Đã Từng Bỏ Lỡ

Chương 1



Cuộn mình trong tấm áo len, tôi vô cùng quan ngại về vấn đề thời tiết ở nơi mình đang sống. Với một đứa có khả năng thích nghi kém như tôi thì dường như 4 mùa thay phiên nhau là một điều rất phiền toái. Mới vài tháng trước, bản thân còn muốn chui vào ngăn đông tủ lạnh để tránh nóng, mà giờ lại phải ngậm ngùi với cái rét thấu xương rồi.
Mùa đông mới chớm nhưng độ bao phủ của nó là vô cùng xuất sắc. Hai tay tôi dù đã được giấu rất kỹ trong túi áo vậy mà vẫn bị cóng vì sự xâm nhập của những đợt gió mùa. Mùa đông năm nay được báo là lạnh hơn mọi năm, hẳn vì đó mà chứng viêm xoang của tôi cũng thường xuyên ghé thăm hơn trước.
Xuống xe buýt, tôi đi đến nhà thuốc gần đó, mua mấy ngày thuốc xoang rồi mới an tâm đi làm. Tôi tên Thương, là một nhân viên văn phòng, công việc nhàm chán đến mức đôi lúc có thể nhầm lẫn giữa ngày và đêm.
” Ting”
– Chị Thương.
– Chào buổi sáng Nhi.
Tôi vừa bước vào thang máy thì đã gặp cô đồng nghiệp nhỏ hơn mình 4 tuổi. Cô ấy là Nhi, nhân viên mới tuyển của công ty tôi trong đợt thu vừa rồi.
– Tiệc thành lập công ty tối nay, chị có tham gia không ạ?
Tôi nhìn con số đang nhích lên trên biển điện tử. Chậm rãi đáp:
– Không, tối nay chị phải ở nhà với Bông.
– Chị không thể gửi Bông cho ai à? Năm nay công ty mình làm lớn lắm. Bỏ lỡ thì phí đó. Nghe nói còn có chương trình bốc thăm trúng thưởng nữa.
Nếu là tôi của nhiều năm về trước, có lẽ sẽ hồ hởi tham gia. Nhưng từ khi làm mẹ, suy nghĩ của tôi đã thay đổi:
– Bông cả ngày xa mẹ rồi, có tí buổi tối, chị muốn dành thời gian cho con.
Tôi nói đến đây, thang máy cũng mở. Lúc tôi đi ra ngoài thì nghe loáng thoáng tiếng thở dài của cô bạn đồng nghiệp.
Ừ thì tôi thừa nhận rằng bản thân có chút cứng nhắc, ngoài những sự kiện cần thiết, liên quan đến công việc ra, bản thân gần như rất ít giao du bên ngoài. Có lẽ bởi vậy mà dù làm ở công ty này hơn 5 năm nhưng tôi gần như không quá thân thiết với bất cứ đồng nghiệp nào cả. Mà thật ra tôi cũng chẳng quan tâm đến vấn đề này lắm, bởi tôi là single mom, con tôi đã thiếu một gia đình trọn vẹn nên hể có thời gian, tôi chỉ muốn dành hết để bù đắp cho nó.
Vào bàn làm việc, tôi ngồi vào vị trí của mình, xoay vần một lúc, cứ tưởng là sớm, ai ngờ ngẩng lên thì đã gần 6 giờ tối rồi.
Nhìn đồng nghiệp đã về gần hết. Tôi cũng tranh thủ đứng dậy, thu dọn bàn làm việc rồi chạy vội ra chạm xe buýt. Lúc lên xe, mở điện thoại lên, phát hiện đã có hơn 10 cuộc gọi nhỡ từ cô giáo của Bông.
Tôi vội gọi lại cho cô, sau vài tiếng tút thì cô của con tôi cũng nhấc máy:
” Alo!”
– Chào cô giáo, tôi là phụ huynh của em Bông ạ.
Giọng đầu dây bên kia ngọt ngào cất lên, không có tí bất ngờ hay tức giận, có lẽ cô giáo đã quá quen với việc tôi đón con trễ thành thử mọi chuyện dường như đều rất bình thường :
“ Vâng, em chào chị. Em tính điện hỏi xem chị có thể qua đón bé sớm được không nhưng mà chị không nhấc máy.”
Tôi nghe đến đây thì áy náy vô cùng:
– Tôi xin lỗi, tôi để chế độ im lặng mà quên khuấy đi mất.
“ Dạ vâng. Đáng lý ra em nên đợi mẹ cùng Bông. Nhưng nay nhà em có việc. Em phải về gấp đành gửi em ấy cho chú bảo vệ.”
– Tôi biết rồi, cảm ơn cô giáo nhiều nhé.
Kết thúc cuộc gọi, tôi sốt ruột nhìn ngó đường xá, hi vọng có thể đến trường của con sớm hơn một chút.
Trường mẫu giáo của Bông thường kết thúc buổi học vào lúc 5 giờ chiều nhưng vì một số gia đình muốn đón con về sớm nên từ 4 giờ 30 đã có vài bạn nhỏ được về rồi. Lớp giữ trẻ mà, giờ giấc cũng không cần quá nghiêm túc.
Mặc dù giờ giấc rất thoáng nhưng vì tính chất công việc của mẹ nên Bông nhà tôi chưa bao giờ được về sớm cả. Có lúc mẹ bận tăng ca thì em lại trở thành đứa trẻ bị bỏ quên.
Xe buýt vừa dừng, tôi liền hớt ha hớt hải chạy đến trường, nhìn vào phòng bảo vệ thì thấy con đang ngồi trên ghế ăn bánh. Nó không khóc,bình thản đến nỗi khiến cho một bà mẹ như tôi vừa đau lòng lại bất lực.
Ở độ tuổi như Bông, trong hoàn cảnh này, đa số các bé sẽ cảm thấy tủi thân, thậm chí có đứa còn khóc lóc đòi mẹ. Nhưng con tôi lại không vậy, có thể là tôi hay đón em trễ nên bé đã sớm quen với việc này rồi.
– Á! Mẹ.
Bông thấy tôi đứng trước cửa, vui mừng tụt xuống ghế, chạy đến ôm chân tôi.
Bác bảo vệ đang pha trà, nghe giọng nói của bé thì cũng quay lại nhìn.
Tôi gật đầu với bác một cái:
– Con cảm ơn bác!
Bác cười cười đáp tôi:
– Không có gì đâu, hôm nay lại bận à con?
– Dạ, hôm nay công ty có chút việc ạ.
– Ừ! Thôi hai mẹ con về đi. Bông nó vẫn chưa ăn gì đâu. Nó bảo đợi mẹ về ăn cùng.
Tôi bế con lên, chào bác rồi rời khỏi trường.
Đêm đông lạnh buốt, hai má Bông bị gió tạt cho đỏ ửng. Tôi biết là em lạnh nhưng con bé lại không hề than thở. Miệng vẫn líu lo hát cho mẹ nghe. Với sự hiểu chuyện này của con, ngoài cảm giác thương ra, tôi chẳng có lấy chút vui vẻ nào.
Từng nghe người ta bảo những đứa trẻ hiểu chuyện là những đứa trẻ thiếu tình thương, tôi thì không muốn con mình như vậy. Chỉ tiếc, điều đó nằm ngoài sự kiểm soát của một bà mẹ đơn thân như tôi. Nhiều khi cũng cố gắng vun đắp. Nhưng thiếu là thiếu, tôi chẳng thể nào thay thế tình cảm của một người cha cho con được.
– Em Bông không lạnh à con?
Bé nghe tôi nói vậy thì mới hít hít vài hơi:
– 1 chút ạ.
– Tối nay em Bông muốn ăn gì?
– Em Bông ăn gà chiên mắm được không ạ?
— Được, vậy tối mẹ làm gà chiên mắm cho em Bông nhé.
— Vâng. Mà Tối mẹ có bận làm không?
– Không, nay mẹ rảnh, tối nay mẹ sẽ chơi với em Bông.
Con nít mà, nghe tôi bảo chơi cùng thì cười đến tít cả mắt:
– Vâng ạ.
Tôi ôm Bông lên xe buýt, ngồi vào ghế rồi bắt đầu xoa tay em cho bớt lạnh, Bông ngoan ngoãn nép vào người tôi, thỉnh thoảng lại chỉ cho tôi mấy cảnh vật bên ngoài cửa sổ.
Tối đó mẹ đã giữ đúng lời hứa với con gái, tạm thời gác công việc qua một bên để chơi cùng con. Đến 9 giờ, tôi cho Bông đi ngủ rồi mới quay lại làm nốt công việc còn dang dở.
Đang loay hoay thống kê số liệu thì chuông điện thoại reo lên, tôi biết là đồng nghiệp gọi để thuyết phục nên không có ý định nhận. Nhưng cứ vài cuộc như thế kéo dài, cuối cùng tôi cũng đành chịu thua mà nhấc máy.
– Chị nghe đây Nhi.
Nhi ở đầu dây bên kia nhẹ nhàng hỏi:
“ Chị không đến thật hả chị?”
– Ừ! Chị phải ở nhà với Bông rồi. Mọi người giúp chị nói khéo khéo với sếp nhé.
“ Em nghe nói hôm nay sếp tổng cũng tham gia đó chị.”
– Sếp tổng á?
Tôi đã nghe qua cái danh sếp tổng này lâu rồi. Đại loại công ty tôi đang làm là công ty con của một doanh nghiệp lớn nào đó. Nhưng từ trước đến giờ, mọi hoạt động ở đây đều rất độc lập và hình như công ty mẹ cũng chưa từng nhúng tay vào bất cứ việc nội bộ nào. Vậy lý gì sếp tổng trong lời đồn lại xuất hiện ở buổi tiệc của chúng tôi?
“ Dạ, nghe nói là sẽ về công ty mình làm một thời gian để chỉnh đốn lại nhân sự.”
– Chỉnh đốn nhân sự?
Tôi hỏi đến đây, giọng của Nhi cũng nhỏ xuống một chút:
“ Hình như là muốn cắt giảm nhân sự chị ạ.”
– Sao lại cắt giảm, doanh thu năm nay của công ty vẫn ở mức ổn định mà.
“ Cái này em cũng không rõ, nghe phong phanh mọi người kháo nhau thế thôi. Mà chị cũng nên đến đây đi. Chút nữa sếp tổng muốn gặp toàn bộ nhân viên trong công ty đấy. Lỡ phát hiện ra chị vắng mặt lại có chuyện không hay.”
Công ty tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ vỏn vẹn mười mấy con người, ai vắng mặt, nhìn phát là biết ngay. Chẳng qua, tôi làm việc ở đây cũng tính là lâu năm lại được cái danh single mom, được hưởng quyền ưu tiên nên mới dám lớn mật trốn ở nhà với con.Nhưng lần này là sếp tổng, tôi nào dám múa rìu qua mắt thợ. Hết cách rồi, đành phải đi một chuyến thôi.
Nhìn qua giường, thấy con gái đã ngủ say, nghĩ trong đầu có thể trốn nó ra ngoài một lúc, cho nên tôi nhẹ chân đi đến tủ, lấy quần áo rồi vào nhà tắm thay đồ. Rất tiếc, lúc tôi từ nhà tắm đi ra thì Bông đã tỉnh, nó chạy đến ôm chân tôi. Hai mắt lim dim hỏi:
– Mẹ định đi đâu ạ?
– Sao con không ngủ tiếp đi?
Bé lắc đầu:
– Em Bông không ngủ nữa, em Bông muốn đi cùng mẹ.
– Nhưng giờ muộn rồi. Em Bông ngủ đi để mai còn đi học chứ.
Bình thường bé rất nghe lời. Nhưng mà ở nhà một mình, đối với 1 đứa con nít, quả thật là chuyện rất đáng sợ.
– Em Bông không ở nhà một mình đâu.
Bé nói đến đây thì bắt đầu nấc lên vài tiếng. Tôi thấy vậy mới bế con lên dỗ dành:
– Được rồi! Em Bông không được khóc. Khóc là thành bé hư đấy.
Bông gật gật rồi vội lau hai hàng nước mắt tèm lem. Môi cũng mím chặt, chắc là sợ tôi nghe thấy tiếng nó thút thít.
Chả biết có phải tại hoàn cảnh hay không, mà từ nhỏ nhìn con tôi đã rất đáng thương, khiến ai nhìn vào cũng muốn chiều theo ý nó:
– Được rồi. Mẹ cho em Bông đi cùng nhưng em Bông phải nghe lời, không được chạy lung tung biết chưa.
Được tôi đồng ý, Bông vui vẻ hẳn. Giọng điệu cũng phấn khởi hơn:
– Dạ, em Bông biết rồi mà mẹ.
Thảo luận xong với con. Tôi thay đồ cho bé rồi ôm nó đến nhà hàng mà công ty đang tổ chức tiệc.
Vừa thấy tôi, Nhi đã chạy đến:
– Chị đem theo Bông đến cùng luôn ạ?
– Ừ! Nó không chịu ở nhà.
Nói đến đây, tôi quay qua con nhắc nhở:
– Em Bông chào dì đi con.
Bông mau chóng vòng tay lại, hướng Nhi rồi nói:
– Em Bông chào dì ạ.
Nhi thấy hai cái má phúng phính của Bông, nhịn không được mà véo má em một cái:
– Ui! Bé trông ngày càng ghét chị nhỉ.
Giờ tôi không còn tâm trạng đâu để ý đến mấy lời bình phẩm về con mình nên nhanh chóng chuyển chủ đề:
– Mấy sếp đến chưa em?
Làm nhân viên lâu rồi, tôi hiểu rằng thường thì mấy sếp chỉ ghé đúng lúc mấu chốt quan trọng thôi. Đến một tí rồi sẽ đi ngay. Nên có lẽ giờ này hoặc là chưa đến hoặc đã đi rồi.
– Dạ, vẫn chưa đến.
Tôi nghe vậy thì thở phào 1 cái.
– Ừ! Chị biết rồi. Cảm ơn Nhi nhé.
– Không có gì đâu ạ.Chắc còn lâu mấy sếp mới tới. Ở kia có quầy bánh ngọt đó chị.
Bông bình thường rất thích ăn bánh ngọt, vừa nghe đồng nghiệp của tôi gợi ý là ngay lập tức long lanh mắt nhìn mẹ. Bình thường giờ này tôi sẽ hạn chế cho bé ăn vặt. Nhưng dù sao hôm nay cũng để Bông ngủ trễ, ăn thêm chút bánh cũng đâu còn quan trọng nữa.
Nhi đi rồi, tôi liền ôm Bông đi đến quầy đồ ăn. Lấy cho bé 1 phần bánh kem:
– Em Bông ăn ít thôi đấy, tối ăn nhiều là bị con sâu ăn mất răng nghe không?
Bông hai mắt lấp lánh nhận bánh của tôi. Miệng cũng rất hợp tác mà ” vâng ạ” 3,4 lần liên tục.
Lúc này thì đột nhiên Nhi quay lại nói:
– Chị ơi, sếp tổng đến rồi.
Tôi ngẩng mặt lên nhìn đoàn người áo đen đi vào. Trong phút chốc, ánh mắt va phải một bóng hình quen thuộc. Sao chú ấy lại có mặt ở đây? Nhiều năm như vậy, hình như thời gian chẳng làm thay đổi bất cứ điểm gì trên người chú cả. Còn tôi thì thay đổi quá nhiều và thay đổi lớn nhất có lẽ chính là làm mẹ trẻ con.
Ngay khi đầu óc tôi phát giác ra việc mình phải lẩn trốn thì người chú lâu ngày không gặp đã nhìn thấy tôi từ lúc nào. Chú đi lại phía mẹ con tôi, còn tôi thì chẳng kịp tìm chỗ trốn nữa. Cuối cùng đành cười gượng gạo, hỏi chú:
– Chú! Sao chú lại ở đây?
Người kia lạnh giọng đáp tôi:
– Không ở đây thì làm sao gặp được đứa cháu ngoan. Bỏ nhà đi mãi không chịu về.
– Con đâu có bỏ nhà. Tại công việc của con thật sự quá bận. Cố dạo này khỏe không chú?
Tôi vừa nói vừa cố tình đi qua một bước, giấu nhẹm bé con đang ăn bánh phía sau. Nhưng tôi lại quá xem thường độ tinh anh của ông chú nhà tôi rồi. Chú liếc tôi một cái, rồi đi thẳng ra sau:
– Ai đây?
Con tôi đang chú tâm ăn kem, bị làm phiền nên giật mình, quệt một đường kem dài trên mặt. Dù giao diện bị ảnh hưởng nhưng độ ngoan của bé thì vẫn còn y nguyên. Bông hai mắt xoe tròn nhìn người đàn ông đứng đối diện. Cũng chả biết nó nhớ lời tôi dặn kiểu gì mà ngọt ngào đáp:
– Con là em Bông, năm nay con 5 tuổi. Con là con của mẹ Thương ạ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương