Trưa hôm sau ăn cơm xong, mẹ qua nhà cô Thảo gọi sang nhà ăn ốc bươu hấp sả. Lát sau cô qua, ba cái đầu chụm vô khều ốc chấm mắm ăn, ngon dã man. Mắm được pha chế với tỏi, gừng, mấy trái ớt đỏ cùng thìa đường vào cối, giã thật nhỏ nhuyễn, ít nước cốt chanh, khuấy đều nên chấm với ốc hấp này phải nói là ngon vô đối.
Mẹ tôi lúc này mới bỏ ngỏ:
— Thảo à, cái chuyện hôm qua em nói chỗ chị gái em đó. Có thể nói kỹ hơn cho chị và con Minh biết không?
Cô Thảo vừa xuýt xoa vừa chậm rãi nói:
— Chả là chị ấy là con bác, em con chú nên khá gần. Anh chị có hai thằng con, thằng đầu bị tai nạn giờ phải ngồi xe lăn, chưa có vợ con gì, tội nghiệp. Nó đang thăng tiến trong sự nghiệp mà bỗng chốc thành ra như vậy nên suy sụp lắm, tâm lý bất ổn. Nên chị em mới cần người về phụ thằng bé ăn uống thuốc đúng giờ, rồi tập luyện cho nó, sẵn bầu bạn để nó đỡ quẫn trí. Mà em thấy con Dung chị phù hợp, nó cao to thế này thì hỗ trợ thằng cháu em được. Công việc này mà tuyển người già e không đủ sức, tuyển nam thì không phù hợp, nên thấy vậy em mới mở lời với chị đó. Anh chị ấy có công ty tầm cỡ, mai sau Minh nó làm tốt biết đâu anh chị ấy hỗ trợ đưa vào công ty làm thì sao, ổn định phải biết.
— Ôi thế thì còn gì bằng. Minh, con muốn hỏi gì thì hỏi cô Thảo luôn đi. Còn mẹ thì thấy chỗ này yên tâm lắm!
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
— Vậy cô hỏi bác ấy giúp con nhé! Con cám ơn cô nhiều ạ!
— Ừ, để chiều tối cô hỏi. Giờ này anh chị ấy đang bận rộn công việc lắm!
Mẹ tôi cười vui vẻ nói:
— Cám ơn cô nhiều nhé! Bao năm mẹ con chị được cô đỡ đần nhiều mới được như ngày nay. Chị thật không biết lấy gì để đền đáp hết tấm lòng của cô.
— Chị đừng nói như thế, chỗ chị em với nhau không phải ngại ngần gì chị à!
— Ừ, chị thật lòng đó. Lát cô cầm mấy trái ổi về nhé! Con Minh vừa hái lúc sáng thôi.
— Em xin nha!
Tối đó mẹ con tôi đang ăn cơm thì cô Thảo hớt hải chạy qua báo tin:
— Chị chị, được rồi. Bà chị em nói bé Minh vào ngay, nhà đang cần người. Có gì hai mẹ con chuẩn bị đi, ngày mốt em đưa cháu đi vào trong đó, sẵn em ghé thăm anh chị luôn.
— Ờ chị biết rồi. Cám ơn em nhiều lắm!
— Cám ơn em hoài vậy. Em về dọn cơm cho bọn nhỏ ăn đây.
Cô ấy lại quay đi nhanh. Riêng mẹ con tôi đều ngỡ ngàng, không nghĩ là có kết quả nhanh như vậy. Tối đó cả hai mẹ con đều mất ngủ, vừa lo, vừa sắp xa người thân duy nhất của mình, vừa mong ngóng. Bao nhiêu suy tư, trăn trở đè nặng cõi lòng từng người, biết làm sao được, vì mưu toan cuộc sống nên chúng tôi đành phải gác lại tình thân mà tạm xa nhau vậy. Nằm bên cạnh mà thi thoảng tôi lại nghe thấy tiếng thở dài nhè nhẹ của bà. Thấy vậy tôi choàng tay sang ôm mẹ nhằm trấn an bà:
— Sao mẹ vẫn chưa ngủ? Mẹ buồn khi phải xa con à?
— Con cũng chưa ngủ sao? Mẹ vừa không nỡ xa con vừa lo lắng cho con.
Tôi mỉm cười:
— Con lớn rồi mà, mẹ cứ lo lắng vậy hoài.
— Lo chứ con, đến cả một vị vua dù đã cai quản cả vương quốc to lớn nhưng người làm mẹ như thái hậu vẫn cứ lo lắng triền miên đó thôi. Mà con vào đó nhớ giữ ý tứ, con gái nên đi nhẹ nhàng, ăn nói chậm rãi, không được đi lại huỳnh huỵch như trâu, ăn uống bỗ bã như đàn ông thì người ta lại cười mẹ không biết dạy con.
Tôi bật cười trong đêm:
— Ý là mẹ chê con hả? Con muốn sự thoải mái nhất, không phải gò bó trong phép tắc, nhưng con sẽ nghe theo lời mẹ dặn. Mẹ yên tâm chưa?
— Rồi rảnh rỗi coi người ta nấu nướng mà học thêm. Mẹ hối hận là bao năm qua chiều con quá mà không dạy con nấu ăn cho bài bản, đàng hoàng. Giờ con trưởng thành rồi lại đi xa thế này thì mẹ không an tâm chút nào. Haizz.
Tôi ôm mẹ chặt cứng, phủ lên đôi gò má dãi dầu sương gió ấy những nụ hôn yêu thương:
— Tại con lười thôi chứ nấu ăn không hề khó nha! Với mẹ quên là con vào trong đó chủ yếu chăm người bệnh à?
Mẹ chép miệng mà nói:
— Cái mỏ này không xương sao ấy, nói gì cũng lật nhanh được. Đó là tôi lo nên nói thế. Thôi giờ ngủ đi, khuya lắm rồi.
— Hihi. Mẹ ngủ đi.
Sáng hôm sau tôi tranh thủ thu dọn quần áo, nói là thu dọn cho có chứ đồ đạc của tôi chỉ vài bộ cũ, quần đùi là khá nhiều. Biết sẽ xa mẹ già rất lâu nên tôi cũng đi dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa cho mẹ, điện đóm xem kỹ có hở dây không thì đấu dây, thay bóng đèn cho mẹ hết. Nhà vốn dĩ đã không có đàn ông nên gần như tôi là trụ cột của mẹ. Ai kiếm chuyện với mẹ chỉ cần tôi nghe được là sẵn sàng cầm dao qua nhà người ta để hỏi tội. Sợ rằng giờ đây tôi đi vắng thì họ lại ăn hiếp bà. Lòng tôi đau đáu suy nghĩ nhiều. Xa mẹ thì không yên tâm, mà ở nhà thì bao giờ tôi có chút tiền để về mở tiệm tạp hoá hoặc có cái nghề gì đó trong tay để nuôi mẹ. Ráng hai ba năm thôi.
Chiều đó tôi mua ít bánh kẹo sang nhà cô Thảo cho tụi nhỏ cũng là gửi gắm mẹ cho cô. Nhà cô cách đó hai căn cũng tiện, phòng khi tắt lửa tối đèn còn có nhau.
Dành một ngày loanh quanh bên mẹ, thấy bóng lưng hơi còng và mái tóc muối tiêu ấy cũng bởi dãi dầu sớm hôm để nuôi tôi lớn ngần này khiến tôi chạnh lòng. Ăn với nhau bữa cơm, mẹ dồn hết thịt vào chén của tôi rồi dặn:
— Con ăn nhiều vô.
Tôi dài môi nói:
— Đừng bỏ vào chén con nữa, người ta đang giảm cân mà. Mẹ không thấy con đang mập ú đây à?
Mẹ tôi phì cười:
— Béo đẹp, mập khoẻ.
— Ôi trời! Mập thế này thì đi lún nhà mẹ lại chửi con.
Mẹ tôi huơ tay thanh minh:
— Ở với mẹ, con thế nào cũng được. Còn ra ngoài sống con phải thùy mị một chút. Chứ mẹ nào chửi con bao giờ.
Tôi san bớt thịt từ chén của mình sang mẹ đoạn âu yếm dặn dò:
— Con ráng cày vài năm kiếm chút vốn rồi về với mẹ. Chỉ mong ở nhà mẹ cố ăn uống giữ gìn sức khoẻ, tối ngủ thì kiểm tra cửa nẻo cẩn thận nha!
Mẹ tôi gật đầu mà đôi mắt ứa lệ. Tôi hiểu nỗi lòng của bà lúc này. Có người mẹ nào không khỏi nhớ mong khi xa con, nhất là khi mẹ chỉ có mỗi tôi là chỗ dựa dẫm trên cõi đời này. Ông ngoại tôi mất sớm, dì ghẻ thì hắt hủi, độc chiếm toàn bộ gia sản và căn nhà cho lũ con của bà ta. Mẹ tôi vốn không biết chữ nghĩa lại thêm bị ngọng nên đâu thể làm gì được, chỉ ngậm ngùi gạt hai dòng nước mắt và kêu lên ai oán:
— Cha ơi!
Vốn dĩ mất mẹ từ nhỏ, nên bà dành trọn tình thương cho tôi, yêu chiều núm ruột mình hết mực. Tuy cuộc sống cơ cực nhưng mẹ chưa hề bắt tôi đi làm ngoài ruộng bao giờ, chỉ ăn với học thôi. Giờ hoàn cảnh bắt bà phải xa con thì tim bà hẳn đau thắt lại.
Tối đó mẹ lại dặn dò tôi thêm một lượt nữa, rồi đưa tôi một xấp tiền được quấn kỹ trong lớp túi bóng.
— Con cầm lấy mà chi tiêu.
Tôi mở ra và rút lấy một phần ba cọc tiền, số còn lại tôi dúi vào tay mẹ:
— Con lên đó ăn ở luôn tại nhà người ta, có dùng tiền làm gì đâu, chưa kể mỗi tháng còn có lương nữa. Mẹ cất lại để dành ăn uống, sinh hoạt nha! Không phải lo cho con đâu.
Mẹ tôi không chịu, cứ dúi tiền vào tay tôi lại. Bực quá tôi gắt:
— Mẹ không lấy tiền phải không? Vậy con không cầm một đồng nào hết.
Chỉ nghe thế là bà hốt hoảng cầm lấy số tiền kia mà khóc….
Sáng hôm sau cô Thảo cùng tôi bắt chuyến xe đi vào Sài Gòn sớm. Mẹ tôi không nói được gì, đôi mắt sưng húp bởi một đêm mất ngủ. Khi tôi lên xe, bà bưng mặt khóc hu hu. Tôi chỉ biết hét to:
— Mẹ về đi nha!
Cô Thảo thì đưa tay vẫy vẫy chào mẹ tôi. Chiếc xe lăn bánh làm bóng dáng mẹ tôi tuột dần ra sau và mất hút. Hai hàng cây bên đường vun vút vụt qua như cứa nát ruột gan tôi lúc này. Cảm thông được tâm tư của tôi, cô Thảo vỗ bàn tay tôi mà an ủi:
— Cố lên con, còn có cô nữa mà. Rảnh rỗi cô sẽ chạy qua mẹ chơi.
Tôi bùi ngùi nói bằng chất giọng nhừa nhựa cũng bởi sự xúc động dâng trào:
— Dạ tất cả đều nhờ vào cô. Con cám ơn cô nhiều ạ!
Chiều đó lên tới Sài Gòn, khung cảnh náo nhiệt và hoa lệ lắm! Hai cô cháu bắt xe ôm về quận Phú Nhuận. Xe băng băng qua bao con phố rồi đi vào một con hẻm lớn và dừng lại trước căn biệt thự to lớn màu trắng. Trả tiền xong cô Thảo bước tới nhấn chuông. Lát sau có một chú lớn tuổi bước ra mở cổng:
— Cô tìm ai?
— Em là Thảo em con chú của chị Tuyết. Chị em có ở nhà không anh?
— À, bà chủ mới về đó, đang đợi cô. Mời hai cô cháu vào trong.
— Cám ơn anh.
Cô cháu tôi tay xách nách mang đi vào trong theo sau chú kia. Gian phòng khách rộng lắm, bài trí lộng lẫy khiến tôi nhìn xuống bộ dạng mình mà buồn. Tiếng nói dịu dàng vang lên:
— Thảo hả em?
— Chị.
Tôi lóng ngóng chào bà chủ nhà:
— Dạ con chào bà chủ ạ!
Bà Tuyết gật đầu nhìn tôi rồi nói:
— Hai cô cháu ngồi xuống đi.
Bà Tuyết hắng giọng:
— Chị Tư lấy cho em hai ly nước mát nhé!
— Dạ.
Bà Tuyết mỉm cười thân thiện, ôm lấy cánh tay cô Thảo:
— Đi đường mệt không em? Rồi dạo này tụi em và các cháu có khoẻ không? Làm ăn ra sao?
— Gia đình tụi em vẫn khoẻ, làm ăn bình thường chị à! Anh Sang đi làm hả chị?
— Ừm, lát khoảng sáu giờ chiều ảnh mới về. Đây là cô bé em nói hả? Trông xinh xắn quá!
— Dạ, con bé tên Minh, năm nay mười chín tuổi thôi. Nhà một mẹ một con, hoàn cảnh rất đáng thương, có gì chị dìu dắt và giúp đỡ con bé với nhé!
— Ừm, em không phải lo. Anh chị còn phải nhờ cô bé này mà.
Cô Tư mang khay nước ra mời mọi người uống. Tôi cũng cầm lấy ly nước mát rượi mời người lớn uống xong định nhấp môi thì nghe giọng nói trầm ấm vang lên:
— Cô Thảo mới tới ạ! Con xin phép đi ra ngoài một chút. Mẹ khỏi để cơm cho con.
Bà Tuyết quát:
— Đứng lại, con định đi la cà quán sá rồi say xỉn nữa hả? Ở nhà cho mẹ.
Anh chàng cao lớn kia gắt:
— Con lớn rồi mẹ đừng có quản nữa.
Nói xong anh ta lao thẳng ra ngoài. Tôi trố mắt nhìn theo bóng dáng ấy mà hụt tay rơi ly nước trước sàn nhà. Tiếng choang thật to, những mảnh thủy tinh văng tung toé. Mọi người đều giật bắn lên, cả cô Tư nghe tiếng đổ vỡ cũng chạy vội ra. Tôi hoảng quá, tim thắt lại, miệng lắp bắp nói:
— Con xin lỗi bà chủ, con trượt tay…. Con…
Bà chủ sau vài giây kịp trấn tĩnh mới nở nụ cười ôn nhu với tôi:
— Không sao. Chắc là vừa đi xe cả một quãng đường dài nên con bé mệt. Thôi để chị đưa hai cô cháu lên lầu nghỉ ngơi nhé!
Tôi nghe vậy liền thở nhẹ ra, đoạn cúi xuống nhanh tay nhặt những mảnh vỡ mặc bà chủ nói:
— Con cứ để đó cho cô Tư hốt. Coi chừng đứt tay đó.
Tiếng bà chủ vừa dứt là tôi cũng la lên:
— Á…..!