Trường Sinh Giới

Chương 29: Thần chi di văn



Tiếng kêu thê thảm của Cổ La vang vọng trời đất, cơn đau khiến hắn khó có thể giữ được bình ổn, quyển trục mang theo hắn lảo đảo bay tới trước dần dần hạ xuống thấp hơn.

Tiêu Thần đạp khẽ trên những ngọn cây, chuyển từ cây này sang cây khác, thân thể hóa thành một dòng hư ảnh vượt lên mười thước xuất ra kiếm thứ hai. Thanh trường kiếm sáng rực rỡ chói mắt như ngôi sao băng kéo theo chiếc đuôi sáng rực đâm thẳng xuống Cổ La.

“Phập.”

Máu phun thành vòi, kiếm thứ hai đã đâm thủng ngực gã, suýt nữa ghim luôn gã xuống dưới. Tiếng kêu dựng tóc gáy lại văng vẳng giữa không trung, những tia máu phun lả tả bay xuống. Cổ La bị trọng thương suy kiệt vẫn có khả năng khống chế họa quyển, bắn vọt đi rất nhanh.

Dưới ánh trăng bàng bạc chênh chếch, Tiêu Thần đứng trên ngọn cây ngẩng đầu thét lên một tiếng dài, mái tóc dài tung bay hỗn loạn, đôi mắt sắc tựa lưỡi dao, sau cuộc chiến đêm nay hắn cũng đã xoay chuyển được tình thế, có thể thở phào nhẹ nhõm, không cần phải chạy trốn bạt mạng nữa.

Tần Nghiễm Vương, Diêm La Vương, Luân Hồi Vương cũng nhảy lên trên cây, đến bên cạnh Tiêu Thần, cùng đứng nhìn ánh trăng sáng vằng vặc, ánh sáng linh hồn trong ba cái đầu lâu không ngừng dao động, tựa hồ như cố nhớ lại điều gì đó.

….

……..

…………

Khu rừng sau nửa đêm, tiếng thú gầm cũng hoàn toàn không có, yên ắng lạ thường. Ánh trăng hiền hòa chiếu rọi khu rừng như những sợi lông tơ trắng muốt, cả khu rừng thanh tĩnh yên bình.

Tiêu Thần khoanh chân ngồi ở một chạc cây, vận chuyển huyền công hấp thụ ánh trăng, như dòng nước êm đềm chảy vào thân thể, yên lành an tĩnh.

Qua một trận kịch chiến, thân thể Tiêu Thần cũng rất suy nhược, ánh trăng thuần khiết không ngừng được hấp thu, bổ sung nguyên khí gần như cạn kiệt của hắn. Ba bộ xương khô cũng yên lặng luyện hóa những viên tinh thạch mà Tiêu Thần cho chúng, những đoạn xương trắng hếu bóng bẩy hơn một chút, đặc biệt là đầu lâu của chúng cũng gần như trong suốt để ánh sáng linh hồn chiếu xuyên qua, dường như có dấu hiệu ngọc hóa.

Thời khắc cuối đêm trôi qua an bình yên tĩnh.

Bầu trời đầy sao dần dần mờ nhạt, từ phương đông bắt đầu xuất hiện những tia nắng đầu tiên đỏ ửng, trời đã hừng đông. Trong khu rừng già nguyên thủy, chim thú cũng bắt đầu hoạt động, tiếng chim hót thánh thót hòa lẫn cùng tiếng thú gầm uể oải.

Toàn thân Tiêu Thần phủ trong một quầng sáng mông lung, vài chú chim hót vang ngay bên cạnh hắn, hắn đã hoàn toàn dung nhập với tự nhiên. Khi hắn đột ngột mở mắt khiến lũ chim hoảng sợ bay mất, hắn cảm giác toàn thân tràn trề tinh khí, quầng sáng quanh thân hắn không ngừng phiêu động.

Hắn xuống một dòng suối nhỏ tẩy đi những vết máu trên người, rồi đánh chén một bữa sáng thỏa thuê, sau đó dẫn ba bộ xương khô rời khỏi đó. Tiếng đàn voi khổng lồ chạy rầm rập, báo thần có cánh, rết khổng lồ vàng chóe rồi tiếng của những con hổ vương ba đầu…chỉ một đoạn đường náo động trong những tiếng thú rít gào, khu rừng nguyên thủy trở nên náo nhiệt.

Xuyên qua những mảnh rừng rậm rạp, Tiêu Thần cùng ba bộ xương khô đã đến được nơi ở bên hồ nước nhỏ trong xanh như ngọc, túp lều trúc vẫn còn chỗ đó, thoang thoảng hương thơm cỏ cây, nằm giữa những hàng mây ken lẫn cùng cây cỏ.

Hắn cũng không dừng lại chỗ này, tiếp tục xuyên qua cánh rừng đi ra bờ biển, hắn bắt đầu thu gom muối biển, định gom đủ rồi mới tiếp tục truy tìm Triệu Lâm Nhi và Cổ La. Ánh nắng sớm vàng rực rỡ, ba bộ xương cực kỳ chán ghét ánh nắng, trốn trong rừng dừa không muốn đi ra. Tiêu Thần đổ nước biển vào trong những gáo dừa để làm muối, đúng lúc này hắn chợt phát hiện một bóng người dập dờn trên biển.

Một người mặc áo trắng từ giữa biển rẽ sóng lao đến như một thần ngư. Ngạc nhiên nhất là người này không bơi mà gần như là lướt trên mặt nước.

Người đến gần hơn, có thể nhìn rất rõ.

Một nhà sư trẻ vận y phục trắng đứng trên một thanh gỗ theo gió lướt tới trông như cưỡi trên ngọn sóng, phiêu dật xuất trần không lời nào tả hết. Chính là công phu “Nhất vi độ giang” của Đạt Ma đã thất truyền ở nhân gian rất lâu.

Tiêu Thần khẽ giật mình, đây chắc chắn là một cao thủ, hắn không thể không đề phòng. Nhà sư áo trắng chầm chậm cập bờ nhờ cơn gió biển mặn mòi đưa đến, y hơi ngạc nhiên nhìn Tiêu Thần, bất quá y cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh bước chân lên bờ biển.

“Ngươi là…?” Nhà sư áo trắng không giống những tăng lữ khác, không niệm phật hiệu, cũng không gọi thí chủ, chỉ đơn giản giống như người thường hỏi nhau vậy.

Nhìn nhà sư trẻ khí độ bất phàm, Tiêu Thần dùng lời nói đơn giản rõ ràng nhất để biểu đạt thân phận của mình. Hắn biết nếu còn muốn sinh tồn ở trường sinh giới, phải xử lý quan hệ với những tu giả giới này thật tốt.

Nhà sư áo trắng dường như rất kinh ngạc, đáp lại: “Ta pháp danh là Vi Nhất Chân”, y không xưng “bần tăng”, mà xưng “ta” giống người bình thường. Tuy lời nói không giống hòa thượng, nhưng lại hiển lộ một khí chất siêu trần thoát tục, xem khí độ có thể thấy là một cao tăng đắc đạo.

Hai người vừa đi vừa nói chuyện phiếm với nhau, không biết đã đến rừng dừa tự lúc nào. Ba bộ xương khô tựa hồ như cảm ứng có người lạ đến gần, không biết đã lẳng lặng trốn mất khi nào.

“Nhất Chân pháp sư, hòn đảo này kỳ dị chỗ nào vậy?”, trong lòng Tiêu Thần có nhiều nghi vấn. Bọn người Vương Tử Phong, Cổ La lên đảo này hẳn có mục đích trọng yếu, giờ lại thêm Nhất Chân hòa thượng tới chỗ này, có thể nói hoang đảo này hoàn toàn không bình thường.

“Đảo này gọi là Long Đảo, đã có từ thời hồng hoang thượng cổ bị bia đá thần vĩnh viễn phong ấn. Long tộc mạnh mẽ có thể đối địch với chư thần, đều vĩnh viễn bị mất đi pháp lực và bị giam cầm ở đây.”

Tiêu Thần rốt cục cũng hiểu được, bát tí ác long có thể đối đầu với hải thần, cũng là một chi bạo long của long tộc. Vì sao thú tính lại lấn át thần tính, và vì sao bia đá thần trấn giữ hoang đảo khiến bọn chúng mất đi đại thần thông.

“Vì sao lại có việc đó?” Tiêu Thần nghi hoặc hỏi Nhất Chân.

Nhất Chân hòa thượng hiểu được tâm tình của hắn, bèn kể lại vắn tắt cho hắn nghe một sự tích của trường sinh giới đã có từ thời thượng cổ.

“Cũng chẳng biết là đã phát sinh chuyện gì. Sau khi long tộc bị trấn áp, tổ thần của các chủng tộc Toại Nhân , Hữu Sào, Phục Hy cùng Nguyên Thuỷ, Lão Tử, Thông Thiên, Phật Đà cũng đều biến mất. Thời kỳ đó có thể đã phát sinh một biến cố lớn, những vị thần đó đều bị mất tích.”

“Chuyện này sao có thể…?”, Tiêu Thần không thể lý giải, quay sang hỏi tiếp: “Chẳng lẽ giữa thiên địa này không còn thần linh sao?”

“Cũng không thể nói như thế, trường sinh giới rộng lớn vô ngần, có rất nhiều chủng tộc, các tổ thần, Nguyên Thủy, Lão Tử, Thông Thiên, Phật Đà tuy mất tích nhưng truyền thuyết về thần vẫn lưu truyền trong các chủng tộc khác nhau. Có nhiều việc rất khó giải thích rõ ràng, ngươi phải tự mình đến một lục địa rộng lớn mới có thể hiểu được.”

Chú thích:

+Toại Nhân, Hữu Sào, Phục Hy là ba trong năm bậc hiền vương trong truyền thuyết cổ Trung Hoa cùng với Nữ Oa và Thần Nông, đồng thời cũng chính là những vị thần. (Phục Hy và Nữ Oa là hai vợ chồng, cũng là tổ tiên của loài người sau một trận đại hồng thủy, còn Thần Nông chính là người phát minh ra nghề nông, cũng là người đầu tiên dùng cây cỏ để làm thuốc chữa bệnh.)

Dịch giả chú giải theo truyền thuyết về Tam Hoàng Ngũ Đế, là những vị hoàng đế cổ Trung Hoa trong truyền thuyết. Tam Hoàng chính là Nữ Oa, Phục Hy và Thần Nông. Còn Ngũ Đế thì có ba kiến giải khác nhau theo sách cổ, cụ thể như sau.

Theo các sử gia thì Ngũ Đế gồm: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Khốc, Nghiêu, Thuấn

Theo sách Sở từ thì Ngũ Đế gồm năm vị thần cai quản năm phương: Thiểu Hạo (Đông), Chuyên Húc (Bắc), Hoàng Đế (Trung tâm), Thần Nông (Tây) và Phục Hy (Nam)

Theo sách lễ nghi thì Ngũ Đế gồm năm vị tổ thần của năm dòng dõi: gồm Toại Nhân Thị, Hữu Sào Thị, Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương