23h khuya, Hoàng kiên nhẫn đứng đợi trước cổng ngôi nhà quen thuộc, hy vọng Uyên sẽ xuống và cho anh một lời giải thích thỏa đáng. Đêm thu lành lạnh, hương hoa sữa dịu ngọt lan tỏa, không khí trong lành nhưng tâm can của Hoàng thì buồn bực những nỗi niềm không tên. Cho dù anh đã cố dặn lòng rằng mình phải quên đi mảnh tình ngang trái này, những mỗi ngày trôi qua, những kỷ niệm êm đẹp cứ thế hiện hữu và không ngừng dày xéo tâm trí anh.
Buông bỏ một người mình vẫn còn nặng lòng thực sự là một chuyện vô cùng tồi tệ.
Những cuộc gọi đi không có phản hồi, những tin nhắn gửi đi không có hồi đáp, 30 phút rồi 1 giờ đồng hồ trôi qua, Hoàng thấy mình giống như kẻ ngốc. Anh cứ đứng đó, dẫu biết, rất có thể, Uyên chẳng thèm đếm xỉa đến mình.
Khi trời đã khuya lắm, và khi đôi chân đã mỏi, tâm tư cũng kiệt quệ theo, Hoàng định quay người rời đi. Thì bỗng, từ phía xa có ánh đèn xe ô tô chiếu lại, lát sau, chiếc xe sang trọng dừng đỗ ngay trước mặt Hoàng. Mở cửa xe bước xuống là Uyên. Hoàng gần như phải gồng hết sức mình để kìm nén không phát tiết sự giận dữ, đôi mắt anh in hằn những tia máu. Ngồi trước ghế lái là một gã đàn ông với vẻ ngoài hào nhoáng, sành điệu. Đôi mắt một mí của gã khá ấn tượng, gã nhìn Uyên đầy lưu luyến rồi lái xe rời đi.
Uyên không liếc nhìn Hoàng lấy một lần. Hôm nay cô nàng diện chiếc váy cúp ngực lệch vai màu trắng, trước ngực là chuỗi hạt đính đá sáng lấp lánh, gương mặt make up tỉ mỉ. Uyên định mở cửa bước vào trong nhà thì Hoàng lên tiếng:
— Em có điều gì muốn nói với anh không?
Uyên tiếp tục giữ im lặng.
Khóa cổng bật mở, Uyên bước một chân vào trong sân, Hoàng không thể bình tĩnh được nữa. Anh chạy đến gần, hai tay giữ chặt lấy tay Uyên và nói như gằn trong cổ họng:
— Tại sao em đối xử với anh như thế??
Uyên sợ ba mẹ thức giấc, ánh mắt cô nàng không giấu được sự hoang mang, tuy vậy, Uyên vẫn cứng miệng đáp:
— Anh định làm trò gì đấy? Buông tôi ra, tôi tri hô lên bây giờ?
— Em trả lời anh đi, mọi chuyện rốt cuộc là thế nào?
— Đúng như những gì anh đang nghĩ?
— Em biết anh nghĩ gì sao?
— Anh còn hỏi tôi câu này nữa à? Anh nhìn lại mình đi. Anh có gì trong tay? 23 tuổi đầu vẫn còn ăn bám gia đình?
— Lý do em quay lưng với anh là vì anh vẫn còn ăn bám gia đình??
— Người ta nói, tình cảm và tiền bạc là hai chuyện vốn không liên quan đến nhau. Trước đây tôi vẫn tin vào điều đó. Nhưng bây giờ thì…
— Bây giờ tôi mới thấy, bản thân mình khi đó thật ngốc. Trên thế gian này, thực sự không hề tồn tại câu chuyện một túp lều tranh hai quả tim vàng. Nếu có, nó chỉ xảy ra trong truyện cổ tích được thôi.
— Chúng ta sắp sửa tốt nghiệp ra trường rồi, khi đó anh sẽ…
Lời của Hoàng chưa kịp nói ra hết thì Uyên đã ngăn lại:
— Tôi không còn gì để nói với anh nữa. Anh muốn nghĩ gì về tôi cũng được, chúng ta không hợp nhau đâu.
— Không hợp nhau? Lúc trước ai là người nói với anh rằng, anh là người mà em yêu nhất? Không có ai thích hợp với em hơn anh?? Bây giờ em nhẫn tâm thốt ra mấy lời này? Trái tim em làm bằng gì vậy? Gỗ đá hay sắt thép??
— Lúc đó tôi ngu dốt nên mới nói ra mấy lời này. Anh về đi, khuya rồi, đừng để ba mẹ tôi xuống mắng anh một trận.
Uyên dứt khoát đẩy Hoàng ra rồi đóng cánh cổng thật chặt. Nỗi buồn cũ chưa vơi đi, nỗi đau mới lại xuất hiện, Hoàng thực sự cảm thấy sốc, anh không thể nào tiêu hóa nổi những lời tuyệt tình vừa được thốt ra từ miệng Uyên. Quá chán nản và tuyệt vọng, Hoàng ngồi lên xe máy và chậm rãi rời đi. Đến một quán nhậu khuya dưới chân cầu vượt, Hoàng tìm đến rượu và giải sầu.
5h sáng, ông Trung giật mình tình giấc vì tiếng chuông điện thoại. Bàn tay quờ quạng tìm kiếm trên kệ tủ, ông thầm thắc mắc trong đầu, ai gọi giờ này nhỉ, đang ngủ ngon.
Là một dãy số lạ, ông Trung thao tác ấn nghe.
— Bác có phải người nhà của Châu Nhật Hoàng không?
Một giọng nói nghiêm nghị truyền đến, ông Trung tỉnh giấc hẳn, có một dự cảm không hay xảy đến trong suy nghĩ. Ông ngồi bật dậy và đáp lời vào điện thoại:
— Tôi… là tôi đây. Xin hỏi…
— Bệnh nhân Châu Nhật Hoàng nhập viện cấp cứu lúc 4h sáng vì xuất huyết dạ dày, bác mau chóng đến bệnh viện X để làm thủ tục nhập viện và nộp viện phí cho cậu ấy nhé.
Nhập viện? Xuất huyết dạ dày??
Cuộc gọi kết thúc, ông Trung thấy chân tay mình rụng rời, toàn thân run rẩy sợ hãi. Cố gắng định thần trở lại, ông bỏ vào wc nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân. Người đàn ông tuổi trung niên ấy hấp tấp vội vàng, mặc cái áo cũng không cài nổi khuy, tay chân lóng ngóng đi vào phòng bếp và chuẩn bị từng cái bát, đôi đũa, những vật dụng cần thiết để mang vào bệnh viện.
Ở trên lầu, nghe tiếng động lạ phát ra từ dưới nhà, Hoa mơ màng tỉnh giấc. Nhìn qua đồng hồ mới chưa đến 6h sáng, ánh nắng ban mai của ngày mới nhẹ xuyên qua rèm cửa chiếu rọi vào phòng.
Tiếng kêu chói tai từ bên dưới khiến Hoa không thể nằm lỳ được nữa, cô bật dậy như cái máy và chạy nhanh xuống dưới. Thấy ông Trung vụng về nhặt mấy đôi đũa inox xếp vào giỏ, cô tò mò hỏi:
— Ba, mới sáng sớm ba đã làm gì vậy?
Ông Trung ngước mắt lên nhìn Hoa, cô hốt hoảng khi thấy hai hốc mắt ba ầng ậc nước, đôi mắt đỏ ngầu. Hoa sợ hãi chạy đến gần và liên tục truy vấn:
— Ba, sao ba lại khóc? Có chuyện gì ba nói với con được không ạ?
Ông Trung ngập ngừng nói bằng giọng run run:
— Em trai con… Hoàng đang cấp cứu trong bệnh viện, ba phải vào với em bây giờ.
Đến lượt Hoa rụng rời chân tay. Hoàng nhập viện cấp cứu? Không lẽ em trai cô không chịu nổi cú sốc khi thất tình nên đã nghĩ quẩn. Quá lo lắng với suy đoán của bản thân, Hoa sợ hãi hỏi:
— Hoàng, vì sao phải nhập viện hả ba? Sao ba biết?
— Vừa xong có người gọi điện cho ba, nói là Hoàng bị xuất huyết dạ dày đang cấp cứu trong bệnh viện X. Ba phải vào với em ngay thôi.
— Ba đợi con, con với ba cùng đi.
6h sáng, ông Trung và Hoa có mặt tại bệnh viện X. Hoàng cấp cứu xong được chuyển về phòng hồi sức, ngồi bên giường bệnh, nhìn dịch truyền trong veo lặng lẽ chảy vào cơ thể con trai mà lòng ông Trung quặn thắt. 10 năm nay, kể từ ngày bà Nhung bỏ đi, một tay ông chăm sóc và nuôi dạy chị em Hoa nên người. Thấy con đau ốm như vậy, ông Trung thương con mà không biết phải làm sao. Trên khuôn mặt của người đàn ông từng trải ấy, từng nếp nhăn nơi khóe mắt thỉnh thoảng co rúm lại vẻ đau đớn. Bàn tay ông nắm chặt tay con trai, trong lòng thầm cầu nguyện bề trên che chở và phù hộ cho Hoàng sớm bình phục.
Hoa chạy ra cổng viện mua đồ ăn sáng, lát sau cô quay lại, thấy ba xúc động như vậy, cô cất lời an ủi:
— Ba đừng lo lắng quá, bác sĩ nói Hoàng đã không sao rồi, chỉ chờ tỉnh lại, ăn uống ngủ nghỉ điều độ sẽ ổn thôi.
Ông Trung gạt nước mắt và sụt sùi đáp:
— Ba thương em con quá, những lúc như thế này mà có mẹ con ở bên chăm sóc em thì tốt biết bao.
Hoa bất lực thốt lên, những lúc gia đình có chuyện buồn, ba cô không thể nào quên được vai trò của mẹ trong cuộc sống. Cũng có thể, tình cảm của ông Trung dành cho người phụ nữ ấy đã không còn như xưa, nhưng đứng trên cương vị một người cha, một người đàn ông trong gia đình, ông ấy hiểu hơn ai hết sự thiếu vắng bóng dáng của một người phụ nữ sẽ thiệt thòi cho những đứa con như thế nào.
— Ba đừng buồn nữa. Hoàng không sao rồi, có ba và con chăm em, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Con mua đồ ăn sáng về đây, ba ăn một chút để có sức chăm em.
Ông Trung đưa mắt nhìn đồng hồ rồi hoảng hốt nói:
— Con về nhà chuẩn bị đến cơ quan đi, sắp sửa trễ giờ làm rồi.
— Hôm nay con xin nghỉ một hôm ở viện phụ ba chăm em. Ba không cần lo lắng quá!
— Không được. Bệnh viện chỉ cho phép một người ở lại chăm sóc bệnh nhân, con ở lại đây cũng không được vào. Chi bằng cứ về đi làm. Đi làm để được hưởng lương chuyên cần. Có ba chăm em là được rồi. Về đi con!
— Nhưng mà, biết đâu bác sĩ yêu cầu cái này cái khác, con nhanh chân nhanh tay, lúc ấy con làm sẽ tiện hơn ba.
— Ba đã đến mức già lẩm cẩm, lú lẫn đâu mà không làm được mấy việc đó. Con cứ về đi, có việc gì quan trọng ba sẽ gọi điện cho con.
— Không nhưng gì cả. Nghe lời ba, về đi làm đi con.
— Vâng. Vậy con về ba nhé. Có việc quan trọng ba nhớ phải gọi cho con ngay đấy ạ.
— Ba biết rồi. Con đi đường chú ý an toàn.
Ông Trung túc trực bên giường bệnh cả ngày dài, Hoa đến cơ quan làm việc, tan sở, cô chạy vội về nhà, tranh thủ đi chợ và nấu cơm mang vào viện cho ba và em trai. Đến bây giờ cô mới thấm thía câu nói “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, Hoàng bị ốm mới nằm viện một ngày mà mọi người trong nhà đã xốn xang hết cả. Ngồi làm việc ở cơ quan cô cũng không thấy yên tâm.
Hoa tỉ mỉ cho cơm vào những chiếc hộp vuông vắn, riêng cháo của Hoàng thì đựng trong chiếc bình giữ nhiệt, cô đang loay hoay chuẩn bị thì tiếng chuông cổng vang lên réo rắt. Cô bỏ dở và chạy ra mở cổng. Giọng nói quen thuộc của bác Trí vọng vào:
— Hoa đấy à. Bác nghe ba cháu nói Hoàng phải nhập viện. Tình hình em cháu thế nào rồi, đã khá hơn chưa?
Hoa mở cổng và dịu dàng nói:
— Cảm ơn bác ạ. Cháu mời bác vào nhà chơi. Em cháu đã ổn rồi, chắc nằm viện thêm mấy ngày sẽ được về nhà thôi.
— Bác có biết gì đâu, sáng nay chạy qua nhà bấm chuông mà không thấy người mở cửa. Nghĩ ba cháu đi chợ, chiều nay cũng không thấy đâu, bác sốt ruột nên gọi điện cho ông ấy mới biết chuyện. Hoàng nó không sao là may rồi, bác về luôn đây. Cháu đã nấu cơm tối chưa?
— Cháu nấu xong cả rồi bác ạ. Bây giờ cháu chuẩn bị mang cơm vào viện cho ba và em.
— Ôi, thế thì đi sớm đi cháu. Vào với em xem tình hình thế nào. Hôm khác bác lại qua nhé.
Hoa sửa soạn và đến bệnh viện X liền sau đó. Vừa bước vào phòng đã thấy Hoàng ngồi dựa lưng vào giường bệnh, gương mặt nhạt nhòa thiếu sức sống. Cô nhanh miệng nói:
— Ba, con mang cơm đến cho ba đây. Ba ăn một chút cho đỡ mệt. Hôm nay ăn cơm ở bệnh viện chắc là chán lắm, đúng không ạ?
Ông Trung giúp Hoa mở những túi đồ lớn nhỏ, vừa làm ông vừa thong thả đáp:
— Con đi làm về đã kịp nấu cơm rồi sao?
— Vâng, con làm một thoáng là xong.
Đây là cháo của Hoàng, để con cho cháo ra bát cho nhanh nguội.
Nói rồi Hoa ngồi xuống bên giường, chăm chú quan sát em trai bằng ánh nhìn đầy cảm thông. Cô hiểu Hoàng đang phải chịu đựng những gì, vừa đau đớn tinh thần, vừa đau đớn thể xác. Chắc chắn là không dễ dàng.
— Ba, lát về nhà rồi con ăn sau cũng được. Con không thấy đói.
Dường như ông Trung nhớ hương vị cơm nhà, ông tập trung ăn ngon lành, vừa ăn vừa suýt xoa:
— Ngon quá, con gái ba khéo tay thật!
Hoàng lúc này mới cất lời thì thầm:
— Em đã khiến ba và chị lo lắng rồi. Chị, em hứa với chị, sẽ không có lần thứ 2 em đày đọa bản thân mình như thế nữa. Em sẽ thay đổi. Chị hãy tin ở em nhé.
Hoa mỉm cười, đáy mắt cô long lanh những giọt lệ:
— Chị luôn có lòng tin ở em trai của chị mà. Ăn nhiều một chút, sớm khỏe lại để về nhà cho thoải mái nhé.