Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 21



Trước đây, tôi luôn nghĩ anh ta chỉ biết ép buộc tôi làm theo ý mình, kể cả việc đi du lịch này, nếu Khánh nhất quyết bảo tôi đi thì tôi cũng không từ chối được, bởi anh ta là người mua tôi.
Thế nhưng anh ta lại chọn cách nhẫn nại, thậm chí còn chủ động bảo để chị Hoa gọi điện thoại nói với chồng tôi một tiếng. Việc này khiến tôi rất ngạc nhiên, bởi vì một đại gia như anh ta lẽ ra không cần đối xử tử tế với tôi đến thế, nhất là tôi còn đang phụ thuộc vào anh ta.
Thật kỳ lạ, chẳng lẽ anh ta làm những điều này vì tôn trọng tôi?
Chuyện này và những lời Vân đã nhắn tin làm tôi suy nghĩ rất lâu, tôi không trả lời Khánh, mà anh ta cũng chẳng hỏi tôi thêm, chỉ kéo tôi nằm xuống giường rồi lặng yên ôm tôi ngủ.
Ngày hôm sau, theo lịch tôi sẽ đến Thanh Tuệ Đường đắp lá bữa cuối, nhưng mới sáng sớm Khánh đã nói phải có việc ra ngoài, dặn tôi cứ ở nhà vẽ tranh, đợi đến khi anh ta xong việc sẽ quay lại đón tôi.
Lòng tôi vẫn buồn bực nên đáp:
– Không cần đâu, anh bận việc thì cứ đi đi, tý nữa tôi tự bắt taxi đến cũng được. Hôm nay chân tôi sắp đi lại bình thường được rồi.
– Ông cụ chưa khám lại, chưa đi lại bình thường được.
Anh ta bỗng dưng cúi đầu xuống, ghé sát mặt xuống trán tôi:
– Ngoan, ở nhà đi, tôi đi một lúc thôi.
Anh ta vừa đánh răng xong, trong miệng toàn mùi bạc hà mát rượi. Bình thường tôi rất thích mùi này, thế nhưng có lẽ vì khoảng cách giữa chúng tôi quá gần, hoặc có lẽ vì người đàn ông kia quá dịu dàng, bất giác khiến chóp mũi tôi nóng ran.
Tôi ngọ ngoạy quay đầu đi, cố làm ra vẻ chẳng bận tâm đến anh ta:
– Tôi ngủ tiếp đây.
Bên tai có tiếng cười rất khẽ, hơi bạc hà kia lại tiếp tục phả vào vai tôi. Người tôi ngứa ngáy không yên, may sao Khánh cũng không dây dưa lâu, chỉ nói:
– Ừ, ngủ thêm đi. Tôi đi đây.
Tôi im re không trả lời, lát sau nghe tiếng xe anh ta đi ra khỏi nhà rồi, tôi mới dám lồm cồm bật dậy, đưa tay sờ lên mặt vẫn thấy hai má nóng ran.
Trước đây anh ta hay nói mấy lời châm chọc làm tôi khó chịu, nhưng bây giờ cái tên này tự nhiên đổi tính đổi nết, đối xử ngọt ngào ấm áp thế làm tôi… nổi da gà.
Nhưng tôi cũng không thể không thừa nhận rằng, dù nổi da gà nhưng tận sâu trong lòng tôi vẫn cảm thấy rất thích.
Phải… tôi thích! Đ.iê.n mất rồi!
Tôi vò đầu đầy đau khổ trên giường suốt mấy tiếng, vẽ hươu vẽ vượn được nửa bức chẳng nên hồn. Lát sau, bác Lan mang đồ ăn lên, thấy mặt mũi tôi ỉu xìu như bánh đa ngâm nước mới hỏi:
– Sao thế Linh? Chân vẫn còn đau à?
– À không ạ. Bác nấu món gì thế?
– Phở bò đấy. Sáng nay bác đi chợ thấy ít thịt bò tươi, mua về định làm bít tết bò, nhưng Khánh bảo cháu không thích ăn cái này nên bác nấu phở.
– À… vâng.
Bác Lan đặt tô phở nóng lên bàn, cầm gối tựa đặt sẵn vào ghế rồi định đi lại giường đỡ tôi.
Tôi không thích mọi người trong nhà cứ coi mình như kẻ tàn phế cần chăm sóc nên vội vã xua tay rồi tự trèo xuống giường, cầm nạng lặc liễng đi lại bàn. Lâu rồi không được ăn phở, tôi thích nên cười toe cười toét:
– Thơm quá. Bác Lan nấu ngon không kém đầu bếp ở khách sạn 5 sao.
– Con bé này, chỉ khéo mồm. Bác mà nấu ngon bằng đầu bếp khách sạn 5 sao thì Khánh đã bảo bác đến chỗ nó làm rồi ấy chứ.
Bác Lan đưa một đôi đũa cho tôi, cũng cười:
– Hôm nay cháu không phải đi đắp thuốc à?
– Có ạ, anh Khánh nói anh ấy bận việc, tý nữa xong mới đi được. Cháu đắp hết hôm nay là xong rồi.
– Ừ. Cháu thấy chân đỡ nhiều chưa?
– Đỡ rồi ạ. Cháu sắp đi được bình thường rồi. Thuốc của ông cụ đó hiệu quả thật đấy bác ạ, nhìn người cũng đẹp lão phúc hậu nữa.
– Cái ông cụ bốc thuốc Đông Y đó giỏi lắm nhé, lần trước Khánh nó bị cũng nặng lắm, thế mà uống mấy thang thuốc rồi đắp lá là đỡ đấy.
Bình thường tôi sẽ không tò mò chuyện riêng của anh ta, nhưng nghe bác Lan nói vậy, bỗng dưng lại muốn hỏi. Tôi muốn biết tại sao mẹ Khánh lại nói vài năm trước anh ta suýt c.hế.t nên nói:
– Anh ấy bị sao thế ạ?
– Một lần bị chém, một lần bị xuất huyết dạ dày.
Tim tôi bỗng dưng như bị một thứ gì đó va vào một cái, rất khó chịu, cũng rất khó tin:
– Bị c.hé.m ấy ạ?
– Ừ, lúc đó bác mới đến làm giúp việc bên nhà mẹ của Khánh ấy. Đợt đó thấy bảo bị ch.é.m bốn, năm nhát, có một nhát nặng nhất ở sau lưng, suýt nữa vào phổi đấy. Đợt đó mẹ Khánh khóc nhiều lắm, mà bác cũng thấy lạ, Khánh có bao giờ gây sự với ai đâu, rõ ngoan ngoãn lễ phép, không rượu chè hút chích, nhà cũng giàu có, có phải mấy đứa vớ vẩn đâu mà bị chém.
Sau chuyện bị bọn du côn đuổi lần trước, tôi nghĩ việc bị chém này cũng cũng liên quan đến chuyện kinh doanh của gia đình anh ta. Khánh nói đúng, thương trường giống như chiến trường, khốc liệt không nơi nào bằng.
Trong lòng hơi chua xót, tôi cầm cốc nước lên uống một ngụm mới hỏi tiếp:
– Vâng. Sau đó còn bị dạ dày hả bác?
– Ừ, uống nhiều rượu, làm việc quá độ rồi ăn uống linh tinh nên mới bị. Đợt đấy cũng uống thuốc Đông Y mới khỏi được đấy, lúc đầu đi bệnh viện chữa Tây y mãi cũng có hết được đâu.
Nói đến đây, bác Lan lại thở dài:
– Mà vừa mới khỏe lại là cậu ấy đi Mỹ luôn, mẹ cậu ấy nói mãi cũng nhất quyết không nghe. Đi biệt tăm biệt tích, mấy năm mới về một lần. Xong đến năm nay mới về hẳn đấy.
– À… vâng, cháu biết rồi ạ.
Bác Lan có vẻ rất quý Khánh, cả buổi sáng hôm ấy đã kể với tôi rất nhiều chuyện liên quan đến anh ta. Đa phần là khen, bởi vì theo như bác ấy nói: Con nhà giàu mà không kênh kiệu, lúc nào cũng vui vẻ tươi cười với tất cả mọi người như Khánh hiếm lắm. Làm việc ở nhà của anh ta cũng thấy thoải mái.
Bác Lan chỉ chê Khánh đúng một điều, đó là cố chấp. Có một vài thứ cố chấp đến nỗi tự làm thương tổn mình mà thôi.
***
Khánh bận rộn đến tận đầu giờ chiều mới quay về đón tôi đi đến Thanh Tuệ Đường được.
Ông cụ người Hoa tháo lá cũ cho tôi, lại xoay xoay cổ chân mấy vòng như lần trước, hỏi tôi có đau không. Tôi trả lời không có cảm giác gì, ông cụ mới gật đầu:
– Thế là được rồi. Từ mai không cần phải đắp lá nữa, cũng đi lại được bình thường rồi nhé. Chú ý giữ gìn chân, đừng để bị trật thêm nữa.
– Vâng ạ, cháu biết rồi. Cháu cảm ơn ông nhiều ạ.
Ông cụ mỉm cười hiền từ, trong đôi mắt già nua ẩn hiện sự minh mẫn sáng ngời:
– Cảm ơn gì chứ. Vẫn còn tay nữa. Mới thoa cao mấy hôm, vẫn chưa thấy tác dụng phải không?
– Vâng ạ. Nhưng cháu sẽ kiên trì thoa đều. Có kết quả sẽ báo với ông ngay ạ.
– Ừ, làm việc gì cũng nên kiên trì mới tốt.
Lúc này tôi đã bắt đầu tin vào Đông Y, tin vào khả năng chữa trị của ông cụ người Hoa này. Tôi cũng muốn Trung thử phương pháp Đông Y mới dè dặt hỏi:
– Ông ơi, người bị bệnh suy thận thì có cách nào chữa không ạ?
– Suy thận giai đoạn bao nhiêu?
– Giai đoạn cuối ạ.
– Vẫn có phương pháp, nhưng chỉ hỗ trợ thôi, bệnh này chủ yếu nên theo Tây Y, chạy thận ghép thận vẫn là phương án tốt nhất.
– Vâng ạ. Thế cháu muốn lấy thêm thuốc hỗ trợ cho người suy thận được không ông?
– Cô lấy cho bạn à?
Thấy ánh mắt của ông cụ nhìn mình, bỗng dưng tôi lại có cảm giác như mình vừa làm sai điều gì. Nhưng đã trót đâm lao rồi, đành phải theo lao vậy:
– Vâng, cháu lấy cho bạn ạ.
– Không phải cậu kia.
Tôi theo phản xạ liếc ra ngoài, ở sân, Khánh đang nghe điện thoại của ai đó, vẻ mặt rất nghiêm túc.
Có lẽ ông cụ thấy anh ta đưa tôi đến đây, nhưng tôi lại lén lút nhờ bốc thuốc cho người khác, thế nên ông cụ mới không hài lòng.
Tôi cũng không biết nói sao để ông cụ nguôi giận, chỉ có thể thành thật đáp:
– Người bạn ấy rất quan trọng với cháu, bác sĩ nói tình hình của anh ấy nếu không ghép thận thì không kéo dài thêm được bao lâu nữa, mong ông có thể giúp đỡ ạ.
Ông cụ trầm ngâm một lúc, cúi đầu suy tư chuyện gì đó. Lát sau mới ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt đầy phức tạp:
– Lúc nào mang bệnh án của cậu ta đến đây cho tôi xem. Nhưng cô gái, tôi bảo này, tôi tuổi cao sức yếu, đã nghỉ bốc thuốc hơn một năm nay rồi.
Ban đầu tôi không hiểu, mãi đến mấy ngày sau tôi mới ngộ ra, ông cụ người Hoa kia muốn nói ông ấy đã nghỉ làm công việc chữa bệnh cứu người từ lâu rồi. Chẳng qua bởi vì có một người đã vì tôi mà thiết tha nhờ ông ấy, nên ông mới chịu bốc thuốc giúp tôi.
Còn tôi… tôi lại vì một người đàn ông khác mà nhờ vả đến ông ấy. Cho nên, ánh mắt hôm đó ông cụ người Hoa nhìn tôi chính là: Có đáng không?
Khánh đối xử với tôi tốt như thế có đáng không? Hoặc là tôi vì người đàn ông kia nhiều đến mức luôn bỏ qua anh ta, có đáng không?
Hiểu ra được điều này, phút chốc tôi cảm thấy lòng mình nặng trĩu, cảm giác vừa trống trải lại vừa khó chịu, âm ỉ nhức nhối như có một loại gì đó đang ăn mòn mình từ trong tận xương tủy vậy.
Nghĩ lại quãng thời gian từ khi chúng tôi gặp lại cho đến nay, ngoài lúc mới đầu Khánh dùng mấy lời châm chọc móc mỉa tôi, còn lại, khi tôi phải làm công việc phụ bếp vất vả, anh ta đã bỏ qua hàng loạt họa sĩ tên tuổi để giao cho tôi công việc vẽ tranh này, còn cho tôi cả máy tính bảng để phù hợp với đôi tay gần như đã hỏng của tôi. Khi tôi khó khăn, cần tiền, anh ta dù miệng nói những lời cay độc nhưng vẫn chuyển vào tài khoản tôi đầy đủ, vừa hay giúp tôi vượt qua được khoảng thời gian chật vật nhất khi Trung phải nằm ICU.
Quan trọng nhất là anh ta đã bỏ rất nhiều tiền để mua một kẻ chẳng ra gì như tôi, nhưng ngoài một nụ hôn trong kho hàng đông lạnh ra, anh ta chưa từng làm điều gì khác, chưa từng miễn cưỡng tôi ngủ với anh ta.
Tôi biết mỗi khi nằm cạnh tôi, anh ta vẫn có phản ứng, nhưng anh ta vẫn kiên trì không làm. Tại sao vậy?
Vì anh ta sợ mất hứng khi làm tình với một khúc gỗ, hay là vì nguyên nhân gì khác mà ngay cả tôi cũng mông lung không dám nghĩ đến?
Còn rất nhiều, rất nhiều những điều khác nữa mà Khánh đã làm cho tôi, nhưng mãi đến khi hiểu được lời của ông cụ người Hoa, tôi mới chợt nhận ra. Trái tim như bị ném vào một vực sâu, càng lúc càng lún đến hoang hoải vô tận, không biết rút cuộc phải rơi đến nơi đâu mới là tận cùng.
Ngày hôm sau, tôi mua một ít hoa quả mang vào bệnh viện cho Trung. Thời gian này, nhờ có Thanh ở bên cạnh chăm sóc nên anh đã khỏe lại rất nhanh, đi lại cũng không cần ai phải dìu nữa. Buổi chiều thường xuyên cùng cô ấy ra ngoài sân bệnh viện đi dạo.
Lúc tôi đến, Trung đang ngồi ở ghế đá dưới sân, tay cầm hai chiếc bánh Omeli chia cho cô ấy. Ban đầu Thanh không nhận, nhưng chẳng biết Trung nói gì mà cô ấy cười rất tươi, sau đó cũng dè dặt nhận lấy bánh, khẽ cắn một cái, vẻ mặt lập tức hiện rõ nét hài lòng.
Trung chăm chú quan sát cô ấy ăn, nụ cười trên môi càng lúc càng sâu hơn. Anh cũng cúi đầu cắn một cái, ánh mắt vô cùng ấm áp và thoải mái, hai người cứ thế trò chuyện rất vui vẻ.
Tôi không muốn làm phiền nên chỉ lặng im đứng ở cửa sổ nhìn xuống, lát sau bỗng dưng nghe tiếng mở cửa. Bác sĩ trưởng khoa đi vào, thấy tôi mới gật đầu:
– Cháu đến đấy à?
– Vâng ạ.
Tôi thả rèm xuống, quay người mỉm cười:
– Anh Trung đang đi dạo bên dưới chú ạ. Chú đến có việc gì không, để cháu gọi anh ấy.
– Không cần đâu, may quá, gặp cháu ở đây. Chú cần gặp cháu đấy.
– Dạ.
Không ngoài dự đoán của tôi, chú trưởng khoa đến để thông báo bên Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đã tìm được thận cho Trung. Bây giờ đang chờ xét nghiệm xem có tương thích hay không, nếu phù hợp, việc ghép thận sẽ được tiến hành trong tháng sau.
Nghe chú ấy nói thế, tôi mừng đến mức quên cả việc chú ấy là bác sĩ trưởng khoa, vội vàng xông đến nắm lấy tay chú ấy:
– Thật hả chú? Thật ạ? Có thận rồi hả chú?
– Thật chứ. Bên trung tâm điều phối tạng quốc gia vừa gọi điện thoại thông báo. Chắc vài ngày nữa sẽ có văn bản chính thức.
Chú ấy nhìn vẻ mặt kích động của tôi thì hơi buồn cười:
– Đừng lo quá. Bây giờ cháu cứ về chuẩn bị tiền đi. Hy vọng là thận sẽ phù hợp để ghép.
– Vâng ạ, cháu đang gom tiền rồi, chắc là sẽ đủ thôi chú ạ. Cháu cảm ơn chú. Cảm ơn chú rất nhiều ạ.
– Cái con bé này, cảm ơn gì mà cảm ơn. Hai vợ chồng cháu vất vả nhiều rồi, giờ thay được thận thì ai cũng mừng, chú cũng mừng. Thôi, giờ chỉ hy vọng thận phù hợp với chồng cháu, ghép xong nhanh khỏe lại là được nhé.
– Vâng ạ. Cháu cảm ơn chú.
– Lại nói cảm ơn rồi.
Bởi vì chuyện tìm được thận cho Trung nên tôi rất vui mừng, tối hôm ấy còn rủ Thanh mua nước hoa quả có ga về uống, mua cả mấy đồ nhậu về tổ chức liên hoan. Chúc tụng đến tận 10 giờ đêm mới ra về.
Khi tôi về đến nhà thì Khánh cũng đã về rồi, hôm nay anh ta không làm việc mà nằm ì bên phòng ngủ xem ipad. Thấy tôi đi vào, anh ta nhướng mắt ngước lên, sẵn tiện tôi đang vui nên cũng cười một cái:
– Hôm nay anh xong việc sớm thế?
– Ừ. Còn cô, hôm nay về muộn thế?
– À… hôm nay có việc vui, tôi với bé điều dưỡng ở bệnh viện mua đồ về ăn, mãi giờ mới xong.
Nói xong, tôi mới phát hiện ra hình như mình đã kể với anh ta hơi nhiều thì phải, bình thường nếu Khánh hỏi, tôi chỉ nói “ở bệnh viện có việc nên về muộn thôi”, không cần phải dài dòng như bây giờ.
May sao anh ta cũng không hề hỏi “việc vui” là việc gì, chỉ cụp mắt xuống, khẽ đáp một tiếng:
– Ừ, đi tắm đi rồi đi ngủ.
Tôi gật gật, sau đó lại vô tình thấy màn hình ipad của anh ta phản chiếu hình ảnh gì mà xanh xanh đỏ đỏ. Tôi lại buột miệng lần hai:
– Anh đang xem gì thế?
– Phim con heo.
Nụ cười trên mặt tôi cứng đơ, trong lòng ngay lập tức chửi mình đáng đời, tự nhiên lại đi ngứa mồm hỏi chuyện không đâu.
Khánh thấy mặt mũi tôi dần dần đỏ lên mới bật cười:
– Lại đây.
Tôi kiên quyết đứng lì tại chỗ, thậm chí còn muốn bỏ chạy. Nhưng chưa kịp nhấc chân, anh ta lại nói thêm:
– Đùa cô đấy, không phải phim con heo đâu. Lại đây, cho cô xem cái này.
Tôi nhìn nhìn anh ta, thấy vẻ mặt Khánh rất nghiêm túc, mà ở dưới chăn cũng không có phần nào cộm lên. Rất tốt, không có dục vọng, nghĩa là anh ta không xem phim con heo thật.
Tôi chậm rì rì đi lại, vừa ngó đầu xuống thì thấy màn hình ipad của anh ta hiện núi Phú Sĩ, cả một ngôi chùa gì đó ở Nhật Bản, bên dưới còn có một dòng: Du lịch quanh núi Phú Sĩ bằng tàu chậm trong hai ngày một đêm, phương thức du lịch mới rất thu hút khách đến Nhật Bản.
Tôi từng đến Nhật, nhưng chưa được đi núi Phú Sĩ, vả lại cũng nghe nói quanh đó không hề có tàu chậm, các điểm du lịch cũng chỉ mở cửa đến hết tháng 9. Bây giờ đã cuối tháng 12, tại sao vẫn còn dịch vụ này ở Nhật Bản, tại sao Khánh lại muốn đi.
Hình như anh ta đọc hiểu được lòng tôi nên không cần hỏi cũng tự nói:
– Dịch vụ mới. Khá hay. Tôi đăng ký tour này rồi, mấy người trong khách sạn đi tour khác. Bọn họ đi tour thường, tham quan các địa điểm mà mọi người hay đi.
– À… ra thế.
Tôi gật gù, các địa điểm mọi người thường đi, 8 năm trước có lẽ tôi cũng đã từng đi rồi, chỉ có núi Phú Sĩ là chưa từng đặt chân đến thôi. Với cả, nghĩ đến những lời của thầy thuốc người Hoa kia, tôi cũng cảm thấy mình nên đối xử tốt với Khánh một chút.
Ít ra cũng nên cảm ơn anh ta vì đã đưa tôi đến Thanh Tuệ Đường, tìm cách chữa chân và tay cho tôi.
Cuối cùng, sau khi tắm xong, lúc leo lên giường chuẩn bị đi ngủ, tôi mới nói:
– Giờ còn đăng ký tour được nữa không?
– Cô đăng ký tour nào?
Tôi nhắm mắt, nói rất nhỏ:
– Tour Phú Sĩ đi. Tôi chưa được đến đó.
***
Lời tác giả: Đoạn này là viết trong tình trạng không bị đau xoang này, đầu óc minh mẫn, mọi người đọc sẽ thấy mượt hơn các đoạn bình thường ngay. Hehehe.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương