Nàng gia sư siêu ngầu

Chương 3



Ông Đức nói xong thì rời đi, còn lại một mình Trung Kiên với nỗi băn khoăn không biết làm sao cho phải. Kiên đưa tay bóp trán, xoa xoa hai tâm mi rất lâu… Anh đã cố gắng hết mình, hết lòng với bọn trẻ vậy mà sao mấy bố con vẫn rơi vào hoàn cảnh như này, rốt cuộc là anh sai ở đâu hay là anh chưa làm đúng với chức trách của người làm cha???

Tình hình của Tuấn Anh và Ngọc Anh vẫn như vậy, cứ vài ba hôm cô giáo lại gọi cho anh, đáng nói hơn là chuyện của Tuấn Anh, nếu để tình trạng như này kéo dài thì có khi còn không học xong lớp 9.

Chuyện của hai anh chị lớn còn bao phiền muộn thì tâm tình của bé Bảo An ngày càng tệ, con bé ăn ngủ thất thường, cả ngày chỉ ôm bức ảnh của cô gái lạ đứng ở cổng ngóng chờ như đứa trẻ mong mẹ đi chợ về. Không một ai biết vì sao con bé lại thế chỉ có bản thân nó mới biết, con bé thích Thùy Dung, rồi lại vì lời hứa vội của cô sẽ đến gặp mà An ngày ngày chờ đợi trong mòn mỏi đến gầy rạc cả người. Vốn sức khỏe đã yếu ớt nay nhìn mắt con bé hốc hác thì ai lấy đều xót xa, Trung Kiên chịu không nổi cảnh này nên tặc lưỡi chấp nhận với ý kiến của bố mở lòng với Kiều, có lẽ anh nên vì các con mà thử một lần xem sao…

Rất nhanh hai nhà đã có cuộc gặp mặt và cùng ăn một bữa cơm, Kiều từ nhỏ đã thích Trung Kiên, lớn lên cô ta càng mê anh bất chấp, chỉ là khi đó Kiên lại yêu và lấy người khác làm vợ. Dù biết anh đã có gia đình đề huề nhưng Kiều vẫn ôm mối tình đơn phương mãi không chịu buông bỏ, cho đến giờ này biết anh chịu mở lòng với một mối quan hệ mới thì cô ta vui lắm, vậy là ông trời không phụ người có tấm chân tình.

Kiều muốn nhanh chóng được tiến gần với Kiên nên ngay bữa cơm chung với cả nhà thì cô ta nhân cơ hội nói luôn ý kiến của mình:

– Anh Kiên! Em nghe anh Thành nói anh đang cần tuyển thư ký phải không ạ?
– Ừ.
– Vậy, em có thể ứng tuyển vào vị trí đó không?
– Em làm ở công ty mới không ổn sao? Với chuyên ngành của em là kinh doanh cơ mà?

Đúng là bên công ty mới đang rất chiêu mộ Kiều nhưng để hợp lý hóa được ở bên cạnh Kiên thì cô ta làm như rất chán nản:

– Bên họ chế độ kém lắm, với cũng không hẳn là để em làm đúng chuyên môn, nếu mà không được làm đúng chuyên ngành của mình thì em thà về làm cho công ty của anh còn hơn, dẫu sao chỗ người quen vẫn tốt.
– Nhưng áp lực công việc em đảm đương được không?
– Có anh và anh Thành chỉ bảo em sẽ cố gắng hết mình!

Ông Đức nghe con trai vặn hỏi nhiều thì húng hắng nói đỡ cho Kiều:

– Em Kiều từng là du học sinh xuất sắc thì con lo gì chứ? Để em nó về giúp con đi!
– Thì con cũng nhắc trước, làm đâu cũng được nhưng quy tắc của con từ trước đến nay không có ưu ái cho riêng ai đâu, nếu làm sai thì dù là người nhà cũng không có quá ba lần nhân nhượng.
– Được rồi! Bố tin là Kiều nó đảm đương tốt! Đúng không Kiều?

Kiều nghe ông Đức ra mặt cho mình thì cười bẽn lẽn trả lời:

– Vâng. Cháu sẽ đảm đương tốt để anh Kiên không khỏi thất vọng ạ!
– Ừ. Thôi ăn đi cháu!
– Vâng. Cháu mời hai bác, con mời bố mẹ, em mời anh ạ!
– Nào… Nào ăn đi…

Tiếng bà Quyên thúc giục cả nhà thì Kiều cũng đon đả, ngọt nhẹ với Tuấn Anh và Ngọc Anh:

– Hai con ăn đi này!
– Cháu cảm ơn!

Tuấn Anh và Ngọc Anh không xưng hô là con với Kiều mà giọng điệu lạnh nhạt xưng hô là cháu, Kiều có chút hơi sượng nhưng cô ta vẫn rất kiên nhẫn làm như vui vẻ:

– Ngọc Anh! Món này ngày bé con rất thích đấy! Còn nhớ mùa hè năm con học lớp 4 về bà nội chơi cô có làm cho con ăn đó, nhớ không?
– Lúc đó bé quá nên cháu quên rồi cô!
– À… Ờ…Không sao, vậy con ăn thêm đi!

Dù rất là sượng mặt với câu trả lời của Ngọc Anh nhưng Kiều vẫn ra vẻ vui mừng và gắp thức ăn đều cho cả nhà. Ông Đức bà Quyên thấy Kiều càng trưởng thành càng biết cách cư xử và nhất là có vẻ kiên trì với bọn trẻ thì mừng thầm trong lòng.

Bữa ăn được nửa chừng thì nghe tiếng bé An khóc trong phòng, con bé hôm nay hơi yếu người nên ngủ qua bữa giờ mới thức dậy. Kiên vội rời bàn ăn chạy vào phòng của con, vẫn là ông bố nhẫn nại, kiên trì dỗ dành con các kiểu, giọng anh đều đều hỏi han xem con gái muốn ăn gì thì lúc này Kiều cũng mở cửa phòng đi vào.

Thấy người lạ Bảo An mặt buồn thiu và có vẻ sợ sệt nhưng Kiều không nhận ra mà cô ta còn chìa tay ngỏ ý muốn bế con bé thì An lại mếu máo rồi ôm chặt lấy bố. Kiên sợ con gái khóc lớn nên lựa lời nói với Kiều:

– Em cứ ra ăn cơm đi, để anh dỗ con bé được rồi!
– Bảo An lười ăn thế hả anh?
– Con bé mới ngủ dậy nên vậy thôi!
– Vâng, thế em ra trước, anh dỗ con rồi cũng ra luôn nha!
– Ừ.

Đợi Kiều ra khỏi phòng thì Kiên từ tốn hỏi con:

– Bảo An không thích cô Kiều à?
– …!!!
– Cô Kiều là cô trong bức tranh của con vẽ đấy! Cô ấy xinh đẹp như con vẽ mà đúng không?
– …

Lúc nghe câu hỏi đầu tiên thì con bé chỉ lắc lắc cái đầu thế nhưng khi nghe Kiên nói câu thứ hai thì nó phản ứng mạnh mẽ luôn, con bé tụt khỏi người anh, hướng ánh mắt đỏ ngầu giận dữ rồi lấy tay đẩy đẩy anh ra khỏi phòng nữa. Kiên thấy con gái phản ứng mạnh quá thì vội vàng dỗ con nhưng Bảo An nước mắt đầm đìa lùi lại phía đầu giường với bức ảnh lại ôm chặt không muốn theo anh thì anh thở dài trong lòng…

– Được rồi! Bố không nói tới cô Kiều nữa! Bố sẽ mau chóng tìm người trong bức ảnh cho con được không?

Nghe được lời hứa hẹn của Kiên thì con gái mới gật đầu nhưng con bé chưa chịu ra ngoài ăn tối ngay mà lôi hộp đựng chữ cái ra ghép chữ Dung đưa cho Kiên xem thì anh hết sức ngạc nhiên. Không phải anh ngạc nhiên vì con bé biết chữ bởi từ lúc hơn ba tuổi Bảo An đã biết gần hết mặt chữ cái, lên bốn tuổi hai bố con tối nào cũng dạy nhau học nên giờ An thành thạo ghép những từ đơn giản rồi, chỉ là con bé không lên tiếng nói bao giờ. Điều anh ngạc nhiên ở đây là con bé nhớ tên cô gái mới chỉ gặp chốc lát kia, tên đầy đủ là Hoàng Thùy Dung. Kiên nhìn con biểu đạt cảm xúc đã hiểu ý thì mặt con bé mới giãn ra, để con gái chịu ăn ít cơm thì anh tiếp chủ đề về người con gái lạ này:

– Con chịu khó ăn nhiều để có sức khỏe thì bố mới mau tìm được cô ấy!
– …

Thấy con gái im im thì Kiên lại nói thêm:

– Cô ấy thích trẻ con ngoan ngoãn và mũm mĩm, xinh đẹp cơ, chứ con gái của bố gầy gò thế này, nếu cô ấy gặp có khi lại buồn phiền đấy!
– …

Bảo An nghe anh nói câu này thì chủ động hẳn, con bé để lại bức ảnh vào chỗ cũ rồi chạy lại ôm cổ anh ra hiệu muốn ăn cơm, Kiên chỉ chờ có thế là bế bổng con lên, cái cảm giác nhẹ người này bao lâu nay mới quay trở lại, cuối cùng cũng dỗ dành được con bé…

Cả nhà thấy hai bố con ra ngoài thì xúm vào hỏi han, Bảo An từ ngày mẹ mất thì ít có tiếp xúc với người ngoài, chỉ có ông bà nội, với chú Trung Hiếu thi thoảng đến thăm, còn đâu là có mấy bố con với nhau và hai bác giúp việc. Thực sự là con bé không có biết ông Thao, bà Tình với Kiều. Mặc dù Kiều có nét giống với Thùy Dung trong bức tranh của Bảo An vẽ nhưng con bé cũng không dám lại gần. Thấy con gái lạ lẫm, sợ sệt cứ ôm chặt lấy cổ mình thì Kiên nói nhỏ vào tai con rằng những người ngồi bên ông bà nội đều là người nhà thì con bé mới chịu ngồi xuống bên cạnh anh.

Kiều nhận ra Bảo An chịu ngồi ngoan thì cô ta mon men lại gần định làm thân nhưng con bé thấy vậy thì sợ hãi nép vội vào người bố và không dám quay mặt ra. Kiên sợ con gái lại bỏ cơm nên nói khéo với Kiều:

– Con bé vẫn còn lạ lẫm, để thư thư rồi cô cháu làm quen với nhau.
– Dạ.

Kiên dỗ con ăn được bát cơm nhỏ thì vui mừng ra mặt, hai bố con trò chuyện bằng cử chỉ khiến cho ông Đức bà Quyên cũng vui lây. Bà Quyên không biết để có được hiệu quả này là hoàn toàn nhờ vào sự dỗ dành của con trai liên quan tới Thùy Dung mà bà chỉ nghĩ chắc cháu gái chịu ăn uống ngoan ngoãn là do sự có mặt của Kiều thì càng ra sức vun vén cho mối quan hệ này.

Suốt bữa cơm hai bên ông bà bóng gió ý tứ mong muốn Kiên và Kiều nên có nhiều thời gian để tìm hiểu nhau và hơn hết là giúp Kiều làm thân với bọn trẻ để cô cháu gần gũi. Nghĩ là phải làm liền nên ông Đức nêu ra ý kiến tạo điều kiện cho Kiều ở đây luôn thì hai đứa cháu của ông là Tuấn Anh và Ngọc Anh phản ứng ngay.

Tuấn Anh tuy không nói lời khó nghe nhưng cậu bé đã thể hiện bằng hành động không hài lòng rời khỏi bàn ăn nhưng Ngọc Anh thì khác anh trai mình, cô bé với ánh mắt ướt giận dữ phản đối kịch liệt ý kiến của ông nội:

– Ông bà ở đây chơi thì chúng cháu hoan nghênh ạ! Còn chúng cháu có bố là đủ rồi, không ai có thể thay thế được mẹ của chúng cháu cả!
– Ngọc Anh… Cháu…
– Mẹ cháu mới mất được ba năm thôi mà, sao ông bà lại vội vàng bắt bố cháu đi lấy người khác, cháu không thích cho người lạ vào nhà cháu ở, cháu không thích!
– …

Không để cho ai kịp phản ứng, Ngọc Anh dù khóc nấc lên nhưng vẫn quay qua Kiên hỏi dồn:

– Bố! Có phải bố quên mẹ rồi không? Có phải bố muốn lấy người khác để thay thế mẹ con không? Có phải bố không còn thương bọn con?

Thấy con gái bị xúc động mạnh thì Kiên vội trấn an:

– Ngọc Anh! Con bình tĩnh không em nó sợ!
– Bố trả lời con đi!

Đối với Kiên thì các con là quan trọng nhất, tâm lí của các con mới là điều anh lo lắng nên lúc này anh cũng không cần để ý tới thái độ của bố mẹ hay cả nhà Kiều ra sao mà ôm con gái lớn vào lòng vỗ về, an ủi:

– Bố không quên mẹ con, càng không có ý lấy người khác! Bố chỉ cần các con ở bên cạnh, ngoan ngoãn là đủ rồi!
– Bố… Con không muốn cho ai về nhà mình! Bố hứa đi… Bố… Từ nay con sẽ chăm chỉ học tập, không gây chuyện với các bạn nữa!
– Ừ… Bố hứa!

Bảo An thấy chị ôm bố khóc khiến con bé cũng ôm lấy tay bố khóc theo, nhìn cảnh này ông Đức bà Quyên thở dài thườn thượt trong lòng, thế là sôi hỏng bỏng không hết rồi. Thương cháu nhưng ông bà càng thương con trai hơn, từ nay lại bận rộn một mình rồi đêm về cô đơn lẻ bóng… Khổ quá mà…

Bữa cơm cũng vì thế mà kết thúc sớm, bố mẹ Kiều là người hiểu chuyện nên cũng không trách cứ gì nhưng Kiều thì trong lòng nhen nhóm tức giận. Tự nhiên cô ta nhìn mấy đứa trẻ mà ghét kinh khủng, không bao giờ có cơ hội đến với Kiên tốt như thế này mà lại bị chính mấy đứa con của anh phá hỏng nhưng dù có ức chế đến mấy thì lúc này cô ta cũng phải nhịn xuống rồi tìm cơ hội khác. Nói vài câu chuyện với bố mẹ Kiên thì sau đó cả nhà Kiều xin phép về chỗ của cô ta nghỉ ngơi.

Về tới chung cư của Kiều, ông Thao không đề cập tới chuyện vừa xảy ra mà lên phòng nghỉ sớm nhưng bà Tình thì nói ngay với con gái:

– Con à! Nếu không có duyên với thằng Kiên thì thôi đi! Nói thật lòng thì mẹ cũng không muốn con gả vào nhà nó đâu, chẳng qua bố con cứ thích bố mẹ nó rồi thích tính cách nó điềm đạm chứ mẹ thấy con mà gả về đó thì thiệt thòi lắm! Xinh đẹp, học rộng, tài giỏi như con gái mẹ lấy đâu chả được chồng mà phải về nuôi con người, một đứa thì đã đành, đây tới tận ba đứa mà đứa nào cũng trái tính, trái nết. Nhất là đứa con gái thứ hai đó, đanh đá, ngang ngược, con về đó phải nhìn mặt nó mà sống à, rồi còn phải chăm đứa con út, ăn không được, nói không xong nữa… Mẹ thấy không ổn chút nào, vẫn là nên thôi đi!
– Mẹ nói cũng có lý, con sẽ suy nghĩ về việc này ạ!
– Con nói vậy thì mẹ yên tâm rồi! Không còn sớm nữa! Con cũng nghỉ đi!
– Vâng.

Để cho mẹ yên tâm, không tham gia vào chuyện của mình nên Kiều nói đại vậy cho xong, chứ cô ta dễ gì mà buông bỏ được Kiên. Sắp tới được làm chung với nhau thì sợ gì không có cơ hội tìm hiểu, gần gũi… Ngày chiếm được trái tim của Kiên sẽ nhanh tới thôi…

Bên này Kiên dỗ dành được các con, sau khi đưa mỗi đứa về phòng của mình ổn định thì anh ra ngoài phòng khách nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ rằng từ nay sẽ không ai được nhắc cũng như mai mối anh cho bất kì cô gái nào khác nữa. Thật sự bản thân anh chưa quên được người vợ hiền của mình cũng như anh không muốn tiến thêm bước nữa với ai, mà hơn hết là qua sự việc vừa rồi đủ thấy các con đã bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều.

Thời gian vừa qua hai đứa con lớn của anh vẫn còn sốc vì sự ra đi của mẹ mà bản thân anh và ông bà cứ nghĩ ba năm đã đủ cho các con quên đi nỗi đau ấy rồi và cùng với anh sống vui vẻ tiếp nhưng chính anh và bố mẹ anh đã lo nghĩ quá xa và sai rồi, chúng vẫn là không thể chấp nhận được sự mất mát đó và càng không muốn mất đi tình cảm của anh. Các con đã thiệt thòi mất mẹ rồi nên anh sẽ thay cả phần tình cảm của mẹ nó mà san sẻ, chăm lo. Hiểu được tâm can của các con nên Trung Kiên đưa ra quyết định ở vậy chăm sóc các con lên người và mong bố mẹ hiểu cho tâm tư của một người bố mang trọng trách của cả cha lẫn mẹ như anh.

Ông Đức nhìn con trai chỉ biết thở dài rồi gật đầu, thôi thì hoàn cảnh vậy thì đành chấp nhận, ông bà bây giờ cũng chỉ mong cho mấy bố con mạnh khỏe, học hành, làm việc được suôn sẻ là ông bà mừng rồi. Chuyện sau này tới đâu thì tính tới đó, nếu đã là số phận thì cũng khó mà thay đổi được…


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương