Lời Hứa Của Anh

Chương 25-26



Chương 25+26
CHƯƠNG 25: PHÙNG THANH NGHIÊM MẤT TÍCH
Thư không ngờ tới mình sẽ rời khỏi dự án một cách thảm hại như thế này. Cô nhìn màn hình điện thoại, không có phản hồi của Nghiêm.
Trưa hôm qua, anh chỉ nhắn cho cô báo một tin bình an, kế đó hoàn toàn biến mất.
Thực ra khi nãy, Thư đã tự hỏi rất nhiều lần để xác định xem người quyết định gạt cô ra khỏi dự án có phải Nghiêm không? Nhưng rồi cô nhận ra một điều. Cô là bạn gái anh, trong mọi trường hợp, anh phải là người cô tin tưởng nhất mới đúng. Có nghĩ ngay từ đầu đây đã là một màn kịch. Nghiêm bị cử ra nước ngoài, thì ắt hẳn vị trí giám đốc sản xuất của anh cũng bị thu lại. Trong hoàn cảnh đó, “anh Phùng” trong lời bọn họ đã không phải anh Phùng mà cô biết nữa rồi.
Chỉ không biết hiện tại Nghiêm bận rộn những gì, mọi việc có thuận lợi hay không. Cô không mong anh vì bản thân mình mà gặp bất cứ trở ngại nào trong công việc.
Đúng lúc chuẩn bị ra bến xe buýt, Thư nhận được cuộc gọi từ mẹ. Bà hỏi cô chủ nhật này có về được không?
Cô nhanh chóng trả lời lại: “Bây giờ con đang chuẩn bị về đây ạ. Mẹ chờ con một chút mẹ nhé.”
Chuyến xe từ ngoại ô vào thành phố rất đông đúc. Thư chen chúc trên chiếc xe một hồi, sau hai tiếng mới đến được nhà mình. Cô dừng chân ở cửa, hít sâu một hơi để trấn tĩnh bản thân rồi mới đẩy cửa bước vào. Hương hoa ngọc lan bay vờn trong không khí, làm cô cảm thấy thư thả. Ngôi nhà này hai mẹ con mới dọn đến có bốn ngày, mà đã có cảm giác như ở nhà thật sự.
“Về rồi hả con?” Mẹ cô buông nồi xôi đang thổi dở, chạy ra sân: “Công việc có ổn không? Để mẹ xem nào, gầy ra một vòng rồi. Không phải nói đoàn làm phim ăn uống đầy đủ béo tốt lắm hả?”
Thư cười cười: “Ăn béo tốt mà mẹ, nhưng phải chạy nhiều. Con chỉ phải ngồi một chỗ chỉ đạo thôi, còn người khác còn phải treo trên cái cáp treo cao ba mét để múa võ đấy ạ.”
“Ghế gớm thế?”
“Dạ, nguy hiểm lắm. Để làm được một bộ phim chẳng dễ dàng gì cả.”
“Nào. Thế vào đây. Hôm nay mẹ phải bồi bổ cho con. Nói chứ mấy món ăn nấu công nghiệp cho mấy chục người làm sao ngon bằng cơm nhà được?”
Thư nhân lúc mẹ quay đi len lén khóc. Sau tất cả những mưa gió bão bùng ngoài kia, nhà vẫn là nơi cô có thể trở về. Giờ đây mẹ cô đã tự do, bà và cô sẽ có một cuộc sống yên bình trong ngôi nhà nhỏ này. Thiếu sót một người cha không làm Thư cảm thấy thiệt thòi.
“Chết rồi. Mẹ quên mua thức ăn rồi.”
Bà Nguyệt đã nấu xôi xong, bỏ sang một bên, cười ngượng ngùng: “Con trông nhà để mẹ đi chợ nhé.”
“Ấy mẹ đừng.” Thư vội ngăn mẹ lại. Ngoài kia người ta không biết bàn luận cô như thế nào rồi. Thư không dám để bà ra ngoài lúc này, chẳng khác nào tấm bia cho người ta ngắm.
Cô bỏ tạp dề xuống, tranh đi: “Mẹ cứ để con đi cho nhanh. Con mua đồ về làm há cảo nhé.”
“Đi nhanh về nhanh. Thích gì mua nấy, có phải ngày nào cũng ăn ở nhà đâu.”
Thư cười hì hì rồi đi bộ đến khu chợ cách nhà không xa. Cô mua một ít bột mì, tôm, thịt và một chút gia vị, rau cải.
“Chị ơi, chị tính tiền giúp em.”
“Cô… cô có phải Minh Thư không?” Người bán hàng không nhận lấy tiền của cô mà chợt hỏi.
Thư khựng tay lại, cô biết giờ có che mặt mình thì đã muộn mất rồi. Quả nhiên là thành phố, tin tức lan rất nhanh chóng. Khắp ngõ nhỏ xóm lớn đều đã biết “chiến tích” của cô và bàn tán hăng hái. Thư không ngờ mình sẽ nổi tiếng theo kiểu này. Cô cười một tiếng, trong lòng khổ sở đắng chát.
Cô không gật đầu cũng không phủ nhận. Nhưng người phụ nữ kia vẫn xác định được. Chị ta giằng gói thức ăn trong tay cô: “Tôi không bán thức ăn cho con tranh vợ cướp chồng của người khác.”
“Chị nói ai tranh vợ cướp chồng?” Sắc mặt của Thư trở nên khó coi.
“Đây này. Tên của cô lên đầy mặt báo đây này. Còn dám chối hả? Hãm hại đồng nghiệp, ganh ghét với chị gái. Cô còn nói cái mặt này không phải của cô hả?”
Mọi người thấy tranh cãi thì quay hết sang bên này, liên tục hỏi “Có chuyện gì vậy?”
Chị bán hàng vẫn mồm năm miệng mười: “Đây này các vị xem, gái trí thức, giáo viên, cố vấn lịch sử của đoàn làm phim. Bỏ dao vào trong giày của diễn viên, đẩy chị gái xuống hồ, xé quần áo của bạn học. Cô ,còn không biết giấu mặt vào đống phân hả trời? Dám đến đây mua đồ ăn của tôi.”
Chị ta nói xong, ném hai quả trứng trên giá vào người Thư.
Bộp. Bộp. Hai quả trứng bị ném vào chiếc áo sơ mi trắng muốt của cô, vỡ tan. Chất lỏng sền sệt bên trong nhanh chóng trượt dài theo vạt áo rơi xuống, để lại mùi tanh tưởi khó chịu.
Thư giận tím mặt lại. Cô ném trả túi thức ăn vào mặt người phụ nữ.
“Con khốn này mày làm gì vậy hả?”
Thư chỉ tay vào chị ta: “Chị bán hàng ở đây đúng không?”
Người đó vênh mặt lên thách thức: “Phải đó thì sao? Mày làm gì được tao?”
Minh Thư gật đầu: “Tốt tốt lắm. Chị cũng biết tôi là dân trí thức. Vậy thì chị phải biết dân trí thức điên lên là có hậu quả như thế nào. Chị cứ ngồi ở đó, đợi làm việc với luật sư của tôi đi.”
“Cô… cô…”
Thư nói xong, đứng ngay tại chỗ tìm số của một trung tâm hỗ trợ pháp lý. Cô không ngần ngại gọi điện cho luật sư giỏi nhất ở đây. Mỗi một giờ tư vấn của anh ta trị giá ba triệu đồng.
Sau khi đã nói chuyện xong xuôi, cô mới chỉnh trang quần áo của mình:
“Luật sư của tôi là Dương Đức Tín. Anh ấy mang theo giấy phép hành nghề đến, chị không lo bị lừa đảo đâu. Đừng có vội ném tôi thêm một cái nào nữa, nếu không chị bóc lịch chắc rồi.”
Người bán hàng chỉ có thể trố mắt ra. Không ngờ tới mọi chuyện đến mức này. Chị ta chỉ là một người bán rau, nhưng làm gì có ai không biết luật sư là gì. Mặc dù không hiểu hết thẩm quyền của luật sư, nhưng chị ta biết đây là người có thể bắt mình ra hầu tòa. Đến lúc đó, không biết thắng hay thua, chị ta cũng sẽ mất bao nhiêu thời gian để giải quyết. Nếu thua thì phải đền tiền là điều chắc chắc.
***
Minh Thư giải quyết xong mọi chuyện, lững thững trở về nhà. Cô mua tạm một gói thức ăn ở trên đường. Khi đến cửa, cô bần thần mãi không dám bước vào nhà một lần nữa. Nếu như để mẹ biết những gì xảy ra, bà sẽ nghĩ ngợi nhiều thế nào đây? Người già hay cả nghĩ, dù cô có giải quyết gọn gàng mọi sự, bà vẫn sẽ lo lắng cô bị thua thiệt.
“Sao đứng tần ngần ở đó mãi vậy?” Bà Nguyệt lên tiếng gọi.
Thư cất tiếng “dạ” rồi mới vào nhà.
“Sao ít đồ ăn thế? Mà sao quần áo con bẩn thế này?”
“Người bán hàng cẩu thả quá mẹ ạ, làm rơi cả hai quả trứng vào người con. Con tức lên không mua đồ của chị ta nữa, đi mua đồ ăn sẵn thôi.”
Thư tìm đại một lý do để bao biện. Bất kể cô nói cái gì bà Nguyệt đều tin, nên bà cứ lầu bà lầu bầu trách cứ:
“Bán hàng gì mà kì. Ném đồ vào áo khách thì ế cũng xứng lắm. Con lên thay quần áo đi.”
“Vâng ạ.” Mặc đồ bẩn trên người cũng khó chịu, nên Thư đồng ý lên lầu. Còn bà Nguyệt thì lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa trưa.
Khi cô trở xuống, trong nhà chợt có thêm một người. Cô thấy mẹ mình đang nói chuyện với một ai đó. Đó là một người đàn ông lớn tuổi mà Thư chưa từng gặp bao giờ. Ông ấy mặc một bộ quần áo lịch sự đắt tiền. Đây là “đồng phục trong nhà” của các quản gia trong gia đình giàu có? Trong đầu Thư chợt hiện ra một suy nghĩ.
Cô men theo cầu thang xuống lầu, đánh tiếng:
“Ai vậy mẹ?”
“Mẹ không biết. Mẹ tưởng con quen, ông ấy đến tìm con mà.”
Người đàn ông dừng mắt trên người Thư, đánh giá cô một lượt.
“Cô có phải Từ Minh Thư không?” Người đàn ông trung tuổi lôi một tờ giấy ra, giống như đang xác định lại tên của cô.
Minh Thư gật đầu: “Là cháu, không biết có việc gì vậy chú?”
“Ông chủ tôi muốn gặp cô. Phiền cô đi với chúng tôi một chuyến.”
“Ông chủ?” Thư ngạc nhiên, kéo mẹ lùi lại phía sau: “Xin lỗi chú. Cháu không biết ai là ông chủ của chú.”
Người đàn ông vẫn lạnh nhạt, nói tiếp: “Ông chủ của tôi là Phùng Đức Khoan. Giờ thì cô đã biết chưa?”
_____
CHƯƠNG 26: CHÁU KHÔNG XỨNG VỚI CHÁU TA
Bà Nguyệt nhận ra hoàn cảnh hình như có gì không đúng lắm, bèn đứng ra trước mặt con gái, che chở cho cô:
“Con tôi nói không quen là không quen. Tôi không cần biết Phùng Đức Khoan là ai. Nếu như là người đàng hoàng tại sao không đến tận nhà nói chuyện mà bắt con tôi đi?”
Thư vỗ tay lên vai bà, nhẹ giọng an ủi: “Mẹ, con quen ông ấy. Không có chuyện gì đâu ạ.”
“Hả? Con quen à?”
“Dạ, ông ấy là bố của bạn con. Mẹ chờ ở nhà, con đi một lát sẽ về ngay.”
“Thư, con… cẩn thận.”
Thấy sự quyết tâm trong mắt con gái, bà Nguyệt chỉ đành để cô đi. Tuy là thế, với sự linh cảm của một người mẹ, bà lại cảm thấy không ổn lắm.
“Hay mẹ đi với con có được không?”
Nhận được câu hỏi, người quản gia bày tỏ thái độ: “Ông chủ chúng tôi chỉ muốn gặp cô Thư thôi. Bà yên tâm, chúng tôi là danh gia vọng tộc. Ông chủ chúng tôi sẽ không làm gì con gái bà đâu, mà còn chịu trách nhiệm đưa cô ấy an toàn trở về nữa.”
Thư cho bà một cái gật đầu an tâm. Cô hỏi ông: “Cháu nhắn tin cho một người được không?”
“Được.”
Thư đứng ra một góc, ấn số của Nghiêm. Thứ cô nhận được là tiếng của tổng đài viên nặng nề. Điện thoại của anh đang tắt máy, không thể liên lạc được.
Tay Thư nắm chiếc điện thoại trắng bệch. Cô nghĩ nghĩ, nhắn cho một người khác: “Tôi đang ở nhà ông nội của Nghiêm. Cậu có rảnh thì chờ ở cửa đón tôi với.”
Cô tắt điện thoại đi, quay trở lại dặn dò mẹ mình rồi theo ông chú lên xe. Thấy cô bối rối, ông ấy bảo:
“Gọi tôi là chú Toàn là được rồi. Tôi đã chăm sóc cậu chủ Nghiêm từ khi còn nhỏ. Khi còn bé tí, cậu ấy đã đi sau tôi gọi chú ơi rồi.”
“Chú Toàn…” Thư thân thiện gọi ông.
Ông Toàn tặc lưỡi: “Cô làm như thế nào mà quen cậu chủ vậy?”
Thư kể lại chuyện mình gặp Nghiêm ở trên đường, tất nhiên giấu đi một phần lớn các chi tiết. Cô không biết người đàn ông này theo phe ai. Nếu như ông ấy theo phe Phùng Thanh Nam, thì việc thừa nhận cô vô tình cứu được Nghiêm chỉ khiến cô thêm nguy hiểm.
“Hôm ấy cháu gặp anh ấy ngất ở trên đường, nên mới đưa anh ấy về nhà. Trùng hợp là mấy ngày sau anh ấy còn cứu cháu nữa.”
“Nào chỉ là cứu bình thường. Cậu ta còn đánh sập khách sạn Hoa Diên Vỹ, làm cậu chủ nhỏ tức điên lên hầm hè cả tháng trời. Kế đến đắc tội với đại gia vàng bạc, bố của Đoàn Xuân Hải. Vì một cô gái mà làm như thế, thật chẳng có chút tương lai nào.”
Thư đánh giá thái độ của của ông Toàn đối với Nghiêm và gã em trai của anh mà cô chưa từng gặp mặt. Có vẻ ông không đứng về phía Phùng Thanh Nam, nhưng cũng không hẳn là quan tâm đến Nghiêm. Ông chỉ đang để ý đến tài năng của anh mà thôi.
“Cháu không biết những chuyện đấu đá trong gia tộc của người giàu. Nhưng là một công dân, cháu sẽ làm như Nghiêm. Để những nơi hỗn tạp kia tồn tại, sớm muộn gì cũng có ngày người thân của mình gặp nguy hiểm.”
“Đấy là vì mắt nhìn của cô kém, không biết đại cục là gì. Những kẻ kém cỏi chưa ra khỏi cái giếng của mình toàn thiển cận như thế.”
Minh Thư đáp lại ông bằng một câu “Chú dạy phải!”, sau đó chìm vào trong im lặng.
Xe lái với tốc độ êm ru trong thành phố, chẳng mấy chốc thì đến một biệt phủ. Đúng! Phải gọi là biệt phủ mới thấy được hết sự xa hoa tráng lệ của nó.
Biệt phủ của nhà họ Phùng được xây theo phong cách Pháp. Ngôi nhà hùng vĩ bề thế nằm giữa màu xanh bát ngát của cây vườn. Thư đi khá lâu mới vào được phòng khách của nhà họ. Trên chiếc ghế mạ vàng, một ông lão tóc bạc phơ đang ngồi chơi cờ vua, không để ý gì đến mọi chuyện xung quanh.
“Ông chủ. Tôi đã đưa cô Thư đến rồi đây ạ.”
Dựa vào cách xưng hô của chú Toàn, Thư có thể nhận ra đây là ông nội của Nghiêm, Phùng Đức Khoan.
Cô cúi đầu, lễ phép chào: “Cháu chào ông ạ.”
Ông Khoan không trả lời, chỉ phất tay ra hiệu cho quản gia ra ngoài. Ông vẫn dán mắt vào bàn cờ, giống như sợ chỉ một phút lơ là thôi là sẽ mất đi cơ hội chiến thắng. Hoặc cũng có thể nói rằng đang thử sức kiên nhẫn của Thư.
Cô im lặng đứng yên tại chỗ không nhúc nhích, cũng không đưa mắt lung tung để đánh giá mọi thứ ở trong nhà. Với người khác, có lẽ đã bị hoa mắt trước sự xa hoa nơi đây rồi.
Phải đến mười lăm phút sau, ông Khoan mới buông quân cờ trong tay xuống, tháo cặp kính lão trên mắt ra, nói:
“Sức chịu đựng tốt đấy.”
“Dạ, cháu không dám nhận lời khen.”
“Ngồi xuống đi.”
Thư ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông Khoan. Lúc này cô mới nhìn ông thật kỹ. Mái tóc và lông mày ông đã bạc phơ cả, tuy vậy, sắc mặt vẫn còn hồng hào và đôi mắt tinh anh. Mỗi khi ông nhìn vào mình, cô cảm thấy rét căm căm.
Đây là đôi mắt của người từng tắm trong gió tanh mưa máu của thương trường thời kỳ đất nước đổi mới, tạo ra vô số thành tựu. Mặc dù cũng được coi như thế hệ tài năng của nhà họ Phùng, nhưng Nghiêm chưa có được khí chất trưởng thành và lõi đời như ông nội mình.
Ông nói thẳng luôn vào vấn đề: “Nghe nói cháu và Nghiêm đang quen nhau.”
“Dạ.” Thư thẳng thắn đáp lại: “Chúng cháu vừa mới xác định mối quan hệ vài ngày.”
Ông Khoan lấy ra một tẩu thuốc, châm lửa.
“Cháu không hợp với nó.” Ông nói.
Tim của Thư như ngừng đập. Cô lặng im để thăm dò thái độ tiếp theo của ông.
“Ta không muốn nhắc đến quá khứ để xúc phạm cháu, vì ai cũng có quá khứ cả. Nhưng điều quan trọng nhất là cháu không giúp ích được gì cho sự nghiệp của Nghiêm. Ngay một cô minh tinh nhỏ bé cũng làm cho cháu chao đảo, sau này có đến với nhau, thì cháu cũng chỉ ngáng chân chồng mình mà thôi.”
Sau khi ông Khoan nói hết câu, Thư chợt giật mình. Những điều ông nói vô cùng ngắn gọn, mà lại thể hiện được rằng ông nắm bắt được rất nhiều thứ về cô: bối cảnh gia đình, sự nghiệp, mối quan hệ của cô với Kiên, đồng thời còn có cả những rắc rối mà cô gặp ở đoàn làm phim. Cô với Nghiêm qua lại mới có bao nhiêu ngày, ông đã điều tra xong bối cảnh của cô tường tận từ đầu như vậy.
Cả người Minh Thư rét run, cô kiên cường nhìn ông:
“Vậy ông nói cho cháu biết, làm như thế nào cháu mới có thể xứng với anh Nghiêm?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương