Người Không Nên Yêu

Chương 1



Chap 1
– Trần Diệp Anh!
Tôi từ nền nhà đứng dậy, hô lên:
– Vâng.
– Đến giờ rồi.
Nói xong anh cán bộ đi trước, tôi chào các chị em cùng phòng rồi cũng đi theo sau.
Hai bên hành lang tối tăm dần dần xuất hiện tia sáng, chiếc áo sọc đen trắng trên người cũng lờ mờ những vệt vàng chói chang. Tôi từng nghe bảo đi qua bóng tối sẽ tìm được ánh sáng, bão giông rồi cũng đến ngày nắng hồng. Nhưng thật nực cười, sự giác ngộ kia vẫn chưa xuất hiện trong nhận thức của tôi. Đi tù 3 năm, bản thân dường như đã quen với không gian gò bó. Bầu trời rộng lớn bên ngoài đột nhiên trở nên mông lung, mịt mờ.
Anh cán bộ đưa một bộ đồ mới và túi cho tôi:
– Cái này thay vào. Còn đây là đồ dùng của cô, có thể kiểm tra lại.
Nhận lấy tất cả, khóe mắt tôi đột nhiên cay xè.
– Vâng.
– Không có gì nữa thì cô có thể đi.
Tôi cúi thấp người, trong lòng cảm ơn sâu sắc người đã giúp mình rất nhiều trong suốt thời gian qua:
– Em cảm ơn cán bộ.
– Không cần đâu, sau này sống tốt nhé.
Nước mắt tôi trào ra và trên môi là một nụ cười nửa vời. Tôi không trả lời vào trọng tâm câu hỏi mà lảng đi. Thật ra tôi cũng không rõ bản thân sẽ sống tốt như thế nào.
– Cán bộ giữ gìn sức khỏe ạ.
– Được rồi, đi đi.
Tôi gật đầu, không nói gì nữa. Chỉ vào khu thay đồ rồi ôm túi rời khỏi nhà giam.
Đứng trước cánh cổng cao màu xanh từng là ám ảnh kia, đột nhiên lại thấy nó rất tình người. Quá khứ như một thước phim tua nhanh chạy qua đầu tôi. Hình ảnh bản thân trong đó. Từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng. Tất cả đều hiện lên rõ ràng, không chút mờ ảo.
Tôi không thể nói mình ở trại sống rất tốt. Vì trong không gian chật hẹp, tù túng, tôi cũng từng bị đánh, từng bị cướp lấy phần ăn, từng trở thành đứa bị sai vặt trong phòng. Nhưng sau tất cả, chẳng biết có phải bản thân may mắn không mà mọi người dần dần yêu quý tôi hơn. Chúng tôi cùng nhau san sẻ những điều trong cuộc sống, chăm sóc nhau lúc ốm đau. Người đời nói những kẻ tù tội là kẻ xấu. Có lẽ bởi vậy mà chúng tôi lại càng biết cách đùm bọc đồng loại hơn.
Vài tháng trước phòng tôi cũng có 1 chị mãn hạn tù. Lúc đi, chị đọc số điện thoại liên lạc bên ngoài cho tôi nhớ, bảo tôi ra thì tìm chị. Rời khỏi nhà giam, tôi lập tức lấy điện thoại trong túi ra, may mắn thay cán bộ đã sạc pin giúp tôi, còn có sẵn sim mới đã nạp tiền nữa. Đúng là người chu đáo mà.
Nhớ lần đầu tôi đến chu kỳ trong nhà giam, vì ngại nên chẳng biết nói gì, mặt cứ đỏ lên như trái gấc. Thế mà cán bộ lại hiểu. Còn chuẩn bị giúp tôi mấy thứ rất riêng tư kia. Tôi nghĩ nếu ai lấy được người đàn ông như thế hẳn là rất có phúc.
Mãi nghĩ đến một người mà bản thân quên mất điện thoại đang được kết nối với chị Tú. Đến khi cái giọng chị ấy oan oan tôi mới giật mình tỉnh mộng:
” Alo, Alo, tiên sư đứa nào phá bà.”
– Chị Tú, là em.
Chị ấy nghe đến đây mới dịu giọng lại:
” Diệp Anh à? Ra tù rồi hả?”
– Vâng, em mới ra sáng nay.
” M.ẹ tổ! Thế mà cái mồm câm như hến làm tao tưởng đứa nào phá. Thế đang ở đâu? “
– Em đang đi bộ ra ngoài lộ.
” Sao lại đi bộ? Mày có được hỗ trợ tiền đi lại gì đó không?”
– Có ạ.
” Thế gọi taxi mà đi. Sao phải đi bộ ?”
Tôi ập ờ mãi cũng nói điều lấn cấn trong lòng:
– Em sợ người ta biết em đi tù.
Bà Chị nghe tôi nói vậy thì cười sang sảng:
– Trời ạ! Chắc mày ra lộ thì người ta không biết mày từ trong trại ra vậy. Cứ bình thường thôi, làm gì phải giấu.
Biết là vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy rất tự ti về quá khứ của mình.
– Em… Em…
” Thôi bỏ đi. Giờ tao đang bận, mày chịu khó gọi xe đến địa chỉ này. Chút tao dẫn đi ăn. Gần chỗ tao có bà bán cháo lòng ngon lắm. “
– Vâng.
Sau đó chị Tú đọc địa chỉ cho tôi. Tôi gọi xe rồi đến chỗ chị đề cập. Bác tài nói đó là một khu cho thuê giá thấp, sâu hút trong hẻm nên không chở tôi vào được, chỉ có thể đậu ngoài đường. Tôi xuống xe, hỏi người dân mãi mới đến được chỗ chị Tú đang sống.
Vừa thấy mặt chị, bản thân liền vui mừng đi tới. Nhưng chỉ vài phút sau, đập vào mắt tôi là một gã đàn ông từ trong phòng chị đi ra. Tên kia tình tứ ôm ấp chị rồi làm mấy động tác quấn quýt trước cửa.
Chị thấy đứa em đang đứng ngơ ngác thì mới vội đẩy gã kia ra:
– Thôi được rồi. Anh về đi, hôm nay em gái em lên.
– Kệ em gái em, cho nó mở mang tầm mắt 1 chút cũng được mà.
– Không! Anh mà còn dây dưa thì lần sau đi mà tìm con khác.
Chị Tú quyết liệt như vậy nên tên đàn ông mới hậm hực dừng lại. Nhưng vẫn không tha mà để lại 1 dấu đỏ chót trên cổ bà ấy. Thấy cảnh này, đột nhiên tôi có chút rùng mình.
Kẻ nọ chửi thề vài câu, xong xuôi mới rời khỏi xóm nhỏ. Tôi thấy gã đi rồi mới dám lại chỗ chị.
– Vào nhà đi. Hơi nhỏ với bừa 1 chút. Mày chịu khó.
Tôi theo chị vào trong. Dưới sàn quần áo rơi lã chã, có cái nhàu nát, có cái đã rách. Tôi cũng đoán ra được chuyện hỗn loạn gì vừa xảy ra.
Thấy tôi nhặt đồ của mình lên, chị Tú vội gạt tay tôi ra:
– Để đó, tí tao dọn.
Xưa chị Tú cũng dạng chị đại trong phòng, chuyện tôi làm giúp chị mấy việc lặt vặt không phải là hiếm:
– Chị cứ kệ em, em quen rồi mà.
– Tao giờ không còn là trùm phòng tù nữa, là công dân bình thường rồi, cứ bình đẳng đi.
– Dạ.
Nói thì nói thế nhưng tôi vẫn mang đồ của chị đi giặt. Tôi vò vài cái mà vết nhớp trên đồ vẫn không trôi đi nên lại đổ thêm bột giặt.
Chị Tú thấy vậy, chướng mắt mắng:
– M. Ẹ tổ! Mày không thấy bẩn à?
Tôi điềm nhiên đáp lại:
– Thì bẩn nên em phải mang đi giặt đây.
Với sự cứng đầu của tôi, chị ấy chỉ biết thở dài rồi phán:
– Hèn gì mấy bà trong phòng thương mày thế. Mày nịnh số 2 thì không ai dám nhận số 1.
Tôi cười hề hề rồi lại giặt đồ. Tôi giặt xong thì chị Tú cũng đã mua cháo lòng về.
Chị đổ ra bát rồi gọi:
– Ra đây ăn cháo này?
Tôi cũng không khách sáo nữa, sáng giờ đi tìm đường nên giờ cũng đói lả. Thấy tôi ăn ngon nên chị xen vào một câu:
– Sao? Ngon không?
Tôi gật gật rồi lại ăn tiếp. Có lẽ vì cái bộ dạng ăn uống không cần mặt mũi của tôi mà chị phải nói tiếp:
– Ở đây có nhiều món ngon lắm. Bữa nào tao dẫn mày đi ăn phở gà.
Tôi húp hết nước trong bát rồi đáp:
– Vâng.
Chị Tú phì cười:
– Kinh! Mày ăn như ma đói ấy.
Chị em tôi sống chung mấy năm nay rồi nên cũng chẳng cần phải giả vờ giả vịt làm gì. Tôi nói:
– Thì em đói thật mà.
– Ừ, nghĩ lại đi tù ăn khổ thí m.ẹ . Từ nay mày ở với tao, ngày nào tao cũng sẽ cho mày ăn ngon để bù đắp.
– Ăn ngon thế này em sẽ lười mất, lấy đâu động lực đi kiếm tiền.
– Thì cứ từ từ, mới ra mà, nghỉ ngơi vài hôm đi đã.
– Thôi, em phải tìm việc rồi còn tìm chỗ ở nữa.
Chị Tú có hơi bất ngờ về lời này của tôi:
– Tìm cái gì nữa con hâm. Mày ở đây với chị là được rồi. Tuy hơi nhỏ nhưng mà chị em cố gắng thì vẫn ổn đấy chứ.
Không phải tôi chê chỗ chị nhỏ. Với hoàn cảnh hiện tại, kiếm được chỗ trú chân với tôi là may mắn lắm rồi. Chỉ là…
– Bạn trai chị thì sao? Em ở đây sợ sẽ ảnh hưởng đến hai người.
– Bạn trai con khỉ. Bạn hàng thôi. Sau có mày thì tao đi nhà nghỉ lo gì.
– Bạn hàng?
Chị Tú đốt một điếu thuốc, ánh khói trắng vờn vài đường trước mặt tôi:
– Ừ.
Tôi không phải trẻ lên ba, nghe chị nói vậy thì cũng đoán ra được công việc hiện tại của bà ấy.
Chị Tú từng kể với tôi, gia đình nghèo nên từ năm 16 tuổi, chị đã phải lên thành phố kiếm tiền phụ giúp ba mẹ dưới quê. Vì trẻ người non dạ thành thử bị người ta lừa bán vào nhà chứa. Và từ đó bắt đầu một cuộc sống ô nhục. Sau chị muốn kiếm tiền chuộc thân, liều lĩnh quyết định dụ mấy tay chơi tham gia vào đường dây bài bạc rồi bị tóm trọn ổ.
Hơn ai hết, tôi biết chị chán ghét cái nghề kia như thế nào và cũng muốn thoát khỏi nó ra sao. Chẳng có lý gì để chị quay lại cái kiếp buôn phấn bán hương như thế cả.
Nghĩ sao tôi nói vậy, chẳng chút giấu diếm:
– Sao chị lại quay về cái nghề đó chứ?
– Mới khen mày biết nịnh, giờ lại xôi hỏng bỏng không rồi. Thì không có tiền phải chịu thôi.
– Chẳng lẽ phải đến nước đó ạ?
– Giờ thời buổi xin việc khó khăn. Mà lý lịch tao có thơm tho gì.
Dù biết con đường làm lại từ đầu của chúng tôi sẽ rất chật hẹp. Nhưng không ngờ lại cụt ngủn như vậy:
– Không có công việc nào khác sao chị?
Chị Tú hút thêm một hơi thuốc:
– Có nhưng không đủ sống. Giờ cứ phải sống cái đã.
Tôi im lặng chẳng nói gì thêm, dường như đã cảm được những khó khăn phía trước. Có lẽ bởi vậy chị mới nói tôi từ từ hãy xin việc. Hoặc chị biết trước, tôi vốn rất khó xin được việc.
Không khí có chút chùng xuống. Cuối cùng chị Tú đành lên tiếng trước.
– Thôi nào, rồi cũng có cách mà. Mưa nào không tạnh.
Tôi cười gượng với chị. Nếu mọi chuyện đều thông thoáng như cách chị nói thì có lẽ bà ấy đã không đến bước đường cùng như thế này.
Cũng chẳng biết chị có biết tôi đang nghĩ gì không mà vội vàng thay đổi chủ đề:
– À mà tao hỏi dò được ngôi chùa họ gửi tro cốt mẹ mày vào rồi.
Mắt tôi thoáng kích động, một giọt sương đọng lại trên khóe mi:
– Thật hả chị?
– Ừ! Cũng gần đây à. Mai rảnh tao đưa mày đi. Chắc mẹ mày nhớ mày lắm.
Mấy lời này như xát muối vào tim, khiến tôi xót không chịu được. Ngày mẹ ra đi, tôi ngay cả gặp bà lần cuối cũng không thực hiện được. Chỉ có thể ngồi trong song sắt nghe cai ngục thông báo tin dữ mà khóc đến ngất lịm. Giỗ đầu của mẹ, tôi vẫn còn thi hành án. Giỗ thứ 2, tôi vẫn chưa được tự do. Ra tù đã là 3 năm rồi.
Đến đây, giọng tôi lạc hẳn, phải mất một đỗi mới nói được chữ:
– Vâng.
Chị Tú ôm tôi, vỗ về:
– Được rồi, khóc lóc cái gì. Mày còn cả một cuộc đời phía trước đấy. Dành sức đi. Đời này còn nhiều chuyện mày phải khóc lắm.
– Em biết rồi.
Nghe lời chị nên tôi không khóc nữa. Chỉ là cái bóng quá khứ quá lớn, bao lấy hết cả suy nghĩ trong tôi, khiến tôi đến đêm rồi mà vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Nhớ về quá khứ, về lý do tôi phải đi tù, lý do mẹ tôi mất. Dù rằng chuyện không mới nhưng sao vết thương cũ vẫn âm ỉ đến thế. Thậm chí tôi còn cảm nhận được ngàn mũi tên đang xuyên qua tim. Đau muốn chết đi sống lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương