm rồi, không đơn thuần là “thích” nữa. Đúng vậy, có lẽ nên gọi là “yêu” thì đúng hơn. Cô đã yêu anh mất rồi. Cô tuyệt đối sẽ không để người phụ nữ nào xuất hiện trong cuộc sống của Long. Nhất định thế!
Hà Anh có quan hệ rất tốt với ban cán sự lớp cũng như thầy cô trong khoa, cũng nhờ đó, không khó để cô tìm hiểu được những thông tin liên quan đến thầy giáo đẹp trai Ngô Đình Phong. Nhiều người thấy Hà Anh vất vả kiếm tìm thông tin như vậy, tưởng Hà Anh tương tư thầy giáo nên bóng gió nhắc nhở:
— Người ta đẹp trai như vậy, lại còn là giảng viên… chắc chắn sẽ có không ít những cô nàng theo đuổi.
— Nghe nói người yêu của thầy giáo cũng sắc nước hương trời, hai người rất đẹp đôi…
Hà Anh bỏ ngoài tai những lời nói bóng gió ấy. Thật nực cười! Bọn họ nghĩ, Ngô Đình Phong như vậy đã là tuyệt sắc giai nhân ư? Ừ thì anh ta cũng đẹp trai, nhưng đó là họ chưa được chiêm ngưỡng nhan sắc của Long mà thôi.
Có được thông tin của thầy Phong, lúc rảnh, Hà Anh tìm đến gần khu nhà thầy ở, vì cô nghĩ, hôm gặp ở siêu thị, cô thấy thầy Phong đi cùng cô gái xinh đẹp kia và một người phụ nữ lớn tuổi. Nhìn họ thân thiết như vậy, khả năng là sống chung. Cô hy vọng có thể tìm hiểu được nhiều thông tin hơn về cô gái ấy. Thế nhưng, dù Hà Anh cố tình đến vào những lúc tan sở, có ngày chờ đến tận tối mịt mới về… nhưng vẫn không có cơ hội chạm mặt cô nàng xinh đẹp ấy.
Hà Anh thấy nản, nhưng không bỏ cuộc. Ngày cuối tuần, 8h sáng cô đã lang thang đến trước khu nhà nơi thầy Phong ở. Đứng dưới bóng cây cổ thụ, gặm nhấm chiếc bánh mì, cô tự nhủ, không biết những việc mình làm sẽ đem lại kết quả gì, càng lúc cô càng thấy bản thân lãng phí thời gian. Nhưng rồi, đúng là ông trời không phụ công người chăm chỉ, Hà Anh vừa ăn xong chiếc bánh mì thì từ trong ngõ có người phụ nữ trùm khăn bông kín mít đi ra. Người ấy đeo mắt kính râm, trên tay cầm túi rác nhỏ chậm rãi đi qua phía cô. Nhận ra người phụ nữ trong bức hình, Hà Anh mừng rỡ, cô suy nghĩ xem nên gợi chuyện với bác ấy như thế nào cho hợp lý. Nhưng vì sợ người phụ nữ kia đi mất, Hà Anh rối trí nên tùy hứng cất lời:
— Cháu chào bác ạ!
Nghe giọng nói trong trẻo ấy cất lên, bà Mai ngơ ngác quay lại nhìn và tò mò hỏi:
— Cháu gọi bác à?
Hà Anh lễ phép:
— Dạ, bác.
— Gọi bác có chuyện gì không?
— Dạ, cháu đi ngang qua đây… thấy bác quen quen, bác cho cháu hỏi, bác có phải là mẹ của thầy Phong không ạ?
Nghe nhắc đến con trai mình, bà Mai vui vẻ nói:
— Đúng rồi. Bác là mẹ của Phong đây. Cháu là học sinh của Phong hả?
— Vâng ạ. Thầy Phong ở trường cháu nổi tiếng là đẹp trai, dạy giỏi đấy bác ạ.
Nghe những lời nhận xét có cánh dành cho con trai mình như vậy, bà Mai vui vẻ mỉm cười. Bà tiến đến gần cô gái trẻ và tò mò hỏi:
— Nhà cháu ở gần đây không? Mà sao cháu biết bác là mẹ của Phong?
— Cháu đứng đây đợi bạn, vô tình gặp bác… Có lần cháu đi siêu thị gặp thầy Phong đi cùng bác… nên cháu nhận ra ạ.
— Thế hả? Trí nhớ tốt ghê!
— Cháu nghĩ, không phải do trí nhớ của cháu tốt đâu, mà bởi thầy Phong sở hữu đường nét trên khuôn mặt giống bác nên thoáng nhìn cháu đã nhận ra. Tuy bác đã có tuổi nhưng vẫn rất xinh đẹp ạ.
Xem kìa, vừa sáng ra đã gặp được con bé mồm miệng lanh lợi, bà Mai vui vẻ không che giấu được nụ cười. Như sợ bác gái không tin lời mình nói, Hà Anh nhanh trí mở điện thoại, tìm kiếm hình ảnh cô đã chụp được cho người phụ nữ trước mặt xem.
— Đây, hôm đi siêu thị cháu thấy thầy Phong đi cùng bác, cháu còn chụp lại mấy tâm vì ngưỡng mộ gia đình hạnh phúc đây này.
Bà Mai nhìn hình ảnh xong liền gật gù, đoạn bà hỏi:
— Nhìn giống gia đình hạnh phúc lắm hả cháu?
Hà Anh tỏ vẻ ngây thơ:
— Vâng ạ. Nhìn mà ai cũng cảm thấy ngưỡng mộ. Chị gái này là vợ của thầy đúng không bác? Chị ấy xinh thật đấy, đứng với thầy Phong đẹp đôi quá. Cháu ước sau này cũng được như chị ấy, tìm được người thương đẹp trai mà tài giỏi như vậy.
Bà Mai nhẹ giọng nói:
— Chị ấy là bạn gái của Phong, chưa phải vợ. Nhưng mà sắp tới hai đứa sẽ về chung một nhà thôi.
— Cháu nghĩ, chắc hẳn sẽ có nhiều người ghen tị với bác lắm. Thầy Phong vừa giỏi, vừa đẹp trai, con dâu tương lai của bác cũng rất xinh nữa…
— Cháu học năm mấy rồi? Nhìn còn trẻ măng thế này, năm nhất đúng không?
— Cháu mà trẻ măng ấy ạ? Cháu học năm ba rồi đó bác ơi.
— Năm ba mà nhìn trẻ quá. Bạn cháu sắp đến chưa? Vào nhà bác ngồi chơi một lát nhé?
— Dạ, bạn cháu sắp đến rồi. Khi khác có dịp cháu vào sau được không ạ?
— Được chứ. Rảnh ghé qua bác chơi nhé.
Hà Anh suy nghĩ một lát rồi ngập ngừng nói:
— Bác ơi, cháu có thể biết tên bạn gái thầy Phong được không ạ?
— Chị ấy tên là Tú.
— Tú…Tên dễ thương quá. Chị Tú cũng là giáo viên đúng không ạ?
— Cái Tú nó kinh doanh cháu ạ.
— Ngưỡng mộ thật.
— Tú kinh doanh shop thời trang nữ đấy, cháu muốn mua sắm thì qua ủng hộ cho chị ấy nhé.
Hà Anh như mở cờ trong bụng, cô tò mò hỏi:
— Bác cho cháu địa chỉ, khi nào cần mua sắm cháu sẽ đến ủng hộ cho chị ạ.
— Cháu mở f.b ra, shop của chị ấy có tên là Ngoc Tu Boutique.
— Ôi, đúng là toàn mẫu đẹp luôn này. Cháu cảm ơn bác, bây giờ cháu phải đi rồi, bạn cháu bảo đợi ở ngã tư, cháu đứng nhầm chỗ rồi ạ.
— Cháu đi chơi vui vẻ nhé.
Buổi tối, như thường lệ, sau khi kiểm tra công việc tại siêu thị và cửa hàng thời trang, Tú chạy xe về nhà ăn tối cùng gia đình. Những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm của mọi người tăng lên đáng kể, cả ngày cô bận rộn với việc kiểm kê hàng hóa và tìm hiểu về sản phẩm mới. Ngồi bên bàn ăn, bà Châu nhẹ nhàng cất lời:
— Tết này mẹ không về quê, ở lại trông nhà và đi chùa. Hôm ông Vệ mất mẹ về rồi nên lần này để hai chị em con về chúc Tết mọi người.
Nói đến đây, bà Châu quay sang hỏi Ngọc:
— Ngọc có muốn về quê cùng chị Tú không con?
Ngọc đang ăn dở miếng sườn, cô suy nghĩ một lát rồi đáp lời mẹ:
— Về khoảng bao lâu hả mẹ? Về quê chán lắm, chẳng có gì chơi. Con thích ở Hà Nội hơn.
— Cả năm mới về một lần, Tết thì nên ở lâu lâu, 5 đến 7 ngày mới đi chúc Tết được các ông các bà. Con không về là mọi người quên mặt đấy.
— Sao về quê lâu thế ạ? Tận 1 tuần. Con có bao nhiêu kế hoạch và dự định ở trên này, con về 2 ngày thôi được không mẹ?
— Con có kế hoạch gì?
— Mồng 3 bọn con họp lớp, đi chúc Tết thầy cô. Mồng 4 tổ chức đi dã ngoại, cắm trại ngoài trời. Về quê chán mù, chẳng có gì vui cả.
— Về quê hương, hướng về nguồn cội để ghi nhớ truyền thống của gia đình, sao lại không có gì vui? Mỗi năm qua đi, các ông bà, các bác… đều già thêm một tuổi, sau này con muốn gặp mọi người cũng khó.
Tú chỉ lặng lẽ ăn cơm mà không đưa ra ý kiến gì, Ngọc thấy vậy liền hỏi:
— Chị Tú, mình về quê 2 ngày thôi được không?
— Hâm à, đi xe từ đây về đó, cả đi cả về cũng mất xừ 2 ngày rồi. Về 2 ngày thì về làm gì? Em không thích về thì ở nhà với mẹ, một mình chị về cũng được.
Ngọc quay sang nói với bà Châu:
— Mẹ, mẹ cho con ở nhà ăn Tết với mẹ nhé. Con không thích về quê đâu.
— Năm nào chị Tú cũng về cả tuần mà mẹ chưa thấy chị kêu chán bao giờ. Con được chiều quá nên sinh hư rồi đấy.
— Con chỉ không thích về quê thôi, con có làm gì đâu mà hư?
— Không nói nhiều, hai chị em về quê chúc Tết họ hàng thay mẹ. Con ở lại là tụ tập bạn bè mẹ không yên tâm.
— Con đi chúc Tết thầy cô nữa mà mẹ?
— Mai mốt mẹ đưa con đi chúc Tết thầy cô trước, như thế cho khỏi lăn tăn nhé?
— Mẹ…
— Ăn cơm đi rồi lên học bài.
Sau bữa tối, Tú nằm dài trên giường xem điện thoại, Ngọc từ phòng bên đi sang, cô bé ồn ào nói:
— Chị Tú, Tết này em về quê cùng chị rồi sau đó lên sớm hơn được không?
— Mẹ biết mẹ mắng cho đấy.
— Nhưng em không thích về quê.
— Em nói với mẹ ấy, chị không quyết định được chuyện này.
— Em không hiểu sao chị có thể ở quê lâu thế mà không thấy chán đấy.
— Chị thấy bình thường, ở đâu chị cũng sống được.
Tú và Ngọc đang nói chuyện thì điện thoại Tú rung lên báo tin nhắn mới. Cô tò mò mở ra xem, người nhắn là Nguyễn Thành Long.
— Cô đang làm gì vậy? Đã ăn tối chưa?
Tú soạn tin reply:
— Tôi ăn rồi. Anh ăn chưa?
Thấy chị gái loay hoay nhắn tin với ai đó, Ngọc hờn dỗi nói:
— Lại nói chuyện với anh nào rồi. Em về phòng đây, không nói chuyện với chị nữa đâu.
— Đóng cửa phòng giúp chị.
Tú đáp lời em gái nhưng đôi mắt nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại không rời.
10 phút, 20 phút, 30 phút sau cũng không thấy Long reply, Tú buồn bực bỏ đi tắm, đứng dưới vòi sen, hơi nước bốc lên nghi ngút, Tú không ngừng suy đoán về những lý do khiến Long nhắn tin cho mình. Thỉnh thoảng Long hỏi han vài câu rồi lại lặn mất tiêu, anh ta làm vậy để làm gì nhỉ? Một chút dữ kiện về Long, Tú hoàn toàn không biết. Người đàn ông ấy giống như một ẩn số đầy mơ hồ giữa Hà Thành phồn hoa này, đặc biệt chỉ xuất hiện khi đêm về. Tú thực sự muốn biết anh ta là ai, xuất thân như thế nào, công việc hiện tại là gì… Tuy không biết đích xác đáp án, nhưng qua khẩu khí, cách đối đáp, Tú đoán, Long chắc hẳn không phải người ở tầng lớp bình thường.
Tắm xong, Tú mặc chiếc áo ngủ bằng bông mềm mịn rồi vội vã chui vào chăn, thời tiết lạnh giá như thế này, thiết nghĩ chẳng có thứ gì mê hoặc hơn là nằm trong chăn ấm. Những ngón tay lướt vô định trên màn hình điện thoại, bỗng, cuộc gọi video từ nickname Nguyễn Thành Long hiện đến khiến Tú giật mình, hai gò má bỗng chốc ửng đỏ. Cô đắn đo không biết có nên nghe máy hay không. Cuộc gọi báo nhỡ. Long tiếp tục gọi đến lần thứ 2. Tú nhẹ nhàng chạm tay vào màn hình, cuộc gọi được kích hoạt.
Tú chưa kịp nói gì thì hình ảnh chàng trai đội mũ bảo hiểm, khuôn mặt đeo khẩu trang kín mít cùng với tiếng gió thổi ù ù vọng vào điện thoại. Long nhanh miệng nói:
— Xin lỗi cô, tôi vừa chạy xe nên không tiện nhắn tin. Cô ngủ chưa?
Tú tò mò hỏi lại:
— Anh đang ở đâu vậy? Khuya rồi sao không về nhà nghỉ ngơi?
— Tôi đang trên đường về nhà.
— Thời tiết ngoài trời lạnh lắm, anh về nhà đi, lúc khác nói chuyện cũng được.
— Đường về nhà tôi còn cách khoảng 300km nữa. Nhưng bỗng nhiên tôi muốn được nói chuyện với cô, muốn được nhìn thấy cô…
— Anh đang ở đâu?
— Tôi đang ở ngoài đường. Cô đi ngủ rồi đấy à? Thèm cảm giác được nằm trong chăn giống cô ghê.
— Ý tôi là anh đi đâu mà cách nhà 300km?
— Khái niệm “nhà” của tôi rất khác biệt. Nơi nào cảm thấy thân thuộc, tôi đều coi là “nhà”.
— Tôi không hiểu ý anh.
— Dạo này cô thế nào? Có khỏe không?
— Tôi khỏe. Anh thì sao?
— Như cô thấy đó, tôi đủ sức đi cả trăm cây số trong đêm đông giá rét như này… có thể yếu được không?
— Sao hôm nay lại nhớ đến tôi?
— Cô đoán sai rồi. Ngày nào tôi cũng nghĩ đến cô, nhưng vì một vài lý do không tiện chia sẻ nên tôi mới không liên lạc cho cô. Cô vẫn khỏe mạnh là tôi vui rồi.
— Tôi có thể biết công việc của anh là gì không?
— Cô tò mò về tôi đến thế kia à?
— Nói không tò mò là sai. Tôi thực sự rất muốn được biết nhiều chuyện liên quan đến anh đấy.
— Để làm gì?
— Biết nhiều chuyện về anh hơn… đúng là cũng không để làm gì, nhưng ít nhất, trí tò mò của tôi được giải đáp. Tôi sẽ thấy dễ chịu hơn.
— Một lúc nào đó thích hợp, tôi nghĩ… tôi sẽ kể cho cô nghe.
— “Một lúc nào đó?” là khi nào?
— Đương nhiên không phải bây giờ.
— Anh càng nói càng khiến tôi thêm tò mò. Rốt cuộc anh là người như thế nào?
— Tôi là người như thế nào không quan trọng. Quan trọng nhất là tôi không có mục đích xấu khi tiếp cận cô, cũng không có ý làm hại cô.
— Chẳng có người xấu nào nhận mình là người xấu cả!!
— Tôi nói vậy không phải vì muốn giải thích hay chứng minh điều gì với cô cả. Chỉ đơn thuần là tôi cảm thấy vui khi biết cô mà thôi. Khuya rồi, cô nghỉ sớm nhé. Mong được gặp lại cô vào một ngày gần nhất.
— Bây giờ anh đi đâu?
— Hành trình của tôi còn rất dài, tôi phải chạy xe rồi. Cảm ơn cô vì đã nói chuyện cùng tôi. Giữa đêm đông giá rét thế này, được nhìn thấy gương mặt xinh đẹp của cô, được nghe giọng nói ấm áp ấy cũng khiến tôi vui vẻ hơn rất nhiều.
— Anh chú ý an toàn nhé.
— Ngủ ngon…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương