Lớp của Chu Nhất Dương quyết định cắm trại ở một bãi đất trống cách chân núi 500m.
Đầu tiên là dựng lều.
Dựng lều xong thì đã hết buổi sáng, mọi người ăn trưa bằng những thứ đã mang theo, còn buổi tối và hôm sau thì sẽ ăn cùng tập thể.
Phó Dật Thần muốn gọi điện thoại cho Chu Nhất Dương nhưng trên núi sóng yếu, không gọi được.
Mà bên này, bé Dương nhà ta vẫn không hay biết gì, vui vẻ hồn nhiên như một chú sóc nhỏ.
Nghỉ ngơi một lát thì đã đến buổi chiều, mọi người phân công nhau đi bắt cá, đi kiếm củi, hái rau.
Chu Nhất Dương cùng Hứa Gia Minh, thầy giáo và vài bạn nam nữa ra suối bắt cá.
Nước suối rất trong, còn nhìn thấy rõ cả những hòn đá cuội, những con cá đang bơi.
Chu Nhất Dương chắc mẩm kiểu gì cũng tay không bắt được cá, nhưng vừa cúi xuống định chộp một con thì lại trơn tuột, con cá bơi đi mất.
Cứ thế, cậu bắt trượt mấy lần, trong khi thầy giáo bên cạnh đã bắt được mấy con.
“Đúng là gừng càng già càng cay!”
“Em nói gì đấy thằng nhóc này??”
Chu Nhất Dương giả ngu.
“Em vừa nói gì nhỉ? Em quên mất rồi.”
Thầy giáo định túm áo Chu Nhất Dương nhưng cậu nhanh chân, nhảy ra chỗ khác.
Chu Nhất Dương đổi chỗ bắt cá, chỗ này nước khá nông, cá cũng nhiều, nhưng cậu vẫn không bắt được con nào.
Bực nhất là đang không bắt được thì bên cạnh có tiếng cười của một ai đó, Chu Nhất Dương tưởng bạn cùng lớp, quay sang thì thấy một thằng nhóc chừng 16, 17 tuổi.
“Nhóc cười gì hả?” – Chu Nhất Dương chống nạnh.
“Từ nãy đến giờ, anh vẫn không bắt được con nào cả.” – Cậu thiếu niên vừa cười vừa nói.
“Mặc kệ anh, liên quan gì tới nhóc.”
Chu Nhất Dương cậu đây cũng không phải cái gì cũng biết làm nhé! Tuy cậu từng được huấn luyện kĩ càng nhưng không ai dạy bắt cá cả.
“Trời mà không lạnh thì anh đã nhảy xuống bắt rồi.”
“Anh không để ý là so với mọi người thì anh thiếu cái gì à?” – Cậu thiếu niên ngừng cười, nghiêm túc hỏi.
“Thiếu gì?” – Chu Nhất Dương nghi hoặc hỏi.
“Mỗi người đều có một cái xô để úp cá, còn anh không có.”
Bấy giờ Chu Nhất Dương mới nhìn xung quanh, ừ, đúng thế thật.
Kể cả những người nãy giờ không bắt được cá, sau khi có xô cũng bắt được mấy con.
Sau đó, cậu nhìn thấy bên cạnh cậu thiếu niên này có mấy cái xô như thế.
“Thì ra nhóc bán xô à? Sao không nói ngay từ đầu, cứ phải lòng vòng mãi.
Thấy ghét!”
“Em không bán, em cho thuê xô.”
Cuối cùng, sau khi thương lượng giá cả, Chu Nhất Dương cũng thuê được một cái xô.
Vừa bắt cá, cậu thỉnh thoảng lại trò chuyện với cậu thiếu niên bên cạnh.
Cậu ta đã lên bờ, ngồi ở ven suối ném những hòn đá xuống nước.
“Này, để im anh còn bắt.”
Cậu thiếu niên bấy giờ mới không ném nữa, mắt nhìn ra xa.
“Nhóc không phải người ở đây nhỉ?”
Chu Nhất Dương hỏi.
“Sao anh biết?”
“Nhìn là biết thôi mà.”
“Em là người thành phố B, nghỉ học về quê chơi.”
“Chà, cùng thành phố với anh đấy! Nhưng mà chưa nghỉ hè, sao nhóc đã ở quê rồi.”
“Em không thích học.”
Nghe câu trả lời của cậu nhóc, Chu Nhất Dương ngừng bắt cá, quay sang hỏi.
“Nhóc năm nay bao nhiêu tuổi? Tại sao lại không thích học?”
“Em năm nay 17.
Em không thích vì đơn giản là không thích thôi.”
“Không có lí do gì khác ư?”
Cậu nhóc ban đầu thì lắc đầu, sau đó thở dài, mới nói.
“Bố em là giám đốc bệnh viện, mẹ em là luật sư, em còn có một anh trai làm giám đốc công ty kiến trúc, nói chung em là một công tử bột điển hình.
Em không thích kết bạn, chỉ thích vẽ tranh, em muốn ở trong thế giới nhỏ của mình.
Nhưng mà có một lần ở trường em vướng vào một vụ hiểu lầm, sau đó thì bị nghi oan, còn cả cảnh sát vào cuộc, suýt thì bị đưa đi trại giáo dưỡng.
Sau đó, tất cả những bút màu, giá vẽ của em đều bị đem cất vào nhà kho, không được vẽ nữa.
Bởi vì vụ hiểu lầm kia cũng từ một bức tranh của em mà ra nên mọi người mới gay gắt như vậy.
Ban đầu em nghĩ em có thể nghe theo ý mọi người, từ bỏ hội họa, chăm chỉ học hành.
Nhưng mà, em dần chán học, chán mọi thứ, uể oải, đôi khi không biết làm gì, thậm chí nhiều khi em muốn vẽ, nhưng không cách nào đặt bút chì xuống được.
Cuối cùng, nhờ có anh trai em, bố mẹ em suy nghĩ mãi mới quyết định xin nghỉ học cho em, cho em về quê một thời gian cho thảnh thơi.”
“Vậy về quê đã đỡ hơn chưa?” – Chu Nhất Dương hỏi.
“Em thích không khí ở đây, nhưng mà, cũng không thể ở đây mãi được, em sắp phải trở lại thành phố rồi.”
“Tại sao mỗi khi đặt bút lại không vẽ được? Nhóc vẫn còn yêu hội họa mà, đúng không?”
“Còn yêu.
Nhưng chỉ là, đôi khi em không biết những việc em làm có ý nghĩa gì nữa.
Em yêu hội họa, và em không muốn nó trở thành gánh nặng trong suy nghĩ của em, vậy nên em mới ngừng vẽ.”
“Chính là mất phương hướng, không biết phải nên làm gì, đi đâu?”
Cậu thiếu niên gật đầu.
“Trong bộ phim “Alice ở xứ sở thần tiên”, có một câu nói đại khái như này: Nếu bạn không biết phải đi con đường nào, vậy đi đường nào cũng thế mà thôi.
Nhóc nói nhóc nghĩ có thể đi được con đường mà mọi người chọn cho nhóc, nhưng cuối cùng việc đó chỉ càng làm nhóc mất phương hướng mà thôi.
Nghĩa là không phải con đường nào nhóc cũng đi được, đúng không?”
Thấy cậu thiếu niên im lặng, Chu Nhất Dương lại nói tiếp.
“Bởi vì trong tim nhóc luôn có một thứ để nhóc nâng niu, đó là hội họa.
Ừm, thì, mặc dù đôi khi yêu một thứ, thứ đó sẽ trở thành gánh nặng và ràng buộc.
Nhưng mà, nếu như nhóc cứ bỏ xó nó như vậy, và nói rằng muốn bảo vệ nó, vậy thì còn là yêu ư? Yêu một thứ ấy à, cho dù thế nào, cũng phải sống hết mình vì nó.
Anh tin là nếu nhóc có thể đủ can đảm nói ra điều mình muốn, thì bố mẹ sẽ ủng hộ thôi.
Nhóc ấy, bị suy nghĩ của mọi người xung quanh chi phối quá nhiều rồi.”
Cậu thiếu niên nhìn Chu Nhất Dương, cười.
“Anh nói như hát hay ấy nhỉ?”
“Chuyện, anh mày mà lại.
Này, nhóc nhìn khung cảnh mùa xuân này đi.”
Nắng mùa xuân dịu dàng bao phủ lên khung cảnh núi rừng, những tia nắng ấm áp nhảy nhót trên từng phiến lá, nhuộm một màu vàng nhạt trên mỗi ngọn cỏ, làn nước suối trong veo sáng lấp lánh.
“Nhóc hãy vẽ khung cảnh này đi, anh còn ở đây hai ngày nữa, đợi nhóc mang tranh đến.”
Cậu thiếu niên im lặng một lát, rồi khẽ gật đầu.
“Cảm ơn anh.”
Nắng chiều vẫn dịu dàng như vậy, như muốn lan tỏa sự ấm áp đến với thế giới này..