Người Dưng Chung Nhà

Chương 19



Chap 19:
Tỉnh lại một lần nữa thì tôi đã không còn ngửi thấy mùi ẩm mốc kia mà thay vào đó là cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng, hương sát khuẩn hòa vào không khí, tiếng bình truyền nhỏ từng giọt ” tách, tách”
Một không gian trắng tinh khôi như màu mây trời. Dưới khung cửa, nắng ban mai rọi vào phòng, mang chút hơi ấm cho mùa đông già cỗi.
Tôi từ từ mở mắt, trước tầm nhìn là hình ảnh ba Minh đang ngồi đọc sách. Đột nhiên trong lòng len lỏi vài tia thất vọng. Vậy mà tôi còn nghĩ người đầu tiên tôi nhìn thấy sẽ là anh. Vậy mà tôi còn nằm mơ thấy họ gọi tên mình, thậm chí còn ảo giác về mùi hương của họ.
– Tỉnh rồi hả con? – Ba Minh gấp cuốn sách bỏ lên tủ gần giường. – Có thấy không khỏe ở đâu không?
Tôi mỉm cười nhìn ba:
– Dạ không ạ. Con chỉ thấy hơi ê ẩm người thôi.
– Vậy thì tốt rồi. Nghỉ ngơi thêm đi. Rồi tí ba đi mua cháo cho hai anh em luôn.
Tôi ngờ vực không hiểu ý tứ trong câu nói vừa rồi của ba:
– Hai anh em ạ?
– Ừ! Thằng Khiêm đang nằm phòng bên đó. Cũng may là nó nghi ngờ con Trinh nên đi theo, chứ không thì chưa biết chuyện gì đã xảy ra.
– Anh Khiêm cứu con sao?
– Ừ! Ba cũng bất ngờ. Ba cứ nghĩ là nó sẽ chẳng bao giờ chấp nhận con cơ. Nhìn vậy mà không phải vậy. Lúc con gặp nguy hiểm nhất, nó lại là người bất chấp tất cả cứu con.
Khi nghe những điều này đột nhiên trong tôi rung động mãnh liệt. Anh cứu tôi. Một kẻ vô tâm, một kẻ mà tôi từng cho rằng mong tôi biến mất khỏi thế giới này lại cứu tôi. Thì ra cảm giác được người ghét mình nhất cứu là như thế này. Lân lân như uống rượu. Say mê và ngọt ngào.
– Mẹ Ngọc ở chỗ anh ạ?
– Ừ! Cũng may là nhà chỉ có hai đứa chứ mà 4,5 đứa thì hai ông bà già này chắc phải chạy loạn cái bệnh viện nên lên mất.
Câu nói nữa thật nữa đùa của ba khiến tôi phì cười. Hai cha con nói chuyện linh tinh một lúc. Bác sĩ đến kiểm tra, đắn đo tôi vài điều, rồi tháo kim truyền dịch cho tôi. Ba Minh cũng ra ngoài mua cháo. Tôi một mình trong phòng cứ bứt rứt khôn nguôi, thật tình rất muốn qua thăm ai đó. Dù gì họ vì tôi mà ra thế, tôi cứ nằm ì ở đây như vậy thật không phải phép. Với cả tôi cũng muốn xem họ bị thương ở đâu, vết thương có nặng không?
Thế là sau vài phút đắn đo, suy ngẫm cuối cùng tôi quyết định qua bên phòng anh trai một lát. Lúc tôi qua, hình như mẹ Ngọc đã đi đâu rồi. Trong phòng chỉ có mỗi anh tôi và ông Hoàng. Đứng trước cửa nhìn vào, tôi thấy anh vẫn có thể ngồi trên giường, đầu không bị băng, chân không bị nẹp, vậy là ổn rồi. Tôi cứ sợ họ bị chấn thương mấy chỗ nguy hiểm chứ có vẻ như chỉ thương tật ngoài da, không có gì đáng ngại.
– Sao lại để bị đánh trúng chỗ đó?
Ông Hoàng đột nhiên cất lời khiến hành động tiếp theo của tôi đột nhiên khựng lại. Tôi nép sau cánh cửa tiếp tục nghe câu chuyện của hai người đàn ông bên trong.
Anh tôi thở dài:
– Chắc do chỗ đó cộm lên nên nó gánh trận đầu tiên.
Hoàng thở dài:
– Thôi xong, nát tươm thế kia thì dùng kiểu gì nữa.
– Chắc tại số tao xui.
– Đen luôn chứ xui cái gì nữa. Mà hàng của mày là loại pro đúng không?
– Chứ sao? Đồ của tao là hàng xịn sò đấy.
– Có mỗi cái để đi cua gái mà nát bét nhè thế kia thì làm ăn gì nữa.
Nói rồi ông Hoàng cúi xuống nhìn gì đó ở thân dưới ông Khiêm, lắc đầu:
– Tao mà bị như này thì tao đứt ruột đứt gan.
Tôi đứng bên ngoài lấy tay che miệng. Có khi nào tên anh trai bị thương ở vị trí nguy hiểm nhất của người đàn ông không? Ôi chết rồi. Phải làm sao đây? Tôi hai người ta thảm thế cơ á. Hèn gì cả buổi nói chuyện mà ba tôi không hề đề cập đến vị trí bị thương của tên đó. Thì ra là chỗ khó nói. Nghe đến đây thì tôi đâu còn mặt mũi nào dám vào trong nên lủi thủi về phòng.
Hôm đó, lúc ăn cháo, tôi hỏi dò ba Minh:
– Anh Khiêm bị thương ở đâu vậy ạ?
Ba Minh đắn đo rất lâu, ầm à ậm ừ mãi chịu nói qua loa:
– Ừ thì không có gì đáng ngại đâu con. Nó bị thương phần gần bụng thôi mà. Không nguy hiểm gì cả, con đừng có lo lắng gì hết. Qua rồi.
Thái độ lúng túng của ba làm tôi càng thêm nghi hoặc. Gần vùng bụng, không phải phía dưới 3,4 cm là chỗ đó rồi à. Thôi xong, thôi xong rồi. Chuyện thật chứ chả đùa. Thế là tôi đã hại đời con trai của mẹ Ngọc rồi. Tôi phải làm sao bây giờ?
Chiều cùng ngày, chị Nhung và Cún đến thăm tôi. Thằng bé vừa thấy tôi nằm trên giường đã nhào tới dùng nụ hôn để chữa bệnh. Hôn xong thì mới chịu nằm bên cạnh ôm tôi ngủ.
– Dạo này mấy tay bắt cóc tinh vi quá. – Chị Nhung nói.
– Vâng, em cũng không thể ngờ xuống nhận hàng mà cũng bị thế. Trong khi trước tòa soạn mình đông đúc dân cư với ban ngày ban mặt. Ai mà ngờ đâu.
– Hôm mày mất tích, cảnh sát đến điều tra. Dân ở đó bảo là mày tự lên xe thằng shipper đó nên mọi người không để ý.
– Thế hả chị. Sao nghe như bùa chú thế ạ?
– Bên cảnh sát nói dùng cái gì mà scopo_ gì đấy, gửi vào là giống như bị thôi miên đó. Họ nói gì mình cũng nghe và làm theo.
Tôi nghe chị kể mà rùng hết cả mình. Cũng may là mọi chuyện xong rồi. Nhớ đến, tôi thật sự không dám tin bản thân đã trải qua việc kinh thiên động địa như thế. Đúng là ngoài sức tưởng tượng.
– Mà thôi, mày an toàn là vui rồi. Bọn kia cũng bị công an tóm gọn. Giờ thì tù mọt gông.
Nhắc đến chữ vui, tâm trạng của tôi lại thêm não nề. Vui gì nổi khi đã gây một thiệt hại nặng cho người khác. Tôi thở dài nói:
– Không đâu chị. Giờ em còn đau đầu hơn đây nè.
– Sao lại đau đầu. Hay bị thương. Thế thì phải đi chụp CT.
– Không phải do bị thương đâu mà là do em suy nghĩ đấy chị.
Bà ấy nhìn tôi nhíu mày:
– Suy nghĩ gì?
– Ông anh cứu em ấy, hình như là bị hư chỗ quý giá nhất của đàn ông rồi.
Bà chị tôi há hốc mồm sửng sốt:
– Cái gì?
Tôi thở dài thượt:
– Nhà có mỗi ông con trai. Giờ ổng ra nông nỗi kia thì em biết nhìn mặt gia đình kiểu gì đây chị.
– Thôi xong thế thì ai mà còn dám lấy nữa. Không chỉ chẳng có con cái gì mà tương lai chỉ có thể vào viện dưỡng lão sống cô đơn một mình.
Tâm trạng tôi vì 2 câu kia của chị mà lập tức lọt thỏm vào hố đen:
– Ba còn giấu sợ em phiền lòng nữa. Vậy lại càng làm em bứt rứt hơn. Em còn chưa gặp mẹ Ngọc đây. Hủy hoại đời con bà ấy. Không biết mẹ có tha thứ cho em không? Cả ngày hôm nay, em không thấy mẹ qua thăm em rồi.
Dù từ trước đến nay, mẹ hay cáu có, khó khăn với tôi nhưng những lúc đau ốm bà chưa bao giờ lơ tôi như lần này. Từ phòng anh hờ qua đây có vài bước chân thôi, ông ấy cũng đâu đến mức chẳng thể tự chăm sóc bản thân khiến mẹ phải túc trực 24/24. Vậy thì chỉ có một lý do khiến bà không qua bên tôi, đó là do tôi đã gây ra chuyện gì đó.
– Thôi mày đừng suy nghĩ linh tinh. Mỗi người mỗi số. Số anh mày nó vậy thì thôi. Cũng đừng trách mình quá. Khuyên anh ta sống lạc quan, yêu đời. Phải nhìn về phía trước.
Mặc cho chị Nhung dùng cả chiều đó làm công tác tư tưởng nhưng tôi vẫn chẳng tài nào thoát được mớ suy nghĩ tiêu cực kia. Một ngày sau khi tôi tỉnh, phía cảnh sát đã phải người đến lấy lời khai. Đại khái họ cũng chỉ hỏi mối quan hệ giữa tôi và Trinh. Những mâu thuẫn để tìm hiểu động cơ cũng như quá trình thực hiện hành vi bắt cóc của nhóm tội phạm kia. Anh còn nói cho tôi biết với những bằng chứng hiện có thấp nhất thì Trinh và người tình của cô phải chịu mức án 3 năm tù giam. Tôi nghe vậy cũng thấy thỏa đáng, có lẽ 3 năm đủ cho hai kẻ kia suy nghĩ về những hành động ngu xuẩn mà mình đã gây ra.
Kết thúc buổi lấy lời khai, anh cảnh sát vui vẻ bắt tay và chúc tôi sớm xuất viện. Chuẩn bị ra về thì đột nhiên từ cửa có thêm một anh cảnh sát thoát nhìn rất trẻ tuổi hớt hải chạy vào.
– Anh ơi, em làm mất còng số 8 rồi.
Bộ mặt vui vẻ của anh cảnh sát lấy lời khai cho tôi bỗng chốc tối sầm:
– Sao lại để mất?
– Em không biết, em đi vệ sinh một tí quay qua quay lại đã không còn thấy nó trên người nữa.
– Đã tìm kỹ chưa?
– Em tìm muốn nát cái bệnh viện rồi sếp.
– Thế thì về chịu phạt thôi, chứ nói năng gì với tôi.
Anh cảnh sát trẻ tuổi ra sức nài nỉ:
– Sếp ơi em đâu có cố ý ạ.
– Cố ý hay không cái gì. Dù vô tình hay cố ý thì hành vi của cậu cũng đã gây ra hậu quả. Cậu phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm.
Nói xong anh công an được gọi là sếp quay lại chào tôi:
– Xin phép cô. Thật ngại quá để cô thấy những điều không nên.
Tôi cười cười đáp:
– Dạ không có gì đâu ạ.
Họ rời đi, tôi ở lại suy nghĩ mãi. Dù vô tình hay cố ý thì bản thân cũng đã hại tên anh trai. Có phải là tôi cũng nên chịu trách nhiệm như những gì anh cảnh sát kia vừa nói không? Anh tôi như thế thì ai mà thèm lấy nữa. Rồi anh sẽ phải cô độc hết đời. Một người cao ngạo ngất trời như ai đó chắc rất khó khăn trong việc chấp nhận sự thật này. Tôi chẳng thể trơ mắt nhìn ân nhân của mình như vậy. Tôi phải hành động thôi.
Ngay lúc ấy, không biết lấy dũng khí ở đâu mà tôi lại mạnh mẽ đi qua phòng anh trai, nhìn kẻ đó thẳng thắn nói:
– Em sẽ chịu trách nhiệm về cuộc đời của anh.
Tên đó đang uống nước cam lập tức bị sặc, ôm cổ ho khù khụ:
– Tỉnh rồi mà não chưa về à?
– Anh đừng ngại. Từ nay em sẽ chăm sóc cho anh. Em sẽ không để anh cô đơn một mình. Về già em cũng sẽ ở bên cạnh anh, chăm lo cho anh đến hết đời. Anh không phải đi viện dưỡng lão đâu. Có em ở đây cùng anh rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương