Khế Ước Của Mợ Tư

Chương 7



Hiếm hoi mới có một lần bà Mười Chi chủ động gọi cho tôi, vẫn là thái độ của người có tiền, giọng nói thào thào nhưng lại nói rất nhanh:
– Bên đó có nghi ngờ gì cô không? Có ai nói gì không vậy?
Tôi giữ thái độ nghiêm túc trước sau như một, bà Mười Chi hỏi gì thì tôi trả lời cái đó.
– Không có nghi ngờ, cũng không có ai nói gì. Chẳng qua là hay bị ăn hiếp, ở đây toàn người ghét con gái bà ra mặt thôi.
Giọng của bà Mười Chi có chút tức giận.
– Cái lũ này… mẹ bà… nghĩ tới thấy tức! Mày sống ở đó, ai có nói gì mày thì mày trả lời lại cho tao. Mày không phải lo tới chuyện sợ tao bị mắng vốn… chỉ cần mày không g.i.ế.t người rồi đổ tội lên đầu con gái tao là được.
Tôi khẽ đáp:
– Thì tôi cũng đâu có để cho mình bị ăn hiếp, nhưng tôi phải công nhận là con gái bà hiền quá… ở đây toàn cọp với rắn… hiền như con bà thì sao mà sống cho nổi.
– Thì đó! Bởi vậy mày lấy lại công bằng cho con tao, chứ phải tao làm dâu bên đó là nhà đó c.h.ế.t mẹ hết với tao rồi! Mà quên nữa, thằng Tư chồng mày có nghi ngờ gì mày không?
Nghe tới hai chữ “chồng mày”, da gà da vịt tôi nổi lên rần rần, tôi nói:
– Cậu Tư không có nghi ngờ gì, tôi cũng có nói với cậu ta là tôi không còn nhớ được gì hết… bị tai nạn thay máu nên chắc đổi tính đổi nết luôn.
– Rồi nó có tin mày không?
– Tin chứ! Không tin thì tôi còn ở đây được tới bây giờ à?
Bà Mười Chi nghe tôi nói như vậy, bà tương đối yên tâm, tiếp tục căn dặn:
– Ừ, vậy thì tốt, mà mày cũng phải khéo khéo một chút. Lỡ xui bị phát hiện ra thì cũng phải để tới lúc thằng Tư nó li dị mày mới được, chứ bây giờ mà bị phát hiện ra thì hỏng hết công chuyện nhà tao. Mày cứ yên tâm, cha với em mày đã có tao lo, mày cứ thoải mái mà sống. Tao cũng không có ép mày sống hiền sống hậu làm gì, miễn sao mày đừng có phóng hỏa g.i.ế.t người là được. Mày ngang tàn một chút cho tao, thằng Tư nó khó tánh, thấy mày hung dữ quá thì kiểu gì nó cũng chịu không nổi mà bỏ mày hà!
Tôi nhíu mày, tôi hỏi:
– Còn lỡ cậu Tư không chịu ly hôn thì sao?
Bà Mười Chi đáp thẳng:
– Thì thôi chứ sao! Tao với mày giao kèo rồi mà, sướng nhờ khổ chịu… chứ nếu tao chắc ăn là thằng Tư nó ly hôn với con gái tao thì tao mướn mày làm gì cho tốn tiền tốn của. Mày mà léng phéng là không có yên với tao đâu, mày liệu mà thu xếp sống cho đàng hoàng, đừng để con gái tao mang tiếng.
Tôi bỉu môi, khó chịu lên tiếng:
– Con người tôi uy tín, bà không cần nhắc đi nhắc lại những chuyện đó. Nhưng có chuyện này tôi cũng phải nói thẳng với bà, con gái của bà cũng có hiền lành gì, để lại một đống rác… bắt tôi dọn muốn khùng luôn nè bà Mười Chi!
– Rác gì? Con tao làm gì mà mày nói vậy?
Sẵn chuyện, tôi nói luôn:
– Làm sao tôi biết được, nhưng theo tôi tìm hiểu thì cô Út Lụa có liên quan gì tới ông chủ nhà này… tôi hỏi thiệt bà… bà có giấu tôi cái gì không vậy? Tôi không muốn mang cái tội danh l.o.ạ.n luân gì đâu đó, bà nói thiệt đi, đừng có mà gài tôi!
Tôi vừa dứt câu, bà Mười Chi bên kia điện thoại liền quát ầm lên, bà ta mắng:
– Con quỷ nhỏ! Mày đừng có tào lao dùm tao đi, làm gì có chuyện con gái tao làm ra mấy chuyện ô uế thanh danh đó. Thằng Tư bên đó cũng đẹp trai phong độ chứ có đui mù gì đâu mà nói con tao l.o.ạ.n luân với ba chồng… tao kí đầu mày bây giờ, đừng có tào lao!
– Vậy chứ lý do gì con gái bà bị ghét dữ vậy? Cái này là bà phải biết, đúng chưa?
Với câu hỏi này thì bà Mười Chi không hùng hổ quở mắng nữa, tôi nghe thấy bà im lặng, khoảng chừng vài giây sau, bà ta mới dịu giọng trả lời:
– Thì… cái này tao cũng không biết nhiều đâu… nhưng con người tao cũng muốn rõ ràng… để tao nói luôn cho mày liệu. Ba chồng của mày, ổng bị bệnh gì đó nghiêm trọng lắm. Bữa đó xui sao con Lụa đi lộn vô phòng ổng… mà con nhỏ chưa có kịp làm gì hết là ổng tự dưng co giật rồi ói ra máu đống đống… sau đó thì sao tao không có biết, nhưng hình như là ổng cũng chưa có c.h.ế.t. Rồi đó, chỉ có nhiêu đó thôi, chỉ có bấy nhiêu mà ghét con gái tao ra mặt, hành hạ đổ thừa đủ thứ. Chứ lúc đầu nhà bên đó đâu có ghét con gái tao đâu mạy, hai bên nhà môn đăng hộ đối… con tao là cành vàng lá ngọc chứ phải lá mít rụng ngoài vườn đâu!
Tôi khẽ gật gù, thì ra là vậy, bởi vậy tôi nói phải có nguyên do làm sao thì mới bị người ta ghét, chứ không không làm sao mà bị ghét dữ như vậy được. Nhà bà Mười Chi và nhà họ Trần này cũng được coi là môn đăng hộ đối, chưa kể cậu Tư lại còn là con trai của bà Hai nhà này, dễ dầu gì bà Hai để con trai mình cưới người không xứng!
Thấy tôi im lặng không nói gì, bà Mười Chi lại tiếp tục cảnh cáo tôi:
– Đó, tao nói hết cho mày biết rồi đó, mày liệu cơm gắp mắm, đừng có báo đời tao là được. Tao bây giờ không có thiết tha gì sui gia với nhà bên đó nữa, nhưng mấy chỗ làm ăn toàn quan trọng, không có cắt đứt được với nhà họ Trần. Từ đợt con Lụa bị ghét, tao coi như cũng chịu thiệt, thua lỗ không ít. Nhưng đám bọn họ vì dính công việc với dính quan hệ họ tộc nên mới không dám cắt đứt với tao. Thành thử ra bọn nó mới đè đầu con Lụa mà trút giận. Nói chung, tao mướn mày, mày cứ làm công việc của mày, mày thay con tao làm dâu… ăn thua cái nết của mày có khôn khéo không thôi… chứ con gái tao chịu thua rồi… không trông cậy được nữa.
Hỏi thì là hỏi cho biết, chứ tôi thừa hiểu tôi không có được cái quyền rút lui. Mà thà là bà Mười Chi nói huỵch toẹt ra như vậy, tôi còn biết đường mà tính toán, biết đường mà xử sự. Theo như dự cảm của tôi thì nhà họ Trần này sẽ không dễ dàng để Út Lụa rời đi, vậy nên chuyện cậu Tư chịu ly dị với Út Lụa là chuyện cực kỳ không khả quan. Mà nếu cậu Tư đã không có ý định ly hôn thì tôi phải tìm đường để tôi được sống tốt. Chứ tôi sợ theo cái đà này hoài, tôi sẽ bị hành đến tan xương nát thịt mất…
Đã bị má chồng ghét, chồng thì hờ hững, con quỷ tiểu tam đâm thọc sau lưng, lại còn thêm mối quan hệ tranh giành gia tài sứt đầu mẻ trán. Chưa kể tới việc Út Lụa còn là tội nhân của cái nhà họ Trần này nữa chứ. Hiaz, chỉ cần nghĩ tới thôi cũng đã thấy khó thở rồi chứ nói gì là sống không được tốt. Kiểu này, tôi phải tự mình đấu tranh vì bản thân mình mà thôi, không thể trông đợi vào ai được… thật sự!
______________________________
Sáng sớm, vú Tám đã lên phòng gõ cửa tìm tôi, vú thông báo với tôi là bữa nay có thầy Phù tới khám cho người ở trong nhà, kêu tôi sửa soạn rồi xuống nhà gấp. Tôi có hỏi qua O Lan, O nói thầy Phù là thầy lang đông y cực kỳ có tiếng ở trong vùng. Các đời nhà họ Trần đều theo chữa bệnh đông y, nhất là khoản thai sản mang thai và sinh con.
Thú thật thì tôi không tin tưởng mấy vào thầy thuốc đông y gì gì đâu, bởi theo quan điểm của tôi, có bệnh cứ tới thẳng bệnh viện, thời này làm gì còn thầy lang giỏi nữa mà tin. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy chứ tôi đâu có dám cãi lời má chồng, tôi mà dám không nghe theo, má chồng tôi chửi tôi c.h.ế.t!
Người nhà họ Trần tập trung đông đủ, hiếm hoi mới có bữa cậu Tư được nghỉ ở nhà. Nghe nói thời gian này cậu Tư bận dữ lắm, bình thường rất ít khi ở nhà. Chỉ thi thoảng là về nhà ăn cơm cho có mặt xong rồi đi liền, buổi tối còn không ngủ lại chứ nói gì là ở nhà mỗi ngày. Tính ra từ bữa đến đây tới giờ, tôi gặp được cậu có mấy lần chứ nhiêu, nhiều khi không để ý là quên luôn tôi đang là người có chồng…
Mà cứ hễ cậu Tư ở nhà là Thúy Kiều đột nhiên trở nên hiền dịu ngang hông, cô ấy nói chuyện với tôi toàn thưa thưa dạ dạ, thảo mai thấy sợ. Bộ cô ấy tưởng làm vậy là cậu Tư sẽ tin cô ấy nết na thùy mị hay gì, đúng là ngây thơ hết sức!
Tôi ngồi bên cạnh mợ Hai Thôi, thầy Phù lúc này đang bận rộn kiểm tra sức khỏe cho cậu Hai. Cậu Hai dáng dấp cũng cao to, nhưng thần kinh hơi yếu, lúc khờ khạo, lúc bình thường. Nhưng nói là bình thường thì cũng không được bình thường cho lắm. Bởi cậu ấy suốt ngày chỉ rúc với đám người làm, hết đi đá gà rồi chơi bài bạc. Mà chơi bài bạc với đá gà có ăn được đồng bạc nào đâu, toàn bị dụ, toàn thua với thua. Tôi thiệt không biết diễn tả cậu Hai làm sao, bởi nói cậu ấy khờ khạo như con nít thì cũng không phải, mà nói cậu ấy bình thường thì cũng không đúng. Chỉ được cái tính tình hiền lành, không đánh không mắng ai bao giờ, vui thì cười, không vui thì đi tìm niềm vui… nết dễ chịu!
Mợ Hai có vẻ sốt ruột lắm, tôi thấy mợ cứ chăm chăm nhìn về phía chồng, phải tới khi thầy Phù nói là cậu Hai sức khỏe bình thường, mợ mới thở ra một hơi yên tâm. Bệnh của cậu Hai không chữa được, sinh ra đã khờ khạo, chỉ uống thuốc để ổn định thần kinh, giúp tinh thần thoải mái lạc quan hơn thôi. Chứ nói để chữa cho cậu Hai hết khờ thì chắc chắn là không được, có Hoa Đà tái thế cũng không cách nào chữa được.
Sau khi khám cho cậu Hai xong, thầy Phù lại bắt mạch một lượt cho từng người trong nhà. Thầy bắt mạch cho người nào xong thì cầm bút viết vào sổ riêng. Cũng không có nói là sức khỏe tốt hay không tốt, thầy chỉ gật gù rồi tự lẩm nhẩm trong miệng… trông không uy tín cho lắm…
Đang suy nghĩ vu vơ thì tới lượt tôi khám, thầy Phù bắt mạch cho tôi, vẫn như thường lệ, thầy vừa bắt mạch vừa ghi ghi chép chép. Đột nhiên đang ghi chép nửa chừng thì thầy dừng lại, thầy khẽ ngước mắt lên nhìn tôi, mi tâm hơi nheo lại, trông có vẻ suy tư dữ lắm. Tôi thấy thầy dừng bút hẳn, sau đó là vỗ vỗ lên bắp tay của tôi rồi lại tiếp tục xem mạch tượng thêm một lần nữa.
Được chừng khoảng vài giây, thầy Phù mới buông tay ra khỏi cổ tay tôi. Thầy lúc này không ghi chép nữa mà trực tiếp cất giọng trầm trầm hỏi tôi.
– Nghe nói… mợ Tư vừa bị tai nạn nghiêm trọng… bị mất trí nhớ hả mợ?
Nghe thầy Phù hỏi, tự dưng tôi thấy lo lắng ngang hông. Tôi cố giữ bình tĩnh, nghiêm túc trả lời:
– Dạ, đúng vậy ạ.
Thầy Phù vẫn nhìn tôi chằm chằm, thầy đột nhiên lại hỏi một câu hết sức kỳ lạ:
– Mợ sinh ngày bao nhiêu vậy? Mợ có nhớ không? Ghi ra giấy giúp tôi được không?
Tôi… hoang mang thật sự. Nhưng mà cũng may là tôi đã học thuộc lòng ngày sinh của Út Lụa, coi như tự tin có thừa. Tôi “dạ” một tiếng, sau đó cầm bút ghi lại ngày sinh của Út Lụa. Ghi xong, tôi mới vờ hỏi thử thầy Phù:
– Dạ… không biết là có chuyện gì không hả thầy?
Thầy Phù nhìn vào ngày sinh của tôi trong giấy, sau đó lại ngước mắt sang nhìn tôi. Thầy không nói gì nhiều, chỉ nhẹ nhàng lắc đầu bảo là không có gì quan trọng. Sau đó thầy tiếp tục khám cho Út Duyên và bà Tư, cuối cùng vẫn không nhắc tới chuyện vừa rồi của tôi…
Khám xong qua một lượt, thầy mới nói với má chồng tôi, thái độ rất thản nhiên, không giống với thầy thuốc bình thường một chút nào.
– Bà Hai yên tâm, sức khỏe của mọi người rất tốt… tôi sẽ kê thuốc riêng cho từng người… lát nữa bà kêu đứa nào đi theo tôi rồi đem thuốc về uống. Tùy người sẽ có thuốc bổ khác nhau, không ai giống ai, không được uống nhầm, không được uống quá liều lượng tôi đã cho.
Má chồng tôi đối với thầy Phù cực kỳ tin tưởng, bà dịu giọng, khẽ hỏi:
– Vậy… còn về chuyện sinh con của mấy đứa dâu… thì sao hả thầy?
Thầy Phù trước sau như một, ánh mắt luôn nhìn thẳng, không liếc ngang liếc dọc, cũng không đảo mắt xung quanh. Thầy nhìn thẳng vào má chồng tôi, lời nói chắc nịch và cương trực:
– Chuyện này… tôi sẽ nói với ông Trần trước rồi coi ý của ông Trần thế nào, tôi sẽ nói lại với bà Hai sau. Thì cứ theo như thuốc bổ của tôi kê mà uống, còn nếu bà Hai không yên tâm thì cứ để mấy mợ đi bệnh viện khám, như vậy sẽ chắc ăn hơn. Riêng tôi thì tôi không nói gì, bởi ông Trần không cho tôi nói.
Thầy Phù cự tuyệt cho biết kết quả, ấy vậy mà má chồng tôi vẫn không giận, ngược lại còn nói cảm ơn rối rít.
Trước lúc ra về, thầy Phù đột nhiên kêu cậu Tư ra ngoài nói chuyện riêng. Trước khi thầy ấy rời đi, tôi rõ ràng thấy thầy nhìn lướt sang tôi… ánh mắt dò xét của thầy làm tôi sợ muốn chớt…
Thôi xong rồi! Cầu Trời cho thầy Phù đừng phát hiện ra tôi là hàng “pha kè”. Nếu mà để cậu Tư biết tôi không phải là Út Lụa chắc cậu đuổi cổ tôi ra khỏi nhà luôn quá. Lúc đó tôi biết sống sao… cha với em trai tôi biết sống làm sao? Khổ thân tôi quá mà! Nghèo nó hay xui dữ lắm, nói không tin đâu!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương