Thầy Ơi! Em Yêu Anh

Chương 5



Chương 5.

Mặc dù ở trường Diệp là sinh viên năng động và có thành tích nổi trội ở bộ môn này thế nhưng khi nghe thầy Hiệu Trưởng trao trọng trách quan trọng thì Diệp vẫn có chút tâm lí. Đây là phần thi quyết định có mang danh dự về cho trường hay không là phụ thuộc vào hoàn toàn cô.

Thực sự là bắt đầu thấy áp lực rồi nhưng nghĩ tới việc thầy cô và các bạn đặt niềm tin ở mình nên Diệp chỉ có thể tự trấn an bản thân mình cố gắng. Hít một hơi thật sâu rồi thở đều, Diệp mỉm cười gật đầu đứng vào vị trí chờ đến giờ thi.

Sau khi nghe hiệu lệnh của Mc thông báo, cả hai đội tiến lên bốc thăm phân chia thứ tự thì đội bạn là bên hùng biện trước. Chủ đề mà bên đó bốc thăm được yêu cầu hùng biện về “Văn hóa ẩm thực”

Có vẻ như chủ đề này không làm khó được đội bạn thì phải, vẻ mặt người đại diện rất tự tin và tiếp theo là phần hùng biện rất trôi chảy. Không hổ danh là sinh viên của trường đại học Ngoại ngữ, âm điệu chuẩn, lời lẽ lưu loát, mượt mà… Tất cả mọi người có mặt ở trường lúc này như đang được bạn ấy dẫn dắt vào một thế giới ẩm thực thật sự, mọi thứ vẫn trơn tru, cuốn hút thì đột nhiên bạn đó bị vấp rồi ấp úng một hồi lâu mới hoàn thành bài hùng biện của mình.

Diệp nhận rõ ánh mắt bối rối, lo lắng của đối thủ… Cảm giác như vừa rồi bạn ấy đang đọc một bài văn học thuộc mà đến gần đoạn kết tự nhiên bị quên nên mới xảy ra tình huống vấp váp, ấp úng vừa rồi và phải tự nghĩ ra mấy câu hợp lý để hoàn thành đoạn kết vậy.

Đánh giá ở phần này không chỉ dựa vào khả năng nói tiếng Anh trôi chảy mà còn dựa vào nội dung phân tích chủ đề chính xác mới có điểm tuyệt đối nhưng dẫu sao đội bạn cũng hoàn thành phần hùng biện của mình phù hợp với thời gian cho phép.

Diệp thấy đội bạn bắt đầu với tinh thần đầy tự tin thế mà đến phần gần kết còn mắc lỗi thì cô cũng phải thật bình tĩnh mới được. Diệp cũng có 15 phút để trình bày phần hùng biện của mình với chủ đề: “Nhiệm vụ của thanh niên trong thời bình”.

Đọc chủ đề xong mà chữ nghĩa tự nhiên bay biến đi đâu hết sạch, rõ là cô chỉ kém về môn Toán học chứ môn Ngữ Văn thì cũng thuộc dạng siêu đỉnh đấy thế mà giờ này những ngôn từ hay ho, bay bổng đi đâu mất tiêu rồi. Đội người ta nói trôi chảy tới gần cuối mới bị vấp, chẳng lẽ cô mới đọc được cái đề đã thua cuộc sao…

Diệp có chút hoang mang, ánh mắt lướt xuống phía dưới tìm kiếm sự ủng hộ của thầy cô và các bạn thì đúng lúc nhìn thấy Trung và Hoa vừa tới, hai đứa vẫy tay rối rít ra dấu cố lên và theo ngay phía sau họ là một người mà Diệp nghĩ sẽ không bao giờ có thời gian để tới đây xem cô thi đấu nhưng giờ này lại có mặt cùng với hai bạn thân của cô.

Nhìn thấy một Duy Thành khó tính, bận rộn xuất hiện tự nhiên Diệp như bị một phát cốc vào đầu nhắc nhở, rồi đến khi anh hướng ánh mắt nghiêm nghị ấy lên chỗ cô thì không hiểu sao Diệp như bị ai nhập, dòng cảm xúc chạy ào về, cô đầy tự tin trình bày phần hùng biện của mình một cách trôi chảy mà không hề bị vấp váp và thời gian cô hoàn thành cũng sớm hơn so với dự định.

Không biết phần thi được đánh giá bao nhiêu phần trăm thắng lợi nhưng khi cô kết thúc bài hùng biện của mình thì nhận được cơn mưa những tràng vỗ tay nhiệt tình.

Thực ra thi xong rồi Diệp không còn nghĩ quá nhiều đến kết quả nữa, cảm giác áp lực hết hẳn nên dù có như nào thì cô cũng cố gắng hết mình rồi. Đứng trên này chờ thông báo kết quả, thi thoảng Diệp lại liếc ánh mắt xuống phía dưới thì có đôi ba lần ánh mắt cô đã chạm với ánh mắt của Duy Thành, mỗi lần như vậy cô không dám nhìn lâu mà quay vội đi ngay…

Bấy lâu nay cô không có cảm giác gì khác ngoài một cảm giác chán ghét nhưng không hiểu sao thời khắc vừa rồi bắt gặp ánh mắt nghiêm túc kia cô lại có một cảm xúc khác lạ… Không rõ tại sao nhưng hình như cô đã giảm bớt sự ác cảm xuống rồi thì phải…

Sau thời gian ngắn chờ đợi thì Mc lên tóm tắt lại phần thi giữa hai đội rồi tiếp đến là phần thông báo kết quả. Khi nghe MC đọc tên của trường mình giành chiến thắng mà Diệp thật sự bất ngờ, cả nhóm xúm lại ôm cô mà cô vẫn chưa dám tin mình vừa làm được một việc lớn lao như thế. Phải đến khi tiếng MC nói lời chúc mừng lần nữa và mời đại diện trường lên trao phần quà cho hai đội thì cô mới thực sự biết mình đã giành chiến thắng.

Thật lòng mà nói thì đối thủ của đội cô rất giỏi, nếu so kĩ ra thì họ chuyên hơn bên đội cô rất nhiều nhưng ở góc độ nào đấy thì may mắn và cơ hội đều trao công bằng cho cả đôi bên và lần này trường cô cũng có thể coi là có một phần may mắn khi giành được chiến thắng này.

Bước xuống sân trường mọi người thi nhau ôm Diệp chúc mừng mãi mới dừng lại được. Khi Diệp có cơ hội nhích người ra một chút thì ngay lập tức bị Trung và Hoa kéo lại chỗ Duy Thành.

Thật tâm mà nói lúc này Diệp không có khó chịu với người Thầy đang đứng trước mặt mà còn muốn cảm ơn nữa. Vì khi đó cô đang trong tình trạng mất cân bằng thì cái dáng vẻ nghiêm nghị đáng ghét của Duy Thành xuất hiện như một cú hích kịp lúc khiến cho cô tập trung và lấy lại phong độ của mình…

Cô hoàn thành được xuất sắc thế này công lớn là nhờ vào người ta thì cũng nên nói một lời thật lòng mới phải đạo nhưng cô còn chưa kịp mở lời thì Duy Thành đã khen ngợi trước:

– Làm tốt lắm!
– Em cảm ơn Thầy!

Duy Thành lúc này hết dáng vẻ nghiêm túc mà gật đầu, rồi tiếp đến anh còn nửa đùa, nửa thật nói với Diệp:

– Môn của tôi mà em cũng học như này thì nhàn rồi!
– Em không có năng khiếu như hai học trò cưng của Thầy đâu ạ!
– Ai cũng có cơ hội giống nhau chỉ là không thích cố gắng thôi!
– Em chỉ cần được 6 đến 7 điểm là vui rồi, điểm tuyệt đối vẫn là để giành cho hai bạn của em.
– …

Nghe câu trả lời của cô sinh viên ương bướng này Duy Thành không nói tiếp chủ đề đó nữa mà hỏi sang việc khác:

– Em còn phải ở lại không hay về luôn?
– Dạ. Em…

Diệp định trả lời sẽ về cùng với nhóm của trường thì Hoa lên tiếng trả lời thay:

– Thầy ơi? Thầy cho bọn em về cùng với!
– Ừ, cũng được!

Diệp nhìn con bạn nhanh miệng thì lườm cho môt cái nhưng cũng chủ động đi vào phía trong xin phép mọi người. Mấy thầy trò ra xe, Duy Thành chở Trung và Hoa về trước, còn lại Diệp xuống sau. Trên xe chỉ còn hai người, Diệp cũng muốn nói tiếng cảm ơn lần nữa nên chủ động mở lời:

– Hôm nay em cảm ơn Thầy đã tới xem bọn em thi ạ!
– Lúc đó tôi cũng rảnh rồi nên chở Trung và Hoa tới cổ vũ cho đội nhà thôi!
– Vâng.
– Hôm nay dù hơi bị động nhưng em đã làm rất tốt!

Nghe câu khen ngợi này Diệp có chút ngạc nhiên nên hỏi Duy Thành:

– Sao Thầy mới đến mà biết em bị động ạ?
– Tôi được biết người chịu trách nhiệm phần hùng biện ban đầu không phải em!
– À… Vâng…

Duy Thành định không nói thêm lời này nhưng rồi anh lại thay đổi quyết định:

– Tôi cũng biết em học rất khá môn Toán!
– Em… Em chỉ học bình thường thôi ạ!

Diệp không nói thẳng là vì cô có ấn tượng không tốt với người ta mới học kiểu chống đối nên cô chọn cách trả lời đại khái cho xong chuyện nhưng lúc đó Duy Thành không hề bóc mẽ cô mà giữ thái độ im lặng cho đến khi về gần tới nhà Diệp thì anh mới nói tiếp:

– Tôi cũng chỉ dạy các bạn một năm nữa thôi nên không cần miễn cưỡng đâu! Học là cho bản thân em chứ không phải cho ai khác!

Không lẽ người Thầy này lại nhìn thấu cả tâm can, suy nghĩ của người khác ư? Không phải là người giỏi toàn diện thì giỏi cả môn lắm bắt tâm lí đó chứ? Thấy Duy Thành nói rõ lòng mình nhưng Diệp vẫn cứng miệng trả lời:

– Em không miễn cưỡng đâu ạ! Là em học kém thật đó!
– Ừ! Nếu vậy thì cố gắng hơn đi!
– Vâng!
– Đến nhà rồi! Em xuống đi!
– Dạ, em cảm ơn Thầy đã cho em đi nhờ!
– Không có gì!

Duy Thành trả lời Diệp rồi mau chóng lái xe quay lại trường vì đã hẹn với nhóm các thầy cô trong tổ chuyên môn. Anh đã muộn giờ hẹn mất ba mươi phút với mọi người chỉ vì muốn đến xem cô học trò thi đấu. Lần đầu tiên Duy Thành sai hẹn trong phong cách làm việc của mình.

Cũng không rõ tâm tư của mình lắm, chỉ biết là muốn đến xem cô bé bướng bỉnh đó thi đấu mà Duy Thành đã lấy lí do chở Trung và Hoa đến cổ cũ cho Diệp, một lí do rất hợp lí mà không ai có thể bắt bẻ.

Từ trước tới nay ngoại trừ người chị gái yêu quý ra thì chưa có bất cứ một cô gái nào khiến anh phải bận tâm, thế nhưng không hiểu sao ngay từ buổi đầu vào lớp của cô Thủy, khi nhìn thấy Diệp thì ngay lập tức anh đã nhận ra cô học trò này chính là cô gái mà anh va chạm ở sân bay ngày nào và chính từ giây phút ấy anh đã có chút ấn tượng với cô học trò này.

Có điều Duy Thành không biết Diệp có nhận ra mình hay không và cũng không biết tại sao những ngày sau đó mỗi giờ học của anh dạy cô lại luôn tỏ thái độ không thích. Hôm thì Diệp không học bài, hôm thì làm bài lấy lệ mặc dù sức học của Diệp khá tốt.

Duy Thành có quy tắc riêng trong giờ giảng của mình, cả lớp hầu như ai cũng sợ sự nghiêm khắc của anh duy chỉ có Diệp là không muốn để tâm, nếu có thể hiện quan tâm thì cũng là sự chống đối lấy lệ. Diệp học như không học, mỗi lần đến giờ giảng của Duy Thành là học cho qua, bình thường nếu là sinh viên khác mắc lỗi hai lần trong tiết học thì sẽ bị Thành mời ra ngoài nhưng với Diệp, dù đã trên hai lần mắc lỗi nhưng Duy Thành lại bỏ qua… Điều này minh chứng, anh từ ấn tượng nhỏ với cô bé năm nhất này thì đến bây giờ Duy Thành đã phá vỡ quy tắc thành trì của mình…

Từ lúc về tới giờ tâm trạng Diệp có hơi khó chịu. Nghĩ lại lúc nói chuyện trên xe với Duy Thành thì Diệp lại có chút hối hận, nói cho đã miệng rồi giờ nằm trên giường dằn vặt. Cuối cùng để bản thân không bị bứt dứt thì Diệp lại lôi cái tật mặt lạnh, khô khan của thầy giáo ra để đỡ cảm thấy áy náy…

Thế nhưng những ngày sau đó chứng kiến một Duy Thành tất bật giảng dạy trên lớp rồi lại về tranh thủ ôn luyện cho đội tuyển Toán riêng thì cô đã có suy nghĩ khác về người thầy này. Lại thêm việc Hoa với Trung mỗi lần gặp cô đều than vãn, thương thầy Duy Thành của hai người vất vả, không có thời gian dành cho bản thân. Hoa kể một ngày làm việc của Thành gần như là hôm nào cũng mười hai, mười ba tiếng đồng hồ, mọi người có ngày cuối tuần nhưng Duy Thành thì không có.

Tự nhiên Diệp không còn cảm giác khó chịu với sự nghiêm khắc ấy, cũng không cảm thấy con người này lạnh nhạt, cố ý gây khó dễ. Diệp giận bản thân mình trẻ con, chỉ vì không ưng thái độ ban đầu của Duy Thành mà suốt một học kỳ cô ghét bỏ một người Thầy tận lực với học sinh và tận tâm với nghề như vậy. Có lẽ từ giờ cô nên thay đổi cách nhìn về những hằng đẳng thức, những phương trình, những bổ đề, định lý cũng như nhìn lại người Thầy mà cô vẫn cho là khô khan đó…


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương