Bóng đêm như vô tận, tôi cố gắng vùng vẫy, cố gắng thoát ra thế nào cũng không sao thoát nổi. Trong bóng đêm ấy tôi bỗng mơ một giấc mơ, một giấc mơ chân thật như cuốn phim ký ức tua chậm đã rất lâu rồi.
Dưới ánh nắng chói chang của một ngày cuối hè, đó lần đầu tiên tôi gặp Duy. Khi ấy tôi là sinh viên năm nhất của trường đại học ngoại ngữ còn Duy là cán bộ đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận Cầu Giấy đến trường tôi tuyên truyền. Duy rất đẹp trai, dáng người cao trên một mét tám, đặc biệt anh có một đôi mắt rất đẹp, đôi mắt hai mí sâu nhưng lại vô cùng rạng rỡ, hai bên má anh còn có lúm đồng tiền càng khiến nụ cười của Duy trở nên cuốn hút hơn. Anh đứng ở giữa sân trường, tay cầm mic, mặc bộ áo cảnh phục xanh, trên vai là hai ngôi sao lấp lánh, phía biển tên có ghi mấy chữ Lưu Vũ Duy, nhìn anh thậm chí còn nổi bật hơn cả những cậu hotboy trong trường tôi. Đám sinh viên nữ trường tôi cuồng nhiệt đến mức hò hét inh ỏi. Thế nhưng chỉ vài câu chuyện hài nhỏ anh đã dẫn dắt chúng tôi vào buổi tuyên truyền lúc nào chẳng hay. Đến khi chuyển sang phần thực hành, giữa cả ngàn sinh viên không hiểu sao anh lại gọi tôi đứng lên. Một con sinh viên năm nhất, lại dưới quê lên, đến cầm cái bình chữa cháy còn lóng ngóng vụng về chứ đừng nói là thực hiện. Thế nhưng Duy không hề chê cười, rất nhẹ nhàng, rất từ tốn chỉ tôi từ cách xóc bình, rút hãm kẹp chì và chọn đầu hướng gió. Khoảng cách của tôi và anh rất gần nhau, gần đến nỗi từng đường nét trên gương mặt anh tôi cũng nhìn rất rõ. Trái tim thiếu nữ khi ấy bất chợt rung rinh, mặt cũng đỏ hồng cả lên, đến khi thực hiện xong đi xuống tôi vẫn cảm chưa hết bần thần.
Lần thứ hai tôi gặp anh cách đấy chỉ hai tháng trong một lần cùng các sinh viên tình nguyện lên Hà Giang giúp đỡ người dân bởi một trận lụt lịch sử. Lúc thấy tôi anh có chút bất ngờ, mà tôi thì không hiểu vì sao anh vẫn nhớ ra tôi. Cả đoạn đường trên xe lên Hà Giang tôi và anh được sắp xếp ngồi cạnh nhau. Có lẽ khi ấy trái tim đồng điệu, đều là những người trẻ đầy nhiệt huyết nên tôi và anh nhanh chóng bắt chuyện được với nhau. Những ngày trên Hà Giang thiếu thốn đủ thứ nhưng không có ai kêu than bất cứ lời nào. Mỗi buổi tối sau khi đi tình nguyện về chúng tôi cùng nhau ăn uống, cùng nhau nói chuyện, cùng kể cho nhau những ước mơ, hoài bão đang cháy bỏng. Và rồi mối tình đầu của tôi và anh cũng dần chớm nở.
Sau chuyến đi tình nguyện về tôi và Duy chính thức yêu nhau. Ở cạnh Duy tôi luôn cảm thấy có một năng lượng tích cực ngập tràn, thậm chí tôi và Duy gần chưa từng cãi vã nhau dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Vì làm trong môi trường đặc biệt nên không giống những cặp đôi khác ngày nào cũng gặp nhau. Tôi và anh tuy ở cùng một quận nhưng số lần gặp nhau trong tuần chỉ là một hai lần bởi anh luôn phải trực cháy. Có lẽ bởi vì thế nên mỗi lần gặp nhau anh đều rất chiều chuộng, rất nhường nhịn tôi.
Chỉ có duy nhất một điều Duy chưa từng kể về gia đình mình với tôi. Suốt cả một năm trời anh chưa từng kể, có chăng anh chỉ nói qua loa đại khái rằng gia đình anh bình thường như bao gia đình khác, đợi có thời gian thích hợp anh sẽ đưa tôi về sau. Khi ấy tôi cũng nghĩ gia đình anh rất bình thường thật bởi tôi thấy Duy rất giản dị, xe anh đi cũng chỉ là một chiếc xe số cũ. Giản dị là vậy nhưng Duy lại rất tâm lý, mỗi lần tôi thích gì anh đều ngay lập tức mua cho tôi. Nhớ nhất lần tôi bị mất dây chuyền kim cương, tuy không khóc lóc nhưng thấy tôi rầu rĩ anh ngay lập tức dành cả tháng lương mua cho tôi một chiếc dây chuyền vàng. Chiếc dây chuyền vàng ấy không đắt giá như dây chuyên kim cương kia nhưng bằng cả tháng lương của anh nên khiến tôi áy náy khôn nguôi. Sau này vì sợ anh dồn hết tiền mua đồ cho tôi dù thích gì tôi cũng không dám nói ra với anh nữa.
Tình yêu của tôi và Duy giống như bao cặp tình nhân khác, mỗi lần gặp nhau sẽ đi chơi, đi xem phim, đi dạo và thi thoảng có dẫn tôi qua đội anh chơi. Nhưng chuyện thân mật tôi và anh chưa từng đi quá giới hạn. Giới hạn của tôi và anh mới chỉ dừng lại ở việc nắm tay và những nụ hôn. Anh không bao giờ đòi hỏi một lần, còn nói với tôi muốn dành chuyện trọng đại cho đêm tân hôn. Khi anh nói đến câu ấy mặt tôi cũng đỏ ửng hỏi anh:
– Sau này anh sẽ lấy em sao?
– Đương nhiên rồi. Anh sẽ lấy em, đợi em ra trường, đợi em đi làm anh sẽ lấy em. – anh bình thản đáp.
Tôi nghe xong chẳng những mặt mà cả người cũng nóng lên, vừa thấy xấu hổ lại vừa thấy ngọt ngào hạnh phúc. Lúc ấy tôi ngây ngô cho rằng nhất định sau này chúng tôi sẽ lấy nhau, chỉ cần anh đợi tôi nhất định tôi sẽ lấy anh. Thế nhưng rồi cuối cùng anh lại thất hứa… anh không đợi tôi…
Tháng mười một của một năm sau khi chúng tôi yêu nhau. Một buổi sáng vẫn như thường lệ tôi đi lên lớp còn Duy ở đơn vị đi làm, tôi biết hôm nay anh trực nên không nhắn tin hay gọi điện làm phiền. Đến bốn giờ chiều tôi cùng cái Trang bạn cùng lớp đi xe máy từ trường về phòng trọ. Khi đi qua ngã tư quận Cầu Giấy chúng tôi chợt thấy phía bên kia đường rất đông xe chữa cháy, từ quán karaoke Trường Thịnh một cột lửa bốc lên nghi ngút, lửa cháy to đến nỗi khói dày đặc che lấp cả tầm nhìn. Thế nhưng vì phía sau còn rất nhiều xe phải đi làm nhiệm vụ nên tôi và cái Trang chỉ có thể về phòng trọ chứ không thể nán lại được. Về đến phòng trọ lòng tôi nóng như lửa đốt nên nhắn cho Duy một tin
“Ngã tư Cầu Giấy cháy quán karaoke, anh có phải đi chữa cháy không? Nếu phải đi bao giờ về nhắn tin cho em nhé!”
Nhắn xong tin ấy tôi gần như không làm được việc gì thấp tha thấp thỏm cầm máy chờ đợi. Thế nhưng một tiếng, hai tiếng, ba tiếng rồi đến tận tối tôi vẫn không hề nhận được lại hồi âm của Duy. Trên mạng rất nhiều tin bài đưa về vụ cháy quán karaoke Trường Thịnh, nhưng tin tức không cụ thể chỉ biết đến tận tối mịt vẫn chưa thể khống chế được đám cháy. Số người mắc kẹt trong quán chưa rõ, thương vong thế nào chưa thể biết, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vẫn đang ở hiện trường tiếp cận để đưa người bị nạn thoát ra ngoài.
Tôi sốt ruột đến mức tối cái Trang nấu cơm tôi không thể ăn nổi một miếng. Đến đêm vẫn không nhận được hồi âm của Duy, tôi không còn kiên nhẫn được nữa. Cuối cùng cái Trang đành chở tôi ra phía đối diện đường quán karaoke Trường Thịnh. Đêm rồi, xe cộ đi lại cũng vắng hoe, chỉ có số ít người dân ở khu vực này vẫn đang thức chờ tin, phía bên kia đường xe chữa cháy, xe cứu thương, xe cảnh sát vẫn đang miệt mài làm nhiệm vụ. Tôi ngồi lặng lẽ ở vỉa hè, biết chắc chắn Duy đang ở trong đó, chỉ có đi chữa cháy anh mới không hồi âm cho tôi như vậy. Không nhớ tôi đã ngồi đó bao lâu, sắc trời đen ngòm tối tăm không một vì sao nào. Rất lâu sau phía bên kia đường bỗng ồn ào hơn rất nhiều, xe cứu thương cũng hú lên ầm ầm. Cái Trang thấy vậy thì sốt ruột chạy sang bên kia đường. Thế nhưng khu vực làm nhiệm vụ không thể vào, nó chỉ có thể đứng bên ngoài nghe ngóng. Một lúc sau trở về nó run run nói với tôi:
– Vừa nghe loáng thoáng có hai người lính cứu hoả được đưa ra… hình như hi sinh rồi thì phải… không nhìn thấy anh Duy ở đâu, đông quá không nhìn được gì cả.
Tôi nghe đến đây, toàn thân cũng lạnh như băng, cố trấn an mình phải bình tĩnh nhưng trong lòng lại tràn đầy cảm giác hoảng loạn. Vì không thể kiên nhẫn thêm nữa tôi quyết định băng sang đường xem có nhìn thấy anh không. Có điều mọi thứ khi ấy quá hỗn loạn, khu vực làm nhiệm vụ rất đông, tôi không được vào nên chỉ đứng ngoài để nhìn vào trong tìm Duy. Tôi tìm kiếm rất lâu, tìm mỏi mắt vẫn không thể thấy Duy đâu. Đến khi sắc trời dần sáng tôi cũng nhận được một cuộc điện thoại của một cậu em nghĩa vụ trong đơn vị Duy. Ngay giây phút ấy tôi bỗng có một dự cảm chẳng lành, vừa nhấn nút nghe đã thấy đầu dây bên kia giọng nói đầy nghẹn ngào:
– Chị Trân ơi, chị đến viện 198 nhé. Anh Duy đang ở đấy.
Cái Trang đưa tôi đến viện 198, trên cả đoạn đường đi tôi vẫn đinh ninh rằng Duy sẽ không sao đâu. Vào viện thôi mà, có lẽ anh bị thương thôi, cùng lắm anh ở phòng cấp cứu, cùng lắm anh bị bỏng hay gì gì đại loại thế nhưng nhất định anh sẽ không sao đâu, nhất định là thế. Khi đến bệnh viện 198 tôi thấy cậu em trong đơn vị Duy đang đứng chờ liền vội vã hỏi:
Vì trời vẫn chưa sáng hẳn tôi không thể nhìn được sắc mặt cậu ấy, chỉ thấy giọng nói đầy đau xót:
– Chị, anh Duy được di chuyển sang nhà tang lễ rồi, chị đi cùng em.
Một câu nói như sét đánh ngang tai, tôi không tin nổi hỏi lại:
– Sao lại sang nhà tang lễ? Em nói gì vậy?
– Chị… đi theo em.
– Không, chị không đi. Tự dưng vào nhà tang lễ làm gì chứ, chị không đi.
– Anh Duy… hi sinh rồi chị ạ.
Câu nói cuối cùng khiến toàn thân tôi như tê liệt, cảm thấy như trời đất sụp đổ. Cơ thể tôi như thể rơi xuống hố băng, cảm giác lạnh lẽo như hàng nghìn hàng vạn mũi kim đâm vào. Tôi gần như không đứng vững nổi, tưởng như bị ai ném xuống một đáy vực rất sâu, đau đớn ngàn vạn, xót thương ngàn vạn. Tôi không thể biết mình đã sang nhà tang lễ thế nào, chỉ biết nhà tang lễ rất đông người. Những người mặc cảnh phục, những người mặc thường phục, những đoá hoa hồng trắng, hoa cúc trắng trải đầy cả lối đi. Có rất nhiều tiếng khóc nức nở cất lên, tiếng khóc đau thương như chầm chậm xé nát trái tim tôi ra làm trăm mảnh. Có tiếng nói cất lên đầy thê lương vang vang vọng vọng:
– Trung tá Trần Huy Anh – đội trưởng đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Cầu Giấy, trung uý Lưu Vũ Duy – cán bộ đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Cầu Giấy đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa, viết bao nhiêu đi chăng nữa, dùng bao nhiêu mỹ từ đi chăng nữa cũng chẳng thể nói hết được sự hy sinh cao cả, phẩm giá trong sáng của các đồng chí. Dẫu biết rằng con người có số, ai rồi cũng phải chết nhưng cái chết của các đồng chí đã nhường lại sự sống cho biết bao người khác: Có cái chết hóa thành bất tử, sống là cho, chết cũng là cho”.
Tai tôi như ù đi, khi vào đến hai cỗ quan tài tôi cũng như muốn gục ngã. Ngàn vạn lần không thể tin nổi người đàn ông tôi yêu đang nằm ở đây. Thế nhưng… thân thể này của anh thậm chí đã không còn nguyên vẹn, chỉ có sắc mặt bình yên như đang cười, dáng vẻ mãi mãi hiền dịu như thế. Cuối cùng tôi không sao kìm nổi nữa oà khóc như mưa. Anh bảo anh sẽ cưới tôi, đợi tôi ra trường anh sẽ cưới tôi… vậy mà anh lại thất hứa với tôi. Cả một đêm nay tôi đã không ngủ để đợi anh, vậy mà anh lại không hề đợi tôi, không cho tôi bất cứ một cơ hội nào gặp được anh dù chỉ là một giây ngắn ngủi. Tôi nghe thấy tiếng khóc của mình nức nở đau thương, khóc nhiều đến mức toàn thân cũng run lên, khản đặc tuyệt vọng như một con thú đang bị giam cầm cuối cùng cũng lịm đi.
Tôi không biết mình ngất bao lâu, đến khi cả cơ thể thấy rung lắc chuyển động mới mở mắt ra. Xung quanh không phải nhà tang lễ 198, cũng chẳng có ai bên cạnh chỉ thấy một màn đêm đen tối. Đầu tôi rất đau, cảm giác như có búa bổ liền đưa tay lên định xoa mới phát hiện hai tay tôi bị trói chặt. Lúc này tôi cũng mới định thần lại được, hoá ra chỉ là một cơn mơ, toàn bộ ký ức cũng ùa về. Là tôi đi đón Sam, sau đó bị hai lực đánh rất mạnh ở phía sau gáy cuối cùng thì ngất đi. Thế nhưng giờ tôi không thể biết tôi đang ở đâu, muốn mở miệng ra cũng thấy mồm bị dán đầy băng dính chỉ nghe được những tiếng ú ớ.
Trong phút chốc tôi bỗng hoảng hốt, cố căng mắt nhìn xem đây là nơi nào. Sau một hồi quan sát tôi cũng kịp nhận ra tôi đang nằm trong thùng sau của một chiếc xe. Xe vẫn đang đi, đoạn đường dường như đầy sỏi đá, xe xóc liên tục. Xe đi rất lâu, rất lâu, đi suốt cả một đêm dài không ngừng nghỉ cuối cùng cũng dừng lại. Khi cánh cửa xe mở ra đôi mắt tôi cũng chói loà, một thứ ánh sáng của đèn pin chiếu vào mắt, có tiếng người đàn ông cất lên:
Cả người tôi bị trói chặt, hai gã đàn ông lôi tôi ra khỏi xe, đoạn đường dưới đất rất nhiều sỏi đá, lá mục. Tôi không biết đây là nơi nào, cũng không biết hai người đàn ông này là ai. Tôi không biết vì sao tôi lại bị đánh ngất, cũng không biết tại sao lại bị đưa đến đây. Đầu óc tôi hỗn loạn như muốn vỡ tung ra, có cả trăm ngàn câu hỏi nhưng rốt cuộc lại không hề có câu trả lời nào.
Hai gã đàn ông đưa tôi vào một căn hầm tối tăm, ném tôi chẳng khác gì ném một con thú hoang vừa săn bắt được. Toàn thân tôi đau nhức, muốn gào lên kêu cứu nhưng âm thanh chỉ dừng lại ở cổ họng. Sau khi ném tôi xong hai gã đàn ông đứng ngay trước cửa hầm. Gã đàn ông có râu châm điếu thuốc rít một hơi rồi hỏi:
– Bây giờ xử lý thế nào? Ném xuống biển hay ném xuống vực? Làm sao để giết được con đàn bà này mà không liên luỵ đến chúng ta?
Tôi nghe đến đây cơ thể cũng run lập cập. Suốt hai mươi mấy năm sống trên cuộc đời, khổ hạnh nào cũng từng trải qua, nhục nhã nào cũng chịu đựng được, nhưng nghe đến chữ giết người tôi gần suy sụp đến tột cùng. Mới ban chiều thôi tôi còn là mẹ của hai đứa con thơ, là nhân viên của một công ty… vậy mà lúc này đây tôi lại giống như một con cá sắp lên thớt, sắp bị người ta chém giết ngay cả một cơ hội gặp con cũng không còn. Tưởng chừng như một cơn ác mộng kinh hoàng, tôi ngàn vạn lần không dám tưởng tượng ra một chuyện kinh khủng như vậy. Khi ấy Dương điện thoại hỏi tôi, anh hỏi tôi Sam, So có phải con anh không? Tôi còn chưa kịp trả lời cớ sao giờ đã ra nông nỗi này? Rốt cuộc là vì sao? Vì sao? Vì sao đây? Tôi ngước lên nhìn, những lời van vỉ cầu xin cho tôi một con đường sống không thoát ra nổi chỉ câm lặng trong cổ họng.
Lúc tôi tưởng như mình không còn bất cứ con đường sống nào nữa thì gã đàn ông mặt sẹo còn lại cất tiếng khàn khàn:
– Giết người đền mạng, tao ra tù vào tội nhiều quá rồi, nếu lần này chẳng may chuyện bị điều tra ra tao sợ cái án của tao thành cái án tử mất.
– Nhưng chúng ta đã nhận tiền của rồi, nếu để nó sống sót quay về được thì bằng công cốc à? Số tiền lớn như vậy cơ mà.
– Đồ ngu! Tao có bảo để nó sống quay về đâu, nhưng cũng không thể giết. Tiền của cô ta to thật nhưng cái mạng tao vẫn to hơn. Có nhiều tiền mà chết thì tiền để làm chó gì? Vả lại cô ta cũng có bảo giết đâu, cô ta chỉ bảo làm sao để nó không bao giờ có thể quay trở lại được thôi mà. Cô ta đã nói như vậy, lại tính toán rất kỹ càng, nếu như giết nó mà bị điều tra ra chỉ có tao với mày chịu tội, còn cô ta một chút cũng chẳng dính dáng gì cả. Thế nên để tao ngẫm đã.
Cô ta? Trong một giây tôi bỗng thấy mình không thể thở được. Qua đoạn nói chuyện của hai gã đàn ông… cuối cùng tôi cũng lờ mờ nhận ra điều gì đó. Có người thuê hai gã này xử lý tôi, tìm cách không cho tôi quay trở về, biến mất vĩnh viễn, cô ta? Cô ta là ai?
Đầu tôi như quả bom muốn nổ tung ra, người căm hận tôi đến mức muốn giết tôi là ai? Rốt cuộc tôi đã gây thù chuốc oán với ai đến mức thấu xương thấu tuỷ mà có thể ra tay tàn ác đến mức này? Tôi nuốt nước bọt, cổ họng khô khốc. Gã đàn ông mặt sẹo ngẫm một lúc rồi nói tiếp:
– Bây giờ nhận tiền của cô ta rồi, mà mày nghĩ xem người bỏ cả khoản tiền lớn như vậy để xử lý con đàn bà này khả năng gia thế phải kinh khủng lắm hoặc có thế lực máu mặt phía sau chống lưng, để con đàn bà này quay về thì không được, giết nó thì cũng không xong. Giờ tốt nhất là tao liên hệ với mấy thằng buôn người bên Trung, bán lại cho mấy thằng đó để chúng nó xử lý sao thì xử lý.
Càng nghe tôi càng cảm thấy sống lưng mình lạnh buốt. Cô ta… có thể bỏ một số tiền lớn ra để thuê người xử lý tôi, không cho tôi có cơ hội quay lại, cô ta… có một gia thế kinh khủng, cô ta… căm hận tôi. Người duy nhất tôi gây thù chuốc oán, người duy nhất có thể nghĩ đến lúc này chỉ có một người: Lâm Kiều Như!
Tôi còn nhớ câu nói cuối cùng khi gặp tôi trong quán cafe chị ta đã nói:
– Tôi có rất nhiều cách để cô phải dừng lại, nhưng tôi luôn muốn cùng cách nhẹ nhàng nhất. Mong cô hiểu những lời tôi nói.
Tôi không thể tin nổi, mà không phải, là tôi không dám tin. Tôi không dám tin một người mang gương mặt xinh đẹp như vậy, thánh thiện như vậy, một người có những lời nói cử chỉ đáng ngưỡng mộ, một người có học thức lại chỉ vì tình yêu có thể tàn ác đến mức này. Tôi không muốn tin, nhưng giờ tôi không thể nghĩ ra được bất cứ ai nữa. Chị Hoa có căm ghét tôi thì chị ta cũng không bao giờ đủ bản lĩnh và tiền bạc để làm chuyện này. Trừ chị Hoa và chị Như… tôi làm gì còn ai để nghĩ đến nữa chứ? Thực sự chỉ vì tình yêu mà chị Như có thể ác đến táng tận lương tâm như thế sao? Chẳng lẽ đằng sau vẻ bề ngoài đẹp đẽ kia là tâm hồn của một con ác quỷ hay sao?
Hai gã đàn ông sau khi bàn bạc xong xuôi thì nhìn tôi một lượt sau đó gã mặt sẹo rít một hơi dài thuốc rồi nói với tôi
– Số mày hôm nay gặp được tao nên chưa tận số chứ gặp bọn khác là đời mày xong rồi. Nhìn mày cũng xinh đẹp, hiền lành rốt cuộc gây thù chuốc oán cỡ nào mà để người ta muốn dồn vào đường này? Hay mày cướp chồng cướp của nhà người ta?
Tôi muốn trả lời, muốn van xin nhưng không có bất cứ cơ hội nào cả. Hai gã đàn ông cũng dường như không muốn cho tôi nói nên lại lắc đầu thở dài:
– Ít ra cũng cho mày được một cơ hội sống. Thôi thì sau dù không thể quay lại Việt Nam nhưng có sống ở đâu thì sống đừng nên đụng hay tranh cướp những thứ không phải của mình làm gì. Tao thấy cô ta có vẻ oán hận mày lắm, chắc nỗi hận này rất sâu sắc đến nỗi cô ta mới ra tay tàn nhẫn như vậy.
Càng nghe tôi càng cảm thấy rùng mình, sợ hãi. Có lẽ chị Như cũng lờ mờ đoán ra mối quan hệ giữa Sam, So, sợ rằng sự ràng buộc ấy khiến chị ta và Dương khó đến với nhau nên mới làm ra những chuyện thất đức này sao? Sống bao nhiêu năm trên đời có lẽ bản thân chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện tàn ác nên không dám tin rằng có những người coi mạng người như cỏ rác. Ban đầu tôi luôn nghĩ chị Như là loại người bản lĩnh, nếu như có muốn khiến tôi phải dừng lại chị cũng sẽ có cách cao thượng hơn chứ không hèn mọn thế này, mà hình như là tôi nhìn nhầm người, đánh giá sai người mất rồi. Tôi biết mình sai nhưng nếu đây là cách chị Như làm tôi không phục!
Hai gã đàn ông đứng trước cửa hầm rất lâu, như muốn ngẫm nghĩ thêm gì đó. Một lúc sau gã có râu cất tiếng nói:
– Nhìn con đàn bà này xinh đẹp thế này… hay là hai chúng ta chơi chán đi rồi hãy đem bán.
Tôi nghe đến đây bỗng cảm thấy bàng hoàng, sợ hãi. Nhưng thật may gã mặt sẹo lắc đầu đáp:
– Tốt nhất không nên đụng vào nó. Mày thích thì bỏ tiền ra mà đi chơi gái. Còn người mà cô ta phải dùng số tiền lớn để xử lý có lẽ cũng chẳng phải loại vừa đâu tốt nhất không đụng vào. Thôi đi, tao đi liên hệ xem thế nào đã.
Bàn bạc xong xuôi mấy gã đàn ông cũng đi ra ngoài. Tôi nằm trong hầm, bốn bề là bóng tối, nỗi nhớ con cuộn dâng lên. Giờ này không biết Sam, So thế nào rồi, không biết không thấy tôi hai đứa có khóc nhớ mẹ không. Mới chỉ nghĩ đến đây tôi tôi đã không kìm được nước mắt, nhớ đến quặn thắt ruột gan. Tôi nhớ con một thì có lẽ các con nhớ mẹ đến cả trăm ngàn lần. Thế giới nhỏ bé của Sam, So mấy năm nay quanh đi quẩn lại chỉ có tôi, chỉ cần nhớ đến gương mặt hai đứa tôi đã thấy mình không sao mà chịu nổi. Tôi muốn về với con, nhưng tôi phải làm thế nào đây? Lúc này tôi sực nhớ đến lời Dương hỏi tôi cuối cùng, anh hỏi tôi Sam, So có phải con anh không? Tôi không biết giờ Dương thế nào, cũng không biết vì sao anh biết, giờ tôi cũng không nghĩ nhiều được nữa nhưng nếu anh đã biết… chỉ hi vọng anh sẽ thay tôi chăm sóc con…
Tôi không biết mình đã nằm trong căn hầm tối tăm ấy bao lâu, mãi đến khi hai gã đàn ông quay lại mở cửa hầm tôi mới nhìn thấy chút ánh sáng. Lúc này không phải là hai mà đến năm gã đàn ông đi vào. Tôi mở mắt ra chưa kịp nhìn kĩ đã bị lôi ra rồi tống thẳng lên một chiếc xe khác, xe lại dập dềnh qua thêm mấy con đường xa xôi, sau cùng xe dừng lại ở một bến tàu heo hút. Dường như đã trôi qua thêm cả một ngày, trời lúc này cũng sẩm tối rồi. Xung quanh vắng lặng chỉ nghe được những tiếng dế kêu và tiếng sóng vỗ. Hai gã đàn ông xa lạ không phải là hai gã đầu tiên tôi gặp từ trên đầu xe nhảy xuống mở cửa phía sau rồi kéo tôi xuống. Ngay khi tôi vừa xuống xe cũng từ lăn bánh rồi đi khuất.
Tôi rất muốn gào lên kêu cứu nhưng băng dính dán chặt miệng mình nên có muốn cũng không thể kêu. Hai gã đàn ông đưa tôi lên một con thuyền gỗ nhỏ ấn tôi vào trong khoang, máy nổ từ từ phát ra, con thuyền cũng từ từ di chuyển. Trời đêm nay có ánh trăng vằng vặc chiếu xuống. Tôi nhìn theo dòng nước lặng lẽ trôi, khi con thuyền càng lúc càng xa bờ tôi cũng nhận thấy cơ hội quay lại của mình càng lúc càng xa vời, có lẽ vĩnh viễn tôi sẽ không bao giờ quay lại được nữa. Rốt cuộc kiếp trước tôi đã gây nên tội ác chồng chất gì để kiếp này gánh chịu trăm ngàn tai ương như vậy?
Khi con thuyền nhỏ đi được nửa đường, một gã đàn ông mang cho tôi một bát cơm rồi tháo băng dính trên miệng tôi ra dùng chiếc thìa to ấn cơm vào. Mấy ngày không được ăn cơm, dù cho tâm trí tôi không muốn ăn nhưng bản năng sinh tồn lại nhắc tôi phải ăn. Nếu như không ăn tôi nhất định sẽ bỏ mạng vì đói. Dù cho cơ hội mong manh tôi vẫn phải tìm đường quay về, mà để quay về giờ tôi phải tiếp tục sống trước đã. Sau khi nhét cho tôi ít cơm mấy gã đàn ông lại ngay lập tức bịt miệng tôi lại không cho tôi nói dù chỉ một lời. Dù biết giữa đại dương mênh mông này này tôi có gào thét cũng chỉ tổ tốn hơn tốn sức chứ không giải quyết được vấn đề gì nhưng vẫn dán chặt miệng tôi lại.
Con thuyền vẫn tiếp tục di chuyển trên biển. Tôi không dám ngủ cố gắng mở to mắt để quan sát, tôi muốn nhìn thật kĩ đường đi chỉ hi vọng rằng mình có thể có một cơ hội quay trở lại, chỉ hi vọng rằng trên đường đi sẽ có cảnh sát hay công an chặn được để đưa tôi quay về, hoặc giả là tôi được cởi trói sẽ chạy trốn, sẽ được cứu giúp.
Thuyền đi bốn năm tiếng, gần sáng cũng mới cập bến. Trước khi lên thuyền gã đàn ông kia quan sát phía trên sau đó mới lôi tôi lên thùng sau một con xe tải khác. Tôi ngồi trong xe khẽ cúi xuống quan sát qua một lỗ hở, xe từ từ lăn bánh, đi thêm mấy đoạn đường thì cũng nhìn thấy vài biển hiệu tiếng Trung, tôi biết mình đã bị đưa qua biên giới rồi. Chỉ là tôi không biết đây cụ thể là nơi nào bởi xe đi quá nhanh lại thêm khe hở quá hẹp, cố gắng căng mắt để nhìn mấy chữ trên biển hiệu mà chỉ thấy chữ được chữ mất.
Tôi không biết con xe đã đi bao lâu, đi qua biết bao con đường nhựa rồi cuối cùng đi thẳng vào một con đường đất gập ghềnh. Mặc dù tốc độ đi khá nhanh nhưng tôi áng chừng phải hơn một tiếng đồng hồ xe cũng mới dừng lại. Hai gã đàn ông ban nãy cũng nhảy xuống mở cửa xe, cởi trói và cởi cả băng dán trên miệng tôi xuống.
Lúc này tôi cũng kịp nhìn thấy mình đang đứng trong một cái sân rất rộng lớn, có kha khá người đang ăn uống ở đó, bên trong đèn lồng đỏ treo đầy, còn có chữ hỉ hai bên cột nhà. Hình như chủ nhà đang tổ chức đám cưới, nhưng thật lạ kì bởi nếu là đám cưới thì đám cưới này rất nhỏ, chỉ giống như một bữa tiệc. Khi còn chưa hiểu sao mình lại được đưa vào đây thì phía trong nhà một người đàn ông độ sáu bảy mươi tuổi, mặc trang phục đám cưới của người Trung đi ra đứng nhìn tôi một lúc, vẻ mặt rất hài lòng sau đó đưa cho hai gã đàn ông đi cùng tôi một xấp tiền rồi nói:
– Được rồi, được rồi, tiền đây.
Với vốn tiếng Trung của mình tôi có thể nghe ra được người đàn ông này nói tiếng địa phương chứ không phải nói tiếng phổ thông. Lúc này tôi bất giác có một dự cảm chẳng lành, giống như cuộc đời mình sắp trải qua một cơn đại hồng thuỷ.
Ở phía trong nhà mấy người cũng đi ra rồi kéo tôi vào một cái buồng nhỏ để thay đồ. Vừa thay đồ cho tôi họ vừa nói chuyện với nhau, có lẽ nghĩ tôi chỉ là một cô gái Việt Nam không biết tiếng Trung nên họ không hề quan tâm mà nói chuyện rất tự nhiên.
Tôi căng tai lên nghe, và rồi cũng kịp hiểu ra… tôi bị mấy gã đàn ông bán đến đây để làm vợ lẽ cho một ông già sáu mươi tuổi. Trong phút chốc tôi bỗng hoảng loạn hệt như mình đang gặp cơn ác mộng muốn vùng vẫy chạy ra ngoài nhưng đám người đã giữ tôi lại.
Tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Có ai có thể nghĩ ra được một kịch bản kinh khủng thế này? Có ai có thể nghĩ ra được bản thân có ngày lại gặp một cơn ác mộng thế này. Tất cả mọi khổ đau, bất hạnh, nhục nhã tôi từng trải qua, trừ việc So bị bệnh thì tất cả mọi việc, kể cả việc bị Việt đánh, kể cả việc bị Dương sỉ nhục, kể cả việc chị Hoa đến công ty làm loạn tôi đều có thể cắn răng mà chịu, nhưng cơn mơ này kinh khủng quá, tôi không sao chịu nổi. Hoá ra trên đời này thực sự có những người có thể bất chấp tất cả chỉ để tình yêu, hoá ra… tôi đã đụng nhầm người mất rồi đúng không? Đây có khác gì địa ngục, có khác gì sống không bằng chết không?
Sau khi thay bộ trang phục cô dâu tôi bị lôi xềnh xệch ra ngoài. Cả đám người xúm vào đẩy tôi quỳ lạy với lão già kia. Lão già nhìn tôi với ánh mắt d.âm d.ục khiến tôi kinh hãi và tởm lợm vô cùng. Phía ngoài sân mấy lão già khác tấm tắc ngưỡng mộ:
– Lão Chư lấy được con vợ lẽ xinh đẹp nhất làng. Đúng là gái Việt Nam đẹp thật.
– Lão Chư à, cho chúng tôi cách liên hệ với mấy thằng ban nãy để sau chúng tôi cũng kiếm được con vợ lẽ đẹp như lão.
Tôi thật sự cảm thấy buồn nôn vô cùng. Sau khi ép tôi làm lễ đám người đem tôi vào một căn nhà nhỏ, trong nhà nhỏ có một căn phòng, họ đẩy tôi vào rồi khoá lại. Bên ngoài kia đám người vẫn đang ăn uống nhưng cửa khoá nên tôi không thể có cách nào trốn ra được. Ban nãy tôi nhìn thấy trong căn nhà này phía ngoài có một cửa sổ nhỏ không hề có song chắn. Nhưng giờ tôi bị khoá trong này không thoát ra nổi nên chỉ có thể ngồi im trên giường.
Tôi ngồi trên chiếc giường đỏ thắm, vừa ngồi xuống đã nhớ Sam, So đến mức khóc tức tưởi, khóc thương con, nhớ con, khóc thương cho cả chính bản mình, và cả Dương… Tôi thật sự nhớ con vô cùng, nỗi nhớ thương không sao có thể kể xiết. Xa con một ngày đã nhớ biết bao vậy mà tôi đã đi cả mấy ngày rồi, còn bao tháng ngày nữa mới có thể gặp lại, hay vĩnh viễn cả đời này chẳng thể gặp lại nữa? Còn biết bao nhiêu thứ ở Việt Nam đang chờ tôi, còn bao điều dang dở nhưng tôi đã không thể thực hiện tiếp được nữa rồi.
Rất lâu sau bên ngoài chợt có tiếng cạch cửa, trời cũng bắt đầu sẩm tối, tôi nhìn qua khe hẹp cũng thấy người ta hình như về cả rồi chỉ còn vài người trong nhà đang dọn mâm.
Tôi ngồi lặng lẽ nhìn, đến khi lão già kia vào mở cửa ra tôi cũng ngước mắt lên nhìn. Lão ta uống rất nhiều rượu, mùi rượu nồng nặc phả ra. Vừa vào đến bên trong đã lao vào tôi như con hổ đói mồi. Đôi môi nhăn nheo dí thẳng vào cơ thể tôi. Cả người người tôi run run vì kinh tởm liền đẩy lão ra. Thế nhưng càng đẩy lão càng phấn khích đè cả thân hình lên người tôi rồi túm lấy áo tôi như muốn xé toạc. Trong giây lát tôi như phát ngộ dùng hết sức lực đẩy lão ra rồi nhanh như chớp vớ lấy chiếc giày cao gót bên dưới điên cuồng đập vào hạ bộ lão. Lúc này tôi gần như không kiểm soát nổi bản thân mình, tôi thật sự cảm thấy vô cùng bẩn thỉu, nhơ nhớp. Lão già bị tôi đau liền ngã vật ra, tôi không thể nghĩ thêm được gì chỉ biết đập thêm năm bảy cái khiến lão không thể đứng được dậy nữa rồi vội vã chạy ra ngoài chốt cửa phòng lại. Bên trong lão già vẫn đang kêu gào lên. Lúc này tôi chỉ biết mình phải thoát khỏi nơi này nên tiện tay chốt luôn cửa nhà rồi vội vã đẩy cánh cửa sổ nhảy ra.
Sau cánh cửa sổ là một vườn hoa, tôi mặc kệ dẫm đạp qua từng lớp hoa chạy một mạch về phía trước. Khi ra đến đám rào nứa tôi bị mấy thanh nứa cứa vào chân nhưng dường như tôi đã không còn quan tâm mặc kệ vết thương cứ thế mà dẫm qua rồi chạy như bay về phía trước. Con đường tối tăm mịt mù chẳng có chút ánh sao, tôi cứ chạy, chạy khỏi được nơi địa ngục này đã. Tôi phải về, nhất định phải về với Sam, So… Đất dưới chân tôi lạnh buốt nhưng người lại ướt đẫm mồ hôi. Không biết tôi chạy bao lâu, khi chạy đến gần một cánh đồng lúa đang mùa gặt cũng thấy phía sau rất nhiều bước chân đang dồn dập, tiếng mấy người Trung Quốc ồn ào hét lớn:
Khi nghe đến mấy tiếng này tim tôi cũng như muốn ngừng đập, mấy người phía sau như đến rất gần, từng bước chân phía sau vừa dài vừa nhanh, sức lực của một cô gái như tôi dường như không đấu lại được có chạy cũng không thoát nổi. Cuối cùng tôi không nghĩ được gì nữa chui thẳng vào một bụi rơm rồi nằm yên xuống, đến ngay cả thở cũng không dám thở mạnh. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, tôi nhắm nghiền mắt, chỉ cầu xin ông trời cho tôi thoát khỏi kiếp nạn này, chỉ xin ông trời hãy tha cho tôi một lần!
Khi tiếng bước chân sát đến gần tôi cũng nghe được đám người nói với nhau:
– Nó đâu rồi?
– Vừa thấy bóng dáng nó ở đây mà.
– Không cần biết, bằng mọi giá phải tìm bằng được nó về cho lão Chư. Chia nhau ra đi tìm nhanh lên.
Đến lúc này ngay cả thở nhẹ tôi cũng không dám thở. Đám người dường như sắp tản ra, tôi tưởng mình sắp thoát được thì đột nhiên một tiếng nói lại cất lên:
– Mà khoan! Tao thấy rõ ràng nó mới vừa ở đây thôi. Chúng mày, lật tung chỗ này lên cho tao, từng đám cỏ, đống rơm cũng phải lật hết.
Nghe đến đây tôi cũng thấy tim mình như muốn nổ tung ra thành trăm mảnh. Tôi đã cầu nguyện ông trời xin hãy tha cho tôi một lần, thế nhưng dường như trời cao cũng không thấu. Thứ đáng sợ nhất chính là biết mình sắp rơi xuống đáy đ.ịa ng.ục nhưng cũng không thể làm gì khác chỉ có thể trơ mắt ra nhìn.
Từng đống rơm được lật lên, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy ánh sáng của một ngọn đuốc chiếu vào. Một gã đàn ông bặm trợn nhìn tôi rồi gằn lên bằng thứ tiếng Trung kì quái:
– Á à, nó đây rồi, con này mày ăn gan hùm gan hổ hay sao mà dám đánh lão Chư rồi bỏ trốn. Mày ch.ết đến nơi rồi con ạ.
Đến đây thôi tôi cũng kịp hiểu kết cục của mình thế nào rồi. Đám người túm lấy tôi lôi xềnh xệch về, mặc cho tôi giãy giụa cũng không sao thoát ra nổi. Khi về đến sân tôi bị ném thẳng xuống, cả đám người trong nhà ào ào chạy ra đứng vây xung quanh tôi thành một vòng tròn. Tôi liếc mắt nhìn thấy lão Chư bị mang lên nhà lớn, lão vẫn đang nằm liệt vừa ôm hạ bộ vừa gào lên:
– Đánh chết nó, đánh chết nó cho ông. Thằng Vỹ Đình đâu, sao nó vẫn chưa về? Ông đau, ông đau chết mất thôi.
Lão vừa dứt lời ngay lập tức gã bặm trợn vung tay tát tôi một cái. Bàn tay gã to lớn, chỉ một cái tát cũng khiến tôi xây xẩm mặt mày. Tôi chắp hai tay vào, ngước lên vốn định van xin hãy tha cho tôi một mạng thì gã lại vung tay lần nữa, từng mạch máu trong mũi cũng vỡ ra, máu mũi tuôn ồng ộc.
Trước kia tôi luôn nghĩ rằng những chuyện kinh khủng thế này chỉ có ở trên phim, hoặc có thì ở một nơi nào xa xôi lắm. Vậy mà có một ngày tôi lại rơi vào, không muốn tin cũng chỉ đành phải tin. Bên trong nhà vợ cả của lão Chư cũng bước ra. Bà ta khoanh hay tay trước ngực giọng lạnh tanh:
– Đáng ch.ết lắm! Một con đàn bà ở Việt Nam mà không biết thân biết phận định bỏ trốn sao? Nhà tao bỏ bao tiền của ra để mua mà mày dám bỏ trốn! Đánh đi! Đánh cho què, cho cụt, cho liệt luôn cũng được.
Tôi nhìn bà ta, vẫn không thể nghĩ rằng trên đời này vẫn còn có những nơi có những tập tục cổ hủ, lạc hậu như vậy. Một người vợ cả có thể chấp nhận cho chồng mình lấy thêm vợ nữa. Rốt cuộc thì đám người ở đây đang ở thế kỷ bao nhiêu vậy chứ? Chế độ phong kiến đã kết thúc quá lâu rồi, cớ sao nơi này vẫn sống chẳng khác gì thời xưa?
Bà vợ cả nói xong thì hất hàm ra hiệu cho gã bặm trợn đánh tôi tiếp. Lần này gã không dùng tay nữa mà rút chiếc thắt lưng da trên người quất thẳng vào tôi. Một tiếng vút xen lẫn cả tiếng gió, da thịt tôi bỏng rát, đau đớn.
Thêm một lần quất nữa, rồi lại một lần, một lần. Chiếc roi da như bóng ma lởn vởn xung quanh tôi, mỗi lần đánh tôi cảm tưởng như mình sắp tan xương nát thịt, gân cốt cũng như vỡ vụn ra. Thi thoảng chiếc roi da lệch nhịp quất thẳng vào mắt tôi, đầu óc tôi choáng váng như có ngàn con đom đóm bay xung quanh. Tôi không còn nhìn ra gã đàn chỉ thấy mùi máu tanh tưởi khắp mặt, khắp người, từng cái quất đầy lực khiến tôi đau như ch.ết đi sống lại.
Tôi ngước lên nhìn bầu trời cũng chỉ thấy một màu đen, nỗi đau thể xác cùng nỗi đau tinh thần giày vò tôi như muốn ch.ết. Ở nơi xa xôi nào đó, Sam, So của tôi thế nào rồi? Ở nơi xa xôi nào đó, Dương có đi tìm tôi không, anh đã nhận con chưa? Sam, So có khóc nhớ mẹ không? Bệnh tình của So thế nào rồi? Việt đã tỉnh lại chưa? Có cả trăm nỗi đau giằng xé, ngàn vạn câu hỏi nhưng tôi chỉ bất lực, tuyệt vọng mà vùng vẫy ở nơi này.
Có lẽ hôm nay tôi sẽ ch.ết, sẽ bỏ m.ạng ở chốn xa xôi này, sẽ vĩnh viễn chẳng ai tìm ra được tôi. Tôi sẽ biến mất trên cuộc đời này như hạt cát giữa sa mạc. Đây thực là địa ng.ục trần gian, tôi cảm tưởng mình sắp không còn sức chịu được nữa rồi.
Đám người vây xung quanh thấy tôi như sắp ngất đi nhưng không một ai cứu giúp. Tất cả đều dùng những ngôn từ kinh khủng chửi bới, nhục mạ tôi. Mạng người ở nơi này thậm chí còn chẳng bằng mạng của một con chó, đám người ở đây chỉ coi tôi như thứ cỏ rác. Tôi gần như không thể mở mồm nổi, bị đả kích tinh thần lẫn thể xác đến mức đầu óc đờ đẫn.
Gã đàn ông bặm trợn kia vẫn không tha cho tôi, khi tôi gần lịm đi gã lại dựng tôi dậy mà quất. Tôi cảm nhận được máu trên người đã hoà lẫn với cả chiếc áo đỏ đang mặc, màu máu đỏ tươi giống như màu chiếc đèn lồng treo cao. Người tôi như muốn tê liệt, trong đầu nhắc tôi phải cố gắng sống nhưng tôi lại thấy cái ch.ết đến thật gần. Lúc này tôi bỗng thấy căm hận tột cùng, tôi hận đám người ở đây một thì hận người bán tôi vào đây trăm nghìn lần. Cuối cùng khi tôi tưởng mình sắp rơi thẳng xuống mười tám tầng địa ngục thì có tiếng người cất lên:
– Cậu Vỹ Đình, cậu Vỹ Đình về rồi.
Gã bặm trợn lúc này cũng mới dừng tay một chút hỏi bà vợ cả:
– Con này… có đánh nữa không?
– Đánh đi! Đánh ch.ết cũng được. Lão Chư không thiếu tiền, con này ch.ết thì mua con khác.
Gã bặm trợn thấy vậy liền vung roi lên, nhưng chưa kịp đánh thì tiếng một người đàn ông trẻ cũng cất lên:
– Vừa về đến nhà đã nghe thấy từ ch.ết. Ai ch.ết? Đánh ch.ết ai?
Tôi cố mở mắt ra chỉ thấy một người trông rất cao, nhưng vì đôi mắt đã nhoà nên không thấy mặt. Bà vợ cả thì lùi lại dịu dàng nói:
– Vỹ Đình con đấy hả? Con ôn con này nó dám đánh bố con thành ra thế kia rồi bỏ trốn, mẹ chỉ đang dạy cho nó một bài học thôi.
– Bài học gì mà đánh cho thân tàn ma dại thế này? Cô ta là ai?
– Cô ta là vợ lẽ của bố con đấy thôi.
– Con đã nói bao nhiêu lần mà mọi người vẫn không chịu hiểu ra? Lấy vợ lẽ là vi phạm pháp luật, mọi người bị làm sao đấy hả? Lại còn đánh người ta ra nông nỗi này, mọi người đang coi trời bằng vung đấy à?
Phía bên trong nhà tiếng lão Chư cất lên:
– Cho mày ăn học mày đi lên phố rồi về dạy đời lại bố mẹ à? Bao lâu nay cái làng này vẫn sống như vậy, lão Tứ còn ba vợ, tao lấy thêm vợ thì có gì mà không được? Ai bảo mẹ mày chỉ đẻ được một mụn con, giờ mày xuống phố đi làm ở nhà neo người buồn đến chết. Tiền của nhà này không thiếu, mày không cần đất đai, tiền bạc thì tao phải đẻ thêm vài đứa để giữ cơ ngơi chứ?
– Bố! Bố đừng so mình với người ta, đã đến tầm này tuổi còn con cái gì nữa?
– Mày đừng có nói càn, đừng cậy mình học cao hiểu rộng rồi mang cái triết lý của đám phố chúng mày về đây. Mày nên nhớ cái làng này bao năm nay vẫn thế, mày nên nhớ bao năm qua tao vất vả nuôi mày ăn học thế nào, bảy năm mày học y tốn bao của cải rồi đấy, công ơn sinh thành dưỡng dục mày phải ghi nhớ cho rõ. Tao đang đau, vào xem rồi kê thuốc cho tao mau lên.
Người đàn ông tên Vỹ Đình nghe vậy thì thở dài một tiếng rồi quay sang gã đàn ông bặm trợn nói:
– Không được đánh cô ta nữa, cô ta mà chết ở đây thì to chuyện đấy. Lấy người ta về làm lẽ mà đối xử với người ta thế này sao? A Tam, đưa cô ta về buồng trước đi.
Bà vợ cả nghe vậy thì rít lên:
– Không được. Nó đánh lão Chư ra thế này còn định bỏ trốn không thể đưa về buồng được. Nhốt nó vào trong kho. Vỹ Đình, mấy chuyện trong nhà con là phận con đừng có đòi tự mình sắp xếp, nếu không bố con điên lên thì ngay cả mẹ cũng vạ lây đấy. Vào xem bố con đi.
Người đàn ông tên Vỹ Đình lại thở thêm một tiếng nặng nề, có lẽ cũng không dám cãi lời bố mẹ nên đi vào trong nhà lớn, tôi cũng được cô gái tên A Tam đưa vào một cái kho tối tăm rồi khoá lại. Xung quanh kho chẳng có giường chiếu gì chỉ thấy chất đầy lúa gạo. Tôi nằm co quắp trong kho, nước mắt cũng tuôn rơi qua hai bên thái dương. Có những đau khổ, có những bất hạnh đã trải qua, nhưng rồi giờ đây tôi mới nhận ra rằng, ít ra những đau khổ, bất hạnh ấy vẫn hạnh phúc hơn ở nơi địa ngục trần gian này! Tôi lặng lẽ nhìn lên trần nhà, má cũng ướt đẫm. Tôi nhớ Việt Nam, nhớ con và nhớ cả… Dương. Phải là tôi nhớ cả Dương nữa, ngoài nỗi nhớ Sam, So tôi còn nhớ cả anh. Bốn năm rồi, bốn năm đã qua rồi. Trong một ngày tuyệt vọng, bất lực, khốn khổ đến chết thế này tôi có nhớ anh một chút, cũng không có gì quan trọng phải không? Quãng thời gian vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời hoá ra lại chỉ có trong hồi ức mà thôi.
Cuối cùng bởi vì những vết thương da thịt chằng chịt tôi cũng thiếp đi. Trong cơn mộng mị tôi lại mơ tiếp giấc mơ dang dở, mơ thấy những ngày cách đây rất nhiều năm rồi.
Trong nhà tang lễ 198 năm ấy…
Lễ tang của Duy diễn ra trong nhà tang lễ 198 cùng người đội trưởng của mình. Sự hi sinh của Duy quá đột ngột, bởi vì quá suy sụp, tuyệt vọng đến mức mất hết lý trí nên tôi gần như không thể nhớ ra bất cứ điều gì, tang lễ lại quá đông người, dòng người như mưa nên tôi không nhìn ra được bất cứ ai kể cả người thân của anh. Cuối cùng tôi chỉ nhớ thi hài của Duy cùng người đội trưởng được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn lại tất cả mọi thứ tôi đều không hay biết gì. Lúc ấy tôi chỉ nghe mang máng mẹ của Duy khóc ngất trong tang lễ ấy sau cùng phải nhập viện, bố anh và đồng đội đứng ra lo liệu mọi chuyện. Thế nhưng gia đình Duy vô cùng kín tiếng, sau đó tôi gần như không có thêm bất cứ chút thông tin gì nữa, ngay cả những người đồng đội của Duy cũng không biết hoặc có thể có người biết nhưng chưa ai từng tiết lộ bất cứ điều gì với tôi.
Sau khi Duy mất, tôi sống như một kẻ vô hồn. Mặc dù luôn tự nhủ rằng anh hi sinh cao đẹp như vậy tôi phải nên tự hào nhưng nỗi nhớ thương người mình yêu khiến tôi không thể nào chấp nhận được sự thật ấy. Suốt hai năm trời tôi vẫn không thoát ra nổi nỗi đau ấy, chỉ biết lao đầu vào học, thậm chí còn đăng ký thêm rất nhiều môn học khác để thời gian học kéo dài thêm nửa năm nữa bởi ngoài học ra tôi gần như không thể làm gì khác, vậy nên thành tích học của tôi cũng rất tốt. Tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ mãi như vậy, sẽ mãi sống trong nỗi đau tuyệt vọng ấy cho đến khi tôi gặp Dương.
Lần đầu tiên tôi gặp Dương là sau hơn hai năm ngày Duy mất cũng là sinh nhật một người bạn cùng lớp. Vì suốt hơn hai năm nay tôi sống luôn u ám, trầm mặc như xác chết nên hôm ấy cái Trang bạn cùng phòng nhất quyết lôi tôi ra ngoài bằng được dù tôi không hề muốn đi. Cái Trang tự tay trang điểm cho tôi, thay quần áo cho tôi và nói với tôi rằng đừng mãi phí hoài tuổi xuân như vậy, đừng đắm chìm trong nỗi đau quá khứ như thế, Duy ở một nơi xa xôi cũng không muốn thấy tôi như vậy, chắc chắn Duy sẽ muốn tôi vui vẻ, hạnh phúc chứ không phải sống mà như chết. Cuối cùng dưới sự thuyết phục của nó tôi cũng phải đi. Tiệc sinh nhật được tổ chức trong một quán bar rất lớn ở thủ đô. Tôi bị đám bạn kéo vào trong, nhưng thực sự trong lòng cảm thấy rất lạc lõng nên chỉ biết ngồi uống rượu một mình. Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu, uống rất nhiều, uống như muốn chết đi sống lại, uống cho vơi nỗi nhớ đầy vơi. Tôi cứ ngồi một mình uống như vậy, vừa uống vừa nhớ Duy, nước mắt lại tuôn rơi. Sau cùng uống nhiều đến nỗi đầu óc cũng choáng váng phải vào nhà vệ sinh để rửa mặt cho tỉnh táo lại. Rửa mặt xong tôi đi ra ngoài, khi đi qua cái bàn nhỏ ở một góc rất kín không ai ra vào tôi đột nhiên sững lại khi gặp Dương. Dương rất giống Duy!
Thật ra anh không giống Duy hoàn toàn, nhưng bởi có rượu trong người, nỗi nhớ Duy lại quá nhiều nên tôi gần như không phân biệt nổi, hoặc… bởi nhớ thương quá nên tôi đã coi anh là Duy. Lúc ấy tôi đã oà lên khóc nức nở lao vào ôm lấy anh, vừa ôm vừa luôn miệng hỏi anh có nhớ tôi không? Anh thấy tôi như vậy thì hơi chau mày, nhìn mấy ngón tay đang níu chặt góc áo mình gỡ ra. Nhưng tôi đã chẳng còn chút lý trí nào chỉ mặc định anh là người đàn ông tôi yêu, người đã bỏ tôi đi đến một nơi rất xa, níu chặt áo anh, có chết cũng không buông. Không cần biết anh cố gắng thế nào nhưng ngón tay tôi vẫn cố siết đến trắng bệch bởi tôi sợ nếu buông ra tôi sẽ vĩnh viễn mất không bao giờ nhìn lại được bóng dáng quen thuộc ấy lần nữa. Tôi đã nhớ Duy đến phát điên mất rồi.
Dương càng ra sức gỡ tôi lại càng ra sức giữ, cuối cùng anh cũng chỉ đành chịu thua tôi để mặc tôi ôm mình. Tôi ôm anh khóc chán chê, sau cùng ngước mặt lên. Dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo trong quán bar tôi thấy gương mặt anh hiện lên rất rõ nét, quả thực nếu nhìn ở góc này anh giống Duy vô cùng. Tôi đưa tay lên gương mặt anh, cuối cùng không sao kìm nổi nhướn lên hôn anh. Tôi vừa khóc vừa hôn người mà tôi cho là Duy, tôi nhớ anh biết chừng nào, nhớ gương mặt này biết chừng nào, dù ở trong giấc mơ của tôi, anh chưa bao giờ rõ ràng như thế này. Nụ hôn không mang vị ngọt ngào mà mang đầy nỗi đau đớn chất chồng. Trong lòng tôi liên tục gọi tên Duy nhưng cổ họng không thể phát ra bất cứ âm thanh nào. Đã có biết bao nhung nhớ, biết bao khát khao, đã có biết bao thương đau, biết bao xót xa. Thời gian không quá xa cách nhưng âm dương cách biệt đã trở thành con sông không thể vượt qua. Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng tất cả mọi thứ trên đời này không gì đớn đau bằng âm dương chia lìa, là cơn đau không thể cắt, là nỗi nhớ mãi mãi không thể quên.
Thấy tôi hôn mình Dương đẩy tôi ra, nhưng cũng giống như lúc tôi ôm anh, càng đẩy tôi càng ra sức giữ chặt, giống như kẻ sắp chết với được sợi dây hi vọng mong manh, hôn anh đến điên dại và cuồng si, hôn đến nỗi như đất trời sụp đổ, như mây chiều tan, thuỷ triều rút. Sau cùng có lẽ bởi vì anh cũng uống rất nhiều rượu nên dần không kiểm soát nổi bản thân mình đáp trả nụ hôn ấy một cách mãnh liệt. Cuối cùng cả tôi và Dương như mất đi lý trí, tôi chỉ nhớ Dương đã đưa tôi ra xe, chiếc xe phóng đến một khách sạn hạng sang, sau đó mọi chuyện tiếp diễn thế nào tôi không nhớ ra nổi.
Sáng hôm sau tỉnh lại tôi thấy Dương đã dậy từ bao giờ, dưới tấm đệm trắng những vệt máu tươi. Tôi nhìn Dương… cũng kịp nhận ra anh là anh, anh không phải là Duy. Lần đầu tiên của đời con gái không phải trong đêm tân hôn trao cho Duy như tôi đã từng nghĩ mà lại trao cho một kẻ xa lạ chỉ mang hình dáng giống với Duy. Dương đứng lặng lẽ bên cửa sổ, đứng rất lâu, rất lâu cuối cùng trầm mặc nói với tôi rằng chuyện đêm qua là do bản thân anh không kiểm soát nổi mình, do anh uống quá nhiều rượu, do thú tính trong người anh bộc phát, cũng không nghĩ lại cướp mất sự trinh trắng của tôi… vậy nên anh muốn có trách nhiệm với tôi. Anh hỏi tôi có muốn làm bạn gái anh không, tuy giờ có thể chúng tôi chưa yêu nhau, nhưng anh cũng không muốn quất ngựa truy phong, anh muốn tôi đồng ý ở cạnh anh.
Tôi nhìn Dương, quả thực lúc ấy tôi không hề yêu anh. Nhưng vì anh rất giống Duy, tôi giống như kẻ ch.ết đuối chơi vơi giữa dòng nước vớ được cọc. Nỗi đau giằng xé suốt hai năm nay như được xoa dịu bởi gương mặt giống với người tôi yêu. Cuối cùng tôi đã đồng ý làm bạn gái anh chỉ bởi vì anh mang bóng dáng của Duy, hay nói chính xác hơn… tôi coi anh như người thay thế của Duy.
Sau này khi yêu Dương một thời gian tôi biết tên đầy đủ của anh là Lưu Hoàng Dương, không hiểu sao tôi lại cảm thấy có chút lấn cấn. Ngoài vẻ bề ngoài giống Duy, hai người còn cùng họ Lưu với nhau, nhưng rồi vì Dương và Duy bằng tuổi nhau, lại khác ngày tháng sinh nên tôi cũng gạt đi. Nếu anh em song sinh thì chắc chắn phải sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng Duy và Dương lại cách nhau mười tháng lận nên tôi vẫn mặc định rằng họ không có mối quan hệ gì với nhau cả, giống nhau hay cùng họ cũng chỉ là sự trùng hợp mà thôi. Trên đời này chẳng phải người giống người không hiếm sao?
Khoảng thời gian ở cạnh Dương, tôi dần thấy mình như được kéo ra khỏi nỗi buồn đau trầm uất, tôi vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn sau hai năm chôn chặt mình xuống nấm mồ cùng Duy. Dương khác với Duy, anh không mang vẻ rạng rỡ như Duy mà trầm tĩnh hơn, ít khi thể hiện tình cảm của mình, cũng ít nói hơn Duy nhưng anh giống Duy ở một điểm: anh rất tốt với tôi. Anh đối xử tốt với tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất, nhường nhịn tôi, và tôi luôn cảm thấy Dương rất yêu tôi. Bất cứ điều gì tôi thích, bất cứ thứ gì tôi muốn, bất cứ mong mỏi gì của tôi Dương đều đáp ứng cho tôi. Và Dương còn giống Duy một điểm: anh ít khi tiết lộ về gia cảnh của mình cho tôi. Ban đầu thấy anh đi xe sang tôi có hỏi thì anh chỉ nói anh đang điều hành một công ty nhỏ, còn gia đình anh cũng chỉ hơi có điều kiện chút thôi. Lúc ấy tôi cũng ngây thơ cho rằng anh là mẫu người giỏi giang, lập nghiệp sớm nên có sự nghiệp ổn định hơn so với những người bằng tuổi, yêu được anh quả thực là may mắn của tôi.
Tôi và Dương cứ thế ở cạnh nhau, giống như mưa dầm thấm lâu, dưới sự kiên nhẫn, yêu chiều, sủng ái của Dương tôi cũng nhận ra tôi không coi anh là người thay thế Duy nữa, dần dần tôi nhận ra anh là anh, anh không phải Duy, dần dần tôi nhận ra tôi đã bắt đầu có tình cảm với anh khi anh là chính anh chứ không phải chỉ bởi anh có vẻ bề ngoài giống Duy. Và rồi tôi đã yêu Dương. Khi ấy tôi thật sự yêu anh bằng cả trái tim mình, còn với Duy tôi không quên mà chỉ cất toàn bộ kỷ niệm của mối tình đầu dang dở ấy vào nơi sâu thẳm trái tim mình.
Tôi và Dương yêu nhau được gần một năm rưỡi cũng là lúc tôi nhận ra tình cảm tôi dành cho anh ngày một lớn. Khác với những ngày đầu ở cạnh anh, tôi thực sự đã yêu anh một cách đậm sâu và rồi dưới sự thuyết phục của anh tôi đã dọn sang sống cùng anh trước khi tôi tốt nghiệp chỉ vài tháng. Hằng ngày Dương đi làm, tôi đi học, tối về chúng tôi cùng nhau ăn cơm, cùng nhau trò chuyện giống như một gia đình nhỏ. Tôi đã nghĩ rằng ông trời không hề bất công, ít nhất cũng cho tôi được một người đàn ông yêu mình sau mối tình đầu đau khổ, dở dang. Thế nhưng tôi lại không hề biết tất cả mọi bất hạnh cũng mới chỉ bắt đầu…
Khi tôi chuyển sang sống chung với Dương được hơn ba tháng, một buổi sáng chủ nhật Dương đi công tác, tôi còn đang ngủ nướng thì có tiếng chuông cửa còn tưởng Dương quên gì vội ra mở cửa, vừa mở cửa tôi bỗng khựng lại khi thấy một người phụ nữ trung niên ăn mặc vô cùng sang trọng bước vào. Vừa nhìn tôi đã cảm thấy có chút lo sợ, nhất là cái khí chất của một người vô cùng giàu có làm tôi lo lắng. Bà vào nhà Dương rất tự nhiên, ngồi xuống ghế sofa nhìn tôi một lượt rồi hỏi:
– Cô là người yêu của thằng Dương à?
– Dạ vâng, bác là…
– Tôi là mẹ của thằng Dương.
Ban nãy tôi cũng đã đoán lờ mờ đây là mẹ của Dương, nay nhìn lại mẹ anh lần nữa, càng lúc càng cảm thấy gia cảnh của Dương không thể nào gọi là có điều kiện chút thôi được. Yêu Dương đã một năm rưỡi trời, nay mẹ anh đến tìm tôi tôi thật sự vô cùng hoang mang. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ gia đình Dương thật sự rất giàu có, còn tôi chỉ là một con khố rách áo ôm, hôm nay bác gái tìm đến tôi là mong muốn tôi dừng lại, con trai bác phải yêu và cưới một người môn đăng hộ đối, phù hợp với anh hơn tôi. Thế nhưng tôi lại không hề biết được rằng đúng là bác gái yêu cầu tôi dừng lại như tôi nghĩ, nhưng ngoài lý do mà tôi nghĩ đến còn một lý do khác nữa, cũng là lý do khiến tôi hoàn toàn không có cách nào để ở cạnh Dương thêm nữa. Sau khi giới thiệu về mình bác gái nhìn chằm chằm tôi rất lâu, cái nhìn đầy sự phức tạp xen lẫn cả chút thất vọng rồi cuối cùng bác gái cười nhàn nhạt nói:
– Cô giờ trông gầy hơn trước kia rất nhiều.
Nghe đến đây tôi hơi khựng lại rồi hỏi:
– Bác biết cháu ạ?
– Tôi đã từng nhìn thấy cô trong nhà tang lễ 198, ngày mà con trai cả của tôi đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Vừa nghe đến câu này tôi bỗng đứng bất động, toàn thân sững sờ như có một gáo nước lạnh tạt qua. Lời nói sắc lạnh như dao, không hề mang chút ý tứ đùa, càng không giống lời nói dối. Tôi cảm tưởng như mình lại rơi vào cơn ác mộng năm nào, trên đầu có hàng ngàn tia chớp đang ập đến.
Khi mơ đến đây tôi cũng giật mình tỉnh dậy bởi tiếng cạch cửa bên ngoài. Cả người tôi đau nhức vì vết thương ngày hôm qua nên không thể ngồi dậy chỉ có thể mở mắt ra nhìn, lúc này cũng mới sực nhớ ra mình vẫn đang ở một nơi cách Việt Nam rất xa xôi. Bên ngoài cô gái tên A Tam hôm qua đưa tôi vào đây đang bước vào, sau đó cúi xuống cho tôi mấy cái bánh bao xá xíu, một vỉ thuốc kháng sinh, một lọ thuốc bôi và cốc nước rồi nói:
– Cô uống hai viên sau ăn, thuốc bôi vào vết thương hở. Thuốc này là cậu Vỹ Đình cho cô.
Nhưng khi nói đến đây A Tam chắc cũng mới nhớ ra tôi là người Việt Nam và nghĩ tôi không biết tiếng Trung nên ra hiệu cho tôi cách uống thuốc. Xong xuôi cô ấy đi ra ngoài lẩm bẩm:
– Rõ khổ mà. Cũng may cậu Vỹ Đình nói ông chủ cũng bị thương phải ba tháng nữa mới phục hồi được không thì với vết thương của cô thế này ông chủ mà đè cô ra thì cô ch.ết chắc luôn.
Tôi nằm lặng lẽ trong kho, nhìn mấy chiếc bánh bao xá xíu cổ họng khô không sao nuốt nổi. Nhưng giờ đây không nuốt tôi cũng phải cố nuốt, thân tàn ma dại cũng chỉ có cách phải sống bởi tôi vẫn luôn hi vọng… hi vọng có ngày được trở về dù cho tia hi vọng ấy hết sức nhỏ nhoi. Chính vì mong muốn được sống, mong muốn được thoát khỏi nơi này quá mãnh liệt nên bản năng sinh tồn của tôi cũng nhắc tôi phải cố gắng lên, cố gắng thật nhiều.
Tôi bị nhốt trong kho đến ngày thứ mười thì được đưa về căn nhà nhỏ ban đầu. Vết thương trên người nhờ thuốc của người đàn ông tên Vỹ Đình đưa cho nên không bị viêm nhiễm gì. Lúc về phòng tôi cũng thấy Vỹ Đình đang chuẩn bị đồ để đi lên phố. Thấy tôi từ dưới kho lên cậu ta cũng nhìn sượt qua tôi một lượt, sau đó không biết thế nào lại quay lại nói với lão Chư gì đó rồi mới rời đi.
Sau khi Vỹ Đình rời đi, tôi nằm trong phòng nghe mọi người nói chuyện với nhau tôi biết được Vỹ Đình là con trai duy nhất của lão Chư. Vỹ Đình cũng là người duy nhất trong làng này đỗ đại học và đang làm bác sĩ trên phố. Có lẽ thế nên cậu ấy hiện đại hơn so với người dân ở đây, có điều đối với chuyện tôi bị lấy về làm lẽ cậu ta không phục nhưng có lẽ cũng chẳng có cách gì giúp tôi, tôi cũng không hề mong chờ. Tôi khẽ thở dài, cửa sổ căn nhà này cũng được đóng song sắt lại. Như vậy có nghĩa là tôi không thể trốn thoát theo lối này nữa rồi, mà ở đây nhà trên nhà dưới rất đông, giờ muốn trốn cũng gần như hết cách.
Khi còn đang nghĩ xem làm cách nào để thoát được khỏi nơi này thì lão Chư cũng xuống. Sau mười ngày thần sắc lão tốt hơn rồi nhưng vẫn phải chống gậy. Lão mang xuống cho tôi năm bộ quần áo lụa, một ít vòng ngọc trai rồi ngồi cạnh tôi nắm lấy tay tôi. Tôi cảm thấy lợm giọng và buồn nôn, nhưng lần trước đánh lão đã bị ăn một trận đòn thập tử nhất sinh rồi nên tôi không thể phản kháng lại chỉ để kệ lão đụng chạm, dỗ dành bằng thứ tiếng địa phương kì quái mà tôi nghe cũng thấy ghê tởm. Dù sao lão cũng chẳng làm gì quá hơn được bởi phần hạ bộ của lão theo A Tam nói thì cũng ba tháng mới phục hồi được.
Sau khi lão Chư lên nhà lớn A Tam cũng xuống ra hiệu cho tôi lên nhà lớn ăn cơm. Từ hôm tới đây đến giờ đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được ăn một bữa cơm đàng hoàng. Khi bước chân lên đến hiên đột nhiên một ấm trà nóng từ đâu bay vụt thẳng lên bả vai tôi rồi rơi xuống đất vỡ tan tành. Hơi nước bỏng rát, tôi khẽ kêu lên, khi còn chưa kịp hiểu chuyện gì bà cả đã chạy ra rồi đưa tay vỗ vỗ vai tôi nói vọng vào trong:
– Ôi, tôi xin lỗi, tôi hất nước mà nhỡ tay khiến ấm trà bay vào cô ta
Lão Chư lúc này cũng chạy ra, thấy tôi bị ấm trà nóng dội vào lão vội vã ra phía sau nhà gọi A Tam lấy nước lọc nguội. Trong lúc lão Chư còn đang tìm A Tam bà vợ cả cũng nhìn tôi, khoé môi nhếch lên một tiếng rồi dùng gót nhọn của giày đạp thẳng vào chân tôi, sau đó dùng lực xoay rất mạnh. Từng cái xoay của bà ta khiến xương tôi như muốn gãy ra, bàn chân đỏ lựng lên, máu cũng rỉ ra đau điếng người, vết thương cũ còn chưa lành, nay lại bị bà ta hành hạ thế này tôi gần như không chịu nổi. Vừa xoay bà ta vừa nghiến răng rít lên nho nhỏ trong miệng vừa đưa tay lấy hết sức vả mạnh lên mặt tôi:
– Con đ.ĩ này, sao không ch.ết luôn đi!
Cái vả của bà ta khiến đầu óc tôi như quay cuồng, phía dưới chân bị đau cố rút chân ra nhưng bà ta ngay lập tức đưa nốt gót nhọn bên kia đạp lên chân tôi đạp rất mạnh khiến tôi chỉ có quỵ xuống rồi hét lên một tiếng á lớn. Bà ta thấy tôi hét có lẽ sợ lão Chư nhìn thấy nên rút chân ra, nhưng hai bàn chân tôi cũng như muốn liệt. Và lúc này tôi cũng mới dần hiểu ra, bà vợ cả chấp nhận lão Chư cưới tôi về làm vợ lẽ chỉ là vẻ bề ngoài… còn trong lòng bà ta là nỗi ghen tuông, hậm hực mà chỉ biết trút lên tôi. Thật sự quá man rợ và tàn nhẫn, tôi hoảng loạn, sợ hãi không biết những ngày tháng tiếp theo sẽ phải sống thế nào đây. Tôi biết vì sao bà ta ngang nhiên đánh tôi như vậy bởi bà ta nghĩ tôi là người Việt Nam, bị đánh bị chửi cũng không thể mách ai được. Chưa bao giờ tôi cảm thấy ở nơi đây kinh khủng như nơi này, mới ở đây chưa đến một tuần tôi đã cảm tưởng như mình bị đày đoạ xuống địa ngục nhưng bị đánh bị chửi tôi cũng chỉ ngậm mộm chịu đựng hoặc hét những tiếng a a tuyệt vọng bởi tôi sợ rằng nếu để cho đám người này biết tôi biết tiếng Trung cơ hội trở về của tôi càng mong manh.
Quả thực những ngày sau đó tôi liên tiếp bị bà vợ cả lão Chư hành hạ đến mức sống không bằng ch.ết. Mỗi khi có lão Chư hay người khác thì không sao, nhưng chỉ cần có tôi với bà ta, khi thì đánh, khi thì tát, có lúc còn dùng nứa rạch lên lưng, lên bụng lên tay chân tôi. Gần như không ngày nào tôi không bị thương… muốn thoát ra cũng không thoát nổi chỉ có thể cắn răng mà cam chịu, bất lực vẫy vùng trong tuyệt vọng. Có lẽ đời này, kiếp này tôi sẽ phải chôn vùi cuộc đời mình ở nơi dã man thế này.
Buổi sáng ngày thứ ba mươi tám tôi bị bán đến đây, cũng là khoảng độ gần một tháng rưỡi tôi rời xa Sam, So khi vừa ngủ dậy bà vợ cả cũng xuống buồng bạt cho tôi mấy cái vào mặt chỉ vì hôm qua lão Chư lại mua cho tôi một cái vòng vàng. Tôi bị bà ta đánh, máu miệng cũng tuôn ra, cố hét lên mấy tiếng lớn nhưng không một ai cứu. Hoá ra sáng nay lão Chư và đám người trong nhà đã đi lên khu nông trại ở rừng sáng mai mới về, nhà chỉ còn bà ta với A Tam ở nhà nên không ai cứu được tối. Bà ta tát xong có lẽ vẫn chưa thoả cơn ghen nên nhảy bổ xuống bếp cầm cái kéo lên định lao vào cắt phăng mái tóc tôi. Có điều khi vừa cầm lên phía bên ngoài tôi nghe tiếng A Tam cũng khẽ chào:
– Cậu Vỹ Đình về rồi đấy ạ?
Bà vợ cả nghe đến đây cũng dừng tay lại, chắc không muốn con trai nhìn thấy cảnh này nên ném cái kéo vào trong gầm giường rồi chạy ra hỏi:
– Vỹ Đình về rồi à? Mẹ tưởng chiều con mới về? Con nghỉ qua mùng 2 Tết chứ?
Tôi không biết Vỹ Đình đáp gì chỉ thấy bà vợ cả cũng đi lên nhà lớn cùng A Tam. Vỹ Đình đi qua chỉ khẽ liếc tôi một cái sau đó nằm ở giường trên nhà lớn ngủ. Lúc này tôi cũng vội vã chui vào gầm giường nhặt cái kéo lên. Thế nhưng nhặt lên rồi tôi lại không biết làm thế nào. Kết l.iễu đời mình tôi không cam tâm mà lên kia g.iết bà vợ cả tôi không đủ bản lĩnh nên cuối cùng tôi ngồi thụp xuống giường, ôm lấy mặt khóc. Khóc vì bị người ta hành hạ, đối xử như một con vật mà không làm gì được, khóc vì đã hơn một tháng tôi phải xa Sam, So rồi. Hơn một tháng xa con, không có người làm mẹ nào có thể chịu đựng nổi. Hoá ra là sắp Tết rồi, Tết người người, nhà nhà đoàn viên còn tôi và Sam, So lại ở những phương trời khác nhau. Khốn khổ hơn là việc các con không hề biết tôi đi đâu, một sáng mở mắt ra mẹ đã biến mất hoàn toàn, nghĩ thôi cũng thấy tâm can đau như phế liệt.
Tôi không biết mình khóc bao lâu sau đó cũng ngủ thiếp đi. Đến khi có tiếng bà vợ cả cất lên vội nhét cái kéo vào cạp quần rồi nằm nhắm nghiền mắt. Vốn nghĩ bà ta lại xuống hành hạ nhưng không, bà ta xuống nhìn tôi một lượt sau đó quay sang A Tam nói nhỏ:
– Lão Chư gọi tao lên nông trại, nghe nói đàn lợn dịch chết rất nhiều nên tao phải đón thú y lên luôn xem tình hình thế nào. Mày ở nhà cơm nước cho cậu Vỹ Đình và trông coi con này nhớ chưa? Lão Chư bảo ở nhà không tin tưởng được cậu Vỹ Đình nên tao thay ổ khoá cũ bằng khoá số này. Mày nhìn kỹ nhé, ấn mật mã rồi ấn nút xanh nó sẽ khoá, muốn mở thì ấn mật mã rồi ấn nút đỏ nó sẽ mở, sau khi khoá hoặc mở xong mày phải xoay số cho khác mật khẩu đi nhớ chưa? Mật khẩu là 22445511 cấm được tiết lộ cho cậu Vỹ Đình nghe chưa? Nhớ chỉ cho nó ăn ngày 1 bữa bánh bao thôi. Mai là Ba mươi Tết rồi, mai chắc tao với lão Chư cố về cho sớm.
Tôi nghe đến đây, bất chợt loé lên một ý nghĩ cố nhẩm lại mấy lời bà ta nói “mật khẩu là 22445511. Từ lúc vào nhà này tôi chưa bao giờ nói bất cứ một câu tiếng Trung nào, thậm chí tiếng Việt cũng không hề mở miệng ra nói, có bị đánh đau cũng chỉ hét lên những âm thanh tuyệt vọng. Vậy nên đám người này nói chuyện không hề cảnh giác với tôi. Lúc này tôi cũng tưởng như có tia sáng rất nhỏ xoẹt qua trong đầu, cảm thấy điều may mắn nhất cuộc đời mình đến giờ có lẽ là biết tiếng Trung và chưa bao giờ thể hiện mình biết tiếng Trung với đám người này. Bà vợ cả đứng dạy A Tam lại lần nữa, tôi cũng nhẩm lại lần nữa. Đến khi bà ta đi khuất A Tam cũng khoá tôi lại rồi đi lên nhà.
Tôi vội vã nhặt nhạnh hết số vàng, ngọc cất vào túi với hi vọng nếu trốn được ra sẽ có một số tiền để tìm đường về Việt Nam rồi ngồi trong phòng rất lâu, ngồi từ khi sắc trời còn sáng đến tận khi trời đổ chiều, ánh hoàng hôn xuyên qua khe cửa chiếu vào vẫn ngồi bất động như vậy. Trong đầu tôi không thể nghĩ được gì chỉ biết đây là cơ hội cuối cùng để thoát khỏi đây của mình. Tôi cứ ngồi như vậy, mãi đến khi thấy tiếng dép của A Tam loẹt xoẹt ở sân liền căng mắt ra nhìn qua khe hẹp ở cửa. A Tam đang xách làn đi chợ, tôi cũng lặng lẽ đếm từng bước chân của cô ấy. Khi A Tam đi khuất ra đến ngoài tôi vội vã lao ra cửa. Qua ô vuông nhỏ hẹp phía trên tôi cũng nhìn được khoá số bên dưới, chỉ là ô vuông hơi nhỏ tôi không thể thò tay ra để mở.
Tôi cố đưa tay mấy lần vẫn không sao lọt qua được, khi nghĩ rằng mình hết cách rồi tôi mới sực nhớ ra cái kéo sắt ban nãy vội vã lấy ra. Kéo rất dài lại nhỏ, tôi đưa đầu kéo ra ngoài, căng mắt vừa quan sát vừa dùng kéo xoay từng nút. Số 2 đầu tiên cuối cùng cũng xuất hiện, sau đó lại lặp lại lần nữa, số 2 thứ hai hiện lên… rồi sau đó lần lượt là hai số 4, hai số 5 và hai số 1. Ngay khi dãy số vừa xuất hiện tôi liền đưa kéo ấn vào nút đỏ. Ngay lập tức khoá mở ra, tim tôi cũng đập liên hồi vội vã mở cửa ra rồi lao như bay ra ngoài. Vừa ra đến ngoài tim tôi lại lần nữa cũng muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi thấy Vỹ Đình đang ngồi đọc sách ở hiên. Toàn thân tôi như có luồng gió lạnh tạt qua, sợ hãi vô cùng Thế nhưng Vỹ Đình dường như không hề nhìn thấy tôi. Thậm chí khi tôi lùi chân lại mấy bước thử cậu ta vẫn không hề ngẩng mặt lên.
Lúc này tôi không còn nghĩ được bất cứ điều gì nữa, mặc cho Vỹ Đình vẫn đang ngồi ở hiên đọc sách chỉ biết cắm đầu chạy ra cổng, tay cầm thêm kéo sắt phòng bị. Ra đến cổng tôi thấy ngay bờ tường có một cái túi nhỏ, bên trong là một cạp lồng cơm, một chai nước và mấy cái bánh bao, bụng tôi lúc này đói meo liền tiện tay xách thẳng rồi chạy vút đi. Chạy được một đoạn tôi liếc mắt lại thấy Vỹ Đình không còn đọc sách nữa mà chỉ lặng lẽ nhìn tôi. Cậu ấy cứ đứng bên hiên nhìn tôi như vậy, không hề nhúc nhích. Dưới ánh nắng chiều tà buổi hoàng hôn tôi nhìn rất rõ mặt Vỹ Đình. Khuôn mặt cậu thanh tú, sống mũi cao, đôi mắt rất hiền từ khác hẳn bố mẹ cậu ta. Lúc này tôi cũng nhìn xuống cái túi mình đang cầm, mấy cái bánh bao còn nóng hổi, sâu bên trong chiếc cạp lồng còn có một ít tiền nhân dân tệ và một bản đồ nhỏ tiếng Trung. Trong giây lát tôi như bừng tỉnh cũng kịp hiểu ra Vỹ Đình đang giúp tôi bỏ trốn.
Tôi siết chặt lấy chiếc túi của Vỹ Đình, cầm lấy bản đồ không dám ngoái đầu lại chạy tiếp, nắng chiều tà cũng như sắp tắt vừa chạy tôi vừa nghe tiếng lòng mình nghẹn lại. Vỹ Đình, cảm ơn cậu, cậu là người tốt, nhất định sau này cậu sẽ gặp những điều tốt đẹp nhất.
Tôi không biết mình đã chạy bao lâu, men theo con đường trên bản đồ, nhìn theo từng ký tự tiếng Trung tôi đã học mà chạy, từng nhịp chạy là từng nhịp tim tôi như muốn vỡ ra. Tôi rất sợ, sợ đến mức không dám nhìn lại phía sau, chỉ có thể lao về phía trước. Cuối cùng khi trời tối hẳn tôi cũng gần như kiệt sức ngã xuống. Thế nhưng tôi biết dẫu thế nào mình cũng phải sống, tôi nhất định phải sống không thể dừng lại được nên lại dùng chút ý chí còn lại mà tiến lên, tôi phải về, phải về với Sam, So của tôi. Nghĩ đến Sam, So tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh. Đến khi tối đêm tôi cũng gần như kiệt quệ sức lực, cổ họng khô khốc. Tôi vốn định bỏ bánh bao ra ăn lấy sức chạy tiếp thì chợt nghe những tiếng bước chân rất gần, còn có ánh đèn pin thỉnh thoảng loé qua từng kẽ lá.
Giây phút ấy tôi bỗng hoảng loạn sợ hãi không kịp ăn cả bánh bao ôm lấy túi chạy tiếp. Cuối cùng khi chạy đến một sườn đồi thấp tôi cũng trượt chân ngã xuống. Sườn đồi không cao nhưng bởi vì tôi đã kiệt sức nên khi ngã xuống cũng thấy mình như ngất lịm đi. Trước khi bóng đêm ập đến, tôi bỗng thấy tiếng gió vi vu, tiếng bước chân mỗi lúc một dồn dập, không rõ đó là tiếng bước chân của ai, của đám người nhà lão Chư do A Tam báo hay của ai khác tôi không rõ nữa. Trong tiếng gió tôi không còn biết mình mơ hay thật, có lẽ chỉ là chút ảo tưởng của bản thân, có lẽ bởi tôi quá khao khát được sống nên tự mình mường tượng ra được một tiếng gọi, tiếng gọi thân thương, quen thuộc nhưng lại xen lẫn cả một nỗi đau xót, bất lực và cả tuyệt vọng: