Chuyện Thời Hồn Nhiên

Chương 14



Trên có trời, dưới có đất.

“Tôi, Lý An Tĩnh.”

“Tôi, Triệu Vi Vi.”

“Tôi, Lâm Lỗi.”

“Tại đây kết nghĩa thành chị em khác họ, từ đây về sau là người một nhà, tình nghĩa thâm sâu đến chết không phai, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia, không rời không bỏ.” Hướng lên trời cao thề xong, ba đứa con gái lấy kim may trong nhà chọc vào đầu ngón trỏ, nhỏ vào chén nước ba giọt máu, đợi máu loãng ra hòa lẫn vào nhau rồi mỗi người uống một ngụm.

Chén máu loãng kia có vị tanh, ba đứa không thể uống hết nên cuối cùng quyết định ném vỡ trên đất tế trời.

Vi Vi cau mày cầm chiếc bát gốm ném mạnh xuống nền gạch trong sân, chiếc bát kia lại không hư hại gì. Lâm Lỗi bước tới cầm chiếc bát chắc chắn kia lên, “Hay là không cần ném vỡ nó.”

“Nhưng mà phim kiếm hiệp đều vậy mà, đến lúc cuối bắt buộc phải ném vỡ bát đi, nếu không việc kết nghĩa chị em của chúng ta coi như không trọn vẹn.”

“Đó là người ta lên chiến trường giết giặc, chưa kể họ uống rượu, con gái như tụi mình không cần phải vậy.”

“Ừm, vậy cũng được.” Vi Vi ngậm ngón trỏ vào miệng để máu ngừng chảy, lấy sơn móng tay quý giá trong túi ra: “Mấy chị em, chúng ta có phúc cùng hưởng, sơn móng tay này mấy cậu muốn sơn không?”

“Tớ không muốn, cậu sơn cho Tĩnh Tĩnh đi.” Nhị Lỗi gần như đứng phắt dậy tránh Vi Vi ra, chắp tay sau lưng đi ra đầu kia sô pha.

Tôi vươn tay trái ra: “Vi Vi, tớ chỉ sơn một bàn tay thôi.”

Vi Vi mở chai sơn móng, mùi sơn khó chịu kia chẳng mấy chốc tràn ngập phòng. Cậu ấy cẩn thận phết đều lớp sơn đỏ lên móng tay tôi, dùng miệng thổi nhẹ như thể hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật.

“Sắp nghỉ hè rồi, hai cậu có kế hoạch gì không?” Nhị Lỗi hỏi.

“Ba tớ định dẫn nhà đi Thanh Đảo ngắm biển.” Mặt Vi Vi hiện lên vẻ mong đợi.

Từ nhỏ đã lớn lên trên mảnh đất này, chúng tôi chưa từng nhìn thấy biển thực sự, nghe Vi Vi nhắc đến biển thì không khỏi hâm mộ đến cực điểm.

“Sướng thế, lúc nào tớ cũng có thể đi xem biển thì thích quá.”

“Hay là tớ nói với ba, dẫn hai cậu đi cùng?” Vi Vi phát huy đủ phẩm chất có phúc cùng hưởng của chị em kết nghĩa.

Nhị Lỗi nói: “Nghỉ hè tớ muốn đến chỗ ba làm.”

Vi Vi bĩu môi: “Vậy còn cậu? Tĩnh Tĩnh, cậu theo nhà tớ đi Thanh Đảo ngắm biển đi.”

Tôi hơi chần chừ nhưng vẫn đồng ý: “Được!”

Nhưng mà ước nguyện đẹp đẽ này của tôi bị mẹ tát cho một cái từ chín tầng mây rơi xuống, bà tức giận dùng sạn gõ vào bếp: “Con chỉ thích chơi sung sướng, nhà Vi Vi đi Thanh Đảo không phải đi chơi, con còn đi theo, không sợ làm phiền thêm cho gia đình người ta sao.”

Tôi che cái má đỏ hồng vì bị mẹ tát, khó hiểu: “Không phải chơi thì họ đi Thanh Đảo làm gì?”

“Con nít con nôi đừng có hỏi nhiều, đi làm bài của con đi.”

Tôi giận dỗi về phòng, lấy bút bi vẽ hình xoắn ốc trên sách bài tập, khiến cuốn sách đang đẹp đẽ biến thành lộn xộn, sách vở vô tội thật đáng thương.

Sau đó trong bữa cơm tối, tôi mới nghe ba nói nhà Vi Vi đến Thanh Đảo để Vi Vi và Triệu Phi ở với bà ngoại những ngày cuối đời. Bà ngoại Vi Vi gần 70, được chẩn đoán mắc ung thư phổi thời kỳ cuối. Hoàng Thục Nhã ở nhà khóc suốt, bà từ Sơn Đông xa xôi gả đến đây, mười mấy năm trời số lần về quê ít ỏi. Ông chủ Triệu vì nghĩ đến cảm xúc của vợ mà tạm ngưng việc kinh doanh, dẫn cả nhà đi Thanh Đảo. Mà bạn học Vi Vi trước đó chẳng hay biết gì, cậy ấy vui vui vẻ vẻ sửa soạn cho mình thật xinh xắn, không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

Khi kỳ nghỉ hè đến, cuối cùng bệnh SARS chính thức qua đi, cuộc sống chúng tôi khôi phục lại nhịp sống trước đây, lớp học không còn nghe mùi chất khử trùng gay mũi, trong nhà không còn luôn luôn trang bị thuốc men với Rễ bản lam. Tôi ngồi ở cửa nhà, tiễn Nhị Lỗi đi trước, tiếp theo là tiễn gia đình Vi Vi, cảm thấy thương cảm vô cùng. Ba chị em kết nghĩa còn lại có mình tôi, xem ra mùa hè dài dằng dặc này phải cô đơn, nhàm chán trôi qua.

Ngày nghỉ hè đầu tiên, sự yên bình của thôn Hạ Thời bị phá vỡ bởi tiếng còi xe chói tai, xe cứu thương với tiếng báo động inh ỏi chạy ngang qua tiệm bán quà vặt, chạy vào thôn, cuối cùng ngừng trước cửa nhà Trương Gia Vũ.

Ở những địa phương nhỏ thì có động tĩnh gì mọi người đều biết. Mấy bà nội trợ phơi nắng chơi mạt chược nghe tiếng xe cứu thương thì vội vàng bỏ dở việc trong tay chạy tới, mấy người mặc áo blouse trắng từ xe bước xuống, một chiếc cáng nhanh chóng nâng từ trong nhà Trương Gia Vũ ra, bà nội Ngô nằm trên cáng rên khẽ, sắc mặt trắng bệch như giấy.

Bà cụ ra sân sau hái rau, không may vấp ngạch cửa, nặng nền ngã xuống nền xi măng. Vốn dĩ người lớn tuổi gân cốt không rắn chắc như người trẻ tuổi, một cú ngã này đã khiến tay trái hoàn toàn không thể nhúc nhích được. Nghe nói Trương Gia Vũ gọi cấp cứu 120, còn nhỏ nhưng cậu ấy bình tĩnh hơn cả người lớn. Trương Phong biết tin vội vã từ nhà máy chạy về, lấy mấy món quần áo rồi lại vội vàng chạy đến bệnh viện.

Mấy hàng xóm nhiệt tình chủ động tới giúp đỡ, tranh nhau muốn anh em Trương Gia Vũ đến nhà mình ăn cơm, hỗ trợ Trương Phong chăm sóc chuyện lớn nhỏ trong nhà. Đối mặt với sự tốt bụng của mấy cô chú, Trương Gia Vũ rất dứt khoát, cậu mang cặp, cầm mấy món đồ chơi của em gái, đến nhờ nhà Vương Lị Lị.

Vương Lị Lị đưa Trương Gia Vũ và em gái Trương Gia Như về nhà, dịu dàng nói: “Mấy ngày nay các con yên tâm ở nhà cô ăn cơm, coi như là nhà mình vậy, muốn ăn gì thì cứ nói với cô, đừng câu nệ.”

“Tĩnh Tĩnh, con ra đây đi.” Vương Lị Lị hét to về phía phòng ngủ con gái.

Tôi mặc bộ đồ ngủ cũ nát chạy ra ngoài, mặt không rửa, đầu không chải bù xù, y hệt bà điên.

“Cái con bé này, lười quá mức, mấy giờ rồi mà còn không biết dậy.” Mẹ ghét bỏ nhìn tôi, nói tiếp: “Mấy ngày này Gia Vũ với em gái ăn cơm nhà mình, con chăm sóc bạn.”

“Dạ được!” Tôi vui vẻ nói với Trương Gia Vũ: “Cậu đến thì tốt quá, bài tập hè tớ chưa làm được chữ nào, bài tập toán có thể dựa vào cậu rồi.”

“Không thành vấn đề, mình bao sân.” Trương Gia Vũ rất vui vẻ đồng ý.

Cậu ấy giải toán vừa nhanh vừa chuẩn, tôi ngồi bên cạnh nhìn đến sửng sốt, vừa chép đáp án vào vở mình vừa không kiềm chế được mà hỏi: “Đầu óc cậu không phải làm từ số đấy chứ? Sao lại có thể tính nhanh như vậy?” Trương Gia Vũ cười đắc ý, không trả lời tôi, chỉ tiếp tục vừa giải thích các bước cho tôi, còn kiên nhẫn hơn thầy toán chúng tôi nhiều.

Cậu ấy thực sự rất giỏi, tựa như không có gì có thể làm khó cậu ấy.

“Sau này lớn lên cậu muốn làm nghề gì?” Tôi tò mò hỏi.

“Bác sĩ.”

“Tại sao? Mẹ tớ nói người làm bác sĩ rất can đảm, mỗi ngày làm phẫu thuật sẽ nhìn thấy rất nhiều máu mẹ, rất đáng sợ.”

Đôi mắt Trương Gia Vũ có nỗi buồn đau mà tôi không thể thấu, cậu ấy nói: “Vì bác sĩ có thể chữa trị cứu được rất nhiều bệnh nhân.” Cậu đã từng tận mắt chứng kiến mẹ mình bị bệnh tật tra tấn, nhìn bà từ một người khỏe mạnh dần trở nên nhỏ gầy yếu ớt, đến mức gần như cậu không thể nhận ra. Cậu hy vọng mình có thể trở thành một bác sĩ cứu người, để thế giới này ít đi một phần đau thương, giảm đi một phần buồn thương chia ly.

“Cậu thì sao? Sau này cậu muốn làm gì?” Cậu ấy nhìn tôi, bình tĩnh chờ mong.

“Sau này tớ muốn mở một tiệm bán quà vặt ở trong thôn, làm bà chủ.” Tôi vỗ ngực, “Sau này cậu đến tiệm tớ, đồ ăn vặt muốn ăn bao nhiêu cũng được, tớ không lấy tiền.”

Mẹ tôi bưng nước cam đứng ở cửa nói không nên lời, “Đúng là vô dụng, sao mẹ lại sinh ra đứa con gái không có ý chí, không tương lai gì thế này vậy chứ!” Bà nhìn Trương Gia Vũ, mặt dịu dàng: “Gia Vũ, con làm con nuôi cô được không?”

Trương Gia Vũ ngượng ngùng gãi gãi đầu, tôi nhân cơ hội hô to: “mẹ! Con đói bụng rồi, cơm chín chưa ạ?”

“Chỉ biết ăn thôi, mẹ nuôi heo à?” Mẹ xỉ lên trán tôi, buông ly nước cam xuống đi vào bếp dọn cơm.

Sở trường của mẹ là làm mì rau chân vịt, chúng tôi bưng bát ngồi dưới giàn nho trong sân, thong thả ăn mì. Tôi không thích ăn rau nên rau với cà rốt trong chén tôi lựa ra hết, em trai bắt chước tôi, lựa rau ra.

“Hai đứa làm gì thế hả? Rau củ này dinh dưỡng cao, rất tốt cho cơ thể, không ăn coi chừng không cao lên nổi.” Mẹ giận dữ đập bàn.

“Nhưng mà nó dở lắm.” Nhìn thấy rau với cà rốt là tôi muốn nôn.

“Vậy con nhìn Trương Gia Vũ kìa, người ta có kén ăn không?”

Tôi ngẩng đầu liếc nhìn bát Trương Gia Vũ, cậu ấy thực sự ăn hết rau củ trong bát, còn ăn với vẻ thích thú, cậu nhóc này không đơn giản nhỉ. Mẹ quay lại giúp bà nội dọn cơm, Trương Gia Vũ khẽ huých cánh tay tôi, bảo tôi bỏ hết rau củ sang bát cậu ấy. Tôi nhân lúc không ai thấy, nhanh chóng lấy đũa gắp hết rau qua cho Trương Gia Vũ, sau đó cúi đầu nghiêm túc ăn. Mẹ về thấy không còn rau nữa thì mới không tiếp tục mắng tôi.

Em trai Hạo Hạo đột nhiên bán đứng tôi: “Mẹ, con cũng không muốn ăn rau.”

“Không được, chị con ăn hết rồi kìa, Hạo Hạo ngoan, ăn rau rồi sẽ cao lớn khỏe mạnh.”

“Chị không có ăn,” Hạo Hạo bĩu môi phản đối, “Rau của chị đều bị anh Gia Vũ ăn.”

Mẹ trừng mắt nhìn tôi, vì có mặt Trương Gia Vũ nên không làm tôi xấu hổ. Nhưng mà tránh được mùng một không trốn được mười lăm, sau đó một khoảng thời gian dài tôi bị bà giám sát ăn rất nhiều rau xanh và cà rốt. Thời gian đó đêm nào tôi cũng gặp ác mộng, mơ thấy mình vì ăn nhiều cà rốt quá mà biến thành một con thỏ, lại còn vì quá mập mạp nên bị ông chủ người Tứ Xuyên bán đầu thỏ cay mua về chế biến…

Kỳ nghỉ hè nhanh chóng kết thúc, Vi Vi Lâm Lỗi lần lượt về đến nhà. Vi Vi vì chuyện bà ngoại qua đời mà buồn bã một thời gian, nhưng cô ấy nhanh chóng quên mất bi thương, tiếp tục đam mê sự nghiệp làm đẹp của mình. Mà Lâm Lỗi thì không biết vì sao càng ít nói hơn so với trước kia, cô ấy thường ngồi ngẩn người trên sô pha, không muốn ra ngoài, cũng không muốn xem TV.

“Nhị Lỗi, đừng ở nhà buồn, chúng ta đến cây hòe chơi nhảy dây đi.” Tôi và Vi Vi đến nhà Lâm Lỗi, muốn dẫn cậu ấy ra ngoài giải sầu.

“Hai đứa mình mời cậu ăn kem nhé? Tiệm tạp hóa có một loại kem lưỡi xanh mới, còn động đậy nữa.”

Nhưng Lâm Lỗi nghe đến kem vẫn im lặng không lên tiếng như cũ.

“Nhị Lỗi, Nhị Lỗi? Cậu không nghe chúng tớ nói sao?”

Cậu ấy vùi người trong sô pha, mì ăn liền trên bàn đã lạnh tanh, chiếc nĩa trắng nhỏ dùng để ăn mì để bên cạnh.

“Nhị Lỗi… cậu không sao chứ?” Tôi duỗi tay nhẹ nhàng đụng vào vai Lâm Lỗi.

“Làm ơn đừng làm phiền tôi nữa!” Lâm Lỗi đột nhiên bật dậy, đi chân trần quay về phòng mình trên lầu hai, đóng sầm cửa lại.

Chúng tôi kinh ngạc trước phản ứng kịch liệt của cậu ấy.

“Cậu ấy bị sao vậy?” Tôi và Vi Vi đứng ở cửa, hai mặt nhìn nhau không biết làm sao.

“Cứ để cậu ấy ở một mình một lúc.” Tôi kéo Vi Vi rời khỏi nhà Nhị Lỗi.

Lâm Lỗi ném người xuống giường, òa khóc thành tiếng. Cô là đứa trẻ mạnh mẽ, không bao giờ dễ dàng bộc lộ nỗi buồn của mình ra bên ngoài. Cô kiên cường, can đảm, biết kiềm chế. Trong mắt mọi người là một đứa trẻ rất ngầu, nhưng rốt cuộc cô cũng chỉ là một đứa trẻ, cô cũng muốn được hành xử tùy tiện, cũng muốn làm nũng, cũng muốn được yêu thương được chiều chuộng, cũng muốn ba ở bên cạnh với mình. Nhưng mà ước mơ đơn giản bình dị của cô không thể nào thành hiện thực.

Trong kỳ nghỉ hè, Lâm Công dẫn đứa con gái thứ ba của mình, Lâm Lỗi, đi chơi trong thành phố phía nam nơi ông làm việc, dẫn cô đi ăn những món ăn vặt đặc sắc, những món trái cây nhiệt đới nổi tiếng, dẫn cô đến nơi ông làm việc, giảng giải cô nghe những phong tục địa phương, còn mua cho con gái chiếc ba lô đen mà cô vẫn mong muốn kia.

Mọi thứ ở đây đều rất mới mẻ với Lâm Lỗi. Cô trân trọng những ngày ở cùng ba, ban ngày ở trong căn phòng trọ nhỏ ông thuê làm bài tập, xem TV, đợi ba tan làm thì giúp ông nấu cháo, nấu mì; đến cuối tuần hai cha con ra ngoài đi dạo, thăm thú những điểm du lịch quanh thành phố. Đây là quãng thời gian vui vẻ hạnh phúc nhất trong ký ức của cô từ trước đến nay, mỗi giây mỗi phút đều quý giá.

Sau thời gian ngắn gặp nhau, cuối cùng ngày chia ly cũng đến. Lâm Công đưa con gái vào chỗ ngồi, ông đứng dưới sân ga vẫy tay chào tạm biệt con gái, dặn dò cô trên đường về phải chú ý an toàn, không được nói chuyện với người lạ, cũng không được ăn đồ ăn người lạ đưa cho.

“Ba, ba có thể về nhà cùng con, đừng đi làm bên ngoài nữa được không?”

“Con gái ngốc, ba phải ở ngoài kiếm tiền cho các con đi học.”

“Vậy con không đi học, con chỉ muốn ba về nhà.”

Lâm Công xoa đầu con gái, mỉm cười không đáp.

Lâm Lỗi quá nhớ ba, từ khoảnh khắc ngồi trên xe lửa cô đã bắt đầu khóc. Nhân viên trên tàu tưởng cô bị bắt nạt đến an ủi cô, hỏi cô bị sao, cô cũng không nói lời nào, chỉ khóc và khóc. Cuối cùng nhân viên bảo vệ cũng đến, mấy người đàn ông dẫn Lâm Lỗi đến toa xe nhà ăn, lấy đủ thức ăn ngon dỗ cô, Lâm Lỗi không dao động, nước mắt vẫn rơi không ngừng.

Ngay khi xe lửa đến ga, Lâm Lỗi ngưng khóc một cách thần kỳ. Cô từ chối sự giúp đỡ của nhân viên bảo vệ, lau khô nước mắt, xách hành lý, ngồi xe ba bánh về nhà.

Tâm trí bà Lưu đổ dồn trên bàn mạt chược, ngay cả con gái về nhà khi nào cũng không biết.

Lâm Lỗi sinh ra là một điều ngoài ý muốn của bà.

Năm đó sinh liên tiếp hai cô con gái, bà Lưu rất muốn sinh thêm đứa con trai. Bà tìm thầy chữa bệnh bốc thuốc, thậm chí còn lên núi cầu Quan âm tống tử.

Sau khi quay về không bao lâu thì bà mang thai. Lần mang thai này cơ thể phản ứng mạnh mẽ hơn hai lần trước, mấy người lớn tuổi nhìn bụng bà đều nói lần này chắc chắn là con trai. Lúc đó đến bệnh viện siêu âm bác sĩ không đề cập đến giới tính thai nhi, bà Lưu tốn hết công phu ba tấc lưỡi cũng không thể moi được thông tin giá trị nào từ miệng bác sĩ.

Vì sinh đứa con này, bà không chỉ vượt qua những nỗi đau khổ về thể xác mà còn phải ba ngày hai đầu chạy vào núi vì sợ nhân viên kế hoạch hóa gia đình bắt gặp.

Con còn chưa sinh, hai vợ chồng đã đặt tên cho con là Lâm Lỗi. Họ hy vọng tính cách đứa trẻ sẽ kiên cường như đá, cũng hy vọng cuộc đời con sau này yên ổn, quang minh lỗi lạc.

Cực khổ mang thai mười tháng, khi đứa bé sinh ra không khóc một tiếng, bác sĩ sợ tới mức tưởng đứa bé có vấn đề gì, vỗ mạnh vào mông đứa bé nó cũng không khóc, gương mặt bé xíu nghiêm nghị nhìn bác sĩ, rồi lại nhắm mắt tiếp tục ngủ.

“Đứa trẻ không sao chứ?!” Bà Lưu Xảo Ca nằm trên giường yếu ớt hỏi.

Bác sĩ cười cười: “Yên tâm, con bé rất cá tính, chưa từng thấy đứa bé nào rắn chắc như thế…”

Bà Lưu Xảo Ca nghe câu đó xong thì khóc đến hôn mê bất tỉnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương