Thầy Ơi! Em Yêu Anh

Chương 8



– Không ạ!

– Vậy từ nay đến tiết của tôi có tự nguyện học hành chăm chỉ không?

– Trừ khi nào Thầy nói không dám dạy em nữa thì thôi ạ!

Duy Thành nghe câu trả lời dí dỏm này thì anh cốc nhẹ đầu cô nói:

– Còn dám nói lại lời của tôi hả?

– Em chỉ là tiện thì nhắc lại thôi mà!

– Từ nay học hành chểnh mảng tôi không nể nang gì đâu đó!

– Thì Thầy từ đầu tới giờ có chừa mặt mũi cho em đâu, em mất mặt trước các bạn nhiều thành quen rồi!

– Lại thấy ấm ức hả?

– Có chút xíu ạ!

Nhận ra đây là lời thật lòng của Diệp nhưng Duy Thành không quen nói dỗ dành ai bao giờ nên chỉ bảo:

– Vậy từ nay trong giờ giảng của tôi thì tập trung vào, sẽ không ai nói gì em!

Diệp nghe được lời này nhưng lại không trả trả đúng trọng tâm mà nói qua ý khác:

– Thầy cái gì cũng xuất sắc nhưng nếu Thầy bớt nghiêm khắc một chút, cười nhiều thì còn xuất sắc hơn nữa, đặc biệt là đẹp trai hơn rất rất nhiều đó ạ!

Duy Thành lặng nhìn Diệp vài giây sau câu nói đó, ngoài mặt thì không tỏ vẻ gì nhưng trong lòng không hiểu sao lại xuất hiện một cảm xúc khác lạ… Có điều anh đã vội phủ nhận cảm giác đó mà nhắc nhở cô:

– Tôi không nghe nịnh đâu!

– Em biết chứ! Thầy vốn khô khan nhất quả đất mà!

– Đó là chuyện của tôi!

Đúng là cái ông Thầy tẻ nhạt, bảo sao ba mươi mấy tuổi rồi vẫn chưa có ai, Diệp thở dài rồi lại kiếm chủ đề nói chuyện:

– Em thấy chị gái hôm trước rất xinh gái, nhìn cũng hợp với Thầy sao Thầy không tán chị ấy đi!

– Tôi chưa thấy hợp!

– Thế Thầy thích kiểu bạn gái như nào?

– Em vừa hứa không nhiều chuyện cơ mà?

– À… Em quên!

– Việc của em là tập trung vào học hành, đừng có hỏi mấy câu linh tinh đó!

– Vâng. Nhất định em không hỏi nữa!

Sau cuộc hội thoại vừa rồi thì cả hai chính thức giữ im lặng, hai người tập trung vào hai cái điện thoại, không biết là xem gì nhưng không có nói chuyện nữa cho đến khi bốn người kia xem phim xong đi ra thì cả nhóm lại rủ nhau đi ăn khuya thì mới về nhà.

Chuyện rắc rối hiểu lầm giữa Diệp và Duy Thành coi như đã giải quyết xong nên Diệp thoải mái hơn hẳn. Những buổi học sau này Diệp không còn ác cảm với anh nữa mà chủ động hỏi bài, còn Duy Thành cũng dường như bỏ bớt vẻ nghiêm nghị mà hay cười nhiều hơn.

Sự thay đổi ít nhiều của Duy Thành không chỉ riêng Diệp thấy vui mà cả lớp cũng rất dễ chịu, kết quả học tập cũng vì thế mà nâng cao. Tình cảm thầy trò trở lên gần gũi, chính vì thế mà tiếng tăm về một người Thầy hoàn hảo lại càng vang xa, lớp nào, khoa nào cũng muốn được Duy Thành giảng dạy nhưng khổ nỗi chỉ có một Duy Thành nên anh nào có thể phân thân mà dạy hết cho toàn trường được.

Diệp ngày càng nhận thấy Duy Thành có nhiều điểm mà cô rất thích nên cũng không biết từ lúc nào cô từ mến mộ người Thầy giáo này đã chuyển sang một tình cảm khác biệt hơn nhưng bản thân cô cũng không nhận biết rõ nữa…

Ngà thấy gần đây Duy Thành không còn khắt khe, hà khắc với Diệp nữa thì tỏ ra vô cùng ghét Diệp, ở trong lớp không gây gổ được thì ra khỏi trường lại lấy cớ gây chuyện nhưng Diệp đã lường trước được những việc như này bởi cô biết Ngà đã si mê Duy Thành từ lâu rồi.

Trước những kẻ thiếu suy nghĩ, côn đồ như nhóm của Ngà thì Diệp đành chịu thiệt một chút để bảo bệ danh tiếng cho Duy Thành và cũng chính là bảo vệ cho bản thân cô khỏi bị rắc rối. Cô nói dạo gần đây Duy Thành không khắt khe với cô là vì cô đã học tiến bộ chứ không phải vì giữa hai thầy trò có quan hệ mờ ám gì cả. Cô cũng nói luôn là cô chỉ học hết hai năm ở đây còn sau đó cô đã có kế hoạch đi du học rồi nên sẽ không có chuyện yêu đương gì cả. Ngà nghe Diệp nói với thái độ nghiêm túc thì cũng không gây thêm gì nữa nhưng cô ta vẫn không quên cảnh cáo cô tốt nhất nên tránh Duy Thành thật xa.

Ở tuổi này Diệp cũng nhìn nhận ra vấn đề yêu đương rồi nên đối với những người kiểu như Ngà cô sẽ không chọn cách đối đầu mà tổn hại danh tiếng của mình. Có hơi mệt mỏi khi vài hôm lại phải nghe mấy lời nhắc nhở cảnh cáo nhưng Diệp coi như bỏ ngoài tai mà tập trung vào việc học thật tốt.

Hôm nay Trung và Hoa thi thử để chuẩn bị bước vào vòng loại của đội tuyển Toán. Bài làm của cả hai khá tốt nên Duy Thành động viên hai học trò của mình, anh mời cả hai đến nhà mình ăn tối, tất nhiên là Diệp cũng được đi ăn ké.

Đến nhà Duy Thành, cả ba thầy trò xúm vào nấu nướng còn Diệp không biết làm gì ngoài việc nhặt rau với gọt ít hoa quả. Chẳng ai như Trung lại giống Hoa đợt nọ nói trêu chọc cô:

– Này bà kia!

– Gì?

– Tôi không nghĩ là bà lại vụng thối ra thế đâu!

– Tôi giỏi cái khác nhé, còn chuyện bếp núc sau này tôi kiếm ông chồng nấu ăn ngon cho mình là được!

– Bà giỏi cái gì thế? Giỏi kiếm cớ, chống chế hả? Đã vụng lại còn hay lý sự, không biết sau này có anh nào chịu rước?

– Ê… Thích gọi đòn hả? Tôi như nào mắc mớ gì tới ông hả đồ hấp?

– Ờ… Hấp ngon hơn luộc đấy! Cái đồ con gái mà vụng thối, vụng nát…

Nhìn cảnh Trung với Hoa cười nham nhở thì Diệp điên tiết, cô vứt lại chỗ rau đang nhặt dở đi lại véo một cái rõ đau vào tai Trung rồi tiếp đến nhéo eo của Hoa thì cả ba quay ra tròng ghẹo nhau ầm ĩ cả nhà lên.

Duy Thành nhìn ba học trò đùa nghịch thì chỉ cười tủm tỉm nhưng thấy cuộc chiến đấu giữa ba đứa trẻ to xác còn chưa đi đến hồi kết thì anh gọi Diệp:

– Diệp! Nhặt rau xong chưa để Thầy còn nấu?

– Dạ… Dạ… Thầy đợi em chút!

Hoa thấy Diệp vội quay lại làm công việc của mình thì được dịp trêu tiếp:

– Rõ là bạn mình quá vụng Trung nhỉ? Có mỗi mớ rau mà nhặt không xong… Chậc… chậc… Thế này ai mà hốt phải con bạn mình chắc khổ phải biết…

– Ha ha… Tôi thấy thương dần cho người chồng tương lai của bạn Diệp nhà mình quá…

Ha ha…

Diệp cay hai đứa bạn lắm nhưng vì Duy Thành đang giục nên vừa làm cô vừa lườm nguýt Trung và Hoa. Nhưng trêu đùa thế cho vui thôi chứ cô biết rõ mình vụng thật, đến mẹ cũng không kiên trì dạy cô được cơ mà. Nhìn ba người làm thoăn thoắt, thành thục các món ăn, mỗi người một món mà cô hâm mộ lắm, cứ vậy đôi mắt lại dán vào họ mà vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình nên lại bị Duy Thành nhắc nhở:

– Em định ngồi đếm từng cọng rau hả Diệp?

– Dạ, đâu có, em xong rồi đây!

– …

Ở lớp bị nhắc học bài, hết giờ học lại bị nhắc làm việc chưa chuyên tâm khiến hai đứa bạn thân lại được dịp cười ha hả.

Cuối cùng bữa cơm cũng hoàn tất, có đủ các món, Diệp nhìn thành quả lao động của mọi người mà không quên khen ngợi:

– Oa… Hấp dẫn quá! Thầy với hai người nấu ngon thật đó!

– Món hoa quả của bà còn đẳng cấp hơn!

Lời Trung nói khiến Diệp nhìn lại kiệt tác của mình đúng là xấu hổ muốn chết, cô than vãn trong lòng và cảm thấy bất công, người ta có 10 cái hoa tay còn cô đến 1 cái cũng không có. Xếp đĩa hoa quả nhìn mà mất hết cả cảm tình, Hoa nhìn cũng tủm tỉm cười, còn Trung đương nhiên là cười sảng khoái rồi, may mà còn có người Thầy kia nói đỡ cho cô:

– Xếp có đẹp thì cũng vào bụng hết! Thôi, mọi người ngồi xuống ăn đi không nguội!

– Dạ, chúng em mời Thầy ạ!

Trung trêu Diệp cả buổi nhưng lúc ăn thì chăm chỉ gắp đồ ăn vào bát cho cô:

– Nè ăn đi! Món này tôi làm đấy!

– Cảm ơn!

– Ăn nhiều vào, sau này làm sếp thì nhớ đến bọn tôi đã từng tốt với bà nhé!

– Vâng, tốt quá! Tôi nhất định là nhớ kĩ mấy cái khoảnh khắc như hôm nay!

– Ha ha… Thế mới là bạn tốt chứ nhỉ?

Bữa cơm của bốn thầy trò cứ vậy mà rôm rả, không rượu, không nhạc nhưng lại tràn ngập tiếng cười và từ những khoảnh khắc ấy có hai người nào đó cùng để ý đến nhau chỉ là bản thân họ chưa nhận ra mà thôi…

Lúc đến là Trung đi nhờ xe với Duy Thành còn Diệp và Hoa đi xe máy nhưng lúc về trời đã tối muộn nên Trung nhờ Duy Thành chở Diệp về còn mình thì chở Hoa, hôm sau sẽ mang xe trả cho Diệp sau.

Duy Thành có ý chở cả ba về bằng xe ô tô của mình nhưng Trung và Hoa từ chối nên về trước, Diệp không còn lựa chọn nên chỉ có thể ngồi lên xe của Thành đi về. Để cho không khí đỡ ngại ngùng nên Diệp đã chủ động nói chuyện trước:

– Thầy còn gì là không biết làm không ạ?

– Em hỏi thế là sao?

– Em thấy Thầy việc gì cũng biết làm mà không phải đơn giản là chỉ biết cho có mà còn rất giỏi nữa. Như bữa cơm hôm nay, Thầy nấu cực ngon luôn!

– Tại em không biết nấu nên mới cho là cực ngon thôi!

– Em không biết nấu là thật nhưng em biết thẩm định đồ ăn đó!

– Vậy đó cũng là một tài năng đấy!

– Thầy lại giống hai người kia chê cười em đấy à?

Duy Thành không trả lời mà cười cười, Diệp ngồi ngay ghế lái nên nhận ra nụ cười mỉm ấy của thầy giáo mình. Bất giác cô cũng cười trong lòng thì tự nhiên Duy Thành lên tiếng hỏi cô:

– Sau khi học xong em có kế hoạch gì chưa?

– Trươc mắt em chỉ học hai năm ở đây, còn sau đó là sang Anh du học tiếp. Nếu thuận lợi bên đó chắc em ở thêm một vài năm ạ!

– Vậy à?

– Thầy cũng chỉ dạy chúng em một năm nữa thôi đúng không ạ?

– Ừ! Khi chọn được xong nhóm nghiên cứu tôi sẽ qua Pháp luôn, cũng chưa biết là ở đó bao lâu.

Diệp nghe tới đây cũng chả biết nói gì tiếp, tự nhiên lòng buồn man mác mà không hiểu tại sao? Cứ như vậy hai người hai theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình cho đến khi chiếc xe dừng trước cổng nhà Diệp. Nhưng trước khi cô xuống xe thì Duy Thành kịp đưa ra một câu hỏi:

– Có muốn theo lớp Toán tài năng hai của tôi không?

– Em…Em có đủ điều kiện sao ạ?

– Không! Nhưng tôi cho em một ngoại lệ!

– Sao ạ?

– Đừng nghĩ linh tinh, là tôi vì Hạnh và Nam nên giúp em có chuẩn bị tốt cho việc du học sắp tới thôi!

– Là gì cũng được, em cảm ơn Thầy ạ!

– Vào nhà đi!

– Vâng. Em chào Thầy!

Những ngày sau Duy Thành càng tất bật với việc giảng dạy của mình nhưng anh vẫn cố gắng dành thời gian hướng dẫn cho cô học trò chưa đủ điều kiện này theo được nhóm của anh. Duy Thành vất vả, nhiều khi mệt mỏi muốn nghỉ một hôm nhưng lại vì ai đó mà luôn cố gắng. Đổi lại Diệp cũng nhận ra sự tâm huyết nhiệt tình của Thành nhưng cô không cảm ơn bằng lời mà đáp lại anh bằng kết quả học tập của mình. Cứ như vậy, một Thầy, một trò lặng lẽ đồng hành cùng nhau đi qua hết năm thứ nhất và tình cảm lúc này cũng đã tiến triển khá nhiều…

Còn Trung và Hoa cũng đã xuất sắc vượt qua nhiều vòng thi loại dành vé đi tiếp vào vòng tuyển chọn cuối nhưng kết quả cuối cùng ai sẽ được chọn để tham gia vào nhóm nghiên cứu của Duy Thành thì phải vượt qua một phần thi vào cuối năm hai nữa.

Diệp chạy đua theo chuyên ngành của mình còn Hoa và Trung cũng tất bật theo định hướng bản thân lựa chọn. Cả ba bước sang năm học thứ hai dù bận rộn nhưng tình bạn vẫn gắn bó keo sơn và bên cạnh đó có người Thầy luôn cùng đồng hành ủng hộ.

***

Tuần này Duy Thành lại có việc ở bên Pháp nên anh quay về đó để hoàn thành. Một người bận rộn như anh trước đây đi đi lại lại như này là chuyện rất bình thường nhưng lần này quay về bên đó Thành lại cảm thấy có chút lưu luyến Việt Nam.

Mới đi sang được ba ngày mà Duy Thành đã muốn quay về rồi, chưa bao giờ anh có cảm giác mong ngóng lại rõ ràng như lúc này nhưng vì công việc không thể hoàn thành trong một sớm một chiều như bản thân mong muốn mà phải theo đúng lộ trình.

Điện thoại của chị gái, cháu trai Duy Thành cũng đã nhận rồi đến cả hai học trò ruột của anh là Trung và Hoa cũng vừa mới gọi hỏi thăm anh xong nhưng tất cả sự quan tâm của những người thân thiết ấy vẫn chưa đủ khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng…

Duy Thành rời khỏi bàn làm việc, đứng trước khung cửa sổ nhìn lên bầu trời đã dần ngả bóng về chiều. Thời tiết bên này đang là mùa đông lạnh lẽo nhưng ở Việt Nam thì vẫn là mùa xuân ấm áp, không biết cô bé ấy giờ đang làm gì…Thành tự hỏi, tự trả lời, cuối cùng lý trí vẫn không thắng được con tim bởi nó đã trót hướng về nơi ấy mất rồi…

Lần đầu Duy Thành biết để ý một người con gái nhưng lại là học trò của mình, dù con tim đã thắng lý trí nhưng anh vẫn không thắng được rào cản của dư luận cũng như không đủ tự tin vượt qua ranh giới Thầy trò ở thời điểm này. Để rồi khi máy điện thoại kết nối được với Diệp thì Duy Thành lại lấy lí do học hành nói chuyện với cô:

– Sao rồi? Mấy hôm nay tôi vắng mặt, em có tranh thủ lười biếng không thế?

Diệp cho tới hôm nay cũng đã nhận ra sự để tâm của mình đối với người Thầy này là như nào nhưng vì Duy Thành vẫn luôn giữ một khoảng cách nhất định nên cô cũng chỉ có thể cất giữ hết lại trong lòng của mình mà trả lời:

– Em cũng định tranh thủ mà em sợ bị phạt nên học kĩ lắm rồi!

– Vậy thì tốt!

– Công việc của Thầy sao rồi ạ?

– Cũng chưa đến đâu cả!

Nghe giọng tự nhiên trầm xuống của Duy Thành khiến Diệp có chút thương xót nhưng cô chỉ hỏi ở mức độ chứ không dám quá phận:

– Công việc áp lực quá ạ?

– Không! Phù hợp với khả năng của tôi nhưng là cần nhiều ngày nữa mới xong!

– Vậy Thầy nhớ nhà à? Em nghĩ Thầy đi lại nhiều phải quen rồi chứ?

– Ừ, quen rồi nhưng giờ lại như chưa quen!

– Thầy có tâm sự phải không?

– Tôi nhớ …

Diệp nghe câu nhớ ngắt quãng của Duy Thành tự nhiên lại thấy hồi hộp nhưng cô đã hứa trước đó không can dự vào chuyện riêng của anh nên không dám hỏi tiếp mà im lặng chờ đợi thì sau vài giây ngập ngừng Duy Thành đã chữa câu nói đó:

– Ở đây buồn quá! Tự nhiên tôi thèm được mắng các cô các cậu!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương