Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 28



Tôi khẽ giật mình, nhìn người phụ nữ sang trọng quý phái kia thêm vài giây mới chợt nhớ ra bác ấy là mẹ của Khánh. Là người mà tôi đã từng trông thấy ở sân bệnh viện cách đây hơn nửa năm, người mà anh luôn miệng gọi “mẫu hậu, mẫu hậu” mỗi khi nói chuyện điện thoại.
Tôi lúng túng gật đầu:
– Vâng ạ. Cháu chào bác.
– Cô biết tôi phải không?
– Hình như… cháu đã từng thấy bác một lần rồi ạ.
– Còn tôi đã từng nghe về cô rất nhiều rồi.
Bác gái mỉm cười, vẻ mặt rất ôn hòa, nhưng khí chất sắc bén của một người phụ nữ giàu có và thành đạt không thể lẫn đi đâu được:
– Tình cờ gặp được cô ở đây, cô có thời gian không? Nói chuyện với tôi một lúc.
– Dạ vâng ạ.
Trên tầng 25 của khách sạn có một quán cafe, nơi này chỉ dành cho người giàu nên tôi chưa từng lên bao giờ. Bác gái với tôi chọn một bàn yên tĩnh ngay gần ban công, gọi ra hai ly nước cam, trong lúc chờ đợi phục vụ mang lên, bác gái mới nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt:
– Ở ngoài cô xinh hơn trong ảnh.
Tôi sửng sốt ngước lên, không nghĩ là bác ấy đã từng xem ảnh tôi nên ngạc nhiên hỏi:
– Bác nhìn thấy ảnh của cháu rồi ạ?
– Ừ. Bạn gái của con trai tôi hồi ở bên Mỹ, tôi biết cũng là chuyện bình thường thôi mà.
Bác gái uống một ngụm trà, bình thản trả lời tôi:
– Tôi cũng biết lâu nay cô đang ở cùng nhà với nó.
– À… dạ.
– Đừng sợ, tôi không có ý định bảo cô rời xa con tôi hay làm khó cô. Tính của con trai tôi, tôi biết, càng ngăn cấm thì nó lại càng không nghe lời. Hôm nay tôi chỉ muốn nói với cô vài câu thôi.
Ban đầu tôi nghĩ bác ấy sẽ nói mấy lời cay nghiệt như mấy “quý bà giàu có” trên phim truyền hình, hoặc là đưa cho tôi một phong bì, bảo tôi rời xa anh. Nhưng bác gái lại tỏ vẻ khiêm nhường và nhẹ nhàng như vậy khiến tôi rất sửng sốt.
Nỗi căng thẳng trong lòng tôi khẽ dịu xuống, tôi nói:
– Vâng. Cháu đã nghe anh Khánh nói đến bác rất nhiều rồi. Anh ấy hình như rất hòa hợp với bác.
– Ừ, nó chỉ không hòa hợp với bố nó thôi. Hai bố con như nước với lửa, nhưng mà nhà tôi cũng chỉ có mình nó, dù không hòa hợp thì cả cái cơ nghiệp này cũng vẫn phải giao cho nó gánh vác. Lúc đầu cứ lo thằng con trai trời đánh này chẳng làm được gì nên hồn, nhưng hôm nay đến họp tổng kết năm mới biết, một năm nay có nó, doanh thu của tập đoàn tăng cao chưa từng có.
Khi nói những lời này, ngữ điệu của bác gái không giấu nổi vẻ yêu thương lẫn tự hào, tôi dường như cũng bị lây truyền cảm xúc này, khoé miệng khẽ cong lên:
– Vâng. Cháu thì không hiểu nhiều về chuyện kinh doanh, nhưng cháu thấy anh ấy rất bận. Có hôm làm việc đến tận khuya mới ngủ. Anh ấy hay nói đùa, bảo bố anh chỉ chờ anh về để giao việc cho anh.
– Ừ. Bố nó sợ nó mãi không thoát ra được chuyện cũ. Cứ ở lì bên Mỹ không chịu quay về.
Bác gái nói đến đây lại nhìn tôi:
– Nó chắc cũng biết cô đã có chồng rồi, phải không?
Tim tôi bỗng nhiên nhói lên một cái, tôi xấu hổ không dám nhìn thẳng bác gái, khó khăn lắm mới nói được một câu:
– Vâng, anh ấy biết ạ.
– Chồng cô bệnh tật như thế, tìm đến nó cũng là chuyện dễ hiểu. Tôi thông cảm được. Nhưng Linh này, cô có thấy như thế là thiệt thòi cho nó không?
Bác gái bây giờ mới bắt đầu đi vào vấn đề chính, thanh âm nhẹ nhàng, nhưng mỗi câu đều chọc đúng điểm yếu nhất của tôi.
Nếu đặt mình vào vị trí của mẹ anh, tôi cũng không muốn con trai mình dây dưa với một người phụ nữ có bố ngồi tù, lại đã kết hôn như vậy. Tôi không trách bác gái, người lại còn phải cảm ơn vì mẹ anh không cay nghiệt, cũng không mắng chửi tôi.
Tôi mỉm cười gật đầu:
– Cháu cũng thấy thế bác ạ. Cháu biết anh Khánh còn tương lai rộng mở như thế, ở bên cháu cũng không phù hợp. Nhưng chuyện tình cảm rất khó nói, nhiều khi không phải phù hợp mới ở bên nhau, mà là cả hai người yêu nhau nên muốn ở cùng nhau. Cháu cũng nói với anh Khánh, đợi một thời gian nữa cháu với người bạn kia chấm dứt thì mới tính đến chuyện tương lai, không biết sau này anh Khánh định thế nào, nhưng nếu anh ấy cảm thấy thiệt thòi khi ở bên cạnh một người như cháu, cháu sẽ buông tay bác ạ.
– Nó là đứa cố chấp, một khi nó xác định yêu ai sẽ không buông tay.
Bác gái uống thêm một ngụm trà, động tác rất thong dong chậm rãi, rất cao quý, khác hẳn một người như tôi:
– Từ trước đến nay tôi chưa từng thấy nó nghiêm túc với ai, duy nhất chỉ có một lần ở Mỹ, tôi là mẹ nó, tôi nhìn ra nó nghiêm túc với cô.
Lòng tôi thoáng chấn động, hồi ở Mỹ tôi luôn nghĩ Khánh chỉ là một tên đào hoa phong lưu, anh còn từng phản bội tôi. Đến bây giờ, dù đã quay lại với nhau nhưng nó vẫn là vết sẹo mà tôi không muốn nhắc lại, cũng không muốn nhớ lại.
Tôi không hiểu vì sao mẹ anh lại nói 6 năm trước anh nghiêm túc với tôi, định hỏi, nhưng bác gái đã nói trước:
– Nói cái này cô đừng cười, nhà tôi chỉ có một đứa con trai, nhất cử nhất động của nó đều có người theo dõi rồi báo lại cho tôi. Từ lần đầu nó gặp cô cho đến khi hai đứa chia tay, tôi đều biết hết. Thế nên tôi mới có ảnh của cô.
– À… vâng ạ.
– Tôi không phải là người cổ hủ hay áp đặt con cái gì, nó yêu ai, lấy ai là quyền của nó. Mặc dù gia đình cô không được hoàn hảo, hay là cô đã kết hôn, tôi cũng không can thiệp. Tôi chỉ hy vọng con trai tôi được sống vui vẻ hạnh phúc.
Nói đến đây, bác gái mới buông cốc trà rồi nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Nhưng 6 năm trước, chứng kiến nó suýt mất mạng, tôi mới hiểu ra, nhiều khi để con cái tự do cũng không hẳn là tốt cho nó. Nếu lúc đó tôi ngăn cản nó, tôi bắt nó quay về thì sẽ không xảy ra những chuyện đau lòng sau này. Nó cũng không phải lang bạt ở Mỹ tận sáu năm, không quay về Việt Nam.
– …
– Thế nên lần này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Thứ nhất là việc cô quay lại với nó vì cái gì, thứ hai là về việc liệu nó có phải đau khổ thêm lần nào nữa không. Nói thật với cô, làm mẹ như tôi, không thể chứng kiến con mình cứ liên tục đau khổ vì một người phụ nữ được.
Tôi không hiểu được những lời bác gái nói, cũng chẳng rõ sáu năm trước tôi đã làm sai chuyện gì nên hỏi:
– Cháu có thể biết sáu năm trước đã xảy ra chuyện gì được không ạ?
Đáy mắt bác gái sượt qua một tia sửng sốt, nhưng rất nhanh sau đó lại quay về vẻ lạnh nhạt như cũ. Bác gái nhìn tôi hồi lâu, dường như đã hiểu ra chuyện gì đó nên lát sau mới nói:
– Tóm lại, đó là chuyện tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ không muốn con tôi đi vào vết xe đổ ngày đó, không muốn nói tiếp tục chịu tổn thương.
– Cháu… không muốn làm anh ấy tổn thương.
– Phải không?
Khóe môi bác gái nở ra một nụ cười rất lạnh và rất nhạt:
– Nhiều khi, những việc cô từng làm, cô nghĩ không làm tổn thương đến nó nhưng sự thực là có đấy. Tôi ví dụ một điều dễ hiểu nhất nhé, cô thử nghĩ mà xem, làm gì có ai chịu được việc chung chạ với người đàn ông khác? Ngày ngày đưa tiền cho cô chữa bệnh cho chồng cô? Ngày ngày nhìn cô đến chăm sóc người khác? Chẳng qua vì nó yêu cô nên mới tỏ ra không để bụng mà thôi. Lòng nó thế nào, tôi là mẹ nó, tôi hiểu nó nhất.
Tôi á khẩu không nói được lời nào, bởi vì không phải chỉ có mẹ anh hiểu anh, đêm qua, khi anh ôm lấy tôi nói “Em hãy sớm ly hôn đi”, tôi cũng cảm nhận được sự giằng xé khôn nguôi trong lòng anh.
Đó là lòng tự tôn của đàn ông, cũng là điều mà mẹ anh có thể nhìn thấy rõ nhất.
Tôi cúi thấp đầu, do dự mãi mới nói ra được một câu:
– Giữa cháu và bạn cháu không có gì, chỉ là cháu nợ anh ấy ân tình. Anh Khánh cũng hiểu điều đó bác ạ.
– Hiểu, nhưng không có nghĩa là nó không khó chịu. Tôi nói rồi, một lần nhìn con trai tôi như vậy là đã quá đủ với người mẹ như tôi, bây giờ bất cứ thứ gì có thể làm tổn thương con tôi, tôi cũng rất khó chấp nhận.
– Vâng, cháu biết.
– Tôi sẽ không khuyên cô rời xa con trai tôi, bởi vì khi cô rời xa nó, nó sẽ rất đau lòng. Tôi đến gặp cô chỉ để nói một điều, với tư cách là một người mẹ, coi như tôi nhờ cô, nếu yêu nó thì đừng bao giờ làm tổn thương nó.
Những lời này của bác gái khiến tôi rất kinh ngạc, mở to mắt nhìn bác ấy rất lâu, rất lâu, sau đó từ đáy lòng xông lên một nỗi xấu hổ và day dứt vô bờ bến. Tôi run run nói:
– Cháu xin lỗi bác.
– Đừng xin lỗi tôi, nếu có thể hãy nghĩ đến tương lai của nó.
Dứt lời, bác gái đứng dậy vỗ vỗ vai tôi rồi rời đi. Tôi vẫn ngồi đực ra một chỗ, nhìn cốc nước cam vẫn còn nguyên trên bàn đến thất thần.
Tôi nghĩ lại tất cả những thứ mình đã làm từ khi gặp lại, ban đầu là cay nghiệt đáp trả anh, sau đó khi chồng tôi gặp khó khăn, tôi lại tìm đến anh để ra điều kiện. Nếu đổi lại tôi là anh, khi nhìn thấy người phụ nữ tôi yêu vì một người đàn ông khác mới đến tìm tôi, dám trao đổi bản thân chỉ để lấy tiền cứu người kia, tôi sẽ có cảm giác thế nào?
Sau đó, ngày nào cũng chứng kiến tôi đến thăm “chồng mình”, nấu một nồi cháo cũng để cho chồng, phần thừa chừa lại cho anh, anh sẽ cảm thấy ra sao?
Còn nữa, lần đầu tiên ở bên cạnh nhau, tôi luôn ôm khư khư cái điện thoại đặt trên đầu giường, còn cố ý để chuông thật to, sợ bệnh viện gọi đến không nghe được. Lúc đó, Khánh nằm bên cạnh tôi sẽ nghĩ gì?
Còn rất nhiều, rất nhiều điều nữa, tôi ngày ngày luôn làm tổn thương anh, còn anh lại luôn bao dung và tỏ ra như không có chuyện gì, dù trong lòng luôn khó chịu nhưng ngay cả khi làm tình cũng chẳng nỡ ép tôi.
Mẹ anh nói đúng, nếu tôi yêu anh thì đừng nên làm anh phải đau lòng. Nhưng hiện tại, tôi có thể không làm anh đau lòng sao? Trung vẫn còn đó, bệnh tật của anh vẫn còn đó, tôi lại không thể từ bỏ được ân nhân của mình. Đường nào cũng là sai, đường nào cũng là làm tổn thương hai người đàn ông bên cạnh tôi, tôi biết phải làm sao bây giờ?
Tôi ngồi ở quán cafe cho đến khi bầu trời đã chuyển về chiều tối mới rệu rã đứng dậy đi về. Trên đường về, ngang qua tiệm đồng hồ, tôi vẫn bảo chú taxi dừng lại, vào chọn một chiếc có vẻ hợp với anh rồi đóng gói mang về.
Tôi biết, đồng hồ Khánh đeo toàn tiền tỷ, cái tôi mua chỉ có gần hai mươi triệu, chắc sẽ rẻ nhất trong đống đồ hiệu của anh, nhưng chắc chắn anh sẽ thích.
Bởi vì cái gì ư? Vì tôi biết anh yêu tôi, không rõ lý do tại sao anh lại yêu tôi đến tận chừng ấy năm, nhưng tôi có thể cảm nhận được tình yêu lớn lao vĩ đại của anh, thậm chí anh còn yêu tôi nhiều hơn cả cô gái trong chiếc điện thoại Sony Ericson kia.
Mẹ anh đã nói, trước nay anh chưa từng nghiêm túc với ai, trừ một mình tôi!
Tôi muốn bù đắp cho anh, hoặc là muốn chuộc lại một phần lỗi lầm của tôi nên tối hôm đó cố ý sửa soạn một mâm cơm thật ngon, xong xuôi mới nhắn cho anh một tin:
– Tối hôm nay anh có bận không?
– Sao thế? Nhớ anh à?
– Vâng, em nhớ ông xã.
Anh ngay lập tức gửi lại một icon mặt cười:
– Tối nay anh có lịch đi gặp đối tác, nhưng vì vợ nhớ anh nên anh hủy đây. Anh phải về phục vụ vợ mới được. Vợ ở nhà tắm rửa sạch sẽ đi, 30 phút nữa anh về.
Tôi đọc tin nhắn, lòng đang ủ rũ cũng phải bật cười. Anh luôn như vậy, rất biết cách làm tôi vui:
– Có hẹn thì anh cứ đi gặp đối tác đi, em chờ cũng được mà.
– Đối tác nào quan trọng bằng vợ đâu. Cứ ở nhà đợi anh. Tý nữa anh về nhé.
– Vâng. Ông xã, đi cẩn thận.
– Anh biết rồi.
Tôi ngoan ngoãn nghe lời anh, lên phòng tắm rửa, lúc đi ra thì thấy điện thoại có 4, 5 cuộc gọi nhỡ. 3 cuộc của bệnh viện, 2 cuộc là của Thanh gọi đến.
Tim tôi lập tức nhói lên một cái, vội vàng bấm số gọi lại. Đầu dây bên kia vừa kết nối, Thanh đã hốt hoảng nói với tôi:
– Chị ơi, em gọi cho chị mãi không được. Anh Trung vừa phải cấp cứu chị ạ.
– Sao thế? Có chuyện gì thế em?
– Tự nhiên anh ấy lịm đi chị ạ, em không biết bị sao nữa, giờ anh ấy đang trong phòng cấp cứu.
– Chị đến ngay.
Tôi vội đến mức chỉ kịp mặc quần áo rồi phi ra khỏi cửa, lòng như lửa đốt chạy như bay đến bệnh viện. Lúc đến nơi, bác sĩ cũng vừa đẩy anh từ phòng cấp cứu ra, sắc mặt Trung tái nhợt, trên miệng vẫn còn đeo mặt nạ khí dung.
Tôi cuống lên hỏi bác sĩ:
– Bác sĩ ơi, anh ấy bị sao thế ạ? Tình hình ổn chưa bác sĩ?
– Bị co giật, tạm ổn rồi. Bây giờ đưa về phòng nghỉ ngơi theo dõi.
– Vâng, vâng.
Vì suy thận giai đoạn cuối sẽ có rất nhiều biến chứng nên chuyện bị co giật thế này không thể lường trước được, bác sĩ nói tuy thời gian này sức khỏe anh đã khá hơn, nhưng chức năng của thận thì càng ngày càng suy giảm, hàm lượng Kali trong máu tăng cao, cơ thể lại bị tích nhiều nước, không biết tim sẽ ngừng đập lúc nào.
Nghe những điều này tôi rất đau lòng, nhưng chẳng thể làm gì khác, chỉ có thể túc trực bên giường cùng anh. Thanh thấy vậy cũng không làm phiền, chỉ lẳng lặng nhìn Trung thêm vài giây rồi đi ra ngoài.
Tôi nhìn gương mặt tiều tụy của anh rất lâu, rất lâu, sau đó mới khó khăn mở miệng:
– Hôm qua vẫn đang còn khỏe mạnh mà. Anh tự nhiên như thế, em lo lắm, anh biết không?
Trung khẽ mỉm cười, mấy ngón tay mảnh khảnh của anh co lại, nắm lấy tay tôi:
– Đừng lo, anh không sao đâu. Em khóc anh đau lòng lắm.
– Em có khóc đâu.
Tôi quệt nước mắt, rõ ràng hai mắt đã đỏ hoe nhưng vẫn cố chấp nói dối:
– Tại bụi bay vào mắt em đấy.
– Đồ ngốc.
Ánh mắt anh rất dịu dàng, rất bình an, nhưng sâu thẳm trong đó không giấu được sự đau lòng và luyến tiếc. Anh im lặng nhìn tôi, một lúc sau mới chậm chạp mở miệng:
– Linh này.
– Dạ.
– Hay là em tìm người khác đi. Một người nào yêu em, thương em. Anh chẳng thể cho em được gì cả.
Tôi sửng sốt kêu lên:
– Anh nói gì thế? Bây giờ anh phải giữ sức khỏe, đừng nói đến những chuyện đó. Anh sắp được ghép thận rồi, sắp khỏi ốm rồi.
– Ghép thận thì cũng chỉ sống được 10 năm, 15 năm. Cũng không thể ở bên em cả đời. Nghe anh, sau này tìm một người khác tốt hơn anh, lấy người ta, sinh con đẻ cái. Ở bên anh em không có tương lai gì, cả ngày phải chăm sóc lo lắng cho anh. Anh không muốn làm gánh nặng cho em, thật đấy.
– Phỉ phui cái mồm, anh đừng nói linh tinh. Anh không phải là gánh nặng của em, em chẳng thấy nặng gì cả, không ở bên cạnh anh thì em mới lo lắng, mới đau lòng. Em xin anh đấy, anh đừng nói những lời như thế nữa.
Trung nhìn tôi sâu nặng, gương mặt anh rất buồn, nhưng dường anh còn sợ bản thân mình làm tôi buồn hơn nên chỉ bảo:
– Em hứa với anh được không?
– Không, em không hứa. Em không hứa chuyện gì hết. Anh đừng nói linh tinh.
– Linh, hứa với anh, nếu anh c.hế.t, em phải tìm một người khác, phải sống hạnh phúc vui vẻ, được không?
Nước mắt tôi rơi đầy mặt, tôi lắc đầu nguầy nguậy:
– Không hứa, không hứa, em không muốn nghe, anh đừng nói nữa, em không muốn nghe.
– Coi như anh xin em.
Lồng ngực tôi phảng phất như bị một mũi thương sắc nhọn xuyên qua, thủng một lỗ, vừa đau đớn vừa hụt hẫng trống rỗng, rất khổ sở nhưng không biết phải làm sao.
Tôi liên tục khóc:
– Sao anh lại như thế? Anh nói những lời như thế không sợ em buồn à? Bây giờ việc của anh là phải mạnh khỏe, sao anh lại cứ nói gở như thế? Em chỉ muốn anh nhanh được khỏe mạnh rồi về với em thôi.
– Hứa với anh đi.
Nhìn vẻ mặt kiên quyết cùng ánh mắt mong chờ của anh, tôi biết mình không thể lay được chuyển, dường như anh hiểu tình trạng bệnh của mình nên mới muốn tôi hứa như vậy.
Tôi không còn cách nào, cuối cùng, đành vừa khóc vừa nói:
– Được rồi, em hứa, em hứa. Nhưng anh cũng phải hứa với em, anh phải cố gắng đến phút cuối cùng, phải kiên cường chống đỡ, không được buông xuôi. Anh hứa với em đi.
– Ừ, anh hứa.
Mãi đến khi Trung ngủ rồi, tôi mới có thời gian lôi điện thoại ra, lúc ấy đã gần 12 giờ đêm, điện thoại có mấy tin nhắn của Khánh.
Trước lúc đến bệnh viện, tôi đã nhắn cho anh một tin, bảo tôi có việc phải đi gấp, anh hãy về nhà đợi tôi. Có lẽ anh chờ lâu nên mới hỏi:
– Em vẫn chưa về à?
– Có cần anh đi đón không?
– Khoảng mấy giờ em về?
Tin nhắn gần nhất gửi cách đây hơn 20 phút, tôi biết anh đoán được tôi đi đâu, cũng hiểu anh lo cho tôi. Thế nên tôi không nhắn lại mà chỉ lặng lẽ ra ngoài hành lang, ấn điện thoại gọi cho anh.
Chỉ chưa quá ba hồi chuông, đầu dây bên kia đã nhấc máy:
– Alo.
– Anh ngủ chưa?
– Chưa. Em xong việc rồi à?
– Tối nay, khả năng… em không về được.
Đầu dây bên kia loáng thoáng có tiếng xe cộ, còn có tiếng hít thở rất khẽ, nhưng tôi vẫn có thể nghe ra được sự nặng nề trong đó. Tôi biết Khánh không vui, tôi lại làm đau lòng anh, nhưng thực sự chẳng còn cách nào khác, để Trung ở bệnh viện trong tình trạng thế này, tôi không đành lòng.
Lần đầu tiên, tôi nhắc đến tình hình của Trung trước mặt anh:
– Em xin lỗi. Anh ấy vừa mới cấp cứu, bác sĩ nói tình hình không khả quan lắm. Cho nên em tạm thời không rời bệnh viện được. Anh đừng giận em được không?
– Việc nên làm, giận làm sao được.
Tôi không nghe ra được anh đang nói thật hay châm chọc mình, cuối cùng chỉ có thể nhắc lại ba chữ:
– Em xin lỗi.
– Không cần phải xin lỗi. Anh hiểu.
– Em rất muốn về nhà với anh. Em đã nấu cơm rồi…
– Ừ, anh thấy rồi. Ở trên bàn.
– Anh ăn chưa?
– Giờ anh hâm lại ăn đây.
– Vâng, anh ăn đi. Mai em về với anh nhé. Mai em về với anh được không?
Tôi đau lòng nên nói cứ lặp đi lặp lại, mà Khánh có lẽ cũng hiểu được mâu thuẫn trong lòng tôi, cho nên anh nói:
– Ừ, mai rồi về. Đừng lo. Tối nay em cứ ở lại bệnh viện đi.
– Cảm ơn anh.
– Được rồi, anh đi hâm lại đồ ăn đây. Em cũng ăn gì đi, đừng để bụng đói.
– Vâng.
Cúp máy xong, tôi ngẩng đầu lên trời rồi thở hắt ra một hơi, cảm thấy trái tim như bị chia thành hai mảnh, mảnh nào cũng đều là khổ sở và đau lòng.
Tôi rất muốn về nhà, nhưng lại chẳng thể rời khỏi bệnh viện, cuối cùng chỉ có thể ôm chặt điện thoại, nhìn lên bầu trời cao rồi lẳng lặng ước một điều rằng: Tôi ước hai người đàn ông bên đời tôi đều được vui vẻ mạnh khỏe, tôi mong rằng cả hai bọn họ đều hạnh phúc, không một ai phải tổn thương vì tôi.
Bầu trời vào những ngày cận tết lấp lánh ánh sao, sương muối rơi dày đặc, những làn xe cộ bên dưới cũng dần dần thưa thớt. Tôi mải đứng trên hành lang hít thở mà không hề biết rằng, có một chiếc Porsche màu xám bạc vẫn lặng lẽ đỗ ở một nơi nào đó nhìn về phía tôi.
Cho đến khi tôi bước vào phòng bệnh, chiếc Porsche kia mới lẳng lặng rời đi. Yên tĩnh, thê lương và cô đơn lạc lõng, hệt như người đàn ông đã lái nó.
Anh, xin lỗi anh!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương